Đào Tiềm 陶潛 (365-427) người đất Tầm Dương, đời Tấn, tự Uyên Minh 淵明. Có sách nói ông vào đời Tấn, tên là Uyên Minh 淵明, tự Nguyên Lượng 元亮, đến đời Tống (Nam Bắc triều) đổi tên thành Tiềm 潛. Đời sau, do phạm huý với vua Cao Tổ đời Đường là Lý Uyên 李淵 nên người ta còn gọi ông là Đào Thâm Minh 陶深明 hay Đào Tuyền Minh 陶泉明. Ông tự hiệu Ngũ liễu tiên sinh 五柳先生, thuỵ hiệu Tĩnh tiết tiên sinh 靖節先生. Khi làm quan lệnh tại Bành Trạch, phải đứng đón chào viên đốc bưu do quận thú phái đến, Đào Tiềm than rằng “Ta tại sao lại vì năm đấu gạo mà chịu gãy lưng?”, bèn trả ấn, từ quan.
Sách Tấn thư chép Đào Tiềm là người đất Sài Tang đời Tấn (nay thuộc Cửu Giang, Giang Châu), tính tình cao thượng, không cần danh lợi, ham học, giỏi thơ văn. ông có soạn truyện Ngũ liễu tiên sinh để tự ví mình. Nhà nghèo có cha mẹ già, ông phải ra làm chức Tế tửu - chức quan nhỏ trong huyện, nhưng không chịu gò bó nên từ quan về nhà. Về sau, ông lại ra làm huyện lệnh Bàng Trạch, được hơn 80 ngày, nhân cuối năm phái viên đốc hưu (chức quan giúp quan quận thú coi việc kiểm tra đôn đốc các huyện trong quận) đến huyện, nha lại khuyên ông ăn mặc chỉnh tề để đốc hưu. Ông ngậm ngùi than rằng: “Ngã khởi năng vị ngũ đấu mễ chiết yêu quyển quyển sự hương lý tiểu nhân đa” (Ta sao lại có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ru!). Rồi ngay hôm ấy ông trả ấn bỏ quan mà về. Sau khi từ quan về, ông hay ẩn nằm ngũ dưới cửa sổ đằng bắc, tự coi mình là người đời Hy Hoàng. Ông vui cảnh an bần lạc đạo, lấy tiếng đàn, câu thơ, chén rượu làm vui. Tính ông chuộng cúc, cứ đến ngày trùng cửu (mùng 9/9), ông lại cùng bạn bè bày tiệc rượu bên khóm trúc để thưởng hoa.
Đào Tiềm 陶潛 (365-427) người đất Tầm Dương, đời Tấn, tự Uyên Minh 淵明. Có sách nói ông vào đời Tấn, tên là Uyên Minh 淵明, tự Nguyên Lượng 元亮, đến đời Tống (Nam Bắc triều) đổi tên thành Tiềm 潛. Đời sau, do phạm huý với vua Cao Tổ đời Đường là Lý Uyên 李淵 nên người ta còn gọi ông là Đào Thâm Minh 陶深明 hay Đào Tuyền Minh 陶泉明. Ông tự hiệu Ngũ liễu tiên sinh 五柳先生, thuỵ hiệu Tĩnh tiết tiên sinh 靖節先生. Khi làm quan lệnh tại Bành Trạch, phải đứng đón chào viên đốc bưu do quận thú phái đến, Đào Tiềm than rằng “Ta tại sao lại vì năm đấu gạo mà chịu gãy lưng?”, bèn trả ấn, từ quan.
Sách Tấn thư chép Đào Tiềm là người đất Sài Tang đời Tấn (nay thuộc Cửu Giang, Giang Châu), tính tình cao thượng, không cần danh lợi, ham học, giỏi thơ văn. ông có soạn truyện Ngũ liễu tiên sinh để tự ví mình. N…
Tác giả: Bùi Thụy Đào Nguyên
Đào Tiềm (陶潛, 365 - 427), hiệu Uyên Minh (淵明), tự Nguyên Lượng (元亮) biệt hiệu là Ngũ liễu tiên sinh, người đất Tầm Dương, nay thuộc huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, là một trong những nhà thơ lớn của Trung Quốc.
*
Đào Tiềm sinh trưởng trong một gia đình địa chủ (1) sa sút vào thời Đông Tấn.
Cha ông làm gì, sử không chép, chỉ cho biết mẹ là con gái một vị đại tướng quân.
Năm 29 tuổi, ông làm Tế tửu Giang Châu. Mười ba năm tiếp theo, mấy lần ông làm quan nhỏ, mỗi lần chỉ trong thời gian ngắn. Khoảng 40 tuổi, vì nhà nghèo mà còn phải nuôi mẹ già, vợ con (ông có cả thảy năm người con trai), ông ra làm huyện lệnh Bành Trạch (vì thế ông còn được gọi là Đào Bành Trạch). Được hơn 80 ngày, nhân cuối năm quận phái viên đốc bưu đến huyện, nha lại khuyên Đào Tiềm chỉnh đốn y phục ra đón. Ông than rằng: "Ngã khởi năng vị ngũ đấu mễ chiết yêu quyển quyển sự hương lý tiểu nhân đa" (Ta sao lại có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ru!).
Ngay hôm ấy ông viết bài 'Quy khứ lai từ' (Lời bày tỏ việc trở về), rồi trả ấn bỏ quan mà về.
Năm 418, lúc ông 53 tuổi, Lưu Dụ giết Tấn An Đế (396-419), chuẩn bị tiếm ngôi, có vời ông ra, mặc dù đời sống rất thiếu thốn vì mùa màng thất thu, nhà cửa bị cháy sạch...nhưng ông cương quyết từ chối, được người đương thời khen, gọi ông là “Tĩnh tiết tiên sinh'.
Năm ông 62 tuổi, gặp lúc đói kém, nhà thơ lâm cảnh khốn cùng đến mức phải đi xin ăn.
Tiêu Thống đời Lương viết 'Truyện Đào Uyên Minh' kể lại rằng: “Khi Thứ sử Giang Châu là Đàn Đạo Tế đến thăm thì thấy nhà thơ nằm co ro, nhịn đói đã mấy ngày. Đạo Tế cho đưa rượu thịt tới, ông vẫy tay bảo đưa ra. Không bao lâu thì mất” (năm 427 thời Nam Bắc triều), thọ 63 tuổi.
Ông mất, để lại một số thơ văn, người đời sưu tập lại thành 'Đào Uyên Minh thi văn tập', 10 quyển, trong đó có trên 120 bài thơ.
*
Trước đây, nhiều người chỉ thấy ở Đào Tiềm là một “ẩn sĩ phiêu diêu ngoại vật”...nhưng theo Lỗ Tấn thì ông có nhiều bài thơ tích cực nữa, như những bài “Vịnh Nhị Sơ”, “Vịnh Tam lương”, “Thuật Tửu'”...đều dính dáng đến sự đổi thay của triều đại thời đó.
Ông lánh đời, tìm thú vui ở sách, ở rượu, ở ruộng đồng & làm văn để tiêu khiển, tỏ chí mình (Ngũ Liễu tiên sinh). Trở về với thiên nhiên, nhưng ông không không đơn thuần ngâm trăng vịnh gió, mà tâm tình ông bao trùm luôn cảnh thiên nhiên và cảnh thiên nhiên phản ảnh những điều ông ấp ủ trong lòng. Lấy bài nào cũng minh họa được ý ấy. Bởi thế, thơ điền viên của ông rất khác với thơ của những nhà thơ đồng thời hay sau ông, vì họ thường chú trọng màu sắc, âm thanh trong cảnh thiên nhiên...bằng những lời đẹp đẽ, ít có nội dung xã hội.
Và Đào Tiềm là người không chịu hợp tác với tầng lớp thống trị, dù là họ Tư Mã hay họ Lưu. Ông kiêu hãnh trở về với nông thôn cày ruộng mà ăn, đọc sách, làm thơ; điều đó chứng tỏ ông là một người có nhân cách. Nói như Lỗ Tấn, “chính vì ông có nhân cách, nên ông mới vĩ đại.
Trích thêm các ý kiến:
- Dương Quảng Hàm:
“Ông là người phẩm cách cao quí và ưa sự tự do. Thấy chánh sự trong nước bấy giờ đồi bại không thể cứu vãn được, ông quyết lui về nơi vườn ruộng để giữ lấy tiết sạch giá trong. Thân đương làm quan, chỉ vì không chịu được sự bó buộc mà treo ấn từ quan về. Ông sinh hoạt theo cảnh tự nhiên mà điềm đạm, ở trong cảnh nghèo mà vẫn lấy làm vui, lấy các thú ngắm núi sông cỏ cây để khuây khỏa nỗi buồn chán việc đời...Về văn từ, lời thơ ông bình thường, điềm đạm, mới đọc không lấy gì làm hay, làm lạ, nhưng ngẫm nghĩ kỹ mới thấy thú vị đậm đà” (Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu, Sài Gòn, tr. 214).
