Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động với sứ mệnh của một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng có chất lượng cao theo hướng Chuyên ngành – Đa cấp – Liên thông- Hội nhập…
1. KHÁI QUÁT CHUNG
Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội; hoạt động theo quy chế trường đại học tư thục, được thành lập theo Quyết định số 2336/2010/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Trường Đại học Tài chính-Ngân hàng Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động với sứ mệnh của một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng có chất lượng cao theo hướng Chuyên ngành – Đa cấp – Liên thông- Hội nhập và nghiên cứu khoa học kinh tế – tài chính phục vụ sự phát triển của đất nước.
1.1 Ngành, chuyên ngành đào tạo
a. Năm ngành đào tạo đại học chính quy: Tài chính – Ngân hàng (Mã số: D340201); Kế toán ( Mã số: D340301); Kiểm toán (Mã số D340302); Quản trị Kinh doanh (D340101); Kinh doanh Thương mại (Mã số D340121). Trong năm học 2012-2013, Trường sẽ mở 05 chuyên ngành đại học chính quy là Tài chính doanh nghiêp, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Quản trị kinh doanh.
b. Hai ngành đào tạo cao đẳng là Tài chính – Ngân hàng (Mã số: C340201) và Kế toán (Mã số: C340301). Trong năm học 2012-2013 Trường sẽ mở 02 chuyên ngành đào tạo cao đẳng là Tài chính doanh nghiệp và Kế toán.
1.2 Cơ sở vật chất
a. Cơ sở 1: Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội. Tại đây, trên mặt bằng 11 ha đất, các hạng mục công trình của Trường đang được triển khai thi công.
b. Cơ sở 2: 136 Phạm Văn Đồng, Từ Liêm, Hà Nội. Đây là cơ sở để Trường triển khai hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong một số năm đầu. Tại cơ sở này, Trường đã chuẩn bị đầy đủ phòng học; xây dựng Thư viện truyền thống kết hợp điện tử, phòng thực hành nghề nghiệp, phòng luyện âm, phòng làm việc cho bộ máy quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học … với đầy đủ trang thiết bị cần thiết.
Phối cảnh trường đại học Tài Chính – Ngân Hàng Hà Nội
1.3 Đội ngũ giảng viên
Hiện nay trường có đội ngũ giảng viên cơ hữu 110 người trong đó có 05 Giáo sư và Phó giáo sư, 37 Tiến sỹ khoa học và Tiến sỹ, còn lại là Thạc sỹ và cử nhân
2. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
2.1 Mục tiêu
Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 trở thành 1 trường Đại học tiên tiến hàng đầu ở Việt Nam với những mục tiêu cơ bản:
a) Chất lượng đầu ra của các khóa đào tạo tại trường ngang bằng với chất lượng đầu ra của các trường đại học kinh tế hàng đầu ở Việt Nam; tiếp tục nâng cao chất lượng đầu ra của các khóa đào tạo kế tiếp theo hướng hội nhập quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp có kiến thức chuyên môn vững vàng, tay nghề thành thạo, sử dụng tốt tin học và tiếng Anh trong nghề nghiệp;
b) Thành quả nghiên cứu khoa học phong phú, đa dạng có thể ứng dụng trong thực tiễn quản lý kinh tế – tài chính; Biên soạn đầy đủ hệ thống giáo trình nghiệp vụ đặc trưng của Trường;
c) Tài chính nhà trường vững mạnh, minh bạch, công khai, có tích lũy dựa trên nền tảng hoạt động đa dạng về đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ với bộ máy quản lý gọn nhẹ, hiệu suất cao.
2.2 Những giải pháp cơ bản nhằm đạt được mục tiêu
2.2.1 Sử dụng công nghệ đào tạo tiên tiến
Giải pháp này bao gồm các biện pháp cụ thể như:
- Áp dụng sáng tạo phương thức đào tạo đại học, cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ phù hợp với điều kiện của Trường.
- Kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành trong suốt quy trình đào tạo.
- Thu hút tối đa các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia vào quy trình đào tạo.
- Tuyển chọn giảng viên giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành.
- Tạo dựng cơ sở vật chất theo chuẩn mực quốc tế.
- Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Mặt khác, giải pháp này còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như:
- Tạo lập sự liên thông trong và ngoài nước: Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc học liên thông giữa các cấp, các ngành đào tạo trong Trường. Đồng thời, tiến tới tạo môi trường thuận lợi cho việc đào tạo liên thông giữa Trường với các trường đại học trong nước và nước ngoài.
