04/06/2017, 23:40

Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

Huy Cận là một nhà thơ của tình yêu cuộc sống thiết tha và say đắm, cũng giống như người bạn thơ gần gũi nhất của ông “Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần - Chân hóa rễ để hút màu dưới đất” (Xuân Diệu). Có khác chăng, một nét thường thấy trong thơ ông là cảm xúc về cuộc sống, về con người luôn gắn ...

Huy Cận là một nhà thơ của tình yêu cuộc sống thiết tha và say đắm, cũng giống như người bạn thơ gần gũi nhất của ông “Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần - Chân hóa rễ để hút màu dưới đất” (Xuân Diệu). Có khác chăng, một nét thường thấy trong thơ ông là cảm xúc về cuộc sống, về con người luôn gắn với cảm xúc về vũ trụ, dường như ông muốn tìm câu trả lời về ý nghĩa, sự tồn sinh của con người trong vũ trụ bao la, huyền bí, khôn cùng. Trong thơ ông, trước Cách mạng tháng Tám, cảm nhận đó ...

Bài thơ ra đời năm 1958 trong nguồn mạch cảm xúc biết bao yêu thương về một cuộc sống “mỗi ngày lại sáng”. Đó vừa là một bức tranh đẹp đẽ, vừa là một khúc ca hào hùng về những người đánh cá trên biển cả bao la của Tổ quốc, những người thật hào hứng, phấn khởi, say mê với công việc của mình trong tư thế thực sự làm chủ biển trời, làm chủ cuộc đời mới. Mở đầu bài thơ là cảnh hoàng hôn trên biển vừa diễm lệ, huy hoàng, vừa hùng vĩ đầy sức sống.
 
Mặt trời xuống hiển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đèm sập cửa.
 
Điểm nhìn của nhà thơ ở đây là điểm nhìn tưởng tượng, phải ở rất xa bờ mới thấy được vùng biến phía tây, nơi mặt trời đang lặn xuống giống như một hòn lửa rực cháy khổng lồ - cảnh này chỉ có thể thấy vào một buổi chiều hè. Cảm quan vũ trụ của nhà thơ mở ra trong trí tưởng tượng người đọc những liên tưởng so sánh thật bất ngờ thú vị: vũ trụ bao la, huyền bí như một cái nhà khổng lồ mà đêm tối là cánh cửa sập xuống và những con sóng chạy ngang trên biển là những chiếc then cài. Cái quang cảnh kết thúc thật kì vĩ, tráng lệ của một chu kì thiên nhiên ấy lại là sự mở đầu một ngày lao động mới của con người.
 
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
 
Từ “lại” cho thấy đây chỉ là sự tiếp diễn nhịp điệu lao động của họ, cảnh ra khơi khi hoàng hôn xuống nay diễn ra thường xuyên trong nhiều đêm. Và trên “con đường mòn” vô hình mà xiết bao thân thuộc ấy, cũng như mọi lần, tiếng hát họ vút cao, vang xa trên sóng nước mênh mông, ở đây “buồm căng” là có thật (thật vì gió mạnh trên biển khơi), nhưng “câu hát căng buồm” lại là hư ảo. Tuy vậy, chính cái hư ảo ấy lại biểu hiện được một cái có thực, đó là khí thế mạnh mẽ của con người trong lao động tập thể. Tiếng hát chính là sự thể hiện niềm vui của những người đánh cá, khi họ cảm nhận rõ ràng sức mạnh vĩ đại của tập thể trong lao động, sức mạnh ấy sẽ tạo ra những điều kì diệu mà một vài cá nhân đơn lẻ không thể làm được. Chỉ một tiếng hát thôi mà nói được bao điều về thân phận, về sự tự ý thức của con người qua hai chế độ. Cũng không còn nữa cái cảm nhận từ nghìn xưa về sự nhỏ bé, yếu đuối của con người trước biến cả bí ẩn, chứa đầy sức mạnh tàn phá, hủy diệt vô cùng dữ dội. Tiếng hát của họ là tiếng hát của từng con người chinh phục biển khơi:
 
Hát rằng: cả bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!
 
