14/01/2018, 13:52

Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn lần 2 năm 2015 trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An

Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn lần 2 năm 2015 trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An Đề thi thử đại học môn Văn có đáp án Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn là đề thi thử đại học môn Ngữ văn có đáp án dành ...

Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn lần 2 năm 2015 trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An

Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn

 là đề thi thử đại học môn Ngữ văn có đáp án dành cho các bạn tham khảo, ôn tập và hệ thống kiến thức, ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn được hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn lần 1 năm 2015 trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An

Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn lần 3 năm 2015 trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An

SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO NGHỆ AN
TRƯỜNG THPT QUỲNH LƯU 4

ĐỀ THI THỬ KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015 LẦN 2
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 180 phút

Phần I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

(1) Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ mất hơn 40 năm nữa để vượt qua mốc thu nhập trung bình. 40 năm nữa nghĩa là chúng ta, những người đang đọc bài viết này đều đã già, rất già. Thậm chí, có những người có thể đã ở thế giới bên kia. Nhưng điều nguy hiểm là không chỉ từng cá nhân, mà ngay cả đất nước này khi ấy cũng đã già nua.

... (2) Cũng giống như một đời người, thời điểm dân số già là lúc quốc gia sẽ phải tiêu tốn tiền bạc đã tích lũy được trong suốt "thời trẻ khỏe" để phục vụ cho giai đoạn không còn hoặc suy giảm khả năng sản xuất. Chẳng hạn, năm 2009 cứ hơn bảy người đi làm mới phải "nuôi" một người già. Nhưng đến năm 2049, cứ hai người làm việc đã phải gánh một người già (chưa kể còn trẻ em). Khi ấy, nếu chúng ta chưa tạo dựng được một nền kinh tế đủ mạnh, cùng nền tảng khoa học kỹ thuật phát triển thì gánh nặng an sinh xã hội cũng như nguy cơ tụt hậu là rất lớn.

(3) Hành động vì tương lai ngay từ lúc này, theo tôi, là điều cần thiết với cả xã hội. Với những người có thẩm quyền, cần cân nhắc và trân trọng từng đồng tiền ngân sách. Nợ công được khẳng định vẫn trong giới hạn an toàn. Nhưng cần tính toán trước rằng, 10-20 năm nữa, khoản nợ ấy sẽ dồn lên vai một cộng đồng dân số đã già, chưa chắc nuôi nổi bản thân, huống hồ là trả nợ. Từng giọt dầu, từng mẩu tài nguyên... cũng cần được tiết kiệm. Bởi đó chính là "của để dành" khi đất nước về già, năng suất lao động đã sụt giảm.

(4) Trong bối cảnh đó, tôi nhận thấy, với một bộ phận thế hệ trẻ, nỗi sợ thời gian dường như vẫn còn rất mơ hồ. Họ vẫn dành thì giờ buôn chuyện, chém gió thay vì tranh thủ từng phút, từng giờ để học hỏi, phấn đấu, làm việc. Tôi e, nếu tiếp tục lãng phí tuổi xuân, chúng ta, đất nước chúng ta có thể sẽ già trước khi kịp giàu.

(Phan Tất Đức, Già trước khi giàu, Vn.Express,Thứ sáu, 26/9/2014 )

Câu 1: Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt nào? (0,25 điểm)

Câu 2: Trong đoạn (2), tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? Tác dụng? (0,5 điểm)

Câu 3: Theo tác giả, chúng ta, đất nước chúng ta cần làm gì để không rơi vào hoàn cảnh già trước khi kịp giàu? (0,5 điểm)

Câu 4: Hãy viết một đoạn văn (từ 5- 7 dòng) nhận xét thái độ, quan niệm của tác giả thể hiện trong câu: Tôi e, nếu tiếp tục lãng phí tuổi xuân, chúng ta, đất nước chúng ta có thể sẽ già trước khi kịp giàu. (0,25 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi.
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Ðể cho mái tóc trên đầu anh đen
Ðâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh:
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa...

(Trích Mẹ của anh - Theo Thơ Xuân Quỳnh, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2000)

Câu 5: Xác định thể thơ, cách gieo vần trong đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 6: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một người phụ nữ. Người ấy đang giãi bày, chia sẻ tâm sự gì? (0,25 điểm)

Câu 7: Từ nội dung của đoạn thơ trên, hãy giải thích vì sao nhân vật trữ tình lại khẳng định: Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong? (0,5 điểm)

Câu 8: Viết một đoạn văn (từ 5-7 dòng) nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn nhân vật trữ tình trong đoạn thơ (0,25 điểm)

Phần II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1: (3 điểm)

Viết một bài văn nghị luận nêu suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến sau:

Hòa nhập với thế giới là yêu cầu tất yếu của thời đại mới, song để vươn xa, trước tiên ta cần tự nhận thức về mình.

Câu 2: (4 điểm)

Bàn về kết thúc đoạn trích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (SGK Ngữ văn 12, tập 2), có ý kiến cho rằng: hành động cắt nút dây mây cởi trói cứu A Phủ rồi chạy theo A Phủ của nhân vật Mị thật bất ngờ, đột ngột, không thể dự đoán trước; lại có người khẳng định: Đó là một kết thúc tự nhiên, tất yếu.

