CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG
GIAI ĐOẠN 2017- 2022, TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-ĐHSPNTTW
ngày 14 tháng 07 năm 2017 của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW)
PHẦN THỨ NHẤT
SỨ MẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG
1. Sứ mạng
Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSP Nghệ thuật TW) là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục nghệ thuật đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
2. Tầm nhìn
Phấn đấu đến năm 2030, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục nghệ thuật có uy tín ở Việt Nam và hội nhập quốc tế.
3. Giá trị cốt lõi
Trách nhiệm, chuyên nghiệp, chất lượng, sáng tạo, nhân văn.
4. Định hướng phát triển
- Phát triển trường ĐHSP Nghệ thuật TW phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam;
- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa - nghệ thuật có chất lượng trong nền kinh tế tri thức vì lợi ích cộng đồng và xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện để cạnh tranh với những cơ sở đào tạo có uy tín cùng lĩnh vực trong nước, từng bước tiếp cận với chất lượng của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới;
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; Chủ động mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các loại hình hợp tác để nâng cao hình ảnh, uy tín của Trường;
- Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cán bộ quản lý đạt chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu để có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Nhà trường trong thời kì mới. Phấn đấu đến 2022, 100% giảng viên đạt trình độ sau đại học, có trên 50 tiến sĩ;
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng nghệ thuật
với hệ thống giảng đường, thư viện và hệ thống các dịch vụ cung cấp cho sinh viên có chất lượng cao.
5. Căn cứ pháp lý xây dựng chiến lược
- Luật Giáo dục đại học năm 2012;
- Điều lệ Trường Đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg, ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ;
- Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
- Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/10/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020;
- Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ;
- Nghị định 41/2012/NĐ-CP, ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập;
- Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Quyết định số 117/2006/QĐ-TTg, ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương;
- Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020;
- Quyết định số 6639/QĐ-BGDĐT ngày 29/12/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020;
PHẦN THỨ HAI
BỐI CẢNH VÀ THỰC TRẠNG
CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG
1. Bối cảnh trong nước và quốc tế
1.1. Bối cảnh quốc tế
Tốc độ phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới đã tạo ra những thành tựu mang tính đột phá, làm thay đổi căn bản những thuộc tính của nền kinh tế; đưa xã hội loài người chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh trí tuệ. Chưa bao giờ nguồn lực con người được đề cao và giáo dục đào tạo có thời cơ thuận lợi để phát triển như hiện nay.
Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gia tăng, các quốc gia tham gia ngày càng nhiều vào quá trình hợp tác và liên kết khu vực, liên kết quốc tế về thương mại, giáo dục, văn hóa nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác… Hợp tác giữa các nước ngày càng tăng khiến cạnh tranh cũng trở nên gay gắt, đòi hỏi các nước phải đổi mới công nghệ, phát triển giáo dục và dành cho giáo dục những đầu tư ưu tiên, đẩy mạnh cải cách giáo dục nhằm giành ưu thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Giáo dục trong thế kỷ XXI “phải thực hiện được sứ mệnh nhân văn tiến trình toàn cầu hóa, biến toàn cầu hóa thành điều có ý nghĩa đối với từng con người với tất cả các quốc gia”.
Thành tựu của khoa học kỹ thuật đặc biệt công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo cơ hội lớn cho tiến trình hiện đại hóa. Các phương tiện truyền thông, viễn thông, Internet tạo thuận lợi cho giao lưu tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời cũng diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhằm thích ứng với xu thế toàn cầu hóa, các trường đại học trên thế giới nhìn chung đều hướng tới việc phát huy nội lực, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, lâu dài; tăng cường đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tác động lên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa xã hội đến giáo dục. Ảnh hưởng của cách mạng 4.0 là máy móc dần thay thế sức người. Từ đó, vừa tạo ra vừa cơ hội tạo ra áp lực cho các trường đại học phải nâng cao chất lượng đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh cao.
1.2. Bối cảnh trong nước
Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tạo cơ hội cho kinh tế nước ta phát triển đồng thời mở ra thời cơ mới cho phát triển giáo dục đại học. Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội vàng, là bước ngoặt để giáo dục đại học Việt Nam phát triển sớm đuổi kịp được các nền giáo dục hiện đại trên thế giới.
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam khẳng định nhiệm vụ cơ bản của ngành giáo dục trong những năm tới là “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học, tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu học tập của nhân dân. Đến năm 2020, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới; có năng lực cạnh tranh cao, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 xác định rõ mục tiêu cụ thể của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học Việt Nam:
“Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục đại học; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động; một bộ phận có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới... Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỉ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350 - 400.
