Giới thiệu về Việt Nam
Việt Nam, tên chính thức là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là một vùng lãnh thổ có rất nhiều phong cảnh tự nhiên hùng vĩ và phong phú vào bậc nhất trên thế giới. Nó bao gồm những vùng châu thổ rộng lớn, những dãy núi đá vôi bị bào mòn tuyệt đẹp, núi ...
Việt Nam, tên chính thức là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là một vùng lãnh thổ có rất nhiều phong cảnh tự nhiên hùng vĩ và phong phú vào bậc nhất trên thế giới. Nó bao gồm những vùng châu thổ rộng lớn, những dãy núi đá vôi bị bào mòn tuyệt đẹp, núi rừng quanh năm mây phủ, những khu rừng ven biển với những đụn cát đỏ và rừng xen kẽ trảng cỏ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn chưa được nghiên cứu kỹ so với những nước khác có độ đa dạng sinh học cao. Tính từ giữa thế kỷ 20, chiến tranh và các bất ổn chính trị đã khiến việc nghiên cứu trở nên khó khăn và rất nhiều vùng trên đất nước không thể tiếp cận được. Bất luận những khó khăn trên, vì một số lý do đa dạng sinh học của Việt Nam thu hút sự chú ý của các nhà khoa học: đất nước này có độ đa dạng về các loài mang tầm quan trọng toàn cầu. Từ năm 1992, các nhà khoa học đã mô tả một số lượng rất lớn các loài mới, còn các loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở Việt Nam (hoặc trong một số trường hợp ở các vùng lân cận) lại chiếm một tỷ lệ cao.
Việt Nam cũng là nơi rất đa dạng về mặt văn hóa. Các nhà khoa học đã thống kê được 54 nhóm dân tộc tại Việt Nam. Trong cuốn sách này, chúng tôi sử dụng hệ thống phân chia dân tộc đã được công bố theo tài liệu của các chuyên gia xây dựng nên hệ thống này). Người Việt (hay người Kinh) có có số lượng nhiều nhất, chiếm hơn 85 phần trăm dân số. Sau người Việt, các nhóm dân tộc khác, mà mỗi nhóm có khoảng 1 triệu người (như dân tộc Tầy, Thái, Mường, Hoa, và Khơ Me) cho tới nhóm chỉ có vài trăm người (như người O’du và Ro’mam) (hình 1; phụ lục 1). Các nhà ngôn ngữ học phân chia các nhóm dân tộc của Việt Nam thành 8 nhóm tiếng nói thuộc 5 họ ngôn ngữ, những ngôn ngữ này bao trùm tất cả các ngôn ngữ hiện có ở Đông Nam Á nằm ở phía Nam sông Trường Giang ở Trung Quốc (bảng 1). Do phân bố rộng rãi ở khắp các vùng trên đất nước, các nhóm dân tộc có các phong tục pha trộn, bao gồm xăm, nhuộm răng đen, nhai trầu, thờ cúng động vật, vật tổ, và các nghi lễ và lễ hội khác nhau thể hiện sự trao đổi sâu rộng về văn hóa giữa các nhóm dân tộc tại Việt Nam và các nhóm dân tộc sống ở các nơi khác trong vùng Đông Nam Á.
Địa hình đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự phân bố của các loài động và thực vật cũng như đối với tác động qua lại giữa con người và môi trường. Với diện tích đất liền 330,591 km2, Việt Nam nhỏ hơn hai phần ba diện tích của Thái Lan, gần bằng diện tích nước Đức, và bằng khoảng ba phần tư diện tích tiểu bang California. Đất nước uốn cong giống như chiếc đồng hồ cát, mở rộng về phía hai châu thổ nằm ở phía Bắc và phía Nam và nằm giữa là dải hẹp miền trung có chỗ chỉ rộng có 50km. Biên giới phía bắc của Việt Nam giáp với hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc ngay phía dưới của đường biên giới phía Bắc của khu vực nhiệt đới (23o30’) và tận cùng phía Nam giáp với vịnh Thái Lan. Việt Nam có biên giới với Lào và Campuchia về phía Tây và giáp với biển Đông (còn gọi là biển Nam Trung Quốc) về phía đông.
