31/05/2017, 12:40

Đọc Hồi trống cổ Thành trích Tam Quốc diễn nghĩa - La Quán Trung.

Một cuộc sống mái chắc chắn sẽ phải xảy ra ngoài ý định của Quan Công. Còn với Trương Phi, quyết định ấy không gì lay chuyển được. Hai phu nhân khuyên giải, can ngăn ư? Trương Phi bỏ ngoài ta dù lời lẽ cố gắng mới có được sự lễ độ, ôn tồn. Sự hấp dẫn của Hồi trống cổ Thành nói riêng, Tam ...

Một cuộc sống mái chắc chắn sẽ phải xảy ra ngoài ý định của Quan Công. Còn với Trương Phi, quyết định ấy không gì lay chuyển được. Hai phu nhân khuyên giải, can ngăn ư? Trương Phi bỏ ngoài ta dù lời lẽ cố gắng mới có được sự lễ độ, ôn tồn.

Sự hấp dẫn của Hồi trống cổ Thành nói riêng, Tam quốc diễn nghĩa nói chung, trước hết là ở cốt truyện, cách dựng truyện. Đó là việc tạo ra những tình huống bất ngờ, những xung đột gay gắt. Đối với Quan Công, việc may mắn gặp lại được Trương Phi - người em kết nghĩa vườn đào dường như là một thứ phúc phận trời cho. Trên đường sang Nhữ Nam tìm Lưu Bị, đến cổ Thành gặp Trương Phi ở đó, Quan Công mừng khôn xiết: “Em ta từ khi thất tán ởTừ Châu, lâu nay vẫn không biết ở đâu, ai ngờ lại hoá ra ở đây!”. Niềm vui không cần che giấu ấy như một nỗi niềm chờ đợi lâu ngày tự nó bật lên cảm động xiết bao! Có đến ba lí do dẫn đến niềm vui ngày hội ngộ. Thứ nhất, Quan Công được tháo cũi sổ lồng, thoát được cảnh trớ trêu “Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán”. Thứ hai, để đến được với Trương Phi rồi sau đó Lưu Bị (Lưu Bị vừa bỏ Viên Thiệu đang còn ở Nhữ Nam), Quan Công đã lặn lội vượt 5 cửa thành, chém 6 tướng của Tào Tháo. Thứ ba, tìm đượcngười em kết nghĩa chẳng khắc nào như đáy bể mò kim vì sau khi thất tán ở Từ Châu, bị Tào Tháo cho quân truy đuổi, ba anh em mỗi người một ngả.

Bởi vậy biết là giáp mặt Trương Phi, Quan Công không một chút đề phòng ngoài sự nóng lòng chờ đợi cái giây phút mà chỉ có hạnh phúc sẽ oà ra sau bao ngày mong nhớ. Cho Tôn Càn vào doanh trại báo tin rồi sau đó Trương Phi xuất hiện, Quan Công “mừng rỡ vô cùng, giao long đao cho Châu Thương cầm, tế ngựa lại đón”. Trong lúc ấy, Quan Công đâu biết rằng gió đã đổi chiều, tình huynh đệ đâu còn như cũ. Thái độ của Trương Phi lúc gặp gỡ Quan Công, chắc chắn làm Quan Công hết sức ngạc nhiên vì hành động của Trương Phi đột ngột biến bạn thành thù. Nếu không phải võ nghệ cao cường chắc chắn Quan Công phải dính đòn từ mũi xà mâu của người em kết nghĩa. Nhưng với người đọc, người nghe thì hành động ứng xử ấy của Trương Phi đâu phải một sớm một chiều. Ngay từ lúc Tôn Càn vào ra mắt, nghe xong chuyện Vân Trường rời bỏ Hứa Đô đưa hai phu nhân đến đây, Trương Phi “chẳng nói chẳng rằng lập tức mặc áo giáp, vác xà mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc”. Lúc đầu, tuy có “giật mình” nhưng Quan Công chưa hiểu hết sự tình. Chỉ đến khi Trương Phi hầm hầm quát mắng: “Mày đã bội nghĩa, còn mặt nào đến gặp tao nữa?” thì Quan Công mới ngã người vỡ lẽ.

