18/06/2018, 15:29

SỐNG CHỤ SON SAO (Tiễn Dặn Người Yêu)

SỐNG CHỤ SON SAO (Tiễn Dặn Người Yêu) TẬP ĐẠI THÀNH CỦA VĂN HỌC THÁI (Việt Nam) THÁI DOÃN HIỂU giới thiệu Nguyễn Khôi là nhà thơ được chúng tôi tuyển vào bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI. Sự nghiệp của anh gồm có thơ ca, biên khảo và dịch thuật. Về phương diện dịch thuật anh có ...

SỐNG CHỤ SON SAO (Tiễn Dặn Người Yêu)
TẬP ĐẠI THÀNH CỦA VĂN HỌC THÁI (Việt Nam)

thieu nu Thai

THÁI DOÃN HIỂU giới thiệu

Nguyễn Khôi là nhà thơ được chúng tôi tuyển vào bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI. Sự nghiệp của anh gồm có thơ ca, biên khảo và dịch thuật. Về phương diện dịch thuật anh có công trình Sống Chụ Son Sao rất có giá.

Truyện thơ Tiễn dặn người yêu (Sống Chụ Son Sao) là một thiên trường ca trữ tình kết hợp giữa truyện dân gian và thơ ca dân gian. Theo truyền thuyết, đây là câu chuyện tình của một đôi trai gái ở bản Panh và bản Sái thuộc xã Tranh Đấu, huyện Thuận Châu (tức Mường Muổi, Sơn La ngày nay). Sống Chụ Son Sao là đỉnh cao của văn học Thái đen(Tây Bắc Việt Nam) biểu trưng cho ngôn ngữ Thuận Châu, Mường La. Ra đời trong xã hội thịnh trị của thế kỷ XVII ở vùng Tây Bắc Đại Việt, ngôn ngữ thơ đã đạt đến trình độ điêu luyện, hầu hết các thể thơ Thái thông dụng đã được sử dụng trong Sống Chụ Son Sao, từ thể “Khắp Bắc” câu dài 11, 12 chữ, đến thể “Khống khái” câu ngắn 5, 6 chữ. Các thể thơ này được dùng xen kẽ với nhau khá nhuần nhuyễn.

Tiễn dặn người yêu  – áng thơ tuyệt diệu xin được tóm tắt như sau : Một đôi nam nữ sinh ra cùng lứa. Khi đến tuổi cập kê, họ bén duyên nhau, chàng trai sắm lễ vật sang nhà dạm hỏi. Nhưng bố mẹ không ưng, chê nghèo, ép gả cô cho người khác giàu và ở một bản xa. Chàng trai thất tình, đeo nặng nỗi buồn thương, phẫn chí bỏ sang Lào đi buôn mong kiếm đủ bạc vàng chuộc lại người yêu. Nhưng chợ đời đâu dễ kiếm tiền, chàng trai lam lũ vật lộn gian nan ở quê người. Là phận gái, cô dâu đau buồn vẫn không vượt qua bức tường lễ giáo, cam chịu cho số phận an bài, buộc phải lấy một kẻ xa lạ. Thấm thoắt sáu bảy năm trời, đã hết hạn ở rể của chồng, sau nhiều lần cố trì hoãn chờ người yêu trở về, cô đành nhắm mắt đưa chân bước đi đến người nhà làm dâu. Đúng ngày vu quy, thình lình người yêu cũ về đến nhà. Bao ước vọng tan tành. Không thể xoay chuyển tình thế, chàng dành cải trang thành khách đưa tiễn dâu về nhà chồng để dọc đường tranh thủ than thở tâm tình với người yêu cho vơi nỗi cay đắng. Chàng và nàng đau khổ hẹn thề rằng không lấy được nhau thời trẻ sẽ tìm mọi cách để lấy cho được nhau lúc về già. Cuối cùng, cái ngày ước nguyện định mệnh đã thành. Họ gặp nhau trong cảnh ngộ bi thương. Sau hai đời chồng, nàng bị người chồng thứ hai đem ra chợ bán và oái oăm thay được người tình xưa tình cờ đổi lấy bằng một nắm lá dong gói bánh! Từ đó, họ mới được thật sự sống trong hạnh phúc vợ chồng.

Thông qua mối tình đẫm đầy nước mắt của hai nhân vật chính, những phong tục tập quán, bao đời chi phối nhân duyên, bao nỗi lao đao thăng trầm, những buồn vui, sướng khổ… được dồn nén trong thiên bi tình sử này và nó đã trở thành bộ từ điển bách khoa của đời sống tinh thần dân tộc Thái. Người Thái thuộc và hát ”Tiễn dặn người yêu” trong  những cảnh huống tương thích giống như người Kinh thuộc và bói Kiều vậy.

