Tiền Ngô Vương Ngô Quyền

Ngô Quyền sinh năm 898 ở làng Đường Lâm, tên tục là Kẻ Mía, nay là thôn Cam Lâm xã Đường Lâm huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây. Đường Lâm cũng là quê của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, sinh trước Ngô Quyền khoảng 100 năm. Cha Ngô Quyền là Ngô Mân, vốn dòng dõi nối đời làm hào trưởng, đến đời Ngô Mân thì làm ...

Ngô Quyền sinh năm 898 ở làng Đường Lâm, tên tục là Kẻ Mía, nay là thôn Cam Lâm xã Đường Lâm huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây. Đường Lâm cũng là quê của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, sinh trước Ngô Quyền khoảng 100 năm.

Cha Ngô Quyền là Ngô Mân, vốn dòng dõi nối đời làm hào trưởng, đến đời Ngô Mân thì làm châu mục huyện Đường Lâm.

Tương truyền khi mới sinh ra, Ngô Quyền có tướng mạo khác thường, còn trong nhà thì có đầy ánh sáng lạ. Sau lưng Ngài có nốt ruồi to, hai bàn tay có nhiều nốt ruồi nhỏ, còn trán thì cao, mắt thì sáng, miệng thì rộng, lớn lên đi đứng đường bệ, ánh nhìn như chớp, tiếng nói như chuông. Mọi người bảo đấy là những tướng quý. Ở tuổi thanh nhiên, Ngài chăm tập luyện võ nghệ, nên bắp chân bắp tay cuồn cuộn, sức mạnh có thể cử nổi vạc lớn. Lại có khí tượng của bậc Đế vương, vừa hào phóng quảng đại vừa biết thương xót những người nghèo khó.

Năm Ngài 20 tuổi, cha mẹ lâm bệnh, rồi nối nhau lần lượt qua đời. Ngài ở nhà chịu tang ba năm, luyện rèn thêm võ nghệ, rồi đi chu du thiên hạ, vào tận châu Ái (Thanh Hoá) làm gia tướng cho Dương Đình Nghệ, dưới quyền Tiết độ sứ Khúc Hạo - đang trấn giữ châu này. Dương Đình Nghệ tin yêu, gả con gái cho Ngài.

Khi ấy, ở phương Bắc, nhà Nam Hán đã thay nhà Lương, lại muốn tiếp tục duy trì ách đô hộ nước ta. Tháng 7 năm 923 tướng Nam Hán Lý Khắc Chính đem quân sang đánh Giao Châu, bắt Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ (con Khúc Hạo) rồi ở lại một thời gian, sau giao cho bộ tướng là Lý Tiến làm chức ấy.

Năm 931, từ châu Ái, Dương Đình Nghệ mang toàn bộ binh lực ra vùng Long Biên (thủ phủ của Giao Châu) đánh đuổi Lý Tiến. Ngô Quyền được cử làm tướng tiên phong, đi đánh mở đường. Thành Long Biên bị vây hãm. Vua Hán cử Thừa chỉ Trần Bảo đem quân sang cứu, nhưng chưa đến nơi thành đã bị hạ. Lý Tiến trốn về phương Bắc, còn Trần Bảo cho quân vây thành. Dương Đình Nghệ mở cửa thành, cùng các tướng và quân lính nghênh chiến, giết được Trần Bảo, quân Hán tan vỡ - một số bị giết, bị bắt, còn đâu thì tìm đường chạy trốn về nước. Từ đó, Dương Đình Nghệ ở lại thành Long Biên, tự xưng là Tiết độ sứ, trông coi toàn cõi Giao Châu, còn miền châu Ái thì cử con rể Ngô Quyền trở về trấn giữ.

Bảy năm sau, vào năm 937, ở thành Long Biên, Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn sát hại, đoạt chức. Tận châu Ái hay tin, Ngô Quyền đưa thuộc hạ và binh lính về ấp Lang Thâm đắp luỹ xây thành, đề phòng Kiều Công Tiễn tiến đánh, đồng thời cũng chiêu tập thêm binh mã, ngày đêm tổ chức tập luyện. Năm sau, 938, từ châu Ái, Ngô Quyền mang quân tiến đánh Kiều Công Tiễn, lại đưa "hịch" đến các nơi ... Dọc đường hành quân, quân số luôn được bổ sung lên tới 5 vạn người, cùng nhau tiến về Long Biên. Kiều Công Tiễn hoảng sợ, sai người mang vàng bạc, lụa là sang đút lót  vua Nam Hán để xin "cứu viện".