Những mô tả về địa hình của Việt Nam thường nhấn mạnh đến phần đồi núi chiếm ba phần tư diện tích của đất nước, mặc dù một tỉ lệ lớn của phần địa hình này nằm ở độ cao trung bình. Một phần tư diện tích của đất nước nằm ở độ cao dưới 20m, chủ yếu là hai khu vực châu thổ và dải đồng bằng hẹp dọc ven biển Đông tại miền trung, trong khi một phần tư khác nằm ở độ cao trên 626m. Một nửa còn lại bao gồm đồi và dốc ở độ cao thấp hơn.
Vùng núi của Việt Nam nằm ở miền Bắc và miền Trung của đất nước. Dãy Hoàng Liên Sơn, nằm ở phía Tây của sông Hồng, là phần tận cùng phía Đông Nam của dãy Himalaya. Nó chạy từ hướng Tây Bắc sang Đông Nam song song với dòng chảy của sông Hồng. Đỉnh núi cao nhất của Việt Nam làFan Xi Păng, nằm trong khu vực này và có độ cao 3.143m so với mực nước biển. Một vài dãy núi nhỏ hơn nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, bao gồm cao nguyên Việt Bắc và Bắc Sơn (hình 3) và các vùng đá vôi lớn cũng xuất hiện tại đây. Các vùng cao nguyên miền Trung của Việt Nam thuộc dãy Trường Sơn (còn gọi là Annamite) có chiều dài 1.200km từ 20 độ vĩ bắc chạy dọc theo biên giới với Lào ở phía Tây và kết thúc ở phía nam của cao nguyên Đà Lạt tại phía Nam của miền Trung.
Hai vùng châu thổ lớn của Việt Nam, châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông Mê Kông ở phía Nam, có lẽ đây là hai vùng địa hình được biết đến nhiều nhất. Cả hai đều nằm ở độ cao trung bình chỉ vài mét trên mực nước biển, ở đây có dân số rất đông cũng như chủ yếu làm nông nghiệp. Hai vùng châu thổ này khác nhau rất nhiều về chế độ nước, về thời gian và mức độ lũ lụt, và quần thể động vật và thực vật. Sự khác biệt này bắt nguồn từ những khác nhau về mặt địa chất cũng như khí hậu giữa hai vùng và từ đặc tính của hai con sông chảy qua hai châu thổ này. Vùng ven bờ đất liền Việt Nam là vùng nước nông rất rộng lớn, hay vùng thềm lục địa ngập nước (một phần của vùng thềm lục địa Sunda) và hàng nghìn đảo nằm rải rác dọc theo bờ biển từ Bắc đến Nam. Các vùng đảo, Hoàng Sa và Trường Sa, khu vực còn đang tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Philippines nằm trên biển Đông giữa Việt Nam và Philippines (xem trang đầu). Những đảo không có người ở này, chủ yếu là vùng trồi san hô, có thể chứa phía dưới chúng các mỏ dầu với trữ lượng lớn.
Do hình dạng, địa hình, và vị trí nằm dọc theo rìa đất liền phía Đông Nam của châu Á, Việt Nam có rất nhiều chế độ khí hậu khác nhau. Vùng Đông Nam Á gắn liền với khí hậu gió mùa, hệ thống gió chính đổi ngược chiều theo mùa. Kiểu lưu thông gió mùa năng động này tạo ra hai mùa chính, mùa đông lạnh, khô và mùa hè nóng, ẩm. Nằm giữa hai mùa là các giai đoạn chuyển tiếp ngắn.
