Có biện pháp nào trong ăn uống để cải thiện bệnh xơ vữa động mạch?
Ảnh minh họa Các BS tim mạch cho biết: Xơ vữa động mạch là bệnh tác động đến động mạch. Về mặt đại thể, nó có biểu hiện là thành mạch máu trở nên “xơ cứng” bởi các sang thương được gọi là mảng xơ vữa phát triển trong thành mạch. Vào giai đoạn muộn, mảng xơ vữa có thể ...
Ảnh minh họa
Các BS tim mạch cho biết: Xơ vữa động mạch là bệnh tác động đến động mạch. Về mặt đại thể, nó có biểu hiện là thành mạch máu trở nên “xơ cứng” bởi các sang thương được gọi là mảng xơ vữa phát triển trong thành mạch. Vào giai đoạn muộn, mảng xơ vữa có thể gây hẹp lòng mạch và làm hạn chế lưu lượng máu trong đó. Nó cũng có thể vỡ ra và trôi theo dòng máu làm tổn thương các mô và cơ quan bên dưới.
Bệnh này gặp nhiều hơn ở các nước phát triển như ở châu Âu, Mỹ, còn ở các nước đang phát triển như châu Á, châu Phi ít gặp hơn. Bệnh cũng thường gặp ở người cao tuổi. Tỷ lệ bệnh này ở phụ nữ trước tuổi mãn kinh thấp hơn ở nam giới. Phụ nữ tuổi từ 60 tuổi trở lên bị bệnh này cũng nhiều ngang bằng với nam giới. Tuy vậy những phụ nữ có sử dụng nội tiết tố oestrogen trong điều trị một số bệnh khác có tác dụng bảo vệ chống bệnh này tốt hơn. Nếu động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim bị tắc dần thì sẽ xuất hiện những triệu chứng như đau tức ngực. Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn thì sẽ xảy ra cơn đau tim đột ngột gây tử vong.
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân nền tảng quan trọng của đột quỵ, cơn đau tim, các loại bệnh tim gồm suy tim ứ huyết và hầu hết các bệnh tim mạch nói chung. Mảng xơ vữa ở các động mạch cánh tay hoặc, thường gặp hơn, các động mạch chân có thể gây bệnh thuyên tắc động mạch ngoại biên. Tai biến phát triển bệnh xơ vữa động mạch qua nghiên cứu thấy có liên quan với tỷ lệ cholesterol trong máu của cơ thể mà chất này thực tế phụ thuộc vào chế độ ăn uống nuôi dưỡng và cả một số yếu tố về “gen”. Vì tỷ lệ chất cholesterol liên quan tới chế độ ăn uống nên bệnh xơ vữa động mạch thường gặp ở người dân các nước Tây Âu vì ở đây người ta có chế độ ăn uống, có tỷ lệ chất béo cao hơn. Ngoài yếu tố tỷ lệ chất cholesterol trong máu còn có một số yếu tố khác gây bệnh như: Hút thuốc lá, không vận động thể dục đều đặn, tăng huyết áp và tình trạng thừa cân béo phì.
Với những người huyết áp cao, thừa cholesterol trong máu thì không nên ăn món trứng, phủ tạng động vật thường xuyên. Bởi trong các thực phẩm này rất nhiều cholesterol.
Tuy nhiên, nếu kiêng ăn các nhóm thực phẩm nhiều cholesterol trên mà lại ăn quá nhiều thịt (dù là thịt nạc) thì cũng gây tăng cholesterol máu. Bởi trong các loại thịt đỏ, mỡ, nạc luôn lẫn lộn, ăn thịt, ăn nước luộc thịt… đều có chứa rất nhiều chất béo no. Người có hàm lượng cholesterol máu cao không nên kiêng trứng tuyệt đối, mà ăn chừng mực 1 - 2 lần mỗi tuần cũng giúp điều hòa chuyển hóa cholesterol trong cơ thể. Cần tăng cường các loại rau xanh, trái cây trong khẩu phần ăn, ưu tiên các thực phẩm như tỏi, trà xanh, gừng, cà chua...
Giảm nguồn protein động vật, tăng cường protein từ thực vật, nhất là từ các chế phẩm từ đậu, đặc biệt là đậu tương như sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ, bột đậu tương... Mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá để cung cấp axít béo hệ omega-3, có tác dụng bảo vệ tim mạch.
Bên cạnh đó cũng cần giảm ăn đồ ngọt, tối đa chỉ nên ăn 10 - 20 g chất ngọt mỗi ngày. Đặc biệt cần lưu ý, với đồ ăn có nhiều chất béo, cần ăn rất chừng mực chứ không kiêng tuyệt đối. Vì chất béo là cần thiết, cả số lượng và loại chất béo hấp thu vào cơ thể đều quan trọng. Tuy nhiên, nên duy trì ở mức độ hợp lý.
Nhiều nước hiện nay khuyên nên dùng chất béo dưới 20% tổng năng lượng. Với người Việt Nam, 15 - 20% năng lượng khẩu phần là thích hợp. Còn với lượng cholesterol trong chế độ ăn nên dưới 300 mg/ ngày/người. Các chất mỡ trong máu tích tụ dần ở lớp trong của thành động mạch và do chất mỡ làm cho thành động mạch dày hơn, kết quả là các động mạch bị hẹp dần lại và lưu thông máu bị cản trở. Những người lớn tuổi (nam trên 45 tuổi, nữ đã mãn kinh), người hay nhậu nhẹt nhiều cũng có nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Bị stress có thể làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp.