22/02/2018, 23:04

Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 8 có Đáp án – PGD&ĐT Thị xã Ninh Hòa

Đề thi và lời giải, hướng dẫn chấm chi tiết đề thi học kì 2 môn Văn lớp 8 phòng Giáo Dục thị xã Ninh Hòa – Khánh Hòa. Đề thi I. Phần Văn bản: (3,00 điểm) Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi: “…Ta thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như ...

Đề thi và lời giải, hướng dẫn chấm chi tiết đề thi học kì 2 môn Văn lớp 8 phòng Giáo Dục thị xã Ninh Hòa – Khánh Hòa.

Đề thi

I. Phần Văn bản: (3,00 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi:

“…Ta thường đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng…”

1. Nêu tên văn bản – tác giả – thời điểm sáng tác – thể loại của đoạn trích trên.

2. Đoạn văn trên thể hiện điều gì? 3. Có thể thay từ quên bằng từ không, từ chưa bằng từ chẳng được không? Tại sao?

II. Phần Tiếng Việt (2,00 điểm)

Đọc đoạn thơ dưới đây và trả lời câu hỏi:

(…) Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

(Quê hương – Tế Hanh)

1. Xác định các biện pháp tu từ trong đoạn thơ trên.

2. Nêu tác dụng của các biện pháp tu từ mà em vừa xác định.

III. Phần Tập làm văn (5,00 điểm)

Viết một bài văn nghị luận bày tỏ ý kiến của em về vấn đề bạo lực học đường.

—–HẾT—–

(Đề này có một trang, giám thị không giải thích gì thêm)

Đáp án, hướng dẫn chấm

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KỲ II NĂM HỌC 2014-2015

MÔN: NGỮ VĂN lớp 8

I. Phần Văn bản: (3,00 điểm)

1. Đoạn trích từ văn bản Hịch tướng sĩ. Tác giả là  Trần Quốc Tuấn. Tác phẩm được viết trước cuộc kháng

chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai – 1285). Thể loại Hịch (nghị luận trung đại)

– Mức tối đa: thực hiện đúng 4 ý   1,00đ

– Mức chưa tối đa: nêu đúng 2, 3 ý   0,05đ

– Không đạt: nêu đúng 1 ý hoặc nhầm lẫn, không trình bày  0,00đ

2. Đoạn văn trên thể hiện:

– Quên ăn, mất ngủ, đau đớn đến thắt tim, thắt ruột.

– Thể hiện thái độ uất ức, căm tức vì chưa trả được thù, chưa trừng trị được bọn có dã tâm xâm lược.

– Sẵn sàng chấp nhận hi sinh để để rửa mối nhục cho đất nước.

(HS có nhiều cách thể hiện nhưng cần bảo đảm đủ các ý và diễn đạt gãy gọn)

– Mức tối đa: thực hiện đúng các ý  1,00đ

– Mức chưa tối đa: nêu đúng 2 ý   0,50đ

– Không đạt: nêu đúng 1 ý hoặc nhầm lẫn, không trình bày  0,00đ

3. HS trình bày ý kiến của mình theo nhiều cách khác nhau nhưng phải bảo đảm ý:

–  Không thể thay thế từ quên  bằng từ  không, từ  chưa  bằng từ  chẳng  được, vì sẽ làm thay đổi hẳn ý nghĩa của câu.

–  Quên  ở đây được hiểu là vì căm thù giặc đến mức không quan tâm đến việc ăn uống. Còn  chưa  ở đây được hiểu là bây giờ chưa làm được nhưng sau đó sẽ làm, sẽ thực hiện.

– Mức tối đa: thực hiện đúng các ý   1,00đ

– Mức chưa tối đa: nêu đúng ý nhưng diễn đạt không gãy gọn hoặc chỉ nêu được một ý   0,50đ

– Không đạt: nêu lan man hoặc nhầm lẫn, không trình bày  0,00đ

II. Phần Tiếng Việt: (2,00 điểm)

1. Tìm các biện pháp tu từ trong đoạn thơ.

– Biện pháp nhân hóa:  Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió….

– Mức tối đa: phát hiện đúng 2 từ trở lên  0,50đ

– Mức chưa tối đa: phát hiện đúng 1 từ   0,25đ

– Không đạt: nhầm lẫn, không trình bày  0,00đ

– Biện pháp so sánh:  Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

– Mức tối đa: phát hiện đúng 2 hình ảnh   0,50đ

– Mức chưa tối đa: phát hiện đúng 1 hình ảnh  0,25đ

– Không đạt: nhầm lẫn, không trình bày  0,00đ

2. Nêu tác dụng của các biện pháp tu từ mà em vừa xác định:

– Giúp hình ảnh thơ trở nên sinh động, hấp dẫn.

– Sử dụng phép so sánh và nhân hóa để diễn tả khí thế băng tới dũng mãnh của con thuyền ra khơi, làm toát lên

một sức sống mạnh mẽ, một vẻ đẹp cường tráng.

–  Lấy một vật thể hữu hình, so sánh với một vật thể vô hình để nhấn mạnh: Hình ảnh cánh buồm căng gió biển

khơi quen thuộc trở nên lớn lao, thiêng liêng và thơ mộng. Đó chính là biểu tượng của linh hồn làng chài.

