GDP là gì, cách tính và ý nghĩa Tổng Sản phẩm Quốc nội GDP
GDP là gì, tìm hiểu khái niệm, cách tính và ý nghĩa của chỉ số Tổng Sản phẩm Quốc nội GDP – Gross Domestic Product đối với nền kinh tinh của một quốc gia. Trong kinh tế, chỉ số GDP rất được quan tâm vì nó phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động kinh tế của một nước trong thời gian nhất định. Nó cho thấy ...
GDP là gì, tìm hiểu khái niệm, cách tính và ý nghĩa của chỉ số Tổng Sản phẩm Quốc nội GDP – Gross Domestic Product đối với nền kinh tinh của một quốc gia. Trong kinh tế, chỉ số GDP rất được quan tâm vì nó phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động kinh tế của một nước trong thời gian nhất định. Nó cho thấy quốc gia có đang phát triển không dựa vào việc đánh giá chỉ số GDP, hoặc GNP, GDP/người hoặc Thu nhập bình quân đầu người, qua đó biết rõ mức sống của người dân có được cải thiện không. Bạn cũng nên tìm hiểu khái niệm GNI là gì.
GDP là gì, viết tắt của từ nào?
GDP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Gross Domestic Product, dịch sang tiếng Việt thành “Tổng sản phẩm nội địa” hay phổ biến hơn là “Tổng sản phẩm quốc nội”. GDP là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong phạm vị một quốc gia trong một thời gian nhất định, thường là 1 năm. Các sản phẩm này tính cả của các công ty nước ngoài và nội địa hoạt động trong nước, gồm cả các ngành nghề sản xuất, dịch vụ, du lịch và nhiều loại hình khác.
Sản phẩm cuối cùng dùng để tính GDP là sản phẩm được đem đi tiêu thụ trực tiếp chứ không phải là sản phẩm trung gian phục vụ quá trình sản xuất hay sản phẩm khác.
Như vậy, GDP là tổng giá trị của tất cả các sản phẩm được sản xuất mới trong vòng 1 năm tại một quốc gia. Nó phản ánh quy mô nền kinh tế tăng trưởng như thế nào, qua đó dễ dàng so sánh với các năm trước đó. Nếu số sản phẩm mới làm ra trong một năm thấp đi, thì nó cho thấy nền kinh tế đang đi xuống.
Vậy GDP khác với GNP như thế nào?
GNP là toàn bộ giá trị được công dân mang quốc tịch nước đó sản xuất ra trong 1 năm, tức công dân quốc gia đó có thể tạo giá trị ở trong và ngoài lãnh thổ quốc gia. Còn GDP là toàn bộ giá trị được tạo ra trong lãnh thổ nước đó, bất kể do người dân hay người nước ngoài tạo ra. Bạn nên tham khảo thêm khái niệm GNP là gì.
Cách tính GDP
Có nhiều cách để tính GDP, vì bạn không thể đếm từng sản phẩm mới được tạo ra trong 1 năm theo phương pháp thủ công được, bởi số lượng quá lớn và nhà nước không thể huy động đủ nguồn lực để đếm từng thứ. Ngoài ra, những “sản phẩm” dịch vụ thì rất trừu tượng mà chẳng thể đong đếm theo phương pháp thông thường.
Nên các cách tính GDP được tạo ra nhằm tính gần sát nhất tổng số sản phẩm mới thực tế được sản xuất trong một quốc gia. Có nhiều phương pháp tính GDP, chủ yếu có 3 cách gồm: Dựa vào phương pháp chi tiêu, Dựa vào thu nhập hoặc Dựa vào Giá trị gia tăng.
1.Cách tính GDP bằng phương pháp chi tiêu:
Theo phương pháp chi tiêu, thì GDP – Tổng sản phẩm quốc nội được tính là tổng số tiền mà các hộ gia đình trong một quốc gia chi tiêu mua hàng hóa cuối cùng.
GDP (Y) là tổng của tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu chính phủ (G) và cán cân thương mại (xuất khẩu ròng, X – M).
Y = C + I + G + (X – M)
-C là Consumption – Tiêu dùng: Là các khoản chi tiêu cá nhân của hộ gia đình về hàng hóa, dịch vụ.
-I là Investment – Đầu tư: là tổng mức đầu tư của tư nhân trong nước, gồm khoản chi doanh nghiệp hoặc xây dựng, mua nhà.
-G là Government Purchases – Chi tiêu chính phủ: là các khoản chi tiêu của chính phủ từ cấp trung ương tới địa phương.
-NX là Net Exports – Xuất khẩu ròng: là con số tính bằng Giá trị xuất khẩu trừ đi Giá trị nhập khẩu.
2.Cách tính GDP bằng phương pháp thu nhập, hoặc phương pháp chi phí.
Theo phương pháp này, GDP được tính bằng tổng thu nhập từ các khoản tiền lương (wage), tiền lãi (interest), lợi nhuận (profit) và tiền thuê (rent), tức tổng chi phí sản xuất các sản phẩm của xã hội.
GDP=W+R+i+Pr+Ti+De
Trong đó, W là tiền lương, R là tiền cho thuê tài sản, i là tiền lãi, Pr là lợi nhuận, Ti là thuế gián thu ròng, De là phần hao mòn (khấu hao) tài sản cố định.
3.Cách tính GDP bằng phương pháp giá trị gia tăng.
Trước tiên, bạn phải hiểu các khái niệm:
-Giá trị gia tăng của doanh nghiệp (VA) = (Giá trị thị trường sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp) – (Giá trị đầu vào được chuyển hết vào giá trị sản phẩm trong quá trình sản xuất)
-Giá trị gia tăng của một ngành (GO) = ∑ VAi (i=1,2,3,..,n).
Trong đó, VAi là giá trị tăng thêm của doanh nghiệp i trong ngành, n là số lượng doanh nghiệp trong ngành.
-Giá trị gia tăng của nền kinh tế GDP = ∑ GOj (j=1,2,3,..,m).
Trong đó, GOj là giá trị gia tăng của ngành j, m là số ngành trong nền kinh tế.
3 cách tính GDP ở trên đều cho kết quả như nhau. Riêng ở Việt Nam thì GDP do Tổng cục thống kê tính toán dựa vào báo cáo của các Cục thống kê Tỉnh, Thành phố.
GDP Danh nghĩa và GDP thực tế là gì, khác nhau như thế nào?
Thế giới còn phân ra 2 loại GDP, gồm GDP danh nghĩa (GDPn – Nominal GDP) và GDP thực tế (GDPr – Real GDP) vì những lý do riêng. Nhưng chủ yếu là để giảm thiểu tác động của việc trượt giá đồng tiền ảnh hưởng tới việc so sánh GDP giữa các năm, đồng thời cũng để dễ so sánh GDP giữa các nền kinh tế khác nhau.
GDP danh nghĩa là gì?
GDP danh nghĩa, hay GDPn – Nominal GDP là giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ tính theo giá hiện hành, tức hàng hóa, dịch vụ được sản xuất năm nào thì nhân với giá của chúng trong năm đó. Lưu ý, giá hiện hành khác với giá thời điểm, bởi 1 năm có hàng nghìn mức giá biến động lên xuống nên người ta phải tính mức giá chung trung bình của năm.
GDP thực tế là gì?
GDP thực tế, hay GDPr – Real GDP là giá trị tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế tính theo mức giá cố định của năm cơ sở, còn gọi là năm gốc, tức là lấy tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ của một năm nhân với giá cố định của chúng tính theo năm gốc thay vì giá của năm mà nó sản xuất. Giá cố định năm gốc sẽ được tính theo công thức riêng để đảm bảo sai lệch về trượt giá.
Lý do phải phân biệt GDP danh nghĩa và GPD thực tế bởi nếu quan sát GDP danh nghĩa tăng từ năm này sang năm khác thì chưa chắc là tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ đã tăng, vì mức giá của mỗi năm sẽ khác nhau. Lúc này, nếu quan sát GDP thực tế thì có thể biết rõ là tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ có tăng hay giảm theo từng năm hay không, vì lúc này giá cả tất cả hàng hóa, dịch vụ đều tính theo năm gốc. Như vậy, GDP thực tế trở thành chỉ số đo kết quả sản xuất của một nền kinh tế theo thời gian tốt hơn.
Khi nào nên dùng GDP thực tế GDPr và GDP danh nghĩa GDPn
-GDP danh nghĩa dùng để so sánh quan hệ tài chính, so sánh kết quả hoạt động của các nền kinh tế khác nhau, các địa phương và các ngành với nhau.
-GDP thực tế để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các năm với nhau.
GDP bình quân đầu người – GDP/người là gì?
GDP bình quân đầu người của một quốc gia là lấy GDP của quốc gia tại thời điểm đó chia cho dân số. GDP/người là một trong những chỉ tiêu thống kê kinh tế quan trọng, phản ánh kết quả sản xuất tính bình quân đầu người trong năm, đồng thời đánh giá sự phát triển kinh tế của một nước theo thời gian và so sánh với các nước khác.
Tuy nhiên, GDP/người khác với Thu nhập bình quân đầu người. Vì GDP/người là lấy Tổng sản phẩm quốc nội GDP chia cho tổng số dân, còn Tổng thu nhập bình quân đầu người thì được tính dựa trên cơ sở khảo sát mức sống của người dân, tức phải tính được thu nhập của hộ dân cư trong một thời gian nhất định, thường là 1 năm. Chỉ số này dùng để đánh giá mức sống, mức phân hóa giàu nghèo của xã hội.
Hy vọng qua bài viết này của Giainghia.com mọi người đã hiểu khái niệm GDP là gì, cũng như các khái niệm GDP danh nghĩa, GDP thực tế và GDP/người là như thế nào. Cách tính và vai trò của GDP cũng được nêu rất rõ ở trên. Các bạn nên nghiên cứu và quan tâm tới chỉ số này để biết được sức khỏe của nền kinh tế nước nhà là ra sao.