Cộng đồng người Thượng trên cao nguyên miền Trung
Nguyễn Văn Huy* Tìm hiểu lịch sử những cộng đồng dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là một bổ túc cần thiết cho mọi dự án xây dựng Việt Nam tương lai. Bài viết tóm lược sự hình thành cộng đồng người Thượng trên cao nguyên miền Trung, những phong trào phản kháng của người ...
Nguyễn Văn Huy*
Tìm hiểu lịch sử những cộng đồng dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là một bổ túc cần thiết cho mọi dự án xây dựng Việt Nam tương lai. Bài viết tóm lược sự hình thành cộng đồng người Thượng trên cao nguyên miền Trung, những phong trào phản kháng của người Thượng trong thời Pháp thuộc và dưới các chế độ chính trị của Việt Nam, để hiểu và nâng đỡ những đồng bào đang chia sẻ mảnh đất Việt Nam chung.
I. Sự hình thành cộng đồng người Thượng trên cao nguyên miền Trung
Thượng là tên gọi chung những sắc dân sinh sống trên cao nguyên miền Trung Việt Nam. Dân số người Thượng hiện nay trên 1,6 triệu người (tương đương với 1,9% dân số toàn quốc), được chia thành 19 nhóm khác nhau, đông nhất là các nhóm Bahnar, Sedang, Hré, Mnong, Stieng thuộc ngữ hệ Môn Khmer (Nam á) và Djarai, Rhadé, Raglai thuộc ngữ hệ Malayo Polynésien (Nam Ðảo). Ðịa bàn cư trú của người Thượng có hình giọt nước, rộng trên 60.000 cây số vuông, từ vừng rừng núi phía Tây các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung (bắt đầu từ Quảng Bình xuống Ðồng Nai) đến tận biên giới Lào và Kampuchea với các tỉnh Kontum, Gia Lai, Ðắt Lắc, Lâm Ðồng (gọi chung la Tây Nguyên) và chấm dứt trên những sườn đồi phía Nam dãy Trường Sơn trong các tỉnh Ðồng Nai và Sông Bé. Mỗi nhóm Thượng sinh trú trong một địa bàn riêng biệt với những ngôn ngữ, phong tục, tập quán riêng. Mật độ dân số trung bình khoảng 30 người trên một cây số vuông; tỷ lệ tăng trưởng dân số trung bình là 2% một năm. Ngày nay người Thượng trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ: 40% dân số trên Tây Nguyên.
Sự hội nhập của người Thượng vào cộng đồng dân tộc Việt Nam còn rất mới, chưa tới 50 năm (từ 1954 đến nay), do đó còn rất nhiều điều để khám phá.
Các tên gọi về người Thượng
Triều đình và người Việt Nam xưa gọi chung những sắc dân sinh sống trong vùng rừng núi, chưa thấm nhuần văn minh đồng bằng, là Man di, Thổ dân hay Liêu thuộc; khi chống lại trung ương thì bị gọi là rợ, loạn. Vào giữa thế kỷ 19, lần đầu tiên tiếp xúc với những sắc dân sinh sống trên cao nguyên Trường Sơn, người Pháp gọi chung tất cả là Mọi.
Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, danh xưng mọi xuất hiện từ thế kỷ 18 khi Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc phò Lê diệt Trịnh. Triều thần nhà Lê (Trương Tuân và Dương Trọng Tế) thời đó gọi quân Tây Sơn là quân Mọi. Sở dĩ có tên gọi này vì quân Tây Sơn đa số là người Thượng (đảm trách phần nhiệm tải người và vật dụng), kẻ nào cũng lưng đóng khố, tay cầm đòn ống, mình trần trùng trục. Chưởng Tiến, một lục lâm hảo hán thời đó, mắng quân Tây Sơn là lũ Hồng Mao, mọi lông đỏ vì trên đầu mỗi binh sĩ đều vấn vải đỏ và giắt lông chim (một phong tục của người Bahnar khi lâm trận).
Không biết danh xưng Mọi có từ bao giờ, người Pháp nói rằng người Việt đã gọi những sắc dân cư ngụ trên vùng rừng núi phía Tây đồng bằng duyên hải miền Trung là Mọi từ lâu đời, với nội dung kinh bỉ những người có đời sống còn man dã, dữ tợn. Ngày nay danh xưng Mọi tuy không còn phổ biến nhưng trong dân gian vẫn còn những biến nghĩa tiêu cực khi muốn hạ thấp nhân phẩm hay khinh miệt đối phương với những cụm từ: làm mọi (làm không công, làm tôi tớ), man mọi (kém văn minh), mọi rợ (dã man), thằng mọi (người không có văn hóa).
Trong thực tế danh xưng Mọi xuất phát từ lối phát âm của người Mường: Mơl, có nghĩa là người. Khi các giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến Thanh Hóa vào cuối thế kỷ 16, họ đã dựa theo cách phát âm của người địa phương gọi những sắc dân sinh sống trên vùng rừng núi là Mwal, phiên âm ra theo tiếng la-tinh Việt ngữ hóa là mơ-oa l hay mơ-oai. Thật ra không có sắc dân nào tên mới cả, mỗi sắc dân đều có một tên riêng đi kèm, như Mơ Mường là người Mường. Khi cộng đồng người Việt từ các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh theo Nguyễn Hoàng vào Nam (tức miền Trung ngày nay) lập nghiệp đầu thế kỷ 16, họ gọi chung người miền núi là mơ-oai vì không biết đặt tên gì. Với thời gian, do cách phát âm riêng biệt của người Thanh Nghệ Tĩnh, danh xưng mơ-oai biến âm thành mọi. Từ đó về sau mới có các tên Mọi Ðá Vách (Hré), Mọi Hời (Hroi, Kor, Bru, Ktu và Pacoh), Mọi Ðá Hàm (Djarai), Mọi Bồ Nông (Mnong) và Bồ Van (Rhadé Epan), Mọi Vị (Raglai) và Mọi Bà Rịa (Mạ) để chỉ những sắc dân Thượng sinh trú ở phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và Biên Hòa.
Có người dùng chữ người Sơn Cước cho có vẻ văn minh hơn, nhưng danh xưng này bao hàm tất cả những cư dân bản địa sống trên vùng núi non hay cao nguyên miền Bắc lẫn miền Trung, do đó không thể dùng để chỉ riêng người Thượng. Người bình dân gọi tất cả những thổ dân không phải là người Việt có nước da ngâm đen sinh sống bên cạnh họ là người miền ngược, người miền núi, thượng bang, người thiểu số, người sắc tộc, v.v… Các chế độ chính trị gọi là đồng bào sắc tộc. Chế độ cộng sản còn đi xa hơn, đồng hóa danh xưng sắc tộc (ethnie) với dân tộc (nationalité) theo cách gọi của Liên Xô cũ và Trung Quốc; sắc tộc thiểu số đổi thành dân tộc thiểu số, mỗi sắc tộc là một dân tộc (dân tộc Rhadé…), chính vì thế ngày nay người Việt trong nước thường gọi chung người Thượng là người dân tộc (?).
Trong bài này tác giả sử dụng danh xưng Thượng, một cách gọi đặc trưng để chỉ những sắc dân sinh sống trên cao nguyên miền Trung, hay Tây Nguyên. Thượng có nghĩa là ở trên, người Thượng là người ở miền cao hay miền núi.
Ði tìm lịch sử
Cộng đồng người Thượng từ khi xuất hiện cho đến nay chưa bao giờ kết hợp lại thành một quốc gia. Mỗi nhóm sắc tộc, tùy từng thời điểm, hùng cứ một nơi, quay quần quanh một vị thủ lãnh hay một dòng họ. Sống trên một địa bàn hiểm trở, chung quanh là núi rừng ẩm ướt, dụng cụ sinh hoạt chính của người Thượng là gỗ rừng, văn minh của người Thượng có thể gọi là văn minh thảo mộc, những di tích không tồn tại lâu dài với thời gian. Gần đây nhiều di chỉ khảo cổ trên Tây Nguyên vừa được khám phá, nhưng những phát hiện này dừng lại ở thời đại đồ đá cách đây từ 10.000 đến 30.000 năm, giai đoạn cận kim hoàn toàn thiếu vắng. Thêm vào đó người Thượng không có chữ viết, tìm hiểu nguồn gốc hay lịch sử của người Thượng chính vì vậy rất là khó khăn. Những huyền thoại dân gian truyền khẩu của người Thượng phần lớn do những giáo sĩ người Pháp chép lại, tính chất có thực của những chuyện này rất khó kiểm chứng.
