Chương 12: Vùng đất trống trong nội địa
Trải dài từ các sườn phía Đông của Rocky Moutains sang phía tây tới Sierra Nevada thuộc California, ngược lên phía trên dọc theo dải Cascade của vùng tây bắc Thái Bình Dương tới tận Alaska là vùng đất rộng lớn nhất có dân cư thưa thớt của nước Mỹ (bản đồ 11). Nét đặc trưng quan trọng của khu vực ...
Trải dài từ các sườn phía Đông của Rocky Moutains sang phía tây tới Sierra Nevada thuộc California, ngược lên phía trên dọc theo dải Cascade của vùng tây bắc Thái Bình Dương tới tận Alaska là vùng đất rộng lớn nhất có dân cư thưa thớt của nước Mỹ (bản đồ 11). Nét đặc trưng quan trọng của khu vực này là mật độ dân cư trung bình thấp. Những yếu tố địa lý khác của vùng lãnh thổ này trên thực tế khác biệt khá lớn. Những phần địa hình gồ ghề được xen kẽ với một loạt cao nguyên, lại chứa đựng cả những vùng đất bằng phẳng rộng mênh mông. Lượng mưa hàng năm thay đổi từ hơn 125cm ở phía bắc Indaho tới chưa đầy 25cm ở vùng cao nguyên. Dân số trong khu vực chủ yếu là người gốc châu Âu, mặc dù trên những vùng đất khá rộng ở phía Nam cũng thấy cả người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa. ở một số nơi, nông nghiệp có thủy lợi cũng như chăn nuôi gia súc đóng vai trò quan trọng, trong khi ở một số nơi khác, chế biến gỗ, du lịch và khai thác mỏ lại chiếm ưu thế.
Vùng đất mênh mông này chứa đựng trong đó những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ vào hàng bậc nhất nước Mỹ. Tác động của con người lên khu vực này, mặc dù về mặt địa phương là đáng kể, song xét về tổng thể vẫn bị lu mờ trước khung cảnh huy hoàng và đa dạng của môi trường thiên nhiên.
Môi trường khắc nghiệt
Người Mỹ ở phía đông đã quen với địa hình không bằng phẳng, với sự khác biệt ít gây ấn tượng và độ cao. ở những vùng núi, mức chênh lệch từ chân núi lên ngọn núi hiếm khi vượt quá 1.000 mét. Trong khi đó những thay đổi trên 1.000 mét lại rất phổ biến ở vùng nội địa phía tây.
Yếu tố thứ hai của địa lý tự nhiên trong khu vực là địa hình gồ ghề. Hầu hết các núi ở phía đông của Hoa Kỳ có vẻ phẳng và tròn trịa, những dải núi ở phía tây lại hiện ra sừng sững, gần như dốc đứng, và các đỉnh núi thường có dạng răng cưa, chĩa thẳng lên trời. Sự khác biệt này một phần là do tuổi của các núi. Phần lớn núi phía tây, mặc dù không phải tất cả, trẻ hơn rất nhiều so với những dải phía đông. Như vậy, quá trình xói mòn, mà kết quả cuối cùng của nó là tạo thành một bề mặt phẳng hơn, đã diễn ra mạnh mẽ trong một thời gian ngắn hơn rất nhiều.
Trong thời kỳ gần đây nhất của lịch sử địa chất, thời kỳ Băng hà, hiện tượng chia cắt gây ra bởi các khối băng ở trên núi là tác nhân chủ yếu hình thành nên địa hình của vùng nội địa phía tây, và những dấu tích của các núi băng vẫn còn thấy trong nhiều vùng của khu vực. Phân bố rộng khắp nhất trên dãy núi ven Thái Bình Dương thuộc miền nam Alaska, những núi băng nhỏ hơn vẫn còn được thấy ở xa về phía nam như vùng trung tâm Rocky Moutains ở Colorado và Sierra Nevada thuộc Califonia.