Để đạt được mục tiêu chiến lược, cần thực hiện tốt 8 giải pháp, trong đó chốt...Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo để đến năm 2020, 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sĩ trở lên; 100% giảng viên đại học và cao đẳng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ. Đồng thời, thực hiện đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học để đến năm 2020 có 25% giảng viên đại học là tiến sĩ”...
2. Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của Nhà trường
2.1. Cơ hội
Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, với đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, văn hóa nước ta có cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hóa mới, làm phong phú cho văn hóa của dân tộc, quảng bá được văn hóa của dân tộc ra thế giới.
Cơ chế thị trường huy động các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh tham gia vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, mở ra khả năng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo tiền đề cho việc phát triển “công nghiệp văn hóa”.
Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện, tạo cơ hội thuận lợi cho Nhà trường có thể tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến; có điều kiện để học tập kinh nghiệm xây dựng, phát triển của các trường đại học trong khu vực và thế giới.
Đất nước đang trong thời kỳ phát triển về cơ cấu dân số, với 2/3 dân số trong độ tuổi lao động, trong đó đến hơn 86% lực lượng chưa được đào tạo nghề. Nhu cầu lực lượng lao động có trình độ cao nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới đang là cơ hội rất lớn để Nhà trường phát triển.
Cùng với đó, uy tín về chất lượng giáo dục - đào tạo, vị thế của Nhà trường ngày càng được khẳng định trong hệ thống giáo dục quốc dân, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển về mọi mặt.
2.2. Thách thức
Bên cạnh các cơ hội luôn là những thách thức đối với sự phát triển của Nhà trường:
Những chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước, trong đó có sự phát triển quy mô giáo dục đại học và thực tế tuyển sinh đã tạo nên thách thức về thế và lực của Nhà trường trong hệ thống đa dạng hóa các trường đại học.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở đào tạo nước ngoài tại Việt Nam. Xu hướng du học tại chỗ đang tạo nhiều áp lực cạnh tranh không chỉ về sức hút đối với sinh viên mà còn cả đối với nguồn giáo viên có trình độ cao. Các hình thức hợp tác, liên kết đào tạo cũng đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi về ngành nghề đào tạo mới, về chất lượng trường đại học, về sản phẩm đào tạo, về tự do hoá cung ứng dịch vụ đào tạo đại học.
Quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, văn hóa và các hoạt động khác là một thách thức, đòi hỏi giáo dục đào tạo nước ta phải vươn lên đạt chuẩn khu vực và quốc tế; thúc đẩy các cơ sở giáo dục (trong đó có Trường ĐHSP NTTW) cần nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tạo thêm nguồn lực bổ sung về thông tin, tri thức, chuyên gia, tài chính để nâng cao trình độ giáo dục, rút ngắn khoảng cách với các cơ sở đào tạo tiên tiến trong khu vực, trên thế giới, tránh nguy cơ tụt hậu và đánh mất vị thế.
Các chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường ĐHSP NTTW cần phải theo hướng nghiên cứu mới, chuyên sâu nhằm đáp ứng với xu thế phát triển mới của đất nước và của khu vực. Đồng thời thích ứng được với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kế hoạch xây dựng và phát triển Nhà trường.
3. Thực trạng của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương
3.1. Về tổ chức, quản lý và đội ngũ
Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW là đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT; được tổ chức, quản lý phù hợp với quy định của Điều lệ trường đại học và các văn bản quy định của Nhà nước. Cơ cấu tổ chức Trường ĐHSP NTTW bao gồm: Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng khoa học và đào tạo, 09 phòng chức năng, 14 khoa chuyên môn, 03 trung tâm, 01 viện, 01 tạp chí, 01 website.
Quy định về tổ chức và quản lý Trường ĐHSP Nghệ thuật TW (Ban hành kèm theo Quyết định số 953/QĐ-ĐHSPNTTW ngày 30 tháng 6 năm 2017) nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và đội ngũ cán bộ quản lý đã tạo điều kiện cho các hoạt động được thực hiện một cách hiệu quả, có chất lượng. Trong những năm qua, Nhà trường đã từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, sắp xếp và hoàn chỉnh bộ máy phù hợp với vị thế và chức năng, nhiệm vụ của Trường. Trong giai đoạn hiện nay, sự mất cân đối về đội ngũ cán bộ, giảng viên, dư thừa lao động thực sự là vấn đề cần giải quyết.
Nhà trường coi trọng việc phát triển, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên. Có chính sách, biện pháp tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ được thực hiện rõ ràng, minh bạch.
