Đức
Cộng hoà Liên bang Đức (tiếng Đức: Bundesrepublik Deutschland) ngày nay là một nước Đức thống nhất do sự sáp nhập của nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) vào nước Cộng hòa Liên bang Đức cũ vào năm 1990. Cộng hòa Liên bang Đức thống nhất hiện nay là một quốc gia liên bang nằm ở Trung Âu và ...
Cộng hoà Liên bang Đức (tiếng Đức: Bundesrepublik Deutschland) ngày nay là một nước Đức thống nhất do sự sáp nhập của nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) vào nước Cộng hòa Liên bang Đức cũ vào năm 1990.
Cộng hòa Liên bang Đức thống nhất hiện nay là một quốc gia liên bang nằm ở Trung Âu và có chung đường biên giới với các nước Đan Mạch (về phía bắc), Ba Lan và Séc (phía đông), Áo và Thụy Sĩ (về phía nam), Pháp, Luxembourg, Bỉ và Hà Lan (về phía tây). Ở phía bắc, Đức nằm giáp ranh với biển Baltic và Bắc Hải. ('Aus der Mitten Europa' - DW_TV). Thủ đô và trụ sở của chính phủ Đức nằm tại Berlin nhưng đa số nhân viên của các bộ và nhiều cơ quan liên bang vẫn còn ở tại Bonn, là thủ đô liên bang trước đây (hiện nay là thành phố liên bang). Hệ thống chính trị được tổ chức theo lối liên bang và dân chủ nghị viện: theo điều 20 của Hiến pháp, nước Đức là một quốc gia liên bang dân chủ và xã hội và là một quốc gia pháp quyền. Vào ngày 3 tháng 10 năm 1990 nước Cộng hòa Dân chủ Đức sáp nhập vào quốc gia liên bang này tạo nên nước Đức thống nhất ngày nay bao gồm 16 bang độc lập trên cơ sở hệ thống pháp luật liên bang cũ. Nước Đức với dân số hơn 82 triệu là quốc gia có dân số lớn thứ nhì của châu Âu sau Nga. Đức là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu và là nước đông dân nhất trong khối này. Cộng hòa Liên bang Đức là thành viên của Liên Hiệp Quốc từ 18 tháng 9 năm 1973. Ngoài ra Đức còn là thành viên trong khối NATO và G8.
Cung điện Nymphenburg
Cung điện Nymphenburg được xem là một trong các lâu đài đẹp nhất trên thế giới vì có sự kết hợp hài hòa độc nhất vô nhị giữa công trình kiến trúc và công viên lâu đài.
Lâu đài là một thắng cảnh nổi tiếng và vì thế cũng là một yếu tố kinh tế quan trọng của thành phố München. Với hơn 300.000 khách tham quan hằng năm Lâu đài Nymphenburg có nhiều du khách hơn Cung điện München (Münchner Residenz) và Lâu đài Schleißheim nhưng vẫn thua xa Lâu đài Neuschwanstein của vua Ludwig II với khoảng 1,3 triệu khách đến tham quan hằng năm.
Trong một thời gian dài lâu đài đã từng là dinh thự mùa hè của dòng họ Wittelsbach và cùng với Công viên lâu đài Nymphenburg là một trong các thắng cảnh nổi tiếng nhất của Đức. Lâu đài do tuyển hầu Ferdinand Maria cho xây năm 1664 để làm quà tặng cho vị hôn thê Adelheid von Savoyen khi bà sinh hạ cho ông người con trai nối ngôi đã được trông chờ bấy lâu là Max Emanuel. Chính Max Emanuel cũng đã cho xây mở rộng lâu đài sau này.
Lâu đài là nơi ký kết Hiệp ước Nymphenburg năm 1741 khi Bayern, Pháp, Sachsen và Tây Ban Nha đã liên minh cùng với Phổ chống lại Áo. Vua Maximilian I đã qua đời trong lâu đài này năm 1825, chắt của ông là vua Ludwig II đã ra đời trong lâu đài năm 1845.
Sau cuộc cách mạng năm 1918 Lâu đài Nymphenburg nằm dưới sự quản lý của cơ quan quản lý tài sản hoàng gia và sau đấy là trở thành sở hữu quốc gia. Dòng họ Wittelsbach vẫn còn có quyền cư ngụ trong ba căn nhà giữa. Vì thế mà người trưởng họ của Wittelsbach, hiện nay là Franz von Bayern, vẫn còn cư ngụ trong lâu dài cho đến ngày nay. Trong Đệ nhị thế chiến, ngoài trừ trúng bom nơi dùng làm cầu nguyện, lâu đài không bị tàn phá nặng nề.
Tòa nhà giữa nguyên thủy là một ngôi nhà hình khối vuông 5 tầng theo kiểu nhà thôn quê của Ý. Ngôi nhà do Agostino Barelli xây và được khánh thành trong năm 1675. Lâu đài dần dần được mở rộng và cải tạo theo thời gian.