Những núi băng trên dãy Alps hình thành ở những độ cao hơn và khi dung lượng băng tăng lên, chúng dần dần trôi xuống phía dưới. Hiện tượng băng trượt này là tác nhân mạnh mẽ gây xói mòn. ở những nơi mà phương thức gây xói mòn này tiếp diễn trong một khoảng thời gian đủ dài, một thung lũng hình chữ U được tạo ra với hai vách gần như dựng đứng và một mặt đáy tương đối bằng phẳng. Nếu hai khối băng cùng trôi bên cạnh nhau thì chúng sẽ tạo thành một tuyến núi hẹp, được đặc trưng bởi các đỉnh nhỏ hình răng cưa, được gọi là những chóp núi. Thung lũng Yosemite ở Sierra Nevada, với độ sâu 2 kilômét, một thung lũng đặc thù được tạo nên từ hiện tượng băng trượt, có lẽ là hình ảnh rõ nét nhất của khu vực này về hiện tượng đóng băng trên dãy Alps.
Phần lớn vùng Empty Interior là cao nguyên chứ không phải là miền núi. Có lẽ vùng có cảnh quan gây ấn tượng mạnh nhất của khu vực này là Cao nguyên Colorado dọc theo vùng trung lưu sông Colorado thuộc Utah và Arizona. Mặc dù địa hình có một vài thay đổi lớn về cấu trúc ở độ cao, phần lớn vùng này được lót bởi đá trầm tích ở độ sâu vừa phải. Những đặc điểm chủ yếu của cảnh quan ở đây là kết quả của sự xói mòn gây ra bởi các dòng bên ngoài (được gọi như thế là do chúng mang theo nước, và đôi khi cả những thứ không được biết - chất lạ từ bên ngoài - vào môi trường khô cằn này) chảy qua cao nguyên, mà nổi bật là sông Colorado và các chi lưu của nó. Trong môi trường này, các dòng chảy dễ dàng có tác động xói mòn chủ yếu. Như vậy, khi đi kèm với hiện tượng nâng lên đáng kể về địa chất gần đây trên toàn cao nguyên, hiện tượng xói mòn nghiêm trọng về phía dưới đã xẩy ra chủ yếu là ở các vùng lân cận dòng chảy. Những vùng thung lũng được tạo ra từ đó là những ví dụ nổi tiếng nhất về cảnh quan thiên nhiên của Mỹ. Trên thực tế, Hẻm núi Lớn (Grand Canyon) của sông Colorado thuộc Arizona là một trong số những cảnh đẹp thiên nhiên hấp dẫn được thừa nhận rộng rãi nhất của đất nước. Trong Công viên Quốc gia Hẻm núi Lớn, một hệ thống hẻm núi được tạo trên một vùng có bề rộng lên tới 16 kilômét. Thêm vào đó, sức chống chịu khác nhau của các lớp đá trầm tích yếu và khoẻ đã tạo nên hình thái góc cạnh của những đường dốc cũng là đặc trưng riêng biệt của vùng này.
Khắp một vùng từ Cao nguyên Colorado về phía nam qua vùng nam New Mexico và Arizona, sang phía tây tới Thung lũng Chết (Death Valley) và Sa mạc Mojave ở California, và xa lên phía bắc tới Oregon và Idaho, là một khu vực rộng lớn và trũng. Nơi đây có một loạt hơn 200 dãy núi chạy dọc thẳng theo hướng bắc - nam, thường dài không quá 120 kilômét, và điển hình là cao từ 1000 đến 1600 mét tính từ chân núi, trong một tổng khoảng 80 lòng chảo lớn và bằng phẳng. Phía bắc và tây của lòng chảo sông Colorado, phần lớn diện tích có hệ thống tiêu thoát nội địa; nghĩa là các dòng chảy đều bắt nguồn và kết thúc ngay trong khu vực này mà không có cửa thoát ra biển. Kết quả là vùng đất này nhận được một khối lượng phù sa khổng lồ được bào mòn từ các dãy núi bao quanh.
