Lịch sử Singapore
Singapore là quốc gia có lịch sử hình thành tương đối muộn so với các nước trong Đông Nam Á, từ sau công nguyên tên gọi đầu tiên ở Singapore thường được biết đến là Temasek, từ thế kỷ 9 đây là vùng đất thuộc quyền kiểm soát của đế chế Srivijaya. Tới thế kỷ thứ 14 ở đây mới xuất hiện sự ...
Singapore là quốc gia có lịch sử hình thành tương đối muộn so với các nước trong Đông Nam Á, từ sau công nguyên tên gọi đầu tiên ở Singapore thường được biết đến là Temasek, từ thế kỷ 9 đây là vùng đất thuộc quyền kiểm soát của đế chế Srivijaya. Tới thế kỷ thứ 14 ở đây mới xuất hiện sự định cư của con người, biên niên sử Mã Lai có ghi lại: thế kỷ 14, hoàng tử Sangnila Utama trong chuyến đi đến quần đảo Riau thì gặp bão, cơn bão diễn ra dữ dội và buộc ông phải tháo vương miện trên đầu và ném xuống biển thì bỗng nhiên biển yên sóng lặng. Sau đó ông đặt chân lên đảo và nhìn thấy một con thú rừng có thân màu đỏ, đầu đen, ngực trắng mà ông cho là sư tử và ông đã cho xây dựng ở đây một khu dân cư và đặt tên là Singapura (pura:thành phố, singa:sư tử). Sau này khi người Anh đến cai trị thì đọc trại ra là Singapore cho đến ngày nay.
Giai đoạn thuộc Malacca và Johor
Vào thế kỷ 14, đế chế Srivijaya bị vương quốc Majapahit từ Java tấn công, dân cư từ đảo Sumatra vượt biển theo hướng bắc lên bán đảo Mã Lai và thành lập vương quốc Malacca ở đây, trong thế kỷ 15. Singapore nói riêng và vương quốc Malacca có một thế kỷ phát triển huy hoàng bởi tầm quan trọng của vị trí thuận lợi về hàng hải của nó
Năm 1511, thành phố thủ phủ Malacca bị người Bồ Đào Nha xâm chiếm, bộ phận còn lại người Mã Lai đã thành lập nên vương quốc Johor ở phía nam bán đảo, lúc này Singapore cũng là một phần của vương quốc Johor.
Mặc dù người Bồ Đào Nha cố tìm cách chinh phục vương quốc Johor, song nó đã trở nên thịnh vượng vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, nhất là khi người Hà Lan đến đây. Đặt bản doanh ở đảo Java, người Hà Lan xem Johor là một đối trọng có ích để cạnh tranh với người Bồ Đào Nha đang ở Malacca và đẩy mạnh việc buôn bán với vương quốc này. Năm 1641, vương quốc Johor liên minh với Hà Lan đuổi được Bồ Đào Nha ra khỏi Malacca, mặc dù Malacca giờ đây có vị trí không quan trọng lắm vì nó nằm xa vùng kiểm soát của Hà Lan
Thuộc địa của người Anh
Sau nhiều thế kỷ là một phần của vương quốc Johor, tới năm 1819 công ty Đông Ấn Anh đã chiếm đảo Singapore, tới năm 1824 hiệp ước Anh – Hà Lan cũng đã đưa thêm Malacca cùng với Singapore vào sự kiểm soát của người Anh như là một phần định giới cho hai cường quốc Châu Âu, nhằm phân chia ảnh hưởng của họ ở vùng ven biển Đông Nam Á. Lấy eo biển Malacca làm ranh giới, người Anh đã nắm trọn bán đảo Mã Lai như là một khu vực riêng của họ.
Hiệp ước năm 1824 đã thật sự xác định ranh giới tương lai cho các thuộc địa của Anh và Hà Lan ở trong vùng, tuy nhiên vào những năm 1820, người Anh không có ý định dính chân sâu vào vùng bán đảo, họ hài lòng với vùng eo biển như Singapore, Malacca và Penang.