Đã từng sống 21 năm ở Tây Bắc, lòng quê Quan họ thấm đượm hương sắc Mường bản, Nguyễn Khôi (Trai Đình Bảng)đã hóa thân vào chàng trai Thái để dịch, chuyển thể song thất lục bát tập đại thành của văn học Thái ra tiếng Việt. Chúng ta có thể khảo sát công trình công phu đó của nhà thơ :

1. Nguyên văn tiếng Thái :

“Cộp chụ tạu cáy khăn
Pha lăng phăn mữa xú hườn hươn chọi
Hên tò, mek dắn dọi lồng tồng xí puông
Mươi luông tặp cháy cá hươn ông pêng piếng
Tả chụ pên niếng nắc hặc pên niếng niêu
Hứa chaư điêng bánh xong xữ đảy”

Cầm Cường dịch :

Bên nhau tận thâu đêm gà gáy
Đeo giấc mơ về tới nhà, trăng xế đầu núi
Màn sương buông đồng làng làm bốn mảng
Sương lạnh sa mái nhà “ông” thành tảng
Lời tình xôi nén chặt
Thương tình xôi nén chắc vào xôi
Mảnh tim này ai nỡ xẻ làm đôi.

Nguyễn Khôi chuyển thể :

Có đêm chuyện chừng quên gà gáy
Đeo mộng về trăng rải như mơ
Mù dâng sương tỏa  mịt mờ
Tơ duyên xe lối hẹn  hò bền lâu.

1.Nguyên văn tiếng Thái :

“Nham bok pục, đất bok pục nằng cong
Nhám bók tong, đất bók tong nằng thả
Nham bók mạ, đất bók mạ nằng thả hướm lay”
 
Cầm Cường dịch nghĩa :

Mùa hoa bưởi, ngắt hoa bưởi ngồi trông
Mùa hoa vông, ngắt hoa vông ngồi chờ
Mùa hoa mạ, ngắt hoa mạ ngồi ngóng đợi hoài.

Nguyễn Khôi chuyển thể :

Cho dù đã vợ người ta
Đã yêu xin xẻ lòng chờ đợi nhau
Mùa hoa bưởi, hoa ngâu hẹn đợi
Hoa mạ vàng chờ tới tàn phai
Hoa tàn em nhúng sương mai
Hai mươi năm gói khăn  mùi còn thơm.

1. Nguyên văn bằng tiếng Thái :

“Mửa lồng hươn, phắc cón hính pên bửa
Bát làu lửa, xửa ón nọi ma ták têm chăn”

Cầm Cường dịch nghĩa :
 
Lúc ra đi hạt cải mới nẩy mầm
Tới ngày về, áo con trẻ phơi đầy sân.

Nguyễn Khôi dịch và phóng tác :

Khi anh đi cải ngồng cánh bướm
Anh trở về, cải muộn ra hoa
Khi đi piêu mới rủ là
Khi về áo trẻ đầy nhà dăng phơi
Lá trầu vàng rụng rơi khỏi cuống
Cây tre sầu chết đứng vườn bên
Bạn bè nên lứa nên duyên
Riêng anh đơn độc nhìn em bẽ bàng .

Nhưng rất nhiều chỗ anh lại rút gọn lại. Vào đầu câu chuyện, nguyên tác dùng đến 180 câu tả cảnh thai nghén của Mẹ yêu, Nguyễn Khôi tước bỏ những chỗ không cần thiết “gom” lại 12 câu khá chuẩn:

“Mẹ anh yêu nhói đau bên phải
Đều thèm ăn món gỏi cá chua
Bé xinh hai tháng có thừa
Mẹ thèm ăn dở me chua bên vườn
Chửa ba tháng gỏi lườn Cá Giếc.
Chắm nấu măng ngỡ tiệc tháng tư
Tháng năm Cá Pộc đã chờ
Cá Chày … sáu tháng mẹ sờ thấy con
Tháng thứ bảy Cá Mương làm gỏi
Cá Vũ ngon quẫy đợi tháng sau
Bé xinh mẹ nặng mang bầu
Đợi chờ chín tháng qua cầu nở sinh”
* *
Máng nước xối lanh tanh róc rách
Chú thím mừng, mẹ mệt vẫn cười
Mười ngày, chín tháng, đủ đôi.
Hai ta cùng lúc chào đời khóc oe
Anh rơi sấp bà chìa tay đỡ
Mẹ đẻ ra rơi ngửa thành em
Nâng niu bú mớm lớn lên
Cùng phi ngựa trúc chơi liền bên nhau

 

Bản Chiềng Ly – Thuận Châu

Chất thi sĩ của người Kinh Nguyễn Khôi đã nhập vào hồn những câu thơ Thái rất đẹp và duyên dáng. Chúng ta có thể nhặt thêm : “Trời hoàng hôn nắng khép cửa rừng” (câu 78); “Quả câu nhỏ buộc dây trầu gỡ sao” (câu 120); “Người đi xa quẩn quanh vía bám – Dây trầu leo lên quấn hồn yêu” (câu 249-250);  “Vừa đi vừa ngoái đầu về bản – Chân bước xa càng nhớ càng đau” (câu 309-310); “Không ăn bụng đã đói mềm – Ăn vào tắc họng như tên bắn vào” (câu 640-641); “Chán nhau nhựa trám quyện mau – Hai đuôi con mắt, vai đầu quyện thương” (câu 792-793) ; “Đêm nằm không mảnh lót lưng – Cơm ăn như cát đói từng đêm đêm” (câu 888-889); “Đồi dong chớp loáng bên bờ – Mưa sa núi trám gió đưa bước nàng” (câu 1000-1001).
.
Nguyễn Khôi không có ý định bám sát nguyên tác để dịch mà bám sát từng ý, từng đoạn thơ Thái hay nhất, rút được cái thần thái nguyên bản để chuyển thành thơ. Dịch thơ là một sự sáng tạo. Sức sáng tạo của Nguyễn Khôi thật đáng kể. Nhà thơ đã khéo chọn thể thơ song thất lục bát độc nhất vô nhị của Việt Nam ra đời cùng thời thế kỷ XVII với Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm và Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc – một thể thơ có khả năng vừa tự sự vừa trữ tình thích hợp cho truyện thơ để dịch.

