Lịch sử Đại học Khánh Hòa
Ngày 03 tháng 8 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1234/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Khánh Hòa trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang.
Được sự đồng ý của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Khánh Hòa, ngày 18 tháng 09 năm 2015 Ban chỉ đạo thành lập trường Đại học Khánh Hòa tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập Trường Đại Học Khánh Hòa.
Ảnh: Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Bình phát biểu tại Lễ công bố quyết định thành lập Trường Đại học Khánh Hòa ngày 03 tháng 08 năm 2015
Trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang được thành lập vào ngày 01/4/1976, chính thức được công nhận theo Quyết định số 164/TTg ngày 21/3/1978 của Thủ tướng chính phủ. Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang là một trong những trung tâm văn hoá, khoa học của tỉnh Khánh Hoà, tọa lạc ngay trung tâm, bên bờ biển của thành phố biển Nha Trang - thành phố du lịch xinh đẹp nổi tiếng của cả nước.
Mục tiêu của nhà trường được xác định ngày từ khi thành lập là đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở; bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên và bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý trường học của tỉnh Khánh Hoà. Từ năm 1989, trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hoà và cả nước.
Trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, trường đã không ngừng phát triển. Cho đến nay, trường đã có đội ngũ gồm 01 PGS, 15 Tiến sĩ, 23 Nghiên cứu sinh và tham gia đào tạo đào tạo trên 30.000 giáo viên các cấp cho tỉnh Khánh Hoà và các tỉnh bạn. Bên cạnh việc đào tạo giáo viên Tiểu học, THCS trình độ CĐSP, trường còn liên kết với các trường đại học sư phạm trong khu vực đào tạo trình độ đại học sư phạm hệ chính quy và chuyên tu cho trên 5000 giáo viên tiểu học và THCS. Với đóng góp của nhà trường trong sự nghiệp giáo dục, trường CĐSP Nha Trang đã lần lượt nhận Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, nhiều lần nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Khánh Hòa.
Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật & Du lịch Nha Trang là trường công lập nằm trong hệ thống các trường Đại học - Cao đẳng của cả nước, trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà; Chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục về nội dung, chương trình đào tạo. Trường là đơn vị sự nghiệp có thu, thực hiện nhiệm vụ quản lý đào tạo theo Điều lệ trường Cao đẳng và Luật giáo dục.
Trường thành lập vào ngày 08/01/1978 với tên gọi ban đầu là Trường Lí luận Nghiệp vụ Phú Khánh, trải qua hai lần thay đổi tên gọi thành Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Phú Khánh và Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Khánh Hòa, với sự phát triển nhanh về chất lượng, quy mô, ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của xã hội, ngày 05/7/2004, Trường chính thức được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Nha Trang.
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang
Nhiệm vụ chủ yếu của trường là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật và du lịch cho địa phương, khu vực và toàn quốc với các cấp độ: Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng, đồng thời thực hiện việc liên kết với các trường Đại học trong nước, nước ngoài đào tạo ở bậc Đại học.
Trong quá trình đào tạo, Nhà trường đã tổ chức cho sinh viên rất nhiều hoạt động gắn lý thuyết với thực hành như tổ chức các chương trình biểu diễn ca nhạc, ẩm thực, lễ hội văn hoá, triển lãm tranh mỹ thuật, Hội thi tay nghề… trong nước và quốc tế. Tham gia nhiều hoạt động và xác lập nhiều kỷ lục tại các kỳ Festival biển Nha Trang.
Với những thành tích đạt được trong 36 năm qua, Trường Cao đẳng VHNT & DL Nha Trang đã 2 lần vinh dự được nhận Huân chương lao động (Hạng Nhì, Hạng Ba), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cờ, bằng khen của các Bộ, ban ngành và nhiều Huy chương Vàng, Bạc trong các kì hội diễn, hội thao …
Việc thành lập trường Đại học Khánh Hòa là nguyện vọng của nhân dân, được thể hiện trong Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, XV và XVI. Đây cũng là nguyện vọng của cán bộ, viên chức và sinh viên của hai trường CĐSP Nha Trang và CĐVHNT-DL Nha Trang. Do đó, trong những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực để từng bước thành lập, xây dựng và phát triển Trường Đại học Khánh Hòa.
1. Chức năng
Trường Đại học Khánh Hòa có chức năng đào tạo đa ngành trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học; liên kết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và nghiên cứu khoa học với các Trường, Viện, và doanh nghiệp; thực hiện các dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2.Nhiệm vụ
- Xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức thực tế; đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề đào tạo, có chính sách thu hút nhân tài và bồi dưỡng giảng viên phục vụ cho nhu cầu đào tạo của Nhà trường;
- Tuyển sinh và Đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, tự tạo việc làm cho mình và cho những người khác;
- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục và các quy định khác của pháp luật;
- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;
- Quản lý, sử dụng đất đai, trường sở, trang thiết bị và tài chính theo đúng quy định của pháp luật;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân Tỉnh Khánh Hòa.
3. Quyền hạn và trách nhiệm của Trường Đại học Khánh Hòa
- Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường sau khi được Ủy ban nhân dân Tỉnh Khánh Hòa phê duyệt phù hợp với quy hoạch về chiến lược phát triển giáo dục và mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng của Nhà nước; - Phát triển chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, lập kế hoạch giảng dạy và học tập phù hợp với trình độ và hình thức đào tạo cho từng ngành đào tạo trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Tổ chức các hoạt động đào tạo, công nhận tốt nghiệp, in ấn chứng chỉ, cấp văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; - Tiến đến tự chủ về tài chính theo quy định của Chính phủ; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục; hợp tác, liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất và việc làm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội; - Đăng ký, tham gia tuyển chọn, ký và thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ góp phần xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước và hội nhập quốc tế; - Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng và công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; bảo vệ lợi ích Nhà nước và xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của trường. Tổ chức và tham gia đánh giá, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án các cấp; xuất bản tạp chí khoa học, tập san, các ấn phẩm khoa học, tài liệu, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo Luật Xuất bản, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời theo chức năng của nhà trường; - Nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất của trường; tài trợ cho các hoạt động thực hiện chính sách ưu đãi đối với con, em gia đình thuộc diện chính sách, các hoạt động xã hội nhân đạo và từ thiện; - Được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, được thuê đất, vay vốn và được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật; - Tổ chức bộ máy nhà trường, tuyển dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên. Thành lập và giải thể các đơn vị dưới cấp phòng, ban, khoa, trung tâm, tổ trực thuộc, tổ chức khoa học và công nghệ, các đơn vị dịch vụ và các doanh nghiệp của trường theo quy định Nhà nước; - Tổ chức các hoạt động của trường tại các cơ sở đã đăng ký và được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận.
. Sứ mạng
Trường Đại học Khánh Hòa là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc các lĩnh vực Khoa học Giáo dục, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Khoa học Xã hội Nhân văn, Nghệ thuật; là cơ sở nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, kinh tế xã hội cho Tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung bộ trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
2. Tầm nhìn
Đến năm 2030, Trường Đại học Khánh Hòa trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn về khoa học Giáo dục, khoa học Tự nhiên, khoa học Xã hội nhân văn, nghệ thuật có uy tín, ngang tầm với các cơ sở đại học của cả nước và khu vực. Trường cung cấp cho người học môi trường giáo dục Đại học và nghiên cứu khoa học có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao; đảm bảo cho người học khi tốt nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh và thích ứng nhanh với nền kinh tế toàn cầu.