Thông tin

Mã trường DKS

Số điện thoại 04 3287 8340 - 04 3358 1280

Email tuyensinh@tks.edu.vn

Website http://tks.edu.vn

Địa chỉ Phường Dương Nội - Quận Hà Đông - TP.Hà Nội

Đại học Kiếm Sát Hà Nội

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành Kiểm sát, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho xã hội; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm tra viên, kiểm sát viên, điều tra viên, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Lịch sử hình thành phát triển của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Sự ra đời và phát triển của Trường Cán bộ Kiểm sát - tiền thân của Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát

Vào thời điểm VKSND được thành lập (năm 1960), phần lớn đội ngũ cán bộ kiểm sát chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát. Nguồn tuyển dụng cán bộ vào ngành Kiểm sát thời gian này chủ yếu là các cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể quần chúng, bộ đội chuyển ngành, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ. Đây là những người đã qua rèn luyện, thử thách trong chiến đấu, công tác nhưng chưa được trang bị kiến thức về pháp luật.

Cuối năm 1960, được sự đồng ý của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, VKSND tối cao phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp mời chuyên gia Liên Xô mở lớp pháp lý dài hạn 02 năm cho cán bộ trung, cao cấp của 03 ngành. Sau khi kết thúc lớp học, 04 đồng chí đã được tuyển chọn làm giảng viên chuyên trách cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của ngành Kiểm sát là các đồng chí Nguyễn Văn Tốt, Nghiêm Quý Chẩn, Nguyễn Huy Thuân và Vũ Quang Chính. Việc đầu tư mở lớp do chuyên gia Liên Xô giảng dạy và từ đó tuyển chọn được những giảng viên chuyên trách có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để chuyên môn hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành những năm sau này.

Năm 1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh (không số, ngày 16/4/1962) "Quy định cụ thể về Tổ chức của VKSND tối cao". Pháp lệnh quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND tối cao là: "Chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát". Thực hiện nhiệm vụ này, từ cuối năm 1963, VKSND tối cao đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn nhằm trang bị những kiến thức pháp luật, kiến thức nghiệp vụ kiểm sát cơ bản cho cán bộ trong ngành theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị thời kỳ đó.

Sau một năm mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát, ngày 12/10/1964 đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 220/QĐ thành lập Trường Cán bộ kiểm sát trực thuộc VKSND tối cao. Đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng VKSND tối cao được cử trực tiếp phụ trách nhà trường. Đồng chí Nguyễn Văn Ngoạn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, nguyên Xứ ủy Trung kỳ, được cử làm Phó Hiệu trưởng.

Sau khi được thành lập, Trường Cán bộ kiểm sát đã liên tục khai giảng các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ 03 tháng, 06 tháng để bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về đường lối, nhiệm vụ cách mạng, về Hiến pháp, pháp luật và về nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ trong ngành. Sự ra đời của Trường Cán bộ kiểm sát năm 1964 theo quyết định của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng của ngành Kiểm sát, góp phần đào tạo, bồi dưỡng những lớp cán bộ đầu tiên của ngành, đồng thời là cơ sở để tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống bài giảng, giáo trình cho những năm sau này.

Vào năm 1970, trước những chuyển biến mạnh mẽ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN, ngày 21/4/1970 đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 62/QĐ-TC về tổ chức bộ máy của VKSND tối cao, trong đó có Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát. Quyết định này được ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 900/NQ- UBTVQH ngày 25/4/1970, từ đây ngày 25/4 hàng năm được coi là ngày truyền thống của Trường

Cho đến nay, có thể chia quá trình xây dựng và phát triển của Trường thành các giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất: Tổ chức và hoạt động của Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát (1970-1981)

- Giai đoạn thứ hai: Tổ chức và hoạt động của Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội (1981-2005)

- Giai đoạn thứ ba: Tổ chức và hoạt động của Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát (2005-2013)

- Giai đoạn thứ tư: Tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2013 đến nay)

Tổ chức và hoạt động của Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát giai đoạn 1970-1981

Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được thành lập trong bối cảnh nước ta chưa có một cơ sở đào tạo trình độ cử nhân luật. Sau khi Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được thành lập, ngày 04/10/1970, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định số 116/QĐ-V9 giao cho Trường nhiệm vụ “mở các khóa bổ túc cho cán bộ trong ngành và mở các khóa đào tạo mới để bổ sung cán bộ cho ngành”. Đồng thời, xác định bộ máy làm việc của nhà trường được biên chế 30 cán bộ, giáo viên, trong đó, đội ngũ giáo viên gồm 12 đồng chí. Đồng chí Bạch Thành Phong được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Tôn và đồng chí Việt Hùng được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng.

