18/06/2018, 16:34

Từ mất nước đến văn minh- Hệ tư tưởng giải phóng vĩ đại của cụ Phan Châu Trinh

Hoa Anh Đào Trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, nước ta đã chịu sự đô hộ của thực dân Pháp mấy thập kỷ, đã có rất nhiều phong trào kháng chiến chống Pháp nổ ra, tuy nhiên tất cả đều thất bại. Trước tình hình trên, Việt Nam xuất hiện nhiều nhà yêu nước tranh đấu, nổi bậc trong số đó ...

PCT1

Hoa Anh Đào 

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, nước ta đã chịu sự đô hộ của thực dân Pháp mấy thập kỷ, đã có rất nhiều phong trào kháng chiến chống Pháp nổ ra, tuy nhiên tất cả đều thất bại. Trước tình hình trên, Việt Nam xuất hiện nhiều nhà yêu nước tranh đấu, nổi bậc trong số đó là hai con người với tình yêu nước sâu sắc đang tìm mọi cách để giành lại độc lập cho dân tộc, đó là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Mặc dù con đường cứu nước của cả hai điều thất bại, nhưng tấm lòng yêu nước đó sẽ luôn được người đời sau biết ơn và khắc ghi.

Là hậu thế, sinh ra trong thời bình, yêu thích lịch sử, tôi có điều kiện để tìm hiểu về lịch sử của dân tộc ta. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận những tri thức lịch sử, tôi biết đến nhiều hơn về con người cụ Phan Bội Châu. Ở khoa sử trường ĐHSP Huế, nơi tôi có cơ hội được học tập trong suốt 6 năm. Tôi được tiếp nhận những tri thức về đường lối cứu nước của Phan Bội Châu, hiểu rõ về những chủ trương bạo động của cụ, nó tương đồng với đường lối cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta khởi nghĩa thành công trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Có lẽ, chính vì vậy, đã có thời kỳ ở Việt Nam, xu hướng bạo động cứu nước được giới sử học nước nhà đánh giá cao. Trong khi đó, những người có xu hướng canh tân để cứu nước như cụ Phan Châu Trinh chưa được đánh giá đúng mức.

May mắn thay, những năm gần đây, đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về cuộc đời, các tác phẩm và đường lối cứu nước của cụ Phan Châu Trinh được xuất bản. Đã có cách nhìn mới và đánh giá đúng đắn hơn. Đặc biệt là hai cuốn sách Phan Châu Trinh – qua những tư liệu mới của tác giả Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), những bài viết của Mai Thái Lĩnh, Vĩnh Sính, Nguyễn Ngọc Lanh, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trần Bạc…, chúng tôi my mắn được tiếp cận những tri thức lịch sử tuyệt vời đó.

Sau một thời gian tìm hiểu tư tưởng giải phóng dân tộc của cụ Phan Châu Trinh. Cuối cùng chúng tôi cũng đã ngộ ra được nhiều điều trong triết lý cao siêu của bậc trí giả vĩ đại ấy. Chúng tôi đã có cảm giác như quay cuồng, điên tiết vì những tư tưởng ấy chưa thể thực hiện thành công tại Việt Nam vì những lí do khác nhau. Từng có một cách hay hơn thế đã được khởi xướng bởi cụ Phan Châu Trinh nhưng do sự hạn chế của thời đại, người dân Việt Nam đã bỏ qua cơ hội phát triển của mình. Cũng may, tư tưởng của cụ Phan vượt xa thời đại, đã một thế kỷ trôi qua, đã hơn 40 năm độc lập và thống nhất nhưng dân tộc Việt Nam lúc này hơn bao giờ hết đang cần có một “liều thuốc” để trị dứt căn bệnh mãn tính của mình. Theo thiển ý của chúng tôi, không có cách nào khác, chúng ta phải tìm hiểu thật cặn kẻ triết lý của cụ Phan Châu Trinh để áp dụng nó trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội thì đất nước ta mới thoát khỏi tình cảnh rối ren về văn hóa – xã hội như hiện nay. Tư tưởng của cụ Phan không chỉ dừng lại trong việc giành lại độc lập mà nó còn vạch hướng đi để dân tộc ta tiến lên sự văn minh, giải phóng sự u mê, lạc hậu của nhân dân và trên hết nó sẽ đem lại nền dân chủ cho một dân tộc đã có hơn 2000 năm bị trói buộc trong luân lý của Nho giáo.

Tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh cần được mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ biết đến. Sau khi tìm hiểu tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh, chúng tôi cũng mạnh dạn viết một bài luận này, nó không chỉ là một bài viết để bàn luận mà theo tâm ý, chúng tôi viết về thần tượng của mình.

Chúng tôi đặt tên cho bài luận này là: “Từ mất nước đến văn minh, hệ tư tưởng giải phóng vĩ đại của cụ Phan Châu Trinh”. Như đánh giá của Thầy tôi là “chưa có ai viết hết được tư tưởng của cụ Phan”. Vì vậy qua bài viết lần này, chúng tôi hi vọng góp phần hiểu biết hơn về tư tưởng giải phóng của cụ Phan Châu Trinh dưới cách nhìn của một người trẻ tuổi.

Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân dẫn đến sự thất bại trong việc truyền bá tư tưởng cứu nước của cụ Phan Châu Trinh.

Nguyên nhân chủ quan: Đó là trình độ dân trí thấp.