- Chuyên gia, các nhà quản trị làm giảng viên: Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu nhà trường sẽ thu hút giảng viên thỉnh giảng có uy tín từ các trường đại học, viên nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế – tài chính trong và ngoài nước đến Trường giảng bài, trao đổi học thuật dưới nhiều hình thức thiết thực và bổ ích.
- Truyền đạt những kỹ năng mềm cốt lõi: Trang bị cho sinh viên các kỹ năng mềm trong đó đặc biệt quan trọng là: kỹ năng giao tiếp, ứng xử có văn hóa, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng lãnh đạo, quản lý v.v.
- Tăng cường mối liên kết với các doanh nghiệp và các tổ chức đối tác cho sinh viên: Trường sẽ thường xuyên tạo mối liên kết với các doanh nghiệp và các tổ chức nhằm tư vấn cho sinh viên trong việc hướng nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp để giúp họ trưởng thành nhanh nhất.
2.2.2 Đầu tư xây dựng Trường sở khang trang
– Hình thành khuôn viên xinh đẹp: Khuôn viên của Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội sẽ được quy hoạch trong một không gian rộng trên mười hecta. Cảnh quan được thiết kế kết hợp giữa kiến trúc hiện đại với một môi trường tự nhiên (cây xanh, vườn hoa, hồ nước, công viên…), tạo dựng môi trường sống như một đô thị thu nhỏ.
– Hạ tầng hiện đại: Đường giao thông, điện, cấp thoát nước và các hệ thống ngầm được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
– Phòng thực hành hiện đại và hệ thống thông tin tiên tiến: Đầu tư xây dựng các phòng thực hành tầm cỡ. Đồng thời mời gọi các công ty lớn xây dựng các Trung tậm nghiên cứu tại Trường. Tin học hoá tối đa các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trường sẽ đặc biệt quan tâm đến đào tạo trực tuyến, hệ thống video-conferrence, hạ tầng kết nối băng thông rộng (hữu tuyến và vô tuyến) được kết nối với các thư viện điện tử lớn trong nước và trên thế giới. Có thể kết nối Internet ở bất kỳ điểm nào trong khuôn viên của Trường. Các phòng học, thư viện, văn phòng của Trường đều được lắp điều hoà và có các thiết bị phục vụ hiện đại.
– Hạ tầng văn hoá thể thao phong phú: Thiết lập hệ thống sân bóng đá, sân bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bể bơi, tennis, bóng bàn, thể dục dụng cụ, thể hình, nhà hát, rạp chiếu phim,… đủ sức đáp ứng nhu cầu rèn luyện và giải trí của sinh viên.
– Môi trường sống tiện nghi: Các khu ký túc xá của Trường sẽ được thiết kế theo chuẩn Việt Nam và quốc tế. Hệ thống các cửa hàng, nhà hàng sẽ được bố trí tiện lợi cho sinh viên.
2.2.3 Hợp tác quốc tế rộng rãi
– Cơ hội làm việc toàn cầu: Phấn đấu để sinh viên tốt nghiệp được chấp nhận làm việc ở các nước trên thế giới.
– Công nghệ đào tạo theo chuẩn quốc tế: Quy chuẩn hóa toàn bộ các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường theo đẳng cấp chất lượng quốc tế bắt đầu bằng chuẩn ISO-9000.
– Hợp tác quốc tế rộng rãi trong đào tạo và nghiên cứu khoa học: Triển khai việc hợp tác với các trường đại học lớn trên thế giới. Khuôn khổ hợp tác bao gồm chuyển giao công nghệ, tư vấn xây dựng khung chương trình và giáo trình, trao đổi sinh viên và giảng viên, nghiên cứu khoa học – công nghệ. Những sinh viên xuất sắc có thể được chuyển tiếp làm thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đối tác. Các giảng viên của Trường có thể tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đối tác.
2.2.4 Cơ sở tài chính vững mạnh đảm bảo xây dựng trường tại xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội
Hội đồng quản trị đã nhất trí đưa ra nghị quyết huy động đủ số vốn khoảng 1000 tỷ đồng trong 3 năm 2012, 2013 và 2014. So với tổng số vốn cần huy động ghi trong giấp phép đầu tư năm 2010, số vốn cần huy động trong 3 năm nói trên gấp hơn 2 lần.