- Lâm Ngữ Đường:
“Không hề làm một vị quan lớn, không có quyền uy, không có sự nghiệp nào cả trừ một tập thơ mỏng và vài ba thiên tản văn, mà Đào Uyên Minh chiếu sáng cổ kim như một ngọn đuốc lớn, và được các văn nhân thi sĩ coi là tiêu biểu cho một nhân cách cao quí nhất. Đời ông vô tư, tự do, khiêm tốn, giản phác...Ông có thiên tài cảm được và tả được một lối sống điều hòa, thiên tài đó tới cái mức hoàn toàn tự nhiên, bình dị mà từ xưa chưa ai đạt được. Bài phú “Qui khứ lai từ”, viết vào tháng 11 năm 405, khi ông quyết định từ chức tri huyện, biểu hiện được tình cảm và thiên tài của ông... Có người cho rằng ông chủ trương “lánh đời”, nhưng không phải vậy. Ông lánh chính trị chứ không lánh đời. Ông vui vẻ trở về cảnh điền viên giữa gia đình. Như vậy kết cục là một sự hòa hợp với thiên nhiên, với đời sống, chứ đâu phải là một sự phản kháng” (Sống đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb Văn hóa, 1993, tr. 93, 94 và 96)
- Dịch Quân Tả, một học giả người Trung Quốc, đã dẫn lời của Tô Thức: “Uyên Minh muốn làm quan thì làm quan, không lấy việc cầu làm hiềm; muốn ở ẩn thì ở ẩn, không lấy việc ra đi làm cao. Đói thì gõ cửa mà xin ăn, no thì thịt gà cơm nếp đãi khách. Bậc hiền xưa nay đều quý sự chân thật ấy!”
Rồi ông có lời bàn thêm:
“Uyên Minh lúc đáng thì buồn, đáng vui thì vui...thật đúng là một con người sống mà vượt khỏi cái tầm thường của thế nhân. Con người ông, từ phẩm cách đến tính tình, tu dưỡng đều có quan hệ mật thiết với tác phẩm của ông...Lương Chiêu Minh (3) thái tử nói rất đúng: "Những ai đọc được văn của Uyên Minh thì lòng sẽ chừa không dám tranh đua, ý keo kiệt sẽ tiêu tán, tham lam sẽ trở nên thanh khiết, hèn yếu sẽ trở nên tự lập"...(Văn học sử Trung Quốc tập I. Nxb Trẻ, 1992, tr. 227)
-Từ điển văn học (bộ mới):
“Nhiều sáng tác khác của ông, ta bắt gặp một tâm hồn phiêu diêu dường như siêu thoát khỏi cảnh trần tục. Song đọc kỹ sẽ thấy cái gọi là “tự nhiên” trong thơ ông chứa đựng một ý nghĩa mỹ học sâu sắc và nhiều khi thể hiện một thái độ chính trị khá rõ nét. Ông say đắm cảnh thiên nhiên là vì ghét cay, ghét đắng hiện thực xã hội, chế độ quan trường thối nát đương thời.'
Thơ văn Đào Uyên Minh có một địa vị độc đáo trong văn học Lục triều. Ông không chịu gò bó vào khuôn khổ của văn biền ngẫu và theo văn phong suy đồi đang thịnh hành. Thơ cũng như văn của ông chân thật, đạm bạc, nhưng không phải là không gọt giũa, trái lại chính là “gọt giũa đến mức tự nhiên, nên người đọc chỉ thấy sự tuyệt diệu ở chỗ đạm bạc chứ không thấy vết tích của sự gọt giũa (Vương Kỳ, đời Minh). Cũng như Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Thức, Đào Uyên Minh là một trong những nhà thơ quen thuộc đối với Việt Nam.” (Nxb Thế giới, 2004, tr.384)
Trích tác phẩm:
Ẩm tửu
Uống rượu (kỳ 5)
Trích:
Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ?
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến Nam sơn.
Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn.
Thử trung hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.
Dịch thơ:
Uống rượu
Nhà cỏ giữa nhân cảnh,
Không thấy ồn ngựa xe.
Hỏi ông: “Sao được vậy ?”
Lòng xa, đất tự xa.
Hái cúc dưới giậu đông,
Thơ thới nhìn núi Nam.
Khí núi ánh chiều đẹp,
Chim bay về từng đàn.
Trong cảnh có thâm vị,
Muốn tả đã quên lời.
(Phiên âm và bản dịch chép trong Đại cương Văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê. Nxb trẻ, 1997, tr. 208-209. Nguyên tác bằng chữ Hán, xem trong sách này)
Và: Ngũ Liễu tiên sinh
Nhiều chuyên môn cho đây là một thiên tự truyện của Đào Tiềm.
Bản dịch:
Ông, không biết ở đâu, cũng không rõ tên họ gì, bên nhà có năm cây liễu, nhân đó đặt tên. Ông nhàn tĩnh ít nói, không ham vinh lợi, ưa đọc sách, không cầm thâm cứu chi hết, mỗi lần hội ý được điều gì thì vui vẻ quên ăn. Tính thích rượu nhưng nhà nghèo, ít khi được uống; người thân cận cố cựu biết như vậy, có khi bày rượu mời ông, ông lại uống hết, kì say mới thôi, say rồi thì về, không lưu luyến gì cả.
Tường vách tiêu điều, không đủ che mưa nắng; bận áo vải thô vá, bầu giỏ thường rỗng mà vẫn vui.
Ông thường làm văn để tiêu khiển, tỏ chí mình. Đắc thất không màng, cứ vậy trọn đời. (Lâm Ngữ Đường, Nhân sinh quan & thơ văn Trung Hoa, Nguyễn Hiến Lê dịch. Nxb Ca dao, 1970, tr. 82. Xem nguyên tác & phiên âm Hán - Việt trong sách này)
Ngoài ra, Đào Tiềm còn có hai sáng tác khác, rất nổi tiếng, đó là Qui khứ lai từ và Đào hoa nguyên ký (Kí suối hoa đào).
*
Chừng bảy tám mươi năm sau khi ông mất, thơ ông ngày càng được đề cao. Nhất là những khi cần chống lại chủ nghĩa hình thức trong thơ văn, thì người ta càng quý trọng ông và đưa ông ra làm gương.
Người đầu tiên viết truyện về ông và sưu tập thơ ông đầy đủ là Thái tử Lương Chiêu Minh, Tiêu Thống. Bàn về tầm ảnh hưởng của ông, Nguyễn Hiến Lê viết:
Thơ Đào Tiềm đương thời ít được chú ý vì lời ông bình dị, trái hẳn với văn các người khác: cầy kỳ, nhiều điển. Nhưng từ đời Đường trở đi, người ta biết thưởng thức tài ông và ai cũng nhận rằng trong khoảng 400 năm, từ Tào Thực tới Lý Bạch, Đỗ Phủ, không ai sánh với ông được. Một học giả đời nay là Hồ Thích, cho ông là “thủy tổ của loại thơ Bạch thoại”.
Ảnh hưởng của ông rất lớn. Nhiều người bắt chước làm thơ 'điền viên', nhưng ít có ai được cái bình thường điềm đạm mà thú vị, đậm đà của ông nữa. Ở nước ta (Việt Nam), thi nhân gần với ông nhất là Nguyễn Khuyến. Đời hai người y như nhau: “đều sinh trong cảnh loạn, đều làm quan rồi đều về ở ẩn, đều thích rượu, yêu cúc, giọng thơ đều thoáng đạt”. (Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1077, tr. 211-212)
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích:
(1) Theo Văn học Trung Quốc tập I do Nguyễn Khắc Phi & Trương Chính biên soạn, cho biết thêm: 'Có sách nói ông là chắc của Đào Khản, đại tư mã đời Tấn'. (Nxb Giáo dục, 1987, tr. 99)
(2) Đốc bưu: Nguyễn Hiến Lê chú thích đây là một chức lại nhỏ đi thâu thuế
(3) Lương Chiêu Minh thái tử: Con của Lương Vũ Đế, thời Nam-Bắc triều (Trung Quốc). Ông học rộng, ham nghiên cứu văn học, là tác giả bộ 'Văn tuyển'.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Tác giả: Quách Duy Sâm
Đào Uyên Minh là một tác gia quan trọng hàng đầu trong lịch sử văn học Trung Quốc, thơ Uyên Minh đều là những áng thơ ca bất hủ, được người đời tán thưởng. Ảnh hưởng của ông vượt ra ngoài cả Trung Hoa; các nước Nhật Bản, Pháp, Liên Xô đều đã xuất bản các bản dịch và chuyên luận nghiên cứu về ông. Đối với một tác gia quan trọng như vậy, việc giới thiệu và nghiên cứu là điều cần yếu.
