Nhờ có ngoại ngữ, Fukuzawa Yukichi nhiều lần được chọn đi thông dịch cho Mạc phủ ở Hoa Kỳ và châu Âu. Những chuyến đi, những cuộc tiếp xúc với những nền văn minh này đã mở ra một chân trời tư tưởng trong ông. Với nguồn sáng tạo dồi dào, ông đã viết nên dòng tư tưởng rộng mở đó, gây được sức ảnh hưởng sâu sắc, to lớn với lịch sử nước Nhật trong thời kỳ chuyển mình từ cuối thời Mạc phủ sang thời đại Minh Trị.
Năm 1868, Fukuzawa Yukichi mở trường Keio Gijuku (tiền thân của trường Đại học Keio nổi tiếng ở Tokyo hiện nay) nhằm nâng cao dân trí, đào tạo thanh niên.
Năm 1873, Fukuzawa Yukichi cùng với một số trí thức cấp tiến lập ra hội Meirokusha. Mười thành viên của hội đã tổ chức viết sách, dịch thuật, diễn thuyết, xuất bản tập san Meiroku làm diễn đàn phổ biến và tranh luận đủ mọi vấn đề: chính trị, giáo dục, tôn giáo, kinh tế, pháp luật, vai trò phụ nữ, phong tục, Nhật ngữ… Rất nhiều tác phẩm phương Tây đã được hội dịch và đưa vào Nhật Bản, tạo nên một làn sóng đổi mới tư tưởng trong thời gian này.
Năm 1879, Viện Học sĩ Tokyo (tiền thân của Viện Hàn lâm Nhật Bản ngày nay) ra đời, Fukuzawa Yukichi được chọn làm Viện trưởng.
Năm 1882, ông sáng lập và làm chủ bút tờ Thời sự tân báo để trao đổi quan điểm về các vấn đề trong xã hội Nhật Bản thời ấy.
Suốt cuộc đời chỉ tập trung vào khai hóa văn minh, nâng cao dân trí, nhất quyết từ chối mọi lời mời tham dự chính trị, Fukuzawa Yukichi đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị, ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử Nhật Bản, góp phần làm nên cái gọi là tinh thần người Nhật. Trước tác quan trọng của Fukuzawa Yukichi bao gồm:
- Sự tình phương Tây (1866 – 1870, mười tập)
- Khuyến học (1872 – 1876)
- Khái lược về văn minh (1875)
- Bàn về dân quyền; Bàn về tiền tệ (1878)
- Đổi mới lòng dân (1879)
- Bàn về quốc quyền; Bàn về quốc hội (1879)
- Bàn về kinh tế tư nhân (1880)
- Bàn về thời sự thế giới; Bàn về quân sự (1882)
- Bàn về nghĩa vụ quân sự; Bàn về ngoại giao (1884)
- Bàn về phụ nữ Nhật Bản; Bàn về phẩm hạnh (1885)
- Bàn về cách nhân sĩ sử thế; Bàn về giao tiếp nam nữ (1886)
- Bàn về nam giới Nhật Bản; Bàn về Hoàng gia Nhật Bản (1888)
- Bàn về thuế đất; Bàn về tiền đồ và trị an Quốc hội (1892)
- Bàn về thực nghiệm (1893)
- Fukuzawa Yukichi tuyển tập (1879 - 1899)
- Bàn về đại học nữ, đại học nữ mới (1899)
- Fukuzawa Yukichi tự truyện (1899)
Với những đóng góp vĩ đại của bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật hiện đại, Fukuzawa Yukichi được tôn vinh hình ảnh trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn Yên.