Vào năm 1819, khi Singapore bắt đầu thuộc về người Anh, hòn đảo này dân cư còn rất thưa thớt, chỉ có một làng chài nhỏ với dân chưa đầy 1000 người. Sau khi thuộc quyền sở hữu của Anh, người Anh đã bắt đầu xây dựng Singapore từng bước thành một cảng thương mại lớn ở Đông Nam Á, vào những năm 1830 nó đã trở thành một trong ba cảng thương mại chính ở Đông Nam Á cùng với Manila ở Philipinnes và Batavia (Jarkata ngày nay) ở đảo Java
Singapore là một phần thu nhỏ của đế quốc Anh ở Châu Á, sự giàu mạnh của nó xuất phát từ những thuận lợi từ vị trí địa lý và vị trí của nó trong hệ thống thuộc địa của Anh, các thương gia người Anh và các thương gia Trung Hoa bị thu hút đến Singapore bởi các quy chế cảng tự do, sự chắc chắn của hệ thống luật pháp Anh và vị trí chiến lược của Singapore
Trong thế kỷ 19, người Hoa nhập cư là nguồn lao động để Anh dựa vào để xây dựng Singapore và Singapore là điểm tuyển mộ hàng trăm nghìn người cho thuộc địa Mã Lai, đa số người Hoa đến Singapore là những bần cố nông ở đại lục
Singapore và ông Lý Quang Diệu
Phạm Văn Tuấn
1/ Singapore dưới thời Nhật Bản đô hộ.
Sau khi Tướng Percival người Anh đầu hàng vào ngày 13/ 2/ 1942, quân đội Nhật Bản đã đổi tên thành phố Singapore là Shonan (Quang Nam) hay ánh sáng của phương Nam và coi đây là thủ đô phía nam của Đế Quốc Nhật. Các tù nhân người Âu, người Úc và 2,300 dân thường bị cầm tù tại Changi, nằm tại đầu phía đông của hòn đảo và trong các trại lính Selarang có trên 15,000 tù binh. 45,000 binh sĩ Ấn Độ và 600 lính Mã Lai phải tuyên thệ trung thành với Hoàng Đế Nhật. Những người từ chối hay bất hợp tác với người Nhật bị gửi đi làm lao dịch tại New Guinea, Sumatra hay Thái Lan và 20,000 binh lính Ấn Độ bị áp buộc tham gia vào đội quân quốc gia Ấn (the Indian National Army) để chiến đấu cho nền độc lập của nước Ấn khỏi tay người Anh. Vào thời gian này, người dân Singapore rất sửng sốt khi thấy những người cai trị cũ bị nhốt tù và rất nhiều người Trung Hoa bị trả thù vì đã tham gia vào các phong trào chống Nhật. Tất cả người Hoa thuộc phái nam tuổi từ 18 tới 50 đều bị thanh lọc tại các trại tập trung. Những người bị bắt giữ gồm các giáo chức, nhà báo và cựu viên chức của chính quyền Anh. Số người bị ngược đãi, bị hành hạ gồm từ 5,000 tới 25,000 người, tuy nhiên một số người của lực lượng Dalforce và thuộc các đơn vị không chính quy đã trốn thoát được qua bán đảo Mã lai và họ thành lập đội quân Nhân Dân Mã Lai chống Nhật (the Malayan People’s Army).
Người Nhật còn kêu gọi các thương gia người Hoa tại Singapore gây quỹ 10 triệu đồng tiền Singapore để tỏ lòng cộng tác vào Khối Đại Đông Á (the Greater East Asia Co-Prosperity) bao gồm Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Hoa và vài nước Đông Nam Á Châu. Trên hòn đảo Singapore, các trường học Anh và Trung Hoa phải dạy tiếng Nhật còn các trường học Mã Lai được phép duy trì tiếng Mã vì đây là ngôn ngữ địa phương.
Sự áp chế và hành hạ lúc ban đầu của người Nhật Bản đối với dân chúng Singapore đã khiến cho người dân tại nơi này không hợp tác : phần lớn các gia đình không gửi con em tới trường Nhật khiến cho số học sinh đi học không quá 7,000 em mặc dù có các lớp học tiếng Nhật miễn phí và các phần thưởng, với mục đích dùng tiếng Nhật thay thế tiếng Hoa và tiếng Anh.
Các năm chiếm đóng của quân đội Nhật Bản cũng làm cho nền kinh tế Singapore kiệt quệ, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đều thiếu thốn, một số thương gia người Hoa đã làm ăn với các viên chức tham nhũng Nhật trên thị trường chợ đen. Nạn lạm phát gia tăng khi chính quyền quân sự Nhật in ra giấy bạc, khắp nơi đều có cảnh đầu cơ, hối lộ, lợi dụng, tham nhũng và vô kỷ luật.
Thực phẩm khan hiếm khiến cho các tù nhân bị giảm khẩu phần. Họ bị hành hạ, bị bắt xây dựng phi trường Changi và công trình này hoàn thành vào tháng 5/ 1945. Các thường dân Singapore cũng bị đưa đi làm đường xe lửa tại Miến Điện, Thái Lan. . ., nhiều người đã bỏ xác tại các công trường nước ngoài.
