Một bà phi thay thế Thủy thần

Sông Nhuệ là một chi lưu của sông Hồng, nằm ở mé hữu ngạn, chảy qua các huyện Từ Liêm, Thanh Trì của Hà Nội (cũng qua cả thị xã Hà Đông) xuống Thường Tín - Thanh Oai, Phú Xuyên - Ứng Hoà của Hà Tây. Đến cống Đồng Quan rẽ ra làm hai: một nhánh chảy qua cầu Giẽ (Phú Xuyên) ra sông Hồng, một nhánh vào ...

Sông Nhuệ là một chi lưu của sông Hồng, nằm ở mé hữu ngạn, chảy qua các huyện Từ Liêm, Thanh Trì của Hà Nội (cũng qua cả thị xã Hà Đông) xuống Thường Tín - Thanh Oai, Phú Xuyên - Ứng Hoà của Hà Tây. Đến cống Đồng Quan rẽ ra làm hai: một nhánh chảy qua cầu Giẽ (Phú Xuyên) ra sông Hồng, một nhánh vào cống Vân Đình (Ứng Hoà) nhập với sông Đáy, xuống Hà Nam, Ninh Bình, rồi đổ ra biển ở cửa Thần Phù.

Ở quãng Cầu Bươu (thuộc xã Hữu Hoà - Thanh trì) sông Nhuệ lại có sông Tô Lịch chảy vào, mà sông Tô Lịch trước kia lại nối với sông Hồng ở quãng Hồ Tây và ở chợ Gạo (thuộc khu Hoàn Kiếm - Hà Nội).

Do hình thế như vậy, nên vào thời Đinh, Tiền Lê, khi kinh đô nước ta còn ở Hoa Lư (Ninh Bình) thì sông Nhuệ, cũng như sông Đáy, đã là những đường giao thông huyết mạch. Từ Hoa Lư, đại quân của ta dùng thuyền, theo các sông này có thể ngược lên miền trung du và đồng bằng Bắc bộ, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược.

Cách ngày nay trên một ngàn năm, tức là vào khoảng thời Đinh, Tiền Lê, khi miền đồng bằng Bắc bộ còn mới được khai phá, chưa có hệ thống đê điều vững chắc như bây giờ, thì ở hai bên bờ sông Nhuệ, cũng như nhiều con sông khác, dân cư hãy còn thưa thớt, xóm làng ở xen lẫn với rừng. Đời sống của dân chúng, ngoài việc khai khẩn đất hoang biến thành ruộng cấy lúa nước tạo ra thóc gạo, còn trông cậy vào việc đánh bắt tôm cá trên sông trên đồng, để lấy nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu. Đàn bà con gái thì ngoài việc làm lụng trên đồng, còn hay đi mò trai bắt ốc ven sông, vì đó là những việc đơn giản nhưng lại cần đến sự chịu thương chịu khó - thật thích hợp với phụ nữ thời bấy giờ.

Vì là nguồn sống phụ thuộc nhiều vào sông nước, nên lẽ tự nhiên, ở vào thời ấy, dân chúng tin rằng đã có các vị thuỷ thần, các vị hà bá cai quản trên các dòng sông, rồi lập đền miếu thờ cúng họ, để cầu mong được mưa thuận gió hoà, làm ăn thịnh vượng, tránh được các sự rủi ro, các loài thủy quái gây hại...

Việc lập đền miếu thờ cúng ấy, lúc đầu chỉ bằng tranh tre nứa lá, nhưng về sau đời sống dân chúng khấm khá hơn, thì thay bằng gạch ngói. Và cho đến tận ngày nay, nhiều đền miếu như thế ở các triền sông hãy còn.

Ở hai bên bờ sông Nhuệ, việc thờ cúng các vị thuỷ thần, hà bá cũng nằm trong qui luật chung ấy. Tuy nhiên vào thời Tiền Lê, khi vua Lê Đại Hành cùng đại binh hành quân qua đây và nghỉ lại một thời gian, thì đã nảy sinh một câu chuyện truyền thuyết - dã sử làm thay đổi hẳn cả cung cách thờ cúng các vị thuỷ thần, hà bá đã có từ rất lâu trước đó, ở vùng này.

*

*           *

Nguyên năm Tân Tỵ (981) Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được bà Thái hậu Dương Thị Nga (vợ vua Đinh Tiên Hoàng) trao áo "long cổn" lên ngôi Hoàng đế với sự trợ giúp đắc lực của Phạm Cự Lượng và đông đảo binh sĩ, rồi dẫn đại binh theo đường thuỷ ngược dòng sông Nhuệ, qua vùng Thanh Oai - Thanh Trì ngày nay (các xã Tả Thanh Oai, Hữu Hòa (thuộc Thanh Trì) Cự Khê (thuộc Thanh Oai) v.v... nghỉ lại một thời gian để lấy thêm quân đội, thuyền bè, vũ khí, lương thực thực phẩm, rồi hành binh lên mạn bắc, chống quân xâm lược nhà Tống. Một người con gái xinh đẹp, tháo vát trong vùng trong đoàn dân công tải lương đã lọt vào "mắt xanh" nhà vua, rồi sau đó được Ngài lấy làm vợ, gọi là Đô Hồ phi nhân. Ngay sau đó, bà Đô Hồ được trao nhiệm vụ thu gom, đóng mới thuyền bè và chuẩn bị lương khô cho đại quân. Sau chiến thắng, trên đường về Hoa Lư, nhà vua và đại quân còn dừng lại ở vùng này, bày tiệc khao thưởng quân sĩ, mở hội múa hát trống quân, rồi mới đưa bà Đô Hồ về kinh đô (Ninh Bình).

Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, sau đó nhân dân trong vùng đã lập đình miếu thờ. Có tới 27 nơi thờ bà Đô Hồ, 3 nơi thờ Lê Đại Hành và 1 nơi phối thờ cả hai - dọc theo hai bên bờ sông Nhuệ, đoạn từ thượng nguồn, qua các huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai ngày nay.

*

*          *

Vì đã có một sự kiện lịch sử cụ thể, và sau đó, là một thực tế thờ cúng như thế, nên bản thân nhân vật được thờ - bà Đô Hồ bằng xương bằng thịt, đã được thần linh hóa, để có những phẩm chất khác thường, sánh ngang cùng Hoàng đế.

Trước khi lấy nhà vua, bà là "người con gái xinh đẹp, nết na, đã chăm việc đồng áng lại hay chịu thương chịu khó đi bắt trai, bắt hến ở ven hai bờ sông Nhuệ". "Hàng ngày, người con gái ấy, sáng ngược dòng sông từ phía dưới lên, trưa thì lên bờ đến chỗ có những rừng cây canh châu chòi mòi (ở xã Hữu Hòa) thì nghỉ lại, dở cơm nắm muối vừng ra ăn, rồi chiều lại men theo bờ sông ở mé bên kia, bắt xuôi xuống phía dưới".

Nhưng, "hễ người con gái ấy đi tới đâu, thì lập tức trên trời có đám mây ngũ sắc bay tới, làm bóng mát chở che", bởi vậy, nên khi giáp mặt, nhà vua thấy "đấy chẳng phải là người thường", nên đem lòng yêu mến.

Có bản Thần tích trong vùng còn chép: "Khi vua Lê Đại Hành trú tại vùng này, Ngài cùng đoàn tùy tùng bước lên bờ thì gặp một tốp con gái đi làm cỏ lúa, trong đó có một cô xinh đẹp nhất và cử chỉ xem ra cũng mạnh dạn nhất. Nhà vua để ý ngay đến cô này, hỏi họ đi đâu, thì cô ta thay mặt chị em mà trả lời rằng:

- Nhà vua có việc của nhà vua, còn chúng thiếp có việc của chúng thiếp. Nhà vua diệt giặc cứu nước, chúng thiếp diệt cỏ cứu lúa.

Lúc ấy, nhìn lên trời có đám mây ngũ sắc sà xuống, mà người con gái thì xinh đẹp lại đối đáp sắc sảo như vậy, nên nhà vua cho rằng đấy chính là tiên nữ giáng trần, bèn đem lòng yêu mến và hỏi ngay lấy làm vợ".

Sau đó, "thấy nàng tháo vát có thể đảm đương được việc lớn, nhà vua giao cho việc tổ chức đàn bà con gái trong vùng để làm các loại lương khô (bánh trái), lại giao cho việc hô hào dân chúng trong vùng ủng hộ thuyền bè, lương thực, thực phẩm cho đại quân".

Việc các vị vua chúa ngày xưa, đi đến đâu thường hay lấy thêm vợ ở đấy, kể cả khi đang đi chiến trận, cũng là chuyện thường tình. Có thể đấy là "quyền" của vua chúa, nhưng mặt khác, cũng có thể xem đấy là một cách để nhà vua liên kết thêm lực lượng mới, cho đại cục được tăng cường. Trong trường hợp của vua Lê Đại Hành, khi Ngài dừng chân ở vùng sông Nhuệ này trước khi đại phá quân Tống, thì việc tăng thêm quân đội, thuyền bè, vũ khí, lương thực thực phẩm là vô cùng cần thiết, vì vậy, quan hệ hôn nhân ở đây chỉ càng thêm có lợi cho đại quân: được dân chúng trong vùng tin tưởng, coi là "người nhà", do đó họ sẽ vui vẻ đầu quân và đóng góp các thứ nhiều hơn.

*

*           *

Trở về Kinh đô Hoa Lư, Lê Đại Hành lập Hoàng thái hậu Dương Thị Nga (của nhà Đinh) làm Hoàng hậu, cùng với bốn bà trước đó, cả thảy là năm Hoàng hậu. Đó là những điều đã được chép vào Đại Việt sử ký toàn thư. Còn bà Đô Hồ phi nhân không thấy sách này chép. Theo sự truyền khẩu của nhân dân vùng ven sông Nhuệ, về sau bà có sinh một người con gái nhưng lên 6 tuổi thì mất, bà trở về, đi tu trong một ngôi chùa trong vùng đến trọn đời. Số phận của bà Đô Hồ, có thể cũng giống như số phận hẩm hiu của nhiều bà hậu, bà phi khác của Lê Đại Hành - một vị vua tuy có nhiều vũ công lớn, nhưng "về đạo vợ chồng có nhiều điều đáng hổ thẹn" - như Đại Việt sử ký toàn thư đã đánh giá chính xác.

