Đặc sắc văn hóa Việt Nam
Trần Đình Hượu 1. Trong lịch sử của ta có hiện tượng các phương thức sản xuất không đầy đủ, không thay thế nhau bằng cách cái sau phủ định cái trước. Những tàn dư của xã hội nguyên thủy (như ruộng công làng xã), của một chế độ nô lệ không điển hình (như nô tì công và tư), của một chế độ ...
1.
Trong lịch sử của ta có hiện tượng các phương thức sản xuất không đầy đủ, không
thay thế nhau bằng cách cái sau phủ định cái trước. Những tàn dư của xã hội
nguyên thủy (như ruộng công làng xã), của một chế độ nô lệ không điển hình (như
nô tì công và tư), của một chế độ phong kiến phân tán chưa thành hình (như các
hào trưởng, hào cường), một chế độ phong kiến tập trung quá sớm nhưng không
trọn vẹn vì thiếu kinh tế đô thị, tồn tại song song, đan chéo vào nhau như một
dạng trầm tích. Cho nên trong tư tưởng cũng có dạng trầm tích như vậy. Nhưng
nước ta lại sớm thống nhất, thống nhất dưới hình thức quận huyện của chính
quyền đô hộ rồi thống nhất thành quốc gia độc lập tạo ra điều kiện để dân tộc
hình thành sớm. Cho nên ý thức hệ cũng có dạng thống nhất. Sự thống nhất ở đây
được thực hiện đơn giản bằng cách kết hợp tư tưởng bản địa với tư tưởng Tam
giáo, Âm dương, Ngũ hành và các yếu tố khác.
Chùa một cột
2.
Tôi cho rằng Nho giáo là xương sống của khối liên kết đó. Rõ ràng là trong cái
toàn thể mà ta hình dung thì Nho giáo là một phần trong nhiều phần, thế nhưng
nó là bộ phận then chốt, quy định sự chọn lọc, sự sắp xếp vì nó là học thuyết
thống trị, và hơn thế, nó thích hợp với cơ chế chính trị - kinh tế - xã hội.
3.
Các vị anh quân và cả những nhà yêu nước lớn như Nguyễn Trãi chăm lo, phát
triển Nho giáo học, xây dựng Tư văn, tổ chức học hành thi cử, lo biên soạn quốc
sử, khuyến khích văn học... đều theo lời khuyên của thánh hiền, đều theo trị
đạo của Nho giáo.
4.
Ta thường hiểu Nho giáo đơn giản, phiến diện, sách vở, coi nó chỉ là ngoại lai,
theo quân xâm lược phương Bắc vào, phục vụ cho chế độ phong kiến... dường như
nó là công cụ xâm lược, là chỉ có sức hấp dẫn những giai cấp thống trị cũ mà
không thấy Nho giáo rất thích hợp với cuộc sống hẹp, tự nhiên, đóng kín gia
đình, họ hàng làng xã, rất thích hợp với nông thôn, với nền sản xuất của hộ
tiểu nông. Một cuộc sống có trên, có dưới, có tình anh em bà con, láng giềng,
cô bác kiểu gia đình êm ấm từ trong nhà cho ra đến làng, đến nước ; một cuộc
sống thái bình ổn định, an cư lạc nghiệp vốn rất hợp với lòng mong mỏi của nông
dân...
5.
Xã hội bình trị được đạt đến bằng lễ. Một thứ hoà mục làm mọi người vui vẻ, một
tình cảm êm đềm đằm thắm làm cảm hoá cả thiên nhiên đến hết cả thiên tai hạn
hán, làm xúc động tình cảm, đi vào âm nhạc thành tiếng hoà vui của câu ca,
tiếng hát, đi vào nghi lễ thành cái khoan hoà tiết tấu của hành vi cử chỉ.
6.
Ðạo đức Nho giáo là đạo đức của con người hình dung mình sống trong gia đình,
gia tộc, làng xóm, nước, thiên hạ, trời đất, một thế giới gồm những cộng đồng
từ nhỏ đến lớn hình dung theo mô hình gia đình mở rộng. Không chỉ thiên hạ bình
mà thiên địa vị, vạn vật dục, khí hoà tràn đầy khắp trời đất.
