Đề học kì 1 môn Văn lớp 9 có đáp án của Phòng GD&ĐT Đất Đỏ năm 2016
Đề học kì 1 môn Văn lớp 9 có đáp án của Phòng GD&ĐT Đất Đỏ năm 2016 [Phòng GD&ĐT Đất Đỏ] Đề kiểm tra học kì 1 môn Văn lớp 9 năm học 2016 – 2017: Nhân ngày 20-11, kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ. PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẤT ĐỎ ĐỀ KIỂM TRA ...
Đề học kì 1 môn Văn lớp 9 có đáp án của Phòng GD&ĐT Đất Đỏ năm 2016
[Phòng GD&ĐT Đất Đỏ] Đề kiểm tra học kì 1 môn Văn lớp 9 năm học 2016 – 2017: Nhân ngày 20-11, kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ.
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẤT ĐỎ
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 9
NĂM HỌC: 2016-2017
Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)
1 (1,0 điểm):
Đọc những câu thơ sau và cho biết:
“Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,”
………
a. Những câu thơ trên trích trong bài thơ nào? Tác giả là ai?
b. Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
2 (2,0 điểm):
Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long) để lại cho em những ấn tượng như thế nào?
3 (2,0 điểm):
Viết đoạn văn (từ 12 đến 15 dòng) kể lại buổi sinh hoạt lớp. Trong buổi sinh hoạt đó, em đã phát biểu ý kiến để chứng minh Nam là một người bạn rất tốt.
4 (5,0 điểm):
Nhân ngày 20-11, kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI KIỂM TRA HỌC KÌ I
MÔN : NGỮ VĂN LỚP 9- NĂM HỌC :2016-2017
Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu | Nội dung |
1 (1,0 điểm) | a) Những câu thơ trên trích trong bài thơ Đồng chí Tác giả: Chính Hữu b) Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ được sáng tác vào đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. |
2 (2,0 điểm) | Học sinh nêu những ấn tượng của bản thân về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long) cần chú ý vào các điểm chính sau: – Là người có hoàn cảnh sống và làm việc khá đặc biệt: + Anh sống một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây mù Sa Pa. + Công việc là cán bộ khí tượng, đo nắng, đo gió, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất… công việc đòi hỏi tỉ mỉ có tinh thần trách nhiệm cao. – Ý thức trách nhiệm vì công việc và lòng yêu nghề + Anh lặng lẽ, âm thầm làm việc nhưng rất nhiệt tình với công việc, không ngại gian khổ. + Anh luôn ý thức tầm quan trọng của nghề nghiệp là có ích cho cuộc sống; khi biết mình đã góp phần vào chiến thắng của không quân, anh thấy mình thật hạnh phúc + Anh có những suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người: “…khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”. + Anh tổ chức sắp xếp cuộc sống một mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp, chủ động: trồng hoa, nuôi gà, tự học, đọc sách… – Những tính cách và phẩm chất tốt đẹp: + Sống cởi mở chân thành, quan tâm đến mọi người. + Anh là người khiêm tốn, thành thật cảm thấy công việc và những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Anh từ chối ông họa sĩ khi vẽ chân dung mình và giới thiệu người khác đáng khâm phục hơn. Lưu ý: Trên đây chỉ là những hướng dẫn gợi ý, giáo viên cần vận dụng linh hoạt khi chấm bài của học sinh. |
3 (2,0 điểm) | – Hình thức: + Đoạn văn có mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn, không sai lỗi chính tả. + Giới hạn trong khoảng từ 12 đến 15 dòng , nếu dư hoặc thiếu dòng, giáo viên cân nhắc trừ 0,25 điểm – Nội dung: Học sinh diễn đạt với nhiều cách khác nhau nhưng cần hướng vào các ý sau: + HS xác định ngôi kể: ngôi thứ nhất (xưng “ em” hoặc xưng “tôi”) + Buổi sinh hoạt lớp diễn ra thế nào?(thời gian, địa điểm, ai là người điều khiển, không khí của buổi sinh hoạt lớp ra sao……?) + Nội dung của buổi sinh hoạt là gì? Em đã phát biểu về vấn đề gì? Tại sao lại phát biểu về việc đó? + Em đã thuyết phục cả lớp Nam là người bạn rất tốt như thế nào? (lí lẽ, lời phân tích….) Gợi ý: Nam là người bạn rất tốt. · Nam luôn quan tâm giúp đỡ các bạn học tập yếu. Nam sống hòa đồng thân ái với bạn bè. · Nam biết vâng lời thầy cô, tham gia tích cực các phong trào của nhà trường, của xã hội. · Nam luôn có ý thức trong học tập ………………………………… Lưu ý: Giáo viên cần vận dụng linh hoạt khi chấm bài của học sinh, khuyến khích những bài làm có sử dụng yếu tố nghị luận. |
4.
Trong cuộc đời mỗi con người ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ không thể nào quên. Quãng đời học sinh của bạn và tôi cũng vậy, một khi đã trải qua thì không khỏi ghi lại trong lòng những dấu ấn sâu sắc. Nhưng đấy không nhất thiết phải là kỷ niệm ngập tràn niềm vui và tiếng cười. Đôi khi đó lại là một câu chuyện buồn cứ khiến lòng ta phải ray rứt mãi như câu chuyện tôi sắp kể cho các bạn sau đây.
