Nguyên nhân cải cách hành chính ở Việt Nam
Nền hành chính nước ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ qua các giai đoạn cách mạng, nó có bước chuyển biến, tiến bộ trong quá trình đổi mới. Cụ thể: Thể hiện bản chất của nền dân chủ một cách nhất quán và ngày càng được nâng cao qua các giai đoạn cách ...
Nền hành chính nước ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ qua các giai đoạn cách mạng, nó có bước chuyển biến, tiến bộ trong quá trình đổi mới. Cụ thể:
- Thể hiện bản chất của nền dân chủ một cách nhất quán và ngày càng được nâng cao qua các giai đoạn cách mạng của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
- Luôn là một bô phận hợp thành của hệ thống chính trị, thực hiện chức năng hành pháp của quyền lực Nhà nước, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
- Hoạt động trong khuôn khổ pháp lý của Nhà nước pháp quyền, dựa trên cơ sở các văn bản pháp quy về tổ chức bộ máy của nền hành chính Nhà nước.
- Bộ máy hành chính Nhà nước được từng bước kiện toàn, có phát huy hiệu lực và hiệu quả, góp phần vào những thắng lợi của cách mạng. Có đội ngũ các nhà quản lý và công chức có tinh thần yêu nước, trung thành với Tổ quốc, tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và lợi ích của nhân dân, ngày càng nâng cao về kiến thức, kỹ năng hành chính.
Bên cạnh các thành tựu đạt được là vô số các vấn đề cần giải quyết,
- Thứ nhất, cơ cấu tổ chức chưa hợp lý, trong đó chưa xác định đúng và phân biệt rõ sự lãnh đạo của Đảng và vai trò, chức năng quản lý của Nhà nước, mối quan hệ phân công, hợp tác giữa các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp còn có chỗ chưa hợp lý, rành mạch.
- Thứ hai, quyền lập quy và hoạt động lập quy của hệ thống hành pháp chưa được thực hiện mạnh mẽ, hệ thống pháp luật vừa thiếu vừa không đồng bộ, không hoàn chỉnh, vừa có những mặt lạc hậu và không đáp ứng kịp yêu cầu của cơ cấu kinh tế và cơ chế thị trường, cũng như yêu cầu chính trị, xã hội, văn hoá trong giai đoạn mới, giai đoạn củng cố và hoàn thiện nền dân chủ XHCN.
- Thứ ba, thể chế hành chính và bộ máy quản lý Nhà nước không phân định rõ và kết hợp biện chứng giữa quản lý Nhà nước và quản lý kinh doanh.
- Thứ tư, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính bộc lộ nhiều nhược điểm, bộ máy tổ chức cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối rườm rà, vừa tập trung quan liêu, vừa phân tán, không quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Thứ năm, đội ngũ công chức Nhà nước vừa quá đông, quá thừa những người yếu kém, vừa thiếu cán bộ có năng lực cao, có phẩm chất đạo đức, kỷ luật, bệnh quan liêu, tham nhũng trong một số không ít cán bộ công chức khá trầm trọng.
- Thứ sáu, thể chế của nền hành chính một mặt, không được quy định chính thức, chặt chẽ, mặt khác, lại sa vào một hệ thống thủ tục rườm rà, phức tạp, công việc hành chính còn mang nặng tính chất bàn giấy, chậm trễ, kém hiệu lực và hiệu quả.
- Thứ bảy, nghiệp vụ và kỹ thuật hành chính còn thủ công, lạc hậu, ít sử dụng kỹ thuật hiện đại, hệ thống thông tin cũ, chưa bắt kịp sự phát triển của xã hội và đòi hỏi của một Nhà nước hiện đại.
Nguyên nhận của những yếu kém là: do thiếu một hệ thống nhận thức, quan điểm, nguyên tắc có đủ căn cứ khoa học và thiếu kiến thức thực tiễn, kỹ năng thực hành về hành chính hiện đại, về xây dựng thể chế và tổ chức Nhà nước kiểu mới và nền hành chính Nhà nước kiểu mới. Nhìn tổng thể bao gồm có năm điểm lớn:
- Bệnh quan liêu, cửa quyền, xa dân, xa cấp dưới, cơ sở.
- Nạn tham nhũng và lãng phí của công.
- Tình trạng phân tán, thiếu trật tự, kỷ cương trong hệ thống hành chính và trong xã hội.
- Bộ máy hành chính cồng kềnh, nặng nề, vận hành trục trặc.
- Đội ngũ cán bộ công chức thiếu kiến thức, năng lực, một bộ phận không nhỏ kém phẩm chất, thậm chí hư hỏng.