06/02/2018, 10:22

Ẩn dụ

Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG Bài này giúp các em tìm hiểu về ẩn dụ như một phép tu từ. Vì thế, các em cần: – Hiểu thế nào là ẩn dụ ; – Biết các kiểu ẩn dụ ; – Nắm được tác dụng của ẩn dụ ; – Bước đầu cảm nhận được cái hay, cái đẹp của ẩn dụ dùng trong các văn ...

Hướng dẫn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Bài này giúp các em tìm hiểu về ẩn dụ như một phép tu từ. Vì thế, các em cần:

– Hiểu thế nào là ẩn dụ ;

– Biết các kiểu ẩn dụ ;

– Nắm được tác dụng của ẩn dụ ;

– Bước đầu cảm nhận được cái hay, cái đẹp của ẩn dụ dùng trong các văn bản nghệ thuật.

1. Thế nào là ẩn dụ?

– là phép chuyển đổi tên gọi. Nếu A và B có sự tương đồng nào đó thì người ta có thể dùng tên gọi B để thay cho tên gọi A. Ví dụ:

+ đinh ốc: thay cho tên gọi cái đinh có đường xoắn giống như vỏ ốc.

+ cổ chai: thay cho tên gọi phần phía trên của cái chai có vị trí tương tự như vị trí của cổ trên thân thể người.

+ chân bàn, chân núi: thay cho tên gọi phần tiếp giáp đất của bàn và núi giống như chân người.

Các cách gọi đinh ốc, cổ chai, chân bàn,… là ẩn dụ.

– Tuy vậy, qua những ví dụ trên, chúng ta thấy các ẩn dụ ấy không có sức gợi tả (còn gọi là ẩn dụ từ vựng hay ẩn dụ định danh). Bởi lẽ, những ẩn dụ như vậy không phải là ẩn dụ tu từ. Chỉ có ẩn dụ dưới đây mới có sức gợi tả vì đó là một ẩn dụ tu từ:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

Mặt trời trong dòng thơ thứ nhất được gọi tên trực tiếp nên không phải là một ẩn dụ ; chỉ có từ mặt trời (chỉ người con mà mẹ dịu trên lưng) trong dòng thơ thứ hai mới là một ẩn dụ tu từ. Ở đây, từ mặt trời được dùng thay cho tên gọi con, mà người đọc vẫn hiểu vì giữa mặt trời và con có sự giống nhau: mặt trời đem lại niềm vui, ánh sáng cho ngô lúa, còn con đem lại hơi ấm, niềm vui cho mẹ hiền.

– Từ cách phân tích sự tương đồng giữa mặt trờicon như trên cho phép chúng ta hiểu lí do vì sao phép ẩn dụ còn được gọi là phép so sánh ngầm. Trong ẩn dụ vế A, phương diện so sánh và từ ngữ so sánh đã bị lược bớt. Ví dụ, các em hãy đối chiếu cách cấu tạo của hai phép tu từ này:

– Phép so sánh:

Nắng chói chang như đổ lửa.

Rét buốt như cắt thịt cắt da.

– Phép ẩn dụ:

Mặt trời đổ lửa.

Lạnh cắt thịt cắt da.

2. Các kiểu ẩn dụ

Có bốn kiểu ẩn dụ thường gặp:

a) hình thức

Đó là sự chuyển đổi tên gọi giữa những sự vật, hiện tượng,… có điểm nào đó tương đồng với nhau về hình thức. Ví dụ:

Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận.

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

[…]

(Trần Đăng Khoa)

Trong đoạn trích trên có hai ẩn dụ:

áo giáp đen chỉ mây đen (giống nhau đều có màu đen)

gươm chỉ lá mía (có hình thức bên ngoài giống như những thanh gươm).

b) cách thức

Đó là sự chuyển đổi tên gọi về cách thức thực hiện hành động khi giữa chúng có những nét tương đồng nào đó với nhau. Ví dụ:

Cứ như thế, hoa – học – trò thả những cánh son xuống cỏ, đếm từng giây phút xa hạn học sinh / Hoa phượng rơi, rơi… Hoa phượng mưa.

Trong ví dụ này các em thấy:

– 1 là ẩn dụ quen thuộc nên mang tính tượng trưng (còn gọi là phép tượng trưng): hoa học trò chỉ hoa phượng, một loại hoa quen thuộc, gần gũi với tuổi học sinh.

– 2 là ẩn dụ cách thức:

+ Gọi (hoa phượng) thả những cánh son thay cho cách gọi (hoa phượng) rơi những cánh hoa.

+ Gọi (hoa phượng) mưathay cho cách gọi (hoa phượng) rơi nhiều.

c) phẩm chất

Đó là sự chuyển đổi tên gọi giữa những sự vật, hiện tượng,… có nét tương đồng với nhau ở một vài điểm nào đó về tính chất, phẩm chất. Ví dụ:.

Hỡi lòng tê tái thương yêu

Giữa dòng trong đục, cánh bèo lênh đênh.

(Tố Hữu)

Ở ví dụ này, ẩn dụ cánh bèo lênh đênh là ẩn dụ phẩm chất, dùng để chỉ những kiếp đời nhỏ nhoi, đau khổ, không biết trôi dạt về đâu, không biết sống chết ra sao trước sóng gió của cuộc đời.

d) chuyển đổi cảm giác

Đó là sự chuyển đổi tên gọi giữa những sự vật, hiện tượng,… có nét tương đồng với nhau ở một vài điểm nào đó về cảm giác. Loại ẩn dụ này thường dùng kết hợp các từ ngữ chỉ cảm giác loại này với cảm giác loại khác. Ví dụ:

– Thính giác + vị giác: câu chuyện nghe nhạt nhẽo làm sao

– Thính giác + thị giác: nói mãi nghe mòn cả tai

– Thính giác + xúc giác: nghe mát cả ruột

– Thính giác + khứu giác: nghe thơm thơm mùi cơm gạo mới

– Thị giác + xúc giác: thấy lạnh sống lưng

– Thị giác + thính giác: thấy nắng giòn tan

3. Tác dụng của ẩn dụ

– Giúp cho câu văn sinh động.

