04/06/2017, 23:40

Em hãy phân tích đoạn thơ sau: Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi ... Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi... (Trích Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm)

Nguyễn Khoa Điềm là người có học thức cao, có tâm hồn văn chương phong phú. Ông đã mang đến cho những người yêu thơ, say thơ nhiều tác phẩm: Đất ngoại ô (1971 - tập thơ), Mặt đường khát vọng (1972 - trường ca), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986 - tập thơ). Riêng bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên ...

Nguyễn Khoa Điềm là người có học thức cao, có tâm hồn văn chương phong phú. Ông đã mang đến cho những người yêu thơ, say thơ nhiều tác phẩm: Đất ngoại ô (1971 - tập thơ), Mặt đường khát vọng (1972 - trường ca), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986 - tập thơ). Riêng bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ra đời năm 1971 khi tác giả còn đang công tác ở chiến khu miền tây Thừa Thiên là một sáng tác đặc sắc. Chúng ta hãy đọc một đoạn của bài thơ này: Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơiEm ngủ ...

Bài thơ được viết dưới dạng lời ru những em bé được người mẹ dân tộc Tà-ôi địu trên lưng khi làm việc, qua đó thể hiện tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của đấng mẹ hiền vùng núi non xa xôi, hiểm trở. Bài thơ cũng bộc lộ tình thương mến bộ đội, tình yêu nước thiết tha, tinh thần quyết tâm giết giặc Mỹ và niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng ngày mai của bà mẹ Tà-ôi.
 
Phần trích dẫn trên đây thuộc đoạn 2 của bài thơ, miêu tả hình ảnh người mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi cùng những tình cảm và ước vọng cao đẹp của mẹ.
 
Mở đầu trích đoạn là lời vỗ về của nhà thơ:
 
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
 
Nhà thơ rất thương yêu em cu Tai mà cũng rất thương bà mẹ. Nhà thơ mong em say sưa giấc nồng để mẹ yên tâm lao động. Bởi vì theo tập tục của dân tộc Tà-ôi, người mẹ phải dịu con trên lưng khi làm lụng.
 
Nguyễn Khoa Điềm đã xúc động và vẽ lên hình ảnh mẹ:
 
“Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ”. Cùng với cách ngắt nhịp 4-4, hình ảnh thơ có sự tương phản: “lưng núi thì to” >< “lưng mẹ nhỏ”.
 
“Lưng núi” bao giờ cũng mênh mông, rộng lớn là cái có sẵn của tự nhiên, hay nói khác đi là cái vô hạn! Còn “lưng mẹ”, lưng của con người luôn bé nhỏ hay còn gọi là cái hữu hạn.
 
Sự đối lập giữa cái vô hạn và cái hữu hạn cho chúng ta thấy nỗi cực nhọc, vất vả, một nắng hai sương của mẹ trong quá trình lao động để tạo ra của cải vật chất nuôi sống gia đình và xã hội. Nhà thơ lại tiếp tục nhắc nhở em cu Tai một cách âu yếm, trìu mến:
 
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi.
 
Nhà thơ đưa ra hai hình ảnh mặt trời:
 
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.
 
Hình ảnh so sánh ngầm “mặt trời của mẹ” trong câu thơ thứ hai đối lập với hình ảnh thực “mặt trời của bắp” trong câu thơ thứ nhất đã làm bật lên tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý, đẹp đẽ vô ngần.
 
Cây bắp rất cần ánh sáng vĩnh cửu của thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Còn em cu Tai chính là ánh sáng của đời mẹ, là nguồn sống của đời mẹ.
 
Nếu người mẹ miền xuôi ru con bằng những lời ngọt ngào, da diết:
 
Ầu ơ... gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ vừa năm.
 
thì người mẹ miền ngược ru con bằng một điệp khúc phát xuất từ trái tim yêu thương hòa quyện với những âu lo:
 
Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói.
 
Đời sống của đồng bào miền ngược, vùng xa, vùng sâu bao giờ cũng khó khăn, gian khổ hơn đời sống của đồng bào vùng đồng bằng trù phú, phì nhiêu, màu mỡ. Đặc biệt, đối với đồng bào các dân tộc ít người, do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nên họ thường thất mùa, hay rơi vào cảnh thiếu ăn, đói kém. Do đó, trong lời ru lắng đọng của bà mẹ Tà-ôi vẫn canh cánh nỗi lo “làng đói”. Tình thương của mẹ không chỉ dành cho đứa con thân yêu do mình rứt ruột đẻ ra mà còn lan tỏa sang tình thương cộng đồng. Ôi! Có tình thương nào bao la hơn thế nữa!
 
Mặt khác, người mẹ vô cùng kính yêu ấy luôn mong ước “hạt bắp lên đều” để cuộc sống ấm no cũng như hi vọng con mình sau này sẽ lớn khôn, khỏe mạnh hơn mẹ để lao động phục vụ bản thân, buôn làng và đất nước thân thương:
 
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi.

 
Tóm lại đoạn trích thơ cũng như cả bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khắc họa thành công bức chân dung tuyệt vời của người mẹ dân tộc Tà-ôi. Qua đó, chúng ta còn thấy được sự quan tâm, thấu hiểu, cảm thông chia sẻ của nhà thơ đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng như vốn văn hóa dân gian sâu rộng của Nguyễn Khoa Điềm. Đặc biệt, tác giả còn thổi vào bài thơ những lời hát ru sâu đậm, trữ tình, đằm thắm, khi bổng khi trầm khiến bài thơ dạt dào nhạc điệu. Vì lẽ đó, bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc, truyền đi rộng rãi, được công chúng đón nhận bằng thái độ nâng niu, trân trọng suốt ba mươi mấy năm qua.

Mariazic1

0 chủ đề

23882 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0