Thời kỳ đầu, nhà trường tổ chức hoạt động trong điều kiện chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, việc tổ chức lớp học phải sơ tán về xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ). Sau chiến tranh phá hoại, Hiệp định Paris được ký kết, nhà trường chuyển về Hà Nội nhưng chưa có trụ sở làm việc nên phải nhờ địa điểm của Trường Hành chính Trung ương để tổ chức lớp học. Do không đủ phòng học, các lớp học phải tổ chức gối nhau, một số lớp phải chuyển về Phú Thụy - Gia Lâm để nhờ địa điểm.

Mặc dù trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, trường lớp chưa ổn định nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo chặt chẽ của các đồng chí Lãnh đạo VKSND tối cao, tháng 5/1971, chỉ một năm sau ngày được chính thức thành lập, Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát đã khai giảng khóa đào tạo Trung cấp Kiểm sát đau tiên, gồm 172 học viên. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ pháp lý của ngành Kiểm sát nhân dân, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, cán bộ từng bước chính quy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn của cách mạng.

Cùng với việc triển khai đào tạo khóa trung cấp 1, Viện trưởng VKSND tối cao đã giao nhiệm vụ cho nhà trường: “Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, gấp rút nâng cao trình độ nghiệp vụ” cho cán bộ trong ngành. Trong hai năm, 1972-1973, nhà trường đã tổ chức được hai lớp bồi dưỡng: Một lớp dành riêng cho cán bộ làm công tác kiểm sát điều tra và một lớp dành cho cán bộ Viện Kiểm sát các tỉnh miền núi, thời gian 04 tháng với tổng số 150 học viên.

Trong các năm 1973 - 1975, Trường tiếp tục triển khai mở các lớp trung cấp kiểm sát khóa 2, khóa 3 và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với thời gian từ 02 tháng đến 06 tháng cho cán bộ trong ngành. Trong điều kiện đất nước ta bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh và kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, việc đào tạo các khóa trung cấp kiểm sát thể hiện quan điểm đúng đắn và tầm nhìn xa của lãnh đạo VKSND tối cao trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ. Đây là chương trình đào tạo pháp lý trình độ cao nhất ở nước ta lúc bấy giờ. Nhiều học viên tốt nghiệp các khóa Trung cấp kiểm sát thời kỳ này đã trưởng thành và đang giữ nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát như: đồng chí Tòng Thị Phóng, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng...

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên CNXH, lãnh đạo VKSND tối cao đã chủ trương cho Trường khẩn trương mở rộng phạm vi, quy mô, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về cán bộ cho các tỉnh phía Nam, Lãnh đạo VKSND tối cao đã quyết định cử đồng chí Đoàn Văn Chương - Phó Hiệu trưởng cùng một số cán bộ, giảng viên của Trường vào nghiên cứu công tác đào tạo cán bộ cho các Viện kiểm sát tại các tỉnh phía Nam và phối hợp với Bộ Tư pháp của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hơn 500 cán bộ kiểm sát, cán bộ tòa án mới được cấp ủy cử sang. Do có chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo VKSND tối cao, chỉ 2 năm sau khi đất nước thống nhất, số cán bộ được bồi dưỡng tại chỗ cùng với những học viên tốt nghiệp khóa trung cấp 3 được phân công công tác trên phạm vi cả nước, góp phần phục vụ nhu cầu cấp bách về cán bộ của Ngành.