Trong thời kỳ Băng hà, có những vùng rộng lớn trong khu vực được che phủ bởi các hồ tạo thành từ khí hậu ẩm ướt và từ sự tan chảy của băng trên dãy Alps. Hồ lớn nhất là Bonneville, có diện tích 25.000 km2 nằm ở miền bắc Utah. Đa số các hồ đó đã biến mất hoặc bị thu hẹp diện tích bởi ngày nay các dòng chảy phụ thuộc vào một lượng mưa hàng năm thấp hơn trước, và nhiều trong số những hồ còn lại, như Hồ Pyramid ở Nevada hay Hồ Great Salt ở Utah, đã bị nhiễm mặn nặng. Dòng chảy luôn luôn mang theo một khối lượng muối nhỏ có thể hòa tan, thường đóng góp một phần không đáng kể làm nên độ mặn của các đại dương trên thế giới. Nhưng do không có cửa thoát đổ ra biển, các hồ nằm trong vùng trũng và rộng này có hàm lượng muối ngày càng tăng. Hồ Great Salt, với diện tích 5000 km2, là dấu tích của Hồ Bonneville, hiện có hàm lượng muối cao hơn nhiều so với hàm lượng muối các đại dương.
Phía bắc của vùng lòng chảo và rặng núi này, Cao nguyên Columbia, được tạo nên bởi sự chồng lấn dần dần của các dòng dung nham. Những dòng dung nham với độ dày trung bình từ 3 đến 6 mét, liên tục gối lên nhau, tích luỹ lại và tạo thành cao nguyên, nhiều nơi cao tới 650 mét. Vùng này còn được điểm vào một số ngọn núi lửa nhỏ và những khối bụi than hình nón, nhưng đặc điểm cơ bản của hoạt động của núi lửa ở đây là các dòng vật chất lớn bị nung chảy từ trước. ở đây, các dòng suối cũng gây xói mòn, tạo nên những hẻm núi sâu có vách dựng đứng.
Với một vài chỗ đứt đoạn, hình mẫu cao nguyên bị xói mòn tiếp tục triển khai về phía bắc, vào vùng đất mới Yukon nằm giữa Rocky Moutains và các dải núi ven Thái Bình Dương. ở trung tâm Alaska, lòng chảo tiêu thoát của sông Yokon chiếm một phần lãnh thổ từ dải Alaska tới dải Brooks. Các chất liệu bề mặt chủ yếu là đá trầm tích.
Giữa lượng mưa và độ cao trên toàn khu vực Interior West có một sự kết hợp chặt chẽ. Các vùng thấp thường khô. Trong khi đó lượng mưa lớn tập trung ở giữa các triền núi. Toàn vùng hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào vùng chảy từ bên ngoài vào, mang theo lượng nước bề mặt.
Sự kết hợp giữa địa hình, nhiệt độ và lượng mưa tạo nên sự phân vùng thực vật rõ rệt theo độ cao trong toàn vùng Empty Interior. Những nơi có độ cao thấp nhất thường được che phủ bởi loại cây bụi hoang mạc, đáng chú ý nhất là cây ngải đắng. Xa về phía nam, sự gia tăng lượng mưa vào cuối mùa hè cho phép có sự kết hợp giữa cây ngải đắng và đồng cỏ. ở một số nơi khác, sự kết hợp này được thấy ở những độ cao cao hơn hoang mạc. Bên trên tầng ngải đắng là một tuyến cây thân gỗ, do ở đây có lượng mưa đủ để cây thân gỗ phát triển. Rừng thoạt tiên là rừng hỗn hợp mang tính chuyển tiếp giữa cỏ và cây thân gỗ nhỏ, như cây pinon pine và juniper. Cao hơn nữa, chúng pha trộn trong những khu rừng rộng lớn hơn với các loại cây thân gỗ như các loại thông ponderosa pine, lodge pole pine, và douglas fir. Nếu như núi đủ cao thì tiếp theo sẽ là những cây thân gỗ nhỏ hơn, như cây subalpien fir và sau đó là tuyến cây thân gỗ thứ hai. Bên trên tuyến cây này, gió lớn và mùa sinh trưởng ngắn và mát khiến cho cây thân gỗ không sinh trưởng được. Chúng bị thay thế bởi thực vật cực địa.
Empty Interior là nơi cho các quần thể động vật hoang dã sinh sôi phát triển, bao gồm bò rừng, nai sừng tấm Bắc Mỹ, linh dương, gấu, hươu đuôi trắng và gà rừng.
Dấu ấn của con người
Ở bang Nevada, các cơ quan chính quyền khác nhau kiểm soát tới gần 90% tổng số đất đai. Mặc dù ở những nơi khác tỷ lệ này có thấp hơn, song trên toàn khu vực Empty Interior thì hình mẫu cơ bản vẫn là sự kiểm soát của chính quyền.