Ngày 15/ 8/ 1945, quân đội Nhật Bản đầu hàng. Tin tức này đã tới Singapore sau một tuần lễ và trước đó, quân đội Nhật Bản đã lặng lẽ tự rút lui vào trại tập trung ở Jurong. Ngày 05/ 9/ 1945, quân đội Liên Hiệp Anh từ các tầu chiến đổ bộ lên Singapore và được 5 cây số dân chúng đón mừng. Một tuần lễ sau, trước Tòa Thị Chính Singapore, bộ chỉ huy quân sự Nhật Bản đã ký bản văn đầu hàng trước vị chỉ huy tối cao các lực lượng Đồng Minh tại Đông Nam Á là Đô Đốc Lord Louis Mountbatten.
2/ Thời kỳ sau Thế Chiến Thứ Hai.
Chiến tranh chấm dứt đã làm cho nước Anh ngỡ ngàng. Mọi kế hoạch hậu chiến đều chưa được chuẩn bị. Thời bấy giờ Bộ Thuộc Địa (the Colonial Office) đã quyết định thành lập một liên bang Mã Lai gồm có các tiểu bang Mã Lai, Penang và Malacca trong khi đó Singapore được tách riêng và được dùng làm địa điểm của Toàn Quyền Anh tại vùng Đông Nam Á. Nhiều viên chức thuộc địa cũ cũng như các thương gia đã chống đối việc tách Singapore khỏi bán đảo Mã Lai, họ cho rằng cả hai xứ đều lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong khi Bộ Thuộc Địa Anh lại tin rằng không thể ép buộc một liên bang trong đó các cộng đồng có các quyền lợi rất khác biệt nhau. Vào tháng 9/ 1945, Singapore trở nên bản doanh của Cơ Quan Hành Chánh Quân Sự Anh (the British Military Administration) dưới quyền của Lord Mountbatten.
Khi người Anh trở lại Singapore, miền thuộc địa cũ này đã ở trong một hoàn cảnh thiếu thốn và đổ nát. Các phương tiện của hải cảng bị dội bom, nhiều con tầu đắm nằm ngổn ngang chắn ngoài cửa cảng. Điện, nước, khí đốt, điện thoại. . . đều ở trong tình trạng hư hỏng. Hàng ngàn dân nghèo sống trong các khu nhà lá tồi tàn, nạn cờ bạc và đĩ điếm được hợp pháp hóa dưới thời đô hộ Nhật Bản, nay vẫn phát triển, người dân tìm quên trong thuốc phiện và rượu. Chính quyền quân sự Anh, do một số nhân viên tham nhũng, nên đã quản trị kém và không hữu hiệu nhưng dần dần, từ tháng 4/ 1946, thành phố Singapore cũng phục hồi được điện, nước, ga và hải cảng được giao cho giới dân sự trông nom. Các tù binh Nhật Bản được dùng để sửa chữa các cầu tầu và phi trường. 7 công ty kỹ nghệ, vận tải và quặng mỏ được phép nhập cảng các đồ tiếp tế và nguyên vật liệu. Trường học được mở cửa lại, 62,000 học sinh đã cắp sách đi học kể từ tháng 3/ 1946. Tới cuối năm 1946, Đại Học Raffles và Trường Y Khoa King Edward đã mở cửa lại, để rồi vào năm 1949, hai trường này hợp nhất thành Đại Học Mã Lai (the University of Malaya).
Vào tháng 11/ 1945, Bộ Thuộc Địa Anh đã thiết lập một hội đồng cố vấn (an advisory council) gồm người Singapore để làm việc bên cạnh Cơ Quan Hành Chánh Quân Sự Anh. Trong số 17 nhân viên của Hội Đồng kể trên, có Wu Tian Wang là một cựu lãnh tụ du kích chiến và Chủ Tịch của Ủy Ban Cộng Sản của Singapore vì đảng Cộng Sản vào thời gian này rất được lòng dân chúng địa phương do công cuộc kháng chiến. Vào tháng 1/ 1946, đội quân chống Nhật coi như bị giải tán sau khi lãnh tụ du kích là Chin Peng và các người khác được Lord Mountbatten gắn huy chương, nhưng thực ra đảng Cộng Sản Mã Lai vẫn còn cất giữ rất nhiều vũ khí.