Sống trong một xã hội phong kiến nửa thuộc địa, hơn 95% dân số mù chữ, bị trói buộc trong hệ tư tưởng luân lí Nho giáo đã được các triều đại phong kiến áp dụng cho nước ta gần một thiên niên kỷ. Người dân Việt Nam không biết đến vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước mà chỉ phó thác vào trong tay một người đó chính là vua. Trong bài diễn thuyết về Quân Trị chủ nghĩa và nhân trị chủ nghĩa cụ Phan Châu Trinh đã cắt nghĩa rất đúng đắn về điều này. Qua sự so sánh xã hội phương Đông nói chung và nước ta nói riêng với xã hội phương Tây điển hình là nước Pháp lúc bấy giờ. Cụ Phan Châu Trinh đã nhiều lần nhắc đến dân trí. Cụ Phan chỉ ra sự lạc hậu về dân trí nước ta tương phản với đó là dân trí của nước Pháp. Chính vì điều này, dẫn đến sự khác nhau về mức độ phát triển của hai nước. Trong khi Pháp là một nước văn minh công nghiệp nhờ vào nền chính trị dân chủ thì Việt Nam là một nước thuộc địa, người dân là thần dân, có sự hiểu biết thấp kém về chính trị, xã hội. Cụ Phan Châu Trinh cho rằng chỉ khi người dân ý thức đến quyền của mình trong xã hội. Chỉ khi đó, xã hội mới phát triển, mới huy động được toàn bộ trí tuệ và sức lực của toàn thể dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Cụ Phan Châu Trinh là người duy nhất trong thời đại của mình nhìn ra được nguyên nhân mất nước. Như chúng tôi đã phân tích ở trên, chính vì người dân không hiểu được các quyền của mình, họ phó thác vận mệnh dân tộc vào trong tay một người, dẫn đến sự lạc hậu về kinh tế, quân sự… việc mất nước vào tay Pháp là điều hoàn toàn tất yếu.

Cũng như nhiều nhà trí thức đương thời, cụ Phan Châu Trinh chịu ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng Nho giáo. Cụ từng làm quan ở triều đình Huế. Khi tiếp nhận được “tân thư, tân văn”,  cụ Phan Châu Trinh đã có một cách nghĩ rất khác với những nhà trí thức, trong việc đề xướng con đường cứu quốc. Cụ Phan chủ trương canh tân trước sau đó mới đấu tranh giành độc lập bằng câu khẩu hiệu nổi tiếng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Đường lối cứu nước bằng cách khai thông dân trí cho người dân là hoàn toàn khả thi và đúng đắn. Nhưng cụ Phan Châu Trinh đã thất bại trong việc phổ biến tư tưởng đó đến đông đảo nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, đại đa số là nông dân. Họ là những người ít học, trình độ hiểu biết thấp, lại bị trói buộc trong những luân lí Nho giáo, tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh đa số không hiểu được. Những người chỉ biết đến ruộng đất, miếng cơm, manh áo thì không thể hiểu được quyền và trách nhiệm của mình. Họ mãi là thần dân chứ không phải là công dân của đất nước. Tư tưởng của cụ Phan được đông đảo học sinh, sinh viên biết đến. Những bài diễn thuyết của cụ Phan thu hút hàng ngàn người tham gia. Tuy nhiên, lực lượng này quá ít so với cư dân của cả nước và không hẳn ai trong số họ cũng hiểu được triết lý này. Họ nghe vì tò mò trước đường lối cứu nước của một nhân sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Cũng chính vì vậy, sau khi cụ Phan mất năm 1926, không có nhiều người tiếp tục đường lối duy tân đất nước của cụ Phan Châu Trinh khởi sướng mà đi theo con đường bạo động như Việt Nam quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập…

Chúng ta thấy rằng khi đã khai thông dân trí. Nó không chỉ giúp Việt Nam giành được độc lập mà còn xây dựng và khôi phục lại bản sắc văn hóa dân tộc, bên cạnh đó du nhập nền văn minh phương Tây từ chính trị, kinh tế, xã hội vào Việt Nam để phát triển dân tộc, loại bỏ tư tưởng Nho giáo lỗi thời đang tàn phá nghiệm trọng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Như vậy, theo chúng tôi, trình độ dân trí thấp là nguyên nhân chủ quan dẫn đến tư tưởng cứu nước của cụ Phan Châu Trinh thất bại.

Nguyên nhân khách quan: chủ nghĩa thực dân và thời cơ chưa chín mùi.

Tư tưởng bất bạo động của cụ Phan Châu Trinh là đấu tranh công khai, ôn hòa, hợp pháp, không bạo động, không vọng ngoại, chủ trương hợp tác và thương nghị với Pháp để giành lại tự trị trong giai đoạn đầu và độc lập trong giai đoạn sau. Bằng những phương cách đấu tranh nêu trên là một sự lựa chọn khôn ngoan lúc bấy giờ, tránh cho dân tộc ta lao vào những cuộc chiến đổ máu vô ích. Tuy nhiên, con đường này đã không thành công bởi nó không hợp với xu thế của quốc tế lúc bấy giờ. Nhìn sang các nước thuộc địa khác, trong khoảng thời gian này, không có bất cứ quốc gia nào giành độc lập dù bạo động hay bất bạo động. Chủ nghĩa thực dân vẫn đang là xu thế chung của nhân loại lúc bấy giờ. Chính sách thực dân đã ăn sâu vào tiềm thức của các nước đế quốc phương Tây. Dù có một bộ phận người cấp tiến không đồng ý về chủ trương đô hộ các nước thuộc địa. Tuy nhiên, để trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, không có một tổ chức, cá nhân nào có uy quyền để làm được điều đó. Cũng như chưa có tiền lệ nào cho thấy, nước đế quốc sẽ trao trả quyền tự trị hay liên minh với thuộc địa của mình. Con đường cứu nước của cụ Phan Châu Trinh là đúng đắn nhưng không hợp với thời thế. Nếu như con đường cứu nước ấy tiếp tục được giương cao ở những thập kỷ sau, đặc biệt sau thế chiến hai, bởi việc trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa là xu thế chung của nhân loại.