Không có gì phải ngạc nhiên khi vẫn còn nhiều đất đai nằm trong tay chính quyền như vậy. Vùng đất này, cùng với Alaska, là những khu vực cuối cùng mà một số lượng người bất kỳ có thể nghĩ tới việc chiếm đóng, và các chương trình của liên bang về phân phối đất để khuyến khích sử dụng đất cho nông nghiệp đã không phù hợp, bởi đất đai ở đây hầu như không có gì hứa hẹn thực sự đối với nông nghiệp. Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ đã công bố chấm dứt các đường biên giới định cư từ năm 1890, thời mà hầu hết khu Interior West còn chưa có người ở. Hơn nữa, lúc bấy giờ những nhóm lợi ích khác, như xẻ gỗ, khai thác mỏ, cũng bắt đầu thúc đẩy quyền sở hữu lớn hơn đối với đất tư nhân, chính phủ liên bang cũng đánh giá lại những chương trình trước đó trong đó đất đai được tiến hành phân phối gần như miễn phí
Một bộ phận đáng kể của tổng thể hệ thống công viên quốc gia của Mỹ nằm ở vùng nội địa phía tây, trong đó có những công viên nổi tiếng như Yellowstone, Glacier, và Grand Canyon. Nhưng các công viên quốc gia cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng diện tích đất công. Phần lớn nhất của đất công thuộc sự kiểm soát của Cục Quản lý đất, một bộ phận của Bộ Nội vụ Hoa Kỳ, và được sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó quan trọng nhất là để chăn thả gia súc. Đây cũng là cơ quan chính tiến hành xây dựng hệ thống thủy lợi cùng các con đập thủy điện trong vùng.
Sở Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ là cơ quan liên bang kiểm soát đất đai lớn thứ hai. Trong trách nhiệm của mình liên quan tới nhiều mục đích sử dụng đất, theo truyền thống thì cơ quan này chú trọng việc khai thác gỗ và chăn thả gia súc, và nó cũng đã làm cho việc sử dụng đất đai vào các hoạt động vui chơi giải trí tăng thêm về chất lượng và khối lượng.
Hai cách thức sử dụng đất đai khác của Empty Interior nói lên nhiều điều về quá khứ của khu vực này và thái độ của nước Mỹ đối với chất lượng và tính hữu ích của đất đai. Thứ nhất, một số trong các khu bảo tồn lớn nhất của người Mỹ bản địa đã được thấy ở đây, đặc biệt là vùng Bắc Arizona và New Mexico. Hơn nữa, nơi đây còn có những khu vực thả bom và chế tạo đại bác lớn nhất trong cả nước, cũng như các thiết bị thử bom nguyên tử duy nhất của nước này. Dân cư ở đây thưa thớt, và những nhu cầu khác về đất đai không lớn.
Khi đường ranh giới nông nghiệp chuyển dịch về phía tây trong những thập niên cuối của thế kỷ XIX, nó đã xua đi quá khứ của Interior West. Trên thực tế, nếu không nhằm vào việc khai thác mỏ, giao thông vận tải và các Giáo phái chúa Giê su của dòng Latter - Day Saints, thì cho tới thế kỷ này cũng chẳng có mấy người dân lựa chọn khu vực này.
Dòng Latter - Day Saints, hay thường gọi là giáo phái Mormon, được thành lập ở vùng ngoại vi Bắc New York năm 1830. Giáo phái cùng các tín đồ của nó liên tục bị tấn công cả bằng ngôn từ lẫn bằng vũ lực, do những đức tin được coi là “không bình thường” của họ. Người theo giáo phái Mormon đã nhiều lần di chuyển để tìm kiếm nơi hành đạo. Nhiều người Mormon đã chân đất tiến về miền Tây, nơi họ hy vọng sẽ tạo lập được một bang Mormon độc lập.