Vua Nam Hán Lưu Cung lúc ấy cũng muốn nhân cơ hội chiếm lấy nước ta, bèn sai con là Hoằng Tháo, phong cho làm "Giao Vương", đem quân theo đường biển tiến vào cửa Nam Triệu (sông Bạch Đằng). Còn vua Nam Hán cũng tự điểm binh, đến đóng đồn ở Thái Hải môn, gây thanh thế và sẵn sàng tiếp ứng. Vua Nam Hán họp tướng sĩ, mưu sĩ Tiêu Ích nói rằng "đang tiết mưa dầm, đường biển rét mướt  khó khăn, cần thận trọng cho người dò thám trước làm hướng đạo", nhưng vua Nam Hán không nghe, cho như thế là mất thời cơ, cứ hạ lệnh cho Hoằng Tháo thẳng tiến.

Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán

Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán

Hay tin, Ngô Quyền sai tướng Dương Tam Kha (con trai Dương Đình Nghệ) đánh gấp Long Biên, giết Kiều Công Tiễn diệt mầm nội ứng, rồi mang đại quân ra miền cửa sông Bạch Đằng, đón đánh giặc.

Đại quân hạ trại ở làng Đa Viên (vườn dừa) chuẩn bị. Ở Đa Viên lúc bấy giờ có vị hào trưởng Nguyễn Tất Tế vốn là trang hào kiệt, cùng 30 gia thần đi theo, nên hiểu rất rõ địa hình địa vật cùng mực nước thuỷ triều lên xuống ở vùng này. Ông dẫn chủ tướng cùng các tướng lĩnh đi thị sát từng nơi rất kỹ càng. Đến lúc họp bàn, Ngô Quyền bảo với mọi người:

- Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, từ xa đến đói rét mệt mỏi, lại nghe tin Công Tiễn đã chết, thì cũng mất vía rồi. Ta đánh chúng sẽ chẳng khó khăn gì, nhưng vì chúng có thuyền to, nên ta phải tìm ra phương cách đối phó.

Ngô Xương Ngập, con trưởng của Ngô Quyền đứng dậy nói:

- Bẩm Chúa công. Xin cho đóng cọc nhọn ở hai bên cửa sông lại. Nước triều lên thì thuyền vẫn đi, ta cho quân khiêu chiến nhử chúng vào phía trong, đến khi nước triều rút thì ta phản công lại, thuyền của chúng nhất định sẽ vướng phải cọc mà vỡ.

Chủ tướng Ngô Quyền cả mừng, gật đầu khen phải, các tướng có mặt cũng đều nhất trí tán thành. Sau đó chủ tướng chia binh đi các hướng, vừa chặt gỗ đóng cọc ở cửa sông, vừa "ém" lực lượng mạnh ở các nơi trọng yếu, chỉ giữ lại hai nghìn thuyền nhỏ, giao cho Nguyễn Tất Tế chỉ huy, sẵn  sàng nghênh chiến, nhử địch.

Đến lúc quân Nam Hán tiến vào cửa sông Bạch Đằng, thì ở bên phía quân ta, cọc nhọn đã đóng xong, các hướng tiến quân đã vào thế trận. Chủ tướng Ngô Quyền đứng ở trên bờ cao phất cờ lệnh, các thuyền của Nguyễn Tất Tế xông ra, đánh nhau được một hồi thì rút chạy. Hoằng Tháo hô quân lính chèo thuyền đuổi theo sau.