Nguyên tác Sống chụ son sao dài 1.846 câu, Nguyễn khôi chuyển thể và rút gọn thành 1.024 câu mà cốt truyện vẫn đầy đủ ý nghĩa, hồn vía vẫn giữ trọn. Bản dịch thật tao nhã, lời Kinh hồn Thái nhuần nhị, nó là một công trình nghệ thuật có giá trị văn học cao, vượt trội hơn các bản dịch khác của Điêu Chính Ngâu (1914-1958), Mạc Phi (1928-1996). Có thể nói Nguyễn Khôi đã gần như sáng tác lại trên nền tảng của nguyên tác trứ danh này. Công lao của Nguyễn Khôi đối với “Tiễn Dặn Người Yêu” chẳng khác gì Nguyễn Du đối với Truyện Kiều.

Sau đây,  xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn tác phẩm :

SỐNG CHỤ SON SAO

(Tiễn Dặn Người Yêu)

Truyện thơ dân tộc Thái
Dịch thơ : Nguyễn Khôi

Phần 1:

1.
Kể chuyện cũ lại bù chuyện tới
Thuở đôi ta còn mới hoài thai
Mẹ yêu đã tính từng ngày
Em nằm bên trái “cựa” hoài lớn mau

5.
Mẹ anh yêu nhói đau bên phải (1)
Đều thèm ăn món gỏi cá chua
Bé xinh hai tháng có thừa
Mẹ thèm ăn dở me chua bên vườn
Chửa ba tháng gỏi lườn Cá Giếc

10.
Chắm nấu măng ngỡ tiệc tháng tư
Tháng năm Cá Pộc đã chờ
Cá Chày … sáu tháng mẹ sờ thấy con
Tháng thứ bảy Cá Mương làm gỏi
Cá Vũ ngon quẫy đợi tháng sau

15.
 Bé xinh mẹ nặng mang bầu
Đợi chờ chín tháng qua cầu nở sinh
Máng nước xối lanh tanh róc rách
Chú thím mừng, mẹ mệt vẫn cười
Mười ngày, chín tháng, đủ đôi

20.
Hai ta cùng lúc chào đời khóc oe
Anh rơi sấp bà chìa tay đỡ
Mẹ đẻ ra rơi ngửa thành em (2)
Nâng niu bú mớm lớn lên
Cùng phi ngựa trúc chơi liền bên nhau

25.
Mười ba tuổi em đâu còn nhỏ
Óng ả lên nhóm lửa trên sàn
Đàn môi, sáo thổi chứa chan
Đôi ta như gốc cải làn tươi xanh
Công cha mẹ sinh thành cùng lớn

30.
Tuổi ấu thơ duyên ướm từ xưa
Đến ngày gặp chốn sàn hoa
Ngồi bên bếp lửa mặn mà trao duyên
Có đêm chuyện chừng quên gà gáy
Đeo mộng về trăng rải như mơ

35.
Mù dâng sương tỏa mịt mờ
Tơ duyên se lối hẹn hò bền lâu
Chỉ sợ chặt “vầu” không thuận mé (3)
Trời không thương, cha mẹ không ưng
Thương ai khác bản khác mường

40.
Không yêu mẹ ép buộc lòng phải yêu
Ôi thương quá chim kêu mùa hạ
Lòng nhớ mong không ngả tìm sang
Tương tư những muốn tới gần
Lại e người quở, bần thần ốm o

45.
Mẹ anh xót mới nhờ người bói
Quẻ này “hung” người nói thầm thì
Đã yêu anh chẳng sợ gì
Đã thương quyết lấy, quyết đi đến cùng
Anh đi gặt lúa đồng ngoài nội

50.
 Anh đi đánh cá lưới ngoài sông
Cá to anh đổ tràn “cong”
Lợn gà nuôi đã đầy sân đợi ngày
Tìm mua đĩa, đi ngay Tạ Bú
Ra Tà Hè mua lụa, mua tơ

55.
Buồng cau Tà Sại đang chờ (4)
Trầu xanh muôn lá để nhờ”dạm” em

—————————
Chú thích:
(1) người Thái xưa quan niệm “thai” nằm bên trái đẻ con gái, bên phải đẻ con trai
(2) người Thái có tập quán đẻ ngồi cho rằng hễ là con trai thì đứa bé rơi sấp, là con gái thì đứa bé rơi ngửa
(3) một loại cây tre
(4) các địa danh Tạ Bú, Tà Hè, Tà Sại ở bên bờ sông Đà- Sơn La

 

Phần 2:

Tìm bà Mai biết têm trầu tiếp
Lựa lời thưa duyên đẹp không phai
Lễ to lại đã chọn ngày

60.
Sang nhà xin lạy mẹ thầy ưng cho
Cha em ngồi cùng “Mo” (1) chẳng đáp
Mẹ em ngồi giường thấp lặng thinh
Hồi lâu mới nói lạnh tanh:
– Người kia cái mặt khó nhìn làm sao!

