Đất nước, con người-lịch sử, xã hội Kinh Bắc qua ca dao- ngạn ngữ
Vị trí xứ Kinh Bắc (màu xanh lá cây) trong tứ xứ vòng quanh Thăng Long Khổng Đức Thiêm Trong kho tàng văn học dân gian hết sức phong phú của nhân dân Kinh Bắc, ca dao ngạn ngữ chiếm một vị trí đáng kể. Sự nhìn nhận về lịch sử, xã hội, đất nước, con người Kinh Bắc được thể ...
Khổng Đức Thiêm
Trong kho tàng văn học dân gian hết sức phong phú của nhân dân Kinh Bắc, ca dao ngạn ngữ chiếm một vị trí đáng kể. Sự nhìn nhận về lịch sử, xã hội, đất nước, con người Kinh Bắc được thể hiện rất rõ nét, đẹp và nên thơ. Chúng tôi coi đây là nguồn tư liệu vô cùng quý báu giúp nhiều cho việc tìm hiểu một cách toàn diện những vấn đề trên một cách cụ thể. Ngoài ý nghĩa chân thực, khách quan, ca dao ngạn ngữ còn là một bức tranh về xã hội, lịch sử điểm xuyết qua nhiều thời đại, với đủ mầu sắc và rất giỏi tạo hình.
Vẻ đẹp đồ sộ, tráng lệ của núi sông, của bờ tre gốc lúa khá hoàn mỹ. Thiên nhiên đẹp. Con người làm cho nó cao đẹp hơn, thoáng đạt hơn, bao la hơn.
Từ khung cảnh “đằng trước kẻ Rừng, sau lưng kẻ Dáng” [1] chúng ta đến với những dòng sông đầy vũ công hiển hách nhưng cũng rất thơ mộng, duyên tình:
- Sông Thương nước chảy đôi dòng
Đèn khêu đôi ngọn, em trông ngọn nào
- Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi
Nếu như sông Thương có cái đôi ngả phân ly, còn để lại đôi chút ngậm ngùi thì dòng sông Cầu đã đảm nhận cho một sự nhớ mong của đôi lứa, có hẹn ngày sum họp. Còn con sông Lục, chảy dưới núi Huyền lại có cái vẻ đẹp của sự tươi trẻ hồn hậu, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền:
Núi Huyền[2] phong cảnh đẹp thay
Sông Lục tầu chạy mỗi ngày một đông
Giữa đồng xanh, bập bềnh trôi những dòng sông nhỏ, nơi của một tấm lòng sắt đá và một sự quý trọng bạn bè:
- Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê[3] nước chảy vẫn còn trơ trơ
- Dù ai xấu xí như ma
Tắm nước sông Đá[4] cũng là người tiên
Con thuyền và dòng sông. Hình ảnh thơ mộng ấy đã đi vào nhiều loại hình dân ca, như một câu hò lảnh lót, đượm chút nhớ thương và tình nghĩa xóm làng:
Thuyền tôi đỗ bến sông Dâu
Buôn chè mạn hảo tháng sau mới về
Xứ Bắc giầu đẹp. Xưa nay mọi người đều thừa nhận điều đó. Nơi đây “đất lành gạo trắng nước trong”, nơi đây là hình tượng lý tưởng được nhắc đến trong một tiếng gọi tâm tình:
Hỡi cô thăng lưng bao xanh
Có về tỉnh Bắc với anh thì về
Tỉnh Bắc có lịch có lề
Có nghề buôn bán, có nghề cửi canh
Có nghề xe chỉ, học hành
Có nghề tô vẽ tờ tranh bốn mùa
Người dân ở đây còn tự hào với cái lịch lãm, khéo léo của mình. Ăn cũng sành, làm cũng giỏi. Điều này ai cũng nhận thấy rõ ràng. Nào là “ăn Bắc, mặc Kinh”, “ăn Nam, làm Bắc”, nào là “ăn lên Bắc, chạy giặc xuống Nam”. Ở trong một phạm vi nhỏ hẹp của từng vùng quê, từng khoảnh vườn mảnh đất, con người cũng sống với nỗi niềm kiêu hãnh:
- Thứ nhất Cổ Bi
Thứ nhì Cổ Loa
Thứ ba Vườn Hồng[5]
- Có phải con mẹ, con cha
Thì sinh ở đất Thổ Hà – Vạn Vân[6]
- Thứ nhất Văn Thai
Thứ hai Mão Điền[7]