Khi tất cả thuyền địch đã vào trong hàng cọc, thì cũng là lúc cánh quân của Ngô Xương Ngập từ cửa biển Đại Nha tới, cánh quân của Dương Tam Kha từ cửa Hàm Tử  Quan lại, cùng cánh quân tiếp ứng của Chủ tướng ở phía thượng nguồn hợp với quân của Nguyễn Tất Tế cùng xông vào đánh. Quân Nam Hán chống đỡ không nổi, phải quay mũi thuyền hướng ra phía biển. Những thuyền giặc ở giữa lòng sông, do nước thuỷ triều rút mạnh, dòng chảy xiết, lại chở nặng, nên thi nhau đắm. Còn những thuyền ven hai bờ thì vướng phải cọc, hoặc vỡ, hoặc bị mắc lại, bị quân ta bắn cung nỏ rồi áp tới tiêu diệt. Quá nửa số quân Nam Hán bị giết hoặc bị chết đuối trong trận này, còn "đứa trẻ khờ dại" mà liều lĩnh là Hoằng Tháo, thì bị quân ta thừa thắng đuổi theo, bắt được rồi giết đi, quăng xác xuống biển.

Vua Nam Hán trên đường dẫn quân đi tiếp ứng chỉ còn biết than khóc con, rồi thu nhặt tàn quân mà rút trở về, từ đó bỏ hẳn ý đồ xâm lược.

Bạch Đằng mồ trôn quân Nam Hán

Bạch Đằng mồ trôn quân Nam Hán

Về trận đại thắng ở cửa sông Bạch Đằng lần thứ nhất này, trong sách Việt Điện u linh của Lý Tế Xuyên có đoạn viết về sự hiển ứng âm phù của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - người cùng ấp Đường Lâm với Ngô Tiên Chúa, nhưng sống trước đó 100 năm và đã khởi nghĩa thắng lợi:

"Khi Ngô Tiên chúa lập quốc, quân phương Bắc vào ăn cướp, Tiên chúa lo lắng, đêm nằm mộng bỗng thấy một ông già đầu tóc, áo mũ nghiêm trang đẹp đẽ, quạt lông gậy trúc tự xưng họ tên và nói rằng: "Tôi đã đem vạn đội thần binh mai phục trước ở chỗ hiểm yếu, chúa công mau mau tiến quân chống giặc đi, tức khắc có sức âm trợ, không nên lo ngại". Đến trận đánh ở sông Bạch Đằng, đúng là thấy trên không trung có tiếng ngựa xe. Trận ấy quả nhiên thắng lớn. Tiên chúa lấy làm lạ, xuống chiếu lập đền miếu to hơn quy mô cũ. Lại cho cờ quạt, chiêng trống, điệu múa vạn vũ, cỗ cúng thái lao để cảm tạ.  Trải qua các triều đại thay đổi, đã trở thành lệ".

*

*        *

Lại nói về Ngô Quyền, sau chiến thắng, Ngài bắt đầu xưng vương (939), lập Dương Thị là Hoàng hậu, đặt quan chức, chế định triều nghi phẩm phục. Ý thức về một quốc gia độc lập, thống nhất sánh ngang với các triều đại phương Bắc thật đã rõ ràng, mà các nhà viết sử thời nay gọi là "cuộc đại phục hưng lần thứ nhất", sau sự khởi đầu của Tiền Lý Nam Đế.

Ngài cũng dời đô về Loa thành, chứ không ở trong thành Long Biên cũ của giặc. Trong thời đại của Ngài, "thiên hạ thái bình, trăm họ ngợi ca""phàm những dân làm thần tử đều được chuẩn cho miễn thuế" (theo "Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện"). Còn chiến thắng quân Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng thì mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một dấu son sáng ngời, mà các vị anh hùng thời sau, như Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn đều đã đem áp dụng một cách thành công.

Tiếc thay, Ngài ở ngôi không được lâu dài, chỉ 6 năm sau, vào năm 944, thì lâm bệnh nặng mà qua đời, hưởng thọ 47 tuổi. Hiện nay ở Đường Lâm (Ba Vì - Hà Tây) có đền thờ của Ngài. Đó là sự tưởng nhớ và ghi công của hậu thế đối với các bậc tiền bối.