Mặc dầu vậy, với quyết tâm, chúng ta vẫn có thể tìm hiểu sự hiện diện của những đồng bào này qua lịch sử các thế lực xưa trong vùng: Phù Nam, Angkor, Chiêm Thành, Xiêm La và Ðại Việt, để từ đó nối lại những mắt xích thiếu sót trong lịch sử các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử của người Thượng cũng là tìm hiểu gốc tích của dân tộc Việt Nam, bởi vì ngày nay người Thượng là công dân của nước Việt Nam, tổ tiên của họ cũng là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam.
Từ khởi thủy, trên Tây Nguyên không có chủng tộc nào có những tên gọi như ngày nay. Tổ tiên người Thượng phần lớn là người đồng bằng chạy lên cao nguyên lánh nạn và ở lại luôn; với thời gian, những hòa trộn chủng tộc giữa các nhóm di dân cũ và mới làm nảy sinh những nhóm sắc tộc khác nhau. Cũng nên biết rừng núi Trường Sơn trước khi được sát nhập vào Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là địa bàn lánh nạn lý tưởng cho những người thích sống tự do, từ chối sự thống trị của các thế lực đồng bằng.
Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, cư dân đầu tiên trên Tây Nguyên mang nặng yếu tố Veddoid (hay Négroid, dáng người nhỏ thấp, tóc đen xoắn, da ngâm đen, xuất hiện cách đây từ 10.000 đến 5.000 năm), sống theo bầy ngoài trời, biết săn bắn, chế tác dụng cụ và vũ khí bằng xương thú và đá đẽo. Những đợt di dân về sau, mang nặng yếu tố Mélanésien (dáng thấp, nước da ngâm đen, tóc đen dợn sóng, cách đây từ 6.000 đến 5.000 năm) và Indonésien (từ sông Indus tới, dáng người cao to, tóc đen dợn sóng, da không đen sậm, cách đây từ 5.000 đến 2.500 năm) tiến bộ hơn, kết hợp với những nhóm có trước tạo thành các nhóm Thượng Môn Khmer ( người da đen, tóc quắn, xấu xí và sống khỏa thân, nếp sống đơn giản, không trộm cắp theo mô tả của Khương Tài, sử gia Trung Hoa vào thế kỷ 4) ở sâu trong lục địa địa và nhóm Thượng Malayo Polynésien (dáng vạm vỡ, da ngâm đen, tóc đen dợn sóng) từ duyên hải lên. Cả hai nhóm đều nắm vững kỹ thuật chế tác vật dụng bằng gốm, dệt vải, rèn luyện kim loại thô sơ và làm rẫy.
Nhờ những đóng góp mới này người Thượng bắt đầu biết kết hợp thành bộ lạc, dựng nhà sàn, chăn nuôi trâu bò và thuần dưỡng voi rừng để chuyên chở hay xung trận. ý thức quyền lực ngày càng rõ nét, những bộ tộc lớn thường tấn công những bộ lạc nhỏ và yếu hơn để bắt phụ nữ và nô lệ phục vụ mình. Nhờ đất đai còn hoang trống, những nhóm nhỏ và yếu hơn, không muốn bị sát hại hay bị làm nô lệ, trốn vào các chốn rừng sâu; sống tách biệt với thế giới bên ngoài những nhóm này càng trở nên lạc hậu và yếu kém hơn. Sự di chuyển theo đàn thú rừng và lối canh tác du mục cũng làm thay đổi yếu tố thuần chủng của từng nhóm. Với thời gian, tranh chấp về không gian sinh tồn và lãnh đạo giữa những bộ tộc lớn ngày càng gắt gao, một số đã nhờ các thế lực tại đồng bằng (Phù Nam và Chiêm Thành) lên can thiệp và chấp nhận triều cống. Từ đó sự hiện diện của người Thượng bắt đầu xuất hiện trong những ghi chép của các triều vương đồng bằng, từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 19. Ðến thời Pháp thuộc, những nhóm sắc tộc Thượng lần lượt được khám phá và liệt kê trong các văn bản.
Sự hình thành các nhóm Thượng
Vào đầu công nguyên, xuất hiện hai vương quốc của người Malayo Polynésien lớn trên bán đảo Ðông Dương: Phù Nam và Chiêm Thành. Lãnh thổ Phù Nam rộng từ Vịnh Thái Lan đến Biển Hồ nhưng ảnh hưởng tỏa lên Thượng Lào và Bắc Miến Ðiện. Chiêm Thành gồm nhiều vương quốc nhỏ sinh hoạt độc lập với nhau dọc các đồng bằng eo hẹp miền Trung đến chân dãy Trường Sơn về phía Tây: Lâm êp hay Indrapura (Bình Trị Thiên), Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Nghĩa Bình), Aryaru (Phú Yên), Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Bình Thuận). Sinh hoạt chính của người Malayo Polynésien là trồng lúa nước và buôn bán. Ðể tìm thêm nguồn hàng quí hiếm trao đổi với các thuyền buôn nên Ðộ, người Malayo Polynésien mở rộng tầm kiểm soát lên các vùng rừng núi đồng thời khuất phục luôn các nhóm dân cư bản địa đã có mặt từ trước. Một phần lớn dân cư bản địa, người Môn, từ chối sự thống trị mới này đã chạy sang đồng bằng các sông Menam (Thái Lan), Salween và Irrawaddy (Miến Ðiện) lập nghiệp; một số ít hơn trốn lên cao nguyên Trường Sơn. Một sắc dân khác, người Khmer, rút lên cao nguyên Korat (phía Tây Thái Lan) lánh nạn và ở luôn trên đó.
Từ thế kỷ 5 người Khmer trở nên hùng mạnh, tiến xuống đồng bằng đánh bại Phù Nam và thành lập đế quốc Angkor vào giữa thế kỷ 7. Các triều vương Angkor dồn mọi nỗ lực xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền và những đền đài đồ sộ bằng đá quanh Siem Reap. Những đại công tác này đòi hỏi một nguồn nhân lực khổng lồ, các sắc dân sinh sống quanh khu vực đều bị bắt về làm nô lệ và đã không nhiều thì ít tiêm nhiễm yếu tố văn hóa Khmer trong sinh hoạt hay trở thành hăn người Khmer bởi chính sách đồng hóa. Từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 15, nhiều đoàn nô lệ đã băng rừng vượt núi chạy lên cao nguyên Trường Sơn lánh nạn, hòa trộn với những nhóm Môn có sẵn từ trước tạo thành các nhóm hợp chủng Môn-Khmer (như các nhóm Bahnar, Sedang, Brâu, Hré, Kor, Mnong, Mạ, Koho, Stieng, Choro… ngày nay), với những trình độ văn hóa và kỹ thuật khác nhau tùy theo mức độ sống chung với người Khmer tại Biển Hồ và các nhóm Malayo Polynésien từ duyên hải miền Trung tiến lên sau này.
