22/02/2018, 23:05

Đề và đáp án đề thi học kì 2 môn Văn lớp 8 – Hoài nhơn năm 2016 có…

Dưới đây là Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 8 mới nhất 2016 của Phòng GD & ĐT huyện Hoài Nhơn. Đề thi có đáp án chi tiết bám sát chương trình học giúp các em ôn lại kiến thức trong năm. Xem thêm: Tham khảo đề kiểm tra học kì 2 môn Sinh học lớp 8 năm 2016 có đáp án PHÒNG ...

Dưới đây là Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 8 mới nhất 2016 của Phòng GD & ĐT huyện Hoài Nhơn. Đề thi có đáp án chi tiết bám sát chương trình học giúp các em ôn lại kiến thức trong năm.

Xem thêm: Tham khảo đề kiểm tra học kì 2 môn Sinh học lớp 8 năm 2016 có đáp án

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN HOÀI NHƠN

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2

MÔN: VĂN – LỚP 8

Thời gian làm bài 90 phút

Phần I. Trắc nghiệm( 3 điểm).

A. Đọc và khoanh tròn vào đáp án đúng ( 1,5 đ)

Câu 1: Bài thơ “Quê hương” Của tác giả Tế Hanh được rút từ tập thơ nào?

A. Hoa niên.                   B. Nghẹn ngào.

C. Gửi miền bắc.            D. Hai nửa yêu thương.

Câu 2: Bản dịch bài thơ ”Đi đư­ờng” thuộc thể thơ gì?

A. Thất ngôn tứ tuyệt     B. Song thất lục bát.

C. Lục bát.                   D. Ngũ  ngôn tứ tuyệt

Câu 3: Trong các câu sau, câu nào là câu nghi vấn?:

A. Người thuê viết nay đâu? (Vũ Đình Liên)

B. Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem! (Ngô Tất Tố)

C. Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi! ( Tố Hữu)

D. Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá. (Tế Hanh)

Câu 4: Trong hội thoại, người có vai xã hội thấp phải có thái độ ứng xử với người có vai xã hội cao như thế nào?

A. Thân mật.             B. Kính trọng.

C. Quỵ lụy.                D. Luồn cúi.

Câu 5. Nội dung chủ yếu của bài thơ “Đi đường”  là gì ?

A. Từ việc đi đường núi, gợi ra chân lí về đường đời.

B. Miêu tả cảnh vật núi non hùng vĩ, trập trùng trên đường đi.

C. Nói về việc đi đường vất vả, phải trèo đèo, vượt núi gian nan.

D. Diễn tả niềm vui khi lên đỉnh cao chót vót, nhìn bao quát muôn trùng nước non.

Câu 6: Trong câu “Lúc bấy giờ ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào!” đã thực hiện kiểu hành động nói nào?

A. Hành động trình bày.     B. Hành động hỏi.

C. Hành động bộc lộ cảm xúc.   D. Hành động điều khiển.

B. Nối cột A ( văn bản) và cột B( nội dung, đề tài)cho phù hợp ( 0.5 đ )

Văn bản ( A)

Nội dung, đề tài (B)

 A+B

1. Nhớ rừng a. Sự uất ức của người tù Cách mạng 1 +…….
2. Quê hương b. Sự hòa hợp giữa người và trăng 2 +…….
3. Khi con tu hú c. Lời con hổ ở vườn Bách thú 3 +…….
4. Ngắm trăng d. Nhớ về một làng chài ven biển 4 +…….
e. Từ việc đi đường để nói về đường đời

C. Điền cụm từ thích hợp vào chỗ trống (…) ( 0.5 đ)

1.Văn nghị luận rất cần……………………………………. Nó giúp cho văn nghị luận có hiệu quả thuyết phục hơn, vì nó tác động mạnh mẽ đến tình cảm của người đọc ( người nghe).

2. Vai xã hội là vị trí của người………………………………………. đối với người khác trong cuộc thoại.

 D. Những câu sau, câu đúng ghi Đ, câu sai ghi S vào ô phía trước ? ( 0.5 đ)

[  ]  1. “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên là bài thơ ngôn ngữ bình dị mà cô đọng đầy gợi cảm.

[  ]   2. Câu nghi vấn là câu có chức năng dùng để hỏi.

[  ]    3. Bài thơ “Nhớ rừng” của Tố Hữu đã thể hiện lời con hổ đang bị giam cầm ở vườn Bách thú.

[  ]    4. Câu nghi vấn không chỉ dùng để hỏi mà còn dùng để cầu khiến, khẳng định, phủ định, đe dọa, bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

Phần II. Tự luận (7 điểm).