Giờ ra chơi hôm ấy, tôi được phân công trực nhật cùng Liên. Tôi bảo Liên cứ xuống căn tin ăn sáng, để một mình tôi trực được rồi. Hình như Liên chỉ chờ có thế, cô bạn gật đầu rối rít rồi phóng như bay xuống sân. Trong lớp giờ chỉ còn lại mình tôi. Tôi câm giẻ định lau bảng nhưng tâm trạng lo âu, thấp thỏm đã kéo tôi ngồi xuống ghế giáo viên. Chuyện là tiết đầu tiên hôm nay tôi đã nghịch ngợm trong lớp, không chịu nghe cô Toán giảng bài. Điều đó khiến cô Toán khó chịu lắm, bèn phạt tôi đứng suốt cả hai tiết và ghi hẳn tên tôi vào sổ đầu bài, đề nghị mời phụ huynh.
Tôi run run giở cuốn sổ đầu bài đặt ngay trên bàn giáo viên. Đây, giấy trắng mực đen đây, bằng chứng tội lỗi của tôi đây! Thế nào cô chủ nhiệm cũng mời gặp mẹ tôi cho xem. Có lần đạt điểm kém, tôi phải đối diện với khuôn mặt buồn rười rượi của mẹ. Mẹ tôi luôn phải làm việc vất vả để kiếm từng đồng lương ít ỏi nuôi tôi ăn học. Nếu mẹ biết tin này sẽ thất vọng về tôi biết nhường nào. Ôi, tôi thật là một đứa con bất hiếu.
Chợt, trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ. Tôi đã tìm ra cách giải quyết vấn đề rồi. Chỉ cần cô chủ nhiệm không đọc được lời phê này thì sẽ không có chuyện gì xảy ra nữa. Nghĩ được là làm ngay, tôi liền dùng bút xóa xóa đi dòng chữ của cô Toán trong sổ đầu bài. Thận trọng, tôi đặt sổ đầu bài vào vị trí cũ rồi thở phào nhẹ nhõm vì đã trút được nỗi muộn phiền trong lòng. Reeng… reeng… Tiếng chuông báo hiệu hết giờ ra chơi. Tôi xóa vội bảng, quơ vài nhát chổi rồi vào học như bình thường.
Mọi việc vẫn diễn ra bình thường cho đến cuối tuần ấy. Giờ sinh hoạt, cô chủ nhiệm xem xét sổ đầu bài. Cô đưa mắt nhìn thật kỹ vào trang giấy, đôi mày cô nhíu lại, rồi bất chợt cô ngước lên, nhìn quanh lớp. Tôi hoảng hốt, bối rối, không dám đối diện với ánh mắt của cô. Hai bàn tay tôi xiết chặt vào nhau, tim tôi đập thình thịch. Hình như cô đã quan sát được thái độ của tôi. Thôi rồi, tôi biết mình sắp bị cô mắng vì tội tày đình này. Thật xấu hổ quá! Trong đầu tôi lúc ấy có biết bao nhiêu nỗi lo sợ, sợ bị hạ hạnh kiểm, sợ mẹ buồn, sợ bạn bè chê cười, … Nhưng sao đến cuối giờ cô chẳng hề đả động gì đến chuyện sổ đầu bài. Lạ thật! Trong tôi đặt ra hàng trăm câu hỏi tại sao và tại sao. Dù vẫn cảm thấy bất an nhưng lòng tôi đã nhẹ nhõm hơn. Và tôi mong rằng sai lầm ấy của mình sẽ được chôn giấu mãi mãi dưới lớp bụi thời gian.
Khoảng hai tuần sau đó, vào ngày Giáng sinh, chẳng hiểu vì sao cô chủ nhiệm dành tặng riêng tôi một tấm thiệp vào cuối giờ. Tôi cảm ơn cô rồi vội chạy về nhà, vui mừng mở tấm thiệp ra đọc. Những dòng chữ tròn trịa của tôi khiến cô ngỡ ngàng, sững sờ.
“Giáng sinh năm nay, cô chúc em ngày càng học giỏi và ngoan ngoãn. Cô mong em sẽ là một cô bé can đảm hơn để đối mặt với hiện thực, để tìm được cách giải quyết đúng đắn nhất cho mọi khó khăn trong cuộc sống. Trong đời người ai cũng phải phạm sai lầm. Nhưng điều quan trọng là ta rút ra được kinh nghiệm để sống tốt hơn, chứ không phải là che giấu sai lầm đó đến suốt đời. Hãy dũng cảm lên, em nhé!”
Tôi sững người, chẳng nói được nên lời. Vậy là cô đã biết hết mọi chuyện rồi ư. Da mặt tôi tê rân rân và nóng dần lên vì xấu hổ với cô và với chính bản thân mình. Cảm ơn cô vì đã bao dung, cảm ơn cô vì đã cho tôi những lời khuyên đầy ý nghĩa ấy.