65.
Nón làng Chuông có đâu đáng đội
Rể chi anh đòi tối đan chài
Về đi chốn khác mối mai
Về đi, nội ngoại trong ngoài trình thưa.
Anh đã lo mà lo không đủ

70.
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Tay ôm cau những rã rời
Tay xách giỏ cá lệ rơi thẹn thùng.
Anh đau đớn về buồng nằm khóc
Tấm thân trai héo hắt phòng không

75.
Khi con Người ấy ra đồng
Cũng đi kiếm cá ngoài sông, học đòi
Chài quăng đấy cá toi cả mẻ
Người mang về ướp ché măng chua
Đĩa mua Tạ Bú cũng chờ

80.
Cau mua Tà Sại, tơ mua Tà Hè
Cau Tà Sại chưa lìa đã héo
Trầu Mường Chai lá méo mùi hôi
Lá rong Người cắt gói xôi
Thuốc lào bọc lá nhờ người mối manh

85.
Lễ to chọn ngày lành tháng tốt
Sang nhà xin cho được dâu hiền
Cha em vừa thấy ưng liền
Mẹ vui lời tựa tấm chiên (2) ấm nồng
Em còn ở trên nương, nào biết

90.
Trời hoàng hôn nắng khép cửa rừng
Mặt trời rơi xuống tầng tầng
Từ mặt “phai”(3) tràn sang sàn người thương
Mặt trời quấn ngọn giang sắp lặn
Mặt trời treo ngọn sắn sắp rơi

95.
Trời im không một tiếng lời
Trời đi chẳng đợi chân người theo đi
Trời khuất núi mây che sập tối
Em vội vàng ra lối bìa rừng
Sương chiều đã đổ đầy thung

100.
Em còn chặt củi nai lưng gánh về
Bó to mẹ chẳng chê nấu rượu
Lửa sàn hoa hơ áo anh yêu
– Về đi, em gọi Vía theo
Vía anh yêu chớ ngủ liều búi lau

105.
Về tới bản thấy sao là lạ
Gánh củi to em hạ gầm sàn
– Mẹ ơi, em thẳng vào buồng
Cởi khăn lòng những bồn chồn làm sao.
Đi ra bến bờ cao nước lớn

110.
Về nhà chừng khó ướm hỏi ai
Thẩn thơ bụng đã đói rồi
Cơm canh đâu hở… mẹ ơi có gì?
Mẹ yêu bảo: mâm kia đang đợi
Em mở xem: gà gói, cá, nem

115.
Bên mâm bầy sẵn trầu têm
Thử vờ em hỏi: khách đem đổi à?
Mẹ bảo: Xá (4) núi xa không đổi
Gói trầu kia Người tới “dạm” con
Trăm năm tính cuộc vuông tròn

120.
Thôi cô đã lớn chẳng còn ngây thơ
Con chớ nghe lời gà, tiếng vịt
Vườn sẽ tan, trứng chết trong phôi
Mất họ hàng bởi lời xui
Đâu khôn đâu dại tới lui khôn lường

125.
Ai chả muốn nhà sang cửa lớn
Cây cải hoa lũ bướm lượn tìm
Mẹ cha đã mỏi mắt nhìn
Tuổi già mong rể út bên cậy nhờ
Giỏ cá trắm đang chờ rể biếu

130.
Con gái yêu lấy hiếu làm đầu
Em nghe trời sập xuống mau
Thương anh nát ruột nỗi sầu ngẩn ngơ
Em đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai

135.
Chạy cầu chú bác trong ngoài
Họ hàng: – thôi cũng chịu rồi cháu ơi!
Chúng ta đã xơi cơi trầu lễ
Em lại kêu anh rể, chị dâu
– Ôi thôi bé út dễ đâu

140.
 Quả cau đã buộc dây trầu gỡ sao
Chim cúc cu cành cao đã hót
Nhà đang mừng, đừng khóc cô ơi!
Trúc tre nên giấy trắng ngời
Lấy chồng, bố đã gả rồi – phải nghe.

145.
Con gà chọn cành me đậu tốt
Gái kén chồng chẳng được hay đâu
Phải thằng chồng “Xá”(4) ngu lâu
Chọn dao chọn phải lưỡi dao mẻ quằn
Nghe cha mẹ môn đăng hộ đối

150.
Nón đội đầu sớm tối thong dong
Như cá không muối cá ươn
Đâu che lá chuối, cào vườn nương xa.
Lời nhân ngãi bao giờ chả ngọt
Hay thì hay chẳng được gì đâu

155.
Kẻo mà mạ lỡ vụ gieo
Nhà cao cửa rộng đón chiều chuộng em.
Lời như “chiếu”(5) đã liền một tấm
Như lưỡi gươm đã cắm xuyên tường
Dẫu van cha cũng chẳng thương

160.
Thân con bọ ngựa dễ lường bão, mưa
Em đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Mượn dao người để chặt cây (6)
Khiến người đốn củi, lựa lời cho thôi.

