04/06/2017, 23:40

Bình luận câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Xưa kia ông cha ta đã dạy dỗ chúng ta “Uống nước nhớ nguồn”, đó là câu tục ngữ có ý nghĩa sâu xa đối với con người sống trong một cộng đồng, Gần gũi và rõ ràng, cụ thể hơn nữa là câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Đi sâu vào ý nghĩa câu tục ngữ này, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc hơn truyền thống ...

Xưa kia ông cha ta đã dạy dỗ chúng ta “Uống nước nhớ nguồn”, đó là câu tục ngữ có ý nghĩa sâu xa đối với con người sống trong một cộng đồng, Gần gũi và rõ ràng, cụ thể hơn nữa là câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Đi sâu vào ý nghĩa câu tục ngữ này, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc hơn truyền thống sống ân nghĩa, thủy chung của nhân dân ta.
 
Câu tục ngữ có hai nghĩa: Nghĩa đen: được ăn một quả ngon ngọt ta phải nhớ đến người trồng cây. Nghĩa bóng: “ăn quả” ở đây chỉ sử dụng thành quả lao động của người khác, không hẳn chỉ là hoa quả. Nguyễn Trãi đã từng nói: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Và ca dao đã có những câu sâu sắc vừa nhắc nhở vừa như khẳng định một lẽ sống phải có tình nghĩa:
 
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Biết công hôm sớm cấy cày cho chăng.
 
Sâu sắc hơn, người nông dân nhắc đến sự vất vả trong lao động, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt làm nên những hạt gạo cho ta ăn.
 
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
 
Những người sáng tạo, làm ra sản phẩm tinh thần nếu không phải “một nắng hai sương” thì cũng phải có những ngày đêm vật lộn với chữ nghĩa mới thành văn thơ, những đường nét thấm đẫm tâm huyết để có những bức tranh; dốc những xúc cảm được chắt lọc từ tim óc mới có được bài nhạc.
 
Nói chung, các nhà văn, nhà thơ, các nhà bác học, các nhà cách mạng cũng đã phải lao động gian khổ, chịu đựng bao đắng cay, nguy hiểm mới có thể đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc và văn minh cho con người.
 
Thừa hưởng những kết quả đó, chúng ta có bổn phận phải nhớ ơn người mang lại những thành quả ấy cho ta.
 
Câu tục ngữ chỉ có sáu tiếng mà in sâu trong đó truyền thống tốt đẹp về lòng nhân nghĩa của dân tộc. “Sáu chữ vàng” này không phải chỉ nằm sâu trong văn học dân gian, thể hiện giữa những con người còn đang hiện diện trên đất nước, quê hương, làng xóm mà còn khơi gợi trong ta bằng những hành động nhớ ơn những người đã khuất như những anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với tổ quốc... Lễ hội đền Hùng, kỉ niệm Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... hàng năm và việc “đền ơn đáp nghĩa” cho những gia đình liệt sĩ, thương binh ngày nay chính là việc mà ta đang phát huy ý nghĩa của câu tục ngữ cao đẹp ngàn đời: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.”
 
Thật ra, cũng có một số ít người đưa ra luận điểm “Sống ở trên đời, người đi trước có trách nhiệm chuẩn bị cho người đi sau. Do đó, ai cũng là người được hưởng thành quả của người đi trước... Vậy nói đến ơn huệ làm gì?”
 
Lại có người nói: “Người trồng cây hiện nay là muốn được ăn quả ngay, họ có nghĩ đến người đi sau đâu mà phải mang ơn họ” (Dĩ nhiên, người nói câu nói này cũng dùng ý nghĩa xã hội của câu tục ngữ).
 
Lại cũng là một câu nói có thật: “Thời nào cũng có kẻ sống vô ơn, bạc nghĩa, nói một cách hình tượng là họ không biết và không muốn sống cho tương lai, họ muốn dùng hết những gì họ làm ra”.
 
Quan điểm sống của những người này là thực hiện quan điểm của câu thành ngữ: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Cua và cáy là hai loài sống dưới đất, là loại động vật giáp xác, chúng phải đào hang để ở. “Máy” là chỉ một hoạt động chèo thuyền giống như cử động chân thứ tư và thứ tám (trông như mái chèo) của con của để khoét đất làm hang hoặc để đi lại trong nước kiếm ăn. Cua đào hang xiên, cáy đào hang thẳng đứng. Hai cách “đào, máy” khác nhau cũng chỉ nhằm mục đích để tồn tại.
 
Trong câu thành ngữ trên, ý nghĩa của nó biểu thị phương thức lo liệu cuộc sống cho riêng bản thân con cáy và con cua. Đời của kiếm sống theo cách của cua, đời cáy kiếm sống theo cách riêng của cáy, không ai hỗ trợ giúp đỡ ai cả. Câu thành ngữ này biểu thị lối sông ích kỉ, không có gì tốt đẹp.
 
Những người sống theo lối sống này là tự mình hạ mình xuống như một loại động vật, sống không cần quan hệ xã hội, không cần đến đạo lý.
 
Rõ ràng, chúng ta không thể thực hiện lối sống này vì nó xấu xa, không có tình nghĩa, “Cạn tàu ráo máng”, từ bỏ truyền thống tốt đẹp của ông cha ta để lại. Chúng ta phải xây dựng cho mình đạo lí sống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

nguyễn phương

0 chủ đề

23913 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0