Đảng Cộng Sản Mã Lai vào cuối năm 1945 có vào khoảng 70,000 người ủng hộ, đã dồn nỗ lực vào các tổ chức lao động, thường gây nên các cuộc náo loạn. Cuộc tổng đình công hai ngày vào tháng 1/ 1946 với 173,000 công nhân đã khiến cho việc vận chuyển trong thành phố bị ngưng trệ. Vì thế chính quyền quân sự Anh đã bắt giữ 27 đảng viên Cộng Sản cầm đầu, đưa đi đầy 10 người khác mà không xét xử.
Vào tháng 4/ 1946, Cơ Quan Hành Chánh Quân Sự Anh đã ấn định việc thành lập Liên Bang Mã Lai, trong khi đó Singapore là một thuộc địa hoàng gia biệt lập, có cơ quan hành chánh dân sự. Cả hai quốc gia này chia xẻ về tiền tệ, bưu điện và bưu tín, thuế vụ, hàng không dân sự, quản trị di dân và nền giáo dục cao cấp. Do chống lại việc tách Singapore khỏi Mã Lai mà một đảng chính trị địa phương tên là Liên Đoàn Dân Chủ Mã Lai MDU (the Malayan Democratic Union) được thành lập. Mặc dù phần lớn các người sáng lập không phải là Cộng Sản, nhưng liên đoàn này cũng có các người Cộng Sản như ông Wu Tian Wang. Đồng thời vào tháng 3/ 1946 cũng ra đời Tổ Chức Quốc Gia Mã Lai Đoàn Kết UMNO (the United Malays National Organization) được chính quyền Anh thừa nhận. Singapore vẫn là một thuộc địa hoàng gia ở bên ngoài. Đảng UMNO là đảng phái chính trị hoạt động nhạnh nhất tại Mã Lai vào thời kỳ này, đã chủ trương một liên bang gồm có các quốc gia Hồi giáo và chống lại các đạo luật cho phép nhiều sắc dân có các quyền lợi bình đẳng bởi vì điều này sẽ làm thiệt hại vị thế đặc biệt của người dân gốc Mã.
Vào tháng 8/ 1947 cũng xuất hiện đảng Cấp Tiến (the Progressive Party) gồm các doanh nhân và trí thức được giáo dục tại nước Anh, đảng này có tính ôn hòa. Họat động của các người Cộng Sản Mã Lai thường đưa tới các bạo động và khủng bố (violence and terrorism) nên đã khiến cho chính quyền địa phương ban ra các quy luật khẩn cấp (emergency regulations) hạn chế hội họp và đình công, bắt giữ các người khuấy động mà không xét xử. Đảng Cộng Sản Mã Lai vì thế bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và Liên Đoàn Dân Chủ Mã Lai MDU càng ngày càng trở nên cấp tiến, đã tẩy chay cuộc bầu cử đầu tiên của Singapore vào năm 1947.
Sau một số thành công về chính trị, các người Cộng Sản hoạt động tại Mã Lai nhận thấy rằng họ không thể giành được chính quyền bằng con đường hợp pháp nếu đi theo lịch trình chính trị của chính phủ thuộc địa Anh, vì vậy họ bắt đầu một phong trào đấu tranh võ trang. Chính quyền Anh bèn tuyên bố tình trạng khẩn trương và các người Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trên bán đảo Mã Lai đã xẩy ra cuộc chiến tranh du kích, kéo dài trong 12 năm nhưng tại Singapore đã không có trận chiến nào diễn ra và khuynh hướng thiên tả cũng bị suy tàn dần do các quy luật khẩn trương. Như thế tại Singapore, chỉ còn hai đảng phái là đảng Cấp Tiến và đảng Lao Động (the Singapore Labour Party) được thành lập năm 1948 để rồi 4 năm về sau cũng tan rã.
Các đảng phái có quyền lực vào thời kỳ này gồm các người đã được giáo dục tại nước Anh, thân với chính quyền Anh nên các đường lối chính trị có tính xa cách người địa phương, nhất là các người gốc Trung Hoa, trong khi người Hoa do thiếu cơ hội học lên cao nên đã qua học tại lục địa. Vì thế một nhà kỹ nghệ người Hoa giàu có là ông Tan Lark Sye đã đề nghị và bỏ tiền ra thành lập vào năm 1956 một đại học giáo dục Trung Hoa, đó là Đại Học Nanyang (Nam Dương).