Chú thích:
(1) Mo – thầy cúng
(2) Chiên – tấm chăn chiên
(3) Phai – đập bằng tre gỗ ngăn dòng suối
(4) Xá – dân tộc thiểu số gồm người Khơ Mú, Kháng, Xinh Mun – cách gọi miệt thị
(5) Chiếu – là chiếc chiếu để nằm phẳng liền một tấm
(6) ý đoạn này là âm mưu kế “hoãn binh” của cô gái, cứ tạm bằng lòng để cho “Người ấy” (không phải người yêu) đến ở rể một thời gian thử thách theo phong tục từ ba tháng đến ba năm, có đạt yêu cầu mới cho làm lễ chung chăn, chính thức thành rể. Nếu không đạt thì sẽ bị đuổi về…

Phần 3:

165.
Lúa đầy bịch sẽ mời ra cổng
Cho một manh khố đóng mang đi
Dở dang kẻ nói người chê
Kẻ thương người ghét ê chề mặt ai.
Em bỗng thành vợ người, nghĩa nặng

170.
Rau của Người bùi đắng, nghĩa dày
Sáo, kèn Người đã về đây
Nón treo giữa vách, chặt cây rào vườn
Người đã thành rể con nuôi bố
Trông ruộng vườn, đuổi hổ, chăn trâu

175.
Tinh mơ dậy sớm mài dao
Chiều về chài lưới, mệt nào dám kêu
Em đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Lòng yêu, sống tựa chết rồi

180.
Thà ăn lá ngón lìa đời cho xong
Như vần đá, đá lăn đổ sập
Dập ngón tay rút ruột mà đau
Máu không rơi, buốt tận đầu
Nhói trong tim, hỏi ai nào biết cho?

185.
Trùm chăn kín xót xa thầm khóc
Cúi mặt gầm nước mắt chứa chan
Ngẩng lên lệ rỏ hai hàng
Chừng thừa nước mắt cả làng rửa rau
Thương mắt biếc như trầu xanh lá

190.
Thương ngón tay thon thả lá hành
Nhớ lời nguyện ước đinh ninh
Khăng khăng son sắt mối tình còn đeo.
Nhớ như gà con theo nhặt tấm
Như nắm xôi nóng bọc lá tươi

195. Những mong là “đó” (1) thả trôi
là “đơm”(2) bạn quý, người hôi mất “lờ”(3)
Anh đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Túm hai cái núm một “chài”

200.
Đêm đêm quăng trượt ra ngoài bờ sông
Như một kẻ đôi lòng khó nghĩ
Suy một mình thêm bí không cùng
Đã không nên vợ nên chồng
Muốn ăn dưa, cố rào vườn chẳng nên

205.
Nào ai ngỡ là em tình phụ
Như hoa tươi mãi rú rừng xa
Ước như tay Vượn dài ra
Hóa là tay Cóc khó qua bìa rừng
Ước có phép như Rồng biến hóa

210.
Biến em yêu thành vợ trong buồng
Lên trời đậu ngọn cây thơm
Bay tìm xem thử “mệnh” nàng ra sao
Mệnh nàng đâu ta cầu gần lại
Mệnh nàng xa mấy “xải” (4) cũng co

215.
Buộc hai hồn một dây to
Gần trong gang tấc “mệnh” chờ liền đôi
Anh đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Người ta trầu úa mối mai

220.
Mẹ cha em lại mừng vui đón chào
Còn anh cả buồng cau sai quả
Trầu xanh tươi muôn lá… mang về
Vừa sang “dạm” đã đuổi, chê
– Ối dào, cái giống quả me ngoài rừng.

225.
Quả me nhà thơm lừng ngọt lạ
Gái nhà này phải giá bằng Voi
Giá Voi, đành lảng chịu thôi
Giá Trâu, cố đấm ăn xôi họa là
Dù thu vét cả nhà chẳng đủ

230.
Lấy “số” đua với “số” không cùng
“Phận” thì “phận” mỏng như không
Phải đâu rau núi, quả rừng hái tranh
Bạc không nặng khó giành em được
Tình có sâu thua cuộc… lìa nhau!

235.
Tủi thân anh bỏ sang Lào
Cắm sào rời bến, lòng đau nuốt hờn
Nào đeo túi đi buôn bán sắt
Bán “lưỡi mai” quanh khắp quê người
Mường Tang, Tòng Puốn tới nơi(5)

240.
Chân mây mờ tỏ, cửa trời ngó sang
Nén bạc: được cả đàn ngựa quý
Vạn trâu: chìa dao mẻ đổi liền
Nhờ phúc em, lãi muôn tiền
Xuất hành ngày tốt đã xem từ nhà

245.
Ngày Nhâm Ngọ tiếng gà tao tác
Anh quay về chọn được ngày “Thân”
Vừa ra cửa đã vấp chân
Đi buôn tìm được ngày “Dần” lộc to
Ra cổng gặp Cáo chờ lạy khấn

