11/05/2018, 14:43

Chính sách tài chính ở nước ta hiện nay

Chính sách tài chính đóng vai trò cực kỳ quan trọng góp phần thực hiện nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ là công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh đi đôi với thực hiện công bằng xã hội. Báo cáo ...

Chính sách tài chính đóng vai trò cực kỳ quan trọng góp phần thực hiện nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ là công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm xây dựng cơ sở vật chất
– kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh đi đôi với thực hiện công bằng xã hội. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Tiếp tục  đổi mới chính sách tài chính và tiền tệ, bảo đảm tính ổn định và sự phát triển bền vững của nền tài chính quốc gia”1. Muốn vậy, chính sách tài chính quốc gia trong thời gian tới cần hướng vào những vấn đề sau đây:

a) Xây dựng và phát triển nền tài chính nhiều thành phần

Trước hết, cần cải tiến hệ thống thu – chi ngân sách nhà nước trên nguyên tắc thu đúng, thu đủ, chi tiết kiệm, hợp lý, ưu tiên cho đầu tư phát triển phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phân cấp hợp lý giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương, giữa các ngành, các cấp… Việc xây dựng và củng cố ngân sách nhà nước phải đảm bảo cho Nhà nước đủ sức mạnh để điều tiết kinh tế và hướng nền kinh tế phát triển theo kế hoạch và định hướng đã định. Bên cạnh ngân sách nhà nước, phải đặc biệt coi trọng tài chính doanh nghiệp với tư cách là nền tảng của nền tài chính quốc gia, là động lực của sự tăng trưởng kinh tế. Phát triển tài chính doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt chú ý xây dựng và làm lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp nhà nước, thực hiện chế độ tự chủ tài chính, thống nhất chế độ thu – chi và phân phối tài chính trong các doanh nghiệp quốc doanh và hợp tác xã. Từng bước hướng các doanh nghiệp tư nhân thực hiện chế độ tài chính phù hợp với các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và xã hội chủ nghĩa. Chính sách tài chính cũng phải hướng tới bộ phận tài chính dân cư, coi đây là một trong những nguồn cung cấp tài chính không nhỏ cho nền kinh tế. Từ đó, hướng dẫn họ thực hiện nguyên tắc chi tiêu tiết kiệm, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tiêu dùng và tích luỹ.

b) Tạo điều kiện hình thành và phát triển thị trường tài chính

Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường tài chính là khâu trung gian gắn các khâu tài chính với nhau, có tác dụng thúc đẩy quá trình giao lưu các nguồn lực tài chính, tăng cường sự vận động của giá trị trong nền kinh tế. Nhà nước cần hết sức tạo điều kiện để thị trường tài chính hình thành và phát triển. Cùng với sự phát triển kinh tế thị trường, từng bước hình thành thị trường chứng khoán, nhân tố quan trọng thu hút vốn của xã hội và năng động hoá hoạt động đầu tư của nền kinh tế.

c) Xây dựng hệ thống thông tin, phân tích, kiểm tra, kiểm soát tài chính

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, các hoạt động tài chính trong xã hội ngày càng trở nên phức tạp. Tài chính là một lĩnh vực rất nhạy cảm, nếu không có đối sách hợp lý và giải quyết kịp thời các vấn đề về tài chính nảy sinh thì hậu quả sẽ rất nặng nề, thậm chí có thể gây ra tình trạng khủng hoảng kinh tế. Thực tế cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ cuối năm 1997 vừa qua ở châu á đã chứng tỏ điều đó. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin tài chính nhanh nhạy, tăng cường khả năng phân tích, kiểm tra, kiểm soát tài chính là nhu cầu khách quan và có tầm quan trọng đặc biệt của chính sách tài chính quốc gia.

d) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về tài chính

Với đà phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các quan hệ tài chính nước ta ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp, vì vậy xây dựng, cải tiến và hoàn thiện luật pháp về tài chính là một nội dung lớn của chính sách tài chính. Trong thời kỳ quá độ, luật pháp về tài chính phải tập trung vào các mục tiêu:

+ Xử lý tốt mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, khai thác tối đa các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

+ Phát triển dựa vào nội lực là chính, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn tài chính bên ngoài.

+ Nâng cao sức cạnh tranh và tính hiệu quả của nền kinh tế, tạo điều kiện cho chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

đ) Kiện toàn bộ máy quản lý tài chính

Vai trò của tài chính cao hay thấp là nhờ yếu tố chủ thể mà trước hết là bộ máy quản lý tài chính. Trong thời kỳ quá độ, bộ máy quản lý tài chính cần được cải tiến và tổ chức cho thích ứng với từng thời kỳ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ máy quản lý phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính theo hướng: kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; cải tiến, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý tài chính từ trung ương đến địa phương, từ quản lý tài chính doanh nghiệp đến các bộ phận quản lý tài chính dân cư và các tổ chức xã hội.

Các mặt trên đây của chính sách tài chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và cần
được thực hiện trong suốt thời kỳ quá độ, thích ứng với từng giai đoạn.

0