Các quan chức ở Nhật được tuyển chọn như thế nào?
LTS – Trong phiên họp của Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Nông Đức Mạnh và nhiều đại biểu Quốc hội khác đã rất quan tâm đến thực trạng của đội ngũ công chức trong bộ máy công quyền. Thành uỷ Tp. HCM cũng đã bắt đầu thực hiện việc lựa chọn các em học sinh giỏi để ...
LTS – Trong phiên họp của Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Nông Đức Mạnh và nhiều đại biểu Quốc hội khác đã rất quan tâm đến thực trạng của đội ngũ công chức trong bộ máy công quyền. Thành uỷ Tp. HCM cũng đã bắt đầu thực hiện việc lựa chọn các em học sinh giỏi để đào tạo thành công chức Nhà nước . Nhân dịp này xin giới thiệu bài viết của GS Phạm Phụ về cách tuyển chọn công chức ở Nhật (từ tài liệu của GS Trần Văn Thọ) để bạn đọc tham khảo.
Hằng năm viện Nhân sự của Nhật đều có mở 3 kỳ thi để tuyển chọn công chức loại I, II, và III. Những người trúng tuyển loại I (cấp cao) sẽ được đào tạo để trở thành cán bộ lãnh đạo trong tương lai. Cả nước Nhật mỗi năm tuyển trên 1.000 cán bộ loại này. Thí sinh hầu hết là sinh viên đại học năm cuối loại xuất sắc của những trường đại học lớn, có uy tín và có truyền thống đào tạo nhân tài ra làm việc nước. Thế nhưng tỷ lệ trúng tuyển cũng chỉ khoảng 1/50, nghĩa là số người dự thi gấp đến 50 lần con số chọn. Trong hơn 1.000 người chọn, khoảng gần một nửa sẽ thành “quan hành chánh”, số còn lại sẽ là “quan kỹ thuật”. Quan hành chánh phần nhiều xuất thân từ khoa Luật, sau đó là khoa Kinh tế của trường đại học Tổng hợp Tokyo. Thi đỗ vào trường này đã khó, nhưng để vào khoa Luật còn phải có thành tích học tập xuất sắc trong hai năm đầu. Sau khi đỗ kỳ thi tuyển loại I, các quan chức tương lai này được quyền lựa chọn nơi làm việc. Tuy nhiên, muốn vào được một số bộ như: Ngoại giao, Tài chính, Cục kinh tế – kế hoạch v.v... họ còn phải dự thi một lần nữa vì số ứng cử viên quá đông mà các bộ này mỗi năm chỉ nhận độ 25 quan chức mới. Các bộ chỉ có quyền tuyển chọn người trong số những người trúng tuyển kỳ thi loại I chứ không được mở kỳ thi riêng.
Tiếp theo, xin lấy trường hợp của bộ Tài chính để xem người Nhật đã đào tạo các quan chức mới này như thế nào. Có thể xem việc đào tạo gồm hai phần. Phần thứ nhất là qua các lớp huấn luyện bồi dưỡng theo chương trình của Bộ, của viện Nhân sự, Cục quản lý hành chính v.v... về quản lý hành chính, chính trị, kinh tế v.v... Trong 3 – 4 năm đầu, mỗi năm có nhiều khoá, mỗi khoá kéo dài 4 - 5 tuần. Đây cũng là dịp để họ gặp gỡ nhau, xây dựng các mối quan hệ để có thể có hợp tác tốt giữa cán bộ của các bộ trong tương lai. Sau đó, 5-6 người được cử ra nước ngoài học 2 - 3 năm ở bậc sau đại học về kinh tế hay quản trị kinh doanh. Số còn lại cũng tạm thời tách ra khỏi công việc để học một năm về kinh tế học.
Phần thứ hai là đào tạo qua kinh nghiệm làm việc. Đầu tiên họ được bố trí làm việc tại nhiều cơ sở khác nhau trong Bộ và ngoài Bộ. Sau 3,4 năm họ được giao làm trưởng nhóm. Hai năm sau đó họ lại đuợc cử về một thành phố hoặc một địa phương làm giám đốc một cơ sở thu thuế, nghĩa là làm lãnh đạo một cơ quan nhỏ, độc lập phán đoán và xử lý công việc. Sau một năm làm việc tại đây, quan chức này lại được đưa về Bộ trở lại, giữ chức phó trưởng phòng và bắt đầu tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách. Suốt 10 năm tiếp theo, họ được cử làm việc trong nhiều phòng, nhiều vụ của Bộ (mỗi nơi độ 2 năm) và một số còn được cử sang làm việc ở các bộ khác. Mục đích là để họ có tầm nhìn đủ rộng và trong phán đoán có cân nhắc đến lợi hại của nhiều lĩnh vực.
Tiếp theo đó, họ lại được cử về địa phương làm phó trưởng ty của Bộ hoặc ra nước ngoài làm tuỳ viên hay tham tán kinh tế tại các đại sứ quán. Ba bốn năm sau họ được đưa về Bộ làm trưởng phòng liên tiếp trong 6 năm ở nhiều phòng khác nhau. Rồi sau đó lại về địa phương làm trưởng ty. Hầu hết những người trúng tuyển kỳ thi tuyển loại I đều đạt đến chức vụ này và về cơ bản, đến đây mới hoàn thành việc đào tạo qua kinh nghiệm làm việc.
Từ đây, họ phải cạnh tranh với những bạn vào Bộ cùng năm để lên chức vụ cao hơn. Chỉ một số lên phó vụ trưởng, rồi vụ trưởng, vài người lên trợ lý bộ trưởng và chỉ một người xuất sắc nhất lên chức thứ trưởng (Bộ trưởng là những Nhà chính trị do Thủ tướng bổ nhiệm). Những người không lên chức phải từ chức và được thu xếp làm việc ở các cơ quan có quan hệ với Bộ nhưng không thuộc Bộ hoặc được thu xếp làm việc ở các công ty tư nhân. Ngay với người lên thứ trưởng, nhiệm kỳ cũng thường chỉ có vài năm. Ngoài ra, trong quá trình nói trên, một bài báo, một tiếng đồn về sự không công minh, không liêm chính của một quan chức nào đó dù là rất nhỏ cũng trở thành áp lực xã hội làm cho quan chức đó không thể thăng tiến hơn được nữa.
Như vậy, cách tuyển chọn, đào tạo và sử dụng công chức cao cấp ở Nhật là: (a) Tuyển chọn đầu vào công khai và thống nhất cho cả nước, cả trung ương và địa phương, bởi một cơ quan độc lập. (b) Người trúng tuyển đầu vào thực sự là những sinh viên xuất sắc; (c) Đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt một cách có kế hoạch và không phải là chuyện có tính bất ngờ đối với mọi người; (d) Luôn thuyên chuyển công tác giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ phận khác nhau trong một bộ; (e) Một người giữ một chức vụ ở một đơn vị thường chỉ 2 - 3 năm và không quá 3 - 4 năm; (f) Nếu không thăng chức thì phải từ chức và được thu xếp làm việc ở nơi khác.