Nơi họ chọn làm khu định cư ban đầu ở phía tây là Thung lũng Wasatch lọt vào giữa Wasatch Mountains và Hồ Great Salt ở phía bắc Utah, về sau trở thành Thành phố Hồ Muối (Salt Lake). Địa điểm này hẳn đã không thích hợp cho một sự bắt đầu cuộc sống định cư dựa vào nông nghiệp. Khí hậu khô, hồ nhiễm mặn và không sử dụng được, đất đai thì cằn cỗi. Tuy nhiên, người Mormon đã nhanh chóng triển khai các hoạt động nông nghiệp, những khu định cư của họ được mở rộng khi có thêm những người mới đến. Tỷ lệ sinh cao cũng làm tăng dân số ở đây. Họ đã mơ ước tạo dựng nên một xứ sở độc lập với tên gọi là Deseret, chạy lên phía bắc tới nơi mà ngày nay là Oregon và Idaho, và xuống phía nam tới Los Angeles, California, và các cộng đồng người Mormon được thiết lập ngày càng ở cách xa Thành phố Salt Lake.
Rút cuộc thì người Mormon đã không thực hiện được ước vọng của họ là tạo ra Deseret. Với việc tìm ra vàng ở California và Nevada, sự bành trướng của người Mỹ đã vượt qua cả khu vực của người Mormon, và những người Mormon lại cảm thấy họ chịu sự chi phối của Hoa Kỳ. Trên thực tế, Deseret bị phân tách theo sáu bang khác nhau.
Người Mormon là những người Mỹ đầu tiên phải đương đầu với những vấn đề của cuộc sống trên vùng Interior West và họ đã giải quyết phần lớn những vấn đề đó. Trong số các giải pháp của họ thì quan trọng hơn cả là nước tưới. Người Mỹ trước đây hoàn toàn không cần đến một hệ thống tưới nước rộng khắp và hơn nữa, chưa biết đến các kỹ thuật cũng như sự kiểm soát tập trung cần thiết cho việc tích trữ và vận chuyển nước tới một số lượng lớn những người sử dụng nước cho nông nghiệp. Người Mormon đã xây dựng rất nhiều đập dự trữ nước trên những sườn phía tây của dãy Wasatch, và nhiều kilômét kênh đào đã chuyển nước tới những người sử dụng ở các thung lũng thấp hơn. Những nỗ lực này đã mang lại thành quả ngày nay, mùa màng nông nghiệp, cây cối và những thảm cỏ xanh đã bao trùm lên thung lũng. Những nỗ lực ban đầu đối với hệ thống thủy lợi quy mô lớn là sự mở đầu cho cuộc bùng nổ về thủy lợi ở vùng nội địa phía tây.
Những người theo giáo phái Mormon vẫn tiếp tục có những tác động to lớn lên vùng Interior West. Trong số 11 triệu cư dân ở đây thì hơn 1,5 triệu người theo giáo phái Mormon.
Cấu trúc kinh tế phân tán
Thủy lợi và nông nghiệp
Phần lớn dòng chảy của những con sông quan trọng ở Empty Interior được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó tưới nước chiếm phần quan trọng nhất. Đạo luật Khai hoang năm 1902 đã đảm bảo sự hỗ trợ ở tầm liên bang cho việc xây dựng các đập, kênh và cuối cùng là những hệ thống thủy điện phục vụ cho 17 bang miền tây (không kể Alaska và Hawaii). Ngày nay, hơn 80% lượng nước từ những dự án do liên bang hỗ trợ được sử dụng để tưới cho hơn 4 triệu hecta. Trong khi phần lớn đất được tưới nước này là thuộc về California, thì các dự án tưới nước lớn lại phân tán trên toàn khu vực.
Một triệu hecta được tưới nước ở vùng đồng bằng sông Snake đã khiến Idaho trở thành bang dẫn đầu khu vực này về diện tích đất được tưới nước. Điều đó cho phép bang này trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ về khoai tây và củ cải đường; cũng như cỏ linh lăng và gia súc. Dự án Khai hoang Thung lũng Columbia, được cung cấp nguồn nước khổng lồ của sông Columbia chứa sau đập Grand Coulee ở trung tâm Washington, bao trùm lên 400.000 hecta đất, sản xuất các loại cây trồng như cỏ linh lăng, khoai tây, củ cải đường. Hệ thống tưới nước dọc theo Thung lũng Wasatch đã mở rộng hơn chút ít kể từ những thập niên đầu của sự định cư của người theo giáo phái Mormon. Khoảng hơn 400.000 hecta đất được tưới nước ở đây được dành chủ yếu cho sản xuất cỏ linh lăng và củ cải đường. Thung lũng Grand dọc sông Colorado - trung tâm Colorado, có cây trồng chính là khoai tây và cỏ linh lăng, mặc dù cây ăn quả, đặc biệt là đào, cũng quan trọng. Tại Washington, các phụ lưu của sông Columbia, đặc biệt là các Yakima và Wenatchee đã cung cấp nước tưới cho những vùng sản xuất táo nổi tiếng nhất của Mỹ.
