Cuộc di cư Việt Nam, 1954
Di cư năm 1954 là sự kiện xảy ra sau Hiệp định Genève tại Việt Nam, bao gồm dòng người từ miền Nam "tập kết ra Bắc" và một dòng người lớn hơn với gần một triệu người "di cư vào Nam". Sau trận Điện Biên Phủ, ...
Di cư năm 1954 là sự kiện xảy ra sau Hiệp định Genève tại Việt Nam, bao gồm dòng người từ miền Nam "tập kết ra Bắc" và một dòng người lớn hơn với gần một triệu người "di cư vào Nam".
Sau trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp, tạm thời chia đôi Việt Nam thành hai vùng tập trung quân sự tại vĩ tuyến 17. Hệ thống bộ máy dân sự và lực lượng quân sự của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tập trung ở miền Bắc và hệ thống bộ máy dân sự và lực lượng quân sự của chính quyền Liên hiệp Pháp được tập trung ở miền Nam, chờ ngày tổng tuyển cử tự do dự kiến sẽ xảy ra vào ngày 20 tháng 7 năm 1956. Điều 14 phần (d) của Hiệp định cho phép người dân ở mỗi phía di cư đến phía kia và yêu cầu phía quản lý tạo điều kiện cho họ di cư trong vòng 300 ngày sau thoả hiệp đình chiến (Điều 2), tức chấm dứt vào ngày 19 tháng 5, 1955. Dân Hà Nội có 80 ngày, Hải Dương có 100 ngày, còn Hải Phòng, điểm cuối cùng tập trung để di cư có 300 ngày.
Để giám sát thực thi hiệp định, Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến được thành lập theo điều 34 của hiệp định với đại diện của ba nước Ấn Độ, Ba Lan, và Canada.
Nguyên nhân
Một người Thiên Chúa giáo di cư từ miền Bắc đang được cứu trợ
Theo tuần báo Time, những người di cư vào miền Nam, đặc biệt những người Công giáo Việt Nam, cho rằng họ đã bị đàn áp tôn giáo dưới chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều người thật sự ra đi vì lý do kinh tế và chính trị: họ là những người làm việc cho Pháp, hay giới tư sản không có cảm tình với chính phủ Cộng sản. Một số người là nạn nhân của cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam, bị lấy mất tài sản nên phải bỏ ra đi.
Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì cho rằng những người Công giáo Việt Nam đã bị chính quyền Pháp, Mỹ và thân Mỹ cưỡng bức hay "dụ dỗ di cư"Khẳng định này không mâu thuẫn với các tài liệu của Mỹ về hoạt động của Edward Lansdale, chuyên gia tình báo Mỹ hoạt động tại miền Bắc Việt Nam trong thời gian này, với nhiệm vụ làm suy yếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng mọi cách có thể. Theo đó, các linh mục miền Bắc giục giã giáo dân vào Nam với lời giảng rằng Đức Mẹ Đồng Trinh đã vào Nam nên họ phải đi theo. Lansdale và nhóm của ông đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền miêu tả rằng các điều kiện sắp tới dưới chính quyền Việt Minh sẽ ác nghiệt hết mức có thể. Nhóm này phân tán các tờ truyền đơn được giả mạo là của chính phủ Việt Minh, tạo các tin đồn, thuê các thầy bói tiên đoán về các tai họa sắp tới. Bản tường trình mật của Lansdale về nhiệm vụ của ông đã ghi nhận số người đăng ký di cư vào Nam tăng lên gấp 3 lần sau khi một tờ truyền đơn giả mạo được phát tán
Ngược lại, những tờ bích chương và tờ bướm do Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến in và trao cho hai bên phổ biến cho dân chúng biết về quyền tự do di tản thì không được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phân phát[10]. Hơn nữa chính Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đã mở cuộc điều tra đơn khiếu nại của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về hành động cưỡng bách di cư. Trong số 25.000 người Uỷ hội tiếp xúc, không có ai nhận là họ bị "cưỡng bách di cư" hay muốn trở về Bắc cả
Ngoài những người di cư vào Nam vì lý do tôn giáo (chiếm 2/3 tổng số), số còn lại là những người thuộc khuynh hướng chính trị chống cộng sản, những người có liên hệ với chính quyền Pháp hay chính phủ quốc gia, thành phần tư sản thành thị và những gia đình nông thôn lo ngại vì chính sách cải cách ruộng đất và đấu tố. Thêm vào đó là những người thuộc dân tộc thiểu số đã từng theo quân đội Pháp chống Việt Minh. Trong đó có khoảng 45.000 người Nùng vùng Móng Cái và 2.000 người Thái và Mèo từ Sơn La và Điện Biên
Tiến trình
Tàu há mồm LST đón người di cư rời miền Bắc.Ngày 9 tháng 8 năm 1954, chính phủ Quốc gia Việt Nam của tân Thủ tướng Ngô Đình Diệm lập Phủ Tổng ủy Di cư Tỵ nạn ở cấp một bộ trong nội các với ba nha đại diện, một ở miền Bắc, một ở miền Trung và một ở miền Nam để xúc tiến định cư. Thêm vào đó là Uỷ ban Hỗ trợ Định cư, một tổ chức cứu trợ tư nhân giúp sức.