Về phía Ðông, từ thế kỷ 2, lãnh thổ các tiểu vương quốc Indrapura và Amaravati của người Chăm chịu áp lực nặng nề của người Trung Hoa ở Giao Chỉ. Mỗi lần bị đánh bại, dân cư Chăm rút lên Trường Sơn lánh nạn; một số đã ở lại hòa trộn cùng những nhóm Môn Khmer có sẵn để trở thành các nhóm Bru, Tà Ôi (Pacoh), Ktu, Djé Triêng. Giữa thế kỷ 5, Chiêm Thành bị quân Tống tấn công và đại bại, dân cư Amaravati băng Trường Sơn chạy vào Champassak (Nam Lào) lánh nạn, một số lớn đã ở lại và tạo thành các nhóm Djarai với sự pha trộn ít nhiều yếu tố Môn Khmer. Ðến cuối thế kỷ 7, quân Java từ Biển Ðông tràn vào đánh phá Aryaru và Kauthara, một phần lớn dân chúng đã chạy lên cao nguyên Darlac tị nạn và tạo thành các nhóm Rhadé. Vào giữa thế kỷ 16 quân Chiêm tại Panduranga bị quân Việt đánh bại, một số người Chăm chạy lên cao nguyên Di Linh tá túc, hòa hợp với các nhóm Koho và Mạ để trở thành các nhóm Raglai. Về sau, vào đầu thế kỷ 19 thành trì cuối cùng của người Chăm tại Panduranga lọt vào tay nhà Nguyễn, một số người Chăm rút lên cao nguyên Ðồng Nai, hòa trộn với các nhóm có trước để trở thành người Churu.
Qua mô tả tóm lược này, tiến trình hình thành các nhóm người Thượng này có vẻ giản dị nhưng trên thực tế rất là phức tạp. Sự pha trộn giữa các nhóm, tự nhiên hay bị ép buộc, để trở thành một tập hợp khác làm thay đổi thường xuyên địa bàn cư trú của mỗi nhóm. Nhiều nhóm đã tan biến đi, nhiều nhóm mới được thành lập và còn giữ tên cho đến ngày nay. Cho đến nửa đầu thế kỷ 20, tiến trình chuyển hóa của người Thượng vẫn còn tiếp diễn: các nhóm Sedang, Bahnar và Djarai ở Kontum, các nhóm Mạ, Koho, Stieng và Mnong ở Di Linh đang có kết hợp tự nhiên để trở thành những tập hợp khác nhưng sự xâm nhập của người Pháp vào cao nguyên đã làm khựng lại tiến trình hợp chủng này và chấm dứt hăn vào giữa thế kỷ 20 khi người Kinh xuất hiện trên cao nguyên.
Thêm vào đó, nhóm Thượng nào được các thế lực đồng bằng hỗ trợ thường hay áp đảo các nhóm khác, nhỏ và yếu hơn, để đồng hóa. Trên cao nguyên Kontum, người Bahnar tự gây thanh thế để củng cố cộng đồng của mình. Trên cao nguyên Pleiku và Darlac các nhóm Djarai và Rhadé được người Chăm ủng hộ thường áp đảo các nhóm nhỏ hơn để duy trì yếu tố thuần chủng của mình. Trên cao nguyên Attopeu, người Sedang, Cùa và Sô săn lùng các nhóm yếu hơn, bắt làm nô lệ bán cho người Thái và Lào. Trên cao nguyên Ðồng Nai và Sông Bé, các nhóm Mnong Bhiet và Stieng hợp tác với các triều vương Khmer đánh phá lẫn nhau. Trong hai cuộc chiến Ðông Dương vừa qua, cộng đồng người Thượng gần như phân hóa vì bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh giành độc độc lập và ý thức hệ giữa các phe phái.
Ðiều đáng lưu ý là các nhóm Thượng trên cao nguyên, trừ trường hợp Pháp và Mỹ, gắn bó với các thế lực đồng bằng thuộc văn minh nên Ðộ hơn là với những người thuộc văn hóa Trung Hoa. Trong quá khứ và ngay trong hiện tại, người Thượng mặc dù có bị đàn áp, ức hiếp hay có chống trả lại các cuộc xâm nhập của người Chăm, Khmer và Thái nhưng quan hệ của họ đối với các cộng đồng có nền văn hóa nên Ðộ lúc nào cũng dễ dàng, sự kiện này cần nên lưu ý.
Quan hệ với người Chăm và Khmer
Do xuất thân từ các vùng đất thấp, quan hệ giữa người Thượng và các thế lực đồng bằng đã rất chặt chẽ. Người Thượng cần gạo muối và dụng cụ kim khí, người đồng bằng cần phẩm vật rừng xanh, cả hai cộng đồng vẫn còn trao đổi qua lại cho đến ngày nay. Thêm vào đó là những quan hệ quyền lợi và quyền lực, các thế lực đồng bằng cần người miền núi để bổ sung nhân lực trong các công trình xây dựng hay quân đội, nhất là voi trận, nhằm tăng cường uy thế; các nhóm miền núi cần người đồng bằng hỗ trợ để bảo vệ địa vị áp đảo của mình. Sau mỗi thất bại các nhóm Thượng phân hóa thành các chi bộ nhỏ sống rải rác khắp nơi dọc các con suối, các thung lũng lòng chảo hay trên các triền núi, đời sống vô cùng khó khăn vì bị tản mát. Về phía các vua Chăm và Khmer, mỗi khi thua trận, thường dâng cống phẩm vật rừng xanh (cọp, nai, voi, ngà voi, sừng tê giác, trầm hương, cánh kiến, mật ong, vàng bạc, đá quí) do người Thượng cung cấp cho phe thắng trận để xin thần phục. Theo dõi những ghi chép còn lại trên bia đá của các triều vương Angkor và Chiêm Thành cũ, quan hệ qua lại giữa hai khu vực đã được nhiều lần nhắc đến.
Tại Chiêm Thành, tù trưởng các bộ lạc lớn của người Thượng được phong tước chiến sĩ (Ksatriya), có quyền lập gia đình với phụ nữ Chăm và ra vào cung đình. Các vua Chiêm Thành cũng thường được các tù trưởng Thượng gả con gái để duy trì quan hệ quyền lực. Năm 914 một tiểu vương Chăm gốc Bahnar tên Mahindravarman được giao cai quản cao nguyên Kontum và khi chết được chôn tại Kon Kor trong thung lũng sông Bla, gần Kontum. Nam 1145, vua Khmer Suryavarman II với sự giúp đỡ của người Stieng và Mnong, sau đó là của người Rhadé và Djarai, băng Trường Sơn vào chiếm kinh đô Vijaya (Bình Ðịnh) của người Chăm. Năm 1150, sau khi đánh đuổi quân Khmer về bên kia dãy Trường Sơn, vua Chăm Jaya Harivarman tấn công người Rhadé, Djarai và các nhóm Thượng khác, mà họ gọi chung là Kirataê, do Vansaraja (êng Minh Diệp), một người Rhadé và là anh rể của nhà vua, để tái lập trật tự trong nước. Tàn quân của Vansaraja vượt sông Gianh vào Ðại Việt cầu cứu, vua Lý Anh Tôn sai tướng Nguyễn Mông cùng 5.000 binh sĩ từ Thanh Hóa vào tiếp cứu nhưng bị đánh bại, Nguyễn Mông và Vansaraja đều bị tử trận. Toàn bộ các thung lũng ven núi nơi người Thượng cư trú đều đặt dưới sự kiểm soát của Chiêm Thành.
Tại Chân Lạp, sự lớn mạnh của Chiêm Thành đe dọa thế đứng của đế quốc Angkor, trong suốt thế kỷ 12 quân Khmer với sự hỗ trợ của người Thượng đã nhiều lần băng rừng Trường Sơn tiến vào đánh phá Chiêm Thành. Những thế kỷ sau, nơi cư trú của người Thượng trở thành khu vực trái độn và là nơi giao chiến giữa Angkor và Chiêm Thành.
Năm 1282, lãnh thổ Chiêm Thành bị quân Mông Cổ chiếm đóng. Hoàng tử Harajit cùng mẹ là hoàng hậu Gaurendraksmi trốn lên cao nguyên Ya Heou (An Khê) lánh nạn và chiêu mộ được 20.000 binh lính Thượng (đủ cả các sắc tộc lớn nhỏ) kháng chiến. Lực lượng du kích của Harajit gây nhiều thiệt hại cả về nhân mạng lẫn vật liệu chiến tranh cho quân Mông Cổ. Năm 1283, Toa Ðô dẫn hơn 5.000 binh sĩ, 100 tàu chiến và 250 thuyền đổ bộ vào Quảng Ngãi và Bình Ðịnh, tiến lên cao nguyên Kontum-Pleiku tiễu trừ quân kháng chiến nhưng vì không quen khí hậu nóng ẩm và thiếu tiếp liệu phải lui về đồng bằng. Quân Chiêm và quân nhà Trần đã hợp lực cùng nhau đánh đuổi quân Mông Cổ ra khỏi lãnh thổ năm 1285. Năm 1288 Harajit lên ngôi vua, hiệu Chế Mân (Jaya Sinhavarman III), quan hệ giữa người Chăm và người Việt, giữa người Thượng và người Chăm ngày càng thắm thiết, nhiều đền đài Chăm được dựng lên ở Yang Mun, Yang Prong và Drang Lai.
