18/06/2018, 17:08

Hán Thư – Biên niên sử đầu tiên của sử học Trung Hoa

Tượng Ban Cố Lê Thời Tân Hán Thư (漢書/汉书; phiên âm Hán ngữ hiện đại: Hànshū) cũng gọi Tiền Hán Thư (phân biệt với Hậu Hán Thư 後漢書/后汉书 phản ánh lịch sử Đông Hán của Phạm Diệp soạn trong thế kỉ V), trước tác sử học của Ban Cố – con trai Ban Bưu, nhà soạn sử thời Đông Hán. Ban ...

1-1G20911212T32

Tượng Ban Cố

Lê Thời Tân

Hán Thư (漢書/汉书; phiên âm Hán ngữ hiện đại: Hànshū) cũng gọi Tiền Hán Thư (phân biệt với Hậu Hán Thư  後漢書/后汉书 phản ánh lịch sử Đông Hán của Phạm Diệp soạn trong thế kỉ V), trước tác sử học của Ban Cố – con trai Ban Bưu, nhà soạn sử thời Đông Hán. Ban Bưu nhận thấy sử từ đời Thái Sơ (triều Vũ Đế 武帝 ) về sau còn chưa có kí tải khả dĩ tiếp tục được Sử Kí (Tư Mã Thiên chỉ chép đến đời Vũ Đế) nên dồn tâm sức soạn thêm “Hậu Truyện”  (65 thiên Liệt truyện tiếp nối Sử Kí).

Ban Cố  nối tiếp sự nghiệp kí tải lịch sử Tây Hán của thân phụ soạn bộ Hán Thư. Năm đầu tiên niên hiệu Vĩnh Nguyên đời  Hán Hòa Đế (công lịch 89) đại tướng quân Đậu Hiến xuất chinh thảo phạt Hung Nô, Ban Cố tuỳ tòng với chức Trung hộ quân tham dự định liệu việc binh. Quân Hán đại thắng, Ban Cố viết bài minh văn Lặc Thạch Yến Nhiên Sơn khắc lên núi Yến Nhiên (nay thuộc địa phận Mông Cổ).

Về sau Đậu Hiến thất thế tự sát, Ban Cố chịu liên lụy, bị bỏ ngục. Năm thứ tư niên hiệu Vĩnh Nguyên, Ban Cố chết trong nhà ngục. Lúc đó Hán Thư còn có 8 BiểuThiên văn chí chưa viết xong. Hán Hòa Đế vời Ban Chiêu (nữ sử gia duy nhất trong số 24 sử gia tác giả của nhị thập tứ sử) em gái Ban Cố vào Đông Quán Tàng Thư Các (Thư viện Hoàng gia) soạn tiếp 8 Biểu còn lại.

Riêng thiên Thiên văn chí có sự gúp sức của Mã Tục. Như vậy, kể từ lúc Ban Bưu khởi bút, qua Ban Cố, đến Ban Chiêu (Ban Cơ), thêm Mã Tục việc biên soạn Hán Thư kéo dài hơn 40 năm. Việc chú giải  Hán Thư kéo dài trong suốt các triều đại về sau, tiêu biểu nhất có thể kể đến Nhan Sư Cổ đời Đường, Vương Tiên Khiêm đời Thanh.

Hán Thư bản bố cục ba phần thượng, trung, hạ chia thành 120 quyển in phổ biến về sau chính là bản do Nhan Sư Cổ sắp xếp chỉnh lí. Hán Thư là bộ sử đoạn đại (phân biệt với thông sử) thể kí truyện đầu tiên của Trung Quốc cổ đại phản ánh lịch sử Tây Hán từ năm 206 trước CN đến năm 25.

han thu

Bìa sách Hán Thư, Trung Hoa thư cục

Hán Thư được xếp hàng thứ hai sau Sử Kí, trên Hậu Hán ThưTam Quốc chí (Trần Thọ) trong nhóm Tiền tứ sửbốn bộ sử đứng đầu trong đại tổng tập Nhị thập tứ sửhai bốn bộ chính sử các triều đại từ Hán đến Thanh biên soạn trong suốt thời cổ-trung đại của Trung Quốc.