7.
Giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hoá của ta đồ sộ, có
những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật. Ở một số
dân tộc hoặc là một tôn giáo, hoặc là một trường phái triết học, một ngành khoa
học, một nền âm nhạc, hội hoạ... phát triển rất cao ảnh hưởng phổ biến và lâu
dài đến toàn bộ văn hoá thành đặc sắc văn hoá của dân tộc đó. Ở ta thần thoại
không phong phú - hay là có nhưng một thời gian nào đó đã mất hứng thú lưu
truyền? Tôn giáo hay triết học cũng đều không phát triển. Người Việt Nam
không có tâm lý kiền thành, cuồng tín tôn giáo, mà cũng không say mê tranh biện
triết học. Các tôn giáo đều có mặt, nhưng thường là biến thành một lối thờ
cúng, ít ai quan tâm đến giáo lí. Không có một ngành khoa học, kĩ thuật, giả
khoa học nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội họa, kiến trúc
đều không phát triển đến tuyệt kĩ. Trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển
nhất là thơ ca. Hầu như người nào cũng có thể, cũng có dịp làm dăm ba câu thơ.
Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thì lại không có. Xã hội có trọng văn
chương, nhưng cũng chưa bao giờ tôn ai là thi bá, và bản thân các nhà thơ cũng
không ai nghĩ cuộc đời, sự nghiệp của mình là ở thi ca. Chưa bao giờ trong lịch
sử dân tộc, một ngành văn hoá nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả
nền văn hoá.
8.
Hoàn cảnh dẫn ta đi theo con đường tiếp nhận, bắt chúng ta chỉ được nghĩ những
chuyện thực tế, dạy chúng ta cách ứng dụng nhanh chóng cái học được để ứng phó.
Nhằm mục đích thực tế, cha ông chúng ta đã lựa chọn những cái đã có sẵn, chấp
nhận nó, không tính cả chuyện những cái đó hoà hợp hay chống đối nhau, nhưng
lại biết cách sử dụng cho có ích không gây ra chống đối. Ðối với thực tế mà nhu
cầu đặt ra chỉ như vậy kho Kinh, Tạng của Tam giáo Trung Quốc là quá dư thừa,
thậm chí là quá mênh mông, ít ai có điều kiện học đủ.
9.
Nhìn vào lối sống, quan niệm sống, ta có thể nói người Việt Nam sống có văn hoá, người Việt Nam có nền văn
hoá của mình. Những cái thô dã, những cái hung bạo đã bị xoá bỏ để có cái nền
nhân bản. Tinh thần chung của văn hoá Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung
hoà. Không có khát vọng để hướng đến những sáng tạo lớn mà nhạy cảm, tinh
nhanh, khôn khéo gỡ các khó khăn để tìm được sự bình ổn.
10.
Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không
say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc
sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng giao tiếp, ứng xử chuộng
hợp tình hợp lí. Áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả
đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải.
11.
Văn hoá truyền thống của ta là tốt đẹp. Và trong tương lai, biết đâu cái màu
sắc dịu dàng, tươi mát, cái không khí thanh bình của nó lại không phải là nơi
cần tìm đến trong cuộc sống căng thẳng của nền sản xuất hiện đại?
12.
Lược bỏ cũng có nghĩa là đơn giản hoá, sơ lược hoá. Thế nhưng làm như thế mà
giảm bớt đi được những cái tế toái, cứng nhắc, những cái trái tự nhiên, trái
nhân đạo, vốn có nhiều trong cách giải thích kinh điển Trung Quốc thì không
phải là dở. Sự linh hoạt - không biết nên giải thích là tinh thần trung dung
của Nho giáo, tinh thần nhu đạo, bất tranh của Lão - Trang, tinh thần hỉ xả, từ
bi của Phật hay chỉ là tập quán chín bỏ làm mười bản địa - tất nhiên là hạn chế
lớn cho cách tư duy chính xác, hệ thống, nhất quán cần thiết để tìm chân lí, để
có tư duy khoa học, triết học. Nhưng trong điều kiện nhu cầu đơn giản, hoàn
cảnh căng thẳng thì như vậy thường lại có hiệu quả.