Từ thế kỷ 14 trở về sau, chiến tranh giữa Chiêm Thành và Ðại Việt xảy ra thường xuyên, cộng đồng người Thượng trên cao nguyên là nguồn nhân lực bổ sung cho quân đội Chiêm Thành. Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn chiếm thành Ðồ Bàn (Bình Ðịnh) và chia lãnh thổ Bắc Chiêm Thành ra nhiều xứ để cai trị, trong đó có xứ Nam Phan bao gồm vùng đất phía Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh và cao nguyên Kontum, Pleiku, Darlac. Kể từ giai đoạn này, dân cư Ðại Việt mới biết người Thượng nhưng vì tổ chức xã hội theo khuôn mẫu Trung Hoa nên các sắc dân không thuần chủng Kinh đều bị cách ly. Người Manê (Thượng) luôn bị nghi kỵ và nhiều phòng tuyến ngăn cản sự tiếp xúc giữa Kinh và Thượng được thành lập. Những năm mất mùa, người Ðá Vách (Hroi, Kayong, Cùa, Hré, Ktu, Krem) thường tràn vào các thôn xã người Kinh cướp bóc lương thực.
Năm 1540, vua Lê Trang Tôn phong Bùi Tá Hán làm trấn thủ đạo Quảng Nam với mục đích trừ loạn Ðá Vách ở phía Nam Quảng Ngãi gồm các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà. Sau khi dẹp xong loạn Ðá Vách, Bùi Tá Hán thi hành chính sách chư hầu đối với người Thượng (thuộc man) và mở rộng giao thương hai chiều: cung cấp muối gạo, vải vóc và nhận lại ngà voi, sừng tê giác, quế, kỳ nam, mật ong. Chính sách này đã mang lại sự yên bình cho toàn khu vực trong gần 200 năm.
Trong cùng thời gian đó, đồng loại của họ phía Tây Trường Sơn sống trong loạn lạc. Năm 1587, người Ai Lao từ cao nguyên Sébang Hien tiến xuống chiếm thung lũng Sedon, Sekong, Sesan, Sesu (tả ngạn sông Mékong) và được người Sedang tiếp sức, đánh đuổi các bộ lạc Pacoh, Brilar, Halang lên các khu rừng rậm và núi cao phía Ðông của Ðại Việt. Người Ai Lao còn tràn vào thung lũng sông Srepok của Chân Lạp, chiếm cứ khu vực sinh sống của người Bahnar và Djarai dựng làng Bandon. Ðến đầu thế kỷ 17, cuộc Nam tiến của người Ai Lao dừng lại trên cao nguyên Darlac. Năm 1601, người Djarai, được Chân Lạp hỗ trợ, đẩy quân Ai Lao lui về phía Bắc. Quan hệ giữa người Khmer và Djarai được thiết lập và kéo dài cho đến năm 1860 khi các giáo sĩ Pháp đến cao nguyên.
Quan hệ với người Kinh
Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Thượng là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của các thế lực tranh chấp. Mỗi khi thua trận quân chúa Trịnh hay chúa Nguyễn thường rút lên vùng núi phía Tây lẩn tránh; phe thắng trận truy kích theo, đánh tràn vào các bản làng Thượng và bắt dân Thượng khuân vác quân dụng và nộp lương thực. Nhiều nhóm Thượng đã phải chạy qua xứ Nam Chưởng (trước kia là Láng Cháng, Bắc Lào) lánh nạn.
Trong thế kỷ 17, người Thượng (Raglai và Churu) và người Chăm tiếp tục kết hợp cùng nhau chống lại cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn. Năm 1629, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên tiến quân vượt sông Ðà Rằng, thành lập Trấn Biên dinhđến tận chân núi Thạch Bi (đèo Cả). Vua Chăm Po Romé bị thua phải giảng hòa và xin cưới con gái thứ ba của Sãi Vương là công chúa Ngọc Khoa, cũng là vợ thứ ba và là vợ út của Po Romé, gọi là Po Bia út, tức hoàng hậu Akaran (vợ thứ nhất là Po Bia Suthi, người Chăm con vua Po Ehklang, không có con trai; vợ thứ hai là con một tù trưởng Rhadé ở Attopeu tên Po Bia Tanchan).
Năm 1697, người Ðá Vách (Hré, Ktu, Pacoh, Bru) phía tây Bình Trị Thiên nổi lên phản đối sưu cao thuế nặng. Năm 1714, Trà Xuy (một người Hré) lãnh đạo dân Thượng phía Tây Cam Lộ kiểm soát một vùng đất rộng lớn phía Tây Quảng Trị. Năm 1722, người Hré tiến chiếm Minh Linh (còn gọi là Hồ Xá thuộc tỉnh Quảng Trị), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Ðăng Khoa đi đánh dẹp nhưng bị chết trong đám loạn quân. Quân Thượng hùng cứ khu vực cận sơn cho đến 1760 khi Nguyễn Cư Trinh làm tuần phủ Quảng Ngãi, ông phải mượn sự tích Sãi Vãi để khích động tinh thần binh sĩ mới dẹp yên được người Thượng. Nguyễn Cư Trinh thành lập Quảng Ngãi đồn dinh gồm sáu đạo canh phòng các vùng cận sơn và áp dụng chính sách dân vận để thu phục người Ðá Vách.
Năm 1765, Ðịnh vương Nguyễn Phúc Thuần thành lập trấn Ðiện Bàn tại Quảng Nam và cho xây dựng một trường lũy (tường thành bằng đất bện tre, có hố chông bằng cây tầm vông hay tre già vót nhọn) từ Trà Mi (Quảng Nam), Trà Bồng, Nghĩa Hạnh, Minh Long, Ba Tơ (Quảng Ngãi) đến An Lão, Hoài nên, Phù Mỹ (Tây Bắc Bình Ðịnh) đề phòng người Thượng. Năm 1770, khâm sai Trần Ngọc Chu mới dẹp yên được loạn Ðá Vách, nhưng kéo dài lâu. Năm 1773, quân Thượng lại nổi lên ở Quảng Nam và Quảng Ngãi chống lại chính sách phân biệt đối xử. Năm 1775 tại Hải Lăng, hai lãnh tụ Lâm và Mộc, người Tà Ôi, lãnh đạo cuộc kháng chiến ở các huyện Cam Lộ, Ðăng Xương, Minh Linh chống lại chúa Trịnh.
Trong cuộc nội chiến Tây Sơn-chúa Nguyễn, cao nguyên Trường Sơn là nơi ẩn lánh của phe thua trận và là hậu cứ cho những cuộc tiến quân khác của các phe lâm chiến. Năm 1771, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ nổi lên tại Tây Sơn, một làng trên cao nguyên An Khê thuộc tỉnh Bình Ðịnh, lãnh địa của người Bahnar. Phong trào Tây Sơn được người Bahnar, Hré, Kor, Sedang, Rhadé, Djarai và nhiều nhóm Thượng khác bên Lào giúp người và giúp của. Nhiều tù trưởng Thượng tại Bình Ðịnh còn gả con gái cho anh em Tây Sơn làm hầu thiếp. Quân Tây Sơn có ba đạo: một đạo gồm toàn người Hoa (đa số là quân cướp biển), một đạo gồm toàn người Thượng (do tù trưởng Bok Kiom, người Bahnar, chỉ huy) và người Chăm, hai đạo này họp thành tả quân và hữu quân; đạo thứ ba gồm toàn người Kinh họp thành trung quân. Khi Nguyễn Huệ hai lần mang quân ra Bắc (1788-1789), binh sĩ Thượng và Chăm đã tỏ ra đắc lực trong việc vận chuyển người và lương thực. Nguyễn Huệ mất năm 1792, người Thượng tiếp tục ủng hộ Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng chống lại chúa Nguyễn nhưng cuối cùng vẫn bị đánh bại. Sợ bị Gia Long trả thù, con cháu nhà Tây Sơn chạy lên cao nguyên lẩn tránh và được người Sedang hết lòng che chở. Từ đó cộng đồng người Thượng bị canh phòng nghiêm nhặt, mọi quan hệ với đồng bằng đều bị cắt đứt.