Nhưng mặc dù như vậy, trong tâm niệm của nhân dân dọc hai bên bờ sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Tây - Hà Nội, bà Đô Hồ vẫn là "mẫu nghi thiên hạ" - nghĩa là một người phụ nữ đức độ, đã từng góp công góp sức để làm nên chuyện quốc gia đại sự: đánh bại quân Tống xâm lược.

Việc có tới 30 nơi thờ Bà ở đình làng, cũng còn là một cách ghi nhận những đóng góp về nhân tài vật lực của nhân dân trong vùng vào sự nghiệp chung của dân tộc, mà Bà là đại diện. Và điều này được thể hiện một cách đầy cảm hứng trong đôi câu đối ở đình Hoa Xá (làng Tả Thanh Oai - Thanh Trì, thờ cả hai vị Lê Đại Hành và Đô Hồ phi nhân), như sau:

Dược mã thác cường lân, kim quĩ quân vương kinh thánh vũ

Tạo chu khôi mỹ nghiệp, cát đàm phi hậu nhượng huy âm.

(Nghĩa: Câu trên chỉ Lê Đại Hành: Lên ngựa đánh tan giặc dữ láng giềng, vua nước chúng cậy có sách vàng (chứa kinh nghiệm) cũng phải khiếp sợ.

Câu dưới chỉ bà Đô Hồ: Đóng thuyền khôi phục công nghiệp tốt đẹp cho quê hương, thì vợ của vua Văn Vương ("cát đàm phi hậu" nhà Chu) cũng không thể sánh bằng).

*

*            *

Thông thường, với các nhân thần được thờ (thường là các nhân vật lịch sử, có công với dân với nước), trong bản thần tích bao giờ cũng ghi tên tuổi, ngày sinh ngày hóa, quê quán, cha mẹ cùng công đức (đóng góp cho sự nghiệp chung) của thần. Còn trường hợp của bà Đô Hồ phi nhân, trong các bản thần tích đều không có các yếu tố này, ngoại trừ việc bà là vợ của Lê Đại Hành và góp công vào sự nghiệp đánh quân Tống. Trong một bài văn tế ở làng Hữu Từ xã Hữu Hòa - Thanh Trì cũng thấy ghi: "Đức Đại Vương. Bãi hà châu phố vẽ dòng Nhuệ thủy nức hương. Nghe không thấy tiếng, nhìn chẳng thấy hình. Mẫu nghi tỏ tường như thế, cảm ứng liền trông cầu, mong liên nghiệm, thần đức thật thịnh lắm thay".

Như vậy, có thể thấy, khác với các nhân thần, thần "Đô Hồ phi nhân" ở đây, có sự chuyển hóa từ một nhân vật lịch sử khá cụ thể, để thành một nhiên thần, tức là thần của các hiện tượng tự nhiên: mưa gió sấm chớp v.v..., hay cụ thể hơn, là thủy thần của miền sông nước này. Bởi vậy, từ khi đưa bà Đô Hồ phi nhân vào trong điện thờ của mình, thì trong quan niệm của nhân dân dọc theo hai bờ sông Nhuệ, bà đã âm phù cho mưa thuận gió hòa, tránh mọi thiên tai như hạn hán, lụt lội, dịch bệnh - nghĩa là bà đã "đảm nhiệm" phần công việc mà từ nhiều năm trước, là của các vị thủy thần.

Và do vậy, nên ở hai bờ sông này, những nơi trước kia có miếu thờ  thủy thần, thì sau đó được thay bằng đình, thờ Đô Hồ phi nhân. Còn ở những nơi không thờ Đô Hồ phi nhân mà thờ Lê Đại Hành hoặc các nhân vật lịch sử khác, thì miếu thờ thủy thần vẫn giữ nguyên, chỉ tu sửa bằng việc xây gạch lợp ngói thay cho tranh tre nứa lá của thuở ban đầu. Đến nay, ở các làng ven sông Nhuệ, rải rác vẫn còn những ngôi miếu cổ có độ tuổi hàng trên nghìn năm như vậy.

Điển hình nhất là miếu nữ thần ở làng Hữu Thanh Oai (xã Hữu Hòa - Thanh Trì) ngay sát dòng chảy của sông Nhuệ, trùng tu lần cuối cách đây đúng 100 năm, đã được dùng làm nền để thể hiện cảnh "phiên chợ âm phủ" trong bộ phim nổi tiếng một thời "Bao giờ cho đến tháng 10". Và với "mẫu đề" này, tín ngưỡng thờ thủy thần ở đây đã được mở rộng thêm "biên độ": Thần chẳng những phù trợ cho người dân có mưa thuận gió hòa, tránh được mọi thiên tai dịch bệnh để người an vật thịnh, mà còn tác hợp cho cả những cuộc hội ngộ của con người ở giữa cõi âm và cõi dương nữa.

0