Năm 1919 tại Hội Quốc Liên (tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Quốc), Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đề xướng quyền Dân Tộc Tự Quyết để khuyến cáo các Đế Quốc Tây Phương từng bước trả tự trị và độc lập cho các thuộc địa Á Phi. Từ đó trào lưu tiến hóa tất yếu của lịch sử là sự giải thể tiệm tiến của các đế quốc Tây Phương. Trào lưu tiến hóa này đã thể hiện năm 1935 khi Hoa Kỳ trả tự trị cho Philiphin và năm 1936 khi Pháp trả tự trị cho Syrie và Liban. Các nước đế quốc nhận thức rõ là không thể giữ thuộc địa được nữa mà cần phải trao trả vì đây là quy luật tất yếu khi phong trào cộng sản đang ngày càng lan mạnh ở khắp mọi nơi trên thế giới ảnh hưởng đến sự tồn vong của các quốc gia tư bản cũng như sự thống trị của giai cấp tư sản trên toàn thế giới.

 Chế độ thuộc địa đang đến hồi cáo chung. Khắp nơi, nhiều phong trào vận động trao trả độc lập được khởi xướng. Lần lượt các nước Philipphin, Indonêxia, Malaixia, Ấn Độ… được trao trả độc lập, dù có đổ máu chút ít, phải chăng đó chỉ là sự kháng cự yếu ớt của những kẻ mang đầu óc thực dân. Nhân loại đã bước sang một trang sử mới. Vào thập kỷ 50 của thế kỷ XX, Liên Hiệp Quốc là một cơ quan với rất nhiều quyền lực. Nhờ Nghị Quyết về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa đã  được thông qua theo Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 1/4/1960 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Với sự đồng thuận tuyệt đối của Đại Hội Đồng, tất cả các thuộc địa của châu Âu, từ Á sang Phi, đã được hoàn trả quyền tự trị và độc lập. Các láng giềng của Việt Nam như Malaixia, Indonesia, Brunei, Mayanmar…đều hưởng độc lập mà không phải tham gia một cuộc chiến tàn khốc với các nước phương Tây.

Ở Việt Nam, đêm 9 tháng 3- 1945 Nhật đảo chính Pháp. Trên đất Việt Nam không còn một người Pháp cai trị. Ngày 11 -3 vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp. Bảo Đại ra đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trong tuyên bố của Bảo Đại, bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ và mất độc lập với Pháp trước đây, độc lập theo tuyên ngôn Đại đông Á, và “ông cũng như Chính phủ Việt Nam tin tưởng lòng trung thực của Nhật Bản và nó được xác định làm việc với các nước để đạt được mục đích.”

Tháng 4- 1945 giải tán Triều đình phong kiến với các Thượng thư, lập Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu và các Bộ trưởng. Ngày 15 – 8 Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, tại khu Đấu Xảo Hà Nội, hơn 20 ngàn người đã biểu tình mít tinh ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Tuy nhiên, chính quyền Việt Minh đã khéo léo chớp lấy thời cơ, tập hợp cuộc mít tinh ấy để giành ngọn cờ lãnh đạo cách mạng.

Ngày 19- 8 Việt Minh tổ chức giành chính quyền ở Hà Nội. Sau đó việc cướp chính quyền lan rộng ra toàn quốc. Việc giành chính quyền này diễn ra dễ dàng, nhanh chóng vì không gặp phải sự chống đối. Sau đó, ngày 23 tháng 8 năm 1945 tại Huế, Việt Minh vận động quần chúng nhân dân tiến vào Đại Nội, gây áp lực buộc vua Bảo Đại phải thoái vị. Người Nhật cho quân bao vây kinh thành Huế để bảo vệ nhà vua. Tuy nhiên, vua Bảo Đại đã khướt từ sự giúp đỡ từ người Nhật. Ông nói: “tôi tuyệt đối khước từ sự bảo vệ của ông. Tôi ra lệnh cho ông bãi bỏ hệ thống phòng vệ vì tôi không muốn một quân đội ngoại quốc làm đổ máu dân tộc tôi.” Điều này có thể kiểm chứng trong hồi ký của Ông cũng như hồi ký “Một cơn gió bụi” của thủ tướng Trần Trọng Kim. Ngày 25-8 vua Bảo Đại thoái vị. Về việc tuyên bố độc lập của Bảo Đại và sự hoạt động của Chính phủ Trần Trọng Kim hiện có 2 luồng nhận định rất khác nhau. Theo nguồn tư liệu chính sử trong nước hiện nay thì chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một lũ bù nhìn, tay sai cho Nhật, là bọn Việt gian bán nước. Ngược lại, theo nghiên cứu và công bố của một số sử gia độc lập gần đây thì tuyên bố Việt Nam độc lập của Bảo Đại và Chính phủ Trần Trọng Kim có đủ cơ sở và giá trị pháp lý, Chính phủ bao gồm nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước, có trình độ cao, có tinh thần dân tộc mạnh và đã làm được nhiều điều có ích lợi cho dân tộc. Như vậy, với sự khéo léo và đầu óc chính trị lọc lõi của ban chỉ đạo mặt Trận Việt Minh mà đa số theo chủ nghĩa Cộng sản đã giành lấy chính quyền trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những người hoạt động chính trị đương thời. Cũng không thể phủ nhận rằng, phong trào Cộng sản đến trước cách mạng tháng Tám đã hoạt động trong thời gian lâu dài,có tổ chức chặt chẽ và những chuẩn bị chu đáo cũng như tập hợp một lực lượng tương đối đông để tiến hành giành lấy chính quyền khi thời cơ chín mùi.