Năm 1804, hai năm sau khi lên ngôi, Gia Long cho dựng lại các tuyến phòng thủ phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, gọi là Trấn Man (nơi ngăn giữ người Man), nay là Ðiện Bàn, gồm 4 nguyên: Ðà Bồng, Cù Bà, Phù Bà và Ba Tơ và 5 đạo. Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Khắc Tuân củng cố tuyến phòng thủ này với sự thành lập nhiều đồn lũy tại những nơi trọng điểm, nhiều khu dinh điền và đồn điền đưa dân đồng bằng lên khai thác, đồng thời giáo hóa một số bộ lạc Thượng ven ranh nghề canh tác lúa nước và chăn nuôi. Năm 1819, tả quân Lê Văn Duyệt xây thêm Tịnh Man Trường Lũy (thành lũy để dẹp yên giặc Man) bằng đá và đất cao 2 thước, dầy 1 thước, dài trên 90 cây số, từ Trà Bồng qua Sơn Trà, Minh Long phía đông Ba Tơ (Quảng Ngãi) đến Nước Giao, Gò Bùi thuộc An Lão (Bình Ðịnh) để ngăn chặn người Thượng. Mặt ngoài trường lũy có hào chông và hàng rào cây với 115 đồn, mỗi đồn có 10 lính canh.
Quan hệ với triều Nguyễn
Do bị cắt đường liên lạc với đồng bằng miền Trung, tình hình trên cao nguyên rất là loạn lạc dưới triều nhà Nguyễn và đời sống của người Thượng trở nên cơ cực vì bị người Nam Chưởng và Xiêm La ức chế. Người Bahnar rút về phía Ðông dọc sông Bla sinh trú, người Halang trốn lên đỉnh núi Mang Rai, người Rhadé Kpa chạy về phía Nam hồ Taklak (Lạc Thiện) lập nghiệp, người Chom Puon và Brao sinh sống dọc đèo Lao Bảo ẩn vào rừng sâu, người Mnong Bhiet di tản sang Kratié. Nhiều nhóm đã bị diệt chủng hay bị đồng hóa, đến nay không còn dấu tích. Tại một số nơi, quân Xiêm La còn xúi người Thượng đánh phá các làng ven núi của người Việt để bắt người và cướp lương thực.
Trước sự đe dọa của Xiêm La, năm 1827 tù trưởng Chiêu Nội dẫn 3.000 dân đinh chạy qua Ðại Việt xin bảo hộ và dâng luôn 28 sở ruộng ở Kham Mouan làm nội thuộc. Minh Mạng đổi tên Kham Mouan thành Trấn Ninh và phong Chiêu Nội làm Trấn Ninh phòng ngự sứ, cai quản 7 huyện và phong các thổ mục làm thổ tri huyện và thổ huyện thừa. Tin Ðại Việt chịu bảo hộ và giúp các thổ dân chống lại Xiêm La và Nam Chưởng loan đến các nhóm thiểu số khác tại Ai Lao. Tù trưởng Tam Ðộng (Tourakom) và Lạc Phán (Pak Sane) trước kia trực thuộc Vạn Tượng cũng dâng đất xin nội thuộc, Minh Mạng liền chia làm hai phủ: Trấn Tĩnh và Lạc Biên và giao cho các đầu mục bản địa cai quản. Về sau có thêm tù trưởng các xứ Xa Hổ (Sa Noi), Sầm Tộ (Sam Teu), Mang Soan (Mouan Som), Mang Lan (Mouan Ham), Trình Cố (Xieng Khoan), Sầm Nứa (Sam Neua), Mường Duy (Mouan Yut), Ngọc Ma (Na Noi), Cám Cát (Kham Keut), Cam Môn (Kham Mouan) và Cam Linh (Kham Len) về xin nội thuộc, tất cả đều được vua Minh Mạng nhận bảo hộ và phong quan. Minh Mạng lập thêm ba phủ: Trấn Biên (Xa Hổ, Sầm Tộ, Mang Soạn và Mang Lang), Trấn Ðịnh (Cam Cát, Cam Môn và Cam Linh) đặt dưới sự quản lý hành chánh của Nghệ An, còn phủ Trấn Nam (Trình Cố, Sầm Nứa và man Duy) trực thuộc Thanh Hóa. Các nhóm Mường và Hmong (Mèo) sinh sống tại Mang Vang (Na Khang), Na Bí (Prasie), Thượng Kế (Keng Kok), Tả Bang (Ta Lam), Xương Thịnh (Song Khone), Tầm Bồn (Tchépone), Bà Lan (Pha Lane), Mang Bổng (Mouan Phin) và Lang Thời (Phak Kha Nhia) cũng xin về nội thuộc, được chia làm 9 châu do các đầu mục cai quản, trực thuộc Cam Lộ. Như vậy toàn bộ lãnh thổ miền Trung Lào (Vientiane, Xieng Khoang, Hua Phan, Bolikhamsay, Kham Moun và Savanakhet) đều nội thuộc Ðại Việt.
Người Thượng sinh trú tại vùng Hạ Lào thường bị người Thái hiếp đáp cũng chạy qua Ðại Việt cầu cứu. Từ 1829 trở về sau, vua Thủy Xá của người Djarai thường sai người mang lễ vật triều cống và được ban tặng lại áo mão, tước phẩm triều đình và mang họ do vua đặt. Nhưng đời sống cửa người Thượng ngày càng khó khăn, lễ vật triều cống thưa dần rồi ngưng hăn, thỉnh thoảng họ còn tràn vào các làng xã của người Việt tại vùng giáp núi để cướp lương thực. Năm 1863, vua Tự Ðức phong Nguyễn Tấn làm tiểu phủ sứ Trấn Man để ngăn chặn người Thượng. Nguyễn Tấn đổi Trấn Man thành Nghĩa Ðịnh Sơn Phòng Trấn, ghi chép những phong tục tập quán, ngôn ngữ của người Thượng để quan quân học tập. Sơn Phòng Trấn gồm bốn châu: Trà My, Nghĩa Hành, Ðức Phổ và Bồng Sơn. Năm 1866-1867, các bộ lạc lớn của người Thượng xin thần phục, đến năm 1869 thì tất cả các bộ lạc nhỏ ở vùng rừng sâu phía tây An Lão (Bình Ðịnh) đều ra hàng. Con cháu Nguyễn Tấn là Nguyễn Ðộ và Nguyễn Thân tiếp tục cai trị Sơn Phòng Trấn cho đến năm 1891. Vua Tự Ðức ra chỉ dụ nới rộng lãnh thổ lên các vùng trung nguyên, chương trình này sau đó bị đình chỉ vì triều đình Huế phải tập trung sức lực đối phó với quân Pháp đang làm áp lực trên khắp lãnh thổ.