Hán Thư phỏng dụng có cải sửa thể lệ của Sử Kí: bỏ phần Thế gia, đổi Thư thành Chí, đổi Liệt truyện thành Truyện, sửa Bản Kỉ thành Kỉ. Như vậy Hán Thư toàn sách 100 thiên:  20 thiên Kỉ từ Cao Tổ kỉ đến Bình Đế kỉ , 8 thiên Biểu, 10 thiên Chí, 70 thiên Truyện – tổng cộng hơn tám mươi ngàn chữ.

Phần Truyện trong Hán Thư phong phú đa dạng hơn so với Sử Kí. Về Biểu nhiều thiên  vẫn dựa vào Sử Kí, cũng có thiên thuần túy do Ban Cố lập, nổi tiếng như Cổ kim nhân vật biểu đem một số đông các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử xếp thành chín hạng. Tiêu chuẩn phân hạng phản ánh quan điểm nho gia chính thống khác hẳn với tinh thần tự do và thái độ cởi mở của Sử Kí.

Hoặc thiên Bách quan công khanh biểu là tài liệu quý báu về chế độ quan chức dưới thời Tần Hán. Lịch sử về các điển chương chế độ tổ chức các phương diện lễ nhạc, kinh tế, địa lí hành chính, thiên văn, thủy lợi, hình pháp… vốn nằm trong phần thư Sử Kí được Ban Cố chuyển thành các thiên chí: Thiên văn chí (ghi chép các tài liệu về nhật- nguyệt thực, vận hành của tinh tú…), Thực hóa chí (ghi chép về kinh tế nông nghiệp và hàng hóa thương mại).

Đặc biệt Nghệ văn chí ghi chép lịch sử học thuật văn nghệ từ Tiên Tần đến Tây Hán, phân loại và kí tải các trước tác văn tự còn được lưu truyền, mở đầu cho khoa mục lục học về sau đã trở thành khuôn mẫu mà nhiều bộ sử của Trung Hoa noi theo. Trong Hán Thư phần phát biểu trực tiếp bình luận của nhà chép sử sau mỗi thiên Liệt truyện kiểu “Thái sử công viết:…” được Ban Cố gọi là “tán”. Phỏng theo phần có tính cách như là bài Cùng bạn đọc hay Lời giới thiệu của tác giả trong Sử KíThái sử công tự tựa, Ban Cố cũng viết một thiên bày tỏ mục đích, thể thức soạn bộ sử (Tự truyện).

Hán Thư kí tải chuyện bắt đầu từ năm thứ nhất đời Hán Cao Tổ (Lưu Bang) dừng ở năm thứ tư niên hiệu Địa Hoàng đời Vương Mãng. Hạng Vũ được Tư Mã Thiên chép chuyện vào bản kỉ, trong Hán Thư địch thủ của Lưu Bang bị giáng xuống hàng truyện. Triều Vương Mãng không được Đông Hán thừa nhận, thành ra Ban Cố cũng xếp xuống hàng truyện. Cái gọi là đoạn đại này chính là khoảng lịch sử Tây Hán 230 năm.

Hán Thư ngôn từ trang nghiêm, phần đa viết lối biền ngẫu, dùng từ đặt câu điển nhã, uyên súc đối lập với phong cách ngôn từ khẩu ngữ hóa, trần thuật lưu loát của Sử Kí. Phần đa các bộ sử đoạn đại về sau của Trung Quốc đều mô phỏng thể lệ và phong cách của Hán Thư. Hán Thư mở đầu cho sử biên niên triều đại.

Có thể nói chính sử từ sau Tần Hán đều theo lối Hán Thư. Thể thức biên niên theo triều đại cùng lối thuật sử theo thể kể chuyện (lấy nhân vật-sự kiện lớn làm trung tâm) đưa lại những tiện lợi và ưu điểm cho các sử gia trong khi soạn sử. Bên cạnh đó các phương diện lớn khác của lịch sử lại được kí tải bằng các biểu, chí hoặc thư… Học tập, kế thừa và phát huy Sử Kí, Hán Thư đã tập hợp vào trong nó nhiều ưu điểm của sử học Trung Quốc xưa.

0