Tình hình chính trị tại Singapore cho tới lúc này vẫn còn xáo trộn với các cuộc đình công, với các tổ chức chính trị như Liên Đoàn Công Nhân Xí Nghiệp và Cửa Hàng (the Singapore Factory and Shop Workers ‘ Union), Liên Đoàn Công Nhân Xe Buýt (the Singapore Bus Workers ‘ Union) và Liên Đoàn các Giáo Chức (the Singapore Teachers ‘ Union). Kế đó, Mặt Trận Lao Động (the Labour Front) được thành lập vào tháng 7/ 1954 và vào tháng 11/ 1954 là đảng Nhân Dân Hành Động (the People ‘s Action Party).
3/ Ông Lý Quang Diệu và đảng Nhân Dân Hành Động.
Đảng Nhân Dân Hành Động quy tụ được 1,500 người, đã ra mắt tại Sảnh Đường Victoria (Victoria Memorial Hall). Đảng này do một nhóm người Hoa trung lưu, được giáo dục tại nước Anh. Dẫn đầu bởi Tổng Thư Ký Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew), 25 tuổi, đảng còn có Toh Chin Chye, Goh Keng Swee, S. Rajaratnam, Tungku Abdul Rahman, chủ tịch của Tổ Chức Quốc Gia Mã Lai Đoàn Kết (UMNO) và Sir Tan Cheng Lock, chủ tịch của Hội Trung Hoa – Mã Lai (the Malayan Chinese Association).
Năm 1952, ông Lý Quang Diệu đã là một cố vấn pháp luật cho một số nghiệp đoàn thương mại (trade unions), đã bênh vực thành công các quyền lợi của công nhân, ông cũng đã bảo vệ các sinh viên bị bắt giam trong cuộc biểu tình năm 1954 do phản đối chế độ quân dịch. Ông Lý Quang Diệu là thế hệ người Hoa thứ tư, đã theo học tại Đại Học Raffles và Đại Học Cambridge bên nước Anh.
Tình hình chính trị tại Singapore vẫn tiếp tục xáo trộn với các cuộc bạo động, đình công, sinh viên xuống đường, công nhân đòi tăng lương, đòi cải thiện điều kiện làm việc, phản đối vì các nhân viên công đoàn bị bắt giữ. . . Riêng vào năm 1955, đã có 275 cuộc đình công, và bạo động vào ngày 12/ 5 đã được gọi là “Ngày Thứ Năm Đen Tối” (Black Thursday) với 4 người bị giết và 31 người bị thương.
Vào tháng 8 năm 1958, Quốc Hội Anh đã chấp thuận đổi Singapore từ một thuộc địa hoàng gia thành một quốc gia (a state) và cuộc bầu cử 51 thành viên Hội Đồng Lập Hiến được dự trù vào tháng 5/ 1959. Các người có án tích lật đổ chế độ không được phép tranh cử. Đã có 10 đảng phái chính trị dự tranh nhưng chỉ có đảng Nhân Dân Hành Động (PAP) của ông Lý Quang Diệu là có ưu thế nhất. Lập trường của đảng này là cổ động cho một chính quyền lương thiện và hữu hiệu, cải cách xã hội và kinh tế, liên kết với Liên Bang Mã Lai. Đảng Nhân Dân Hành Động đã chiếm được 43 trong số 51 ghế.
Nhiệm vụ mới của chính phủ của ông Lý Quang Diệu là cố gắng gây dựng cho dân chúng Singapore tình đoàn kết và trung thành. Quốc kỳ, quốc ca và quốc huy mới được phổ biến. Bộ Văn Hóa cố gắng tập hợp ba sắc dân chính là người Mã Lai, người Trung Hoa và người Tamil trong khi tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chính thức. Với chủ trương sau này sẽ đoàn kết với Mã Lai, chính quyền đã công nhận tiếng Mã Lai làm quốc ngữ, người dân gốc Mã được theo học miễn phí bậc tiểu học và trung học.
Sau việc đoàn kết quốc gia, nhiệm vụ khó khăn thứ hai là chuyển hóa Singapore từ một nền kinh tế cửa hàng buôn bán (emporium economy) lệ thuộc vào Mã Lai thành một xã hội kỹ nghệ hóa. Kế hoạch bốn năm được Bộ Trưởng Tài Chánh Goh Keng Swee ban hành vào năm 1961 đã cung cấp cho các nhà đầu tư ngoại quốc cũng như bản xứ các quyền lợi như thuế vụ thấp dành cho mọi mặt hàng xuất cảng, cho các kỹ nghệ tiền phong (pionneer industries) và thuế bảo vệ (protective tariffs) cũng được đánh lên mặt hàng nhập cảng. Vùng Jurong được dùng làm khu kỹ nghệ và các ngành kỹ nghệ cần đến nhiều nhân công như vải sợi được khuyển khích để làm giảm bớt nạn thất nghiệp và trợ cấp xã hội. Bộ Gia Cư và Phát Triển (the Housing and Development Board) năm 1960 cũng đối phó với việc khai quang các khu nhà ổ chuột và cứu xét việc tái định cư dân chúng. Dưới sự điều khiển của ông Lim Kim San, một kỹ nghệ gia và chủ ngân hàng, Bộ này đã cho xây cất trong 3 năm đầu hơn 20,000 đơn vị gia cư, đồng thời chi phí về giáo dục cũng gia tăng từ 600 ngàn đồng tiền Singapore lên tới 10 tỉ đồng.