Sổ bộ về dân số người Thượng thời Nguyễn không có vì người Thượng không có họ mà chỉ có tên. Dưới thời Tự Ðức, để tiện việc ghi chép, các quan lại triều đình (chánh tổng và tổng nguồn là những chức quan cai trị vùng Thượng) đặt cho mỗi làng Thượng một họ Việt chung tùy theo suy luận của mỗi người, chăng hạn như Ðinh (tráng đinh), Hồ (loạn quân), Man (dã man) v.v… Từ đó người Thượng vùng Nam Ngãi đều mang họ Ðinh, người Vân Kiều mang họ Hồ, người Thượng ở Bình Ðịnh và Phú Yên mang họ Man, v.v…
Sự hiểu biết về người Thượng chỉ rõ dần khi người Pháp mở rộng lãnh thổ lên cao nguyên. Công lao đầu tiên thuộc về các giáo sĩ, tiếp theo là của những nhà phiêu lưu, mạo hiểm. Những ghi chép của họ đã giúp chính quyền thuộc địa Pháp dễ dàng cai trị cao nguyên. Người Việt sau này, thừa hưởng di sản hiểu biết đó, đã không biết làm thăng hoa thêm.
II. Người Thượng và những phong trào phản kháng dưới thời Pháp thuộc
Từ giữa thế kỷ 16 người Việt bắt đầu tiếp xúc giáo lý đạo công giáo, số người theo đạo càng ngày càng đông, nhiều họ đạo lớn được thành lập. Nhưng từ thế kỷ 19 trở về sau, đạo công giáo bị bách hại, phong trào tìm đường lên cao nguyên lánh nạn trở nên mạnh mẽ, cộng đồng người Thượng qua đó đã được biết đến.
Sự xâm nhập của người Pháp, và của người Kinh sau này, vào không gian sinh tồn của người Thượng là tiền đề của những phong trào hợp tác hay phản kháng của người Thượng.
Quan hệ với các giáo sĩ Pháp
Tại Việt Nam, người Thượng đã được các giáo sĩ phương Tây biết đến từ thế kỷ 17. Năm 1621, giáo sĩ Borri gọi chung những nhóm dân cư phía Bắc Nam Phần là Kemoy (Kẻ Mọi). Giáo sĩ Marini Romain đề cập tới các vua Hỏa Xá và Thủy Xá (người Djarai) từ 1646. Năm 1651, giáo sĩ Alexandre de Rhodes xác nhận xứ Rumoi (Rú Mọi) nằm ở giữa Lào và Annam. Trong thế kỷ 18, giáo sĩ João de Loureiro xuất bản cuốn De nigris Moi et Champanensibus (Người Mọi đen và Champa); giáo sĩ De La Bissachère lội ngược sông Mékong lên phía Bắc và khám phá các nhóm Thượng sinh sống dọc hai bờ sông. Năm 1765, giáo sĩ Pigues lên đến thượng nguồn sông Prek Chlong (Kampuchea) và tiếp xúc với các nhóm Stieng, Proue, Queraie, Penong, v.v…, rồi trở về không. Năm 1770, giáo sĩ Juguet vào Prek Chlong giảng đạo cho người Stieng rồi chết vì kiệt sức (1774). Tháng 5-1775, giáo sĩ Faulet thành lập họ đạo Chlong rồi cũng chết vì bệnh sốt rét rừng (1776). Sang thế kỷ 19 những hiểu biết về Tây Nguyên rõ ràng dần; khi thiết lập Ðại Quốc Họa Ðồ năm 1838, giáo sĩ Taberd dùng chữ mọi để chỉ những nhóm dân sinh sống trên cao nguyên Trường Sơn. Tuy vậy, những cố gắng này không có tiếp nối.
Phải chờ đến thời Tự Ðức, việc cấm đạo trở nên dữ dội ở đồng bằng, cố gắng tìm đường lên cao nguyên mới được hồi sinh. Tại Tây Nam Phần, năm 1857, giám mục Lefèbvre cho người vào nơi sinh trú của người Stieng, phía Tây Bắc Gia Ðịnh, tìm nơi trú ẩn và năm 1861, giáo sĩ Azémar thành lập được họ đạo Brơlam (Bình Long) nhưng bị Pou Kombo (một lãnh tụ Khmer) đốt năm 1867. Giáo sĩ Vuillaume, khi trốn các cuộc lùng bắt đạo tại Phan Rang năm 1865, đã chạy lên cao nguyên Di Linh sinh sống với người Mạ và Sré.
Nhưng sự khám phá Tây Nguyên và người Thượng chỉ qui mô hóa từ giữa thế kỷ 19. Tại Trung Phần, năm 1847, giám mục cai quản giáo phận Ðông Nam Phần tại Bình Ðịnh, Etienne Cuénot cử ông Nguyễn Do, một tín đồ người Kinh, đi từ Trạm Gò đến An Khê vào lãnh thổ người Djarai Hadrong. Năm 1850, Nguyễn Do dẫn bốn giáo sĩ Pháp (Combes, Fontaine, Dourisboure, Besombes) vào nơi cư trú của người Bahnar, Rengao, Sedang và thiết lập các họ đạo tại Kon Xolang, Kon Koxam và Kon Rohai. Khi về đồng bằng mỗi phái đoàn vẽ lại bản đồ và ghi chú chi tiết phong tục tập quán của từng nhóm sắc tộc đã tiếp xúc. Ðó là những tài liệu về cao nguyên miền Trung chưa từng được biết. (Năm 1776, khi vào Nam kiểm kê, Lê Quí Ðôn có ghi lại một số quan hệ giữa các vua Hỏa Xá và Thủy Xá với triều đình xứ Ðàng Trong, nhưng những mô tả này chỉ dựa trên lời thuật chứ không do giao tiếp trực tiếp).
Trong thời kỳ này người Sedang, Djarai và Stieng còn rất hiếu động, họ thường đánh bắt người Bahnar Reungao, Sedang Halang và Mnong Bhiet bán làm nô lệ cho người Thái và người Lào. Năm 1862, nhân bệnh đậu mùa làm chết nhiều người trên cao nguyên, các thầy phù thủy Thượng cho rằng sự hiện diện của các giáo sĩ Pháp là nguyên nhân của tai ương và kêu gọi dân chúng nổi lên đánh đuổi. Khoảng 400 quân Sedang từ phía Bắc tràn xuống tấn công các làng công giáo Bahnar. Các bộ lạc Djarai từ phía Nam sông Bla cũng tiến lên chiếm đóng khu vực canh tác của người Bahnar. Năm 1871, một đàn châu chấu bay đến phá hoại tất cả mùa màng của người Thượng gây ra nạn đói, các tù trưởng Djarai và Sédang lại hô hào dân chúng nổi lên đốt phá các làng đạo Bahnar.
Cũng nên biết Bahnar là nhóm sắc tộc đầu tiên, sau người Kinh, có chữ viết dựa theo mẫu tự la-tinh do các giáo sĩ dòng Thừa Sai soạn năm 1861. Trước sự đe dọa này, các giáo sĩ Pháp giúp người Bahnar chống trả lại và còn thành lập một đội võ trang gồm 1.200 người năm 1883 để đánh trả lại những cuộc tấn công của các nhóm khác.
Sự hiện diện của các giáo sĩ công giáo làm thay đổi hăn tương quan quyền lực trên Tây Nguyên. Người Bahnar trước kia là nạn nhân của người Djarai và Sedang nay biết tự vệ hữu hiệu hơn. Thêm vào đó, các giáo sĩ Kinh còn dạy cho người Bahnar cách trồng lúa nước, bắp, cây bông gòn và nghề chăn nuôi (heo, bò, trâu, ngựa, gà, vịt). Ðời sống của người Bahnar nhờ đó đã được cải thiện hơn, không bao lâu sau dân số Bahnar tăng nhanh và trở thành một nhóm hùng mạnh.
Ðầu năm 1888, toàn quyền Constans và tổng thư ký Klobukowski cử David Mayréna (một tay phiêu lưu khôn ngoan và gan dạ) lên Attopeu tìm vàng. Mayréna được các giáo sĩ Pháp giúp đỡ tận tình và nhờ tài bắn súng rất hay, đánh kiếm rất giỏi đã chinh phục hầu hết các làng Sedang tại Dakto. Sau thành công dễ dàng này, Mayréna thành lập vương quốc Sedangê ngày 3-6-1888, có hiến pháp, có quốc kỳ và huy hiệu riêng. Mayréna tự xưng là êMarieÐệ Nhất, vua người Sedangê.
