04/06/2017, 23:40

Công cha như núi Thái Sơn … Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Phân tích bài ca dao trên. Dựa vào một số tác phẩm văn học cổ đã học trong chương trình Ngữ văn 9, em hãy làm sáng tỏ lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Ca dao là tiếng nói, là bài ca muôn thuở của trái tim con người. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã sáng tác những bài ca dao nhằm nêu lên đạo lí ở đời, quan điểm sống của con người, quan hệ gia đình, cha mẹ, con cái và nhưng điều đó đã dược ca dao đề cập thật sâu sắc, đúng mực: Công cha như núi Thái Sơn ...

Ca dao là tiếng nói, là bài ca muôn thuở của trái tim con người. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã sáng tác những bài ca dao nhằm nêu lên đạo lí ở đời, quan điểm sống của con người, quan hệ gia đình, cha mẹ, con cái và nhưng điều đó đã dược ca dao đề cập thật sâu sắc, đúng mực: Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Bài ca dao trên thuộc thể thơ lục bát, hình ảnh vừa cụ thể, vừa tượng trưng. Lời thơ êm ái, dịu dàng, từ ngừ chọn lọc, đặc sắc mà giản dị, chân chất.
 
Đọc bài ca dao, ta thấy: công cha, nghĩa mẹ được so sánh cụ thể: Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
 
Công đức của cha được so sánh với ngọn núi Thái Sơn, ngọn núi lớn nhất ở Trung Quốc, nhằm nêu lên cho chúng ta thấy được công cha to lớn, vĩ đại không gì sánh được, như ngọn núi Thái Sơn, sừng sững trước nắng mưa, trường tồn, bất biến mãi giữa không gian và thời gian.
 
Nghĩa mẹ được so sánh với nước trong nguồn, dòng nước không bao giờ cạn kiệt, tất cả đều trương tồn, bất biến. Ý nghĩa câu ca dao thật là sâu xa.
 
Công cha to lớn vì cha suốt đời phải lao động cực nhọc nơi đồng ruộng, công trường, nông trường, hầm mỏ, xí nghiệp... làm việc quần quật từ sáng đến tối để nuôi con khôn lớn. Vì thế từ ngàn xưa có nhiều câu tục ngữ, ca dao khẳng định vị trí quan trọng của người cha trong gia đình:
 
- Con có cha như nhà có nóc.
Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha mất, gót con lấm bùn.
 
Nghĩa mẹ to lớn vì mẹ cưu mang ta chín tháng mười ngày, sinh ta ra, lo từng miếng cơm, giấc ngủ, chăm sóc ta từng bước đi, dìu dắt cho ta đến trưởng thành trong nỗi lo âu xen lẫn vui mừng. Cả đời mẹ có thế là “Năm canh chầy mẹ thức đủ vừa năm” để lo cho con khôn lớn.
 
Rộng hơn, ta thấy hai câu ca dao đúng, nhưng chưa đủ. Núi Thái Sơn có thể bị bào mòn vì mưa gió, sương tuyết, vì thời gian; nước trong nguồn tuy không cạn kiệt, nhưng cũng có lúc vơi, lúc đầy chứ công ơn của cha mẹ đối với con cái không bao giờ lay chuyển, không được phép “vơi đầy”. Vì thế hai câu sau nêu lên quan điểm sống ở đời là đạo làm con phải thờ kính, phụng dưõng cha mẹ:
 
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

 
Số từ “một lòng” cùng với những từ trang trọng “thờ, kính” cho ta thấy được công lao cha mẹ thật to lớn, vì thế ta phải luôn luôn nhớ ơn, thờ kính phụng dưỡng cha mẹ, vì cha mẹ đã tuổi già sức yếu. Cha mẹ cưu mang ta, sinh ta ra, nuôi ta lớn nên người, vì thế ta phải biết nhớ ơn, giữ chữ hiếu. Thúy Kiều khi bị “giam” ở lầu Ngưng Bích, đã nhớ về cha mẹ, lo lắng cho bậc sinh thành:
 
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
 
Kiều xót thương cho cha mẹ tuổi già xế bóng, không ai chăm sóc, hẩm hiu cô đơn, vì thế trong lời khuyên Từ Hải ra hàng, mục đích cửa Kiều là để được về quê thăm cha mẹ và quê hương:
 
Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.
 
Để cha mẹ được hạnh phúc:
 
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha.
 
Trong Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên là người con hiếu thảo. Trên đường đi thi, Vân Tiên nhận được thư báo tin mẹ mất, Lục Vân Tiên “Mình gieo xuống đất dật dờ hồn hoa”. Người con hiếu thảo ấy bỏ cả thi cử để về quê chịu tang mẹ, vì nghĩ rằng mình chưa đền đáp chút gì cho mẹ mà mẹ đã không còn. Vân Tiên khóc đến nỗi mù cả đôi mắt:
 
Tiên rằng khô héo lú gan,
Ôi thôi con mắt đã mang lấy sầu.
 
Cùng với Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga cũng là đứa con hiếu thảo. Được thư cha bảo qua để “định bề nghi gia”, Nguyệt Nga vẫn đi dù biết rằng đường sá xa xôi ngàn dặm vì:
         
Làm con đâu dám cãi cha.
 
Sau đó, Nguyệt Nga ép lòng đi cống giặc Ô Qua để cha khỏi bị liên lụy. Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga đều là những người con hiếu thảo trong dòng văn học cổ Việt Nam. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, đã phản ánh trung thực lòng hiếu thảo của con cái trong xã hội phong kiến thời ấy.
 
Bài ca dao ngắn gọn, hàm súc, gợi cho ta thấy được quan điểm đạo lí của ông cha ta ngày xưa.
 
Bài ca dao thuộc thể thơ lục bát, hình ảnh sinh động, vừa cụ thể vừa tượng trưng, lời thơ êm ái, nhẹ nhàng, từ ngữ đặc sắc, như nhắn nhủ khuyên ta rằng ngay từ bây giờ ta phải cố gắng học tập, để mai sau lớn lên thành một người tài giỏi để phục vụ Tổ quốc và phải luôn luôn nhớ ơn và thờ kính cha mẹ.
 
Chữ hiếu, là đạo đức mà cha ông ta ngày xưa đã khuyên dạy chúng ta. Đó là truyền thông quý báu của dân tộc Việt Nam, cần phải được kế thừa và phát huy.
 
Chữ hiếu ngày nay phải được hiểu rộng hơn: “Trung với nước, hiếu với dân”. Trong thực tế cuộc sống, không có người con nào bất hiếu với cha mẹ mà lại trung với nước cả.
 
Ta phải sống có hiếu vì chừ hiếu là đạo đức sống của con người, nếu bất hiếu thì còn thua loài cầm thú.

Nguyễn Minh

0 chủ đề

23664 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0