18/06/2018, 15:41

Murakami- Dịch là bất khả (Lost in Tranlation)?

Roland Kelts Hồ Hồng Ân dịch Tháng rồi Haruki Murakami vừa xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới tại Nhật Bản. Ngay từ lúc còn chưa ra lò cuốn tiểu thuyết đã phá kỷ lục quốc gia về số lượng đặt hàng trước trên mạng, nhà xuất bản thông báo in lần đầu nửa triệu cuốn, các hiệu ...

Portrait of author Haruki Murakami.

Roland Kelts

Hồ Hồng Ân dịch

Tháng rồi Haruki Murakami vừa xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới tại Nhật Bản. Ngay từ lúc còn chưa ra lò cuốn tiểu thuyết đã phá kỷ lục quốc gia về số lượng đặt hàng trước trên mạng, nhà xuất bản thông báo in lần đầu nửa triệu cuốn, các hiệu sách ở Tokyo mở cửa đến nửa đêm để đón khách hàng rồng rắn nối nhau. Thậm chí, có người mua xong, không kịp về nhà, ngồi thụp ở một quán café ngay góc đường sát hiệu sách đọc ngấu nghiến. Nhưng lần này sự điên cuồng đó đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”: nó gần như chỉ là bản sao của hiện tượng tương tự ba năm trước khi công chúng đón nhận cuốn tiểu thuyết trước đó cũng của Murakami, cuốn “1Q84”. Chẳng ai ngạc nhiên nữa trước sự chào đón như vậy của công chúng với tác phẩm của Murakami, có lẽ chỉ trừ một người, đó là chính Haruki Murakami.

“ Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn kinh ngạc trước việc mình lại có thể trở thành nhà viết tiểu thuyết chuyên nghiệp”, Murakami đã viết như thế trong một email, 3 ngày trước khi cuốn “Colorless Tsukuru Tazaki and His years of Pilgrimage” (tạm dịch “Tsukuru Tazaki xanh xao và những tháng năm lãng du”) đó trình làng. Ông còn viết “Thực ra thì tất cả mọi chuyện xảy ra trong 34 năm qua đều làm tôi kinh ngạc”. Nhưng có lẽ sự ngạc nhiên thật sự ấy là, giờ đây, tiểu thuyết của Murakami cũng tạo khuấy động như vậy trong giới độc giả bên ngoài Nhật Bản, dù rằng chỉ được viết bằng thứ tiếng của một dân tộc không đông lắm, sống trên những quần đảo xa xôi và cách biệt ở phía Bắc Thái Bình Dương.

Murakami không chỉ là nhà văn được dịch (hiện tại tác phẩm của ông được dịch ra hơn 40 thứ tiếng) mà còn là nhà văn dịch giả . Ở cuốn tiểu thuyết đầu tiên, “Hear the wind sing” (tạm dịch: “Nghe gió hát”), ông đã viết những trang mở đầu bằng tiếng Anh rồi dịch sang tiếng Nhật. Ông bảo, “để thử nghe nó ra làm sao”. Ông còn dịch nhiều tác phẩm văn chương Mỹ ra tiếng Nhật, đáng chú ý nhất là của những nhà văn như Raymond Carver, John Irving, J.D.Salinger và F.Scott Fitzgerald. Murakami cho rằng cuốn “The great Gatsby” của Fitzgerald chính là niềm hứng khởi thúc đẩy cả sự nghiệp viết lách của mình.

Motoyuki Shibata, dịch giả, học giả và giáo sư của Đại học Tokyo bảo tôi rằng đối với độc giả Nhật Bản tiểu thuyết Mỹ như là những sinh vật kỳ lạ từ một hành tinh nào khác. “Trong thời Minh Trị, hầu hết người Nhật đọc tiểu thuyết Mỹ để tìm những chỉ dẫn về đạo đức”, ông nói vậy. “Họ muốn học hỏi về tinh thần tự lập, chủ nghĩa cá nhân và Cơ đốc giáo. Không phải đọc để giải trí”. Văn chương Mỹ cập bến một Nhật Bản của thế kỷ 19 trên bánh xe quân sự, khiến nước Nhật mở ra với những tư tưởng và công nghệ hiện đại. Những dịch giả và độc giả đầu tiên thời ấy tiếp cận cuộc đời và văn chương với một tinh thần tôn ti cứng nhắc về chủng tộc: người da trắng là cao cấp nhất, thứ đến bậc trung là người Nhật, người da màu và các chủng tộc còn lại nằm dưới đáy cùng. Bất cứ thứ gì do người da trắng phương Tây viết ra thì mặc nhiên là cao cấp hơn, cũng chỉ vì người Nhật tự cho là mình ở dưới, rồi ngước trông lên người da trắng.