Mỗi khu vực trong số này chỉ sản xuất một số cây trồng có hạn. Mùa sinh trưởng ngắn của khu vực không cho phép trồng những loại cây dài ngày. Nhu cầu của địa phương cũng bị hạn chế, làm giảm thiểu nhu cầu về sữa và rau quả.
Các vùng phía nam được tưới nước, mặc dù bị ảnh hưởng bởi việc thiếu nguồn nước dự trữ, nhưng lại lợi thế so với những đối tác phương Bắc là mùa sinh trưởng kéo dài hơn nhiều. Thung lũng Imperial thuộc California có hơn 300 ngày không bị sương giá là một trong các vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của Mỹ. Đây là nguồn cung cấp rau diếp mùa đông chính cho nước Mỹ, ngoài ra khu vực này còn cung cấp nho, sợi bông và cỏ linh lăng để vỗ béo bò. Đàn gia súc ở đây lên tới 250.000 con. Một nhà máy phát điện mới được xây dựng để sử dụng phân của gia súc làm nguồn nhiên liệu. Thung lũng Imperial có mùa sinh trưởng đủ dài để sản xuất hai vụ và vì vậy, làm tăng năng suất tổng thể.
Thung lũng Coachella nằm ở phía bắc biển Salton của bang, chuyên trồng các loại cây như chà là, nho và bưởi. Thung lũng Yuma dọc theo hạ lưu sông Colorado cung cấp bông, củ cải đường, và cam. Trong Thung lũng sông Salt gần thành phố Phoenix thuộc Arizona, cây trồng chính là rau diếp đông, cam và bông. Khác với các loại cây trồng ở vùng xa phía bắc, những cây trồng này ở miền Nam hầu như không phải cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm nông nghiệp trên các thị trường chính thuộc miền Đông Hoa Kỳ.
Dịch vụ giao thông
Do lưu lượng giao thông ở Interior West không lớn, nên một mục tiêu quan trọng của các nhà phát triển giao thông ở đây là cho phép việc đi lại qua khu vực này nhanh chóng và rẻ tiền tới mức có thể. Kết quả là phần lớn các đường cao tốc và đường sắt quan trọng đều chạy qua khu vực này, từ đông sang tây, từ các trung tâm đô thị của Midwest tới các trung tâm đô thị vùng West Coast (Bờ biển Tây).
Do có những yêu cầu như thế về quy hoạch giao thông, với một diện tích vô cùng lớn, khu vực này còn đòi hỏi nhiều phương tiện dịch vụ giao thông xuyên vùng. Nhiều thị trấn trong khu vực bắt đầu được tạo dựng như là các trung tâm để phục vụ và điều hành các tuyến đường sắt. Bất kỳ nơi nào cần đến lao động đường sắt thì đều mọc lên những trung tâm như vậy, cho dù nơi có đông cư dân hay không. Mặc dù nhu cầu về công nhân địa phương phục vụ trong ngành đường sắt giảm đi do việc ứng dụng những tiến bộ công nghệ vào cuối những năm 1940, nhưng bù lại cho sự giảm sút này là nhu cầu ngày càng lớn về nhân lực phục vụ việc giao thông bằng xe hơi và xe tải tại các trạm bán xăng, các cơ sở sửa chữa ô tô, các nhà nghỉ có chỗ đỗ xe và nhà hàng.