13.
Trong lịch sử học thuật của ta không có những nhà kinh học để cả cuộc đời tra
cứu, biện bác làm sáng tỏ nghĩa kinh điển mà cũng không có những nhà tư tưởng
nhìn tổng quát cả học thuật quá khứ để phê phán, đề xuất kiến giải riêng. Những
người lỗi lạc, có tinh thần tự hào dân tộc đều muốn phát triển Tư văn ở Việt Nam
bằng cách đi theo và tiến kịp không thua Trung Quốc chứ không phải phê phán nó
để tìm cái của mình.
14.
Trong một xã hội mà quan tâm hàng đầu là giữ gìn sự ổn định, sự nhất trí đề
phòng giặc ngoài xâm lược, với một thể chế mà làng xã là thành lũy, với một nền
sản xuất mà năng suất dựa vào kinh nghiệm, sự cần cù, bàn tay khéo léo thì kĩ
thuật không đòi hỏi nhiều khoa học, khoa học không cần nhiều triết học. Nếu có
những thời điểm mà có thể nói là nóng bỏng, xuất hiện những nguy cơ xã hội như
thế kỉ XIV, XVI, XVIII còn lại vang bóng trong văn học thì cũng cũng không có
điều kiện gì để nhìn thế giới theo một cách khác. Với nhu cầu và điều kiện như
thế đặt ra làm gì và ai đặt ra được vấn đề quan niệm thế giới theo một cách
khác?
15.
Người Việt Nam
có thể coi là ít tinh thần tôn giáo. Họ coi trọng hiện thế trần tục hơn thế
giới bên kia. Không phải người Việt Nam không mê tín, họ tin có linh
hồn, có ma quỷ, Thần Phật. Nhiều người thực hành cầu cúng. Nhưng về tương lai,
họ lo cho con cho cháu hơn là cho linh hồn của mình. Tuy là coi trọng hiện thế
nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết (sống gửi thác
về). Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao. Của cải
vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật
cho nhiều cũng không giữ mãi mà hưởng được. Người ta mong ước thái bình, an cư
lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều
cháu, ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực, yên phận thủ thường, không
mong gì cao xa, khác thường, hơn người. Con người được ưa chuộng là con người
hiền lành, tình nghĩa. Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng. Dân tộc
chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ. Ðâu đâu cũng có đền thờ những
người có công đức - chủ yếu là có công chống ngoại xâm - nhưng không một anh
hùng xuất chúng, một võ sĩ cao cường nào được lưu danh. Trong tâm trí nhân dân
thường có Thần và Bụt mà không có Tiên. Thần uy linh bảo quốc hộ dân và Bụt hay
cứu giúp mọi người; còn Tiên nhiều phép lạ, ngao du ngoài thế giới thì xa lạ.
Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội
nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Ðối với cái
dị kỉ, cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận
cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.
16.
Hiểu đúng cha ông là để khai thông cách suy nghĩ của người Việt Nam ngày nay,
để dễ tiếp cận với triết học hiện đại. Khuynh hướng «thiết thực» dễ làm nghiêng
về duy vật hơn là duy tâm, biện chứng hơn là siêu hình, song duy vật thô sơ,
biện chứng tự phát (sự chiêm nghiệm trực quan trong tục ngữ của ta). Người vận
dụng tha hồ tùy tiện bàn chuyện của mọi phạm vi lớn nhỏ (với trình độ hỗn tạp,
chất phác). Do đó tư tưởng của ta vừa xa lạ cái thần bí, vừa xa lạ cái duy lí.
17.