Đào Tiềm tự là Uyên Minh lại có tự là Nguyên Lượng, người Tầm Dương, Sài Tang (nay ở Tây Nam huyện Cửu Giang tỉnh Giang Tây). Ông sinh vào năm thứ 3 niên hiệu Ai Đế đời Đông Tấn (năm 365), mất năm thứ 4 niên hiệu Nguyên Gia vua Văn Đế đời Tống (năm 427), hưởng thọ 63 tuổi. Sau khi ông chết, bạn bè đặt thuỵ là Tịnh Tiết Trưng Sỹ, nên còn có tên là Đào Tịnh Tiết.
Cụ nội Đào Uyên Minh, Đào Khản là Khai quốc Nguyên huân đời Đông Tấn. Từng giữ chức Thị trung, Thái Úy, Đô đốc bát châu chư quân sự, Thứ sử hai châu Kinh- Giang, được phong Trường Sa Quận công, truy tặng chức Đại tư mã. Đào Khản xuất thân mồ côi, cực khổ, bị tầng lớp sỹ tộc khinh ghét, nhưng sau nhờ công phò tá (võ quan) mà làm quan đến cực phẩm. Đào Khản có 17 con, tên ghi trong Tấn thư thì chỉ thấy có 11 người. Ông nội Uyên Minh là Đào Mậu, từng giữ chức Thái thú Vũ Xương, cũng không có tên trong Tấn thư. Cha Uyên Minh chết sớm. Bài thơ Mệnh tử, Uyên Minh gọi cha mình là "đạm yên hư chỉ, ký tích phong vân" (Không màng danh lợi, tính khí hài hòa.Giấu mình trong chốn gió mây), ông chưa lần nào chính thức ra làm quan (có người nói là từng giữ chức Thái thú huyện Yên Thành). Các con của Đào Khản đa số là võ tướng, sau khi Đào Khản chết, thì quay sang tranh giết lẫn nhau. Người đồng tộc không qua lại với nhau nữa, chi nhà Uyên Minh hàn vi cũng nhiều năm, cho nên lời tựa bài Tặng Trường Sa công viết "chiêu mục ký viễn, dĩ vi lộ nhân" (thế thứ đã xa, chúng ta cũng như là người qua đường). Thiếu thời, Uyên Minh sống nghèo khổ : "cư vô bộc thiếp, tỉnh cữu phất nhiệm, lê thúc bất thuỷ" (Nhan Đình Chi, Đào Trưng Sỹ lỗi). Vì sống trong cảnh ấy, gia thế hiển hách cũng không ảnh hưởng mấy đến ông. Nhan Đình Chi cũng viết: "thao thử hồng tộc, miệt bỉ danh cấp" (gia tộc lớn hiển hách, mà danh phận chức vị thấp hèn), đó là một minh chứng. Trong bài Mệnh tử, ông thuật lại công nghiệp của tổ tiên, quan niệm nào cũng phản ánh truyền thống của người xưa, ông muốn thông qua việc ca ngợi tổ tiên để khuyên nhủ, khuyến khích con cái về chí tiến thủ. Vì thế có thể nói, ông có "quan niệm môn đệ khá rõ nét". Ảnh hưởng của những người thân thích đối với Uyên Minh là khá lớn., nhất là của Mạnh Gia, ông ngoại của Uyên Minh. Ông đã viết Truyện về Mạnh Gia- Chinh Tây Đại tướng quân trưởng lại đời Tấn, ông dã ca ngợi ông ngoại của mình như sau: "Thủy tự tổng phát, chí vu tri mệnh, hành bất cẩu hợp, ngôn vô khoa căng, vị thưởng hữu hỷ ôn chi dung. Hiếu hàm ẩm du đa bất loạn. Chí vu nhiệm hoài đắc ý, dung nhiên viễn ký, bàng nhược vô nhân..." (Từ nhỏ cho đến tuổi tri mệnh, ông hành xử không chỗ nào không phù hợp, lời nói không khoa trương, tự đắc. Chưa từng lộ tình cảm quá bồng bột hay trầm uất, oán hận. Ông thích uống rượu, uống nhiều cũng không đổi sắc mặt, đến những lúc trong lòng đắc ý, vui gởi lòng ngoài thế sự, tựa như quanh mình chẳng còn có ai.) Đoạn văn trên tuồng như chân dung tự hoạ của chính Uyên Minh. Trong truyện, ông còn kể việc mũ Mạnh Gia bị gió thổi rơi. Chuyện này cũng giống như điển Uyên Minh lấy mũ lọc rượu rồi sau đó lại đội lên đầu. Từ đó, ta có thể thấy được phong khí của Kê Khang, Nguyễn Tịch đã ảnh hưởng đến đời sau như thế nào.
Uyên Minh thuở nhỏ nghèo khó, rất ít giao du, cho nên ông để chí ở đàn ở sách, thích thú với lục kinh. Ông luôn tìm thấy lạc thú trong việc đọc sách. Trong Chuyện về Ngũ Liễu tiên sinh, ông đã viết câu hiếu độc thư bất cầu thậm giải (thích đọc sách, không màng chuyện tìm những ý nghĩa quá sâu xa). Ý của câu này là chỉ sự thú vị của việc đọc sách: để vui lòng đẹp mắt, người đọc hy vọng có một sự giao hoà với người xưa, cái giao hoà ấy không nệ vào câu chữ, không phụ thuộc vào những hình thức bên ngoài. Uyên Minh thời trẻ từng nói đến chí hướng cao viễn của mình, ông nói: "Ức ngã thiếu tráng thời, Vô lạc tự hân dự. Mãnh Chí dật tứ hải, Khiên cách tư viễn chử. (Nhớ ta thuở thiếu thời, Chẳng có việc gì vui nhưng trong lòng vẫn tự vui, Chí mạnh mẽ vươn rộng ra khắp bốn biển, Cất cánh muốn bay xa); "Thiếu thời tráng thả lệ, Phủ kiếm độc hành du. Thuỳ ngôn hành du cận? Trương Dịch chí U Châu" (Thuở thiếu thời khoẻ mạnh hăng hái, Vỗ kiếm một mình ra ngoài đi chơi, Ai bảo rằng đi chơi không xa? Từ Trương Dịch cho đến U Châu).
Đó là tráng chí hào hiệp. Cùng với tình hình thời đại, tráng chí này không nằm ngoài hai phương diện: thứ nhất là cứu vớt dân chúng, thứ hai là thu hồi cương thổ. Trong thơ, ông từng ngợi ca những vị quan thanh liêm biết giữ mình: "Viên An nhàn tích tuyết, Mạo nhiên bất khả can. Nguyễn Công kiến tiền nhập, Tức nhật khí kỳ quan" (Viên An nằm khểnh tuyết vây quanh nhà, Thảnh thơi chẳng tìm kiếm danh lợi, Nguyễn công thấy tiền vào nhà, Lập tức hôm sau đã từ quan); "Tích tại Hoàng Tử Liêm, Đàn quan tá Danh Châu, Nhất triêu từ lại quy, Thanh bần lược nan trù" (Xưa có Hoàng Tử Liêm, Làm quan đến chức thái thú một châu lớn, Một sớm từ quan về, Thanh bần hiếm bè bạn).
