23/05/2018, 15:00

Đặc điểm cấu tạo cơ quan tiêu hóa của dê

bao gồm quá trình tiêu hóa từ miệng qua thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và cuối cùng là hậu môn. Dê thuộc loài dạ dày kép (dạ dày gồm có 4 túi : dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách, dạ múi khế). Bộ máy tiêu hóa bắt đầu từ: Bộ máy tiêu hóa của dê Hệ thống đường tiêu hóa của dê Miệng ...

bao gồm quá trình tiêu hóa từ miệng qua thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và cuối cùng là hậu môn.

Dê thuộc loài dạ dày kép (dạ dày gồm có 4 túi : dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách, dạ múi khế).

Bộ máy tiêu hóa bắt đầu từ: Bộ máy tiêu hóa của dêBộ máy tiêu hóa của dê Hệ thống đường tiêu hóa của dêHệ thống đường tiêu hóa của dê

Miệng

Cũng như các động vật khác xoang miệng của dê gồm : Môi, răng, lưỡi, tuyến nước bọt.

– Răng : Dê không có răng của hàm trên, có 8 răng của hàm dưới và 24 răng hàm. Răng có vai trò nghiền nát thức ăn giúp cho dạ dày và ruột tiêu hóa dễ dàng.

– Lưỡi : Lưỡi của dễ khá dài và linh hoạt, bề mặt nhám có thể cuốn bứt cỏ lá đưa vào miệng. Trên lưỡi dê có có 3 loại gai thịt (gai thịt hình đài hoa, gai thịt hình nấm và gai thịt hình sợi). Nhờ vào vai trò vị giác, xúc giác của các gai thịt mà khi ăn dê nhận biết được vị của thức ăn (chua, ngọt, đắng, cay) và biết được độ rắn hay mềm của thức ăn. Ngoài ra các gai thịt này còn giúp dê nghiền nát và nhào trộn thức ăn.

– Tuyến nước bọt : gồm 3 đôi tuyến (dưới tai, dưới lưỡi và dưới hàm), lượng nước bọt tiết ra 1 ngày đêm khoảng 7 – 8 lít, nước bọt có vai trò :

+ Trung hoà axit béo bay hơi sinh ra trong dạ cỏ nhờ vào muối cacbonat và photphat để duy trì pH thích hợp cho vi sinh vật dạ cỏ hoạt động.

+ Thấm ướt thức ăn, giúp cho quá trình nuốt và nhai lại được dễ dàng.

+ Cung cấp các chất điện giải như Na+, K+, Ca++, Mg++.

+ Điều hoà dinh dưỡng N và P cho nhu cầu của vi sinh vật dạ cỏ.

Thực quản

Thực quản là ống nối liền từ miệng qua hầu xuống tiền đình dạ cỏ, có tác dụng vận chuyển thức ăn xuống dạ cỏ và ợ thức ăn lên miệng để nhai lại. Thực quản còn có vai trò ợ hơi thoát khí trong dạ cỏ ra ngoài.

Dạ dày

Dê là loài dạ dày 4 túi gồm : dạ cỏ, tổ ong, lá sách, dạ múi khế. Dung tích dạ dày thay đổi theo tuổi, dê con mới sinh dạ múi khế chiếm tới 70% dung tích toàn dạ dày, các túi khác chiếm 30%. Còn dê trưởng thành dạ cỏ chiếm tới 80% dung tích chung của dạ dày ; dạ tổ ong : 5% ; dạ múi khế : 7%  ; dạ lá sách : 8%.

Dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách không có tuyến tiêu hóa.

Dạ múi khế có tuyến tiêu hóa như loài dạ dày đơn. Sơ đồ cấu tạo dạ dày của dêSơ đồ cấu tạo dạ dày của dê

– Dạ cỏ : Dạ cỏ là bộ phận quan trong trong tiêu hóa ở dê, dạ cỏ có một lỗ thông với thượng vị và một lỗ thong với dạ tổ ong. Phía lỗ thượng vị có một rãnh thực quản chạy qua dạ tổ ong và dạ lá sách tới dạ múi khế.

Trong dạ cỏ của dê có một hệ vi sinh vật sống cộng sinh rất phát triển bao gồm vi sinh vật, động vật nguyên sinh và nấm. 1 gram chất chứa dạ cỏ có khoảng 1,5 – 2,0 x 10¹¹ vi sinh vật.