Mùa gió của mùa đông bắt đầu vào giữa tháng 11 và kéo dài đến tận cuối tháng 3. Trong thời gian này, gió mùa bắt nguồn từ vùng lạnh có áp suất cao nằm ở phía Đông của lục địa châu Á và đi xuống phía Nam về phía vùng nóng và áp suất thấp ở châu Úc (hình 4a). Các luồng khí đi từ cực này đi qua Siberia và Trung Quốc mang theo không khí lạnh xuống phía Bắc Việt Nam. Tháng 4 và tháng 5 là hai tháng chuyển tiếp sang mùa gió của mùa hè. Mùa gió này kéo dài đến cuối tháng 9. Trong mùa hè, gió mùa từ vùng áp suất cao ở phía Tây Nam mang không khí ẩm từ Ấn Độ Dương và vịnh Thái Lan đi vào nội địa của Trung Quốc (hình 4b). Nó gây ra mưa lớn ở Việt Nam, đặc biệt ở vùng núi. Tháng 10 và tháng 11 đánh dấu sự kết thúc của mùa mưa và chuyển tiếp tới một mùa đông khác. Sự khác biệt lớn về lượng mưa và thời gian mưa giữa các vùng khác nhau của Việt Nam chủ yếu là do các hình thức lưu thông khí này (hình 5).
Địa hình của Việt Nam ảnh hưởng đến nhiệt độ, độ ẩm và các chế độ mưa với mức độ khác nhau. Ở mức độ địa phương, khi độ cao địa hình tăng lên, nhiệt độ giảm và nước sẽ biến thành dạng sương, sương mù, mưa và sương đọng lại tạo thành các vùng mát hơn và ẩm hơn như trên đỉnh đồi và các sườn núi cao hơn. Ở mức độ vùng rộng lớn hơn, đồi và núi có ảnh hưởng đến khí hậu thông qua hiệu ứng che bóng mưa. Hiệu ứng này xảy ra khi các đám mây mang khí ẩm bay lên phía sườn núi có gió thổi như sườn phía Đông của dãy Trường Sơn. Khi lên cao gặp không khí lạnh, khí ẩm biến thành mưa. Khi luồng khí khô còn lại đi xuống phía dưới, nó bị nén lại và nóng lên, gây ra hiệu ứng khô ở sườn núi và vùng đồng bằng phía bên kia của dãy núi.
Khí hậu đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân bố của quần thể động vật và thực vật trong một vùng nhất định. Cả mùa khô kéo dài và đặc biệt là mùa đông lạnh giá gây áp lực lên động vật và thực vật và tạo ra các biên giới về mặt khí hậu cho các loài không thể sống trong các điều kiện này. Ở miền Bắc Việt Nam, từ biên giới với Trung Quốc cho tới 18o vĩ bắc (khoảng đèo Ngang), cả nhiệt độ lẫn lượng mưa đều thay đổi rất nhiều theo mùa. Mùa đông lạnh và ẩm kèm theo mưa nhỏ rải rác kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4, và sương giá thường xuyên xuất hiện ở các vùng núi cao. Tùy thuộc vào từng địa điểm, các chu kỳ khô có thể kéo dài từ không cho đến sáu tháng. Mùa hè nóng, oi bức và mưa nhiều kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Các tháng nóng nhất ở phía Bắc là tháng 6, tháng 7, và tháng 8, khi độ ẩm đạt từ 80 đến 100%. Tiếp xuống phía Nam (tới 16o vĩ bắc), nhiệt độ ít thay đổi theo mùa hơn và thời gian của mùa mưa cũng thay đổi, đặc biệt là giữa vùng ven biển và đất liền. Mùa đông mát, kèm theo mưa kéo dài từ mùa hè qua mùa thu và sang mùa đông và mùa khô kéo dài từ không cho đến ba tháng. Quanh khu vực ven biển của thành phố Huế, mùa lạnh kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3, kèm theo mưa phùn thường xuyên và kéo dài đến một tuần.
Tại các vùng đất liền phía Nam cho đến châu thổ sông Mê Kông, nhiệt độ ít chịu sự thay đổi theo mùa hơn so với các vùng phía Bắc có mưa vào mùa hè và mùa khô kéo dài từ không đến năm tháng. Trên vùng cao nguyên miền Trung, nhiệt độ thấp hơn và ẩm hơn, với mùa khô chỉ kéo dài có 3 tháng. Các vùng ven biển có mùa mưa vào mùa thu và đông (tháng 9 đến tháng 1) tiếp nối bằng mùa khô có thể kéo dài đến bảy tháng. Đi xa hơn về phía Nam của châu thổ sông Mê Kông, nhiệt độ khá nóng và ổn định trong cả năm. Mùa hè có mưa từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó mưa nhiều nhất vào tháng 7 và tháng 8. Mùa khô có thể kéo dài từ hai đến sáu tháng. Thời điểm nóng nhất là từ tháng 3 đến tháng 5, trong đó tháng 5 có độ ẩm cao.