Về một phương diện nào đó, sự ngợi khen này đã phản ánh chí hướng "tế thương sinh" của Uyên Minh. Đông Tấn đóng đô ở Giang Nam, nhưng đã nhiều lần tiến hành Bắc phạt, như trận chiến tại Phì Thuỷ năm 383, đây là cuộc chiến tranh mà bọn tướng Tạ Huyền dựa vào sự ủng hộ của người Hán phía Nam, Bắc đã đi đến thắng lợi qua phương châm lấy ít địch nhiều. Cuối đời Đông Tấn là cuộc bắc phạt của Lưu Dụ. Uyên Minh sống trong thời đại như vậy, đương nhiên không thể không quan tâm đến vấn đề thu hồi lại cương thổ. Ông hy vọng nơi mình đã đặt chân đến "từ Trương Mạch cho đến U Châu" là biên cương phía Bắc. Trong bài thơ Nghĩ cổ, ông rất ca ngợi Điền Trù: "Văn hữu Điền Tử Thái, tiết nghĩa vi sỹ hùng" (nghe nói có Điền Tử Thái, Là người anh hùng tiết nghĩa nổi tiếng). Công lao chủ yếu của Điền Trù là giúp Tào Tháo bình định Ô Hoàn. Vì lập công lớn, ông này nhiều lần được Tào Tháo ban cho tước vị, nhưng ông đều từ chối. Uyên Minh rất khâm phục Điền Trù, sự kiện này cũng bao hàm cả ý muốn nói đến ở đây. Trong bài "Tặng Dương Trưởng sử", Uyên Minh cũng biểu hiện lòng luyến nhớ đến con người, phong thổ ở Trung Châu, ông rất vui vì "chín châu đã thống nhất, sẽ thống nhất cả chu xa". Những việc như thế xũng đủ chứng minh tấm lòng muốn khôi phục lại cựu cương của ông. Theo dòng thời gian, cái tráng chí ấy cũng dần nguội. Nhưng tấm lòng đau đáu với đời thì vẫn còn nguyên vẹn. Bài Vinh mộc, ông tự trách mình lười học ham say: "tổng giác văn đạo, bạch thủ vô thành" (Ta từ nhỏ đã nghe đạo thánh hiền, đến nay tóc đã bạc mà chưa thành được việc gì). Cuối cùng lại nói: "Tiên sư di huấn, Dư khởi chi đọa? Tứ thập vô văn, Tư bất túc úy. Chỉ ngã danh xa, Sách ngã danh ký. Thiên lý tuy dao, Thục cảm bất chí" (Lời di huấn của thầy ta, Ta há bỏ quên sao? Bốn mươi mà vẫn chưa nghe thấu sự đời, Việc đó chẳng đáng sợ. Chỉ cho ta chiếc xe tốt, Chọn cho ta con ngựa tốt. Ngàn dặm tuy xa xôi, Ai dám không thực hiện đến cùng?). Trong bài Tạp thi, ông viết: "Cập thì đương miễn lệ, tuế nguyệt bất đãi nhân" (gặp mùa mình nên gắng sức, thời gian đâu có đợi người); lại than rằng: "nhật nguyệt trịch nhân khứ, hữu chí bất hoạch sính" (Thời gian ném người ta đi, Chí lớn cũng chẳng thực hiện được).
Sau khi đã hoàn toàn về ở ẩn, ông viết: "Tinh Vệ hàm vi mộc, Tương dĩ điền thương hải. Hình Thiên vũ can thích, Mãnh khí cố thường tại. Đồng vật ký vô lự, Hoá khứ bất phục hối. Đồ thiết tại tích tâm, Lương thần cự khả đãi." (Tinh vệ cắp cành nhỏ, Muốn đem lấp biển xanh. Hình Thiên múa búa múa khiên, Chí lớn luôn luôn còn. Tự coi đồng với vạn vật thì còn lo nghĩ chi, Một sớm hoá đi chẳng chút hối tiếc. Bỗng nhiên lại có tráng trí thuở xưa,
Ánh thiều quang sao lại đến được?) Những câu thơ ăm ắp nhiệt huyết ấy, lại xuất hiện trong bài Vịnh Kinh Kha với giọng điệu bi tráng hào hùng. Củng Tự Trân nói "nhị phần lương phủ nhất phần Tao" (hai phần là Nhạc phủ đời Lương, một phần như là "Ly Tao"), chính là để chỉ ý này.
Sử còn ghi, Uyên Mình thời trẻ không ra làm quan. Khi 29 tuổi "mẹ già yếu nhà khó khăn mới ra làm chức Tế tửu; nhưng chẳng chịu nổi quan trường, ít hôm sau lại từ quan". Sau đó còn từ chối chức Châu Chủ bạ. Sau đó bảy tám năm, khi đã ba lăm ba sáu tuổi, ông nhậm chức quan nhỏ trong Châu phủ của Hoàn Huyền- Thứ sử Giang Châu, một hai năm sau ông lấy cớ mẹ mất mà từ quan lần nữa. Trong thời gian ở nhà ông đã viết bài thơ nổi tiếng Quý mão thuỷ xuân hoài cổ điền xá nhị thủ, bài thơ đã thể hiện ước vọng quy canh của Uyên Minh. Năm 40 tuổi, ông lại ra làm Tham quân cho Trấn quân tướng quân Quân phủ Lưu Dụ, sang năm sau ông lại chuyển sang làm Tham quân cho Lưu Kính Tuyên Kiến uy Tướng quân Thứ sử Giang Châu. Tháng 8 năm ấy, ông nhậm chức Bành Trạch Lệnh. Tháng 11, nhân đám tang Trịnh Thị Muội, ông từ chức về quê. Lúc này, Uyên Minh đã 41 tuổi. Từ đó về sau ông không ra làm quan nữa. Giới thiệu qua hoạn lộ của Uyên Minh, chúng ta có thể thấy: thứ nhất, ông tuy từng ra làm quan, nhưng chức vị thấp và không có thực quyền; thứ hai, khi làm khi bỏ, thời gian rất ngắn; thứ ba, đến tuổi trung niên ông từ bỏ hẳn chốn quan trường về ở ẩn. Trong bài Lỗi, Nhan Diên Chi gọi ông là "Trưng sỹ" kể cũng xác đáng. Về việc Uyên Minh tham gia nhậm chức trong Châu phủ của Hoàn Huyền để thoán đoạt nhà Tấn, trước nay cũng có khá nhiều nghi vấn, người ta đã khảo chứng khá nhiều nhằm mục đích bác bỏ việc trên. Kỳ thực, tình hình đương thời khá phức tạp: vương thất đã suy yếu, các quyền thần đánh giết lẫn nhau, kẻ sỹ rất ít cơ hội được tuyển dụng, Uyên Minh ở Giang Châu cũng chỉ được làm quan tại Giang Châu. Sau hai năm ông từ quan, rồi khi Lưu Dụ lấy cớ đánh Hoàn Huyền để khôi phục nhà Tấn, ông lại ra làm quan lần nữa, nhậm chức Trấn quân Tham quân. Trong bài tựa Quy khứ lai hề từ, ông viết: "Hội hữu tứ phương chi sự, chư hầu dĩ huệ ái vi đức" (Lúc này phải lo liệu việc bốn phương, ở các châu huyện các quan lấy việc thi hành nhân ái đối với dân làm đức). Lần nhậm chức này, dường như có chí hướng "kiến công lập nghiệp", ông từng nói: "Thời lai cẩu minh hội, Uyển bí khế thông cù. Đầu sách mệnh thần trang, Tạm dữ viên điền sơ" (Vận làm quan đến phải đón nhận, Bất đắc dĩ phải khom lưng trên đường hoạn. Vứt chiếc gậy đi, chuẩn bị đi xa. Tạm lìa xa ruộng vườn ta đi làm quan).
Cho đến cả lời dẫn trong bài Vinh mộc đều thể hiện tinh thần nhập thế khá tích cực của ông. Nhưng về sau, thấy Lưu Dụ chuyên quyền, ông đã nhanh chóng thoái quan. Tinh thần nhập thế chỉ là một phương diện thứ yếu trong tư tưởng của Uyên Minh; phương diện quan trọng hơn cả là từ lúc còn trẻ ông đã có ý thức bồi dưỡng tình yêu đối với tự nhiên và cuộc sống điền viên. Ông viết: "Thiếu vô thích tục vận, Tính bản ái khâu sơn..., Cửu tại phan lung lý, phục đắc phản tự nhiên" (từ nhỏ chẳng thích thói tục, Tính vốn yêu núi gò...Đã lâu bị nhốt trong lồng, Nay lại được trở về với tự nhiên). Hay viết: "nhược linh ký sự ngoại, uỷ hoài tại cầm thư" (Tuổi trẻ gởi thân, tâm ngoài chuyện đời, Chỉ muốn đọc sách chơi đàn); "Tĩnh niệm viên lâm hảo, Nhân gian lương khả từ" (lặng nghĩ về núi rừng vườn tược, chuyện nhân gian ta có thể chối bỏ được).
Trước khi chính thức về ở ẩn, trong lòng Uyên Minh lúc nào cũng vang lên tiếng gọi thiết tha: "về đi thôi" (Quy khứ lai). Những khi bị sai phái khắp nơi, tiếng gọi này lại cất lên; kể cả những lúc lặng lẽ ngồi suy tư, tiếng gọi ấy lại thôi thúc. Cuối cùng, ông cũng thực hiện ước uyện quy ẩn của mình.