250.
Bìm Bịp mừng nhúng nhắng xun xoe
“Tực Từ”(6) kêu lộng ngoài khe
Thấy chim Chót Bóp bay về sánh đôi
Trời mở cửa thử coi Ngựa quý
Bốn vạn Trâu… lãi đẻ ngàn lần

255.
Ngựa trâu đi bước rầm rầm
Bồn chồn lại rỏ lệ thầm nhớ em
Nghe Hổ Báo rừng bên gầm thét
Nghe Chim kêu tha thiết đường mưa
Nhớ quê đồng đã vào mùa

260.
Mạ ai gieo, để ai bừa ruộng em?
Nỗi nhớ ai ngày đêm gọt tỉa
Vào giữa rừng hú Vía em thương
Ở nhà em đợi bên thang
Ngồi nơi đầu cối võ vàng ngóng trông

265.
Anh cứ tưởng vườn Gừng hóa Nghệ
Bạn tình xưa ve vé bên chồng
Nhưng còn đây trái tim hồng
Dây tơ vương vấn theo từng bước anh.
Người đi xa quẩn quanh Vía bám.

270.
Dây trầu leo lên quấn hồn yêu
Ngọn khoai ngả rợp bóng chiều
Tình yêu đôi lứa chẳng Xiêu hẹn lời.
Như dồn Bò buộc nơi cột trước
Như dồn Trâu anh buộc cột trong

——————————
Chú Thích:
1,2,3 : các dụng cụ để đơm bắt cá
4 : Xải tay, cách đo dân giã
5 : Chỉ nơi xa xôi
6 : một loại chim

Phần 4:

275.
Thương em đã dặn hết lòng
Yên tâm đợi mấy tháng xong anh về
Vào rừng măng thương tre đừng nhổ
Gặp bạn trai đừng có bỡn đùa
Trai quan kệ gái quan nô

281.
Gái trai cùng bản chuyện trò thân thương
Lìa anh, em nhớ đừng ngủ chạ
Xa anh, em chớ có nằm đôi
Anh về soi mắt kề môi
Ta chung chăn gối, hỡi ôi đợi cùng

285.
Bò anh bán tận Mường nước ấm
Sang Vân Nam ngựa bán rất hời
Mỗi con một nén bạc tươi
Ngựa Ô vượt giá hai mươi nén tròn.
Bạc mười nén tìm em anh chuộc

290.
Vải năm trăm (1) anh cược em ra
Cho dù là vợ người ta
Đã yêu xin xẻ lòng chờ đợi nhau.
Mùa hoa bưởi hoa ngâu hẹn đợi
Hoa Mạ vàng chờ tới tàn phai

295.
Hoa tàn em nhúng sương mai
Hai mươi năm gói khăn mùi còn thơm
Mười chín đời Tạo Quan vẫn thắm
Mặt thân thương gửi gắm gì hơn
Vải ư? Sợ vải chóng sờn

300.
Đàn ư? lại sợ gãy đàn ngang cung
Gửi bạc vụn sợ không xứng đáng
Bạc nén ư? Anh kiếm chưa ra
Gửi tre, lại sợ tre già
Đàn môi cất kỹ kẻo mà nhận sai

305.
Con khóc lấy đàn môi dỗ nín
Ngày về trời theo cánh ngựa bay (2)
Lời thương em nhớ đừng phai
Hồn thương đừng có đổi thay cõi trời.
Như hóa phép vàng tươi cánh bướm

310.
Qua hè chờ đông đến cưới nhau
Tuổi xuân dù có qua mau
Đợi khi góa bụa qua cầu vẫn ưng
Gái góa hai ba lần vẫn đẹp
Hơn gái tơ ba ngấn cổ cao(3)

315.
Má hồng hơn tuổi xuân đào
Thương yêu chắc hẳn dạt dào hơn xưa
Đã yêu nhau lời thề phải nhớ.
Trầu têm chờ chớ úa, còn thơm
Thư đi chớ lạc bản mường

320.
Gửi lòng yêu tới người thương phương trời
Em yêu khấn: anh ơi đừng ốm
Hãy như ve ILiếng (4) tài hoa
Dãi dầu đừng quá đi xa
Phòng cơm thuốc độc người ta hại mình.

325.
Đi buôn chớ xem khinh ngày tháng
Lúa móc câu làm cốm cha làm
Gạo còn mấy ống cơm lam
Đi dăm bảy bữa quay thuyền về quê.
Vừa đi vừa ngoái về bản cũ

330.
Bước chân xa càng nhớ càng đau
Dồn bò lên ngọn Khau Vai
Trâu lên Khau Cả cao vời núi non
Chân bò vướng ngọn giang tàu móc
Trâu bước đi chân vấp cành si.

335.
Cây rừng ngáng lối ngựa phi
Trâu không ăn cỏ,ngựa chê thóc mầm
Anh ngồi đám lá xanh anh ngắt
Bẻ cành mơ gấp khúc bói xem
Quẻ”hung” hao của tốn tiền.

340.
Trời đòi trâu lợn, Vía em ám cùng
Vía em lướt theo từng bước ngựa
Vết chân trâu có Vía em vương
Em thì ra ruộng lên nương
Bổ cau anh ném dọc đường vía theo.