Dấu tích về thời Ngô Vương Ngô Quyền đóng đô ở Loa Thành, cách nay trên nghìn năm, hiện vẫn còn. Đó là "cây đa cổ thụ trên một ngàn tuổi" ở mé bên phải trước sân đình, và một "giếng nước trong lành" ở xóm chùa. Ngoài ra, ở thôn Hậu xã Dục Tú bên cạnh Loa thành, còn có nhà thờ họ Đỗ thờ một người con gái của họ này tên gọi là Đỗ Thị Sa, là Vương phi của Ngô Vương.

Tương truyền, khi Ngô Quyền định đô ở Loa Thành, một hôm cùng vài người hầu cận ngồi thuyền đi dạo chơi trên sông Hoàng Giang, một nhánh của sông Ngũ Huyện, chảy qua Cổ Loa - Dục Tú. Thuyền đang đi ngang qua cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mơn mởn, thì bỗng nghe có tiếng hát từ xa vọng lại:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang

Muôn vàn cây cỏ lai hàng tay ta.

Lát sau, lại vẫn giọng hát ấy, nhưng là một lời hơi khác:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang

Một mình thân thiếp sửa sang cõi bờ.

Giữa cảnh trời đất bao la, sông nước cỏ cây hiền hoà, mà tiếng hát thì vừa trong trẻo, ngân vang, lại vừa ngang tàng, đam mê, khiến cho Ngô Vương cảm thấy trong lòng xao xuyến. Ngài hạ lệnh dừng thuyền lại để nghe cho rõ và nhìn cho kỹ. Nhân đấy một người hầu cận thưa lên:

- Bẩm Bệ hạ. Con gái ở vùng này rất bạo dạn, thường vẫn trêu khách qua đường như thế ạ.

Ngô Vương phì cười, nói với mọi người:

- Ồ, không sao. Phải như thế mới là có khí phách chứ!

Nói rồi, Ngài hạ lệnh cho thuyền áp sát vào bờ, đến gần chỗ người con gái đang cắt cỏ. Ngài phái một người hầu cận đến mời người con gái ấy xuống thuyền. Cô gái quê, mặc dù hay lam hay làm, lam lũ vất vả từ nhỏ, nhưng sắc đẹp, giọng hát hay cùng sự bạo dạn, thì chẳng vì thế mà mai một, và điều đó đã làm cho nhà vua, dù chỉ qua lần gặp gỡ đầu tiên, đã cảm thấy say mê, để rồi sau đó trở thành mối nhân duyên, cứ như là có sự sắp đặt của ông trời vậy!

Trở thành Vương phi, rồi sau đó được sủng ái, người con gái họ Đỗ cũng trở thành niềm tin tưởng tự hào của người dân cả vùng Cổ Loa - Dục Tú đối với Ngô Vương. Cái chết đột ngột của Ngô Vương xảy ra vài năm sau đó, khi nàng chưa kịp sinh cho Ngài một công chúa hay một hoàng tử, thì quả là nỗi đau quá lớn không gì có thể bù đắp nổi. Nàng xuống tóc đi tu trong ngôi chùa làng (Dục Tú) với pháp danh "Pháp Thanh", còn mọi ân điển của nhà vua, gồm những ruộng, bãi thuộc hai làng Cổ Loa - Dục Tú, thì giao lại cho dân hai làng cày cấy, để hàng năm cúng giỗ cho Ngô Vương. Nhiều năm sau, khi nàng đã trở thành bà lão già nua rồi viên tịch, thì do có công đức ấy, nên được nhân dân các thôn ở Dục Tú tôn là Thần Thành hoàng và lập miếu thờ. Đến nay, phần mộ và điện thờ của bà Vương phi hãy còn, và ngày 14 tháng tư âm lịch - ngày bà viên tịch - được dùng làm ngày mở lễ hội hàng năm của mấy thôn thuộc xã Dục Tú.

Vì những khoảnh ruộng trước kia Ngô Vương ban cho bà ở sát chân thành Cổ Loa, nên những đời sau, không tránh khỏi có sự tranh chấp giữa hai làng Cổ Loa - Dục Tú. Các vị chức sắc của hai làng bèn trồng cây đa làm mốc giới với  lời "giao kèo" được khắc trên bia đá để ghi nhớ: "Thành của Cổ Loa, cây đa của Dục Tú. Dục Tú không được chặt đa, Cổ Loa không được tranh ruộng".

0