Bằng hiểu biết về tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, anh chị hãy bình luận các ý kiến trên.

Đap án đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. phương thức biểu đạt nghị luận/nghị luận

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong hai cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 2. Thao tác lập luận so sánh/ thao tác so sánh/ lập luận so sánh/ so sánh.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong các cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Tác dụng: giúp người đọc dễ hình dung hơn về những khó khăn của thời điểm dân số già đối với một đất nước, đặc biệt là nước đang phát triển. Từ đó, mỗi người có nhận thức và hành động đúng để Việt Nam không bị già trước khi giàu.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng ý trên hoặc có cách diễn đạt khác logic thuyết phục
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3. Nội dung chính:

Bài viết đã đề cập đến nguy cơ tụt hậu, không đạt được mục tiêu phát triển của đất nước ta nếu không biết chớp thời cơ, bứt phá để vượt lên trong thời điểm dân số vàng. Do vậy, chúng ta cần hành động vì tương lai ngay từ lúc này, cụ thể:

  • Với những người có thẩm quyền, cần cân nhắc và trân trọng từng đồng tiền ngân sách, biết tiết kiệm tài nguyên.
  • Tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ cần tranh thủ từng phút, từng giờ để học hỏi, phấn đấu, làm việc.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4: Viết được đoạn văn nhận xét về quan điểm, thái độ của tác giả trong câu kết của bài. Cần thấy được thái độ lo lắng cũng như niềm hi vọng của người viết trước tình hình thực tế của đất nước. Từ đó, nêu suy nghĩ chân thành, nghiêm túc về trách nhiệm của mỗi người trước tương lai của dân tộc.

Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,25: hiểu yêu cầu đề, thấy được thái độ, quan niệm của người viết và bày tỏ suy nghĩ hợp lí, thuyết phục.
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ý, không có sức thuyết phục;
    • Không có câu trả lời.

Câu 5. Xác định thể thơ: lục bát. (0,25 điểm)

Cách gieo vần(0,25 điểm): trả lời theo một trong hai cách sau:

  • hiệp vần ở tiếng thứ 6 của dòng lục với tiếng thứ 6 của dòng bát, giữa tiếng thứ 8 của dòng bát với tiếng thứ 6 của dòng lục tiếp theo.
  • câu lục có vần chân ở tiếng thứ 6; câu bát có 1 vần chân ở tiếng thứ 8, một vần lưng ở tiếng thứ 6.

Câu 6: Người phụ nữ trong bài thơ đang giãi bày về tình cảm yêu thương, lòng biết ơn sâu sắc đối với người mẹ chồng của mình (0,25 điểm).

Câu 7: Nhân vật trữ tình khẳng định: Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong vì:

  • Người mẹ ấy đã hi sinh tuổi xuân của mình, vượt qua bao vất vả để chăm lo cho con trai
  • Mẹ đã hết lòng yêu thương con, dạy dỗ con nên người, mẹ là người làm vườn cho tâm hồn của con. Nhờ vậy, hôm nay cô gái trong bài thơ mới có được người bạn đời nhân hậu, thủy chung.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ 2 ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
  • Điểm 0,25: Trả lời được 1 trong 2 ý trên hoặc trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
  • Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.

Câu 8: Viết một đoạn văn (từ 5-7 dòng) nhận xét về tâm hồn nhân vật trữ tình trong đoạn thơ (0,25 điểm)

Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là một người phụ nữ nhân hậu, bao dung, biết quan tâm, suy nghĩ cho người khác, sống nội tâm, chân thành, sâu sắc, giàu tình cảm.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,25: Nhận xét đúng, sâu sắc, có sức thuyết phục.
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ý;
    • Không có câu trả lời.

Phần II: Làm văn

Câu 1:

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mởbài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò của việc tự nhận thức đối với cuộc sống của cá nhân và của cả dân tộc, đặc biệt là trong thời hiện đại
  • Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

- Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

Giải thích ý kiến: Tự nhận thức về mình là sự suy ngẫm, nắm rõ những ưu, nhược điểm của bản thân mình ở một cá nhân hay của một tập thể. Đây là cơ sở ban đầu cho quá trình hòa nhập với thế giới.

  • Về thực chất câu nói nêu cao vai trò của quá trình tự nhận thức như một bài học cho cá nhân hay cộng đồng dân tộc trong cuộc sống và trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài, đặc biệt trong thời đại mới.

