18/06/2018, 12:24

Di sản văn hóa phi vật thể

Lễ tế Xã Tắc Đàn Xã Tắc được xây dựng từ cuối mùa xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã ...

Lễ tế Xã Tắc

Đàn Xã Tắc được xây dựng từ cuối mùa xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống.
Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, khi khởi công, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao. Hầu như tất cả các vị vua Nguyễn đều đã từng chủ trì lễ tế quan trọng này. Lễ tế được chuẩn bị đầy đủ trước ngày tế 1 ngày.
Sáng sớm của ngày tế Xã Tắc, cờ ở Kỳ Đài kéo lên, các vị trí chuẩn bị bày sẵn, vua xuất phát từ điện Cần Chánh ra cửa Đại Cung Môn. Bảy phát súng lệnh ở Kỳ Đài nổ vang. Đoàn Ngự giá ra cửa Ngọ Môn rẽ hướng tây, rồi qua hướng bắc, đến đàn tế.
          Nhằm hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội và Festival Huế 2010, Lễ tế Xã Tắc được tổ chức quy mô, hơn 700 người tham gia với đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghi trượng, cờ phướn. Lễ tế sẽ thực hiện trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức truyền thống.
          Ngự đạo đi tế Xã Tắc sẽ được bắt đầu lúc 19h40 ngày 08 tháng 04 năm 2010 (24/02 Âm Lịch) tại khu vực Ngọ Môn; sau 3 hồi chuông trống, Ngự đạo sẽ xuất phát, rồi di chuyển đi dọc đường 23 tháng 8 vào đường Lê Huân rồi rẽ qua đường Ngô Thời Nhậm đến đàn Xã Tắc.
          Đúng 20h00 lễ tế sẽ được bắt đầu với các nghi tiết sau:
Lễ Quán tẩy   (Lễ rửa tay tẩy trần)
Lễ Thượng hương  (Lễ dâng hương)
Lễ Nghinh thần  (Lễ rước thần đến tham dự)
Lễ Điện ngọc bạch  (Lễ dâng ngọc trắng)
Lễ Truyền chúc  (Lễ đọc chúc văn)
Lễ Hiến tước  (Lễ dâng rượu) 
Lễ Tứ phúc tộ  (Lễ hưởng lộc)
Triệt soạn   (Lễ hạ cỗ)   
Tống thần   (Lễ đưa tiễn thần)
Tư chúc bạch soạn  (Lễ đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị)
 


 

Điểm đặc biệt của lễ tế Xã Tắc năm 2010 là sự tham gia của 100 bô lão đến từ các địa phương của Thừa Thiên Huế đại diện cho trăm họ (bách tính). Lễ tế Xã Tắc cũng được xã hội hoá tối đa để thực sự trở thành một lễ hội cộng đồng.

Cùng với sự chấm dứt của vương triều Nguyễn, đàn Xã Tắc bị xâm chiếm và xuống cấp trầm trọng, lễ tế Xã Tắc không còn nữa nhưng tinh thần và ý nghĩa nhân bản của nó vẫn còn tồn tại, nhất là đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta hiện nay.

Việc trùng tu di tích đàn Xã Tắc đã cơ bản hoàn thành và công tác tổ chức lễ tế đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành theo một lộ trình kéo dài nhiều năm theo định hướng khôi phục lại một cách toàn diện cả đàn tế và lễ tế quy mô như ngày xưa. Đồng thời, một hồ sơ khoa học về lễ tế Xã Tắc sẽ được xây dựng và tiến tới các thủ tục xin công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể Đại diện của nhân loại.

0