Còn đối với Tôn Càn ư? “Mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó lại đây tất là để bắt ta đó!”. Trong bối cảnh ngặt nghèo ấy, Quan Công bị dồn vào thế cùng đường. May mà có đội quân của Sái Dương xuất hiện. Việc Sái Dương xuất hiện là có lí của Sái Dương theo cách thanh toán “ân oán giang hồ” (Quan Công đã giết cháu ngoại của Sái Dương là Tần Kì). Ngay khi đội quân của Tào Tháo xuất hiện, đối với Trương Phi, nó là một nhân chứng buộc tội của Quan Công. Vì Quan Công vừa nói khỏi miệng để bào chữa là: “Nếu ta đến bắt em, tất phải đem theo quân mã chứ!” thì “quân mã” của đối phương kéo đến mà cờ hiệu phấp phới chính là cờ Tào. Song đối với Quan Công đó lại là một giải pháp. Phải chém rơi đầu Sái Dương thì món nợ về cái chết của Tần Kì mới có cơ dứt điểm. Nhưng cái chính với Quan Công là món nợ thứ hai - còn quan trọng hơn là mới tỏ được dạ ngay thẳng, trung thành. Thế là ba hồi trống nổi lên theo điều kiện của Trương Phi. Chưa hết hồi thứ nhất thì đầu Sái Dương đã lăn dưới đất.

Hồi trống Cổ Thành, tên của văn bản trở nên đa nghĩa. Đó là hồi trống định mệnh với Sái Dương. Lúc đầu khi nghe tin cháu ngoại là Tần Kì bị giết, Sái Dương đùng đùng nổi giận định sang Hà Bắc đánh nhau với Quan Công. Nhưng Tào Tháo không cho đi, lần này được lệnh sang Nhữ Nam đánh Lưu Tích, không ngờ lại gặp Quan Công. Số mệnh của Sái Dương như trời xui đất khiến. Đó là hồi trống giải oan với Quan Công. Bởi lẽ nỗi oan ức của Quan Công chỉ với cái chết của Sái Dương mới có khả năng sáng tỏ. Còn đối với Trương Phi đó là hồi trống đoàn viên, châu về Hợp Phố, gương vỡ lại lành. Tình huống truyện với những xung đột đẩy tới cao trào. Nhưng chỉ một hồi trống thôi, tất cả đã trời yên bể lặng. Tài năng của La Quán Trung quả là hiếm thấy trong thể loại tiểu thuyết lịch sử với kết cấu theo kiểu chương hồi.

Cùng với sự hấp dẫn của cốt truyện, của cách dựng truyện là thành công trong việc khắc họa nhân vật. Mỗi nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa là một tính cách. Mặc dù không đi sâu vào đời sống nội tâm, nhưng thông qua hành động, nhà văn có một cách tái hiện riêng vô cùng xuất sắc. Hai nhân vật nổi nhất của đoạn trích ở hồi 28 này là Quan Công và Trương Phi.

Quan Công trước hết là một võ tướng tài ba, dường như không có ai là địch thủ. Chém 6 tướng khi vượt qua năm cửa thành như một cái trở bàn tay. Hùng hổ đến như Trương Phi “mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”, nhưng chỉ một cái gạt nhẹ của Quan Công sức mạnh toàn thân (cả lòng căm giận và ý định trả thù) của Trương Phi đã hoàn toàn bị vô hiệu hoá. Tuy nhiên, tuy tiêu biểu cho cái “dũng”, Quan Công có cả hai phẩm chất và “trí” và “nhân”. Cái trí và cái nhân lớn nhất ở Quan Công là ngay thẳng, trong sạch (“Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công” - tức cảnh - Hồ Chí Minh). Nhưng ngay thẳng trong sạch không có nghĩa là cứng nhắc, không biết linh hoạt, quyền biến, tuỳ cơ. Khi thất tán ở Từ Châu, trong khi Lưu Bị và Trương Phi chạy thoát thì Quan Công phải ở lại Hứa Đô trong doanh trại của Tào vì còn có sứ mạng không biết uỷ thác cho ai là hộ tống hai chị dâu (vợ của Lưu Bị). Nếu là một kẻ ham phú quý công danh như Trương Phi lên án thì làm sao có thể rời bỏ một cuộc sống giàu sang cứ ba ngày một tiệc nhỏ năm ngày một tiệc lớn của Tào! Khi vừa biết được tin huynh trưởng (Lưu Bị) ở chỗ Viên Thiệu là lập tức trả hết ấn tín, vàng bạc, châu báu lên ngựa để tìm anh. Ngay đối với Tào Tháo - kẻ thù không đội trời chung của ba anh em Lưu, Quan, Trương cũng thế. Mặc dầu tâm niệm rằng: hàng Hán chứ không hàng Tào, nhưng thái độ chu đáo của Tào đối với Quan Công trong thời gian ở lại Hứa Đô làm cho Quan Công khó xử. Nhưng dù khó xử đến đâu cũng cần đến sự “ân đền, oán trả”. Quan Công đã đền ơn Tào Tháo bằng hành động chém hai tướng giỏi của Viên Thiệu là Nhan Lương và Văn Sú mà không biết anh mình đang tạm thời nương náu ở đó.

