Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp năm học 2015 - 2016
Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp năm học 2015 - 2016 Đề thi khảo sát chất lượng khối 12 môn Văn có đáp án Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 ...
Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp năm học 2015 - 2016
Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp Quốc gia 2016 và đánh giá mức độ kiến thức cơ bản và nâng cao của học sinh lớp 12 môn Ngữ văn, VnDoc.com xn giới thiệu: . Đề kiểm tra môn Văn có đáp án đi kèm, hi vọng sẽ giúp các bạn ôn tập kiến thức, luyện thi đại học hiệu quả nhất.
Đề thi giữa học kì 2 môn Địa lý lớp 12 trường THPT Phan Văn Trị, Cần Thơ năm học 2015 - 2016
Đề thi giữa học kì 2 môn Toán lớp 12 trường THPT Phan Văn Trị, Cần Thơ năm học 2015 - 2016
SỞ GD&ĐT ĐỒNG THÁP TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN QUANG DIÊU
|
KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12 – NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN: NGỮ VĂN Ngày 10/03/2016 Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian phát đề) |
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
"Khi đã khai phóng được bản thân, con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng nhất: con người văn hóa và con người chyên môn của mình.
Ở khía cạnh con người văn hóa, đó là việc tìm ra được đâu là lương tri và phẩm giá của mình, đâu là lẽ sống và giá trị sống của mình; đâu là những giá trị làm nên chính mình, là những thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó, mình sẵn lòng hi sinh mọi thứ khác; đâu là "chân ga" (để giúp mình vượt qua bao đèo cao) và đâu là "chân thắng" (để giúp mình không rơi xuống vực sâu).
Ở khía cạnh con người chuyên môn (hay con người công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp), đó là việc tìm ra mình thực sự thích cái gì, mình giỏi cái gì, hiểu được mình giỏi đến mức độ nào để đặt mình vào một công việc phù hợp nhất với "cái chất" con người mình. Khi làm công việc mà mình giỏi nhất, mê nhất và phù hợp với "cái chất" con người của mình nhất thì khi đó làm việc cũng là làm người, khi đó mình làm việc nhưng cũng là sống với con người của mình"
(Đúng việc, một góc nhìn về câu chuyện khai minh – Giản Tư Trung, NXB Tri Thức – 2015)
Câu 1. Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm)
Câu 2. Hãy xác định câu chủ đề của đoạn văn bản. (0,5 điểm)
Câu 3. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,25 điểm)
Câu 4. Từ quan niệm về "con người chuyên môn" trong đoạn trích trên, anh / chị hãy trình bày suy nghĩ trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp của bản thân. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8
Nắng Ba Đình mùa thu
Thắm vàng trên lăng Bác
Vẫn trong vắt bầu trời
Ngày tuyên ngôn Độc lập.
Ta đi trên quảng trường
Bâng khuâng như vẫn thấy
Nắng reo trên lễ đài
Có bàn tay Bác vẫy.
Ấm lòng ta biết mấy
Ánh mắt Bác nheo cười
Lồng lộng một vòm trời
Sau mái đầu của Bác...
(Nắng Ba Đình – Nguyễn Phan Hách)
Câu 5. Văn bản trên được trình bày theo các phương thức biểu đạt nào? (0,25 điểm)
Câu 6. Hãy chỉ ra biện pháp tu từ và cho biết hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ: (0,5 điểm)
Ta đi trên quảng trường
Bâng khuâng như vẫn thấy
Nắng reo trên lễ đài
Có bàn tay Bác vẫy.
Câu 7. Đoạn thơ trên gợi nhớ đến sự kiện lịch sử nào của nước ta? (0,25 điểm)
Câu 8. Trình bày cảm xúc của mình về sự kiện trọng đại được nhắc đến trong đoạn thơ trên bằng một đoạn văn khoảng 5 -7 dòng. (0,5 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết. Một ý kiến khác lại nêu vấn đề: Xã hội ngày nay, sống tử tế là quá khó khăn.
Vậy anh / chị hiểu như thế nào là sống tử tế? Hãy trình bày quan điểm của bản thân về sống tử tế trong cuộc sống hiện nay.
Câu 2. (4 điểm)
Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân có đoạn:
"Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.
Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?
Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu mới":
- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...
Tràng thở đánh phào một cái (...) Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:
- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau".