Yêu thích tự nhiên, là động cơ chủ quan để Uyên Minh quy ẩn. Tình hình xã hội động loạn, ô trọc chính là nguyên nhân khách quan. Như ông đã viết trong bài tựa Cảm sỹ bất ngộ phú, xã hội đó là xã hội mà "Tự chân phong cáo thệ, đại ngụy tư hứng; lư diêm giải liêm thoái chi tiết, thị triêu khu dị tiến chi tâm" ( Kể từ sau khi phong tục tự nhiên, thuần phác lắng xuống, những việc giả dối, trá ngụy dấy lên cũng nhiều; cái đức liêm khiết, nhường nhịn trong thôn xóm cũng mất dần mà lòng hám danh, đoạt lợi trong chốn quan trường lại càng dữ). Trên chốn triều đường thì "Lôi đồng cộng dự huỷ, Tam quý đa thử sự, Đạt sỹ tự bất nhĩ. Đốt đốt tục trung ngu" (Tán thưởng hay bác bỏ cũng tuỳ con người, thời Tam đại chưa có lắm chuyện như thế. Bậc thông đạt thì không thể làm như vậy. Trong đời, kẻ ngu thì trầm trồ kinh ngạc người chính trực thì không ai ra giúp đời). Vả lại, xã hội động loạn trong một thời gian dài, giết chóc vô lối, từ Nguỵ Tấn về sau "danh sỹ ít người toàn tài" toàn là "lưới mắt mau nên cá hãi, dây giăng rộng nên chim kinh" (mật võng tài nhi ngư hãi, hoằng la chế nhi điểu kinh), chẳng thể nương cậy được kẻ cầm quyền. "Giác ngộ đương niệm hoàn, Điểu tận phế lương cung" (Đã giác ngộ ra, nên quay về ruộng vườn. Chim bay hết rồi cung tốt bỏ mục.) Nên muốn gìn phẩm tiết thanh cao, náu thân mình trong đời loạn chỉ còn có cách lui về ẩn cư. "Tằng kiểu hề thí?Dĩ quyển an lao?" (Cung tên chớ có giương lên, Đã thảnh thơi ẩn dật còn phải lo lắng chi?); "Đãn hận đa mậu ngộ, Quân đương thứ tuý nhân." (Nhưng hận rằng đời ta nhiều sai lầm, Mong người bỏ qua cho kẻ say này!). Đây là những tiếng lòng bi phẫn của thi nhân.
Nhiều người cho rằng Uyên Minh là người trang nghiêm, thâm trầm và có phần hoà nhã. Ngược lại, thi nhân lại có một phẩm chất trung trinh, một cá tính mạnh mẽ rắn rỏi. Trong bài Dữ tử Nghiễm đẳng sớ, ông tự gọi mình là "Tính cương tài chuyết, dữ vật đa ngỗ" (Tính cương tài kém, hay trái với đời). Trong bài thơ "Mậu thân tuế lục nguyệt trung ngộ hoả", ông cũng viết: "Tổng phát bão cô giới, Yêm xuất tứ thập niên. Hình tích vựng hoá vãng, Linh phủ trường độc nhàn.Trinh cương tự hữu chất, Ngọc thạch nãi phi kiên" (Thuở nhỏ tính tình vốn đã thích cô độc, Trong chớp mắt đã hơn bốn mơi năm rồi, Thời gian qua đi, hình dáng cũng đã đổi khác, Mà lòng ta vẫn riêng an nhàn, Vốn đã có khí chất cương nghị, rắn rỏi. Đến ngọc đá cũng chẳng bằng)
Phẩm cách ấy dĩ nhiên không thể nào dung hợp với tình hình xã hội thối nát lúc bấy giờ. Tương truyền ông từng không muốn phải quỵ luỵ đi gặp Đốc Bưu, không chịu "khom lưng trước bọn lý dịch vì dăm đấu gạo", ông bèn bỏ chức Huyện lệnh. Cuối đời đói rét, bệnh tật; Uyên Minh từng được Thứ sử Giang Châu- Đàn Thiện đạo vời ra làm quan; nhưng ông này lại lấy vật chất để mời, nên Uyên Minh đã bỏ ngoài tai. Việc này thể hiện rất rõ khí tiết "cố cùng" của Uyên Minh. Uyên Minh cũng từng theo lời hẹn của Thích Tuệ Viễn đến Bạch Liên Xã ở Lô Sơn, "chớp mắt cái đã đi". Ông đả kích ba người Chu Tục Chi, nhận lời mời của Thứ sử Đàn Thiệu,ông cũng đã hiệu khảo thư tịch ngay bên chuồng ngựa. Ông viết: "Mã đội phi giảng tứ, Hiệu thư diệc dĩ cần." (Tiếc thay bên chuồng ngựa chẳng phải là nơi giảng kinh, Nhưng ta vẫn hiệu đính sách vở rất mịêt mài.) Ông không vui khi Ân Cảnh Nhân nhậm chức, lúc khác ông cũng viết: "Ngữ mặc tự thù thế, Diệc tri đương quai phân." (Xuất và xử vốn chẳng như nhau, Biết ngày ta chia tay rồi cũng đến.) Câu nói trên phần nào có giọng bất mãn. Những câu thơ trên chứng tỏ tính cách của Uyên Minh không thể nào hợp với người đời. Từ tính cách ấy, phong cách ấy, ta thấy việc Uyên Minh lui về ở ẩn chính là một thái độ bất hợp tác với thế lực thống trị.
Thẩm Ước đưa ra thuyết: Uyên Minh "vì tổ tiên công nghiệp rạng rỡ, coi việc cúi mình trước người đời là nhục nhã ; kể từ khi vương Nghiệp của Tống Cao Tổ hưng long, ông không chịu ra làm quan nữa". Kể từ sau đó, không ít người đã tin theo thuyết này. Những thuyết của Thẩm Ước cũng có chỗ chưa thật xác đáng. Bài Thuật tửu trong thơ Uyên Minh dùng những lời lẽ kín đáo để nói đến việc thoán đoạt của Lưu Dụ. Ông lên án việc Lưu Dụ giết Tấn Cung Đế sau khi ông này đã nhường ngôi. Có một số bài thơ khác cũng đề cập đến vấn đề chính sự, thể hiện tính khuynh hướng nhất định trong thơ Uyên Minh. Các sỹ nhân thời phong kiến, trong cảnh thay đổi triều đại, thường là luyến nhớ vương triều chính thống, phản kháng lại kẻ cướp ngôi; đó cũng là việc đương nhiên. Nhưng, đức Trung đối với nhà Tấn không chiếm vị trí chủ đạo trong tư tưởng Uyên Minh, đó cũng không phải là nguyên nhân quan trọng nhất khiến ông quyết định quy ẩn. Ông đã phê bình khá khách quan về sự diệt vong của vương triều này. Chín bài Nghĩ cổ lấy hình tượng cây dâu tàn lụi để ví với sự suy tàn của cả triều đại, cuối cùng nói: "Bản bất thực cao nguyên, Kim nhật phục hà hối" (Xưa kia không đem trồng trên cao nguyên, Bây giờ còn hối hận gì nữa?). Đó là những câu phê bình. Có thể thấy Uyên Minh không mù quáng tận trung với nhà Tấn. Một số người dựa vào việc "Đào tập" hay dùng chữ "giáp tý" (can chi) từ thời Tống để chứng minh rằng ông là một trung thần của nhà Tấn, nhưng người xưa cũng chỉ ra rằng: trước khi nhà Tống kiến lập, nhan đề các bài thơ của Uyên Minh đã nhiều lần dùng can chi để ghi năm, vì thế thuyết này không thực vững. Chúng tôi có thể bổ sung như sau, trong bài Dữ tử Nghiễm đẳng sớ, có viết rằng: "Tế Bắc Phạm Trĩ Xuân, Tấn thời tháo hành nhân dã" (Phạm Trĩ Xuân người Tế Bắc, là người có tiết tháo đời Tấn), Tấn mất không lâu liền gọi là "thời Tấn", có thể thấy ông không coi việc nhà Tấn mất là việc quá trầm trọng. Các học giả đi trước cũng chỉ ra rằng: Đào Uyên Minh hoàn toàn quy ẩn được 15 năm thì nhà Tấn mới mất, vì thế không thể nói như Thấm Ước được.