Sau Thế chiến thứ hai những tiểu thuyết như “The Old Man and the Sea” (“Ngư ông và biển cả”), “The Call of the Wild” (“Tiếng gọi nơi hoang dã”) và “Moby-Dick” đi vào lòng những độc giả Nhật đang khát khao một tương lai anh hùng chủ nghĩa, tự nhiên chủ nghĩa và thuyết phục người ta thức dậy khỏi cái chủ nghĩa quân phiệt hỗn độn và những đổ nát tan tành mà họ đã hứng chịu. Giáo dục chỉ góp phần kêu gọi, nhưng chính chủ nghĩa anh hùng và bản sắc dân tộc đã thúc đẩy người Nhật mạnh mẽ tiến lên phía trước. Phải đến năm 1975, tinh thần tiếp cận tiểu thuyết Mỹ mới chuyển thành một thái độ “thuần tuý văn học” hơn, với những độc giả giờ đã thực sự biết thưởng thức văn chương Mỹ qua những gì nó dạy họ. Khi đó Kurt Vonnegut và Richard Brautigan được dịch sang tiếng Nhật, giới thiệu một tinh thần hài hước, sự phi lý ngớ ngẩn và sự phê bình xã hội vốn vang vọng trong ngôn ngữ mang đầy tính đời thường của hai ông.

Bản dịch của Kazuko Fujimoto cho tác phẩm “Trout fishing in America” (tạm dịch “Câu cá hồi ở Mỹ”) tiếng tăm nhất của Brautigan chính là một sự “xua tan mây mù” cho những độc giả Nhật như Shibata và Murakami. “Đó là lần đầu tiên,” Shibata nói, “thay vì kính cẩn ngước nhìn lên tác giả và các nhân vật tôi đã thắng thắn nhìn ngang họ. Cảm giác cứ như là giờ đây họ mới thực sự nói năng như con người bình thường trên trái đất, dù rằng tất nhiên nhân vật kỳ quặc thì vẫn ăn nói kỳ quặc”. Shibata còn nói tiếp “thứ tiếng Nhật mà nữ dịch giả Fujimoto dùng thường là quanh co và ngớ ngẩn nhưng đó chính là giọng thật của bản gốc. Bà đã phá vỡ những lề luật của tiếng Nhật thông dụng, nhưng không như những dịch giả ngày xưa dịch kiểu gượng ép như tra tấn, bà làm theo cách rất hài hước dễ chịu và làm giàu thêm tiếng Nhật”.

Ngày nay ở Nhật, Brautigan và Vonnegut nổi tiếng hơn nhiều và được đọc nhiều hơn nhiều so với những “gã khổng lồ” như John Updike, Philip Roth hay Toni Morrison. Độc giả Nhật bây giờ khi mua sách chủ yếu căn cứ vào cốt truyện và cách kể chuyện hấp dẫn, hành văn của bản dịch tiếng Nhật phải khoáng đạt, chất lượng và dịch giả có tiếng tăm. Nhiều năm trước tại Boston, Murakami nói với tôi khi cố phân tích lý do tại sao cuốn “The Nuclear Age” (tạm dịch “Thời đại hạt nhân”) của Tim O’Brien mà ông yêu thích lại bị chê dữ dội ở Mỹ, “Đôi lúc tôi cho rằng tôi không hiểu được độc giả Mỹ. Tôi nghĩ có lẽ họ thiếu cái gì đó”.

Để lấp đầy chỗ trống không hiểu đó, Shibata cùng bạn là Ted Goossen, dịch giả chuyên dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh và là giáo sư đại học York ở Toronto, đã xuất bản trong ba năm nay một tạp chí văn chương thường niên tiếng Anh (mà tôi cũng phụ giúp biên tập) có tên là Monkey Business International: New Writing from Japan. Tạp chí này ra đời từ một sự thất vọng: tại sao trong các nhà văn Nhật đương đại chỉ có Haruki Murakami là được mọi độc giả nước ngoài biết đến? Goossen có riêng một tạp chí văn chương bằng tiếng Nhật ra hàng quý, xem như là nguyên bản của tờ Monkey Business kể trên, và ông yêu cầu Shibata chọn bài vở từ đó để dịch ra tiếng Anh. Murakami cố nhiên cũng đóng góp bài vở nhưng chủ yếu ông viết về những cách tân của các nhà văn, nhà thơ Nhật Bản đương đại (có người nhỏ hơn, có người lớn hơn ông) hay về văn chương cổ điển Nhật và thậm chí cả manga Nhật.

Dầu vậy, tôi vẫn không thể không tự vấn: vì sức mạnh và thậm chí nhân cách của văn bản gốc nằm ngay chính trong ngôn ngữ nên phải chăng việc dịch văn chương, dù là hành động anh hùng, vẫn là bất khả, vô ích. Jay Rubin, một trong những dịch giả dịch Murakami lâu dài nhất, tại Tokyo tháng trước có bảo tôi rằng anh hay nói với độc giả Mỹ: “khi quý vị đọc tác phẩm của Murakami, thực ra là quý vị đang đọc tác phẩm của tôi đó, ít nhất là cũng 95% của tôi”, dù phần lớn người Mỹ tin điều ngược lại. Anh vẫn nói “Văn chương trong bản tiếng Anh hoàn toàn là của tôi, chỉ có tên nhân vật và địa danh là còn của Murakami thôi”. Murakami thì có một lần nói với tôi rằng ông chưa bao giờ đọc truyện của chính mình qua các bản dịch vì thấy không cần thiết. Dù ông nói và viết tiếng Anh rất sỏi nhưng đọc lại tác phẩm của mình được dịch ra tiếng Anh có lẽ sẽ mang đến thất vọng, thậm chí còn tệ hơn. “Tác phẩm của tôi có bản gốc bằng tiếng Nhật rồi. Đó chính là điều quan trọng nhất vì tôi viết như thế nào là viết bằng tiếng Nhật chứ có phải bằng tiếng khác đâu”.