Về việc biên soạn giáo trình phục vụ công tác đào tạo, sau khi hoàn thành việc in ti-pô giáo trình trung cấp kiểm sát phục vụ giảng dạy, học tập và tạo điều kiện để phổ cập kiến thức cho cán bộ trong ngành, nhà trường đã tập trung vào việc biên soạn giáo trình ở bậc cao đẳng. Những giảng viên lâu năm có lý luận và kinh nghiệm thực tiễn được Ban Giám hiệu giao nhiệm vụ chuyên lo việc biên soạn giáo trình. Cùng với việc biên soạn giáo trình phục vụ công tác đào tạo của Trường, một số đồng chí Lãnh đạo, giảng viên của Trường còn được Ban Bí thư lựa chọn tham gia biên soạn giáo trình và giảng dạy cho khoa Pháp lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1, khai giảng năm 1976), trong đó có các đồng chí: đồng chí Vũ Quang Chính, đồng chí Nguyễn Huy Thuân, đồng chí Nghiêm Quý Chẩn và đồng chí Vũ Đức Khiển. Sự kiện này chứng tỏ uy tín của đội ngũ giảng viên nhà trường lúc bấy giờ và là điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác của nhà trường với các cơ sở đào tạo pháp lý khác trong cả nước.

Để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cho toàn ngành thì cần phải có một trụ sở làm việc ổn định. Theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 01/10/1976 Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười đã ký Quyết định “Giao cơ sở Trường Đảng miền Tây cho Trường Kiểm sát”. Thực hiện Quyết định này, tháng 01 năm 1977 nhà trường đã tiếp nhận xong cơ sở mới. Việc quyết định cho Trường có một trụ sở ổn định trong điều kiện lúc bấy giờ có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường có trụ sở ổn định để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát.

Năm 1977, Viện trưởng VKSND tối cao đã ra Quyết định số 04/QĐ-TC giao cho Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát đào tạo cán bộ ngành Kiểm sát có trình độ Cao đẳng. Tháng 8 năm 1977 hệ chuyên tu Cao đẳng Kiểm sát (khoá I) và tháng 10/1979 hệ tại chức Cao đẳng Kiểm sát (khoá I) được khai giảng tại Trường. Học viên được chọn cử đi đào tạo các lớp chuyên tu, tại chức cao đẳng kiểm sát đầu tiên là những Kiểm sát viên, cán bộ đã được rèn luyện, thử thách trong các lực lượng vũ trang cách mạng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chuyển ngành sang VKSND; phần lớn đã được đào tạo trung cấp kiểm sát hoặc các lớp bổ túc ngắn hạn 6 tháng, 9 tháng. Trong điều kiện nước ta lúc bấy giờ chưa có trường đại học luật thì việc mở các lớp chuyên tu và tại chức hệ cao đẳng kiểm sát là một cố gắng rất lớn trong công tác đào tạo cán bộ của ngành Kiểm sát. Đây là mô hình đào tạo phù hợp với điều kiện khách quan của đất nước và của ngành Kiểm sát cả về quy mô, hình thức, đối tượng và thời gian đào tạo.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các tỉnh miền Nam, ngày 07/01/1978 Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-V9 thành lập Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, theo yêu cầu của nước bạn, Ban Bí thư đã chỉ đạo các bộ, ngành cử cán bộ sang giúp nước bạn xây dựng và củng cố chính quyền. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, trong năm 1981 và năm 1982, Viện trưởng VKSND tối cao đã cử đồng chí Nguyễn Huy Thuân và đồng chí Vũ Quang Chính, Phó Hiệu trưởng nhà trường tham gia cùng đoàn cán bộ của VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp sang giúp nước bạn xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Hành chính - Pháp lý và trực tiếp giảng dạy một số chuyên đề về pháp luật. Đây chưa phải là hình thức hợp tác chính thức nhưng hoạt động này đã đặt cơ sở cho việc thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học cho các giai đoạn tiếp theo.

Sau 10 năm đào tạo cán bộ có trình độ Trung cấp Kiểm sát (1970 - 1980) và sau 4 năm đào tạo hệ chuyên tu, tại chức Cao đẳng Kiểm sát (1977 - 1980); tháng 5/1981 khoá I đào tạo Cao đẳng Kiểm sát hệ chính quy đã được chiêu sinh và đào tạo trong phạm vi cả nước với thời gian đào tạo 4 năm. Đây là một bước tiến quan trọng đánh dấu sự phát triển đi lên trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành.

Tổ chức và hoạt động của Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội giai đoạn 1981-2005

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức VKSND năm 1981, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-V9 ngày 23/10/1981 về bộ máy làm việc của VKSND tối cao, trong đó có Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội và Trường Trung cấp Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định này đã được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn tại Nghị quyết số 138/NQ-HĐNN7 ngày 17/02/1982, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng ghi nhận sự chuyển tiếp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân từ hệ trung cấp Kiểm sát nâng lên hệ cao đẳng Kiểm sát, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hoá cán bộ theo quy định mới của Quy chế ngạch Kiểm sát viên năm 1982. Từ đó, Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội được chính thức đưa vào danh mục các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân trong cả nước.