Thiên nhiên đã tạo cho Kinh Bắc sự bao la, bề thế. Con người lại điểm tô cho mảnh đất này những tác phẩm kiến trúc từng làm say đắm lòng người. Đây là cảnh chùa Bút Tháp, bức tranh kiến trúc vẽ giữa đồng xanh:
Mênh mông biển lúa xanh rờn
Tháp cao sừng sững trăng vờn bóng cam
Một vùng phong cảnh trước sau
Bức tranh thiên cổ đượm mầu nước non
Còn đây là một sự sắp xếp, phân loại thật khách quan của người xưa để lại:
Thứ nhất là đình Đông Khang
Thứ nhì đình Báng[8], vẻ vang đình Diềm
Nhiều công trình kiến trúc khác tượng trưng cho sự hiểu biết tường tận về quê hương xứ sở, lòng thành kính của bản thân mỗi con người:
Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền lâm chưa đành[9]
Tài sản thiên nhiên phú cho, không riêng gì cảnh đồng rộng sông dài, núi cao sừng sững mà nó còn là vật phẩm nữa. Về Thuận Thành, chúng ta sẽ được hưởng “cơm Vàng, thóc Chẹm, cá Quán Ghen”[10]. Ở Tiên Du lại có “cá rô làng Cháy, cá gáy làng Chờ”[11]. Cũng vậy, về Quế Võ ta sẽ được thưởng thức “cá Thất Gian”[12].
Nhưng phong phú hơn cả vẫn là nhiều sản phẩm do chính bàn tay con người làm ra. Đó là “nem Báng”, “Long thóc, Dọc tương”[13], “khoai lang làng Đọ, khoai sọ làng Non, lợn con làng Dẫm”[14], “mít làng Nghè, chè Mai Sưu”[15]. Đó cũng là “rau đồng Mả, nếp ả làng Đông”[16], “rau cải Tiếu, nấu nước điếu cũng ngon”[17], “mật Diềm, chiêm Chắp”[18], “dao Thông Vát, bát Cầu Cậy, gậy Xuân Lai”[19] “lắm thóc làng Đàng, lắm vàng làng Keo”[20], “cháo Dương, tương Sủi, củi Đàng”, “cỗ Dương Đanh, hành làng Nội”[21].
Sản phẩm con người tạo ra còn là những kỳ vật có một không hai, không đâu có được. Những “giống Giao, đao Viềng”[22], những “trống Chờ, chiêng Chõ, mõ Phù Lưu”[23].
Ca dao ngạn ngữ còn cho chúng ta biết nhiều tập tục của người xứ Bắc xưa. Hội hè, đình đám, chợ phiên. Tất cả đã được ghi lại như trong một liên lịch, đủ cả tính trọng đại và đầy hấp dẫn.
- Bỏ con bỏ cháu
Không bỏ 26 tháng giêng
- Mồng 4 là hội kéo co
Mồng 5 hội Ó chẳng cho nhau về
Mồng 6 đi hội Bồ Đề
Mồng 7 trở về đi hội Đông Cao[24]
- Đến ngày 9 tháng 4
Không đi hội Dóng cũng hư mất đời.
- Mồng 7 hội Khám
Mồng 8 hội Dâu[25]
Mồng 9 đâu đâu cũng về hội Dóng
- Mồng 4 cho ăn
Mồng 5 đuổi chạy
Tập tục, tế lễ được ghi chép lại nhiều hơn cả. Vùng nào cũng nhớ, cũng nói lại cho chúng ta nghe. Ở Yên Phong, ngoài “đất Đông An, cả làng nói khoác” (hội thi nói khoáng) “đất Đông Mơi ăn chơi là thế”[26] (thi hát Quan họ) còn:
- Bảy làng Mịn, chín làng Chờ
Để cho Ô Cách bơ vơ giữa đồng[27]
- Chân Lạc cờ bạc quanh năm
Lạc Trung chỉ có dâu tằm mà thôi[28]
Tập quán “nam thú đồng hương, nữ già bản quán” ở vùng đất gốm Thổ Hà được ghi nhận như sau:
Trời mưa cho ướt lá khoai
Đố ai lấy được con trai Thổ Hà
Trời mưa cho ướt lá cà
Đố lai lấy được đàn bà Vạn Vân
“Ai” ở đây là người ngoài làng, ngoài xã. Dân làng Gốm vì kế sinh nhai, vì tập tục hà khắc đã phải tự giam mình trong những lũy tre, hàng giậu một cách ngặt nghèo. Còn nếu đến nay vùng Thuận Thành, Gia Lâm còn cho ta biết nhiều tập tục khác. Chẳng hạn như: “Lắm cheo Đinh Tổ[29], lắm giỗ Gia Lâm, giầu ngầm Cổ Biện”[30] hoặc như “hội làng Lam, làn làng Quán, hương án làng Đề”[31].
