Quyền và trách nhiệm của Công đoàn cơ sở
Quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế Sau khi tập thể lao động thảo luận và nhất trí nội dung thoả ước lao động tập thể, ...
Quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế
Sau khi tập thể lao động thảo luận và nhất trí nội dung thoả ước lao động tập thể, công đoàn cơ sở đại diện người lao động ký thoả ước lao động tập thể với người đứng đầu doanh nghiệp.
Khi người lao động yêu cầu, công đoàn cơ sở có trách nhiệm giúp người lao động ký hợp đồng lao động cá nhân với doanh nghiệp theo đúng pháp luật.
* Đối với doanh nghiệp Nhà nước
Công đoàn cơ sở phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp tổ chức Đại hội công nhân viên chức để người lao động tham gia ý kiến vào việc quản lý doanh nghiệp.
Công đoàn cơ sở tham gia ý kiến với Giám đốc doanh nghiệp trong việc quản lý sản xuất, kỹ thuật, bảo tồn giá trị và phát triển vốn của Nhà nước giao cho doanh nghiệp, đấu tranh ngăn chặn mọi hiện tượng tiêu cực; phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp trong việc tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của doanh nghiệp.
Công đoàn cơ sở và Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp.
Khi giải quyết vấn đề tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, thi hành kỷ luật đối với người lao động, Giám đốc doanh nghiệp và công đoàn cơ sở phải thực hiện theo đúng quy định.
Công đoàn cơ sở phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp lập kế hoạch sử dụng quỹ phúc lợi đưa ra Đại hội công nhân viên chức thảo luận và quyết định. Trong trường hợp phải sử dụng quỹ phúc lợi để chi tiêu đột xuất (do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh), Giám đốc doanh nghiệp cùng công đoàn cơ sở quyết định và phải báo cáo lại với Đại hội công nhân viên chức trong kỳ họp gần nhất.
Việc sử dụng quỹ phúc lợi của doanh nghiệp phải theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước. Công đoàn cơ sở có quyền kiểm tra và đình chỉ việc sử dụng quỹ phúc lợi trái với chính sách của Nhà nước và quyết định của Đại hội công nhân viên chức.
* Đối với các hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải
Công đoàn cơ sở phối hợp với Ban quản trị và Ban kiểm tra của hợp tác xã tổ chức đại hội xã viên theo quy định Điều lệ Hợp tác xã; động viên mọi người thực hiện nghị quyết đại hội xã viên.
Công đoàn cơ sở tham gia ý kiến với Ban quản trị hợp tác xã giải quyết việc làm cho người lao động, sản xuất kinh doanh có hiệu quả; tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm; phân phối và sử dụng thu nhập theo đúng điều lệ hợp tác xã; chăm lo đời sống của người lao động, đấu tranh ngăn chặn những hiện tượng vi phạm chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước.
Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng trong hợp tác xã có quyền đề nghị công đoàn cơ sở đại diện cho mình để giải quyết các vấn đề về lợi ích theo chính sách, pháp luật của Nhà nước và hợp đồng lao động đã ký.
* Đối với doanh nghiệp tư nhân
Công đoàn cơ sở đại diện cho tập thể lao động thương lượng và ký thoả ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp; giúp người lao động ký hợp đồng lao động cá nhân;
Công đoàn cơ sở có quyền giám sát và yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ, chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề khác có liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động; có quyền kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật về lao động, và các chính sách, pháp luật khác của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Khi không đồng ý với việc giải quyết của chủ doanh nghiệp và công đoàn cơ sở về những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ và lợi ích của mình, người lao động hoặc tập thể lao động có quyền kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Khi buộc người lao động thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì chủ doanh nghiệp phải thảo luận và nhất trí với công đoàn cơ sở. Trường hợp hai bên không nhất trí, hoặc người lao động không nhất trí thì chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động.
* Đối với xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Người lao động trong xí nghiệp có quyền tự do thành lập tổ chức công đoàn, hoạt động theo Luật công đoàn và trên cơ sở Điều lệ của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Là tổ chức của người lao động, tổ chức công đoàn trong xí nghiệp có chức năng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người lao động; đại diện cho tập thể lao động trong các vấn đề giữa họ với xí nghiệp, tiến hành việc thương lượng tập thể nhằm đảm bảo cho quan hệ lao động trong xí nghiệp được ổn định, giúp cho sản xuất được phát triển.
