Chính sách đối ngoại của Nga, Trung Quốc và Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XXI
TRẦN BÁCH HIẾU (Bộ môn Khoa học Chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội) Mặc dù chỉ là một khu vực thuộc Châu Á song Đông Á lại là một khu vực quan trọng và rất phức tạp, bởi nơi đây tập trung nhiều nước lớn. Chính vì thế mà cục diện chính trị Đông Á, ở mức độ nào đó là hình ảnh ...
TRẦN BÁCH HIẾU
(Bộ môn Khoa học Chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Mặc dù chỉ là một khu vực thuộc Châu Á song Đông Á lại là một khu vực quan trọng và rất phức tạp, bởi nơi đây tập trung nhiều nước lớn. Chính vì thế mà cục diện chính trị Đông Á, ở mức độ nào đó là hình ảnh thu nhỏ của cục diện thế giới, chứa đựng những tính chất, những biến đổi cũng như những xu hướng của quan hệ quốc tế. Vị trí, vai trò và quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực với nhau là những mối quan hệ đặc biệt, đan chéo, cài lồng; vừa mang màu sắc chính trị lại vừa có màu sắc an ninh; vừa song phương lại vừa có cả trong đa phương, đồng thời tác động rất lớn đến toàn bộ khu vực, thế giới. Và các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản đều đã có những sự điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm thực hiện mục tiêu riêng của mình trong cục diện chính trị khu vực Đông Á những năm đầu thế kỷ XXI.
1. Chính sách đối ngoại của Nga tại Đông Á
Với diện tích hơn 17 triệu km2, Liên bang Nga là nước có diện tích lớn nhất trên thế giới hiện nay, trải rộng trên đại lục địa Âu – Á. Trong giai đoạn 1991-1993, Liên bang Nga thực hiện chính sách đối ngoại “định hướng Đại Tây Dương” thân với Mỹ và phương Tây, nhưng không đem lại hiệu quả. Từ năm 1994 trở đi, Nga chuyển sang chính sách “cân bằng Âu – Á” phù hợp với đặc thù địa lý, chính trị của Nga.
Có thể nói, Đông Á nói riêng, Châu Á – Thái Bình Dương nói chung là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nước Nga, là cánh cửa mở ra khả năng hợp tác của Nga với thế giới nói chung và với các nước phát triển nói riêng. Thông qua khu vực này, nước Nga có điều kiện mở rộng thị trường buôn bán vũ khí, nguyên liệu và hàng hóa. Đồng thời giúp Nga giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại với một số quốc gia trong khu vực, trong đó phải kể đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Song trên thực tế, Nga vẫn chưa đủ sức để phát huy ảnh hưởng theo mong muốn chủ quan của mình. Nên hiện nay khu vực này chưa có được ưu tiên đúng với tầm cỡ của nó.
So với Liên Xô trước đây, nước Nga không có được vị trí vai trò của một siêu cường có khả năng đối trọng với Mỹ. Cùng với sự tan rã của Liên Xô và sự giải thể của khối quân sự Vácsava và SEV, Nga đã mất đi vai trò chi phối và vùng đệm chiến lược ở Trung và Đông Âu. Rõ ràng là cán cân lực lượng thế giới đã từng bước thay đổi theo hướng hoàn toàn bất lợi cho Nga. Nước Nga không những không có ảnh hưởng tới các quá trình vận động có tính toàn cầu mà cũng không đủ khả năng tác động đến các quá trình vận động của các sự kiện diễn ra ngay trong những khu vực mà Nga có nhiều ảnh hưởng, cũng như lợi ích. Một trong số đó là khu vực Đông Á. Theo các chuyên gia quan hệ quốc tế, Nhật Bản, Trung Quốc, phương Tây và nhất là Mỹ cần phải có một thái độ đúng mực trước vị trí và vai trò ngày càng lớn mạnh của Nga trên trường quốc tế. Tiềm lực của Nga tăng theo nhu cầu ngày càng tăng của các nguồn năng lượng thiết yếu. Trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ đem lại cho Nga vị trí số 1 trên bản đồ địa chính trị thế giới. Nga sở hữu đến 6,6% trữ lượng dầu lửa thế giới và 26% trữ lượng khí đốt của toàn cầu. Thêm vào đó, hiện tại sản lượng khai thác dầu lửa của Nga chiếm 12% sản lượng dầu lửa thế giới khai thác được, khí đốt chiếm 21%. Tháng 5 năm 2007, Nga đã là nước sản xuất dầu lửa và khí đốt lớn nhất thế giới.([i]) Thực tế cho thấy, nền kinh tế Nga đang được phục hồi sau một thập kỷ khủng hoảng, bất chấp những bất ổn về xã hội. Sự tăng trưởng GDP của Nga năm 2000 là 8,8%, năm 2001 tăng 5,3%, năm 2002 tăng 5,5%, năm 2003 tăng 7,3% và năm 2004 tăng 6,9%. ([ii]) Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Putin tiếp tục đẩy mạnh cải cách toàn diện với chiến lược “phát triển kinh tế rượt đuổi thời kỳ hậu công nghiệp hóa”, qua đó địa vị của nước Nga không ngừng được nâng lên trên trường quốc tế.(1)(2)