Không chịu thua, ngày 20-6-1888, các giáo sĩ Pháp cũng cho ra đời Liên Bang Bahnar-Reungao-Sedang, phong một lãnh tụ Bahnar tên Krui làm tổng thống Cộng Hòa Bahnarê. Liên bang mới này liên hiệp với vương quốc Sedang tuyên chiến với người Djarai.
Danh tiếng của Mayréna đe dọa uy quyền của Xiêm La, lúc đó gần như đặt trọn Tây Nguyên dưới quyền kiểm soát, và làm chính quyền thuộc địa Pháp tại Ðông Dương lo ngại; cả hai tìm cách triệt hạ ảnh hưởng của Mayréna trên phần đất này.
Nhân một chuyến du hành sang Châu Âu tìm hậu thuẫn tháng 1-1889, Mayréna bị cấm trở về Ðông Dương và chết cô đơn trên một hòn đảo ngoài khơi vịnh Thái Lan (tháng 11-1890). Tháng 3-1889, công sứ Qui Nhơn Guiomar lên Kontum giải tán vương quốc Sedang và khuyên người Thượng gia nhập Liên Bang Bahnar-Rengao do Hội truyền giáo Kontum cai quản. Ðiều này không làm hài lòng người Sedang, Djarai và Rhadé, họ rút vào rừng sâu tổ chức chống phá sự hiện diện của Pháp. Kể từ đó cao nguyên miền Trung trở nên mất an ninh và chính quyền thuộc địa Pháp thay mặt giáo hội công giáo bảo vệ các làng đạo, đồng thời mở rộng tầm kiểm soát trên khắp Tây Nguyên.
Chống phá sự xâm nhập của người Pháp
Mục tiêu chiến lược của Pháp trong thời kỳ này là loại trừ ảnh hưởng của Xiêm La, mở rộng lãnh thổ về phía Tây, thiết lập vòng đai bảo vệ quyền lợi lâu dài của Pháp tại Ðông Dương. Ðể thực hiện, chính quyền thuộc địa Pháp tổ chức dọ thám các vùng đất lạ, đo đạc địa hình và ghi chép phong tục tập quán của người Thượng; xây dựng hệ thống đồn bót và cơ quan hành chánh tiền phong để cai trị và vô hiệu hóa sự chống đối của các nhóm Thượng bất phục tùng.
Sự xâm nhập của quân đội Pháp vào sâu trong nội địa Ðông Dương, nhất là sau khi đuổi quân Xiêm sang bên kia bờ hữu ngạn sông Mékong và thành lập nước Lào dưới sự bảo hộ của Pháp tháng 10-1893, làm nổ bùng một phong trào phản kháng dữ dội trên khắp cao nguyên, từ 1893 đến 1914.
Tại Nam Lào, năm 1901, Khomadan, một người Phù Thái đồng thời cũng là thầy pháp, kêu gọi dân chúng nổi lên chống Pháp trên cao nguyên Boloven, từ Oubon đến Bassac. Ðầu năm 1902, người Kha và Sedang giết đồn trưởng Henri tại Nongpol, giết cai đội Sicre tại Kapeu, tấn công Savannakhet, bao vây Saravane. Chính quyền thuộc địa Pháp phải cử nhiều đoàn quân chính qui lên Nam Lào tái lập an ninh nhưng quân của Khomadan cầm cự cho tới 1907 mới bị vô hiệu hóa.
Tại Bình Trị Thiên, phong trào Cần Vương từ 1888 lôi kéo một số khá đông người Thượng chống lại quân Pháp cho đến 1897.
Năm 1898, Pháp tiếp thu hệ thống phòng thủ cao nguyên của triều Nguyễn (Sơn Phòng Trấn). Người Thượng trước kia được hưởng qui chế độc lập với triều đình Huế nay bị đặt dưới quyền quản trị trực tiếp của Pháp đã đứng lên chống lại. Tháng 6-1901, người Ktu tại A Sơ, A Dong và A Bạc tấn công đồn An Ðiềm (Ðại Lộc, Quảng Nam) gây thương tích cho nhiều binh lính. Năm 1903, người Hré do Tổng Ren và Tia Các cầm đầu đánh phá các đồn Mang Gia, Nước Vo và Nước Dinh (Quảng Ngãi); tháng 4-1907 họ đánh phá Ðức Phổ, tháng 11 chiếm đồn Ðồng Mít (Quảng Ngãi) và chỉ bị dẹp yên cuối năm 1910. Người Tà Ôi nổi lên sát hại nhiều sĩ quan và binh lính Pháp trên thượng nguồn sông Sé Pouc (Quảng Trị và Thừa Thiên) năm 1911.
Trên vùng đất giữa Attopeu và Kontum, từ 1900 đến 1910, người Sedang chống phá dữ dội sự xâm nhập của quân Pháp vào xây dựng đường sá. Năm 1900, lãnh tụ Thăng Mậu dẫn quân Sedang tấn công các làng công giáo dọc hai bờ sông Psi và Poko tại Kontum, gây thương tích cho nhiều binh lính Pháp. Từ tháng 5 đến tháng 6-1901, người Sedang tấn công đồn Psi, bắn trọng thương đồn trưởng Robert. Những làng công giáo khác trong khu vực (Dak Drei, Dakto và Krong Kno) cũng bị đánh phá thường xuyên và chỉ tạm yên năm 1902 khi Pháp đem quân chủ lực lên đánh dẹp. Năm 1904, họ tấn công nhiều đồn bót và làng xã dưới sự bảo trợ của quân đội Pháp trong vùng. Tháng 2-1907, phong trào nổi dậy của người Sédang tại Plei Beer bị dập tắt. Năm 1909, hai đồn Dak Sut và Dak To bị chiếm đóng, linh mục Jules Vialleton quản hạt Kontum bị giết. Tháng 8-1910, quân Sedang tràn vào Trà Mi,Trà Giác, Toumorong, Mang Buk, Mang Ri và Tiên Phước (Tây Nam Quảng Nam), đánh phá rồi rút đi. Năm 1921, đồn Dak Pha phía Bắc Kontum bị tấn công.
Tại Kontum, người Bahnar qua trung gian các giáo sĩ tỏ ra qui phục hơn các nhóm khác, nhưng sau một thời gian bị bóc lột (làm sâu không công, các chủ đồn điền chiếm đất một cách quá đáng) và bị các bộ lạc Thượng khác thù ghét, người Bahnar đã nổi lên chống lại. Tháng 1-1901, họ chiếm làng Kon Chorah (An Khê, Bình Ðịnh) rồi rút về tử thủ tại làng Plei Bring gần Chợ Ðồn. Tháng 1-1907, quân Pháp bị đẩy lui tại làng Kon Klot, viên giám đốc đồn điền Delignon-Paris bị bắn chết và nhiều binh lính khác bị thương; phong trào chống đối chỉ bị dẹp yên khi đại quân Pháp từ Bình Ðịnh lên, do cai đội Sauvalle chỉ huy. Từ 1918, những đồn điền quanh An Khê bị người Bahnar Halakong đánh phá thường xuyên và chỉ tạm yên năm 1922.