Sau khi về ở ẩn, Uyên Minh đã phải trải qua một cuộc sống rất khó khăn, không giống nhiều ẩn sỹ khác. Ông đã trải nghiệm rất nhiều cay đắng, hứng chịu rất nhiều áp lực phê phán. Trong bài Tế tòng đệ Kính Viễn văn, ông viết: "thường nguyện huề thủ, trí bỉ chúng nghị" (em cũng biết được cái ý của ta luôn mong được cùng em dan tay về ở ẩn, chẳng ngại gì thế tục luận bàn). Ẩm tửu nhị thập thủ có bài Thanh thần văn khấu môn, bài này ghi lại lời khuyên của một lão nông như sau: "Lam lũ mao thiềm hạ, Vị túc vi cao thê. Nhất thế giai thượng đồng, Nguyện quân cốt kỳ nê" (Quần áo rách rưới dưới mái tranh, chưa đủ để làm một bậc ẩn sỹ, Cuộc đời đều hùa về thói tục, Mong người quân tử sục bùn cho dậy sóng lên). Nhan Diên Chi cũng từng bình luận về việc nhập thế xuất thế của hai người. Nhan Diên Chi khuyên rằng: "độc chính giả nguy, chí phương tắc ngại, triết nhân quyển thư, bố tại tiền tái" (kẻ chính trực một mình thì sẽ gặp nguy hiểm, quá sắc cạnh thì hay gặp trở ngại, triết nhân thư thái, như tấm gương trước mắt), câu nói trên chứng tỏ những áp lực xã hội đối với con người, khuyên con người không nên chấp trước, câu nệ. Dưới rất nhiều áp lực, Uyên Minh đã tự đưa ra được kết luận cho bản thân mình: "Chất tính tự nhiên, phi kiểu lệ sở đắc. Cơ đống tuy thiết, vi kỷ giao bệnh" (Vì bản tính ta vốn tự nhiên chất phác, cái việc làm quan này chẳng phải là việc miễn cưỡng làm được. Ta đã từng làm quan, ấy là vì cái miệng mà làm mình thêm cực nhọc), không nên miễn cưỡng làm những việc mà mình không muốn làm. Ông coi hoạn lộ là dây trói ràng bộc, lồng cũi giam hãm; chỉ có cách thoát khỏi nó mới có thể bảo toàn nhân cách.
Sau khi quy ẩn, Đào Uyên Minh đã viết nhiều bài thơ về cái đẹp của ruộng vườn. Từng có những bài viết phê phán ông tô hồng hiện thực, như thế là không công bằng. Đào tập không ít lần viết đến cuộc sống nghèo khổ khốn cùng và cảnh làng quê điêu tàn, xơ xác. Bài Oán thi Sở điệu thị Bàng chủ bạ Trịnh trị Trung là một ví dụ: "Thiên đạo u thả viễn, Quỷ thần mang muội nhiên. Kết phát niệm thiện sự, Thằng miễn lục cửu niên. Nhược quan phùng thế trở, Thuỷ thất táng kỳ thiên. Viêm hoả lũ phần như, Minh vực thứ trung điền. Phong vũ tung hoành chí, Thu liễm bất doanh triền. Hạ nhật trường bão cơ, Hàn dạ vô bị miên. Tạo tịch tư kê minh, Cập thần nguyện ô thiên. Tại kỷ hà oán thiên, Ly ưu thê mục tiền. Hu ta thân hậu danh, Vu ngã nhược phù yên. Khảng khái độc bi ca, Chung Kỳ tín vi hiền." (Đạo trời u viễn, Quỷ thần mờ mịt. Từ thuở kết tóc đã nghĩ đến việc thiện. Vì thế ta đã theo đuổi 54 năm nay, Hai mươi tuổi gặp nhiều chuyện đời trắc trở, Ba mươi tuổi thì vợ mất. Hạn hán nhiều lần như lửa thiêu, Sâu bọ nhiều lần phá hoại ruộng, Gió mưa ào ào tới, Thu hoạch chẳng đủ ăn. Ngày hè thường nhịn đói, Đêm lạnh không có chăn ngủ, Mới đến chiều mà đã mong gà gáy sáng, Sáng ra lại mong mặt trời mau lặn, Ta có oán trời gì đâu, Gặp phải chuyện đau buồn trước mắt. Than ôi cái danh sau khi chết, Đối với ta như áng mây nổi. Khảng khái hát khúc bi ca, ông Chung Kỳ thực là tốt.)
Chiến loạn nhiễu nhương, thiên tai gây hại, mất mùa liên miên khiến cuộc sống nhà thơ thêm khốn khổ, nếu không phải là người đã từng trải qua những khổ cực ấy thì không thể viết nên những câu thơ về "những ngày hè đói dài". Từ đó ngẫm thêm về cái khốn khổ của một kiếp người, từ đó mà chỉ trích cả "thiên đạo", oán trách cả quỷ thần. Những bài như "Vịnh bần sỹ", "Khất thực" đều viết về cuộc sống khốn khổ của nhà thơ. Ông ghi lại những khốn khổ đó không phải là không có mục đích. Trong bài tựa "Hội hữu nhi tác", Uyên Minh viết: "Kim ngã bất thuật, hậu sinh khả văn tai" (nay ta không viết thì người đời sau sao có thể biết được). Ông muốn hậu sinh biết được những gian khổ của cuộc sống, muốn người đời sau biết được rằng giữ tiết tháo không phải là một việc dễ dàng, giản đơn. Cuộc sống dậy con người, và khiến con người suy tư về nó. Trong bài Tạp thi có câu đầu: "đại canh bản phi vọng", ông viết: "cùng thân vị tằng thế, hàn nỗi thường tao khang" (Thay bỏ việc cấy cày vốn chẳng phải là ý nguyện, Cơ nghiệp của ta là là ruộng đất dâu tằm, Ta tự cày cấy chưa từng trễ nải, Chịu lạnh rét ăn cám, ăn tấm). Ước vọng ăn được no mặc được ấm cũng chẳng thực hiện được, "chính nhĩ bất năng sắc, ai tai diệc khả thương!" (Những nhu cầu tối thiểu đó thế mà cũng khó đạt được, nghĩ đến điều ấy mà lòng đau buồn). Lao động chuyên cần mà cũng chẳng đủ ấm no, lẽ trời ở đâu! "Thiên lý khả nại hà, thả vi đào nhất trường!" (lẽ trời biết làm sao, thôi làm chén tiêu sầu!). Cuối cũng vẫn là Đào Uyên Minh, người mượn rượu tiêu sầu mà thôi. Nhưng, những vấn đề mà ông nêu ra vẫn luôn là vấn đề phổ biến tồn tại trong xã hội phong kiến.
Năm Nguyên Hưng thứ 3 (năm 404), quân Hoàn Huyền gây chiến loạn ở Tầm Dương; năm Nghĩa Hy thứ 6 (năm 410), quân khởi nghĩa do Lư Tuần lãnh đạo gây đại chiến cùng với quan quân ở Tầm Dương. Hai sự kiện lịch sử này đều được phản ánh trong "Đào tập", nhiều người đã tỏ ra hoài nghi hay phê bình. Thực ra "Đào tập" miêu tả cảnh điêu tàn ở các vùng nông thôn, ông sợ phải dính líu đến chuyện binh đao. Như "Quy viên điền cư" (bài "Cửu khứ soan trạch du") viết về việc cả một làng đã biến thành gò hoang, cư dân đã chết không còn một ai. Bài "Hoạ Lưu Sài Tang" cũng viết: "hoang đồ vô phế nhân, thời thời kiến phế khư" (đường vắng chẳng có đến cả người tàn tật, chỗ nào cũng thấy gò hoang); bài "Hoàn cựu cư" viết sau đó 6 năm cũng tả cảnh đổi thay của thôn xóm. Những cảnh hoang tàn đó đều do chiến tranh loạn lạc hay thiên tai địch hoạ. Có thể nói, chiến tranh là một đề tài hay gặp trong thơ Uyên Minh. Tác giả còn chỉ ra rằng, tháng 9 năm này quân của Lô Tuân giao chiến với quan quân triều đình ở Ba Lăng. Uyên Minh viết bài "Canh tuất tuế cửu nguyệt trung vu tây điền hoạch tảo đạo" khiến chúng ta thấy một khung cảnh yên bình, đó chẳng phải là lạ sao! Có người cho rằng các tác giả thời Nguỵ Tấn coi thường hiện thực xã hội, tất nhiên là họ cũng có những lý lẽ riêng. Nhưng Uyên Minh quyết không phải là người thoát ly hiện thực. Ông sở dĩ viết như thế, cũng có thể là vì tránh chiến tranh mà ông di cư đến thôn Nam, cũng chẳng ảnh hưởng lớn lắm. Nền kinh tế tiểu nông manh mún, phân tán, dù rằng Tầm Dương đã trở thành chiến địa đi chăng nữa, chỉ cần cuộc chiến không vào đến cửa thì nông dân vẫn cứ "mùa xuân cày cấy, mùa thu thu hoạch" như thường. Thế thì Uyên Minh viết bài "Tây điền hoạch tảo đạo" là điều có thể hiểu được.