Hiện nay, Nhà trường có đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có kinh nghiệm công tác, có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, được đảm bảo quyền lợi, không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ. Có 421 CB/GV. Trong đó, có 01 GS; 08 PGS; 27 TSKH/TS; 263 ThS và nhiều CB/GV đang theo học sau đại học. Có 04 NGUT; 01 NSUT; 09 GVCC, Chuyên viên CC; 57 GVC/CVC; 28 hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam/Hội mỹ thuật Hà Nội, 21 hội viên hội nhạc sĩ Việt Nam, 06 hội viên hội nhà báo Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ cao (GS, PGS, TS) chưa nhiều, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển nhà trường trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Cơ cấu về số lượng giảng viên vẫn chưa đồng đều giữa các ngành. Số giảng viên có các bài báo quốc tế, đề tài KHCN được các trường đại học khu vực và quốc tế biết đến còn ít. Nhiều cán bộ, giảng viên còn hạn chế về khả năng ngoại ngữ.
3.2. Về đào tạo
Hoạt động đào tạo của Nhà trường được thực hiện theo quy định và quy chế hiện hành của Bộ GD&ĐT, có sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc thù nghệ thuật; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, phát triển năng lực của người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo con người toàn diện.
Về loại hình đào tạo, có sau đại học, đại học và cao đẳng chính quy, liên thông từ trung cấp/cao đẳng lên đại học (chính quy, vừa làm vừa học); đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ... Về ngành học, hiện tại Trường đảm nhận 11 mã ngành đào tạo đại học, 03 mã ngành đào tạo thạc sĩ, 01 mã ngành đào tạo tiến sĩ.
Chương trình, nội dung đào tạo của Trường được xây dựng theo đúng quy định, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu giáo dục và chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo còn một số tồn tại: Nhà trường chưa tiến hành thường xuyên và hệ thống về công tác đánh giá chất lượng đào tạo. Việc xác định và ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo một số ngành trọng điểm chưa triệt để, chưa đạt mục tiêu đề ra. Giáo trình một số môn học chuyên ngành còn thiếu. Chưa có đội ngũ chuyên gia am hiểu về đào tạo theo hệ thống tín chỉ khối ngành nghệ thuật nên chưa phát huy hết ưu điểm của phương thức quản lý đào tạo này. Các hình thức liên thông, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước chưa đa dạng.
Trong giai đoạn tới, Nhà trường xác định hoạt động đào tạo lại và đào tạo mới giáo viên nghệ thuật là nhiệm vụ đột phá và có ý nghĩa chiến lược đối với một trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trọng điểm của đất nước.
3.3. Về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Trong những năm qua, hoạt động NCKH đã được chú trọng, đầu tư dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng; công tác NCKH đang từng bước phát triển. Nhà trường đã xây dựng, triển khai kế hoạch cho từng giai đoạn, từng năm học. Các đề tài đều gắn với mục tiêu và chương trình đào tạo của Trường, được thực hiện và nghiệm thu đúng thời hạn.
Hoạt động HTQT cũng đạt được một số kết quả nhất định. Trường chủ động thiết lập các quan hệ giao lưu, hợp tác trao đổi học thuật với các trường đại học, các tổ chức giáo dục nước ngoài. Nhiều dự án trong và ngoài nước đã và đang được triển khai có hiệu quả, được Bộ GD&ĐT đánh giá cao và thiết thực trong công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực chuyên môn và NCKH, tạo bước chuyển biến tích cực về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của trường. Uy tín của Nhà trường ngày càng được nâng cao trong khối ngành nghệ thuật, trên thị trường giáo dục trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, công tác NCKH và HTQT còn một số tồn tại cần khắc phục:
Chưa tập hợp được rộng rãi đội ngũ các nhà khoa học của Trường để xây dựng đề tài nghiên cứu, chương trình, dự án lớn, trọng điểm theo hướng chuyên ngành, liên ngành. Các công trình nghiên cứu khoa học còn mang tính đơn lẻ, chưa có sự tập trung cao về trí tuệ để giải quyết có hiệu quả những vấn đề lớn của thực tiễn. Hầu hết các cán bộ, giảng viên đều có chuyên môn về nghệ thuật, tuy nhiên về khả năng NCKH của đội ngũ giảng viên nghệ thuật còn hạn chế. Việc đưa đề tài khoa học áp dụng vào thực tế dạy học còn yếu (nhất là lĩnh vực chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ), chưa có nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Công tác HTQT của Trường trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Số lượng các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật, các dự án hợp tác với đơn vị, tổ chức nước ngoài được ký kết và triển khai chưa nhiều.