Khí hậu cũng ảnh hưởng đến các vùng biển, với các dòng hải lưu lạnh chuyển động dọc theo các bờ biển từ Đông Bắc xuống Tây Nam và dòng hải lưu ấm chuyển động từ Tây Nam lên Đông Bắc. Phía nam của đèo Hải Vân (khoảng 16o vĩ bắc), nước biển luôn giữ ở mức 20oC quanh năm. Ngược lại, nhiệt độ nước biển ở phía Bắc có thể xuống tới 13oC vào mùa đông.
Việt Nam nằm ở phía bắc của vùng chuyển tiếp sinh học nổi tiếng – đôi khi được gọi là Wallacea – là cầu nối giữa hai quần thể động vật và thực vật khác nhau của châu Á và châu Úc. Bên trong Việt Nam, sự chuyển tiếp diễn ra tại các độ cao khác nhau và tại các vĩ độ địa lý khác nhau. Ví dụ, phía Đông của sông Hồng, thực vật và động vật của vùng núi đá vôi phía Tây Bắc của Việt Nam giống với khu hệ động thực vật của Nam Trung Quốc. Về phía Tây của sông Hồng, dãy Hoàng Liên Sơn giống với vùng cận nhiệt đới chân núi phía Đông Nam của dãy Himalaya; vào mùa xuân, biển hoa đỗ quyên hồng vàng và trắng (chi Rhododendron) trang điểm sườn núi phía trên của nó. Trái lại, thảm thực vật phía Nam của Việt Nam lại giống với vùng đồng bằng nhiệt đới của lục địa Đông Nam Á vì có rừng cây rụng lá một mùa và các quần thể của đầm lầy than bùn. Dãy Trường Sơn ở miền Trung là vùng chuyển tiếp giữa những quần thể cận nhiệt đới và nhiệt đới này. Vùng này có rất nhiều loài đặc hữu.
Hòa bình mang lại rất nhiều lợi ích như tăng khả năng tiếp cận đến các vùng biên giới của quốc gia và các vùng được bảo vệ mà trước đây các nhà khoa học chỉ được tiếp cận một cách hạn chế. Một phần vì sự nhậy cảm về chính trị, những vùng này lưu giữ phần lớn các khu rừng còn lại của Việt Nam. Sự ổn định về chính trị đi kèm với chính sách mở cửa hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài và các nhóm nghiên cứu hỗn hợp đa quốc gia đã đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu đa dạng sinh học của Việt Nam (khung 1).
Kết quả là, kể từ thập kỷ cuối của thế kỷ 20, các nhà khoa học đã khám phá được những điều kỳ diệu. Những phát hiện của họ bao gồm cả những loài chưa từng được biết đến trong khoa học cũng như một số lượng lớn những loài đã biết nhưng chưa được ghi nhận tại Việt Nam (xem các phần phụ lục 3 và 4). Một trong những khám phá đầu tiên và lý thú nhất là phát hiện ra không chỉ một loài mới mà cả một giống mới của thú có móng guốc, Saola (Pseudoryx nghetinhensis; khung 2). Việc phát hiện loài bò hoang dã trông giống như linh dương này tại Việt Nam và nước láng giềng Lào vào năm 1992 đã gây được sự chú ý trên toàn thế giới bởi vì đây là loài động vật sống trên cạn lớn nhất thế giới được tìm thấy kể từ năm 1937, khi các nhà khoa học mô tả con Kouprey (Bos sauveli), một loài thú móng guốc khác ở Đông Nam Á. Cũng như Saola, nhiều động vật có vú khác được mô tả vào năm 1992 có kích thước cơ thể rất lớn, như ba loài hươu mới, Hươu sao (Tragulus versicolor), Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), và Mang Trường Sơn (M. truongsonensis) và một phân loài Voọc Chân xám (Pygathrixnemaeus cinerea), một số người cho là đây là loài mới (P. cinerea).
