18/06/2018, 16:49

Gandhi với bài học siêu hòa giải

Mohandas Karamchand Gandhi (1869 – 1948) – anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ Nguyễn Hoàng Đức Ấn Độ một quốc gia hàng tỷ người, lớn thứ nhì thế giới về dân số, quốc gia đứng ngang ngửa với Hy Lạp cổ ...

gandhi-jayanti-2

Mohandas Karamchand Gandhi (1869 – 1948) – anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ

Nguyễn Hoàng Đức

Ấn Độ một quốc gia hàng tỷ người, lớn thứ nhì thế giới về dân số, quốc gia đứng ngang ngửa với Hy Lạp cổ về giá trị của những sử thi kinh điển như Mahabharata và Bhagavad Gita đồ sộ bất hủ đã sản sinh một bậc thầy thật đặc biệt về Hòa Giải, đó là lãnh tụ Gandhi, đã được dân tộc của ông phong là thánh, và thế giới, đặc biệt là các nước lớn vẫn thừa hưởng lâu đời thế mạnh thực dân và thống trị như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, rồi Mỹ bày tỏ sự thán phục đến phi thường. Tại sao?

Thánh Gandhi đã làm nên công trạng gì cho dân tộc của mình? Gandhi đã đòi độc lập cho dân tộc Ấn Độ từ tay Đế Quốc Anh bằng phương pháp “Bất bạo động”, mà chẳng tốn bất kỳ một viên đạn nào. Đây là một cuộc hòa giải lớn bậc nhất trong lịch sử, và dường như chưa hề có bất cứ một tiền lệ hay kiểu mẫu nào trước đó. Chính thế mà các chính khách của Âu Mỹ đã nhìn Ganhi bằng một con mắt sửng sốt như nhìn một con người đầu tiên đã sáng tạo ra một con đường chính trị không có tiếng súng.

So sánh một chút để thấy, lãnh tụ Tôn Trung Sơn khi nói về cuộc khởi nghĩa đầu tiên của dân tộc Trung Hoa chống lại người phương Tây, vẫn được gọi là “boxing revolution”, nghĩa là cuộc cách mạng đấm bốc hay võ thuật, bằng truyền thống thượng võ của mình người ta đã ào xông lên định phơi áo kẻ thù bằng những miếng võ biến ảo, nhưng đã bị thất bại thảm hại, vì chân tay đấm đá không cách gì nhanh bằng ngón tay trỏ xiết vào cò của một đội quân vài trăm người. Sau sự thất bại đó, người Trung Quốc thấy mình không có cách nào khác là phải vũ trang để đấu lại vũ trang của kẻ thù. Nhưng với Gandhi, ông đã không dùng tay để đấm mà dùng “tay không” để tiến hành hòa giải với kẻ thống trị mình.

Thánh Gandhi được gọi là nhà tư tưởng như cuốn sách “La pense de Gandhi” của tác giả Camille Drevet đã viết về ông, và như nhà văn Pháp Romain Rolland đã viết : “Ông đã đứng lên trên mảnh đất của chúng ta để dẫn dắt cuộc đấu tranh của Tinh thần” ( Il s’est leve sur notre terre pour mener la guerre de l’ Esprit ). Không giống với hầu hết mọi cuộc chiến là có vũ trang, cuộc chiến của Gandhi là một cuộc chiến của Tinh thần. Vì nó tiến hành bằng cách thả buông khí giới mà để tiến hành mưu cầu và yêu sách Công Lý.

Phương pháp “Bất bạo động” của Ganhi có tên tiếng gốc Latin là “Non- violence”, được tiến hành một cách không hề ngẫu nhiên chút nào mà bằng một tiến trình ý thức có hệ thống luận lý hẳn hoi. Thánh Gandhi nói với các đồng môn của mình rằng: Nếu đấu tranh với nước khác hay dân tộc khác, có lẽ tôi sẽ đồng ý với các bạn việc vũ trang hóa, nhưng chúng ta đấu tranh với nước Anh, một nước có một bộ luật rất hoàn hảo và rõ ràng, nên chúng ta nên chọn phương pháp “bất bạo động”. Chúng ta yêu sách hợp lý cho đến khi nào họ thỏa đáp chúng ta thì thôi. Chúng ta đấu tranh trong pháp luật, nghĩa là chúng ta không làm gì trái pháp luật để họ có thể khép ta vào việc vi phạm pháp luật cả. Mà chúng ta sẽ kiên trì yêu sách đến cùng, yêu sách không dùng vũ lực, cho đến khi nào họ đáp ứng yêu cầu chính đáng của chúng ta .

Khi cuộc đấu tranh bất bạo động đang ở giai đoạn cao trào, một lần Gandhi thấy các đồng môn của mình sửa soạn gậy gộc, khí giới, ông liền hỏi:

– Các bạn làm gì vậy?

– Chúng tôi sửa soạn khí giới để đấu tranh bằng bạo lực cho nó nhanh hơn ! – Họ trả lời.