Tuy vậy, ông lại rất chú ý đến bản dịch trong suốt quá trình dịch. Rubin kể rằng lần đầu tiên anh dịch Murakami là cuốn “The wind-up Bird Chronicle”(“Biên niên ký chim vặn dây cót”). Anh đã gọi tác giả nhiều lần một ngày để chọn từ và chỉnh sửa lại những chỗ không thống nhất trong bản gốc. “Ở đoạn này thì nhân vật mang kính gọng đen rồi đến đoạn khác lại là gọng nâu. Tôi hỏi ông: rốt cuộc là gọng kính màu gì?”.  Tôi lại thấy rằng trong trường hợp đó, Rubin rơi vào việc khám phá chuyện vụn vặt. Phần nhiều vẻ đẹp và uy lực của tiếng Nhật nằm trong tính cách gián tiếp của nó, là cái mà độc giả tiếng Anh cho là tính mơ hồ, tính không rõ nghĩa hoặc tính hàm nghĩa. Thông thường trong câu tiếng Nhật thì chủ ngữ bị ẩn đi; ngoài ra còn hay dùng từ tượng thanh với những âm thanh gợi lên ý nghĩa; đó là những đặc tính ưu việt bất khả chuyển tải sang tiếng Anh.

Mặt khác, tiếng Anh cũng thường được xưng tụng bởi tính chính xác, tỉ mỉ. Khi Henry James khuyên các nhà văn hãy tìm cho ra cái hình ảnh trong tấm thảm dệt thì ý ông muốn nói rằng chính tính tỉ mỉ và chính xác là văn chương. Có phải rằng tiếng Anh và tiếng Nhật cách xa nhau quá, đến nỗi dịch giả chỉ có thể tái tạo lại bản gốc bằng cách biến bản dịch thành một tác phẩm hoàn toàn mới  không? Tuần trước Shibata, Goossen và một loạt các tác gia Mỹ và Nhật họp nhau ở New York tổ chức một loạt sự kiện (nằm trong chuỗi sự kiện của lễ hội Pen World Voices Festival) nhằm giới thiệu bản thứ 3, cũng là bản mới nhất của tạp chí Monkey Business. Trong bàn đối thoại của Asia Society (Hiệp hội châu Á), Goossen trích dẫn ý kiến của Charles Simic về tính phi lý thần kỳ của việc dịch thơ: “Việc cố gắng chuyển tải không những nghĩa đen của một bài thơ mà cả cách tư duy đặc biệt của một ngôn ngữ từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác chỉ là một cố gắng cứng đầu đến gàn dở…Dịch không chỉ là thể nghiệm những tính cách tạo nên đặc trưng của mỗi ngôn ngữ mà còn là kéo gần lại cái mối quan hệ ẩn mật giữa từ ngữ và sự vật, giữa con chữ và linh hồn, giữa cái “ta” và thế giới”.

Có lẽ Murakami cũng sẽ đồng ý với điều đó. Trong một bài viết mới đây về quyết định dịch tác phẩm “The Great Gasby” sang tiếng Nhật trước đó, tác gia sáu mươi tư tuổi này đã tiết lộ rằng đó là một công việc tốn cả một đời. Khi ông còn tầm tuổi 30 ông đã có tham vọng sẽ dịch tác phẩm này, đồng thời cũng tin rằng mình sẽ làm được công việc khó khăn ấy lúc sáu mươi tuổi. Nhưng rồi như một đứa trẻ háo hức không nhịn được phải mở gói quà, ông đã không đợi được và đã dịch “Gatsby” trước dự tính 3 năm. Ông viết rằng dịch cũng giống như ngôn ngữ và mối liên hệ giữa chúng ta với thế giới của chúng ta. Vì vậy, việc dịch cũng cần được hâm nóng lại thường xuyên.

Dịch là một vấn đề kỹ thuật ngôn ngữ… nó cũng già đi theo năm tháng như ngôn ngữ vẫn đổi thay theo năm tháng. Vì vậy về nguyên tắc thì dịch phẩm không thể bất tử dù tác phẩm có thể bất tử. Vì vậy nhất thiết phải có những bản dịch mới của cùng một tác phẩm, cũng giông như các chương trình máy tính vẫn cần được cập nhật vậy. Dù sao ít ra việc này cũng cho nhiều lựa chọn hơn và chỉ có thể làm lợi cho độc giả.

 

Nguồn : Roland Kelts, “Lost in Tranlation?“, New Yorker, 6 tháng 5, 2013. 

Bản dịch của Hồ Hồng Ân

0