Dự báo dân số
Nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch sử dụng đất đai là tổ chức sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất đai nhằm giải quyết tốt mâu thuẩn giữa người sử dụng và nguồn tài nguyên đất đai. Dân số luôn gia tăng, cùng với sự gia tăng dân số là sự gia tăng về nhu ...
Nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch sử dụng đất đai là tổ chức sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất đai nhằm giải quyết tốt mâu thuẩn giữa người sử dụng và nguồn tài nguyên đất đai.
Dân số luôn gia tăng, cùng với sự gia tăng dân số là sự gia tăng về nhu cầu xã hội và đòi hỏi nhu cầu đất ngày càng lớn. Trong khi đó, diện tích và sức tải dân số của đất đai lại có giới hạn, mâu thuẩn giữa người và đất đai lại càng thêm gay gắt. Vì vậy, dự báo dân số có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề của quy hoạch sử dụng đất đai.
Do có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn về mức độ và nhu cầu tiêu dùng nông sản, về tình trạng sử dụng đất đai. Vì vậy, cùng với việc dự báo tổng dân số cần dự báo rõ dân số phi nông nghiệp, dân số nông nghiệp cũng như dân số tăng trưởng tự nhiên và tăng cơ học (dân số tăng theo mục tiêu quy hoạch).
Quy mô dân số phi nông nghiệp là chỉ tiêu quan trọng phản ảnh thực trạng KTXH và phát triển của các đô thị. Trong quy hoạch sử dụng đất đai, dân số phi nông nghiệp được dự báo để khống chế vĩ mô về quy mô dân số nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững KTXH và phù hợp với trình độ đô thị hóa. Để xác định dân số phi nông nghiệp cần dựa vào những căn cứ sau:
- Trình độ hay mức độ đô thị hoá ở năm định hình quy hoạch.
- Các yếu tố tổng hợp như: số liệu lịch sử về dân số, tính chất đô thị, xu thế và quy mô phát triển, tình hình phát triển KTXH...
Thường ở mỗi vùng đều bao gồm dân số ở cả hai khu vực đô thị và nông thôn, ngay trong khu vực đô thị ngoài dân số phi nông nghiệp còn có cả dân số nông nghiệp.
Tổng dân số, dân số phi nông nghiệp, dân số nông nghiệp thường được dự báo theo phương pháp tăng tự nhiên. Công thức tính như sau:
Nn = No (1 + K )n
Trong đó:
Nn : Số dân dự báo ở năm định Hình quy hoạch
No : Số dân hiện trạng (ở thời điểm làm quy hoạch)
K : Tỷ lệ tăng dân số bình quân
n : Thời hạn (số năm) định Hình quy hoạch)
Giá trị K có thể được xác định theo chỉ tiêu khống chế về tỷ lệ tăng dân số (chính sách kế hoạch hoá gia đình) qua các năm của thời kỳ định hình quy hoạch hoặc dựa vào chỉ tiêu thống kê bình quân về lịch sử phát triển dân số của vùng.
Bên cạnh nhân tố lịch sử và chính sách kế hoạch hoá gia đình, sự gia tăng dân số còn chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác như: di chuyển dân (nhập cư) từ vùng nông thôn vào thành thị, từ vùng này sang vùng khác, quy mô và tố độ tăng trưởng kinh tế xã hội (phát triển CN, DV..). Vì vậy, cần chú ý đến tỷ lệ tăng cơ học về dân số. Công thức tính trong trường hợp này như sau:
Nn = No [1 + (K ± D ) ] n
Trong đó:
Nn : Số dân dự báo ở năm định Hình quy hoạch
No : Số dân hiện trạng (ở thời điểm làm quy hoạch)
K : Tỷ lệ tăng dân số bình quân
D : Tỷ lệ tăng dân số cơ học với dấu (+) số dân nhập cư cao hơn số dân di cư; với dấu (-) ngược lại.
n : Thời hạn (số năm) định Hình quy hoạch)
Ngoài ra, còn có thể dự báo dân số theo các phương pháp khác như: phương pháp cân đối lao động (dựa trên cơ sở tính toán trực tiếp nhu cầu lao động cần thiết của các ngành ở năm định hình quy hoạch); phương pháp hồi quy tuyến tính (căn cứ vào số liệu lịch sử thống kê dân số nhiều năm).
Đối với dự báo dân số đô thị còn có thể áp dụng phương pháp chuyển dịch lao động (trong đó có biểu thị mối liên quan giữa gia tăng dân số đô thị và sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn). Về mặt bản chất, khi các đô thị phát triển sẽ đòi hỏi khá lớn về nhu cầu lao động (gọi là sức hút của đô thị). Trong khi đó, ở khu vực nông thôn dân số và lao động cũng luôn tăng đã làm giảm bình quân diện tích đất canh tác, mặt khác, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến dẫn đến trình trạng dư thừa lực lượng lao động, tạo sự chuyển dịch ra thành phố vì công ăn việc làm. Dân số nông nghiệp có thể dự báo trực tiếp bằng các phương pháp nêu trên, cũng có thể sử dụng kết quả của dự báo tổng số dân và dân số phi nông nghiệp (bằng hiệu số). Do đặc điểm dự báo mang tính trung và dài hạn nên giá trị dự báo dân số là chỉ tiêu khống chế. Vì vậy, cần áp dụng nhiều phương pháp để tính toán, kết hợp với tình hình phân tích của địa phương và phải mở rộng biên dao động dân số dự báo một cách hợp lý.