Mặc dù ban đầu, dịch vụ giao thông có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển các trung tâm đô thị, nhưng việc hình thành nên những thành phố lớn nhất còn là kết quả của sự trợ giúp của nhiều yếu tố khác nữa. Ví dụ, thành phố Spokanet thuộc bang Washington có số dân hơn 350.000 người đã trở thành trung tâm lớn cho “Inland Empire” (Đế chế trên đất liền) Washington. Về mặt địa lý vùng đất này được đánh dấu và được sông Columbia chảy qua trung tâm Washington bao bọc một nửa, từ lâu đã là một vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng. Thành phố Albuquerque thuộc bang New Mexico, với dân số khoảng 500.000 người, cũng có vai trò tương tự như Spokane nhờ vị trí trung tâm và dễ đi lại trong bang này. Thành phố Phoenix, Arizona lúc đầu là một trung tâm nông nghiệp nhưng sau đó, khi người Mỹ đổ xô về tận hưởng môi trường ấm áp và khô ráo, đã phát triển mạnh. Thành phố này nhanh chóng trở thành trung tâm dành cho người về hưu và cũng là một trọng điểm của các hoạt động chế tạo, với những ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm nhỏ nhưng có giá trị kinh tế cao, như công nghiệp điện tử, một ngành đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng của thành phố.
Ogden thuộc bang Utah là một cộng đồng tồn tại với tư cách là trung tâm đường sắt lớn, và sớm thuộc về những địa điểm quan trọng nhất của khu vực, nhưng đã không trở thành một khu đô thị lớn. Nó ở cách thành phố Salt Lake 55 km về phía bắc, đó là thành phố vẫn duy trì được vai trò thống trị nhờ chức năng quan trọng với tư cách là thủ phủ của Utah và của những người theo giáo phái Mormon.
Du lịch
Cảnh quan đa dạng và quyến rũ của Empty Interior đã thu hút được hàng triệu lượt khách mỗi năm. Khách tới tham quan hầu hết các công viên lớn ở đây trước hết đều phải đi qua một tuyến dài những nhà nghỉ có chỗ đậu xe, các quán bar, các cửa hàng lưu niệm và nhiều hình thái biểu hiện của sắc thái địa phương. Thêm vào đó, khoảng cách giữa các khu du lịch thường lớn, vì thế cần có dịch vụ giữa vô số các địa điểm đó. Khi hoạt động đánh bạc hợp pháp được chấp nhận như là một phần của ngành du lịch ở Nevada thì tác động tổng thể của ngành du lịch lên khu vực này càng lớn.
Chế biến gỗ và chăn nuôi gia súc
Chế biến gỗ và chăn nuôi gia súc phải lệ thuộc vào đất chính phủ để có được những nguyên liệu cơ bản. Đất đai thuộc quyền kiểm soát của Sở Lâm nghiệp và Cục quản lý đất được sử dụng để nuôi thả gia súc, còn phần lớn hoạt động chế biến gỗ ở Empty Interios được tiến hành trên đất của Sở Lâm nghiệp. Khối lượng sản phẩm tính cho một hécta của cả hai ngành chế biến gỗ và chăn nuôi là tương đối thấp, nhất là so với đất do tư nhân quản lý.
Một lý do của tình trạng kém hiệu quả rõ rệt này là chất lượng đất hạn chế. ở nhiều vùng khô hạn cần tới 40 hécta đất để có đủ cỏ cho một con gia súc. Sự khác biệt khá lớn của khí hậu theo mùa ở hầu khắp khu vực đã khiến nơi đây là một trong số rất ít vùng ở nước Mỹ có sự dịch chuyển theo con người là thông lệ - sự dịch chuyển của những đàn gia súc theo mùa, do người chăn dắt chúng thực hiện, từ vùng đất thấp vào mùa đông chuyển lên những đồng cỏ trên núi để chăn thả vào mùa hè. Đây là yếu tố quan trọng đối với nghề chăn cừu. Nhiều người Basques, các chuyên gia về cừu từ vùng Pyrenees của Tây Ban Nha và nước Pháp, đã tới đây với tư cách là lao động hợp đồng để quản lý đàn gia súc. Ngày nay, con cháu của người Basques chiếm một phần đáng kể trong dân số của nhiều bang, đặc biệt là Nevada.