Biển cả thật đẹp đẽ, giàu có và thân thiết biết bao đối với con người. Trong câu thơ thứ nhất, từ “bạc” là một định ngữ nghệ thuật, có ý nghĩa số lượng cá nhiều, phong phú, tạo nên sự giàu có, quý giá của biển. Cái giàu có đó còn được cụ thể hóa ở câu thơ thứ hai. Hình ảnh so sánh rất đẹp này được xây dựng trên một liên tưởng thực tế: cá thu mình lấp lánh ánh trăng lướt rất nhanh trên mặt biển như con thoi chạy đi chạy lại trên khung cửi dệt vải. Từ đó mới hiểu được hai câu thơ sau là những nhân hóa rất tinh tế. Trong sự tưởng tượng của những người đánh cá yêu quí biển cả quê hương của mình, cá đi biển là cá dệt biển và cá vào lưới là cá dệt lưới. “Đến dệt lưới ta”, bắt đầu từ đây từ “ta” sẽ vang lên đầy tự hào, kiêu hãnh trong suốt bài thơ, không còn là cái tôi nhỏ bé, đơn côi như những ngày xưa nữa mà là cái ta tập thể đầy sức mạnh, trong đó có sự nhân lên đến vô hạn tiềm lực của mỗi cá nhân. Dường như đó mới là sức mạnh chính tạo nên cái phơi phới của đoàn thuyền đang lướt giữa trùng khơi:
 
Thuyền ta lái gió buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn dan thế trận lưới vây giăng.
 
Đoàn thuyền đánh cá như đi trong sự vây bọc, nâng đỡ của thiên nhiên đầy yêu thương, gắn bó. Biển cả bao la mà êm ả, hiền hòa; gió như người bạn thân thiết lái con thuyền ra khơi, gió thổi phồng căng cánh buồm giống như vầng trăng khuyết; trời mây như cũng cao hơn, thoáng đãng hơn, tất cả được nhìn với con mắt chan chứa tình yêu thương của những con người đã giành được quyền làm chủ trời biển quê hương. Cảnh phóng khoáng, thoáng rộng bởi con người sảng khoái, tự do. Trong mối quan hệ giao hòa, thiên nhiên càng huy hoàng, kì vĩ bao nhiêu thì càng tôn vẻ đẹp của con người lên bấy nhiêu. Tầm vóc của họ vụt lên cao, sánh ngang với trời biển, vũ trụ. Đoàn thuyền, hay cũng chính là những con người đi giữa cái bao la, hùng vĩ của biển và trời - cảnh thực mà đẹp như trong mơ. Động từ “lướt” cho thấy đoàn thuyền chạy rất nhanh và rất nhẹ nhàng trên mặt biển, nó càng biểu hiện rõ hơn khí thế của những người lao động đang thực sự làm chủ cuộc sống mới. Họ được tự do, chủ động tìm đến những vùng biển xa (ra đậu dặm xa) để thăm dò bụng biển xem nơi nào nhiều cá. Cũng chính tư thế làm chủ khiến họ có được quyết tâm cao độ và khí thế chuẩn bị lao động mạnh mẽ như trong chiến đấu (Dàn đan thế trận lưới vây giăng).
 
Huy Cận không chỉ tinh tế về cảm xúc thẩm mỹ mà còn phong phú về vốn sống. Bài thơ cho thấy ông hiểu biết khá tường tận công việc của những người đánh cá, ông cảm nhận được những gì đang diễn ra trong tâm hồn những con người hồn hậu, bình dị và rất đáng yêu mến ấy. Đoàn thuyền đã tìm đúng “bãi cá”, lưới đã buông xuống. Những người đánh cá nghĩ gì trong những giây phút đợi chờ ấy? Đây là cảnh thực hay là tưởng tượng?
 