– Giúp người đọc, người nghe có những liên tưởng mới lạ.

– Là phương tiện để thể hiện sự sáng tạo độc đáo, cũng như cách cảm, cách nghĩ riêng của người nói, người viết. Ví dụ:

Mà bên nước tôi thì đang bừng lên cái nắng bốn giờ chiều, cái nắng đậm đà của mùa thu biên giới, cái thứ nắng hanh đang sấy khô gió Tây Trang và đang mài sắc thêm tiếng động của hoa lau phất cờ trong bóng núi.

(Nguyễn Tuân)

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Để so sánh được đặc điểm và tác dụng của ba cách diễn đạt, các em có thể tiến hành lần lượt theo trật tự các bước như sau:

– Đọc để hiểu nội dung của từng khổ thơ.

– Dựa vào những dấu hiệu nội dung và hình thức của từng cách diễn đạt trong khổ thơ đó để chỉ ra các phép tu từ đã được sử dụng.

– Phân tích tác dụng của phép tu từ đối với từng khổ thơ.

Cách 1: Diễn đạt bình thường, không sử dụng phép tu từ nào.

Cách 2: Sử dụng phép so sánh (có sử dụng từ so sánh: như)

Bác Hồ như Người Cha

Phép so sánh trong câu thơ đã giúp người đọc hiểu rõ hơn, cụ thể hơn tâm tư, tình cảm của người viết đối với Bác Hồ.

Cách 3: Sử dụng phép ẩn dụ (so sánh ngầm)

Người Cha mái tóc hạc

Với phép ẩn dụ này, câu thơ vừa trở nên hàm súc, cô đọng vừa thể hiện được tầm tư, tình cảm sâu nặng của người viết đối với Bác Hồ.

2. Bài tập có hai yêu cầu:

– Tìm các ẩn dụ hình tượng (ẩn dụ tu từ).

– Nêu nét tương đồng giữa các sự vật, hiện tượng được so sánh ngầm trong ẩn dụ đó.

Bài tập này có thể giải như sau:

a) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (Tục ngữ)

Phép ẩn dụ:

+ ăn quả

+ trồng cây

Nét tương đồng:

+ ăn quả – người hưởng thụ thành quả

+ trồng cây – người gây dựng, người tạo thành quả.

b) Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng (Tục ngữ)

– Phép ẩn dụ:

+ gần mực thì đen

+ gần đèn thì sáng

Nét tương đồng:

+ gần mực thì đen – gần những nơi hoặc những người xấu, không trong sáng (mực vốn màu đen) tất sẽ bị nhiễm thói xấu, sẽ trở nên đen tối.

+ gần đèn thì sáng – gần những nơi hoặc những người tốt, trong sáng (đèn vốn phát ra ánh sáng) sẽ học được những thói quen tốt, những đức tính tốt.

c) Thuyền về có nhớ bến chăng?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

(Ca dao)

Phép ẩn dụ

+ thuyền

+ bến

Nét tương đồng:

+ thuyền – người ra đi

+ bến – người ở lại

d) Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

(Viễn Phương)

Phép ẩn dụ: Mặt trời trong lăng.

Nét tương đồng: Mặt trời – chỉ Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bác như mặt trời chiếu sáng, soi đường cho nhân dân ta bước đi trên con đường cách mạng và mãi mãi toả ra sức nóng làm ấm lòng chúng ta.

3. Trong bài tập này, các em cần:

– Tìm các ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong các câu văn, câu thơ.

– Chỉ rõ tác dụng của các phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đó trong việc miêu tả sự vật, hiện tượng.

a) – Phép ẩn dụ: thấy mùi hồi chín chảy qua mặt.

– Tác dụng: Mùi hồi vốn chỉ ngửi được mà không thể dùng thính giác hay xúc giác mà nhìn thấy, cảm thấy được. Nhưng qua phép ẩn dụ này, mùi hồi thơm như được nhìn rõ từng dòng, như đang chảy tràn qua mặt. Cách viết này đã thể hiện được cụ thể hơn, rõ ràng hơn cái đắm say, ngây ngất của người viết khi ngửi thấy mùi hồi chín.

b) – Phép ẩn dụ: Ánh nắng chảy đầy vai.

– Tác dụng:

+ Ánh nắng trở nên có hình dáng, có đường nét một cách cụ thể, rõ ràng.

+ Cách diễn đạt mới lạ, tăng được sức gợi tả cho câu thơ.

c) – Phép ẩn dụ: Tiếng rơi rất mỏng.

– Tác dụng: Giúp cho người đọc cảm nhận và hình dung ra một cách đầy đủ hơn, có hình ảnh hơn về tiếng rơi rất nhẹ của lá – một tiếng rơi vốn không thể nhận ra được bằng thính giác. Cách miêu tả như vậy là tả ngoại cảnh (lá rơi) bằng tâm cảnh (nghe như là rơi nghiêng).

d) – Phép ẩn dụ: ướt tiếng cười của bố.

Tác dụng:

+ Sự liên tưởng mới lạ, tạo được cảm nhận thẩm mĩ ở người đọc.

+ Câu thơ giàu hình ảnh và hàm súc hơn.

4. Chính tả

Tiếp tục sửa những lỗi chính tả tiếng địa phương.

Mai Thu

0