Sau khi được chuyển lên đào tạo ở bậc cao đẳng kiểm sát, Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội liên tục tuyển sinh, đào tạo các khóa cao đẳng chính quy hệ 4 năm, đồng thời, tiếp tục mở các lớp chuyên tu và tại chức cao đẳng.

Trong năm 1982, thực hiện chủ trương của lãnh đạo VKSND tối cao, Trường đã triển khai mở Lớp Nghiên cứu lý luận nghiệp vụ kiểm sát (khóa 1982 - 1985) cho số học viên lấy từ những sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học vào Ngành. Chủ trương lấy sinh viên tốt nghiệp các đại học khác không phải là đại học luật vào ngành rồi cử đi đào tạo pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát vào thời điểm đó là một chủ trương đúng đắn của Ban Cán sự, Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nhiều học viên của Lớp nghiên cứu lý luận nghiệp vụ kiểm sát sau khi tốt nghiệp đã được giữ lại Trường làm giảng viên. Một số học viên của lớp sau này đã giữ những cương vị trọng trách, như Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Ban Nội chính Trung ương, Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Đại biểu chuyên trách của ủy ban Tư pháp của Quốc hội, 15 học viên của Lớp đã được giữ cương vị Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng của các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, để tăng cường đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, lãnh đạo VKSND tối cao đã chủ trương mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, vừa tuyển sinh đào tạo cao đẳng chính quy vừa tổ chức các lớp đào tạo mở rộng và các lớp cử tuyển (KVO) theo kế hoạch của Ngành. Đồng thời, Trường tiếp tục mở các lớp đào tạo cao đẳng hệ chuyên tu và tại chức cho cán bộ đã công tác trong ngành; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý, chỉ đạo, điều hành chuyên ngành; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, bồi dưỡng về khoa học điều tra hình sự cho cán bộ, Kiểm sát viên VKSND các cấp.

Thời kỳ này, Trường cũng đã mở các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho số cán bộ đã tốt nghiệp đại học luật vào ngành nhưng chưa qua đào tạo nghiệp vụ kiểm sát (3 khóa vào các năm 1994, 1997 và 2003); phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao tổ chức nhiều khóa tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên luôn được coi trọng. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, khi việc tuyển sinh đi nghiên cứu sinh chuyên ngành luật còn rất mới mẻ ở Việt Nam thì Trường đã cử một số giảng viên đi nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước. Khi các cơ sở đào tạo luật trong nước bắt đầu tuyển sinh sau đại học ngành luật thì Trường cũng đã cử giảng viên tham gia các lớp cao học luật và nghiên cứu sinh.

Năm 1987, Trường đã thành lập “Ban Cải cách chương trình ” để nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các môn học nghiệp vụ vào chương trình đào tạo cao đẳng kiểm sát. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các tập bài giảng, các bộ giáo trình, như giáo trình Lý luận về Nhà nước và pháp luật, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự và hệ thống giáo trình các môn về nghiệp vụ kiểm sát.

Cùng với việc đào tạo cán bộ kiểm sát trong nước, để tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, trên cơ sở biên bản hợp tác giữa VkSND tối cao nước CHXHCN Việt Nam và VKSND tối cao nước CHDCND Lào do đồng chí Hà Mạnh Trí - Viện trưởng VKSND tối cao nước CHXHCN Việt Nam và đồng chí Ủn Lạ Xay Nha Xán - Viện trưởng VKSND tối cao nước CHDCND Lào ký ngày 06/7/1997 tại Viên Chăn, Trường Cao đẳng Kiểm sát được giao nhiệm vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND các cấp của nước CHDCND Lào. Với nhiệm vụ được giao, từ năm 1998, nhà trường đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng các khóa nghiệp vụ kiểm sát cho học viên là lãnh đạo và Kiểm sát viên VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp của nước bạn Lào với thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng.

Ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08/NQ-TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thòi gian tới. Một trong những nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết là xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết nhấn mạnh: "Đổi mới công tác cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng cán bộ có chức danh tư pháp phải có trình độ đại học luật và được đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp tư pháp theo chức danh....” Thể chế hóa quan điểm trên đây, Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 đã quy định những tiêu chuẩn mới để được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên là "có trình độ cử nhân luật, đã được đào tạo về nghiệp vụ kiếm sát".

Để đào tạo cán bộ tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên theo Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002, từ năm 2002 trở đi, Trường được giao nhiệm vụ vừa đào tạo số học viên cao đẳng kiểm sát tuyển sinh từ những năm trước, vừa phối hợp với các cơ sở đào tạo khác để mở các lớp hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật cho số cán bộ trong ngành đã tốt nghiệp cao đẳng kiểm sát. Đồng thời, tiếp tục mở các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho số cán bộ trong ngành đã tốt nghiệp đại học luật nhưng chưa qua đào tạo nghiệp vụ kiểm sát.

Theo thống kê, từ khi thành lập Trường đến khi kết thúc đào tạo cao đẳng kiểm sát, Trường đã đào tạo được 9 khóa trung cấp kiểm sát với 1.366 sinh viên, 17 khóa cao đẳng hệ chính quy với 2.828 sinh viên, 17 khóa cao đẳng hệ chuyên tu với 1.079 học viên, 19 khóa cao đẳng hệ tại chức với 3.263 học viên. Đào tạo 12 khóa Cao đẳng tập trung hệ cử tuyển với 431 sinh viên, 03 khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát để tạo nguồn bổ nhiệm Kiểm sát viên cho 273 học viên là những cán bộ đã có bằng cử nhân luật. Ngoài ra, Trường còn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng vạn lượt cán bộ trong Ngành.

Tổ chức và hoạt động của Trường Đào tạo, bồỉ dưỡng nghiệp vụ kiểm sát giai đoạn 2005 - 2013

Ngày 25/11/2005, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 76/2005/QĐ-TCCB về việc chuyển Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội thành Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát để làm nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ trong Ngành.

Trong giai đoạn từ năm 2005 - 2007, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSNDTC, nhà trường tạm dừng việc mở các khoá đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho đối tượng là cán bộ trong ngành Kiểm sát đã tốt nghiệp đại học luật nhưng chưa qua đào tạo nghiệp vụ kiểm sát; số đối tượng này được chuyển sang đào tạo tại Học viện Tư pháp. Nhà trường chỉ còn thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ đang công tác trong ngành.

Sau hai năm dừng việc đào tạo nghiệp vụ kiểm sát và chuyển nhiệm vụ này cho Học viện Tư pháp đã cho thấy những bất cập trong việc đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát. Cuối năm 2007, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư, Ban cán sự và Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định giao cho Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát khôi phục lại việc mở các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho những cán bộ tốt nghiệp cử nhân luật; đồng thời mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho những người được tuyển chọn từ những sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi vào ngành Kiểm sát rồi cử đi học. Đây là quyết định quan trọng tạo tiền đề mới để phát triển trường trong những năm kế tiếp.

Để bổ sung và tăng cường cán bộ lãnh đạo nhà trường, tháng 5/2008, đồng chí Phạm Mạnh Hùng, được điều động về Trường và bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát thay đồng chí Ngô Văn Đọn về nghỉ hưu theo chế độ.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường được Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đặc biệt quan tâm. Cuối năm 2009, tập thể Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã họp bàn và quyết định cho Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát được đầu tư cải tạo, mở rộng trụ sở Trường. Theo đó, các hạng mục xây dựng mới tại Trường gồm: Nhà Giảng đường 4 tầng, Nhà Hành chính 9 tầng, Nhà Ký túc xá 11 tầng và Nhà Thư viện 5 tầng. Đây là chủ trương đúng đắn, của Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tạo động lực mới để phát triển nhà trường.

Ngoài nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm sát, Trường còn được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ sở đào tạo đại học luật khác để mở các lớp hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật cho số cán bộ trong ngành đã tốt nghiệp cao đẳng kiểm sát. Để thực hiện nhiệm vụ này, Trường đã chủ động phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân, Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học trực thuộc Đại học Huế, triển khai mở các lớp hoàn chỉnh kiến thức cử nhân luật.