Tấm lòng trung thực ngay thẳng của Quan Công có lẽ chỉ có Trương Phi không hiểu, còn tất cả mọi người đều hiểu. Từ Tào Tháo ra sức mua chuộc mà không thành, nhưng bất đắc dĩ phải chấp nhận yêu cầu của kẻ trượng phu đầy khí tiết ấy (hễ biết tin LưuBịlà tập tức đi ngay). Hai phu nhân, từ Tôn Càn đến tên lính cầm cờ hiệu của Sái Dương, tất cả đã “chứng” cho con người trong sạch đó. Cuối cùng để bảo toàn mạng sống của mình. Việc chém đầu Sái Dương là không thể nào khác được. Ra điều kiện đánh ba hồi trống là Trương Phi - con nhà võ hiểu được những khó khăn về phía Quan Công. Nhưng điều Trương Phi không hiểu được là vì sao cái đầu của Sái Dương lại lìa khỏi cổ nhanh đến như vậy? Không giải thích dài lời, hành động thì tiết chế nhưng con người Quan Công vẫn hiện lên một cách nhất quan từ trước đến sau cao đẹp lạ thường. Đối với nhiều thế hệ người đọc, Quan Công luôn là thần tượng.

Tuy là anh em vườn đào kết nghĩa nhưng tính cách của Trương Phi khác hẳn với Quan Công. Nếu Quan Công điềm đạm chừng nào thì Trương Phi nóng nảy chừng ấy. Dị ứng với cái xấu, thái độ của Trương Phi như người xúc đất đổ đi. Cách suy nghĩ thì có phần giản đơn “thẳng ruột ngựa”: Đã chịu ở với Tào Tháo là đầu hàng Tào Tháo vì “trung thần thà chịu chết chứ không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ?”. Có thể nói tinh thần đạo lí đã thấm sâu vào tâm trí TrươngPhi. Chỉ có điều phản xạ của viên võ tướng này có phần bản năng thô lỗ. Chính vì vậy cái ý định trừng phạt Quan Công như trừng phạt một tên “bội nghĩa” ở Trương Phi đã có từ lâu, nay đã cơ hội (khi gặp Quan Công), đến nỗi Tôn Càn không sao hiểu được đã đành. Cả quyết định hành động trả thù thì không có sự khuyên can nào ngăn cản nổi. Cơn giận ở Trương Phi đã tích tụ từ lâu để đến lúc này nó mạnh lên thành bão.

Để miêu tả con người chính nghĩa nhưng ruột để ngoài da, La Quán Trung rất chú ý đến các chi tiết ngoại hình. Khi im lặng để nén cơn giận dữ thì không nói không rằng (lúc Tôn Càn kể với Trương Phi về việc xuất hiện của Quan Công. Khi không còn im lặng được nữa thì sấm sét nổ ra với “đôi mắt tròn xoe, râu hùm vểnh ngược”, thay cho “nói” là “quát”, thay cho đại từ “anh” là “thằng”, và “mày”, là “nó” (trong lúc Quan Công vẫn gọi Trương Phi là “em”, là “hiền đệ”). Đến khi nhờ vào tiếng trống trọng tài để phân xử một cách khách quan thì người nôn nóng cũng không phải là Quan Công. Có lẽ nhu cầu cần cho sự phải trái, đúng ai sáng tỏ ở Trương Phi đã mạnh mẽ, bồn chồn đến mức không thể chịu đựng thêm một phút nào nữa, Trương Phi đã “thẳng cánh đánh trống” như vậy.

Cùng với cái đầu Sái Dương lăn xuống đất còn là lời phân giải khách quan của tên lính cầm cờ hiệu của Sái Duơng, bấy giờ Trương Phi mới gạt bỏ được hết nghi ngờ để tin Quan Công là người ngay thẳng. Việc thụp lạy Vân Trường với những giọt nước mắt ăn năn là hành động tạ lỗi của Trương Phi. Nó làm ta liên tưởng đến một đám mây vừa che lấp mặt trời nay cơn gió lành thổi qua và bầu trời sáng lại. Con người Trương Phi đẹp đẽ biết bao tuy những cái trời cho ở nhân vật này không phải là không có gì đáng trách.

Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0