Giám đốc xí nghiệp phải tôn trọng quyền thành lập và hoạt động công đoàn của người lao động, tôn trọng vai trò của tổ chức công đoàn, có trách nhiệm cung cấp phương tiện, thông tin, tạo những điều kiện thuận lợi cho việc thường xuyên trao đổi ý kiến, thương lượng tập thể và cho việc thực hiện các chức năng của công đoàn.
trong các cơ quan (gồm đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội)
Công đoàn cơ sở phối hợp với Thủ trưởng cơ quan tổ chức cho cán bộ công nhân viên tham gia xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác chuyên môn, tổ chức phong trào thi đua nhằm động viên cán bộ, công nhân viên trong cơ quan thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và chương trình, kế hoạch công tác chuyên môn đề ra.
Khi cần thiết, công đoàn cơ sở tham gia ý kiến với thủ trưởng cơ quan trong việc cải tiến tổ chức, lề lối làm việc nhằm nâng cao hiệu suất công tác; thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật có liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích của cán bộ công nhân viên.
Thủ trưởng cơ quan và công đoàn cơ sở phải thực hiện đúng quy định trong việc quyết định các vấn đề tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, thi hành kỷ luật đối với cán bộ, công nhân viên.
Thủ trưởng cơ quan bàn với công đoàn cơ sở việc phân phối và sử dụng các nguồn thu hợp pháp có liên quan đến nghĩa vụ và lợi ích của cán bộ, công nhân viên đúng với chủ trương, chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công đoàn cơ sở và Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
Tiêu chuẩn của công đoàn cơ sở vững mạnh trong các doanh nghiệp Nhà nước
- Công đoàn đại diện người lao động ký kết thoả ước lao động tập thể với Giám đốc doanh nghiệp và giám sát thực hiện được các nội dung đã cam kết;
- Phát hiện và tham gia giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động đúng pháp luật;
- Phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp mở Đại hội công nhân viên chức có nội dung thiết thực, có phong trào thi đua lao động giỏi góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội của doanh nghiệp;
- Người lao động có đủ việc làm; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc không có tai nạn lao động, sự cố cháy nổ nghiêm trọng;
- Chỉ đạo chặt chẽ nội dung hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, không có các hiện tượng tiêu cực;
- Vận động người lao động tham gia các hoạt động xã hội có kết quả, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu về dân số kế hoạch hoá gia đình;
- Thực hiện có nền nếp việc tuyên truyền, phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật trong người lao động;
- Tham gia với Giám đốc doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động;
- Phát triển đoàn viên công đoàn đạt từ 80% trở lên trong công nhân lao động;
- Bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ công đoàn;
- BCH công đoàn hoạt động có hiệu quả thiết thực;
- Xây dựng được 60% số tổ công đoàn, công đoàn bộ phận vững mạnh;
- Bảo đảm thu, chi và quản lý tài chính đúng quy định;
- Có quy chế phối hợp công tác giữa BCH công đoàn cơ sở với Giám đốc doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn của công đoàn cơ sở vững mạnh trong các hợp tác xã sản xuất, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải và tiểu thủ công nghiệp
- Ban Chấp hành công đoàn phối hợp với Ban quản trị hợp tác xã tổ chức Đại hội xã viên theo định kỳ để quyết định phương hướng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và phương án phân phối lời lỗ đảm bảo dân chủ, công bằng;
- Các hoạt động của công đoàn góp phần thiết thực trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, không có tai nạn lao động, hạn chế bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ nghiêm trọng xảy ra;
- Có phong trào thi đua lao động giỏi, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội xã viên;
- Có nhiều hình thức hoạt động xã hội, tương trợ nhau khi khó khăn; đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu về dân số kế hoạch hoá gia đình;
- Thực hiện có nền nếp việc tuyên truyền, phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật trong xã viên và người lao động;
- Tham gia với Ban quản trị có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động;
- Phát triển đoàn viên công đoàn đạt từ 60% trở lên trong xã viên;
- BCH công đoàn hoạt động có hiệu quả;
- Xây dựng được 60% số tổ công đoàn, công đoàn bộ phận vững mạnh;
- Tạo được nguồn kinh phí để hoạt động;
- Bảo đảm thu, chi và quản lý tài chính đúng quy định;
- Có quy chế phối hợp công tác giữa BCH công đoàn cơ sở với Ban quản trị hợp tác xã.
Tiêu chuẩn của công đoàn cơ sở vững mạnh trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Giúp đỡ người lao động ký hợp đồng lao động, và đảm bảo 100% người lao động có hợp đồng lao động;
- Công đoàn đại diện người lao động ký kết thoả ước lao động tập thể với người đứng đầu doanh nghiệp, công ty; giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể;
- Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, không có tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ nghiêm trọng;
- Phát hiện và tham gia với người đứng đầu doanh nghiệp, công ty giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động đúng pháp luật;
- Vận động người lao động tham gia các hoạt động xã hội;
- Thực hiện có nền nếp việc tuyên truyền, phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật trong người lao động;
- Tham gia với người đứng đầu doanh nghiệp, công ty bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động;
- Phát triển đoàn viên công đoàn đạt từ 50% trở lên trong người lao động;
- Xây dựng được nội dung hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho tổ công đoàn, công đoàn bộ phận biết hoạt động;
- BCH công đoàn hoạt động có hiệu quả;
- Xây dựng được 60% số tổ công đoàn, công đoàn bộ phận vững mạnh;
- Bảo đảm thu, chi và quản lý tài chính đúng quy định;
- Có quy chế phối hợp công tác giữa BCH công đoàn cơ sở với người đứng đầu doanh nghiệp, công ty.
