21/02/2018, 10:03

Em hãy giới thiệu về chiếc bánh trưng ngày tết ở Việt Nam.

Tết Nguyên Đán ở Việt Nam là cái Tết cổ truyền đã có tự ngàn xưa với: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Tục đó được lưu truyền tới tận ngày nay. Hàng năm vào mỗi dịp tết đến, nhà nào cũng có bánh chưng để ăn tết được trọn vẹn hơn. Nhìn chiếc bánh chưng, ta thấy mộc mạc, giản dị ...


Tết Nguyên Đán ở Việt Nam là cái Tết cổ truyền đã có tự ngàn xưa với: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Tục đó được lưu truyền tới tận ngày nay. Hàng năm vào mỗi dịp tết đến, nhà nào cũng có bánh chưng để ăn tết được trọn vẹn hơn.

Nhìn chiếc bánh chưng, ta thấy mộc mạc, giản dị vô cùng, nhưng để làm ra nó lại tốn không ít công phu. Bà em phải lo đi chợ mua lá dong cùng với mấy bó lạt giang. Và lá dong phải to bản, lành lặn, Thường là lá dong bánh tẻ, không già, không non thì gói bánh mới đẹp. Nhất là lạt giang chẻ sẵn phải mỏng và mềm, màu vàng ngà, rất ăn ý với lá dong xanh.

Chuẩn bị gạo nếp cái hoa vàng vừa dẻo vừa thơm, được ngâm từ đêm trước, đem xả rồi xóc cho ráo nước. Nguyên liệu thứ 2 là đậu xanh đãi sạch vỏ từ trước.Thịt lợn xắt miếng to cỡ nửa bàn tay gớp muối, tiêu, hành chó thấm. Lá dong đã được cắt cuống, rửa sạch, lau khô… Tất cả bày sẵn ra chiếc nong, chờ người gói.

Cả nhà quây quần quanh bà. Bà trải lá ra mâm, đong một bát gạo đổ vào, dàn đều rồi đổ nửa bát đỗ, xếp hai miếng thịt, lại thêm nửa bát đỗ, một bát gạo nữa. Bà khéo léo đãi gạo che kín đỗ và thịt rồi nhẹ nhàng bẻ bốn góc lá cho vuông vức, sau đó xiết chặt từng chiếc lạt. Chẳng mấy chốc, chiếc bánh chưng đã được gói xong. Suốt một buổi sáng cặm cụi, bận rộn, bà đã gói hết thúng gạo. Bố tôi buộc hai cái thành một cặp rồi xếp vào chiếc nồi thật lớn, chuyên dùng để luộc bánh. Đám trẻ chúng tôi được bà gói cho mỗi đứa một chiếc bánh chưng be bé. Chùm bánh ấy để ở trên cùng và sẽ vớt ra trước nhất.

Phía góc sân, bốp lửa đã cháy đều. Những gộc tre, gộc củi khô tích trữ quanh năm giờ được đem ra đun. Ngọn lửa nhảy nhót réo ù ù, tàn than tí tách bắn ra xung quanh những chấm đỏ rực trông thật vui mắt. ông tôi bảo phải đun cho lửa cháy thật đều thì bánh mới rền, không bị hấy. Anh em tôi xúm xít bên ông, vừa hơ tay cho khỏi cóng, vừa nghe ông kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Đến những đoạn thú vị, ông cười khà khà, rung cả chòm râu bạc.

Khoảng tám giờ tối thì bố tôi dỡ bánh, xếp rải ra trên chiếc chõng tre ngoài hiên. Hơi nóng từ bánh bốc lên nghi ngút, toả ra một mùi thơm ngậy, nồng nàn. Bố tôi đã chuẩn bị hai tấm ván gỗ và chiếc cối đá để nén bánh.

Khó có thể tả nổi niềm sung sướng, hân hoan của lũ trẻ chúng tôi khi được nếm chiếc bánh chưng nhỏ xỉnh, nóng hổi. Nếp dẻo, đỗ bùi, thịt béo… ngon quá là ngon! Tưởng chừng như chẳng có thứ bánh nào ngon hơn thế!

Chiều ba mươi Tết, trên bàn thờ đèn nến sáng trưng, hương trầm nghi ngút, những cặp bánh chưng xanh được trân trọng bày bêh cạnh đĩa ngũ quả, hộp trà, hộp mứt, chai rượu… và mâm cỗ tất niên để cúng trời đất, tổ tiên, đón các cụ về ăn Tết cùng con cháu. Không tả hết được nỗi xúc động rưng rưng trong lòng mỗi người. Không khí thiêng liêng của ngày Tết thực sự bắt đầu. Tôi rất yêu cái tết cổ truyền của đất nước mình!

Nguồn: Thế giới văn học

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

  • giới thiệu về bánh trưng
0