345.
Ở nhà em sớm chiều mong nhớ
Xin nán lòng kẻo khổ anh đi
Trâu anh, chồm dậy tức thì
Núi cao tiếp núi ngựa phi tối ngày
Xa em lên Mường lay núi biếc

350.
Lối Mường So đá xếp quanh co
Cheo leo dốc dựng bên bờ
Chênh vênh cuối thác sóng xô bên trời
Áo anh đã tả tơi xơ xác
Trâu mang đi đổi chác chẳng hời(lời lãi)

355.
Chồng em biết chắc biết mỉm cười
Ngựa hay chẳng đủ bạc mười chuộc em.
Anh còn phải đi thêm xa nữa
Năm lại năm khốn khổ em ơi
Rừng tre măng đã đâm chồi.

——————————-
Chú thích:
(1) : Vải 500 chầu, mỗi chầu dài 4 sải(khoảng 3000 thước)
(2) ngựa có cánh đẽo bằng gỗ treo trên cây tang cạnh mộ đưa hồn người chết về Mường trời.
(3) Đàn bà góa vì buồn nên gầy cho nên cổ cao ngẳng có ngấn, vì yêu nên anh vẫn cho là đẹp
(4) một loài Ve rừng kêu rất hay, được ví với người tài hoa có giọng tốt.

Phần 5:

360.
Ngăn buồng cho rể, bông nhồi thêm chăn
Chăn đệm mới em làm chất đống
Của hồi môn, rể ngóng ngày ra
Cha tìm ngày tốt “bảy”,”ba”
Kéo chăn, dịch đệm, giao hòa lứa đôi (1)

365.
Em đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Lòng yêu, sống tựa chết rồi
Thà ăn lá ngón lìa đời cho xong
Chồng em mới thung dung nói nhỏ

370.
“Trời cho ta thành vợ thành chồng
Cho dù đệm ngắn vài gang
Chăn như lá cỏ đắp ngang cũng đành
Ta sẽ chắn suối xanh làm đập
Chặn lũ về để bắt cá to

375.
Chồng cầy vợ cấy chăm lo
Mẹ cha cũng được ấm no với mình”
Em đã lo mà lo không đủ
Tính chi ly lẫn lú tính sai
Khóc gào chỉ tổ người cười

380
Cười ư, sượng mặt để người mỉa cho
Năm tiếp năm trông chờ mong ngóng
Đã sáu mùa lúa chín qua rồi
Bảy mùa cá lũ trôi xuôi
Ngày qua ngày lại anh ơi cháy lòng

385
Cha mẹ bảo: cốm không ăn mãi
Rể chẳng nuôi nhà vợ đến già
Sẽ đưa dâu quý về nhà
Bên chồng cũng đã quá ba năm chờ
Chồng em ra ven bờ kiếm cá

390.
Ra ngoài đồng gặt lúa qua trưa
Cá nhiều đem ướp mắm chua
Đợi ngày đẹp, mẹ cũng vừa nhắc em
Năm nay đưa vịt ngon về Phủ
Tháng Giêng này đúng cữ đưa dâu

395.
Em rằng: giêng chẳng tốt đâu
Gieo kê chim nhặt, buông câu cá chuồn
Mẹ nói buồn: tháng hai đưa vậy
Em vội thưa: tháng ấy kiêng hơn
Mệnh con treo mãi thượng nguồn

400.
Phải chờ bà Mụ đúc hồn cho xong
Phải đeo “lếp”(2) đi vòng nhà ngoại
Đeo sọt đi quay lại nhà xưa
Tháng này chưa phải tháng đưa
Vịt ngon về Phủ cũng chưa đúng kỳ

405 
Mẹ bảo: tháng ba đi vậy nhớ
Em thưa: còn làm cỏ trên nương
Tháng ba nhà phải cắt chàm
Phủ còn chưa nhận vịt ngon đưa về
Mẹ bảo : tháng tư đi vậy nhớ

410.
Em thưa: tháng này “dở” sự sinh
Biết bao lỗi, lệch đến mình
E điều thiên hạ cười khinh, không về
Mẹ bảo tháng năm đi vậy nhớ
Em thưa: chiêng có gõ chẳng kêu

415.
Giường thờ nấm mọc”gở” nhiều
Vịt ngon về Phủ bao điều khen chê
Mẹ bảo: tháng sáu đi vậy nhớ
Em thưa: mùa nước đổ tràn sông
Thuyền đi nguy hiểm vô cùng

420.
Gái không về tới nhà chồng, không đi
Mẹ bảo: tháng bảy đi vậy nhớ
Em thưa: ngỗng ấp nở tháng này
Sợ diều quạ đến cắp bay
Vịt ngon về Phủ chẳng hay chăng là

425
Mẹ bảo tháng tám đi vậy nhớ
Em thưa: tháng nắng đỏ cành bòng(bưởi)
Gió tây thổi bỏng tim gan
Vịt đưa về Phủ sẽ làm sao đây
Mẹ bảo: tháng chín đi vậy nhớ

430.
Em thưa: trời oi bức âm u
Sói tru hùm rống gầm gừ
Vịt đưa về Phủ mịt mù sương sa
Mẹ bảo: tháng mười đi vậy nhớ
Em thưa: còn lũ đỏ nước ngầu

435.
E thành gái góa sông sâu
Vịt đưa về Phủ xuống cầu âm ty
Mẹ bảo: tháng một đi vậy nhớ
Em thưa: mùa nấm gỗ héo hon
Mẹ chồng chê chẳng thấy ngon

440. Vịt đưa về Phủ giá còn đáng chi
Mẹ bảo: tháng chạp đi vậy nhớ
Gốc cải già lá tỏa đuôi voi
Bố chồng ngừng cả đan chài
Mẹ buông tay cửi đón người dâu yêu.