 Ngày 27-3-l947 Hội đồng Chính phủ Ramadier và Hội đồng các Chính đảng Pháp (lãnh đạo Quốc Hội) đã công bố Quyết Nghị về chính sách mới của Pháp tại Việt Nam. Theo Quyết Nghị này Pháp không chủ trương tái lập các thuộc địa tại Á Châu. Pháp tán thành nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam về độc lập và thống nhất (ba miền cùng chung một lịch sử, một chủng tộc, một văn hóa và một ngôn ngữ). Đặc biệt là cũng trong năm 1947, Pháp đã chính thức đăng ký Việt Nam là một quốc gia độc lập tại Liên Hiệp Quốc. Chủ quyền độc lập của Việt Nam đã được thừa nhận bởi Hiệp Định Elysée ngày 8-3-1949 ký kết giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Quốc trưởng Bảo Đại. Ngày 6-6-1949 Quốc Hội Pháp phê chuẩn Hiệp Định Elysée. Từ đó chiếu công pháp quốc tế Việt Nam được hoàn toàn độc lập, các hiệp ước ký với Pháp trong hậu bán thế kỷ 19 đã bị bãi bỏ. Tuy nhiên, thông qua những hiệp định được ký kết giữa hai nước lúc này lúc này nhiều nhân sĩ, trí thức lúc này cho rằng nó chỉ mang đến một nền “độc lập giả hiệu”. Người Pháp vẫn chưa chịu buông bỏ những quyền lực của mình ở Việt Nam cũng như ý định trao trả nền độc lập thực sự cho Việt Nam chỉ còn manh mún. Bản thân vua Bảo Đại nhận xét rằng “Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp”.

Trong bối cảnh quốc gia Việt Nam bị bủa vây bởi chính quyền thực dân Pháp và tỏ ra hết sức non yếu thì phong trào cộng sản đã lan rộng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân ở khắp mọi nơi trên đất nước, đặc biệt là khu căn cứ địa Việt Bắc đang chiến đấu đơn độc trong vòng vây của quân Pháp. Hòa lẫn trong trào lưu chủ nghĩa dân tộc yêu nước, những người cộng sản đã hiệu triệu được rất nhiều tầng lớp trong nước tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp giành lại độc lập dân tộc. Đặc biệt, thông qua tổ chức Việt Minh những người theo chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam đã chiếm ưu thế trong việc giương cao ngọn cờ lãnh đạo dân tộc. Lãnh tụ tối cao của chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam lúc này là chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân vật có sức ảnh hưởng bậc nhất, các đối thủ chính trị của chủ tịch Hồ Chí Minh không có những ưu thế và sức hút và sự tin tưởng đối với quần chúng như Ông và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo dựng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ở Việt Nam lúc này xuất hiện phong trào thứ ba bởi những người phi Cộng sản, vừa chống Pháp, vừa chống Cộng sản đã tạo nên tình hình chính trị, xã hội rất phức tạp.

Pháp nắm toàn diện về đối ngoại, kinh tế và quân sự của quốc gia Việt Nam. Người Pháp chiến đấu vì quyền lợi của đất nước họ hơn là một cuộc chiến ý thức hệ. Phải chăng, bởi vì quốc gia này đã suy yếu khá nhiều khi bị Đức chiếm đóng lâu dài trong cuộc chiến. Nên họ vẫn chưa từ bỏ mục đích thu lợi từ những thuộc địa trước đây để trang trải những gánh nặng to lớn trong thế chiến.

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng khi Pháp vẫn giữ quyền lực rất lớn dù đã công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, bởi lúc này ở Việt Nam, lại không thể sản sinh ra một Phan Châu Trinh thứ hai. Có sức ảnh hưởng lớn và đủ sức hiệu triệu quần chúng nhân dân, từ đó người Pháp mới có thể dựa vào để trao trả lại nền độc lập hoặc liên minh chính trị – quân sự một cách vững chắc. Nhân vật mà Pháp dựa vào là vua Bảo Đại và chính quyền yếu kém mà Ngài quốc trưởng lập ra chưa đủ sức thu hút mạnh mẽ và làm cho người dân tin tưởng để đi theo. Từ đó người Pháp có thể tin tưởng giao phó trọng trách trong cuộc đương đầu với những người theo trường phái cộng sản lão luyện ở Việt Bắc đang bị đẩy vào tình thế phải gần hơn về phía Trung Quốc và Liên Xô.

Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Việt Nam, người Pháp nhận thấy viễn cảnh của sự thất bại tất yếu. Nên Pháp đang tìm mọi cách để rút lui trong danh dự cũng như bảo đảm những quyền lợi của họ khi giữ được Việt Nam còn nằm trong khối liên hiệp Pháp. Chính vì vậy, Mỹ dần dần thay Pháp trong cuộc chiến ý thức hệ ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Từ những bối cảnh trên, phong trào Cộng sản ở Việt Nam chắc chắn sẽ giành thắng lợi dưới tổ chức mặt trận Việt Minh đã nắm trong tay ngọn cờ chính nghĩa để thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Việc chính phủ Pháp dưới sự cầm quyền của tướng Đờ Gôn chưa chịu rủ bỏ đầu óc cố hữu là chủ nghĩa thực dân, vẫn tiếp tục đeo bám hệ tự tưởng áp đặt ở thuộc địa đã khiến nhiều nhân sĩ ở Việt Nam dù là Cộng sản hay phi Cộng sản bất bình, tranh đấu khiến chính phủ Quốc gia Việt Nam không thể tập hợp được lực lượng và những quyền hành đủ sức thu hút quần chúng nhân dân.

Từ sau cuộc chiến khối Quốc – Cộng ở Trung Quốc đi đến hồi kết với sự thắng lợi ở đại lục của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Người Mỹ bắt đầu lo ngại một hiệu ứng Đomino sẽ diễn ra, tức làn sóng Cộng sản sẽ giành thắng lợi ở các nước Á, Phi, Úc. Nước Mỹ nhảy vào cuộc chiến để ngăn chặn làn sóng trên. Và trong cuộc chiến một mất một còn ấy, Việt Nam trở thành nơi đụng đầu lịch sử của hai khối Cộng sản và Tư bản trong chiến tranh lạnh. Hàng ngàn tỷ đô la được cả hai khối rót vào Việt Nam, kéo theo là 21 năm chiến tranh, mất mát, hàng triệu người đã chết và bị thương, những bi kịch và hậu quả của chiến tranh đến ngày nay vẫn còn tồn đọng.

Từ đó, ta có thể thấy rằng những người hoạt động theo khuynh hướng bạo động theo chủ nghĩa Cộng sản đã giành được thắng lợi trong công cuộc đánh đuổi ách cai trị của ngoại bang. Những nhân sĩ theo đường lối ôn hòa, giành độc lập từng bước theo chủ trương bất bạo động đã thất bại như bậc tiền nhân của mình là cụ Phan Châu Trinh. Nhưng, sự thất bại ấy không có nghĩa là tư tưởng của họ không đúng đắn. Trong những biến chuyển lịch sử hết sức phức tạp ấy, ta có thể thấy rằng nếu như những tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh được thực thi và giành thắng lợi ở Việt Nam, có lẽ đất nước ta đã thoát khỏi những tai ương, mất mát. Không những thế, Việt Nam đã có thể đã sánh vai với các cường quốc năm châu. Tư tưởng giải phóng con người luôn được các bậc hiền triết của nhân loại đề cao. Chúng ta đã từng chứng kiến Mahatda Gandhi, Nelson Mandela… đã dấn thân, chịu tù đày cho công cuộc giải phóng ấy. Ngày nay, chúng ta không thể không nhắc đến bà Aung San Suu Kyi đã đưa đất nước Myanmar đến nền dân chủ. Đây là tấm gương cho hàng triệu con người đang đấu tranh vì quyền con người hiện nay.

          Như vậy, sự thất bại trong đường lối của cụ Phan Châu Trinh là tất yếu. Bởi hai nguyên nhân khách quan và chủ quan đã nêu trên. Tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh không phù hợp với hoàn cảnh nước ta và quốc tế lúc bấy giờ nên dẫn đến việc thất bại là đương nhiên. Nhưng tư tưởng giải phóng của cụ Phan như chúng tôi đã đề cập không chỉ dừng lại là giải phóng dân tộc mà nó hướng đến mục đích cao hơn là giải phóng con người. Nỗi lo của cụ Phan Châu Trinh (ngay khi cụ còn ngồi tù Côn Đảo) thể hiện bằng câu : “Một dân tộc dẫu được độc lập nhờ cơ may, nhưng dân trí chưa khai mở, dân khí chưa chấn hưng… chưa xứng đáng để thụ hưởng nền độc lập, thì rốt cuộc dân tộc ấy vẫn chỉ là đám nô lệ có ông chủ mới.”[2, tr5] Điều này cho chúng ta thấy, tư tưởng của cụ Phan chỉ thất bại trong con đường giải phóng dân tộc, những điều cốt lõi về giải phóng con người vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Chính vì vậy, tiếp theo chúng tôi xin được phân tích tư tưởng giải phóng con người của cụ Phan Châu Trinh như sau:

          Xuất phát từ việc nước ta chịu sự đô hộ và cai trị của Pháp, nhiều trí thức đương thời tìm con đường cứu quốc. Cụ Phan Bội Châu thực hiện phong trào Đông Du, Nguyễn Tất Thành tìm đến phương Tây sau đó gia nhập chủ nghĩa Cộng sản. Riêng cụ Phan Châu Trinh cùng hai người bạn đồng hương của mình là Trần Qúy Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tạo thành “bộ ba Quảng Nam” đã tìm được nguyên mất nước. Nó được thể hiện qua những bài viết, tác phẩm của cụ Phan Châu Trinh. Đó là do sự kìm hãm của hệ tư tưởng Nho giáo lỗi thời, cùng với sự chuyên chế của vua, đã dẫn đến sự lạc hậu về văn minh của dân tộc. Cụ Phan Châu Trinh cũng là người rất nhiều lần nói đến sự u mê và những tính xấu của người Việt do hấp thụ hệ tư tưởng Nho giáo lỗi thời, đặc biệt. Điều này được phản ánh chân thật nhất trong bài viết Mười điều bi ai của dân tộc Việt Nam. Cụ Phan Châu Trinh đã chỉ ra những căn bệnh mãn tính của người Việt. Những căn bệnh ấy vẫn còn tiếp diễn biến chuyển ngày càng nặng cho đến ngày nay. Cụ Phan Châu Trinh cũng nói rõ sự văn minh của phương Tây, nó không chỉ dừng lại ở máy móc, súng ống, tàu chiến… mà cụ Phan cho đó là nhờ vào sự văn minh về chính trị. Phương Tây nói chung và nước Pháp nói riêng, đã thực hiện cuộc cách mạng tư sản, lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời, đi theo thể chế Cộng hòa. Nơi mà tất cả người dân điều làm chủ đất nước, lá phiếu của người dân quyết định đến vận mệnh của chính họ. Tất cả mọi người đều tham gia vào công việc xây dựng và bảo vệ dân tộc thông qua các tổ chức, đoàn thể, đảng phái. Chính vì vậy, nó huy động tối đa nguồn lực của toàn dân. Theo ngôn ngữ ngày nay đó chính là dân chủ. Cụ Phan Châu Trinh còn đi xa hơn thế, trong bài thơ Tỉnh Quốc Hồn Cả II của cụ, mà tác giả Mai Thái Lĩnh đã phân tích tư tưởng dân chủ cho thấy, tư tưởng đó còn vượt xa nền dân chủ của các quốc gia Âu, Mỹ lúc bấy giờ.

Như vậy, sau khi tìm hiểu được nguyên nhân mất nước. Cụ Phan Châu Trinh đề ra chủ trương canh tân để cứu nước. Và tiền đề cơ bản cho việc canh tân đất nước lúc bấy giờ chính là khai dân trí, trong đó giáo dục là yếu tố cơ bản. Cụ Phan khẳng định vai trò của giáo dục trong đường lối cứu nước: “Vô bạo động, bạo động tắc tử; vô vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu. Dư hữu nhất ngôn dĩ cáo ngô đồng bào. Viết: Bất như Học”. [6, tr96] Được dịch ra như sau: ” Không nên bạo động, bạo động thì chết. Không nên trông người ngoài, trông người ngoài là ngu. Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào, không gì bằng học.” [6, tr 100]

Trong cuộc trao đổi với phóng viên của báo Nam Vang, khi được hỏi “phương tiện nào hữu hiệu nhất giúp chúng ta đạt đến sự giải phóng mà ông nói đến?” [6, tr82]. Cụ Phan đã trả lời: “Giáo dục, như tôi đã nói với các ông rồi. Giáo dục phổ cập khắp nơi, giáo dục tăng cường, giáo dục không theo đuổi mục đích thực dụng là giúp người An Nam mưu đồ địa vị và bổng lộc ở chốn quan trường, mà là để làm phương tiện giải phóng quần chúng. Khi đại đa số nhân dân An Nam CÓ HỌC VẤN sẽ hiểu những “VÌ SAO?” và “NHƯ THẾ NÀO?” của sự vật, khi họ ý thức được mình, ý thức được quyền lợi và bổn phận của mình, ngày ấy chính phủ Pháp sẽ phải nới lỏng những sợi dây  cản trở sự vươn lên của những người bị bảo hộ, nếu không sẽ làm trái với lý tưởng của mình”. [6, tr82]

          Trong đổi mới giáo dục, cụ Phan Châu Trinh chủ trương bãi bỏ việc học chữ Hán, đồng thời từ bỏ luôn thi cử Hán học. Thay thế chữ Hán, cụ kêu gọi sử dụng Quốc ngữ. Quốc ngữ gồm 24 chữ cái trong mẫu tự La-tinh, có thể dùng để lắp ghép tất cả các từ ngữ trong tiếng Việt, nên rất giản dị, dễ học, dễ viết, dễ sử dụng, dễ truyền bá văn hóa, tư tưởng, khoa học kỹ thuật.

          Ngoài giáo dục để khai dân trí, cụ Phan Châu Trinh cổ súy đổi mới văn hóa người Việt như bãi bỏ những hủ tục trong văn hóa Hán tộc, bỏ thói để tóc dài theo kiểu người Trung Quốc, bỏ quan niệm thứ tự xã hội theo tứ dân, sĩ nông công thương, mà kêu gọi mọi người cùng nhau học những nghề kỹ thuật, học cách thức buôn bán theo kiểu tây phương.