Những kết quả đào tạo, bồi dưỡng của Trường đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cán bộ và chuẩn hóa trình độ các chức danh cán bộ ngành Kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Trong Báo cáo về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát của Ban Cán sự đảng VKSND tối cao gửi Ban Tổ chức Trung ương ngày 24/4/2008 đã khẳng định, "Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, vào tiêu chuẩn cán bộ của thời kỳ mới để hướng tới nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ chuẩn hoá và nâng cao trình độ về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế... cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc VKSND các cấp... ”

Để đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nghiệp vụ kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp, năm 2008, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát đã phối hợp với Dự án JICA - Nhật Bản tổ chức Hội thảo về chương trình khung đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát. Tháng 12/2009, Đoàn đại biểu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát đã sang thăm và làm việc với Học viện Kiểm sát viên Quốc gia Trung Quốc. Hai bên đã hội đàm, thống nhất thỏa thuận hợp tác lâu dài trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa Học viện Kiểm sát viên quốc gia Trung Quốc với Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát. Ngày 08/3/2010, tại Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát và Học viện Kiểm sát viên Quốc gia Trung Quốc đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác toàn diện về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học. Sự kiện này mở ra một giai đoạn phát triển mới trong hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi ngành Kiểm sát phải nhanh chóng có sự đổi mới toàn diện cả quy mô và chất lượng hoạt động của cơ sở đào tạo của ngành để mở rộng nhiều chương trình, cấp độ đào tạo theo hướng đa ngành, đa cấp, đặc biệt là phải chủ động đào tạo trình độ đại học, sau đại học mang tính chuyên ngành để bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành. Chính vì vậy, việc phát triển Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát thành Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trực thuộc VKSND tối cao là một yêu cầu cấp thiết.

Chủ trương nâng cấp Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao rất quan tâm và chỉ đạo triển khai thực hiện. Ngày 05 tháng 5 năm 2009, Viện trưởng VKSNDTC ban hành Quyết định số 05/QĐ-VKSTC-V9 về việc giao Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát chủ trì phối hợp cùng các đơn vị: Phân hiệu Trường tại Tp. Hồ Ch

Bài liên quan

Đại học Tài Chính Kế Toán

Trong quá trình phát triển, xây dựng trường Đại học Tài chính - Kế toán trở thành một trường đại học chuyên ngành theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống các trường đại học khu vực miền Trung - Tây nguyên; trung tâm đào tạo chất lượng cao nguồn nhân lực quản lý kinh tế, ...

Đại Học Kinh Tế Kỹ Thuật Công Nghiệp

Đến năm 2030 là trường đại học hiện đại, định hướng ứng dụng; có môi trường văn hóa thân thiện, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về kiểm định chất lượng. Nhà trường tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung ứng dịch vụ về lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật có chất lượng, uy tín trong và ...

Đại Học Dược Hà Nội

Đào tạo nguồn nhân lực dược ở trình độ đại học và sau đại học có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có sức khoẻ, có kiến thức và năng lực; có năng lực thích ứng với việc làm trong xã hội; có khả năng tự nghiên cứu và phát triển để hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ ...

Đại học Công Nghệ TPHCM

Ngày 30/8/2007, HUTECH trở thành trường Đại học tiên phong trong cả nước áp dụng ISO 9001:2000 trong toàn bộ hoạt động quản lý giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Đến nay, HUTECH cũng đã chuyển đổi thành công sang hệ thống quản lý theo chuẩn ISO 9001:2015. Theo đó, HUTECH vinh dự là trường đại học ...

Đại Học Kinh Tế Kỹ Thuật Bình Dương

Qua 17 năm (1998-2015) xây dựng và trưởng thành, trường đã đóng góp đáng kể trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nói chung và cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương nói riêng. Thương hiệu của trường đã được xã hội từng bước công nhận. Năm học 2005-2006 và năm học 2007-2008 được nhận “Cúp ...

Đại Học Y Dược – Đại Học Huế

Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực ngành Y-Dược ở trình độ đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành quả nghiên cứu vào đào tạo và khám chữa bệnh nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên và ...

Đại học Hùng Vương - TPHCM

Tháng 09/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã ký Quyết định số 240/TTg ban hành Quy chế đại học Tư thục. Tuy nhiên, qua xem xét, thăm dò, điều tra dư luận xã hội, nhận thấy việc mở Trường “Tư thục” ở nước ta còn quá mới mẻ, nên ngày 2/1/1994 Bộ GD&ĐT lại ban hành quy chế tạm thời số 196/TCCB về ...