Đội ngũ cán bộ làm công tác HTQT còn mỏng và chưa có chuyên môn sâu. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý tham gia các dự án, liên kết HTQT còn ít, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế dẫn đến không tự tin, thiếu chủ động trong hoạt động HTQT.
3.4. Cơ sở vật chất
Từ khi được nâng cấp lên trường đại học, song song với các công tác khác, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập về cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ giảng dạy, học tập, thực hành, NCKH của cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Từ năm 2012 đến 2017, Nhà trường đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo nâng cấp các công trình cho dạy và học; mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Cụ thể: Công trình nhà đa chức năng với diện tích sàn xây dựng 7.360m2; nâng cấp khu vực Hiệu bộ, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập các chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, thiết kế thời trang; cải tạo lớp học nhà C, sửa chữa nâng cấp nhà Kí túc xá sinh viên; mua sắm bàn ghế, đàn Piano, tivi, đầu đĩa, thiết bị âm thanh, máy vi tính, phần mềm quản lý, nâng cấp mạng Internet...
Đến nay, Nhà trường đã đưa vào sử dụng các công trình quan trọng như: Phòng truyền thống, Nhà đa chức năng (nhà E), Nhà ăn câu lạc bộ sinh viên, Sân vận động... phục vụ cho các hoạt động giảng dạy, học tập thể dục thể thao... của cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường.
Tuy nhiên, thư viện diện tích còn hẹp, tài liệu phục vụ cho đào tạo còn hạn chế. Trang thiết bị bổ sung hàng năm chưa phù hợp với sự phát triển của Nhà trường, thiết bị cũ, lạc hậu, chưa đồng bộ; các chuyên ngành đào tạo của Nhà trường mang tính đặc thù do vậy một số phòng học chưa đạt yêu cầu về diện tích, ánh sáng và các thiết bị đặc thù chuyên ngành; Kinh phí bổ sung về cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập còn hạn hẹp, chưa phù hợp thực tế.
3.5. Nguồn lực tài chính
Tài chính và quản lý tài chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, liên quan và gắn liền với mọi mặt hoạt động của Nhà trường. Trường ĐHSP NTTW là đơn vị hành chính sự nghiệp, nguồn tài chính chủ yếu từ 2 nguồn chính:
- Nguồn kinh phí ngân sách cấp;
- Nguồn thu sự nghiệp.
Trong những năm qua, Nhà trường đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách và pháp luật nhà nước, các quy định, hướng dẫn của cấp trên về chế độ thu chi, quản lý tài chính, tài sản. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh và bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài chính tài sản theo tinh thần Nghị định 43 của Chính phủ, đưa công tác quản lý tài chính của Trường đi vào nề nếp, chủ động và tích cực; sử dụng hợp lý nguồn thu ngân sách. Công tác quản lý tài chính đã thực sự phục vụ đắc lực cho các hoạt động đào tạo, NCKH, đầu tư phát triển và các hoạt động khác như văn nghệ, thể thao và các hoạt động xã hội khác... góp phần tích cực cho sự phát triển của Trường.
Nguồn thu ngân sách và thu sự nghiệp còn thấp, các hoạt động nghiên cứu khoa học, dự án hợp tác và các dịch vụ đào tạo tư vấn chưa nhiều và chưa đem lại nguồn thu đáng kể để bổ sung và tăng nguồn kinh phí hoạt động cho đơn vị.
PHẦN THỨ BA
MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Mục tiêu chiến lược
Xây dựng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về giáo dục nghệ thuật ngang tầm các trường Đại học tiên tiến trong khu vực; là cơ sở bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và ứng dụng nghệ thuật uy tín của Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể và các giải pháp cơ bản
2.1. Tổ chức Đảng
- Mục tiêu: Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh theo nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tạo niềm tin vững chắc của cán bộ, giảng viên và sinh viên với Đảng bộ Nhà trường.
- Nội dung:
+ Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ, trên cơ sở quán triệt nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chú trọng công tác phát triển Đảng;
+ Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng viên có đủ năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và phù hợp với thực tiễn của Nhà trường;
+ Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong nội bộ Đảng; chỉnh đốn, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị của Đảng viên;
+ Xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của cán bộ, quần chúng, nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
2.2. Tổ chức bộ máy và nhân sự
- Mục tiêu: Phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý toàn diện song chú trọng phát triển chất lượng, nâng cao trình độ. Có lộ trình điều chỉnh cân đối và đồng bộ về cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Phấn đấu năm 2030, có 500 cán bộ, giảng viên, trong đó 100% giảng viên đạt trình độ sau đại học, có trên 50 Tiến sĩ.
