Gia thông đại vương hay truyền thuyết về Phục Man tướng quân

Tiền, hậu Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương - P1 Truyền thuyết về Việt quốc công Lý Thường Kiệt Đại vương người làng Cổ Sở, sau đổi là An Sở, thuộc huyện Đan Phượng, Hà Tây ngày nay, sống vào khoảng cuối thời nước ta thuộc Lương (540), có công theo giúp Lý Nam Đế, lập được nhiều ...

  • Tiền, hậu Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương - P1

  • Truyền thuyết về Việt quốc công Lý Thường Kiệt

Đại vương người làng Cổ Sở, sau đổi là An Sở, thuộc huyện Đan Phượng, Hà Tây ngày nay, sống vào khoảng cuối thời nước ta thuộc Lương (540), có công theo giúp Lý Nam Đế, lập được nhiều chiến công hiển hách.

Đại Vương khi còn trẻ tuổi có sức khoẻ phi thường, đã từng trị được voi dữ, lại tinh thông võ nghệ và cưỡi ngựa, bắn cung cũng thật giỏi. Tư cách, đức độ của Đại Vương lại thực hơn người, nên đi đến đâu cũng được mọi người mến phục.

Khi ấy dân ta sống dưới ách thống trị của ngoại bang, phải chịu trăm bề điêu đứng. Các anh hùng hào kiệt muốn liên kết với nhau để chống lại, lúc đầu thường phải dấu họ đổi tên để khỏi bị bọn giặc giết hại.

 Năm 541, Lý Bí đang làm chức giám quân ở châu Cửu Đức (vị trí huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh bây giờ) đã liên kết với các hào kiệt phất cờ khởi nghĩa. Đại Vương theo giúp Lý Bí ngay từ lúc bấy giờ đã lập được nhiều công lớn.

Sau khi chiếm Cửu Đức, Lý Bí đem quân ra đánh thành Long Biên. Thứ sử Giao Châu lúc bầy giờ là Tiêu Tư phải bỏ chạy về Quảng Châu.

Mùa xuân năm 544, Lý Bí lên ngôi vua xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, rồi dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội và phong tước hiệu cho các quan.

Sau khi nhận tước hiệu, Đại Vương lại cầm quân ra trấn thủ biên giới ở miền Đỗ Động. Đây là nơi xa xôi, hiểm trở, các đảng trộm cướp thường nổi lên cướp bóc, làm cho dân tình điêu đứng. Đại Vương thi hành chính sách vừa nghiêm khắc vừa khoan hoà, nên chẳng bao lâu miền ấy đã ổn định. Các kẻ hùng trưởng đều phải nín hơi, bọn trộm cướp phải về hàng phục và dân chúng thì yên vui, chăm lo làm ăn sinh sống.

Quân Lâm Ấp (tức Chiêm Thành) vào cướp quận Nhật Nam, tiến vào tận châu Cửu Đức, Lý Nam Đế triệu hồi Đại Vương về Kinh, giao cho cầm binh chống giặc.

Đại Vương dẫn quân đi, đánh tan quân Lâm Ấp. Khi  tin thắng trận báo về Kinh đô, Lý Nam Đế bảo các quan: "Thật tre già mới biết dao sắc, đất nước có gian nguy mới biết người tài giỏi. Đỗ Động tướng quân quả thật là bậc hào kiệt, dẫu danh tướng đời xưa cũng không hơn được, nên ta cần phải trọng thưởng để nêu gương".

Khi Đại Vương về triều, nhà vua cho đổi họ của Ngài thành họ Lý, theo họ nhà vua. Tên của Ngài cũng đổi thành Phục Nam, tức là người đã có công khuất phục được các "rợ" ở miền biên giới.

Nhân có nàng công chúa đến tuổi gả chồng, Lý Nam Đế cho làm lễ thành hôn với Lý Phục Nam, và thăng cho Ngài lên chức Thái uý, đứng đầu các quan võ.

*
*        *

Lý Thái uý đã chẳng phụ lòng mong mỏi của nhà vua. Khi xử đoán các việc, Ngài luôn luôn theo lẽ công bằng, còn bản thân thì thanh liêm, chính trực. Những kẻ lộng quyền phải vào khuôn phép, người có công được ban thưởng, còn ai oan trái thì được minh xét tỏ tường. Trong triều ngoài nội vì thế,ai cũng kính phục, gọi Ngài là Phục Man tướng quân.

Dẫu sao thì chính thể của triều đại Lý Nam Đế cũng mới là chính thể độc lập đầu tiên, vì vậy nhiều thứ hãy còn bỡ ngỡ, chưa vào qui củ. Vì vậy, những vùng ở xa Kinh đô, nhất là ở nơi biên giới, các hào trưởng, tù trưởng thường hay xưng hùng xưng bá, không chịu phục tùng chính quyền trung ương. Bất đắc dĩ, Lý Nam Đế lại phải phái Lý Thái uý lên giữ đất Đường Lâm, là vùng nổi tiếng cứng đầu, cứng cổ nhất lúc bấy giờ. Kể từ khi Thái uý đến trị nhậm, vùng đất ấy lại được yên bình.