Vào thời gian này, không một nhà chính trị nào dám tin tưởng rằng Singapore có thể độc lập khỏi Mã Lai, trong khi nhiều người trên bán đảo Mã Lai lại e ngại đa số người gốc Hoa tại Singapore. Ngày 27/ 5/ 1961, Tungku Abdul Rahman đã đề nghị thành lập một Liên Bang gồm bán đảo Mã Lai, đảo Singapore và phần đất Bornéo thuộc Anh. Đề nghị này bị cả Indonesia lẫn Phi Luật Tân phản đối. Tình hình rắc rối vẫn tiếp tục xẩy ra cho tới ngày 9/ 8/ 1965, Quốc Hội Mã Lai đã đồng ý bỏ phiếu 126/ 0, chấp thuận tách Singapore khỏi Mã Lai.
Hai ngày sau khi chia tách Mã Lai – Singapore, chính phủ Lý Quang Diệu đã công bố Singapore là một nước cộng hòa với tiếng Mã Lai là quốc ngữ và các ngôn ngữ chính là tiếng Mã, tiếng Hoa, tiếng Tamil và tiếng Anh. Hội Nghị Lập Hiến được gọi là Quốc Hội (Parliament) và vị lãnh tụ người Mã, ông Yusof bin Ishak, được công nhận là Tổng Thống. Quốc gia mới này liền được các nước Anh, Úc, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ công nhận và vào tháng 9, được nhận vào Liên Hiệp Quốc, tháng 10 vào Liên Hiệp Anh. Từ nay các nhà lãnh tụ Singapore phải chuyên tâm xây dựng một quốc gia độc lập. Rồi tới năm 1967, Tổ Chức ASEAN được thành lập gồm Singapore, Mã Lai, Indonesia, Thái Lan và Phi Luật Tân.
Chính quyền Singapore vào thời kỳ này đã cố gắng tạo dựng nên một xã hội nhiều sắc dân và nhiều ngôn ngữ, khuyến khích sự đa dạng về văn hóa. Nền giáo dục bằng tiếng Anh được người dân chú trọng hơn vì sự chuẩn bị vào các khu vực thương mại, kỹ nghệ và chính quyền. Năm 1968 tại Singapore có 300 ngàn em học sinh học tiếng Anh so với 130 ngàn em học tiếng Hoa và 2 ngàn em học tiếng Mã. Tuy nhiên, các học sinh vẫn được khuyến khích học thêm tiếng mẹ đẻ, coi như một ngôn ngữ thứ hai. Chính các nhà lãnh đạo như ông Lý Quang Diệu, cũng gửi các con theo học tại trường dạy tiếng Trung Hoa vì họ tin tưởng nơi đây rèn luyện các đức tính truyền thống tốt hơn. Chính phủ Singapore cũng chống tham nhũng tại mọi tầng lớp hành chánh, chú tâm vào kỷ luật xã hội, nhai kẹo cao bị cấm đoán, việc hút thuốc lá tại nơi công cộng bị phạt nặng. Dưới thời ông Goh Keng Swee và các bộ trưởng tài chánh có tài, chính phủ Singapore đã cố gắng ve vãn tư bản địa phương và ngoại quốc, giúp đỡ các kỹ nghệ xuất cảng, làm thăng tiến mậu dịch, làm sao cho Singapore không lệ thuộc vào nguồn đầu tư tài chánh của nước Anh.
Sau khi ông Suharto lên nắm quyền tại Indonesia vào năm 1966, việc giao thương giữa Singapore và Indonesia được nối lại. Liên lạc buôn bán với Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng gia tăng, nhất là khi người Mỹ tham dự vào cuộc Chiến Tranh Đông Dương.
