Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động (Tiếp theo)
Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Chuyển câu chủ động thành câu bị động bằng cách thứ nhất: chuyển từ hoặc cụm từ chỉ đối tượng của hoạt động lên đầu câu và thêm từ bị hay được vào sau từ, cụm từ ấy. Ví dụ: – Câu chủ động: Gió thổi bay những tàu lá chuối. ...
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Chuyển câu chủ động thành câu bị động bằng cách thứ nhất: chuyển từ hoặc cụm từ chỉ đối tượng của hoạt động lên đầu câu và thêm từ bị hay được vào sau từ, cụm từ ấy. Ví dụ:
– Câu chủ động:
Gió thổi bay những tàu lá chuối.
– Câu bị động:
Những tàu lá chuối bị gió thổi bay.
2. Chuyển câu chủ động thành câu bị động bằng cách thứ hai: chuyển từ hoặc cụm từ chỉ đối tượng của hoạt động lên đầu câu, đồng thời lược bỏ hoặc biến từ chỉ chủ thể của hoạt động thành một bộ phận không bắt buộc trong câu.
Ví dụ:
– Câu bị động:
Cánh cửa nhà được làm toàn bằng gỗ tốt.
– Câu bị động:
Cánh cửa nhà làm toàn bằng gỗ tốt.
II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Bài tập này gồm hai yêu cầu:
– Chuyển câu chủ động thành câu bị động.
– Chuyển câu bị động theo hai cách.
Các em có thể chuyển như sau:
a) Một nhà sư vô danh đã xây ngôi chùa ấy từ thế kỉ XIII.
—> Ngôi chùa ấy đã được một nhà sư vô danh xây từ thế kỉ XIII.
—> Ngôi chùa ấy xây từ thế kỉ XIII.
b) Người ta làm tất cả cánh cửa chùa bằng gỗ lim.
—> Tất cả cánh cửa chùa được người ta làm bằng gỗ lim.
—> Tất cả cánh cửa chùa làm bằng gỗ lim.
c) Chàng kị sĩ buộc con ngựa bạch bên gốc đào.
—> Con ngựa bạch được chàng kị sĩ buộc bên gốc đào.
—> Con ngựa bạch buộc bên gốc đào.
d) Người ta dựng một lá cờ đại ở giữa sân.
—> Một lá cờ đại được người ta dựng ở giữa sân.
—> Một lá cờ đại dựng ở giữa sân.
2. Bài tập này gồm hai yêu cầu:
– Chuyển câu chủ động thành câu bị động.
– Chuyển câu bị động theo hai cách:
+ Dùng từ được
+ Dùng từ bị
Các em có thể chuyển đổi như sau:
a) Thầy giáo phê bình em.
—> Em đươc thầy giáo phê bình. (Không sử dụng)
—> Em bị thầy giáo phê bình.
b) Người ta đã phá ngôi nhà đó đi.
—> Ngôi nhà đó đã được người ta phá đi.
—> Ngôi nhà đó đã bị người ta phá đi.
c) Trào lưu đô thị hóa đã thu hẹp sự khác biệt giữa thành thị với nông thôn.
—> Sự khác biệt giữa thành thị với nông thôn đã được trào lưu đô thị hoá thu hẹp.
—> Sự khác biệt giữa thành thị với nông thôn đã bị trào lưu đô thị hoá thu hẹp.
3. Bài tập yêu cầu các em viết đoạn văn:
Có nội dung: nói về lòng say mê văn học của em hoặc ảnh hưởng của văn học đối với em.
Đoạn văn có sử dụng ít nhất một câu bị động.
(HS tự viết đoạn văn này.)
Mai Thu