– Các bạn hãy dẹp ngay việc này lại! Các bạn đừng tưởng vừa đấu tranh bất bạo động vừa đấu tranh bằng bạo động thì sẽ nhanh hơn. Nếu các bạn dùng bạo lực thì người ta sẽ dùng bạo lực để đè bẹp các bạn, mà bạo lực của họ mạnh hơn bạo lực của các bạn hàng nghìn lần, các bạn sẽ phải chuốc lấy thất bại! Các bạn nên nhớ “phương tiện càng thuần khiết thì đạt đến đích càng nhanh!”. Các bạn muốn thành công thì phải hủy bỏ ngay ý định bạo lực này.

Một lần khác, những đồng môn của Gandhi lại mất kiên nhẫn và sửa soạn vũ khí. Thánh Gandhi đã khuyên bảo họ rằng: Nếu phương pháp vũ trang đem đến cho các bạn thắng lợi và danh dự, thì tôi sẽ khuyên các bạn cầm lấy vũ khí. Nhưng tôi chắc chắn rằng phương pháp bất bạo động sẽ đem đến cho các bạn nhiều danh dự và chiến thắng hơn vì thế tôi mới khuyên các bạn sử dụng phương pháp bất bạo động. Chúng ta “cam chịu bất công không có nghĩa là chấp nhận bất công”. Chính vì không chấp nhận bất công nên chúng ta mới phải đấu tranh để đòi bình đẳng. Việc chúng ta kiên trì nhẫn nhục theo đuổi mục đích của mình khó hơn nhiều việc cầm lây vũ khí.

Đúng vậy, người Trung Quốc vẫn nói, kẻ nào chấp vào tiểu khí sẽ làm hỏng mất đại cục. Như việc Kinh Kha kia, mất bao công lao tiếp cận Tần Thủy Hoàng để mong hạ sát hắn, nào ngờ nhìn thấy hắn, cái tiểu khí trong người trỗi dậy, mặt đỏ phừng phừng, nên bị lộ tẩy, rút cục chẳng giết dược bạo chúa lại còn mang họa vào thân, thật tiếc lắm thay! Thánh Gandhi nói thật chí lý, một điều đơn giản mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày mà không biết, trong cuộc sống có rất nhiều kẻ yêng hùng càn quấy, kỳ thực người đời đâu có sợ hắn, chẳng qua tránh hắn như không rây với hủi… sự nhịn nhục đó đâu có phải nỗi nhục của chúng ta?

Một lần khác nữa, khi cuộc đấu tranh đã gần đạt đến thành công, thấy một số người đòi vũ trang cho nhanh, thánh Gandhi đã bảo: Các bạn nhầm rồi. mục đích của chúng ta không chỉ bao gồm việc đòi độc lập cho Ấn Độ, cái cao cả lâu dài hơn là chúng ta phải rèn luyện cho người dân Ấn Độ xứng đáng sống trong nền độc lập. Mà cuộc đấu tranh lâu dài này của chúng ta chính là môi trường để rèn luyện cho người dân đủ phẩm giá sống trong nền độc lập của mình.

Thánh Gandhi quả là có con mắt nhìn xa trông rộng. Một dân tộc đòi độc lập, chỉ là cách đòi rào rậu cho nhà mình. Nhưng làm sao để sau khi có nhà nước của mình rồi con người có đủ phẩm chất để sống trong nhà nước đó như một ông chủ, chứ không phải như một đầy tớ vẫn quen thói nô tài khiếp nhược như lúc chưa có độc lập. Việc này, đã có nhiều học giả tư sản đắc chí dự báo, những quốc gia nô lệ dù được trả độc lập nhưng đa số vẫn tiếp tục sống trong vô trật tự, hỗn độn và đổ nát bởi vì họ không có khả năng biết làm chủ chính mình.

Thánh Gandhi nhìn xa và biết rõ hậu quả đó, cho nên ông mới chủ trương rèn luyện nâng cao ý thức tự chủ cho dân tộc ngay chặng đầu tiên của cuộc đấu tranh bất bạo động, hơn thế ông còn nêu ra nguyên tắc: Chúng ta chống lại người Anh, nhưng chúng ta không chống lại thể chế Anh. Vì đó là một thể chế khá tiến bộ và hoàn hảo hơn của chúng ta.

Trong thực tế, sau khi Ấn Độ giành được độc lập, thì họ vẫn gần như giữ nguyên cơ cấu của một chính quyền quân chủ lập hiến như nước Anh. Qua đây thấy rõ, Thánh Gandhi rất sáng suốt khi biết cái gì phải đòi hỏi, yêu sách, đấu tranh, hòa giải, và kể cả học tập kẻ thù. Một cuộc đấu tranh có chọn lựa của ý thức chứ không phải phá hủy sạch trơn.

Một thánh Gandhi, một nền độc lập của một dân tộc hơn một tỉ người, một cuộc đấu tranh bằng phương pháp hòa giải không hề có tiếng súng hay vũ lực, liệu đó có đáng là bài học cho chúng ta chiêm ngắm ?!

Nguồn bài đăng

0