Tiêu chuẩn của công đoàn cơ sở vững mạnh trong các đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội
- Công đoàn phối hợp với thủ trưởng cơ quan thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ quan (quy chế dân chủ ở cơ sở);
- Tham gia cải tiến tổ chức, lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc;
- Tổ chức phong trào thi đua thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ và chương trình công tác;
- Chỉ đạo chặt chẽ nội dung hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;
- Tham gia với thủ trưởng cơ quan kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật về lao động;
- Vận động cán bộ, công chức, viên chức hoạt động xã hội có hiệu quả và đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu về kế hoạch hoá gia đình;
- Thực hiện có nền nếp việc phổ biến và tổ chức nghiên cứu chủ trương, chính sách của Đaníg, pháp luật của Nhà nước;
- Tham gia với thủ trương cơ quan có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên;
- Phát triển đoàn viên công đoàn đạt tỷ lệ 90% trong cán bộ công nhân viên;
- Xây dựng được 60% số tổ công đoàn, công đoàn bộ phận vững mạnh;
- Bảo đảm thu, chi và quản lý tài chính đúng quy định;
- Có quy chế phối hợp công tác giữa BCH công đoàn cơ sở với Thủ trưởng cơ quan đơn vị.
Tiêu chuẩn của nghiệp đoàn vững mạnh
- Nghiệp đoàn phổ biến, hướng dẫn kịp thời các chế độ, chính sách pháp luật có liên quan đến việc hành nghề, nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động;
- Động viên mọi người thi hành nghiêm chỉnh pháp luật, không ai vi phạm pháp luật; bảo đảm trật tự trị an, an toàn lao động;
- Thực hiện việc phân phối kết quả lao động dân chủ, công bằng;
- Chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người hành nghề;
- Đoàn kết giúp đỡ nhau nâng cao tay nghề và kinh nghiệm hành nghề;
- Vận động đoàn viên và người lao động tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng “quỹ đoàn kết tương trợ” thăm hỏi, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn;
- Đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu về dân số kế hoạch hoá gia đình;
- Phát triển đoàn viên nghiệp đoàn đạt từ 50%trở lên trong số người lao động;
- Xây dựng nội dung hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho tổ nghiệp đoàn, nghiệp đoàn bộ phận biết hoạt động;
- Tích cực tạo nguồn kinh phí để hoạt động. Bảo đảm thu chi và quản lý tài chính đúng quy định.
Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vai trò của Công đoàn không ngừng được nâng cao. Công đoàn không chỉ tổ chức, thành lập trong khu vực Nhà nước mà còn phải mở rộng phạm vi hoạt động ra các thành phần kinh tế khác để tập hợp đông đảo công nhân lao động vào tổ chức Công đoàn. Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động cho phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế nhà nước ngày càng thu hẹp từ 12.600 doanh nghiệp (năm 1990) đến ngày 31.12.2003 chỉ còn 5.231 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhà nước trung ương là 1.903, doanh nghiệp nhà nước địa phương là 3.328. Theo chiến lược sắp xếp, phát triển doanh nghiệp từ nay đến năm 2010 thì nhà nước chỉ giũ lại khoảng 2.500 doanh nghiệp, số còn lại sẽ cổ phần hóa, bán khoán, cho thuê.
Trước năm 1990, cả nước gần như không có doanh nghiệp kinh tế khu vực ngoài quốc doanh, chỉ có các hộ kinh doanh cá thể. Đến năm 1992, cả nước đã có 2.885 doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, 550 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Đến đầu năm 2004, cả nước đã có 49.492 doanh nghiệp ngoài thành phần kinh tế nhà nước. Lĩnh vực đầu tư nước ngoài có 2040 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 1337 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, 677 doanh nghiệp liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài. Tổng số lao động khu vực ngoài thành phần kinh tế nhà nước là 1.994.135 người.
Trong những năm qua, công đoàn các cấp đã xây dựng được 10.434 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, hội nghề nâng tổng số Công đoàn cơ sở trong cả nước đến đầu năm 2004 lên 58.619 công đoàn cơ sở với 4.055.720 đoàn viên.