Cá nhụ, cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
 
Đúng ra ở đây có sự pha trộn cả thực tế và ảo mộng, làm cho biển đêm có vẻ đẹp thật lãng mạn, huyền ảo. Những con cá song lấp lánh như những ngọn đuốc hồng giữa biển đêm thăm thẳm. Họ như đã nhìn thấy cái đuôi cá song quẫy chẳng khác gì mảnh trăng vàng lóe sáng trên mặt biển. Hình ảnh thật nên thơ ấy cùng với cách gọi cá là “em” biểu hiện niềm say mê cuộc sống thật hồn nhiên và mãnh liệt của những người đánh cá, và trước hết là của nhà thơ. Nhà thơ mở rộng hồn mình để đón nhận bao vẻ đẹp kì diệu của cuộc sống, để cảm thấy nhịp thơ của biển đêm qua những đợt sóng dâng lên và hạ xuống đầy ánh sao. Biển và trời như đã hòa vào nhau và hình ảnh con người càng hiện lên đẹp đẽ biết bao giữa cái vũ trụ lung linh ấy. Một lần nữa tiếng hát của họ lại cất lên giữa bao la trời nước:
 
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
 
Có biết bao âu yếm và thân thiết với biển khơi, với vũ trụ mênh mông, huyền diệu trong tiếng hát ấy. Tiếng hát còn biểu hiện niềm vui trong lao động tập thể của họ, biểu hiện niềm mong muôn của họ sẽ đánh bắt được thật nhiều cá để làm giàu cho Tổ quốc. Cảm xúc của họ thật phóng khoáng, bay bổng, chan chứa niềm yêu đời: họ lao động khẩn trương, luôn tay gõ nhịp dồn cá vào lưới mà vẫn không quên vẻ đẹp của biển cả, trăng gió, trời mây. Vầng trăng trên trời cao bao la được nhân hóa trở nên gần gũi, thân thiết; trăng như đồng cảm với tâm trạng của con người, trăng gõ nhịp cho tiếng hát của họ. Đó thật sự là một bài ca lao động vừa hào hùng vừa giàu chất thơ. Và bài ca say đắm nhất là bài ca về sự giao hòa xiết bao thân thiết, ưu ái giữa con người và biển cả. “Biển cho ta cá như lòng mẹ” - một so sánh thật đẹp: lòng biển bao la như lòng mẹ, nguồn tình cảm yêu thương vô hạn đã nuôi dưỡng mỗi con người. Biển không chỉ đẹp đẽ giàu có mà còn rất ân tình; biển không chỉ nuôi dưỡng con người hôm nay và mai sau; mà biển đã “nuôi lớn đời ta tự buổi nào”, từ khi con người mới xuất hiện trên trái đất. Biển và ta thêm một lần nữa tầm vóc những người đánh cá vụt lớn cao hơn, và gắn bó với biển cả yêu thương.
 
Nhưng đêm sắp tàn rồi, một ngày mới đang đến:
 
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc, đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp, buồm lên đón nắng hồng.
 
Khổ thơ gợi hình dung một bức họa thật khỏe, đẹp. Câu chữ gân guốc, giàu sức tạo hình: “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”. Chỉ một từ “xoăn” mà vừa tả được những bắp tay rắn chắc nổi cuồn cuộn khi kéo lưới, vừa nói được cái hăm hở, hồ hởi của những người lao động mong muốn thấy được kết quả công việc của mình. Và lưới rất nhiều cá, đúng với niềm mong muôn, ước ao của họ. Câu thơ thứ ba miêu tả thật đẹp hình ảnh những con cá đang được kéo từ biển lên: vẩy, đuôi của chúng lấp lánh ánh bình minh rực rỡ. Ở những từ “bạc”, “vàng” vừa là những định ngữ thông thường chí màu sắc, vừa là những định ngữ nghệ thuật tượng trưng cho sự quí giá, giàu có của biển cả, đồng thời cho thấy thái độ trân trọng của những người đánh cá đối với thành quả lao động của mình, dường như đó còn là niềm biết ơn của họ trước sự hào phóng ưu ái của biển cả đối với con người. Công việc đã kết thúc tốt đẹp, họ chuẩn bị trở về. Những từ “đón ánh hồng” biểu hiện tâm trạng sảng khoái, phấn chấn của họ; họ như muốn chia sẻ niềm vui của mình với ánh bình minh, với mặt trời - một người bạn thiên nhiên cũng rất thân thiết với con người.
 