Một trở ngại lớn cho công cuộc đầu tư tại Singapore là các cuộc tranh cãi và đình công lao động. Vào tháng 8/ 1968, chính phủ Singapore đã thông qua một đạo luật cho chủ nhân các xí nghiệp nhiều quyền hành về tuyển dụng, thăng thưởng và sa thải nhân công, việc giảm bớt số ngày nghỉ phép, tăng giờ làm việc. Công nhân có quyền nghỉ phép lúc đau yếu, lãnh trợ cấp thất nghiệp và có quyền khiếu nại tại Bộ Lao Động và chủ nhân phải đóng góp vào Quỹ Tiết Kiệm Trung Ương (the Central Provident Fund). Nhờ các luật mới này, sản lượng gia tăng và đã không có các cuộc đình công vào năm 1969. Vào đầu thập niên 1970, Singapore và Mã Lai đã tách biệt về tiền tệ, thị trường chứng khoán và hàng không.
Chính phủ Singapore cũng thiết lập nên Đại Công Ty Jurong (the Jurong Town Corporation) và các khu kỹ nghệ khác. Vào năm 1971, 271 xí nghiệp tại Jurong đã xử dụng 32,000 công nhân và còn có hơn 100 xí nghiệp xây dựng. Các nhà đầu tư ngoại quốc bị lôi cuốn tới Singapore vì tình trạng lao động cải tiến, vì thuế nhẹ tới 5 năm, vì tại các xí nghiệp của chính phủ không bị hạn chế chuyển tiền lời và tiền đầu tư về nước. . . Vào năm 1972, đầu tư của Hoa Kỳ đã chiếm 42% tổng số đầu tư ngoại quốc. Ngoài ra còn có các công ty Tây Âu, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Mã Lai, Úc. . . và cũng vào năm này, một phần tư cơ sở sản xuất của Singapore là các công ty liên doanh (joint-venture companies) hay công ty do người ngoại quốc làm chủ.
Một lôi cuốn khác của Singapore về nguồn tư bản ngoại quốc là do tài nguyên về dầu lửa. Singapore đã là căn cứ để khai thác kỹ nghệ dầu mỏ trong vùng, bao gồm cả Indonesia, lại là một nơi tồn trữ và lọc dầu đứng hàng thứ ba trên thế giới vào giữa năm 1970.
Vào tháng 1/ 1968, chính phủ Anh tuyên bố sẽ rút lui trong vòng 3 năm căn cứ quân sự đặt tại Singapore trong khi căn cứ này cung cấp 25% GNP của Singapore tức là vào khoảng 450 triệu đồng tiền, cũng như xử dụng 21,000 nhân công địa phương. Chính phủ của ông Lý Quang Diệu đã đổi Cầu Tầu King George VI thành xưởng đóng tầu Sembawang, dùng lại 3,000 công nhân cũ vào việc đóng và sửa chữa tầu biển. Singapore cũng đi vào ngành kỹ nghệ vận tải hàng hải với Công Ty Neptune Orient Line. Vào năm 1975, Singapore là hải cảng bận rộn thứ ba trên thế giới, sau Rotterdam và New York.
Sự thành công về kinh tế và sự yên tĩnh trong xứ không phải là không trả giá. Chính quyền Singapore đã kiểm soát chặt chẽ ngành truyền thông, cấm đoán mọi chỉ trích công cộng. Báo chí bị kiểm duyệt. Các người bất đồng chính kiến bị áp chế và chỉ có một đảng phái trên đất nước.
4/ Một số thành quả của Singapore.
Tới giữa thập niên 1980, mặc dù thế giới bị suy thoái kinh tế, Singapore vẫn tiếp tục tăng trưởng với tỉ lệ 10% vào năm 1980, 6.3% năm 1981 và 8.5% năm 1982. Vào năm 1985, chính phủ Singapore đã xây cất được 500,000 tòa nhà cao tầng, gọi là housing estates, với các phương tiện phụ thuộc. 88% dân chúng Singapore hay 2.3 triệu người đã được cung cấp nơi ở của chính phủ vào năm 1988. Cung cấp gia cư, canh tân đô thị và cải thiện môi trường đã là các thành công chính của đảng Nhân Dân Hành Động PAP và với đà phát triển này, vào giữa thập niên 1990, Singapore là quốc gia có tỉ lệ cao nhất về số dân chúng sở hữu nhà ở.