Như vậy, sau khi khai dân trí, khi người dân đã ý thức được các quyền của mình. Cụ Phan Châu Trinh sẽ dùng phương pháp đấu tranh bất bạo động với thực dân Pháp để giành độc lập. Cụ Phan ý thức được đám thực dân tức là tất cả những người có lợi trong việc duy trì hiện trạng, sẽ gây khó khăn. Vì thế, trong quá trình đấu tranh phải rất thận trọng. Quan hệ rất thẳng thắn với Pháp, không khúm núm cũng như ngạo nghễ. Cụ Phan tin rằng ở Pháp, có nhiều người Pháp sáng suốt chống đối việc cai trị thuộc địa. Trong quá trình đấu tranh, cụ Phan Châu Trinh ý thức rõ không phải trong một thời gian ngắn mà có thể giành được độc lập. Đó là một quá trình cam go và lâu dài. Đầu tiên, cụ Phan bài xích chế độ phong kiến với sự duy trì của nhà Nguyễn ở Trung Kỳ. Cụ Phan đề xuất chế độ trực trị. Để khi đó, làm cho người Việt Nam có quan hệ trực tiếp với chính quyền Pháp. Chính phủ bảo hộ sẽ không thể dùng nhà vua để che giấu những ý đồ của mình, để chối cãi vai trò chủ trương hoạch định của mình về những biện pháp hành chính, và do đó, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những biện pháp ấy. Cụ Phan Châu Trinh cho rằng “Sự tiến hóa của nhân dân An Nam tùy thuộc một phần vào việc chính phủ Pháp quyết định vấn đề này như thế nào. Khi chúng ta can đảm cắt đứt ngay với di sản nặng nề của những thế hệ đã qua, chúng ta sẽ tiến lên phía trước một bước dài trên con đường giải phóng. Việc giải phóng này không phải không vấp trở ngại và chấn động, nhưng đó là cái giá phải trả không tránh khỏi cho mọi tiến bộ.” [6, tr120]

Cụ Phan Châu Trinh chủ trương giành độc lập bằng hai giai đoạn: trước tiên đòi thiết lập chế độ tự trị, giai đoạn sau mới tính đến việc giành độc lập hoàn toàn. Có thể tóm tắt chủ trương của cụ Phan Châu Trinh là “ỷ Pháp cầu tự trị” (dựa vào Pháp để đòi tự trị). Cụ Phan tin vào con đường này là vì tin vào chế độ dân chủ ở Pháp, vào những người Pháp có tư tưởng cởi mở ở Đông Dương và ngay tại chính quốc, chứ không tin vào “giặc Pháp” (tức thực dân Pháp, colonialistes). Trong thâm tâm, cụ Phan vẫn tin tưởng vào phong trào cánh tả ở Pháp – chủ yếu là cánh tả ôn hòa, mà tiêu biểu là Đảng Cấp tiến (Parti radical) và nhất là Đảng S.F.I.O. – tiền thân của Đảng Xã hội (Parti socialiste) ngày nay. Mặc dù là một nhà nho, là người dân của một nước bị đô hộ, cụ Phan Châu Trinh không hề có tư tưởng bài ngoại. Cụ Phan phân biệt rất rõ: nhân dân Pháp tại chính quốc hoàn toàn khác với thực dân Pháp mà người ta thường thấy ở thuộc địa.

          Trong bài viết, Mai Thái Lĩnh phân tích “Lòng tin đó hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của một nhà hoạt động chính trị đã từng bị tù tội chứ không phải chỉ là lòng tin ngây thơ hay xốc nổi.” [6, tr123]

Sau khi giành độc quyền tự trị, cụ Phan Châu Trinh chủ trương xây dựng liên minh với Pháp, trong chủ trương Việt – Pháp đề huề cụ Phan đã rất nhiều nhấn mạnh điều này. Trong khi coi nước Pháp là quốc gia dân chủ đi trước cần học hỏi kinh nghiệm, cụ Phan hoàn toàn bác bỏ chế độ thực dân coi thuộc địa như một thân phận nô lệ. Một liên hiệp chính trị như vậy sẽ giúp cho cả hai nước vượt qua được hận thù trong quá khứ để xây dựng hòa bình. Việc tạo dựng một liên minh như là điều có lợi cho cả hai nước. Việt Nam như là “học trò” của Pháp, học tập sự văn minh và dân chủ của nước Pháp. Và ngược lại, Pháp sẽ có nhiều lợi ích ở Việt Nam.

          Sau khi giành độc lập, cụ Phan chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền. Trong đó, xây dựng một nhà nước dân chủ theo hệ thống nghị viện giống Pháp. Cụ Phan chú trọng đến quyền con người (nhân quyền). Cụ Phan coi đây là cốt lõi trong việc xây dựng một quốc gia văn minh. Quyền lực chính trị được trao lại cho dân (nhân dân trực tiếp bầu ra cơ quan quyền lực cao nhất) là một quá trình hình thành một xã hội dân sự trong đó người dân được thực thi các quyền tự do căn bản nhất – những quyền tự do làm đầu mối dẫn đến tất cả các quyền tự do khác, mà ngày nay ta thường gọi chung là quyền con người (nhân quyền). Trong tư duy chính trị của cụ Phan Châu Trinh, chúng ta thấy dân chủ luôn gắn liền với tự do, không hề có chút manh mối nào của thứ tư duy ngụy biện một mặt thì nói đến dân chủ nhưng mặt khác lại cố phủ nhận các giá trị chung của nhân quyền. Từ chế độ quân chủ đi đến chế độ dân chủ là cả một bước nhảy vọt về chất, là một sự thay đổi đối với tập quán đã ăn sâu cả ngàn năm, là đi từ thân phận nô lệ của thần dân đến địa vị của công dân – người làm chủ xã hội.