– Mức tối đa: thực hiện đúng 2, 3 ý   1,00đ

– Mức chưa tối đa: nêu đúng 1 ý hoặc nêu chung chung   0,50đ

– Không đạt: nhầm lẫn, không trình bày  0,00đ

III. Phần Tập làm văn (5,00 điểm)

1. Yêu cầu chung:

– Dạng đề: lập luận giải thích, chứng minh.

– Kỹ năng:

+ Nắm được cách thức và phương pháp cụ thể trong việc làm một bài văn lập luận giải thích, chứng minh.

+ Vận dụng những hiểu biết từ thực tế cuộc sống để trình bày một vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống (trong nhà trường).

2. Yêu cầu cụ thể: Dàn bài gợi ý:

a, Mở bài: Giới thiệu chung về vấn đề bạo lực học đường.

– Mức tối đa: thực hiện đúng yêu cầu, biết cách đặt vấn đề, dẫn dắt, giới thiệu.  0,50đ

– Mức chưa tối đa: nêu chung chung đạt.  0,25đ

– Không đạt: nhầm lẫn, không trình bày.  0,00đ

b, Thân bài:

b.1. Giải thích:

Bạo lực học đường là gì? (hành động xúc phạm đến danh dự, thân thể của học sinh, thầy cô giáo…)

– Mức tối đa: thực hiện đúng yêu cầu, biết cách giải thích  0,50đ

– Mức chưa tối đa: nêu chung chung  0,25đ

– Không đạt: nhầm lẫn, không trình bày  0,00đ

b.2. Những biểu hiện hoặc một số trường hợp mà em chứng kiến hoặc xem trên báo đài. Ví dụ:

– Thầy cô giáo xúc phạm học sinh, đánh đập học sinh…

– Học sinh đe dọa, hành hung thầy cô…

– Học sinh đánh bạn, đe dọa bạn…

– Mức tối đa: thực hiện đúng yêu cầu, biết cách dẫn dắt, giới thiệu có dẫn chứng minh họa 1,00đ

– Mức chưa tối đa: nêu chung chung  0,50đ

– Không đạt: nhầm lẫn, không trình bày  0,00đ

b.3. Nêu được một số lý do. Ví dụ

– Do thiếu sự quan tâm của gia đình.

– Do tác động của xã hội: do mê game, phim ảnh bạo lực; do kẻ xấu lôi kéo…

– Kỷ luật chưa nghiêm minh.

– Nhà trường chú ý nhiều đến việc truyền thụ tri thức, xem nặng bằng cấp, học vị…

– Mức tối đa: thực hiện đúng yêu cầu, biết cách dẫn dắt, giới thiệu  1,00đ

– Mức chưa tối đa: nêu được một nửa số ý   0,50đ

– Không đạt: nhầm lẫn, không trình bày  0,00đ

b.4. Tác hại:

– Ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người bị hại.

– Ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của gia đình và nhà trường.

–  Tạo thói quen xấu: thích hành hung người khác; đồng tình với các ác, cái xấu; vô cảm trước những hành vi sai trái.

– Mức tối đa: thực hiện đúng yêu cầu, biết cách dẫn dắt, giới thiệu giải pháp hợp lý.  1,00đ

– Mức chưa tối đa: nêu được một nửa số ý hoặc nêu chung chung  0,50đ

– Không đạt: nhầm lẫn, không trình bày  0,00đ

b.5. Biết nêu một vài cách thức để hạn chế bạo lực học đường: (phần này tùy sáng tạo của HS) Ví dụ:

– Gia đình cần quan tâm nhiều hơn, phối hợp thường xuyên với nhà trường và xã hội để quản lý, giáo dục học sinh.

– Nhà trường cần chú ý nhiều đến việc giáo dục đạo đức, kĩ năng sống để các em ứng phó với mọi tình huống. Thầy cô quan tâm nhiều hơn đối với học sinh.

– Hạn chế tác động của xã hội bằng cách kiểm soát kĩ game, phim ảnh bạo lực….

– Mức tối đa: thực hiện được 2, 3 yêu cầu, biết cách dẫn dắt, giới thiệu cách thức hợp lý   0.50đ

– Mức chưa tối đa: nêu được 1 ý hoặc nêu chung chung  0.25đ

– Không đạt: nhầm lẫn, không trình bày.   0.00đ

c, Kết bài.

– Bày tỏ thái độ lên án nạn bạo lực học đường.

– Kêu gọi mọi người chung tay để xóa bỏ tận gốc rễ hiện tượng này.

– Mức tối đa: thực hiện đúng yêu cầu nêu đủ 2 ý   0.50đ

– Mức chưa tối đa: Nêu chung chung hoặc chỉ nêu được một ý   0.25đ

– Không đạt: nhầm lẫn, không trình bày   0.00đ

* Nếu diễn đạt không gãy gọn chỉ đạt một nửa số điểm của từng phần. Đây chỉ là gợi ý, tùy theo bài của hs mà giáo viên linh hoạt, định điểm nhưng không vượt khung qui định.

0