Đến vùng Phật Tích chúng ta lại thấy:
Làng Ngô vào đám đại trà[32]
Vừa vào vừa giã vừa ra một ngày
Vùng Tân Yên, nơi ít đình chùa, hội hè cũng được phản ánh lại qua câu:
Bao giờ làng Sặt có Chùa
Dương Sơn có hội thì vua đi cày[33]
Đặc biệt sự chuyên môn hóa về nghề nghiệp đã đi vào ca dao, ngạn ngữ với tất cả tính đa dạng, tính truyền thống và sự phân công hợp lý. Qua một đôi nét lời ca mộc mạc, chân tình ta có thể hiểu biết được con đường phát triển và mối quan hệ giữa người thủ công với người nông dân. Nó bổ sung thêm cho cái giầu đẹp của quê hương Kinh Bắc chúng ta.
Từ tiếng mời của một người làm đồng:
Muốn ăn cơm trắng cá trôi
Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh
Muốn ăn cơm cá trắng ngần
Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng [34]
Đến những nương chè bát ngát ở vùng đồi Nghĩa Phương (Lục Nam):
- Muốn ăn cơm trắng cá mè
Thì lên Rùm – Quỳnh hái chè với anh
- Muốn ăn cơm trắng cá rô
Thì về Rùm – Quỳnh quẩy bồ với em[35]
Cả một khu vực thủ công nghiệp ở Thuận Thành đã được người xưa thống kê lại đầy đủ, dù chỉ bằng những lời lẽ chân chất:
Tư Thế bút mực làm giầu
Trà Lâm mổ lợn, uốn câu làng Dàn
Đúc chì đã có Văn Quan
Kẻ Tướng đi hát kiếm quan tiền dài
Ép dầu đã có Thanh Hoài
Dâu Tự buôn muối Lũng Chiền buôn nâu
Công Hà trồng bí trồng bầu
Đông Cốc dậm củi, đâu đâu cũng mò…[36]
Tiến lên người ta đã thống kê trong phạm vi cả tỉnh những nghề nổi tiếng:
- Mão Điền đi bán cá con
Phù Lãng[37] gánh đất nung lon nặn nồi
Thổ Hà gánh đá nung vôi
Vạn Vân nấu rượu cho người ta mua
- Đại Bái khéo đánh nên nồi
Thổ Hà khéo đúc hòn vôi thêm nồng
Đông Lâu gạo trắng nước trong
Làng Sặt khéo đúc đồ đồng đem sang[38]
Chợ Chờ bán sảo bán sàng
Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay
Đình Bảng bán ấm bán khay
Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một Đông Dương
- Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Đồng Tỉnh bán vải Huê Cầu nhuộm thâm
Nào ai đi chợ Thanh Lâm[39]
Mua anh một tấm áo thâm hạt dền
- Nghĩa Lập bánh đúc cháo kê
Tuấn Bào nung ngói, Phù Khê chạm rồng
Kim Bảng nấu rượu ngon nồng
Đồng Kỵ giết lợn ăn lòng sớm mai
Đồng Hương buôn bán phát tài
Me cả dệt vải kém ai trên đời
Con người xứ Bắc “ngạch trực” “ngang ngạch” đã đi vào ca dao như mẫu hình của lòng dũng cảm cương trực. Đặc biệt hơn cả là những cặp đôi trai anh hùng, gái đảm đang. Và vì thế, không còn chỉ là “trai Cầu Vồng – Yên Thế, gái Nội Duệ – Cầu Lim”[40]. Nó là một diện rất rộng, đâu cũng có những điển hình, mẫu mực:
- Trai Đại Bái, gái Mão Điền
- Trai Mỹ Thái, gái Bến Tuần[41]
- Con gái Thanh Lâm, hay đâm Ba Tổng[42]
- Trai Quế, Ổ, gái Mộ Đạo[43]
Chúng ta còn gặp lại những hình ảnh ấy, nhiều nơi khác. Dũng cảm gan dạ nhưng duyên dáng, tình tứ không đâu sánh bằng. Từ “gan Sặt, mặt Báng, dáng Giầu, đầu Cẩm”[44], từ “mạnh bạo Quế Ổ, cứng cổ Ngăm Mặc”[45] đến:
Việt Yên: Quang Biểu, Thổ Hà
An Phong: Quả Cảm, Hiệp Hòa: Tiếu Mai
