Quá trình hình thành và phát triển
Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10 tháng 11 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Khoa Pháp lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng Pháp lý Việt Nam. Lúc đó, Trường có tên là Trường Đại học Pháp lý Hà Nội.
Trong những năm đầu khi mới thành lập và bước vào hoạt động, Trường gặp rất nhiều khó khăn: Tổ chức bộ máy của Trường còn sơ khai, cơ sở vật chất nghèo nàn, địa điểm ở xa trung tâm Hà Nội (tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ); quy mô tuyển sinh của Trường chỉ hạn chế ở 3 bậc đào tạo là trung cấp, cao đẳng và đại học với số lượng nhỏ.
Đến năm 1982, đáp ứng yêu cầu tăng cường đào tạo cán bộ pháp luật, Bộ Tư pháp đã quyết định mở rộng quy mô Trường và thống nhất một đầu mối đào tạo nguồn nhân lực pháp luật ở Việt Nam bằng cách sáp nhập Trường Trung học chuyên nghiệp Pháp lý I và Trường Cán bộ Toà án Hà Nội vào Trường Đại học Pháp lý Hà Nội.
Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, Trường đã được mang tên gọi mới là “Trường Đại học Luật Hà Nội” (theo Quyết định số 369-QĐ/TC ngày 06/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
Trải qua 35 năm phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phát triển khá toàn diện, vững chắc, xứng đáng là cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật lớn nhất của cả nước với đội ngũ giảng viên là các nhà khoa học có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, năng lực, phẩm chất tốt; cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Đặc biệt đến nay, cùng với Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Hà Nội đã được xác định mục tiêu là xây dựng thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật (Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ ) với đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến; cơ sở vật chất kĩ thuật, trang thiết bị, cơ sở thực hành và thư viện hiện đại, có mô hình quản trị tiên tiến.
35 năm qua, đã có 7 nhà giáo, nhà khoa học giữ cương vị Hiệu trưởng lãnh đạo quá trình xây dựng và phát triển của Trường
Đảng bộ Trường được thành lập từ năm 1982. Gần 30 năm qua, có 9 đồng chí giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Luật Hà Nội:
Nhiệm kỳ | Năm | Bí thư | SLBCH |
Khoá I | Tháng 4/1978 – 1981 | Nguyễn Xuân May | 9 |
Tháng 7/1981- 1982 | Đỗ Hữu Uyển | 9 |
Khoá II | Tháng 5/1982- 1984 | Nguyễn Hồng Minh | 9 |
1984- 1988 | Phan Hữu Chi | 9 |
Khoá III | 1988- 1992 | Lê Minh Tâm | 13 |
Khoá IV | 1992- 1994 | Lê Minh Tâm | 11 |
Khoá V | 1994- 1996 | Lê Minh Tâm | 11 |
Khoá VI | 1996- 1999 | Nguyễn Ngọc Hoà | 11 |
Khoá VII | 1999- 2001 | Trần Đức Thìn | 11 |
Khoá VIII | 2001- 2005 | Trần Đức Thìn | 13 |
Khoá IX | 2005- 4/2010 | Trần Đức Thìn | 13 |
Tháng 4/010- 6/2010 | Hoàng Thế Liên | 13 |
Khoá X | 2010- 3/2012 | Hoàng Thế Liên | 12 |
Tháng 4/2012-nay | Phan Chí Hiếu | 11 |
Sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu
1. Trường Đại học Luật Hà Nội là trường đại học có định hướng nghiên cứu; có sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đất nước, cung cấp các sản phẩm khoa học và dịch vụ pháp lý chất lượng cao cho Nhà nước, xã hội và người dân, tham gia tích cực trong công tác xây dựng pháp luật và chính sách, phản biện xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội xác định tầm nhìn trở thành trường đại học trọng điểm đào tạo pháp luật và cán bộ về pháp luật ở Việt Nam, phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo luật có uy tín, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá khoa học pháp lý hàng đầu của Việt Nam và có thương hiệu trong khu vực Đông Nam Á.
3. Trường Đại học Luật Hà Nội xác định mục tiêu phát triển theo các định hướng cơ bản sau đây:
a. Về đào tạo
Không ngừng nâng cao và tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, tiếp cận chất lượng đào tạo của khu vực Đông Nam Á và của các nước phát triển trên thế giới.
Phát triển các chương trình đào tạo, đảm bảo tính liên thông trong đào tạo và đa dạng hóa các hình thức đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao, đào tạo theo nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Triển khai phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường khả năng tự chủ động học tập của người học.
b. Về nghiên cứu khoa học
Xây dựng Trường thành trung tâm nghiên cứu, trung tâm học thuật và trao đổi các ý tưởng khoa học pháp lý có uy tín tại Việt Nam; ưu tiên công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng gắn với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.
c. Về tổ chức cán bộ
Tổ chức bộ máy và mô hình quản trị tiên tiến, phù hợp với các quy định của pháp luật theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng có trình độ chuyên môn sâu. có năng lực tốt trong giảng dạy, năng lực nghiên cứu và năng lực hướng dẫn khoa học.
Chú trọng liên tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp sư phạm cho giảng viên, nâng cao hiểu quả công tác của công chức, viên chức, người lap động; tạo nhiều cơ hội và tạo điều kiện tối đa cho công chức, viên chức, người lao động được đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài.
d. Về hợp tác trong nước và quốc tế
Tăng cường phát triển hợp tác trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng được nhu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; huy động toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Trường tham gia vào các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế với phương châm thiết thực, hiệu quả và cùng có lợi; có cơ chế thích hợp để thu hút được các chuyên gia pháp lý có trình độ cao của Việt Nam và của nước ngoài cộng tác với Trường.
đ. Về các hoạt động phục vụ cộng đồng
Tích cực góp phần tham gia hoàn thiện pháp luật, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ pháp lý phục vụ thiết thực như cầu của cộng đồng.
e. Về cơ sở vật chất và tài chính
Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến; ưu tiên đầu tư, xây dựng hệ thống hội trường, phòng học đa năng, cơ sở thực hành, thư viện hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và tư vấn pháp luật. Từng bước thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động của Trường theo quy định.