Đầu tiên Max Emanuel đã cho 2 nhà kiến trúc sư và xây dựng Enrico Zuccalli và Giovanni Antonio Viscardi xây thêm 2 phòng dài cạnh gian chính, 2 tòa nhà phía bắc và 2 tòa nhà phía nam kế liền đó (1702-1704). Joseph Effner đã cải tạo mặt trước của tòa giữa theo phong cách Pháp năm 1716.
Tuyển hầu Karl Albrecht đã cho xây thêm 2 gian: một gian kế cạnh tòa nhà phía bắc để làm vườn cam và một cạnh tòa nhà phía nam để làm chuồng ngựa.
Vài phòng vẫn còn giữ được cách trang trí nguyên thủy theo phong cách Baroque, các phòng khác sau này đã được cải tạo theo phong cách Rocoque và Cổ điển. Trong gian giữa François de Cuvilliés đã xây dựng đại sảnh lễ hội cao ba tầng. Các bức bích họa do Johann Baptist Zimmermann vẽ, trong đó bức bích họa chính trên trần miêu tả thần Helios được tháp tùng bởi nhiều vị thần khác.
Bên trong của tòa nhà phía nam là phòng tranh nổi tiếng của vua Ludwig I của Bayern. Theo yêu cầu của vua, người họa sĩ hoàng gia Joseph Karl Stieler đã vẽ chân dung của 36 người phụ nữ đẹp nhất từ tất cả các tầng lớp xã hội của thành phố München. Nổi tiếng nhất là chân dung của người con gái thợ giày Helene Sedlmayr cũng như là người tình của vua Ludwig: vũ nữ Lola Montez. Bên cạnh đấy là căn phòng ngủ nơi vua Ludwig II của Bayern đã chào đời vào ngày 25 tháng 8 năm 1845.
Trong chuồng ngựa hoàng gia ngày xưa ở dãy phía nam hiện là Viện bảo tàng với một trong các bộ sưu tập xe ngựa nổi tiếng nhất của châu Âu. Phía trên là nơi trưng bày đồ sứ của Nymphenburg.
Munich
Munich còn được biết đến với tên gọi München, là thủ phủ của tiểu bang Bayern, là thành phố lớn thứ ba của Đức sau Berlin và Hamburg và là một trong những trung tâm kinh tế, giao thông và văn hóa quan trọng nhất của Cộng hòa liên bang Đức.
München là đô thị lớn cuối cùng ở cực Nam nước Đức và là thành phố có diện tích lớn nhất của Đức.
Điểm cao nhất của thành phố là đồi Warnberg, cao 579m trên mặt biển, điểm thấp nhất cao 482m trên mặt biển nằm trong khu Feldmoching của thành phố.
Sông Isar chảy xuyên qua thành phố dài 13,7km từ Tây Nam đến Đông Bắc. Các đảo nổi tiếng nằm trên sông là Museuminsel với Viện bảo tàng Đức và đảo Praterinsel ngay bên cạnh. Có nhiều hồ lớn nằm ở ngoài ngoại ô như Ammersee, Wörthsee hay Starnberger See. Các dòng nước khác là sông Würm bắt nguồn từ Starnberger See chảy xuyên qua phía Tây của München và nhiều kênh rạch như Eisbach hay như Auer Mühlbach là kinh đầu tiên từ Isar chảy qua Vườn bách thú München ở Hellabrunn. Phần lớn các kênh rạch được đào dọc theo sông Isar, một số chảy xuyên qua khu trung tâm thành phố. Ngày nay phần lớn các kênh rạch ở trung tâm được dẫn chảy ngầm bằng ống nước, một số được san lấp từ khi xây dựng các đường tàu điện ngầm và tàu lửa thành phố (S-Bahn). Các hồ trong thành phố München bao gồm Großhesseloher See trong Công viên Englischer Garten (English Garden), hồ trong khu vực Olympia và các hồ Lerchenauer See, Fasaneriesee, Feldmochinger See toàn bộ đều nằm về phía Bắc của München.
Thành phố München nằm trong vùng tiếp giáp giữa khí hậu Đại Tây Dương ẩm và khí hậu lục địa khô. Các yếu tố khác có ảnh hưởng quyết định đến thời tiết là núi Anpơ (Alpen) chia cắt thời tiết ở Trung Âu và sông Donau chia cắt thời tiết trong vùng. Vì vị thế này mà thời tiết ở München hay thay đổi. Gió từ phía Nam mang đến luồng không khí ấm và khô quanh năm, đem lại tầm nhìn xa rất tốt thấy rõ cả núi Anpơ của vùng Bayern. Nhiệt độ chính thức cao nhất từ trước đến nay do Cục thời tiết Đức đo được là 37,2 độ Celcius vào tháng 7 năm 1983. Với vị trí nằm trong tiểu bang Bayern có nhiều giông tố nhất, München cũng đã chịu đựng nhiều cơn giông bão dữ dội. Đáng nói nhất là cơn mưa đá vào ngày 12 tháng 7 năm 1984 đã gây thiệt hại đến 1,5 tỉ Euro. Vì gần núi Alphe, München là thành phố lớn có nhiều tuyết nhất của Đức.