          Đây là tiền đề căn bản cho việc giải phóng con người trong tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh. Từ đó đi đến phát triển kinh tế, văn hóa dân tộc. Vì khi thiết lập được một thể chế dân chủ sẽ huy động được trí tuệ và nguồn lực của toàn thể nhân dân Việt Nam tạo ra sức mạnh cho sự phát triển. Như vậy, có thể khẳng định rằng tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh không chỉ dừng lại ở việc cứu nước mà nó đưa nước ta đến với văn minh.

          Thay lời kết luận:

          Những tư tưởng giải phóng con người của cụ Phan Châu Trinh mặc dù được đề ra cách chúng ta hơn một thế kỷ và bị “bỏ quên” trong một thời gian rất dài nhưng ngày nay khi nghiên cứu lại, chúng ta không thể không bất ngờ vì tính thời sự của nó. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, nhiều hiện thực bất công đang diễn ra trên mọi miền đất nước. Từ sự suy đồi về văn hóa, khủng hoảng trong giáo dục, cũng như chính quyền hiện nay coi tham nhũng là giặc nội xâm, thừa nhận nó như một nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Đất nước tuy thanh bình nhưng ngập tràn trong nợ nần, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, trộm cướp, nghiện hút… ngày càng gia tăng. Những truyền thống quý báu mà tổ tiên để lại ngày càng mai một. Chúng ta dường như đang “oằn mình” trong một xã hội chạy theo danh vọng và đồng tiền.

          Là một người trẻ tuổi, đứng trước những thực trạng trên của đất nước. Chúng tôi lấy làm lo lắng cho vận mệnh của dân tộc. Đặc biệt, là hiểm họa từ phía bắc, khi Trung Quốc liên tục gia tăng bành trướng quân sự trên biển Đông và họ không dấu diếm ý định độc chiếm biển Đông qua bản đồ đường lưỡi bò đứt khúc chín đoạn. Khi nghiên cứu về tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh. Tôi đã hoàn toàn bất ngờ và tiếc nuối vì dân tộc ta đã bỏ lỡ một cơ hội, một cách hay hơn thế. Tuy nhiên, là hậu thế, chúng ta không nên phán xét lịch sử. Chúng ta hãy mạnh dạn vén bức màn của quá khứ để hướng đến tương lai.

Những tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh về giải phóng con người thật sự là cuốn cẩm nang tuyệt vời cho công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Nếu áp dụng thành công những lý tưởng trên của cụ Phan thì Việt Nam sẽ có một nền dân chủ đáng mơ ước. Khi đó sẽ hiệu triệu được sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam, như cụ Phan đã nhận xét, dân tộc này không phải là một dân tộc ngu dốt. Thực tế ngày nay cho thấy, rất nhiều người Việt, đặc biệt là đang sinh sống và học tập tại nước ngoài, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại. Giáo sư Ngô Bảo Châu là cái tên mà lớp lớp thế hệ người Việt không thể quên vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực toán học… rất nhiều người Việt luôn hướng về tổ quốc mình.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cụ Phan cũng không quên nhắn nhủ với con cháu rằng: “phải biết chắn chắn quyền tự do là quyền của mình, không phải xin ai mà có, không phải xin người ta cho”. [6, tr85] Hoạt động chính trị phải có bản lĩnh đấu tranh như cụ Phan đã thể hiện trong hai câu thơ trong bài “Đập đá ở Côn Lôn” như sau:

                                        “Những kẻ vá trời khi lỡ bước

                                        Gian nan chi kể sự con con”

      Cụ Phan còn nói rõ “Còn làm chính trị, ở đâu cũng vậy, mà ở thời nào cũng vậy, nếu sợ khó nhọc, sợ hao tổn, sợ bắt, sợ tù, thì làm sao được? Dân ta bây giờ là dân mất nước, nếu muốn được nước lại, mà sợ tù tội, thì làm sao nổi! Chưa ở tù khi nào, thì còn sợ tù, chỡ đã ở rồi thì không sợ nữa. Chúng ta bây giờ nên ở tù cho đông, cho quen, để có đủ can đảm mà làm việc.” [6, tr85]

           Hệ tư tưởng, con đường và nhân cách của cụ Phan Châu Trinh xứng đáng là lối đi, con đường đúng đắn duy nhất cho dân tộc ta, chấm dứt sự phụ thuộc vào văn hóa Hán đã áp đặt dân tộc ta hơn hai ngàn năm qua. Như chúng tôi đã nhận định “liều thuốc” mang tên tư tưởng Phan Châu Trinh, cần thiết hơn bao giờ hết cho dân tộc ta hiện nay để tiến đến với nền văn minh của nhân loại.

          Danh mục tài liệu tham khảo:

  1. encuuNguyễn Văn Dương (2006), Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb Văn hóa- Thông tin, Tp HCM. 1262 trang.
  2. Lê Thị Kinh (2001), PHAN CHÂU TRINH qua những tư liệu mới, tập 1, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. 954 trang.
  3. Lê Thị Kinh (2003), PHAN CHÂU TRINH qua những tư liệu mới, tập 2, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. 816 trang.
  4. Nguyễn Ngọc Lanh, Phan Châu Trinh đi trước thời mình sống, nghiencuulichsu.com
  5. Nguyễn Ngọc Lanh, Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 5, nghiencuulichsu.com.
  6. Nguyên Ngọc (chủ biên), “Từng có một cách hay hơn”, Nxb Tủ sách thay đổi (Bản PDF, 130 trang)
  7. Vĩnh Sính, Ý nghĩa tác phẩm TÂN VIỆT NAM của Phan Châu Trinh, nghiencuulichsu.com
0