Hình ảnh phụ nữ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang cũng được ghi chép lại khá nhiều:
Khen thay chi lự đàn bà
Bắc Ninh tài tướng vợ ba Cai Vàng
Cũng có thể, ca dao ghi nhận một tấm lòng thương yêu chồng con như trường hợp Nguyễn Thị Nguyên, người đứng ra cùng chồng hưng công đinh Đình Bảng:
Anh đi trấn thủ tỉnh Thanh
Đơn sơ một tấm áo manh che mình
Mình thương mình gửi chút tình
Nuôi anh mua gỗ dựng đình làng xa
Nhắn nhủ đàn bà xóm ta
Chung tình đam đảm mới là gái ngoan
Hoặc là tiếng nói phản kháng mạnh mẽ của người phụ nữ đối với chế độ và luật lệ hà khắc thời phong kiến:
- Em là con gái Phủ Từ[46]
Lộn chồng trả của theo sư chùa Viềng
Đói ăn thịt chó nấu riềng
Bán rau mảnh bát lấy tiền nộp cheo
Lệ làng còn thiếu bao nhiêu
Xin đừng có bán ruộng nêu, ruộng chùa
- Em là con gái Xuân Lai[47]
Vừa cheo vừa cưới có hai mươi đồng
Rượu thì lếnh láng chôn cong
Trầu cau dăm miếng chiều lòng mẹ cha
Cưới em có nửa con gà
Dăm ba sợi bún một vài hột xôi…
- Lẳng lo nào có mình tôi
Thanh Lâm, Đông Sớm cũng đôi ba người
Nói ra sợ chị em cười
Lấy chồng tháng 9, tháng 10 có con
- Giao Tự lắm bãi nhiều soi
Lắm con gái đẹp nhiều nơi phải lòng
Giao Tự lắm bãi gần sông
Đàn bà thì ít, đàn ông thì nhiều
Lý tưởng hơn nữa, cặp đôi trai hùng, gái đảm đang còn là hình tượng vẹn toàn hoàn mỹ của một gia đình:
- Vợ xứ Đông – chồng xứ Bắc
- Nồi đồng lại úp vung đồng
Con gái xứ Bắc lấy chồng đồng Nai
Trong hơn 800 năm cử nghiệp, đất Bắc đã sản sinh hàng trăm hàng ngàn những vì tinh tú, tiêu biểu cho lòng hiếu học, trí thông minh của những người dân Kinh Bắc. Sự tài giỏi đó được ghi lại bằng cách đong đếm, cân đo:
Một giỏ sính đồ
Một bồ ông cống
Một đống ông nghè
Một bè tiến sĩ
Một bị trạng nguyên
Một thuyền bảng nhỡn
Và ghi lại những câu mở đầu nghe vừa hấp dẫn, lạ tai:
- Văn trạng Tỏi, hỏi gì nữa[48]
- Trạng Me đè trạng Ngọt[49]
Chàng trai tỉnh Bắc, do đó, lúc tỏ tình với một người bạn gái phương xa, chàng phải đắn đo, tư lự lắm:
Anh là con trai Bắc Ninh
Cửa nhà sung túc sinh linh trên đời
Đá hoa anh để một nơi
Đá tảng anh để trên đời phô phang
Cái cột anh đúc bằng vàng
Cái đầu chạm bạc xà ngang bằng đồng
Trước cửa có bốn cây thông
Đằng sau anh chạm sân rồng anh chơi
Nhà anh rước phật trên trời
Bố mẹ anh đẻ được mười anh em
Chín anh thi đậu giải nguyên
Còn anh là út cho nên ở nhà
Canh cả là quan thám hoa
Anh hai quan trạng anh ba tú tài…
Từ hoàn cảnh thực tế đó, đất Kinh Bắc xưa, có nhiều lò quan lại, nối truyền nhau như không bao giờ hết:
- Bao giờ rừng Bảng hết cây
Tào Khê hết nước đất này hết quan
- Bao giờ chùa Địch hết cây
Sông Lai hết nước Triện này hết quan[50]
- Bao giờ chùa đổ giếng trong
Cha con họ Vũ bế bồng nhau đi[51]
- Quan làng Triện, kiện bà Dương[52]
- Bún Đoàn, quan Triện, biện Khoái Khê[53]
- Ba vua Đình Cáu, sáu vua Đình Đông[54]
- Cai Xuân, chúa Biểu, đức ông Re
Trạng Đồng Đĩnh, Thống tướng Mè[55]