Hay nhất trong toàn bộ bài thơ là khổ thơ cuối cùng, miêu tả đoàn thuyền đánh cá trở về trong ánh bình minh. Bốn câu thơ dựng lên một quang cảnh kì vĩ về cuộc chạy đua giữa đoàn thuyền đánh cá với mặt trời trên biển cả, qua đó thêm một lần nữa Huy Cận khắc họa thật đậm nét vẻ đẹp khỏe mạnh của những người đánh cá và vẻ đẹp giàu có, hùng vĩ của biển trời, của thiên nhiên Tổ quốc. Ý thơ phảng phất không khí thần thoại, anh hùng ca, anh hùng ca trong lao động.
 
Mở đầu là một câu thơ lặp lại gần nguyên văn câu cuối trong khổ thơ thứ nhất:
 
Câu hát căng buồm với gió khơi.
 
Có cảm giác đó là điệp khúc trong một bài hát, bài hát ca ngợi niềm say mê lao động trên biển quê hương. Đây là lần thứ ba tiếng hát vang lên, có khác chăng tiếng hát ở đây biểu hiện rõ hơn niềm vui của những người đánh cá khi họ thu được kết quả rực rỡ sau một đêm lao động vất vả, đó là niềm vui chiến thắng của con người khi thêm một lần nữa họ cảm nhận được sức mạnh vĩ đại, kì diệu của tập thể. Tiếng hát ấy vang lên say sưa, hùng tráng trên đoàn thuyền đang băng băng rẽ sóng trở về.
 
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
 
Hình ảnh hào hùng của câu thơ này là một nhân hóa mang tính chất ngọa dụ, những người đánh cá thức suốt đêm làm việc không mệt mỏi nhưng họ vẫn quyết tâm trở về trước khi trời sáng. Động từ “chạy đua” cho thấy sức lực của họ vẫn dồi dào, khí thế lao động của họ vẫn mạnh mẽ, đó thật sự là khí thế của những con người tự do, những chủ nhân chân chính của cuộc sống mới. Họ chạy đua với thời gian, chạy đua với một đối tượng thiên nhiên thật hùng vĩ là mặt trời, cái đích của cuộc chạy đua là bình minh. Đặt trong sự tương ứng với một đối tượng hùng vĩ như thế, sức mạnh của đoàn thuyền đánh cá, cũng là của những người đánh cá, càng được thể hiện nổi bật hơn. Câu thơ cũng nâng cao tầm vóc của con người trước vũ trụ rộng lớn, bao la.
 
Vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của bình minh trên biển được miêu tả thật gợi cảm, sinh động ở câu thơ thứ ba:
 
Mặt trời đội biển nhô màu mới.
 
Nhân hóa này gợi cảm giác thần thoại, hư ảo: sức mạnh của mặt trời thật vô cùng mạnh mẽ, dường như nó đang đội biển mà lên. Câu thơ làm toàn cảnh thiên nhiên sáng lên với màu mới, màu hồng của bình minh; và cái màu hồng rực rỡ tươi vui, đầy sức sống ấy chính là lời chào đón ân cần, thắm thiết của thiên nhiên với những người lao động cần cù, có nghị lực phi thường. Và “cái thần” của quang cảnh bình minh ấy là câu thơ cuối cùng:
 
Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi.
 
Câu thơ có thể gợi ra hai hình ảnh trong liên tưởng của người đọc. Một là hình ảnh đoàn thuyền nối đuôi nhau trở về, chiếc nào cũng cá đầy khoáng, hàng triệu triệu mắt cá phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ, lấp lánh huy hoàng trên biển cả một vùng biển rộng. Hai là hàng triệu triệu gọn sóng cũng phản chiếu ánh bình minh rực rỡ giống như vô vàn mắt cá trên muôn dặm khơi. Dù là hình ảnh nào thì câu thơ cũng thể hiện được vẻ đẹp bao la hùng vĩ, và sự giàu có, phong phú của biển cả, của thiên nhiên đất nước dưới con mắt của những con người được thực sự làm chủ biển trời Tổ quốc của mình.
 
Có thể nói, chính niềm tin yêu nồng nhiệt với cuộc sống mới, với những người lao động mới, chính khả năng suy tưởng sâu sắc trong cảm quan vũ trụ đã dẫn tới thành công của Đoàn thuyền đánh cá. Đây là một trong số không nhiều bài thơ hay viết về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội.

van vinh thang

0 chủ đề

23876 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0