Ở phương Tây vấn đề Thượng đế sáng tạo thế giới và quyết định mọi việc được tôn
giáo khắc sâu vào tư tưởng, đè nặng lên con người, thành hòn đá lấp lối mọi tự
do. Cho nên quá trình duy tâm triết học hoá Thượng đế, hay duy vật phủ nhận sự
sáng tạo thế giới đã cắm những cái mốc cho việc mở rộng vương quốc của tự do,
cho giải phóng con người, tìm ra bản nguyên thế giới... Phương Ðông cũng có ý
niệm Thiên Mệnh, Trời, khuyên kính Trời, yên Mệnh. Song mối quan tâm chính là
tu dưỡng đạo đức, trị nước nên con người «kính quỷ thần nhi viễn chi». Khuynh
hướng «thiết thực» này (nghĩa vụ làm người, làm dân) dồn cả Trời và Mệnh vào
một góc: Trời và Mệnh chỉ còn ý nghĩa bảo vệ quyền làm vua của một dòng họ,
quyền hưởng phú quý cho kẻ giàu sang. Thói quen gạt bỏ những cái «xa vời», khó
hiểu, xa lánh quỷ thần, không quan tâm đến thế giới linh thiêng làm cho con
người không bỏ mê tín song cũng không hứng thú cái thần bí, không tò mò và ít
hoài nghi, không say mê tìm hiểu những cái chưa biết, gạt bỏ những cái khác lạ.
Chính vấn đề Tâm - Vật, và trước kia là vấn đề Lý - Khí cũng thuộc loại bị gạt
ra ngoài như vậy.
18.
Nho giáo tự chọn thái độ «trung dung», đứng ở chỗ «đúng mức» nhất, coi ai cũng
có nhược điểm «quá» và «bất cập» - ở mặt này hay mặt kia - tức ở những chỗ
không thích hợp của cái đó với thể chế xã hội có sẵn (chế độ chuyên chế - tông
tộc), ví dụ như chê Mặc vô phụ, chê Dương vô quân, chê Phật không quân thần phụ
tử, chê tư tưởng phương Tây quá chú ý vật chất... Tức các học thuyết khác cũng
có chỗ «khả thủ», có thể lấy được, chấp nhận được, lúc ở thế bí thì nó «lấy»,
vay mượn, bổ sung cho mình, ví dụ đối với phương Tây thì «Ðông học vi thế - Tây
học vi dụng». Trong xã hội Nho giáo hoá cái mới bị cô lập, dần dần tha hoá và
bị rút tỉa, bị Nho giáo nuốt mất trong đó cái khả thủ. Ở Việt Nam từ thế kỉ
XVII đã có sự tiếp xúc Ðông - Tây ở cả Ðằng Ngoài lẫn Ðàng Trong; các chúa
Trịnh - Nguyễn sớm nhận ra sự lợi hại của tàu và súng phương Tây, song tư tưởng
phương Tây thì không thể nào bám rễ. Ở Trung Quốc chủ nghĩa Mao đã hình thành
trong chính cái thế, trong cung cách Nho giáo nuốt học thuyết Mác, lấy cái khả
thủ.
19.
Hán hoá đã thành một xu thế, một thực tế lâu dài trong lịch sử. Xu thế, thực tế
đó làm cho nước ta, cũng như Trung Quốc, ở những thế kỉ cuối rơi vào tình trạng
trì trệ. Phi Hán hoá không phải đã là một xu thế mạnh mẽ trong quá khứ mà là
một yêu cầu cấp thiết của ngày nay đòi hỏi tự ý thức, tự phê phán để giải phóng
tư tưởng, để hiện đại hoá đất nước.
20.
Chúng ta đào tạo đội ngũ khoa học, kĩ thuật đông đảo. Nhưng trong điều kiện
kinh tế phát triển còn thấp, không có đủ cơ sở để sử dụng thì kĩ sư không phải
là người hành nghề mà thành cán bộ, sống bằng bằng cấp và danh vị... Thanh niên
và các bậc phụ huynh lại toan tính con đường chắc chắn: học cho có bằng cấp,
vào biên chế sống dựa vào nhà nước kiếm lộc, kiếm bổng. Chuẩn bị vào đời bằng
trau dồi «tư cách» (đánh giá về đạo đức, vốn hoạt động chính trị) và bằng bằng
cấp chứ không phải bằng nghề nghiệp tự lập.