Nhiều vấn đề của lịch sử của Kinh Bắc đã được ca dao ngạn ngữ ghi lại rất đậm nét. Từ thời 12 sứ quân, cuộc tình duyên giữa Nguyễn Thủ Tiệp với nàng Ngọ ở đất Tiên Du, được phản ảnh lại qua lời khuyên của người phụ nữ bán cháo ấy:
Cháo nóng phải húp xung quanh
Đánh giặc phải đánh ba vành mới tan
Còn cái chết của Đoàn Thượng, một lãnh tụ của khởi nghĩa nông dân cuối thời Lý được nhân dân vùng Dền Sộp nhắc nhở:
Đầu Bần, thân Mao, máu đào Thụ Phúc[56]
Cuộc di dân ở thời Lý, từ vùng Đình Bảng sang Gia Lương lại được xác nhận bằng nguồn gốc nghệ thuật nắn tre ở Xuân Lai:
Thú này ắt hẳn còn lâu
Trồng tre nắn gậy gặp đâu đánh què
Những chiến công vang dội trên chiến tuyến sông Cầu để bảo vệ Nam Quốc sơn hà vào thời Lý được vẽ lại hình ảnh:
Mực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng
Nhà lý mất, nhà Trần lên thay, dân Đình Bảng đã nuôi một khát vọng:
Bao giờ rừng Báng hết cây
Tào Khê hết nước Lý nay lại về
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên đường giành thắng lợi. Nghĩa quân kéo ra Bắc, bao vây Đông Đô, gây nên niềm phấn khởi vô bờ:
Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn
Khi nghĩa quân Tây Sơn ra Bắc, nhiều cựu thần nhà Lê, mù quãng với nghĩa trung quân đã chống lại. Nhiều cuộc giao chiến giữa Vũ Văn Nhậm (Vũ Mao) với Trần Quang Châu (Trương Giao) xảy ra ở Gia Bình. Nhân dân đã sáng suốt nhìn nhận:
Có phúc thì gặp Vũ Mao
Vô phúc thì gặp Trương Giao lông gà
Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế do người nông dân Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, núi rừng Yên Thế kiên gan đánh giặc ngót 30 năm trời:
Đất này là đất cụ Đề
Tây lên thì có, Tây về thì không
Ở một vùng rừng núi khác, nhiều cuộc khởi nghĩa đơn lẻ nổ ra. Các thế cô độc đó cũng được ghi lại khá rõ ràng:
Huyền Đinh một dải xa xa
Vương triều nhỏ bé dăm ba tớ thầy
Ca dao ngạn ngữ, ở lĩnh vực này đã ghi lại một cách khách quan biểu hiện những quan điểm đúng đắn của nhân dân đối với những biến cố lịch sử. Nó đã góp phần làm cho lịch sử được chân xác hơn, đầy đủ hơn và giúp cho người đời sau có cái nhìn đúng đắn hơn. Nó còn đảm nhiệm cả chức năng giáo dục truyền thống yêu nước cho những thế hệ mai sau.
Ca dao ngạn ngữ Kinh Bắc cũng không quên phản ảnh lại các nghiệt ngã của thiên nhiên, cái vất vả lầm than đói khổ của con người:
- Muỗi Thổ hà, ma Cầu Cỏ[57]
- Ăn cơm thì ăn cơm trâu
Là thân gái chớ làm dâu làng Dền[58]
- Ai về Tam Tảo làm chi
Nước giếng thì đục đường đi thì lầy
- Cơm hẩm ăn với muối vừng
Lấy chồng Tam Tảo xin đừng chê đen
- Thứ nhất là cửa đền Xà
Thứ nhì Cầu Gạo, thứ ba Vân Điềm[59]
- Đan thuỳen làng Lớ
Chạy chợ làng Kênh
Bấp bênh làng Mỹ[60]
- Trăm cái tội không bằng chỗ lội làng Đoàn
- Phúc đức Thái Lai, chông gai Bảo Triện[61]
Ở đây lại có thêm những nét chân thực khác, vì nỗi khổ của những người thợ thủ công (gốm, tơ tằm) của người dân vùng chiêm trũng (Tam Tảo) của sự lầy lội của đường đi lối lại giữa các vùng và nhất là của các xóm làng ở đất Gia Lương quanh năm lụt lội (Lớ, Kênh, Mỹ, Bảo Triện).