Hệ vi sinh vật trong dạ cỏ của dê có sự thích ứng rộng với nhiều loại thức ăn khác nhau. Nhờ vậy mà dê có thể ăn được nhiều loại thức ăn có nhiều độc tố, cay, đắng mà gia súc khác không ăn được như lá xoan, lá xà cừ, lá chàm, keo tai tượng, cỏ bướm… Hệ vi sinh vật dạ cỏ có sự biến đổi theo thời gian và phụ thuộc vào tính chất của khẩu phần ăn. Hệ vi sinh vật dạ cỏ đều là vi sinh vật yếm khí và sống chủ yếu bằng năng lượng sinh ra từ quá trình lên men các chất dinh dưỡng.

Hệ vi sinh vật trong dạ có có vai trò tiêu hóa chất xơ (gồm cellulose và hemicellulose) và nhóm chất chứa nitơ (gồm protein và các hợp chất cacbamit).

– Dạ tổ ong :  Dạ tổ ong là một túi nhỏ thông với dạ cỏ ở phía trái bằng một lỗ hẹp, dung tích khoảng 0,5 – 2 lít. Niêm mạc dạ tổ ong có gờ nổi lên thành các ô thành nhiều cạnh, mỗi ô lớn chia thành nhiều ô nhỏ giống như tổ ong. Chức năng chính của dạ tổ ong là đẩy các thức ăn rắn và các thức ăn chưa được nghiền nhỏ trở lại dạ cỏ, đồng thời đẩy các thức ăn dạng nước vào dạ lá sách. Dạ tổ ong cũng giúp cho việc đẩy các miếng thức ăn ợ qua thực quản lên miệng để nhai lại.

– Dạ lá sách : Một đầu thông với dạ tổ ong, đầu kia thông với dạ múi khế. Mặt trong của dạ lá sách có nhiều lá to nhỏ khác nhau, xếp theo chiều dọc như những trang của một quyển sách mở. Dạ lá sách có vai trò nghiền nát thức ăn, ép thức ăn và hấp thu nước, cùng các ion Na+, K+…, hấp thu các axit béo bay hơi trong dưỡng chất đi qua.

– Dạ múi khế : Một đầu thông với dạ lá sách và đầu kia thông với tá tràng. Dạ múi khế có chức năng giống dạ dày đơn, có tuyến tiêu hóa tiết ra dịch tiêu hóa gồm các men pepsin, kimozin, lipaza… Môi trường dạ múi khế có độ pH thấp, trong khoảng từ 2,5 – 3,5 ; Hàm lượng HCl biến động theo tuổi khoảng 0,12 – 0,46%. Sự có mặt của các men tiêu hoá cùng với hàm lượng HCl và độ pH thấp trong dạ múi khế giúp cho quá trình tiêu hoá các chất dinh dưỡng như protit, lipit… diễn ra thuận lợi.

Rãnh thực quản

Từ lỗ thượng vị có một rãnh gọi là rãnh thực quản mở hướng về túi dạ cỏ chỗ tiếp giáp giữa dạ cỏ và dạ tổ ong. Rãnh thực quản có hai môi rất khỏe. Khi hai môi mở ra thì thức ăn sẽ đi thẳng xuống dạ cỏ, khi đóng lại rãnh thực quản như một cái ống đưa thức ăn lỏng qua lỗ thượng vị vào thẳng dạ lá sách mà không qua dạ cỏ và dạ tổ ong

Ruột

– Ruột non : Ruột non có cấu tạo và chức năng giống như của loài gia súc dạ dày đơn. Trong ruột non có các enzyme tiêu hoá do tuyến ruột, tuyến tuỵ tiết ra và dịch mật đổ vào đây để tiêu hoá tinh bột, đường, protein và lipit. Những phần thức ăn chưa được lên men ở dạ cỏ và sinh khối vi sinh vật được đưa xuống ruột non sẽ được tiêu hoá bằng enzyme. Ruột non còn làm nhiệm vụ hấp thu nước, khoáng, vitamin và các sản phẩm tiêu hoá ở ruột (glucoza, axít amin và axít béo).

– Ruột già : Ruột già có chức năng lên men, hấp thu và tạo phân. Trong phần manh tràng có hệ vi sinh vật tương tự như trong dạ cỏ có vai trò lên men các sản phẩm đưa từ trên xuống. Các axit béo bay hơi sinh ra từ quá trình lên men trong ruột già được hấp thu tương tự như ở dạ cỏ, nhưng xác vi sinh vật không được tiêu hoá tiếp mà thải ra ngoài qua phân. Trực tràng có tác dụng hấp thu nước, tạo khuôn và tích trữ phân.

0