Những loài mới khác gồm có Dơi muỗi (Myotis annamiticus), Chuột chù Núi (Chodsigoa caovansunga), và Thỏ vằn (Nesolagus timminsi). Họ hàng gần gũi nhất của loài này chỉ có phân bố hẹp ở đảo Sumatra của Indonesia. Ba loài chim mới, đều là chim khướu, được phát hiện tại cao nguyên miền trung Kon Tum từ năm 1999: Khướu vằn Đầu đen (Actinodura sodangorum), Khướu Ngọc Linh (Garrulax ngoclinhensis), và Khướu Kon Ka Kinh (G. konkakinhensis). Những loài mới được tìm thấy tại Việt Nam trong thời gian từ năm 1992 đến năm 2004 bao gồm 3 loài rùa, 15 loài thằn lằn, 4 loài rắn, 31 loài ếch, và hơn 45 loài cá. Rất nhiều loài mới của các nhóm sinh vật ít được nghiên cứu hơn đã được mô tả: từ năm 2000 đến năm 2002, các nhà khoa học đã mô tả hơn 500 loài động vật không xương sống, và các chuyên gia ước tính là Việt Nam còn có hàng nghìn loài chưa được khoa học biết đến. Nhữngphát hiện về thực vật bao gồm hơn 200 loài thực vật có mạch, trong đó có loài thông rất đặc biệt, Bách tán Vàng Việt Nam (Xanthocyparis vietnamensis).
Những khám phá này đi kèm theo việc tái phát hiện những loài được cho là đã tuyệt chủng. Năm 1988, một người thợ săn địa phương đã bắn chết một cá thể cái trưởng thành của phân loài Tê Giác Một sừng (Rhinoceros sondaicus annaniticus) tại tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130km về hướng đông bắc. Tê Giác Một sừng là loài tê giác hiếm nhất; quần thể duy nhất được biết nằm bên ngoài Việt Nam có 50 đến 60 cá thể thuộc một loài phụ khác (R. s. sondaicus) phân bố tại vùng tây nam của đảo Java. Sau đó các nhà khoa học đã xác nhận một quần thể gồm có 5 đến 8 cá thể sống dọc theo sông Đồng Nai tại vườn Quốc gia Cát Tiên. Ba loài thú được tái phát hiện lần đầu tiên tại Đông Nam Á kể từ khi chúng được mô tả và thu mẫu: Lợn Heude (Sus bucculentus; mô tả tại Việt Nam năm 1891, phát hiện lại tại Lào năm 1997), Mang Roosevelts (Muntiacus rooseveltorum; mô tả năm 1929, phát hiện lại năm 1999 đều ở Lào), và voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus; mô tả năm 1912, phát hiện lại năm 1992, đều ở Việt Nam). Hai loài chim đặc hữu tại Việt Nam cũng đã được tái phát hiện: Gà lôi Mào trắng (Lophura edwardsi) và Mi Langbian (Crocias langbianis). Khướu Mun (Stachyris herbeti) được ghi nhận tại Việt Nam vào năm 1995, đây là lần đầu tiên loài này được bắt gặp kể từ khi nó được mô tả tại Lào vào năm 1920.
Mỗi loài được phát hiện (hoặc phát hiện lại) là một đóng góp cụ thể cho việc nghiên cứu đa dạng sinh học của Việt Nam. Tuy nhiên, tập hợp các danh sách liệt kê các loài mới hoặc phát hiện lại chỉ là một trong những phương pháp mô tả đa dạng sinh học của đất nước. Những danh sách này không nêu lên những loài cần đặc biệt quan tâm, chẳng hạn như loài đặc hữu hoặc bị đe dọa. Những danh sách này là sự đánh giá hoàn toàn sai lệch khi cần so sánh đa dạng sinh học giữa các vùng khác nhau. Để thống kê đầy đủ hơn khu hệ động và thực vật hiện nay của Việt Nam, các nhà khoa học cần sử dụng hai cách tính độ đa dạng sinh học