Đại Học Khoa Học – Đại Học Huế

Trường ĐHKH luôn chú trọng kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học. Đến nay, Trường đã và đang thực hiện 1.535 đề tài NCKH, trong đó có 22 đề tài hợp tác quốc tế, 4 đề tài cấp Nhà nước, 159 đề tài nghiên cứu cơ bản, 312 đề tài cấp Bộ và cấp Bộ trọng điểm, 108 đề tài cấp Tỉnh, 614 đề tài cấp cơ sở và ...

Đại Học Sư Phạm – Đại Học Huế

Mục tiêu giáo dục của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế là đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ khoa học và công nghệ chất lượng cao,có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, yêu nghề, năng động, sáng tạo; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, có năng lực nghiên cứu, ...

Phân Hiệu Đại Học Huế tại Quảng Trị

Sứ mệnh của Phân hiệu ĐHH tại Quảng Trị là đào tạo cán bộ có trình độ đại học, sau đại học có phẩm chất chính trị và đạo đức tư cách tốt, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ được đào tạo, có sức khỏe để đáp ứng yêu câu công việc, phục vụ tốt sự phát triển kinh ...

Mới nhất

THPT Đinh Tiên Hoàng

THPT Đinh Tiên Hoàng đang không ngừng nỗ lực phát triển trở thành một ngôi trường với chất lượng giảng dạy tốt nhất, tạo ra những thế hệ học sinh chất lượng

THPT Thực nghiệm

Trường THPT Thực Nghiệm trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Trường là cơ sở giáo dục đào tạo công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong hệ thống các trường phổ thông của thành phố Hà Nội. Trường dạy học theo chương trình giáo dục Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp ...

THPT Đông Kinh

Khẩu hiệu hành động: “ Hãy đặt mình vào vị trí cha mẹ học sinh để giảng giải giáo dục và xử lý công việc ” “ Tất cả vì học sinh thân yêu ”

THPT Hà Nội Academy

Những rào cản còn tồn tại kể trên sẽ được vượt qua bởi những công dân toàn cầu tích cực với nhiệm vụ chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua việc nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề toàn cầu bao gồm, nhưng không giới hạn ở nhân quyền, đói nghèo và công bằng xã hội. Nhận ...

http://thptkimlien-hanoi.edu.vn/

Qua 40 năm nỗ lực phấn đấu trong các hoạt động giáo dục, vượt khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường THPT Kim Liên đã tạo dựn được uy tín vững chắc, là 1 trong 5 trường THPT hàng đầu của Thủ đô có chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng nâng cao và trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc ...

THPT Tô Hiến Thành

Trường THPT Tô Hiến Thành được thành lập từ năm học 1995-1996, theo quyết định của Ủy Ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Đến tháng 6/2010, trường chuyển đổi loại hình sang công lập. Suốt 20 năm phát triển, thầy, cô giáo, thế hệ học sinh đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từng bước phát triển ...

THPT Mai Hắc Đế

Trường THPT Mai Hắc Đế được thành lập năm 2009, sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, Trường đã trở thành một địa chỉ tin cậy trong đào tạo bậc THPT trên địa bàn Hà Nội.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều

Nhìn lại chặng đường gần 60 năm xây dựng và trưởng thành , các thế hệ giáo viên và học sinh trường Nguyễn Gia Thiều có thể tự hào về truyền thống vẻ vang của trường ; tự hào vì trường đã đóng góp cho đất nước những Anh hùng , liệt sĩ , những người chiến sĩ , nhà khoa học , trí thức , những cán bộ ...

Trường Trung học phổ thông MV.Lô-mô-nô-xốp

Sứ mệnh Xây dựng Hệ thống giáo dục Lômônôxốp có môi trường học tập nền nếp, kỉ cương, chất lượng giáo dục cao; học sinh được giáo dục toàn diện, có cơ hội, điều kiện phát triển phẩm chất, năng lực và tư duy sáng tạo, tự tin hội nhập.

Trường Trung học phổ thông Quốc tế Việt Úc Hà Nội

Trường thực hiện việc giảng dạy và học tập theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thực hiện thời gian học tập theo biên chế năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Song song với chương trình này là chương trình học bằng tiếng Anh được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên bản ngữ giàu ...