Cuộc sống ẩn dật của Uyên Minh cũng trải qua quá trình thay đổi. Mới đầu, ông có niềm vui được giải thoát, ông viết rất hay về cuộc sống điền viên tươi đẹp; kể từ sau khi gặp hoả hoạn, thiên tai, nhân hoạ ông càng ngày càng hay thở than hơn về đường sinh nhai, ông đã nếm trải những vất vả đắng cay của cuộc sống. Nhưng ông không hề hối hận, ông coi việc tu dưỡng là tấm gương soi chiếu: "thuỳ vân cố cùng nan, mạc tai thử tiền tu:" (Ai nói rằng cái đạo cố cùng cũng thật khó, Bậc hiền kia sừng sững trước mặt ta), bần phú ghường giao chiến, đạo thắng vô thích nhan" (Cái đáng sợ chẳng phải là đói rét, Cái đạo đã chiến thắng mới cười đựợc), "cao tháo phi sở phan, mậu đắc cố cùng tiết" (Tiết tháo chẳng còn chỗ bấu víu, Nhầm được lúc cố cùng).
I. Đào Uyên Minh trăn trở rất nhiều về kiếp người, trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, ông hy vọng có thể thẩm thấu được triết lý về sinh mệnh: "Đại quân vô tư lực, Vạn vật tự sâm trứ" (Đất trời đào luyện chẳng vì riêng ai, Vạn vật tự tại cùng chung sống), "vạn hoá tương tầm dị, nhân sinh khỉ bất lao" (Vạn vật nối nhau mà thay đổi không ngừng, Đời người há chẳng vất vả sao?), "Kí lai thục bất khứ, nhân lý cố hữu chung... ... thiên hoá hoặc di hiểm, tư chí vô loa lung" (Đã đến cuộc đời này, có ai mà không đi? Lẽ đời có mở đầu có kết thúc. Sống thanh bần đợi cái chung cục kia, Khoanh tay gối đầu giữ lấy đạm bạc. Thời vận biến đổi, lúc phẳng lúc gập ghềnh, Tùy theo tâm tính, chẳng kể bần khốn hay hanh thông). Cứ thuận theo những quy luật của tự nhiên, đời con người ta đều như vậy cả thôi, vì vậy ông đã đề xuất tư tưởng "hoá thiên", (con người nên thuận theo tự nhiên) "Túng lãng đại hóa trung, Bất hỷ diệc bất cụ. Ưng tận tiện tu tận, Vô phục độc đa lự" (Theo sự chuyển vận của trời đất, Chẳng vui cũng chẳng lo sợ gì. Đến lúc phải hết thì cũng nên hết, Chớ có một mình đau buồn khổ não). Tất cả đều phó thác cho tự nhiên, vì thế ông rất hay uống rượu, hay mượn rượu giải sầu. Dĩ nhiên là có mặt tiêu cực của nó, nhưng tư tưởng này cũng nó nội dung tích cực. Ông không tin vào thần tiên hay trường thọ. Bài "Liên vũ độc ẩm" là một ví dụ: "Vận sinh hội quy tận,Chung cổ vị chi nhiên. Thế gian hữu Tùng Kiểu, Vu kim định hà gian. Cố lão tặng dư tửu, Nãi ngôn ẩm đắc tiên. Thí chước bách tình viễn, Trùng trường hốt vong thiên. Thiên khởi khứ thử tai, Nhậm chân vô sở tiên. Vân hạc hữu kỳ dực, Bát biểu tu du hoàn. Tự ngã bão tư độc, Thằng dật tứ thập niên. Hình hài cửu dĩ hoá, Tâm tại phục hà ngôn" (Lẽ đời sinh ra rồi lại chết đi, Từ xưa đến nay ai cũng nói như vậy. Truyền thuyết rằng có hai vị tiên Tùng, Kiểu. Đến nay đã có ai nhìn thấy chưa? Ông lão trong xóm biếu tôi một vò rượu. Liền nói vui rằng uống xong là thành tiên, Thử uống mà hồn khoáng đạt muôn nơi. Uống chén thứ hai quên cả trời đất, Ông trời chả lẽ lại bỏ ta mà đi ? Tuỳ ý tự nhiên chẳng phân biệt ai sinh trước, Hạc trong mây xuè đôi cánh thần kỳ. Ngoài tám cõi mà bỗng chốc quay trở lại, Tự ta ôm lấy tín niệm này. Gắng gỏi đã bốn mươi năm nay, Hình hài tuy rằng sẽ sớm biến đổi. Nhưng tấm lòng vẫn đó thì còn than phiền gì!"
Ông không tin thuyết thần tiên, ông nhấn mạnh việc "nhậm chân", "nhậm chân" sẽ tự đắc, như thế thì có thể quên được trời. Ông không chịu vào Bạch Liên Xã, ông phản đối những hoạt động tôn giáo mong đạt đến miền đất lạc Tây phương của các cao tăng danh sỹ như Tuệ Viễn. Ông viết bài "Hình, ảnh, thần" với quan điểm "thiên hoá" về tự nhiên để phê phán thuyết "linh hồn bất diệt" của Tuệ Viễn. Ông cho rằng trời không có ý chí, ông phê phán xã hội cũng giống như Tư Mã Thiên, phê phán thuyết "trời có thể ban phúc hoạ": "Tích thiện vân hữu báo. Di, Thúc tại tây sơn. Thiện ác cẩu bất ứng,Hà sự không lập ngôn.Cửu thập hành đái sách,Cơ hàn huống đương niên.Bất lại cố cùng tiết, Bách thế đương thuỳ truyền? (Tích thiện sẽ có báo ứng. Mà Bá Di, Thúc Tề chết ở núi tây. Nếu như thiện ác chẳng thể báo ứng. Cớ sao còn có câu nói này. Vinh Khải Kỳ 90 còn quấn dây thừng, Đói rét vào lúc tuổi còn trẻ, Nếu như chẳng dựa vào tiết tháo, Trăm năm sau liệu còn có ai biết đến?)
Ông luôn phê phán "thiên đạo" hay quỷ thần. Câu "thiên đạo u thả viễn, quỷ thần mang muội nhiên" (đạo trời sâu kín và xa xôi, quỷ thần thì mịt mịt mờ mờ) bao hàm ý tứ ai oán bi phẫn ấy. "Đại quân vô tư lực, vạn lý tự sâm trứ" (trời có thiên lệch chi đâu, muôn vật tự nảy nở), nhận thức được bản chất của tự nhiên vốn là bình đẳng; ông mới nói "thử diệc nhân tử dã, khả thiện ngộ chi" (đó cũng mới là con người vậy, có thể khéo biết được), mới có thể dặn dò con cái rằng: "lạc địa thành huynh đệ, hà tất cốt nhục thân" (sinh ra trên mặt đất này là đã thành anh em, hà tất cứ phải là cốt nhục). Đem thân mệnh mình quy thuộc về tự nhiên, ông đã khiến lòng mình rộng rãi khoáng đạt, "bất giác tri hữu ngã, an tri vật khả quý" (chẳng biết là có ta, sao biết được vật là đáng quý); "phủ ngưỡng chung vũ trụ, bất lạc phục hà như" (ngẩng lên cúi xuống nhìn khắp vũ trụ, nêu không vui thì còn biết làm gì), như thế mới giải toả được áp lực tâm lý được tạo bởi sự khốn cùng và cái chết: "ứng tận tiện tu tận, vô phục độc đa lự" (Đến lúc phải hết thì cũng nên hết, Chớ có một mình đau buồn khổ não), "nhân sinh thực nan, tử như chi hà" (cuộc sống thực khó khăn, khi chết thì sẽ thế nào?), "Tử khứ hà sở đạo, Thác thể đồng sơn a" (Có thể nói thế nào đây về cái chết? Thôi hãy gửi thân ta cùng với gò núi). Tư tưởng "nhậm chân" của Uyên Minh đã khiến ông trở thành một thi nhân chân chính. Như Hoàng Đình Kiên nói: "Đào Uyên Minh bất vi thi, tả kỳ hung trung chi diệu nhĩ" (Đào Uyên Minh chẳng phải làm thơ, ấy là người viết về những điều mầu nhiệm trong lòng mình mà thôi).
Tư tưởng Uyên Minh có mầu sắc của Đạo gia. Nhưng ảnh hưởng của nho gia có vẻ đậm nét hơn. Chu Tự Thanh từng dựa vào các số liệu thống kê các trích dẫn kinh điển trong bài "Đào Tịnh Tiết thi tiên định bản" để đưa ra nhận định của mình. Thơ Đào Uyên Minh trích dẫn "Trang Tử" nhiều nhất, tổng cộng 49 lần, kế đến là "Luận ngữ", 37 lần; thứ 3 là "Liệt tử", 21 lần. Uyên Minh luôn ngưỡng mộ thời Phục Hy, Thần Nông; ông luôn truy cầu tinh thần thuần phác, thực có nhiều điểm không giống Nho gia. Nhưng những lời giáo huấn của Nho gia "Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỹ" (quân tử giữ mình trong cảnh khốn cùng, tiểu nhân khốn cùng thì làm bừa); "ưu đạo bất ưu bần" (chỉ lo nghĩ về đạo chứ không lo nghèo hèn), "Triêu văn đạo tịch tử khả hỹ" (sáng được nghe đạo thì chiều dẫu chết cũng được) lại có ảnh hưởng rất lớn đối với Uyên Minh. Cho nên, ông cũng không có nhiều điểm giống với các nhà Huyền học. Tráng chí của Uyên Minh chịu ảnh hưởng từ tư tưởng "kiêm tế" của Nho gia. Ông không để tâm vào những chuyện huyền viễn, xa rời cuộc sống như một số nhà Huyền học. Ông từng viết: "Nhân sinh quy hữu đạo, Y thực cố kỳ đoan. Thục thị đô bất doanh, Nhi dĩ cầu tự an?" (Đời người cũng có những thường đạo, Ăn mặc là hai việc trước tiên, Vậy vì cớ gì mà lại không chăm lo cho ăn mặc. Mà cầu mong cuộc sống được thoải mái) Ông coi trọng cày cấy, đích thân làm ruộng. Trong thời đại như thế thì thật đáng quý.