Câu 1:(2 điểm):

Thế nào là câu cầu khiến? Trong những đoạn trích sau, câu nào là câu cầu khiến?

a) Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi. Đào tổ nông thì cho chết!

                                             (Tô Hoài, “Dế mèn phiêu lưu kí”)

b) Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi:

– Các em đừng khóc. Trưa nay các em vẫn được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa. (Thanh Tịnh, “Tôi đi học”)

Câu 2: Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh là bức tranh quê với đường nét tươi tắn, khỏe khoắn được họa lên từ tình cảm đậm đà, trong sáng của tuổi hoa niên dành cho quê hương mình.

Em hãy làm sáng tỏ nội dung trên. Từ đó, liên hệ tình cảm mình với quê hương.

——————- HẾT —————–

Đáp án đề thi học kì 2 – VĂN lớp 8

Phần I: Trắc nghiệm: (3 điểm )

A. Lựa chọn: ( 1.5 điểm)

Câu

1 2 3 4 5

6

Đáp án

B C A B A

C

Điểm 0.25 điểm 0.25 điểm 0.25 điểm 0.25 điểm 0.25 điểm 0.25 điểm

– Mức đầy đủ: Mỗi câu theo đáp án trên

– Mức không tính điểm: Có câu trả lời khác hoặc không có câu trả lời

B. Ghép nối: ( 0.5 điểm) – Đáp án: 1+c ; 2+ d; 3+ a;  4+ b

-Mức đầy đủ : Đúng theo đáp án

-Mức chưa đầy đủ :  Nối đúng 2- 3 ( 0.25 đ).

-Mức không tính điểm: Nối đúng 1 hoặc sai hết.

C.  Điền khuyết: ( 0.5 điểm) – Đáp án: 1. yếu tố biểu cảm; 2. tham gia hội thoại

-Mức đầy đủ : Đúng theo đáp án

-Mức chưa đầy đủ :  Điền chỉ đúng 1 chỗ ( 0.25đ)

-Mức không tính điểm: Điền sai so với đáp án, hoặc không có câu trả lời.

D. Đúng- Sai: ( 0,5 điểm): Đáp án: 1- Đ ; 2- Đ ; 3- S ; 4- Đ

-Mức đầy đủ : đúng theo đáp án

-Mức chưa đầy đủ: Điền đầy đủ vào 4 ô, nhưng chỉ đúng theo đáp án từ 2-3 ô , ( 0,25 đ)

-Mức không tính điểm: Không điền đầy đủ 4 ô ( không theo yêu cầu của đề), đúng  chỉ 1 ô; điền sai.

Phần II: Tự luận: (7 điểm)

Câu 1:  (2 điểm)
+  Đáp án: Khái niệm đúng theo sgk Ngữ văn 8 tập II trang 31
– Mức đầy đủ: Đúng theo đáp án ( 1 điểm)

– Mức không tính điểm: Có câu trả lời khác hoặc không có câu trả lời

+ Đáp án: Có những câu cầu khiến sau:
a) Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi. (0.5 điểm)
b) Các em đừng khóc. (0.5 điểm)
-Mức đầy đủ : đúng theo đáp án

-Mức chưa đầy đủ: Đúng 1 câu ( 0.5 điểm)

-Mức không tính điểm: Không đúng đáp án, hoặc không trả lời
Câu 2 ( 5 điểm)
* Yêu cầu:

+ Hình thức : Có bố cục 3 phần theo phương thức văn nghị luận, lời văn trong sáng, có sự kết hợp với các yếu tố khác như miêu tả, biểu cảm. ( 1 điểm).

+ Nội dung : Làm rõ nhận định: Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh là bức tranh quê với đường nét tươi tắn, khỏe khoắn được họa lên từ tình cảm đậm đà, trong sáng của tuổi hoa niên dành cho quê hương mình.

– Một bức tranh quê hương tươi sáng, khỏe khoắn, đầy gợi cảm. Cảnh thiên nhiên trong bức tranh trong trẻo, tươi tắn, đầy thi vị “ trời trong”, “ gió nhẹ”, “ sớm mai hồng”. Đặc biệt là cảnh “dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá” lúc bình minh lên và cảnh “ ồn ào trên bến đổ”, “ tấp nập đón ghe về trên bến ngày hôm sau với “ cá đầy ghe” “ thân bạc trắng” đầm ấm, rộn ràng. Bức tranh có những hình ảnh vừa chân thực vừa lãng mạn, hùng tráng từ hình ảnh “ cánh buồm trương to như mảnh hồn làng” đến hình ảnh con người “ dân chài lưới làn da ngăm rám nắng. Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”… ( 2 điểm).