- Nội dung:
+ Hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng nguồn nhân lực hiện có. Hoàn thiện hệ thống văn bản về quản lý theo hướng phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của tập thể và cá nhân;
+ Rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các đơn vị phòng, khoa, viện, trung tâm và bộ môn để từ đó kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ phù hợp với thực tiễn hoạt động của trường nghệ thuật, đáp ứng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo - bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học với chất lượng cao. Tăng cường tính tự chủ cho các khoa chuyên môn;
+ Phát triển nguồn nhân lực hợp lý, có chính sách thu hút nhân tài, mở rộng quy mô đào tạo, hoàn chỉnh hơn nữa bộ máy tổ chức, tiếp tục chính sách khuyến khích cán bộ, giảng viên đi học, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
+ Coi trọng và có chính sách, biện pháp tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ được thực hiện rõ ràng, minh bạch.
2.3. Quy mô đào tạo
- Mục tiêu: Đa dạng hóa các ngành, trình độ và loại hình đào tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường; cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật đảm bảo theo yêu cầu chuẩn đầu ra về phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế
+ Tiếp tục phát triển không những về quy mô mà còn không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện để cạnh tranh với những cơ sở đào tạo uy tín cùng lĩnh vực trong nước. Tiếp cận với chất lượng của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới;
+ Đa dạng hoá các loại hình đào tạo: vừa học vừa làm, liên thông, liên kết, văn bằng 2… nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục phát triển công tác đào tạo liên kết với các địa phương, nâng cao chất lượng cho nguồn lao động tại chỗ của các địa phương. Đặc biệt chú ý đến công tác bồi dưỡng - đào tạo lại đội ngũ giáo viên nghệ thuật ở các trường phổ thông để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp, đổi mới giáo dục nghệ thuật trong các trường phổ thông;
+ Xây dựng quy trình tuyển sinh riêng, mang tính đặc thù đối với đối tượng đào tạo, đồng thời áp dụng phương thức quản lý đào tạo tiên tiến, hiện đại, hướng tới người học;
+ Định hướng xây dựng chương trình theo hướng hiện đại, tiên tiến, liên thông, tiếp cận và hội nhập với các chương trình đào tạo của một số nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Củng cố và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo đã có, đồng thời nghiên cứu mở những mã ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay như ngành: Quản lý văn hóa trình độ tiến sĩ, Báo chí nghệ thuật… góp phần chuẩn hóa đội ngũ khối ngành giáo dục và văn hóa - nghệ thuật.
Quy mô đào tạo
TT | Chỉ số | 2017 | 2022 | 2030 |
| Quy mô đào tạo toàn Trường | 4.683 | 4.950 | 6.000 |
1 | Tiến sĩ | 33 | 50 | 100 |
2 | Thạc sĩ | 560 | 500 | 600 |
3 | Đại học, cao đẳng | 4.090 | 4.400 | 5.000 |
2.4. Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ
- Mục tiêu: Trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ có uy tín ở Việt Nam về văn hóa, giáo dục nghệ thuật. Là cơ sở tin cậy cho Nhà nước, các doanh nghiệp, cơ quan địa phương trong và ngoài nước đặt hàng các dự án, đề tài khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật. Phấn đấu đến năm 2020, hoạt động khoa học công nghệ mang lại nguồn thu của Trường và hàng năm có từ 03 đến 05 văn bằng sở hữu trí tuệ.
- Nội dung:
+ Xây dựng quy chế quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, giảng viên đối với công tác nghiên cứu khoa học và đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và các khoa trong thi đua hàng năm;
+ Xây dựng các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học, đặc biệt nhấn mạnh chương trình thực tập sinh ngắn hạn; có chính sách thu hút cán bộ khoa học đầu ngành trong và ngoài nước về giảng dạy và nghiên cứu tại Trường. Khuyến khích và tạo điều kiện để các giảng viên, sinh viên tham gia thực hiện các đề tài, dự án khoa học;
+ Thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề để các giảng viên, sinh viên được trao đổi, học tập với các nhà nghiên cứu có uy tín cao trong và ngoài nước. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học các cấp trên cơ sở phát huy vai trò hoạt động của hội đồng khoa học và đào tạo của Trường và các khoa chuyên ngành;
+ Phát triển Trung tâm Ứng dụng và phát triển nghệ thuật, Viện nghiên cứu Sư phạm nghệ thuật của Trường theo hướng:
a. Nghiên cứu phát triển giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam
<