Đối với sinh viên đại học, Bộ Tư lệnh Pháp dành 12 chuyến bay trong hai ngày 12 và 13 Tháng Tám đưa khoảng 1200 sinh viên miền Bắc vào Nam. Ước tính chỉ khoảng 1/3 ở lại còn 2/3 chọn di cư.
Vì không có đủ phương tiện cho những người di cư vào Nam nên chính quyền Pháp và Bảo Đại phải kêu gọi các nước khác giúp chuyên chở và định cư. Các chính phủ Anh, Ba Lan, Tây Đức, Nam Hàn, Hoa Kỳ, Nhật, Philippines, New Zealand, Trung Hoa Dân quốc, Úc và Ý hưởng ứng cùng các tổ chức UNICEF, Hồng Thập Tự, Catholic Relief Services (CRS), Church World Services (CWS), Mennonite Central Committee (MCC), International Rescue Committee (IRC), CARE và Thanh thương Hội Quốc tế.
Ngày 4 tháng 8 năm 1954 cầu hàng không nối phi trường Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn trong Nam với các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai, Hà Nội và Cát Bi, Hải Phòng ngoài Bắc được thiết lập. Nỗ lực đó được coi là cầu không vận dài nhất thế giới lúc bấy giờ (khoảng 1.200 km đường chim bay). Phi cảng Tân Sơn Nhứt trở nên đông nghẹt; tính trung bình mỗi 6 phút một là một máy bay hạ cánh và mỗi ngày có từ 2000 đến 4200 người di cư tới. Tổng kết là 4280 lượt hạ cánh, đưa vào 213.635 người.
Ngoài ra, một hình ảnh quen thuộc với người dân tỵ nạn là "tàu há mồm" (tiếng Anh: landing ship, tank viết tắt là LST) đón người ở gần bờ rồi chuyển ra tàu lớn neo ngoài hải phận miền Bắc. Các tàu thủy vừa hạ xuống, hàng trăm người đã giành lên. Các tàu của Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Ba Lan... giúp được 555.037 người "vô Nam". "Nam" được hiểu là cả dải duyên hải miền Nam Việt Nam, từ Đà Nẵng tới Vũng Tàu. Vì số người di cư quá đông Cao uỷ Pháp đã xin gia hạn thêm ba tháng và phía Hà Nội đã thoả thuận nên ngày cuối cùng thay vì là ngày 19 tháng 5 được đổi thành ngày 19 tháng 8. Trong thời gian gia hạn thêm 3.945 người đã vượt tuyến vào Nam. Chuyến tàu thuỷ cuối cùng của cuộc di cư cập bến Sài Gòn vào ngày 16 tháng 8.
Thêm vào đó, còn tới 102.861 người tự tìm đường bộ hoặc ghe thuyền và phương tiện riêng.
Tính đến giữa năm 1954 và 1956, trên 1 triệu người đã di cư từ Bắc vào Nam, trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, tức khoảng 2/3 số người Công giáo ở miền Bắc đã bỏ vào Nam
Bài thơ Nhất định thắng (năm 1955) của nhà thơ Trần Dần có viết về cuộc di cư này cùng với sự đau thương chia cắt Bắc Nam và lời kêu gọi đứng lên đòi hòa bình và thống nhất.
Năm 1955, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Thuyền viễn xứ của Huyền Chi và sau này là bài 1954 - 1975 nói lên tâm trạng của những người di tản.
Trong miền Nam, những bản nhạc Chuyến đò vĩ tuyến, Nắng đẹp Miền Nam, Nhạc rừng khuya và Đoàn người lữ thứ của nhạc sĩ Lam Phương,[18] Ghé bến Sài Gòn của Văn Phụng, Hình ảnh quê xưa của Hoàng Trọng cũng nói về cuộc di cư này.
Sử liệu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận có 140.000 người di cư ra Bắc bằng phương tiện riêng, băng rừng Trường Sơn, hoặc đi trên các tàu của Ba Lan, Pháp và Liên Xô. Đa số đây là những người theo Việt Minh và gia đình của họ tập kết ra Bắc.
Phủ Tổng uỷ Di cư Tỵ nạn của Quốc gia Việt Nam thì ghi con số 4.358 người đi qua ngả chính phủ. Họ là những người vì vội vã đã bỏ vào Nam nay đổi ý muốn trở lại ra Bắc hay những người tin theo vận động của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tìm đường ra Bắc. Số người này được vận chuyển bằng đường thuỷ và hàng không của Pháp.