(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2013)
Cảm nhận của anh/ chị về tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ được miêu tả trong đoạn trích trên. Từ đó, nêu nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí của Kim Lân.
Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1 (0,25)
- Trả lời đúng theo một trong các cách: phong cách ngôn ngữ chính luận/ chính luận (0,25đ)
- Trả lời sai/ hoặc không trả lời (0đ)
Câu 2 (0,5)
- Câu chủ đề: "Khi đã khai phóng được bản thân, con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng nhất: con người văn hóa và con người chyên môn của mình". (0,5đ)
- Ghi câu khác hoặc không trả lời. (0đ)
Cẩu 3 (0,25)
- Trả lời đúng theo một trong các cách: Thao tác lập luận phân tích/ Thao tác phân tích/ Lập luận phân tích/ Phân tích. (0,25đ)
- Trả lời sai hoặc không trả lời (0đ)
Câu 4 (0,5)
HS thể hiện kĩ năng viết đoạn văn (diễn đạt kiểu diễn dịch hay quy nạp, hoặc tổng phân hợp...); trình bày ngắn gọn suy nghĩ của bản thân về: "con người chuyên môn" và định hướng nghề nghiệp của bản thân, có thể theo hướng:
- Mình thực sự thích cái gì, mình giỏi cái gì, sở trường của bản thân là gì, hiểu được và tin là mình giỏi đến mức độ nào?...
- Mình có thể phát huy năng lực, giỏi giang ở lĩnh vực nào, nghề nghiệp nào?...(0,5đ)
- Có thể hiện quan điểm riêng về những vấn đề trên nhưng không hợp lí, chưa thật thuyết phục. (0,25đ)
- Câu trả lời chung chung, không rõ ý, không thuyết phục.
- Không có câu trả lời (0đ)
Câu 5 (0,25) Trả lời đúng theo cách: phương thức miêu tả và phương thức biểu cảm / miêu tả, biểu cảm (0,25đ)
- Nêu đúng 2 phương thức biểu đạt (0,25đ)
- Trả lời sai hoặc không trả lời (0đ)
Câu 6 (0,5)
- Biện pháp tu từ: nhân hóa nắng reo (0,25đ)
- Hiệu quả: thể hiện không khí vui tươi, phấn khởi và niềm hạnh phúc lớn lao của cả dân tộc trong ngày vui trọng đại. (0,25đ)
- Trả lời sai hoặc không trả lời (0d)
Câu 7 (0,25) Sự kiện lịch sử được gợi ra là: Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945 (0,25đ)
- Trả lời được trọn ý (0,25đ)
- Trả lời sai hoặc không trả lời (0đ)
Câu 8 (0,5)
- Bày tỏ tình cảm chân thành, sâu sắc với ngày lễ tuyên bố nền độc lập, tự do của dân tộc: tự hào, sung sướng, xúc động,... (0,5đ)
- Các trường hợp sau: (0,25đ)
- Ý khá hợp lí nhưng chưa thật sâu sắc, diễn đạt chưa thật mạch lạc, chặt chẽ.
- Có thể hiện những suy nghĩ, tình cảm về Bác Hồ nhưng nhưng chung chung, thiếu gắn với nội dung đoạn thơ.
- Các trường hợp sau: (0đ)
- Câu trả lời lan man, không rõ ý.
- Không có câu trả lời.
II. Làm văn. (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)
Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
a. 0,5 đ
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. (0,5đ)
- Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. (0,25đ)
- Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. (0đ)
b. 0,5 đ
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bàn về vấn đề Sống tử tế và thực trạng của vấn đề sống tử tế trong cuộc sống hiện nay. (0,5đ)
- Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung. (0,25đ)
- Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc đề. (0đ)
c. 1,0 đ
Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
- Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
- Giải thích: (0,25đ)
- "Sống tử tế": Sống tốt với chung quanh, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ mọi người, không chỉ biết đến cá nhân mình.
- Ý kiến 1: Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết Sống tử tế thể hiện qua những việc tử tế, không loại trừ những việc tưởng như nhỏ nhặt nhất, nhiều việc tử tế nhỏ góp lại thành việc tử tế lớn, làm làm phục hồi những giá trị đạo đức chân chính, hướng tới xây dựng một cộng dồng xã hội tốt đẹp.
- Ý kiến 2: Xã hội ngày nay, sống tử tế là quá khó khăn? Là một thực trạng đáng suy ngẫm. Khi mà mọi vấn đề thực giả, tốt xấu đều lẫn lộn...