– Bài thơ bộc lộ tình cảm đậm đà của tác giả khi xa quê. Nếu không gắn bó, yêu quê hương mình bằng tình cảm trong sáng, đằm thắm thì nhà thơ không thể cảm nhận và thể hiện một cách tài hoa, sinh động những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê trong những câu thơ, vần thơ tươi tắn, nồng nàn đến như vậy. ( 1 điểm).

– Tình cảm của em với quê hương mình. ( 1 điểm).

BÀI MẪU

   Ngược dòng thời gian, Quê hương (1939) của Tế Hanh thực sự là mảnh hồn trong trẻo mà nhà thơ có được trước Cách mạng tháng Tám.

Giữa lúc phần đông các thi sĩ của phong trào thơ mới đang thở than, sướt mướt trong dàn đồng ca sầu với tình yêu tuyệt vọng, mối sầu cô đơn thì Quê hương của Tế Hanh cất lên như một tiếng thơ khỏe khoắn, khác lạ:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió

Tế Hanh là một nhà thơ lãng mạn, nhiều người cho rằng làm thơ lãng mạn phải nói đến tình yêu đau khổ, phải nhớ nhung đắm đuôi. Bài thơ này được viết khi ông mười tám tuổi, với bao mơ mộng của tuổi học trò. Tác giả xa quê nhớ về làng tôi ở nhưng cảm hứng thơ lại phân chấn, không hề gây cảm giác xa xôi, buồn man mác.

Thơ hoài niệm thường thấm đẫm nỗi buồn, bởi đó là kỷ niệm chập chờn hiện lên trong ký ức, trong nỗi nhớ thương. Ta nhớ tới vần thơ xao xác buồn đến nao lòng của Lưu Trọng Lư:

Mỗi lần nắng mới hát bên song
Xao xác gà trưa gáy nào nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không.
(Nắng mới)

Thế nhưng với Tế Hanh, cũng là thơ hoài niệm nhưng hình ảnh thơ khoẻ khoắn, cụ thể, rõ ràng như hiện thực trước mắt, sống động đến vô cùng. Thời khắc nhà thơ nhớ về làng quê mình ấy là:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Câu thơ mở ra không gian bát ngát, trong sáng, màu sắc rạng rỡ của miền biển khơi. Lời thơ như có nhạc, có hoa, có tiếng sóng, tiếng gió, thật tươi nhạc, tươi vui không chút buồn ảo não.

Nhớ về làng chài, nhà thơ nhớ cảnh đoàn thuyền ra khơi nhớ cái khỏe mạnh, phóng khoáng của dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá. Con thuyền không phải buộc mãi tấm lòng nhớ nơi vườn cũ (Đỗ Phủ) hay Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi (Anh Thơ) mà con thuyền đầy phấn khích, dường như cũng mang sức trẻ, lướt nhanh trên đầu sóng, ngọn gió, hăm hở:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

Miêu tả cánh buồm của con thuyền ấy, nhà thơ đã tìm đến một hình ảnh so sánh, liên tưởng đẹp:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân tráng bao la thâu góp gió

Cánh buồm – cái cụ thể hữu hình được so sánh với hồn làng – cái trừu tượng vô hình. Hồn làng tức linh hồn, là nét riêng sâu thẳm, linh thiêng của quê hương, của làng chài mà nhà thơ cảm nhận qua một cánh buồm giương. Hình ảnh thơ thật khoáng đạt, kỳ vĩ, mang sức vóc tung tỏa của nó. Đây cũng là sự phát hiện tinh tế, chính xác của nhà thơ: cánh buồm thân thuộc, gắn bó, không thể thiếu trong đời sống mưu sinh, biểu tượng của một làng chài.

Nhà thơ còn nhân hóa cánh buồm no gió ấy mang sức vóc cường tráng, khỏe mạnh của một chàng trai rướn thân trắng bao la thâu góp gió. Không hiểu sao đọc câu thơ này của Tế Hanh tôi lại nhớ tới câu thơ thật lãng mạn của Tố Hữu trong niềm vui bất tuyệt:

Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên, tim bỗng hóa mặt trời

Ngôn ngữ miêu tả trong câu thơ của Tế Hanh giàu giá trị tạo hình, đường nét phóng khoáng, khiến con người, con thuyền, cánh buồm cũng nổi hình, nổi khối, cựa quậy, sống động giống như những sinh thể kỳ vĩ.

Cảnh dân làng ra khơi đánh cá trở về trong nỗi nhớ của nhà thơ cũng thật tươi vui, gợi không khí thanh bình, no ấm:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dán làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe”
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Dân chài lưới, làm da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Giống như bàn tay của nhà điêu khắc, ngôn ngữ tạo hình của Tế Hanh đã tạc nên bức phù điêu hùng vĩ về chân dung con người làng chài rắn chắc, khỏe mạnh như bức tượng đồng nâu với làn da ngăm rám nắng cả thân hình nồng thở vị xa xăm. Họ là kết tinh cho sức mạnh dãi dầu nắng, gió, sóng biển. Họ là đứa con của biển .

Vẫn con thuyền ra khơi, giờ đây trở về sau một ngày chạy đua cùng sóng gió được nhà thơ nhân hóa giống như một con người, một nhà hiền triết với dáng nằm thư giãn, lặng lẽ, suy tư:

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thở vỏ.

Nghe (cảm nhận bằng thính giác) nhưng ở đây lại nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ; sự chuyển đổi cảm giác thật tinh tế. Không chỉ con người mà ngay đến cả con thuyền cũng thấm đẫm hương vị biển, thấy vị mặn mòi của muối biển đang râm ran trong cơ thể mình hay đó chính là cái dư vị dịu êm mà giản dị của nhịp đời miền quê biển.

Tuổi nhỏ của Tế Hanh chắc chắn đã trải qua cái mùi nồng mặn của những mẻ cá vàng, trong lời ru bát ngát, êm êm của bốn bề sóng vỗ thì mới viết được những câu thơ như thế này. Không là người con của vạn chài cũng không thể viết được những câu thơ như thế. Khi biết âm thầm hóa hồn mình vào hồn thơ để lắng nghe, mở rộng mọi giác quan để phập phồng thu nhận mọi cảm giác Tế Hanh mới viết được những câu thơ tài hoa đến vậy. Phải chăng chất muối mặn mòi, thấm dần trong từng thớ vỏ chiếc thuyền nay đã thấm sâu vào làn da, thớ thịt, tâm hồn Tế Hanh để thành niềm ám ảnh bâng khuâng, kỳ diệu. Tế Hanh thật tài tình và thật tinh khi sống trong lòng sự vật có khả năng nghe thấu tiếng lòng, cảm giác của những vật vô tri. Chẳng thế mà trong lời con đường quê nhà thơ cũng đã nhập hồn vào con đường nhỏ chạy lang thang để mang nỗi buồn vương chạy khắp làn.
Kết thúc bài thơ có hai chữ nhớ:

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá

nhưng ý thơ không hề gây cảm giác yếu mềm, bi lụy mà vẫn khỏe khoắn, tươi mới. Nỗi nhớ ấy gắn liền với những gì thân thuộc của làng chài màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi, sắc màu trong sáng, hương vị nồng ấm đậm đà . Nỗi nhớ cồn lên, mãnh liệt tồi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quả.

Đó là hương vị quê hương, hương vị thân thiết, ruột thịt của người thân.

Bài thơ có thể coi là bức tranh quê đẹp, trong sáng, lời thơ khỏe khoắn. Nổi bật trong bức tranh ấy là ba hình ảnh: dân chài lưới, cánh buồm giương, con thuyền. Hình ảnh nào cũng đẹp, sắc nét, phóng khoáng đầy sức sống, đậm đà hương vị biển. Đó có thể coi là nét riêng, điệu hồn quê hương mà nhà thơ vương vấn suốt đời.

Cũng chính vì thế mà bức tranh quê trong nỗi nhớ của Tế Hanh không có nét dáng buồn như bức tranh quê của các nhà thơ mới với đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi quán tranh đứng im im hoa xoan tím rụng tơi bời (Anh Thơ), mà là bức tranh quê với đường nét tươi tắn, khỏe khoắn được họa lên từ tình cảm đậm đà, trong sáng của tuổi hoa niên dành cho quê hương mình.

Nếu không gắn bó, yêu thương quê hương mình bằng tình cảm trong sáng, đằm thắm thì nhà thơ không thể cảm nhận và thể hiện được một cách tài hoa, sinh động những vẻ đẹp của người quê, cảnh quê trong những câu thơ tươi tắn, nồng nàn như vậy.

Quê hương(1939) của Tế Hanh thật đúng là mảnh hồn trong trẻo nhất mà ta gặp trong thơ trước Cách mạng tháng Tám.

——————— HẾT ———————–

0