Người Djarai tại Pleiku đã chống trả dữ dội các cuộc hành quân của Pháp từ cuối 1894 đến đầu 1897. Sau đó, từ 1902 đến 1904, họ tiếp tục chống trả các cuộc hành quân khác của quân Pháp vào Pleiku và Kontum. Ngày 7-4-1904 viên thanh tra Prosper Odend’hal bị vua Hỏa Xá Oi Ât giết; Vincillionni tiến vào An Khê thành lập quận Cheo Reo, Oi Ât phải chạy lên thượng nguồn sông Ayun trốn. Thời gian sau,viên trú sứ Darlac Bardin xây dựng các đồn Plei Tour và Chợ Ðồn, đầu năm 1905, để canh chừng người Djarai. Tuy vậy những làng công giáo vẫn thường xuyên bị người Djarai tấn công, một số giáo dân Kinh, được trang bị vũ khí tối tân, tổ chức các cuộc hành quân trả thù những làng Djarai lân cận. Cuối cùng đồn trưởng Chợ Ðồn, Renard, dàn xếp với hai lãnh tụ Tay (tù trưởng 21 làng Djarai tại Pleiku) và Khun (tù trưởng 7 làng Djarai tại An Khê, hứa thôi truy kích vua Hỏa Xá tình hình mới yên. Ngày 23-5-1905, 46 trưởng làng và 200 chiến sĩ Djarai quanh An Khê làm lễ qui phục Pháp tại làng Plei Tay (nơi cư ngụ của Tay, nay là Pleiku). Tuy vậy chính sách phân biệt đối xử của người Pháp trên Tây Nguyên (ưu đãi người Bahnar) làm người Djarai bất mãn, từ 1906 đến 1909 họ lại tổ chức tấn công các làng công giáo quanh Pleiku, Plei Kuen, Plei Bong, Plei Tour và Plei Rach. Tình hình chỉ tạm lắng yên trong hai năm và đến năm 1911 họ lại nổi dậy đánh phá An Khê.
Cộng đồng người Rhadé được biết đến năm 1894 khi phái đoàn bác sĩ Yersin bị tấn công tại sông Poko bởi người Rhadé Pih. Từ sau ngày đó, cao nguyên Darlac trở thành địa bàn thám hiểm chính của Pháp trên cao nguyên. Năm 1899, viên trú sứ hạt Attopeu, Bourgeois, thành lập đồn Bandon và chiêu dụ được Phet Lasa, một lãnh tụ Lào tại Bandon (Bản Ðôn), và Khun Jonob, một lãnh tụ Mnong trong vùng. Cả hai đã giúp Pháp thu phục các lãnh tụ Rhadé Kpa (Me Wal và Me Kheune năm 1900) và nhiều lần đánh bại người Rhadé Pih do tù trưởng Ngeuh lãnh đạo tại Ban Tour, Ban Trap và Ban Tieuah năm 1903. Trên thượng lưu sông Năng, phụ lưu sông Ðà Rằng, năm 1901 quân Pháp bị người Rhadé Mdhur phục kích tại làng A Mai (gần M’Drack và Cheo Reo) làm một sĩ quan bị thương nặng (trung úy Péroux), quân Pháp chỉ làm chủ khu vực quanh Dak To. Năm 1905, Me Sao, một lãnh tụ Rhadé Mdhur chiếm đồn Bandon, quân Pháp phải dời về Buôn Ma Thuột và Bandon chỉ được giải tỏa năm 1907, khi Me Sao bị Henri Maitre đánh bại tại làng Me Leap.
Trên cao nguyên miền Nam, cường độ những cuộc chống đối có phần cao hơn miền Trung. Người Mnong và Stieng đã tỏ ra rất tích cực trong việc chống lại sự xâm nhập vào không gian sinh tồn của họ.
Sự khám phá cao nguyên Lang Bian vào cuối thế kỷ 19 kích thích phong trào xây nhà dựng cửa nghỉ mát tại Ðà Lạt. Nhiều đoàn thám hiểm được cử đi khắp nơi đo đạc địa hình. Bất mãn trước chính sách bắt dân Thượng làm sâu xây dựng đường sá quá đáng, đầu năm 1901 lãnh tụ Tre Lương Pe hô hào người Chil và Lat tại Lang Bian nổi lên chống lại và gây thương tích cho viên chỉ huy trưởng Canivey và nhiều binh lính khác, nhưng vì sức yếu thế cô phong trào bị dẹp tan hai tuần sau sau đó.
Từ 1901 đến 1904, dưới sự lãnh đạo của Nơ Trang Long (Pou Trang Long), một lãnh tụ Mnong Bhiet, người Stieng và Mnong đã chống trả dữ dội sự xâm nhập và gây nhiều thiệt hại cho quân Pháp trên một địa bàn rộng lớn từ Bình Long, Tây Ninh đến Kratié. Từ 1905 đến 1908, quân Pháp thành lập một hệ thống đồn bót nối liền với nhau (Sré Lvi, Sré Ktum, Sré Onès, La Palkei, Le Rolland, Snoul, Bù Ðăng, Bù Ðốp, An Bình, Bà Rá, Bà Ðen, Chứa Chan, Tà Lài, Bù Nông, Bù Tiên, Bou Pou Sra, Bou Méra…) bao vây không gian sinh tồn của người Stieng và Mnong chứ không dám tiến vào. Tháng 7-1914, Henri Maitre bị Nơ Trang Long giết, người Thượng làm chủ toàn bộ khu vực Ba Biên Giới (Cambodge, Nam Kỳ và Trung Kỳ) từ 1915 đến 1933. Rất nhiều sĩ quan Pháp và binh lính Khmer bị giết trong khoảng thời gian này và cộng đồng người Thượng miền Nam bị đặt ra ngoài pháp luật. Tháng 5-1935, Nơ Trang Long bị bắt và bị xử tử, phong trào chống Pháp tạm lắng xuống.
Chính sách Thượng vụ của Pierre Pasquier
Ngày 30-7-1923, Pierre Pasquier, khâm sứ Pháp tại Huế, ban hành chính sách Thượng vụ của Pháp trên cao nguyên (thông tư số 578-ca): cai trị trực tiếp những vùng đã bình định, bao vây và cô lập những vùng chưa qui phục.
Ðối với những vùng Thượng đã được bình định, Pháp cắt đứt quan hệ giữa người Thượng với người ngoại quốc (Kinh, Khmer, Chăm, Lào, Hoa, Thái và giáo hội công giáo); tôn trọng phong tục tập quán của người Thượng; xây dựng đường sá, trường học, chợ búa; cố định nơi cư trú, huấn luyện cách canh tác trên đất bằng; ấn định số ngày làm sâu (corvée), khai thác và cấp đất cho các đồn điền trồng cây công nghiệp; tuyển dụng binh lính, đào tạo nhân sự trung gian; lập đồn bót, xây dựng cơ quan công quyền; đàn áp các phong trào nổi loạn và đòi tự trị; tổ chức những buổi lễ truyền thống hàng năm nhận sự qui phục của người Thượng.
Nói thì dễ nhưng làm rất khó, người Thượng chưa sẵn sàng hợp tác với Pháp vì không muốn bị gò bó vào cuộc sống lệ thuộc. Thêm vào đó giáo hội công giáo bị loại ra khỏi mọi chương trình phát triển cao nguyên, quan hệ hợp tác giữa các giáo sĩ và viên chức chính quyền trong việc mở mang cao nguyên gần như không có. Giáo hội công giáo đặt nặng chương trình giáo dục thần linh, văn hóa và nhân đạo, trong khi chính quyền chú trọng vào việc đào tạo nhân sự trung gian hơn là khai hóa người Thượng về mặt kinh tế và xã hội. Hậu quả là các giáo sĩ chỉ lo cho người Bahnar và chính quyền Pháp chỉ giúp người Rhadé, các nhóm khác tùy thuộc mức độ phục tùng mà nhận sự giúp đỡ.
Người Rhadé, vừa đông vừa có thể lực được giới chính giới Pháp nhiệt tình nâng đỡ, đã trở thành nhóm ưu tú nhất trong cộng đồng người Thượng. Người Djarai và Sedang, mặc dù cũng đông dân và thân thể cường tráng, nhưng không được ưu đãi bằng vì trước kia đã chống lại người Pháp. Tuy vậy ba cộng đồng lớn này là cột trụ chính trong chính sách Thượng vụ của Pháp trên cao nguyên. Con cháu các nhân sĩ Rhadé, Djarai và Sedang trong làng được tuyển chọn vào học các lớp huấn luyện văn hóa, y tế và quân sự để thay thế các bậc cha anh và trở thành giai cấp trung gian giữa chính quyền Pháp và quần chúng Thượng. Những thanh niên này còn được huấn luyện để nghi kỵ và thù ghét người Kinh và, khi cần, cầm súng chống lại người Kinh. Quan hệ giữa người Kinh và người Thượng trong giai đoạn này chính vì vậy rất là lạnh nhạt, đúng như người Pháp mong muốn.&n