Khai thác mỏ
Vào cuối của thế kỷ XIX, những người khai thác vàng đã sớm theo chân những giáo dân Mormon và trở thành nhóm ngươì định cư lớn thứ hai tại vùng này. Việc khám phá ra Comstock Lode ở Nevada đã dẫn đến sự hình thành Thành phố Virginia, một thành phố phát triển tới 20.000 dân trong những năm 1870, trước khi gần như biến mất do sự giảm sút quặng chất lượng cao.
Sự bùng nổ khai thác vàng và bạc trong những năm tiếp theo sau khi phát hiện ra Comstock đã làm dân số ở Nevada tăng lên vùn vụt. Điều này đã dẫn đến sự chấp nhận bang này vào liên bang năm 1864, sớm hơn nhiều so với các bang lân cận. Vào cuối thế kỷ XIX, các nguồn tài nguyên mỏ bị cạn kiệt, dân cư ở Nevada giảm đi rất nhiều, có nơi mãi cho tới thế kỷ XX mới hoàn toàn phục hồi được dân số. Ngày nay, khai thác mỏ đóng vai trò rất nhỏ bé trong nền kinh tế của bang, cũng như bất kỳ nơi nào khác của vùng nội địa phía tây - mặc dù một số trung tâm khai thác mỏ đã đóng cửa vẫn còn hấp dẫn nhiều khách du lịch.
Đứng đầu trong danh sách hiện nay về sự đóng góp khoáng sản cho nền kinh tế khu vực là mỏ đồng, với sản lượng tập trung ở Arizona và Utah. Những mỏ lộ thiên khổng lồ của mỏ Bingham, bên ngoài thành phố Salt Lake, được coi là sự khai thác do con người tiến hành vĩ đại nhất trên thế giới, đã đem lại sản lượng khoảng 8 triệu tấn đồng. Trong số các trung tâm khai thác đồng lớn và nhỏ ở Arizona, quan trọng nhất là vùng Morenci ở phía đông của bang này. Các mỏ quan trọng khác là thuộc về San Manuel, Globe, và Bisbee, tất cả đều nằm ở phía nam Arizona.
Hầu hết quặng đồng khai thác được ở Empty Interior đều có chất lượng thấp, với hàm lượng kim loại chưa tới 5%. Vì thế hầu hết các vùng mỏ đều có các cơ sở nung chảy và tinh chế tại chỗ để giảm bớt chi phí vận chuyển. Chính vì thế, tinh chế cũng là một ngành sản xuất chính trong khu vực.
Chì và kẽm đứng sau đồng về mức độ quan trọng đối với khu vực, và thường đi kèm với loại kim loại khác trong cùng một địa điểm khai thác. Mỏ Butte Hill thuộc Montana chẳng hạn, từ lâu đã là cơ sở lớn sản xuất kẽm và chì cùng với đồng. Quận Coeur d’Alene phía bắc Idaho sản xuất vàng, bạc, chì, kẽm; vùng Leadville thuộc Colorado cũng sản xuất bốn loại kim loại này cộng với molybden được sử dụng trong việc chế tạo các sản phẩm thép. Trên thực tế khoảng 3/4 khối lượng molybden trên thế giới là do Leadville cung cấp. Khai thác uranium cũng phát triển mạnh, hiện nay Utah và Colorado là hai bang sản xuất chủ yếu. Khoảng 25 triệu tấn than cũng được khai thác hàng năm.
Trải rộng trên hàng ngàn kilômét vuông, nơi gặp nhau của Utah, Colorado, và Wyoming là những trữ lượng đá chứa dầu khổng lồ của Green River Formation. Được chôn giấu trong những khối đá phiến này là hàng tỷ thùng dầu, nhiều hơn cả tổng trữ lượng dầu còn lại của thế giới. Tuy nhiên, những khó khăn về khai thác và môi trường còn đang kìm hãm mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Các nguồn tài nguyên khoáng sản này không đóng góp nhiều lắm cho sự tăng trưởng đô thị bền vững và chắc chắn. Butte, Monata, với dân số vào khoảng 34.000 người năm 1990 có lẽ là thành phố lớn nhất trong khu vực đã phát triển nhờ dựa vào công nghiệp khai thác (đồng) như là cơ sở chính của nền kinh tế - đồng thời, từ lâu nó cũng còn là một trung tâm chế biến nông sản quan trọng.