21.
Những con người, ông già và thanh niên, giống như những nhà nho xưa trà lá, lề
mề và hay nói suông, thiếu khả năng và quả quyết hành động thực tế, đầy thiện
chí thương dân, yêu nước mà cũng đầy ảo tưởng; theo ảo tưởng nên tính toán sai,
đầy thiện chí nên tự tin, cố chấp không những gây ra lùng nhùng mà giẫy dụa
trong lưới lùng nhùng.
22.
Cái đáng phê phán ở Nho giáo là sự ngu trung với vua hay là ảo tưởng bình trị
dưới chế độ chuyên chế?
23.
Nho giáo bồi dưỡng nên một nhân vật văn hoá là nhà nho, với hình ảnh cụ thể là
ông thầy đồ, chăm lo học hành, coi trọng văn hoá, văn chương nhưng không phải
là người làm học thuật, người làm khoa học, người làm kĩ thuật, người làm nghệ
thuật mà chỉ là người noi gương thánh hiền, giữ đạo đức đến sống gò bó, ngụy
thiện, lo học thuộc sách vở, mở miệng là lời kinh sử, lấy nó bàn suông mọi
chuyện trên đời.
24.
Nhà nho không phải là người tìm tòi khoa học kĩ thuật, vốn gắn liền với sản
xuất, mà chỉ có chức năng giáo hoá, giữ sự yên ổn (đức trị - hoà mục). Một chế
độ phi sản xuất, phi kinh doanh, chỉ sống bằng tô thuế, cần giữ yên chứ không
phát triển thì nho thần lừng khừng cũng được việc.
25.
Chỉ có những gia đình lớn nhỏ chứ không có xã hội, nhà nước. Không có con người
mà cũng không có công dân. Mọi người chỉ lo xử lí các quan hệ người trên và
người dưới, tìm sự hoà thuận êm ấm, không hướng con người vào việc tìm tự do và
hạnh phúc trong việc cải tiến tổ chức xã hội và làm chủ các lực lượng tự nhiên.
26.
Nho giáo không bao giờ nhận giao tranh trước những địch thủ mạnh hơn, mà rút
lui một cách ung dung, kiêu hãnh về với cuộc sống thôn dã, về với làng xã gia
đình, về tâm giới.
27.
Danh vị, phận vị khiến người ta quy cái bất công do Trời, do Mệnh, triệt tiêu
mọi lí do hành động chống đối. Ðó cũng là lí do của ảo tưởng về nhân cách, che
lấp thực trạng mất nhân phẩm.
28.
Ta nên phát huy khả năng truyền thống du nhập và linh hoạt ứng dụng để nhanh
chóng có cái hiện đại, hay tìm tòi từ đặc sắc dân tộc cái của mình?
29.
Cái hiện đại, cái thế giới cũng không phải là hay cả, nhưng nếu dùng dân tộc
đóng cửa chính lại thì cái dở nhất của nó sẽ chui vào cửa sổ.
30.
Hiểu đặc sắc văn hoá dân tộc còn là giải phóng cho sức sáng tạo, nói đúng hơn
là tìm phương thức vun xới cho sức sáng tạo. Trong nền văn hoá cũ, sức sáng tạo
của ta không khỏi có khuynh hướng tiểu kĩ, ứng dụng, thiếu những sáng tạo lớn.
Ðó là con đẻ của tinh thần thiết thực. Trong tương lai đó là một nhược điểm.
Ðổi thay được nhược điểm đó chắc chắn không phải là dễ dàng. Cũng khó mà kế
hoạch hoá việc sáng tạo. Ta chỉ có thể chờ đợi điều đó ở những nhà tư tưởng,
những nghệ sĩ, và ở nền sản xuất, tổ chức xã hội có khả năng sản sinh ra họ.
TĐH