Mặt khác, Trường đã xây dựng lịch trình cụ thể theo quý, năm về tiến độ thi công các hạng mục chính như kí túc xá, giảng đường, nhà làm việc, khu thể thao, phòng thực hành, v.v.; xây dựng và triển khai kế hoạch huy động, sử dụng và hoàn trả các nguồn vốn dùng cho xây dựng Trường.. Phấn đấu đến năm 2016 về cơ bản xây dựng xong các hạng mục công trình chính, để đưa vào khai thác, phục vụ hoạt động đào tạo.
3. SỨ MẠNG, TẦM NHÌN VÀ CÁC GIÁ TRỊ CỐT LÕI
3.1 Sứ mạng
Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong các lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Quản trị kinh doanh và Kinh doanh thương mại; nghiên cứu, chuyển giao những thành tựu khoa học về quản trị và kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; tham gia hoạch định chiến lược, chính sách cho các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
3.2 Tầm nhìn
Đến năm 2050, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội sẽ khẳng định là một trường đại học chuyên ngành, đa cấp, liên thông và hội nhập.
3.3 Các giá trị cốt lõi
– Trọng giá trị tri thức và thượng tôn đạo đức nghề nghiệp
Xây dựng môi trường giáo dục, khoa học – công nghệ sáng tạo, biết phát huy giá trị tri thức để đào tạo những con người vừa có năng lực chuyên môn cao, vừa là công dân có trách nhiệm xã hội.
– Khuyến khích sáng tạo và nuôi dưỡng sự say mê
Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội là một môi trường khuyến khích, sáng tạo và đổi mới; là nơi nuôi dưỡng niềm say mê của các thế hệ giảng viên, cán bộ công nhân viên, sinh viên và tương lai cho các học viên sau đại học. Đó là nền tảng đổi mới và tạo ra những đột phá để phát triển thương hiệu của Nhà trường.
– Tôn trọng sự khác biệt và coi trọng hợp tác
Sự cộng hưởng của sức mạnh hợp tác với sự khác biệt giúp Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội gắn kết mọi thành viên theo mục tiêu chung, tạo nên hợp lực mạnh mẽ nhất. Nhà trường đề cao và tôn trọng tính tự chủ trong học thuật.
– Coi trọng chất lượng là uy tín và là danh dự
Chất lượng trong đào tạo vừa là con đường, vừa là mục tiêu phấn đấu để Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đạt đến tầm khu vực và quốc tế. Chất lượng được thể hiện trong mọi mặt hoạt động của Nhà trường.
4. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2040
4.1 Mục tiêu chung
– Đến năm 2030, Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, gắn với nhu cầu xã hội, đạt tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có một số chuyên ngành đạt chuẩn chất lượng của mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA).
– Đến năm 2040, Trường sẽ đạt đẳng cấp một trong 200 đại học tiên tiến của khu vực Đông Nam Á.
4.2 Mục tiêu cụ thể
– Về đào tạo: Từ năm 2016, Nhà trường phấn đấu có cấp độ đào tạo thạc sĩ và đến năm 2020 có cấp độ đào tạo tiến sĩ. Năm 2030, Trường có 5 ngành đạt kiểm định AUN-QA. Năm 2030 Trường đạt quy mô 10.500, năm 2040 đạt quy mô trên 17.500 sinh viên, học viên sau đại học.
– Về khoa học – công nghệ: Xây dựng Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu – tư vấn của Việt Nam về chiến lược và chính sách kinh tế quốc gia.
– Về hợp tác quốc tế: Đến năm 2030, tất cả các Khoa chuyên môn thực hiện liên kết đào tạo và nghiên cứu quốc tế trực tiếp. Đến năm 2040, Trường thực hiện liên kết đào tạo ở tất cả các cấp độ với các trường đại học lớn trong khối G20, và thực hiện liên kết đào tạo sang các nước trong khu vực.
– Về nhân lực: Đến năm 2030, quy mô nguồn nhân lực là 400 CBGV, trong đó có trên 70% là giảng viên với 75% thạc sĩ, 25% tiến sỹ. Đến năm 2040, quy mô nguồn nhân lực là 700 CBGV, trong đó có trên 80% là giảng viên với 70% thạc sỹ, 30% tiến sỹ.
– Về cơ sở vật chất: Phát triển cơ sở vật chất theo định hướng hiện đại, đồng bộ, quy mô lớn trên một không gian địa lý khoảng 11ha.
– Về giá trị văn hóa: Xây dựng các giá trị văn hóa Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội với sự kết hợp truyền thống và các giá trị hiện đại.