Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên tiền thân là Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc được thành lập ngày 18/07/1966 theo Quyết định số 127/CP của Chính phủ. Đến năm 1994, Chính phủ thành lập Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc trở thành cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên, có tên mới là Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên (ĐHSP – ĐHTN).
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHSP – ĐHTN luôn kiên định với sứ mạng: là cơ sở đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao; là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. | |
Đội ngũ giảng viên của Trường ngày một lớn mạnh, đáp ứng tốt những yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Tính đến 12/2016, Trường có 562 cán bộ, giảng viên. Trong 386 giảng viên, 34 người có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, 154 giảng viên có trình độ Tiến sĩ (chiếm tỷ lệ gần 40%) và 75 giảng viên đang học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.
Những ngày đầu thành lập, Trường chỉ là cơ sở đào tạo giáo viên trung học phổ thông cho con em đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc với 07 chuyên ngành đào tạo, đến nay, Trường ĐHSP-ĐHTN đã khẳng định được vị trí trong hệ thống các trường đại học sư phạm cả nước. Với 13 chuyên ngành tiến sĩ, 23 chuyên ngành thạc sĩ, 27 chương trình đại học và các chương trình cấp chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, Trường đã đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho cả nước. Tính đến tháng 12/2016, Trường có gần 14.000 người học ở tất cả các hệ đào tạo, trong đó gần 1000 học viên cao học, 123 nghiên cứu sinh. Ngoài ra, Trường đang đào tạo gần 300 lưu học sinh quốc tế ở tất cả các bậc học. Từ khi thành lập đến nay, Trường đã đào tạo gần 100.000 giáo viên, cán bộ quản lý; gần 3.500 thạc sỹ, trên 70 tiến sĩ cho đất nước và hơn 500 sinh viên quốc tế.
Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Trường đã có nhiều đóng góp to lớn, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách trong phát triển kinh tế xã hội, giáo dục đào tạo. Cán bộ Nhà trường đã tham gia hằng chục đề tài NCKH trọng điểm cấp Nhà nước; thực hiện hằng trăm đề tài NCKH cấp Bộ, cấp Đại học. Cán bộ, giảng viên Nhà trường đã công bố hằng trăm bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín trong hệ thống ISI. Cùng với hoạt động NCKH của giảng viên, hoạt động NCKH của sinh viên luôn được Trường quan tâm đầu tư, hằng năm, sinh viên của Trường đều giành thứ hạng cao trong giải thưởng sinh viên NCKH toàn quốc.
Về hợp tác quốc tế, Trường có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kì, Đức, Úc, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia. Trường đã kí nhiều biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác; đã tổ chức hằng trăm lượt cán bộ đi thực tập khoa học, trao đổi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài. Đồng thời, Trường đã thu hút hằng chục giáo viên nước ngoài đến tình nguyện giảng dạy cho sinh viên của Trường.
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong 50 năm xây dựng và phát triển, Trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý:
- 02 Huân chương Lao động hạng Ba (1967, 1982);
- 02 Huân chương Lao động hạng Nhì (1989, 1991);
- 01 Huân chương Lao động hạng Nhất (1996);
- 01 Huân chương Độc lập hạng Ba (2001);
- 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì (2005);
- 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất (2011);
- 01 Huân chương Hữu nghị của Nước CHDCND Lào (2016);
- Đặc biệt, năm 2015, Trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - Danh hiệu Anh hùng Lao động.
Trong 10 năm gần đây, tập thể Trường đã được các cấp tặng thưởng 17 Cờ thi đua: 04 Cờ của Chính phủ, 05 Cờ của Bộ GD&ĐT, 06 Cờ của tỉnh Thái Nguyên và 02 Cờ của Bộ Công an, 43 Bằng khen Tỉnh, Bộ, Ngành. Liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu trong Đảng bộ Đại học Thái Nguyên; Liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, đơn vị tiến tiến xuất sắc trong khối thi đua Đại học Thái Nguyên và Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Có thể khẳng định trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên là một trong các trường có vị trí quan trọng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục. Trong những năm tới, với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa – giáo dục miền núi nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng nhân lực khoa học – công nghệ trình độ cao, Trường Đại học Sư phạm nhận thức được nhiệm vụ đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để khẳng định vai trò cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xứng đáng là Trường trọng điểm trong đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đổi với các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc.
CÁC ĐƠN VỊ TRONG TRƯỜNG:
Phòng Đào tạo | Khoa Toán |
Phòng Hành chính Tổ chức | Khoa Vật lí |
Phòng Khảo thí & ĐBCLGD | Khoa Hóa học |
Phòng Thanh tra – Pháp chế | Khoa Sinh học |
Phòng Kế hoạch – Tài chính | Khoa Ngữ văn |
Phòng QLKH - HTQT | Khoa Lịch sử |
Phòng Công tác HSSV | Khoa Địa lý |
Phòng Quản trị - Phục vụ | Khoa Giáo dục Chính trị |
Trung tâm Thông tin – Thư viện | Khoa Thể dục Thể thao |
Trung tâm Ngoại ngữ | Khoa Tâm lý Giáo dục |
Viện nghiên cứu xã hội nhân văn miền núi | Khoa Giáo dục Mầm non |
Ban Bảo vệ | Khoa Giáo dục Tiểu học |
Ban Quản lý ký túc xá | Bộ môn Ngoại ngữ |
Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm | Bộ môn Giáo dục nghệ thuật |
Trung tâm Tin học Miền núi | Trường THPT Thái Nguyên |
Trung tâm Hợp tác Quốc tế và Đào tạo Tiếng Việt cho người nước ngoài | |
SỨ MẠNG, MỤC TIÊU, TẦM NHÌN VÀ CÁC GIÁ TRỊ
1. Sứ mạng
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên là cơ sở đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao; là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, phục vụ sự nghiệp giáo dục – đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
2. Mục tiêu
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông; NCKH phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, phát triển KT - XH của cả nước. Người học sau khi tốt nghiệp có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có kiến thức cơ bản, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; có khả năng tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo và giải quyết những yêu cầu của lý luận, thực tiễn giáo dục đặt ra; có năng lực ngoại ngữ, tin học đủ đáp ứng yêu cầu công việc và hội nhập quốc tế.
3. Tầm nhìn 2030
Đến năm 2030, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên là trường đại học trọng điểm theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, ngang tầm với các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á và hội nhập quốc tế; có môi trường học tập, nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp có nền tảng học vấn rộng, chuyên sâu, có đủ năng lực cạch tranh và thích ứng với nền giáo dục phát triển.
4. Các giá trị
Các giá trị đã trở thành cốt lõi, truyền thống của Trường Đại học Sư phạm sau 50 năm xây dựng và phát triển là: Đoàn kết; sáng tạo; thích ứng; hội nhập; phát triển.