Về khu vực kỹ nghệ, cũng vào năm kể trên đã có 3,600 nhà máy, thu dụng 216,000 nhân công. Đại Công Ty Jurong Town đã cung cấp các hạ tầng cơ sở và các phương tiện yểm trợ (support facilities) gồm cả hải cảng kỹ nghệ Jurong (Jurong Industrial Port), và Căn Cứ Hàng Hải Jurong (Jurong Marine Base) là nơi có các hoạt động về dầu lửa. Singapore cũng là một nơi rất tiến bộ về kỹ thuật truyền thông, sau đó là các kỹ nghệ về máy điện toán và điện tử. Vào năm 1981, Singapore đã có từ 65,000 tới 70,000 công nhân điện tử, chiếm 7% lực lượng lao động. Sản lượng xuất (output) về điện tử là 11 tỉ đồng Singapore. Năm 1989, Singapore là nước đứng đầu thế giới về sản xuất ra bộ quay đĩa (disk drives) và các cơ phận điện toán phụ thuộc.
Nền ngoại thương của Singapore vào năm 1988 đã đạt tới 75 tỉ mỹ kim với 2/3 hàng hóa và dịch vụ được dùng để xuất cảng. Singapore cũng khai thác kỹ nghệ du lịch và vào năm 1988, đã đạt được 4.2 triệu du khách. Công ty Hàng Không Singapore SIA (Singapore Airlines) vào năm kể trên đã có 24 phi cơ Boeing 747, 4 Boeing 757, 6 Airbus 310 và đang đặt mua 20 Boeing 747- 400. Công ty này đã bay tới 57 thành phố của 37 quốc gia trên thế giới, đã chuyên chở 5.6 triệu du khách vào năm 1988 và đứng thứ 14 về số hành khách/ km, thứ 12 về trọng tải/ km. Singapore cũng có một hạm đội vận tải gồm 1,243 tầu biển với 156 tầu chở hàng, 150 tầu chở dầu, 49 tầu chở containers, 12 tầu chở khách và 2 tầu chở dầu trọng tải trên 100,000 tấn. Ba cơ xưởng đóng tầu chính là Keppel, Sembawang và Jurong đã chiếm 90% doanh số hay 1 tỉ đồng Singapore. Vào năm 1990, hệ thống xe điện ngầm MRT (Mass Rapid Transit) được hoàn thành và đây là một thành công rất to lớn của Singapore về kỹ thuật và hiện đại hóa.
Về nông nghiệp, Singapore có 2,075 nông trại có giấy phép, tuy chiếm 2,037 mẫu đất nhưng đã sản xuất ra được 362 triệu đồng. Các trại nuôi gà, nuôi heo đã bị giảm bớt vì ô nhiễm môi trường, từ 200 trại heo nuôi 500 ngàn con xuống còn 23 trại nuôi 300 ngàn con vào năm 1990. Rau tươi cũng đươc trồng trọt tại Singapore, chiếm 5.6%, phần còn lại được nhập cảng từ Mã Lai, Indonesia, Trung Hoa và Úc. Đặc biệt Singapore sản xuất hoa Phong Lan, thu về trên 6 triệu Mỹ kim vào năm 1988 do xuất cảng sang Tây Âu, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ. Ngoài ra 153 trại trồng phong lan còn cung cấp hoa cho thị trường nội địa và thu được 1 triệu mỹ kim. Kỹ nghệ đánh cá và nuôi cá với 400 nông trại cá (aquarium fish farms) cũng mang về nhiều món lời lớn lao. Vào năm 1988, tổng sản lượng quốc gia GNP của Singapore là 24.7 tỉ mỹ kim, trữ kim là 17 tỉ mỹ kim, lợi tức tính theo đầu người là 9,250 mỹ kim/ năm.
Trong bài diễn văn đầu năm 1984, ông Lý Quang Diệu đã cho rằng sở dĩ Singapore đạt được phát triển kinh tế cao, lạm phát thấp, không thất nghiệp, lý do vì lực lượng lao động rất chăm làm, nền chính trị ổn định, nền hành chánh hữu hiệu và cũng vì sự an ninh trong vùng và sự đoàn kết trong Tổ Chức Asean.
Từ tháng 9 năm 1984, chính quyền Singapore đã tìm cách chuyển quyền cho thế hệ lãnh đạo thứ hai và vào ngày 28/ 11/ 1990, ông Goh Chok Tong đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ Tướng thứ nhì, thay thế ông Lý Quang Diệu. Ông Lý Quang Diệu được mời giữ chân Bộ Trưởng Đặc Biệt (Special Minister) và người dân Singapore đã gọi ông là “Người Cha của Singapore Mới”. Cũng từ năm 1990, Singapore chuyển dần các kỹ nghệ dùng nhiều lao động (labor-intensive industries) sang các kỹ nghệ dùng kỹ thuật cao (high-tech industries) để làm gia tăng hiệu quả của lực lượng lao động sản xuất và thu hút nhiều hơn các đầu tư quốc tế.