Cuối mùa hạ năm 545, nhà Lương sai Trần Bá Tiên đem đại binh đi đánh Giao Châu. Lý Nam Đế đem ba vạn quân ra chống cự, nhưng vì quân số ít hơn, lại trang bị kém hơn nên đã bị thua ở Chu Diên, rồi ở cửa sông Tô Lịch. Nhà vua phải rút về thành Gia Ninh. Quân Lương đuổi theo vây thành.

Sang đầu năm sau, năm 546, Trần Bá Tiên đánh lấy được thành Gia Ninh. Lý Nam Đế chạy vào đất của người Lạo ở Tân Xương. Quân Lương đóng ở cửa sông Gia Ninh.

Đầu tháng tám năm ấy, sau khi củng cố lực lượng, Lý Nam Đế định tổ chức một cuộc phản công lớn với hai vạn quân và rất nhiều thuyền bè, đang tập trung ở hồ Điển Triệt .

Lừa lúc đêm tối, nước sông Cái dâng lên cao, đổ tràn vào hồ trong mùa mưa bão, Trần Bá Tiên cho thuyền theo dòng nước vào đánh quân của Lý Nam Đế.

Do bị bất ngờ, quân của Lý Nam Đế bị tan vỡ, phải rút sâu vào động Khuất Lạo. Tại đây, Lý Nam Đế lại tiếp tục củng cố lực lượng, rồi giao toàn bộ thuỷ binh cho Triệu Quang Phục tiến đánh thuỷ binh của Trần Bá Tiên.

Triệu Quang Phục là một tướng trẻ tài năng và có nhiều mưu lược, đã chỉ huy thuỷ binh là những người Việt thông thạo sông nước, đánh nhau với Trần Bá Tiên nhiều trận, chưa phân thắng bại. Nhận thấy quân địch  đông hơn, Triệu Quang Phục rút về phòng ngự ở đầm Dạ Trạch, rồi sau đó phản công, giết tướng giặc Dương Sằn và xây dựng lại nền độc lập cho nước nhà.

*
*        *

Còn lại nói về Lý Nam Đế và Lý Thái uý. Sau khi giao thuỷ binh cho Triệu Quang Phục, Lý Nam Đế ở lại động Khuất Lạo, với quân sĩ phần lớn là người Di, Lạo. Và Lý Thái uý, từ khi quân Lương sang xâm lấn, đã mang quân từ Đường Lâm về Kinh để cùng nhà vua chống giặc. Sau mấy trận thất bại, Thái uý cũng về với  nhà vua ở động Khuất Lạo và nắm giữ binh quyền phần lớn là người Di, Lạo đó.

Sang năm sau, năm 547, Lý Nam Đế mất, do tuổi cao sức yếu, lại ở miền lam chướng, và cả nỗi lo phiền. Thái uý, một mặt lo mai táng cho Lý Nam Đế, mặt khác cũng sai quân sĩ phòng bị ở những nơi hiểm yếu. Tuy nhiên, sự phản trắc lại xảy ra ở một hướng khác.

Ấy là những người lính Di, Lạo mà từ trước đến bây giờ, hầu như họ chỉ là thần dân của một vùng giang sơn riêng vậy. Khi Lý Nam Đế có đông đảo quân lính người Việt thì họ theo, còn bây giờ, quân lính người Việt đã rút đi (theo Triệu Quang Phục) và Lý Nam Đế cũng đã mất, thì họ không chịu theo nữa.

Lý Thái uý tuy hiểu rất rõ tình thế này, nhưng một mặt phải chịu mệnh vua, không thể từ chối mà không ở lại, mặt khác, nếu có lo đối phó lại họ thì cũng không đủ lực lượng, vì số người Việt ở lại còn quá ít. Vì thế, Ngài chẳng còn kế sách gì hơn là phải chịu nương theo số phận, để chờ cơ hội khác.

Vào một đêm, Ngài đã đi ngủ, bỗng thấy xung quanh nhà lửa sáng rực trời, quân Di Lạo lũ lượt kéo đến vây bọc. Ngài cùng các gia tướng đánh phá vòng vây chạy ra. Quân Di Lạo đuổi theo, rồi vốn quen thung thổ,  đã chặn hết các lối. Lý Thái uý cùng gia tướng chiến đấu cho đến lúc sức cùng lực kiệt. Và khi bị thương, biết chạy cũng vô ích, Ngài bèn trở ngược kiếm, đâm thẳng vào ngực mình.

Quân Di Lạo dầu sao thì cũng không phải là giặc cướp nước như quan quân nhà Lương. Điều đơn giản là họ chỉ muốn sống cuộc sống theo cách quen thuộc của họ, và không muốn có người ngoại tộc chen vào. Vì vậy, sau khi Lý Thái uý mất, họ không tìm cách trả thù, tức là họ vẫn để nguyên thi thể của Ngài ở đấy mà không vứt bỏ hoặc huỷ hoại.