Bàn luận về ý kiến:

  • Tự nhận thức là cơ sở, xuất phát điểm để con người hòa nhập với cuộc sống vì lẽ chỉ khi con người nhận thức đúng đắn về bản thân mình với những ưu và nhược điểm thì khi ấy họ mới có thể hòa nhập được với cuộc sống xung quanh. Một dân tộc muốn vươn ra hòa nhập với cộng đồng thế giới cũng phải trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về chính dân tộc mình.
  • Hòa nhập không có nghĩa là hòa tan, một mặt hòa nhập mặt khác cá nhân, dân tộc cần phải có ý thức trở về, giữ gìn và làm đầy cho nét riêng vốn có của mình trong quan hệ với xã hội, nhân loại. Chỉ khi có ý thức và khả năng gìn giữ được bản sắc riêng thì khi ấy anh mới có cơ sở để thế giới tìm đến và hòa nhập với chính mình. Cũng chính trong mối quan hệ với cộng đồng, nhân loại mà ta ý thức sâu sắc hơn về chính mình.
  • Phê phán những biểu hiện tự ti hay tự phụ về bản thân, về dân tộc của một bộ phận người Việt hiện nay.

Nêu bài học nhận thức và hành động:

  • Bản thân cần có ý thức sâu sắc về chính mình, luôn có thói quen kiểm điểm, nhìn nhận lại chính mình một cách khách quan nhất từ đó trau dồi nhân cách cá nhân.
  • Giữ gìn bản sắc trong quan hệ với cộng đồng, thế giới cũng là một vấn đề mà chúng ta phải lưu tâm đặc biệt ở thời điểm hội nhập đang trở thành xu thế tất yếu này. Cá nhân và cộng đồng, các cơ quan hữu trách đều phải bắt tay trong các chương trình hành động nhằm gìn giữ, bảo vệ, trau dồi bản sắc dân tộc.

- Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.

- Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.

- Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.

- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một sốlỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

Bàn về kết thúc đoạn trích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (SGK Ngữ văn 12, tập 2), có ý kiến cho rằng: Bằng hiểu biết về tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, anh chị hãy bình luận các ý kiến trên.

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: kết thúc đoạn trích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài: đó là kết thúc bất ngờ, đột ngột song tự nhiện tất yếu.
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng. (2,0 điểm):

- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

Giải thích ý kiến

  • Ý kiến thứ nhất: hành động cắt nút dây mây cởi trói cứu A Phủ rồi chạy theo A Phủ của nhân vật Mị thật bất ngờ, đột ngột, không thể dự đoán trước: Đánh giá kết thúc của truyện Vợ chồng A Phủ là bất ngờ với mạch truyện, tâm trạng nhân vật Mị và cả người đọc.
  • Ý kiến thứ hai: Đó là là một kết thúc tự nhiên, tất yếu: ý kiến này nhìn nhận, đánh giá kết thúc của tác phẩm trong mối quan hệ với lô gíc diễn biến tâm trạng nhân vật Mị và mạch vận động tất yếu của đời sống con người: khi bị dồn đẩy đến bước đường cùng, con người sẽ vùng lên tìm ánh sáng cho mình.

Phân tích, chứng minh:

  • Hành động cắt nút dây mây cởi trói cứu A Phủ rồi chạy theo A Phủ của nhân vật Mị thật bất ngờ, đột ngột, không thể dự đoán trước: trong tác phẩm, Mị và A Phủ cùng là nô lệ trong nhà thống lí Pá Tra, song họ không có quan hệ tình cảm gì cụ thể, thậm chí là Mị đã gần như tê liệt hoàn toàn về ý thức, chỉ còn như con trâu, con ngựa. Trong hoàn cảnh A Phủ bị trói đứng đến gần chết, Mị vẫn thờ ơ đến mức như vô cảm trước nỗi khổ của A Phủ. Không ai có thể ngờ rằng, người con dâu bất hạnh và câm lặng ấy lại đột ngột cắt nút dây mây cởi trói cho A Phủ rồi chạy trốn theo anh. Đây là hành động hoàn toàn không hề có sự chuẩn bị, tính toán từ trước.
  • Đó là là một kết thúc tự nhiên, tất yếu: Đặt trong sự phát triển tính cách của hình tượng Mị thì đây lại là một hành động tự nhiên, tất yếu. Bởi lẽ, Mị là cô gái ham sống, yêu đời, yêu tự do, khát khao hạnh phúc. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt ở Mị dù có bị vùi dập đến kiệt cùng vẫn không lụi tắt. Đêm tình mùa xuân là minh chứng rõ nét cho sức sống ấy. Mặt khác, Mị vốn là cô gái giàu tình thương, vị tha, biết nghĩ, biết hi sinh cho người khác. Hành động của Mị là kết quả tất yếu của sự bóc lột, đàn áp tàn nhẫn của cha con thống lí nói riêng, tầng lớp phong kiến miền núi cao Tây Bắc nói chung đối với những người lao động nghèo. Hành động ấy chứng tỏ sức phản kháng mãnh liệt, khả năng hướng về cách mạng một cách tự nhiên của người dân Tây Bắc.

Bình luận, đánh giá chung:

  • Cả hai ý kiến đều đúng, không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tài năng kể chuyện, miêu tả nội tâm nhân vật của nhà văn Tô Hoài. Đồng thời, ta càng trân trọng hơn tấm lòng yêu thương, đồng cảm của tác giả đối với người dân nơi đây.

Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

- Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.

- Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.

- Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.

- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
0