Bài phản ánh lý tưởng xã hội của Uyên Minh chính là bài "Đào hoa nguyên ký". Người xưa từng nói Đào hoa nguyên không hoàn toàn là không tưởng, mà nó có cơ sở thực tế của nó, nên ca ngợi đây "cũng là văn ghi lại sự việc". Từ Hán mạt về sau, dân trốn loạn, kẻ thì đắp thành đắp luỹ, kẻ thì lánh vào núi sâu tạo thành những điểm cư dân tách rời khỏi xã hội bên ngoài. Lại thêm lãnh thổ Trung Hoa rộng lớn, kinh tế manh mún, những vùng xa xôi hẻo lánh rất ít có sự giao thông với thế giới bên ngoài. Có nơi quan hệ sinh sản vẫn còn ở giai đoạn nguyên thuỷ. Những nơi này vẫn chưa bị các yếu tố xã hội hiện đại hơn phá hoại. Đó thường là những nơi phong cảnh tuyệt đẹp, một khi được phát hiện liền được truyền tụng. Cũng theo dạng này, Uyên Minh đã hư cấu nên nguồn hoa đào của mình. Phong cảnh ở đào hoa nguyên cực kỳ đẹp đẽ "hai bên bờ đến vài trăm bước, trong không có các loại cây tạp, cỏ thơm tươi tắn, cánh hoa bời bời". Con người chốn đào hoa cũng cày cấy, nuôi gia súc như thế giới bên ngoài. Có điều họ chưa hề bị những tạp luỵ. Họ sống trong một xã hội hoà bình, an lạc. Câu truyện chứa khá nhiều yếu tố lý tưởng, tựa như truyền thuyết đời Phục Hy, Thần Nông, hay như một thế giới đại đồng trong thiên "Lễ vận" sách "Lễ ký". Câu chuyện có tính hình tượng cao. Một xã hội nông nghiệp thuần phác, nguyên sơ với nền kinh tế tự nhiên là xã hội mà Uyên Minh hướng đến. Nhưng cuộc sống thực tế ở nông thôn chẳng phải lúc nào cũng lấp lánh, kỳ diệu như vậy cả, cuộc sống luôn phải đương đầu với rất nhiều gian truân. Điều này chính Uyên Minh đã tự nếm trải. Nên ông rất hy vọng có một miền đất hứa giống như chốn đào hoa ấy, vừa thuần phác lại vừa sung túc. Đào Uyên Minh rút cục vẫn là con người của thời phong kiến. Lý tưởng của ông chỉ có thể hạ chế trong phạm vi vủa nền kinh tế tiểu nông. Dựa vào đó mà phê phán ông thì không thực xác đáng. Huống hồ, trong thời đại như vậy mà có thể để xuất được tư tưởng "mùa thu lúa chín, chẳng có thuế của vua" làm giảm đi gánh nặng của nhân dân thì đã là đáng quý lắm rồi.
II. Tuyển Đào Uyên Minh hiện còn 130 tác phẩm thơ văn. Các tác phẩm này đều thể hiên sự truy cầu về chân, thiện mỹ. Ông viết: "Trân tưởng sơ tại khâm, Thuỳ vị hình tích câu" (Đã sớm có cái ý thuần phác của ẩn sỹ, Ai nói rằng ta còn bị hình dịch câu thúc?); "nhậm trân vô sở tiên" (Tuỳ ý tự nhiên chẳng phân biệt ai sinh trước); "Dưỡng chân hoành mao hạ, Thứ dĩ thiện tự danh" (Nuôi dưỡng cái chân chất của ta dưới căn lều cỏ, Cơ hồ mới tự xưng là thiện được); "Lập thiện hữu di ái, Hồ vi bất tự kiệt!" (Làm việc thiện để lại nhớ thương cho đời, Sao có thể xa rời thực tế, lại thêm gắng sức!); "Lập thiện thường sở hân, Thùy đương vi nhữ dự?" (Làm việc thiện cố nhiên mang lại niềm an ủi, Nhưng có ai mãi ca ngợi anh?); "Phỉ đạo hạt ỷ? Phỉ thiện hề đôn?" (Chẳng là đạo cớ gì còn dựa vào? Chẳng là thiện sao còn dốc vào làm?)...
Thơ văn Uyên Minh phần lớn đạm bạc tự nhiên, tình cảm nồng hậu. Tình yêu cuộc sống trong thơ ông có sức lay động rất lớn, như bài Quy khứ lai hề từ. Bài này được sáng tác sau khi Uyên Minh quyết định từ quan về ở ẩn. "Quy khứ lai hề, điền viên tương vu hồ bất quy!". Đấy là tiếng gọi đã kìm nén trong lòng bao lâu nay đã bật lên thành lời. Về đi thôi! Về đi thôi! Ông rất hối hận vì đã để hình dịch câu thúc đến thân tâm. Ông kiến quyết quay trở về, lòng nhẹ nhàng sung sướng, tiếc là không thể một bước mà về ngay được, "nãi chiêm hoành vũ, tái hân tái bôn" (Hỏi lối đi, hỏi người đi đường, bóng sớm còn mập mờ, vẫn chưa sáng hẳn. Trông thấy cổng làng nhà cửa mừng rỡ rảo bước). Ông nghĩ sau khi về nhà lòng sẽ thanh thản, tự mình lo việc cấy cày, ông hy vọng sẽ được sống một cuộc sống yên bình, lặng lẽ, thuần hậu và thanh cao. "Phú quý phi ngô nguyện, đế hương bất khả kỳ" (phú quý ta chẳng màng, kinh hoa chẳng thể mong). Chẳng cầu phú quý, không mộ thần tiên, ông quay về với tự nhiên, mong cõi lòng được thảnh thơi. Tác giả rất yêu vương tược núi rừng, chẳng những bởi rừng núi tươi đẹp mà còn bởi nơi ấy chẳng có chuyện nhân tình thế thái "viên lâm vô thế tình." "Thế dữ ngã tương vi" (ta với đời chẳng hợp). Thế nên quay về. Câu thơ hàm ý sự đối lập giữa cuộc sống điền viên thanh bạch với xã hội nhơ bẩn.
Uyên Minh truy cầu một đời sống tinh thần phong phú, như bài thơ Ẩm tửu ngũ thủ: "Kết lư tại nhân cảnh, Nhi vô xa mã huyên. Vấn quân hà năng nhĩ, Tâm viễn địa tự thiên. Thái cúc đông ly hạ, Du nhiên kiến Nam sơn. Sơn khí nhật tịch giai, Phi điểu tương dữ hoàn. Thử trung hữu chân ý, Dục biện dĩ vong ngôn." (Kết lều cỏ giữa cõi người, Chẳng nghe thấy tiếng xe ngựa qua lại. Hỏi ta tại sao có thể sống như vậy? Tâm lìa xa thì đã là ở nơi xa rồi, Hái hoa cúc ở hàng rào phía nam. Bỗng nhiên thấy núi Nam. Trong buổi chiều khí núi thật đẹp. Chim bay cùng nhau quay về. Trong đó có chứa đựng chân ý. Muốn nói ra nhưng lại quên lời.
Vương Quốc Duy coi câu "hái cúc" thể hiện cảnh ý "vô ngã" (vô ngã chi cảnh), "lấy vật để nhìn vật, cho nên không biết đâu là ta, không biết đâu là vật." (dĩ vật quan vật, cố bất tri hà giả vi ngã, hà giả vi vật). ông lại nói cái hay của bài thơ là ở chỗ không có sự phân biệt; ý nói tác giả tha thiết yêu thiên nhiên, đx hoà mình vào thiên nhiên, ngòi bút như không có dụng ý, lời thơ cứ tưh nhiên tuôn ra từ trong gan ruột; người đ