Chính vì vậy, khi nhận được tin này, người nhà đã từ Cổ Sở, lặn lội tìm đến, mang linh cữu của Ngài về quê nhà mai táng. Phần mộ của Ngài được đặt ở cạnh bến Ngọc Tân, đó cũng là tên con sông nhỏ đã chảy qua vùng này.

*
*        *

Gần 500 năm sau, khi Lý Thái Tổ từ Hoa Lư rời đô ra Thăng Long, đã dùng thuyền đi quan sát các vùng phụ cận. Đến bến Cổ Sở, thấy phong cảnh núi sông đẹp đẽ, nhà vua lên bờ, rồi đi dạo trong vùng. Đến bữa dùng cơm, trước khi ăn, Ngài rót một chén rượu rồi tưới xuống đất mà khấn rằng: "Trẫm xem nơi này non nước kỳ tú, phong vật dồi dào. Vậy, nếu có người thiêng liêng ở cõi âm, hãy trở về nhận chén rượu này Trẫm tặng!".

Đêm ấy, nhà vua sai lập hành tại để nghỉ lại trong vùng. Đang trong giấc ngủ, Ngài mộng thấy một người cao lớn, mặt mũi phương phi, ăn mặc trang nghiêm, đến thi lễ trước mặt mà nói rằng:

- Thưa Bệ hạ. Tôi người làng này, họ Lý, tên Phục Man, làm tướng giúp Lý Nam Đế. Khi đương thời được vua giao giữ hai đất Đỗ Động và Đường Lâm, được mọi nhà tin yêu. Khi tôi chết được đức Thượng đế khen thưởng cho giữ chức vụ như cũ. Từ đó đến nay, tôi thường đem lính âm binh đến phù trợ cho các triều đại của ta chống giặc mau chóng thành công. Tuy khi tôi chết, dân làng đã lập miếu thờ, vì vậy tôi được phảng phất trong khoảng trời mây, lúc có giặc giã thì hiển ứng chống đánh, nhưng dân làng vẫn sợ bọn giặc vào cướp phá đền. Nay bệ hạ loan giá tới đây, có lòng tưởng nhớ, vậy tôi xin đến bái kiến.

Nói đoạn, Lý Phục Man liền ngâm tiếp bốn câu thơ:

Thiên hạ toàn mông muội

Cô vị ẩn thanh danh

Trung thiên yết nhật nguyệt

Quang diệu thị chân hình.

            ( Dịch nghĩ:

                                              (Lúc) Thiên hạ toàn mờ tối                                               

Nên phải tạm ẩn tăm, tiếng

(Nay) Giữa trời đã thấy mặt trời, mặt trăng

Ấy là lúc hình hài được sáng tỏ).

Ngâm xong, Lý Phục Man liền biến mất. Lý Thái Tổ tỉnh mộng, hôm sau nói lại câu chuyện và đọc bốn câu thơ cho mấy viên quan đi theo nghe, rồi hỏi ý kiến mọi người.

Ngự sử đại phu Lương Nhậm Văn nói:

- Muôn tâu Bệ hạ! Hạ thần trộm nghĩ Lý tướng quân muốn được dựng tượng thờ để dân chúng cùng thấy mặt.

Lý Thái Tổ gật đầu khen phải, rồi xuống chiếu lập Lý Phục Man làm phúc thần cai quản cả vùng này. Lại sai dựng miếu thờ đàng hoàng hơn trước. Trong đền, sai tạc một bức tượng giống như hình dáng nhà vua đã thấy trong mộng.

*

*       *

Đền xây xong, tượng tạc xong, dân chúng trong vùng và các nơi về chảy hội đông như mắc cửi. Từ đấy trở đi, hương khói quanh năm không lúc nào dứt, và được các đời truyền tụng là một ngôi đền rất mực linh thiêng.

Trong thời Nguyên Phong (1251-1257) tức là sau gần 250 năm, vào đời Trần Thái Tông, quân Mông Cổ sang xâm lấn nước ta. Khi kỵ binh của chúng qua địa phận làng Cổ Sở, ngựa đều phải phục xuống, không thể tiến lên được. Dân làng tin là có thần âm phù, nên cùng nhau cầm vũ khí xông ra đánh, giết, được rất nhiều quân giặc.

Khi giặc tan, nhà vua xuống chiếu phong thần là 'Chứng an quốc công' và ban cho làng Cổ Sở là 'Chứng an hộ xá'.

Đến năm Trùng hưng thứ nhất (1285) giặc Nguyên Mông lại sang lần thứ hai, đi đến đâu chúng cũng cướp bóc, đốt phá. Ấy vậy mà làng này, sau khi giặc tan vẫn còn nguyên lành, không một vật gì bị phạm tới. Dường như đã có bàn tay của thần Lý Phục Man ngăn trở quân giặc vậy. Vua Trần Nhân Tông thấy thế liền tấn phong Ngài lên thêm một bậc là 'Chứng An Vương'. Năm thứ tư, gia phong hai chữ 'Minh Ứng'. Năm Hưng Long thứ 21, lại gia phong thêm hai chữ 'Tá Quốc'.

Tiền, hậu Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương - P1 (Tạo ngày: 25/01/2016)

0