445.
Em lúng túng hết điều chối nữa
Chọn ngày lành sắp sửa cưới cheo
Tháng này em phải đi theo
Vịt ngon về Phủ, trầu leo lên giàn
Bữa ăn to họ hàng đều tới

450  Bữa nhỏ riêng để cưới em về
Bạc Vân Nam thật khó chê
Cân Lào đã bắc sát kề cân Kinh
Cha em được riêng mình bốn nén
Ngày mồng hai đánh chén đêm thâu

455.
Tiếp rồi bữa rượu đưa dâu
Anh yêu còn mải buôn trâu phương trời
Lên Mường So tìm nơi bán ngựa
Con ngựa ô hai chục nén tròn
Bạc mười dành để chuộc em

460.
Vải năm trăm đặt cược thêm tiếc gì
Bạc thừa thãi ta đi đúc nhị
Bạc trắng thì đúc Pí(3) thổi chơi
Trở về anh trở về thôi
Cơm ăn bãi cát ngủ đồi sỏi xa

465.

Thấy đôi nai nhẩn nha gặm cỏ
Súng anh giương, mũi ná anh nhằm
Nai run: xin lạy van chàng
Má hồng đang đợi, Nàng xuân đang chờ
Anh tiu nghỉu buông cò, bỏ ná

470.
Đàn Phượng đang ăn quả trên cành
Súng tay anh đã lăm lăm
Chim kêu: xin lạy van chàng thương cho.
Anh lại qua khe mơ vách đá
Lệ nhớ tuôn vạch lá luồn chui

475.
Con Don , con Dím nhạo cười
Tóc vương hoa cỏ, lạc rồi, rừng ma
Ma gái vặt Chanh na ném đuổi
Anh cắm đầu chạy vội lan man
Những mừng đến cửa nhà Quan

480.

Đây nhà người cũ trên sàn xôn xao
Chừng cả tiếng em yêu giòn giã
Như chim rừng ăn quả mừng reo
Ngõ hoa Mai nở mỹ miều
Tóc cao búi ngược ra chiều đón dâu(4)

—————————
Chú Thích:
(1): tục lệ người Thái khi mới đến ở rể phải thử thách một thời gian dài( ngủ riêng ở đầu hồi nhà, khi hai bên đã ưng nhau mới được kéo chăn, dịch đệm lại gần nhau làm lễ chung chăn “Sú phả”)
(2) Lếp: cái giỏ bên hông của các cô gái Thái
(3) Pí: một loại sáo
(4): Tóc búi cao ngược lên đỉnh đầu gọi là “tằng cẩu” biểu hiện gái đã có chồng

Phần 6:

485.
Anh dò hỏi: Khách đâu đông tới
Mẹ anh kêu : – không phải con ơi
Mọi người ăn uống xong rồi
Sẽ đưa gái quý về nơi nhà chồng.
Khi anh đi cải ngồng cánh bướm

490.

Anh trở về cải muộn đơm hoa
Khi đi Piêu mới rủ là
Khi về áo trẻ khắp nhà giăng phơi
Là trầu vàng rụng rơi khỏi cuống
Cây tre sầu chết đứng vườn bên

495.

Bạn bè nên lứa nên duyên
Riêng anh đơn độc nhìn em bẽ bàng
Thư gửi sang xem chừng đã mục
Chuối trổ buồng chín nục thơm ngon
Nàng đang mải chuyện chồng con

500.

Đã yêu kẻ khác, mình còn bơ vơ
Anh đã lo mà lo không đủ
Tính chi li lẫn lú tính sai
Trèo cao lộn cổ lỡ đời
Đành trơ mắt ếch nhìn người Vu Quy

505.

Trong nhà em đang khi chuốc rượu
Hòm xiểng chờ chẳng thiếu ngoài hiên
Thôi vào chào các bề trên
Lạy cha , lạy mẹ, tìm em dặn dò
Xin cha mẹ thương lo đừng ốm

510.

Có se mình sớm nhắn con hay
Xin chào bạn gái bạn trai
Chào vườn trước ngõ trong ngoài bản ta
Ơi sàn khuống đậm đã duyên nợ (1)
Nơi hẹn hò bếp lửa cùng nhen

515.

Thôi rồi… nay lớp các em
Mới chiều qua đón trăng lên trên sàn
Mưa không rơi đừng tan sàn nhé
Trời không mù đừng để quạnh hiu
Đàn môi bạn đánh tối chiều

 

520.

Gái có chồng ch

0