- Bàn luận: (0,5đ)
- Khẳng định là Sống tử tế là rất cần thiết đối với cuộc sống mỗi người.
- Ai cũng có cơ hội làm được những việc tử tề nều thường xuyên nghĩ đến nó, đến môi trường sống chung quanh chúng ta...
- Cần phê phán một thực tế: trong xã hội vẫn còn biết bao những việc không tử tế.
- Trong chiến lược xây dựng xã hội công bằng nhân ái, "Việc tử tế" là cuộc vận động của chương trình Chuyển động 24h trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam hiện đang giới thiệu tôn vinh quảng bá rất nhiều việc tử tế của mọi tầng lớp nhân dân.
- Bài học nhận thức và hành động: Rút bài học phù hợp với bản thân. (0,25đ)
- Sống tử tế là một ý thức sống cao đẹp thể hiện nét đẹp truyền thống văn hoá từ ngàn đời của dân tộc ta.
- Tất cả chúng ta không ít thì nhiều đều được hưởng sự tử tế hay ân huệ của cuộc đời. Phải chăng đây là lúc ta cần phải quan tâm hơn nữa đến biểu hiện thiết thực của sống tử tế?
- Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ. (1,0đ)
- Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên (0,75đ)
- Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên (0,5đ)
- Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên (0đ)
d. 0,5 đ
- Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); thể hiện được dấu ấn cá nhân, quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc, thể hiện ý phản biện nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,5đ)
- Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,25đ)
- Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0đ)
e. 0,5 đ
- Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể). Chữ viết rõ, cẩn thận, sạch sẽ, trình bày thẩm mĩ (0,5đ)
- Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25đ)
- Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Chữ viết cẩu thả, khó đọc, gạch xóa bẩn, trình bày thiếu thẩm mĩ. (0đ)
Câu 2 (4,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
a. 0,5 đ
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. (0,5đ)
- Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. (0,25đ)
- Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. (0đ)
b. 0,5 đ
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ khi hiểu ra câu chuyện "nhặt vợ" của con trai. (0,5đ)
- Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung (0,25đ)
- Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc đề. (0đ)
c. 2,0 đ
- Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng
- Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và vị trí đoạn trích
2. Cảm nhận về tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ qua đoạn trích
- Bằng chiều dài của cuộc đời cơ cực, bà lão ý thức rõ cái éo le, nghịch cảnh cuộc hôn nhân của con bà.
- Bà tủi phận mình vì người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc ăn nên làm ra, còn con mình thì lấy vợ trong lúc đói kém, chết chóc đang bủa vây. Bà cũng hiểu ra cái điều: "có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được". Cái cảm giác buồn tủi ấy đã biến thành giọt lệ: "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà đã rỉ xuống hai dòng nước mắt". Đó là dòng nước mắt xót xa, buồn tủi, thương cảm, đã chảy xuống bởi sự ám ảnh của cái đói, cái chết.
- Tuy có buồn, tủi cho cuộc đời mình, cho cái số kiếp éo le của con mình nhưng rồi cái cảm giác ấy cũng dần dần tan đi để nhường chỗ cho niềm vui trước sự thực con bà đã có vợ.
- Bà lão hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn giữa cái cảnh tối tăm của cái đói, cái chết với niềm tin vào cuộc sống, với cái triết lí dân gian "ai giàu ba họ, ai khó ba đời?"
3. Đánh giá, nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí của Kim Lân
- Đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo để phát hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.
- Với năng lực phân tích tâm lí tinh tế, ngôn ngữ chọn lọc và lựa chọn những chi tiết đặc sắc, Kim Lân đã diễn tả đúng tâm lí một bà cụ nông dân nghèo khổ, tội nghiệp nhưng rất hiểu đời và có tấm lòng nhân ái cảm động.
- Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ. (1,5–1,75)
- Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. (1,0-1,25)
- Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên (0,5–0,75)
- Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. (0đ)
d. 0,5 đ
- Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,5đ)
- Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0,25đ)
- Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. (0đ)
e. 0,5 đ
- Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể). Chữ viết rõ, cẩn thận, sạch sẽ, trình bày thẩm mĩ. (0,5đ)
- Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25đ)
- Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Chữ viết cẩu thả, khó đọc, gạch xóa bẩn, trình bày thiếu thẩm mĩ. (0đ)