Trong kho tàng ca dao ngạn ngữ, đôi ba tờ lịch về thiên nhiên đã được ghi lại bằng những ngày để nhớ, ngày đình đám, lúc đóng xong cửa chùa, lúc mưa gió sấm chớp với địa danh Kinh Bắc:
- Dâm dâm hội Khám
U ám hội Dâu
Vỡ đầu hội Dóng
- Mười bảy sẩy giường chiếu
Mười tám đóng cửa chùa Dạm
- Cơn mưa đằng Nét thét ra lửa[62]
Một đặc điểm của ca dao ngạn ngữ Kinh Bắc là nhiều câu đã bị địa phương hóa, từ một câu phiếm chỉ đã được dùng cho một vùng hay nhiều địa phương, chẳng hạn như:
- Nước Thổ Hà vừa trong vừa mát
Đường Thổ Hà lắm cát dễ đi
- Nước thôn Chinh vừa trong vừa mát
Đường Thôn Chinh lắm cát dễ đi
Anh về đường ấy làm chi
Nước giếng thì đục đường đi thì lầy[63]
Hoặc những câu dưới đây cũng vậy:
- Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Đình Bảng với anh thì về
Đình Bảng có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề nhuộm thâm
- Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Núi với anh thì về
Làng Núi có gốc bồ đề
Có nghề canh cửi có nghề làm hương[64]
- Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh…[65]
Chúng tôi chỉ dẫn chứng một đôi câu để bạn đọc tiện tham khảo so sánh. Thực ra hiện tượng này không riêng gì ở tỉnh ta, mà ở nhiều nơi khác và trong phạm vi toàn quốc cũng tương tự. Điều đó nói rõ sự giao lưu giữa các vùng và sự gần gũi các vùng đã làm cho ca dao có đôi nét biến dạng, khúc xạ lẫn nhau.
Trong tương lai, nếu mỗi chúng ta có một ý thức khai thác giữ gìn thì chắc chắn nhiều vấn đề của lịch sử xã hội đất nước con người Kinh Bắc sẽ được làm sáng tỏ hơn. Cái trung thực cô đọng và đặc sắc sẽ dần hiện lên.
Chúng tôi, những người làm công tác nghiên cứu lịch sử và văn học dân gian ở địa phương, có một lòng mong muốn là góp nhặt được toàn bộ những hạt ngọc hiện còn lưu lại trong các xóm làng, trong trí nhớ của các bà, các cụ, những người mẹ những người cha. Sự hiểu biết có hạn, cho nên, chúng tôi hy vọng được bạn đọc xa gần góp thêm ý kiến và cung cấp nhiều tài liệu quý báu trong việc khai thác tìm hiểu kho tàng trí tuệ của nhân dân Hà Bắc.
Bắc Giang – Mùa đông năm 1973
K.Đ.T
Chú thích:
[1] Kẻ Rừng: Rừng Mành, Tam Đảo (Phù Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh)
Kẻ Dáng: Yên Lãng (Yên Phong, Bắc Ninh)
[2] Núi Huyền: Huyền Đinh Sơn – Núi Huyền Đinh, nay thuộc Lục Nam, Bắc Giang.
[3] Tào Khê: Khe Tào, nay chỉ còn vết tích ở vùng Tiên Du, Bắc Ninh.
[4] Sông Đá: nay thuộc Gia Lâm – Hà Nội.
[5] Cổ Bi: nay thuộc Gia Lâm – Hà Nội
Cổ Loa: nay thuộc Đông Anh – Hà Nội
Vườn Hồng: Xuân Viên – Hòa Long (Yên Phong, Bắc Ninh)
[6] Thổ Hà, Vạn Vân: thuộc xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang)
[7] Văn Thai: nay thuộc Lang Tài, Bắc Ninh
Mão Điền: Thuận Thành, Bắc Ninh
[8] Đông Khang: Còn gọi là Đông An (Yên) xã Đông Phong (Yên Phong, Bắc Ninh)
Báng: Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh)
Dièm: Viêm Xá (Yên Phong, Bắc Ninh)
[9] Yên Tử, Quỳnh Lâm (chùa) thuộc Chí Linh, Hải Dương.
Vĩnh Nghiêm: còn gọi Đức La, tên chùa (Tri Yên, Yên Dũng, Bắc Giang)