Cùng với phát triển kinh tế, chính sách đối ngoại cũng được điều chỉnh. Đầu năm 2000, Tổng thống V. Putin đã công bố những văn bản quan trọng đề cập đến các vấn đề đối ngoại như Chiến lược an ninh quốc gia Nga (10-01-2001), Học thuyết quân sự của Liên bang Nga (21-04-2001). Một trong những nội dung căn bản trong chính sách đối ngoại của Nga là “đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”, “Nga ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển quan hệ để củng cố vị thế của Liên bang Nga”.([iii]) Vì vậy, một mặt Nga xây dựng quan hệ song phương với Mỹ và EU, tái khẳng định vai trò trọng tâm trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), duy trì quan hệ với các nước Châu Á và Trung Đông thì Nga cũng thật sự coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. (3) (4Trước đây, do đặt trọng điểm ngoại giao ở hướng Đại Tây Dương, Nga đã không quan tâm đúng mức đến Trung Quốc. Chỉ từ khi điều chỉnh chính sách đối ngoại theo phương châm cân bằng các hướng, Liên bang Nga mới từng bước “quay trở lại” với Trung Quốc, khép lại một quá khứ thăng trầm trong quan hệ hai nước, hướng tới một tương lai tốt đẹp vì sự ổn định và phát triển.([iv]) Việc bình thường hóa quan hệ Nga – Trung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khu vực Đông Á hiện nay. Một trong những nhiệm vụ trọng yếu của chính sách ngoại giao Nga đó là xây dựng quan hệ với Trung Quốc thành quan hệ đồng minh chứ không phải quan hệ đối kháng. Có rất nhiều tiền đề để củng cố và phát triển quan hệ Nga – Trung. Nga cũng xác định rõ ý nghĩa của việc cân bằng lợi ích, tránh việc xung đột lợi ích với Trung Quốc. Cả Nga và Trung Quốc đều bày tỏ sự quan tâm trong việc duy trì sự ổn định ở khu vực Đông Á, tham gia tích cực vào việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Sự gần gũi về địa lý, nhu cầu phát triển vùng Viễn Đông của Nga đang trở thành những nhân tố thúc đẩy hợp tác thương mại Nga – Trung.
Với Nhật Bản, trong những năm đầu thế kỷ XXI, Nga và Nhật Bản đã bày tỏ thái độ hòa dịu hơn trong một loạt vấn đề, như việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Kuril, tích cực tăng cường trao đổi văn hóa giữa hai nước, Nhật ủng hộ Nga tham gia vào các tổ chức khu vực và quốc tế. Mặc dù trước đó, trong cuốn sách trắng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố tháng 9-1990, việc quân đội Nga triển khai ở vùng Siberia và Viễn Đông được Nhật Bản coi như là mối đe dọa đối với an ninh của nước này. Phía Nhật Bản còn thể hiện thiện chí sẵn sàng hợp tác với Nga để triển khai hàng loạt biện pháp nhằm tăng cường lòng tin ở khu vực Đông Á. Nga xác định cải thiện và tăng cường quan hệ với Nhật Bản là điều kiện cần thiết để Nga có thể tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ hiện đại của Nhật Bản phục vụ cho công cuộc cải cách kinh tế vốn đã nhiều năm rơi vào khủng hoảng và suy thoái. Những kinh nghiệm trong cải cách kinh tế của Nhật Bản sẽ là bài học quý giá cho Nga để tiến hành những cải cách trong nước. Vì thế, chính sách đối ngoại của Nga đối với Nhật Bản đã có những thay đổi mới mang tính chiến lược, đó là chủ động tăng cường mối quan hệ Nga – Nhật, cố gắng đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thuộc khu vực Đông Á nói riêng, Châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành một nhiệm vụ chiến lược trong việc tăng cường phát triển kinh tế vùng Viễn Đông nước Nga. Việc bình thường hóa quan hệ của Nga với các quốc gia thuộc khu vực này đã giúp Nga tham gia tích cực và chủ động vào tiến trình hội nhập kinh tế khu vực. Một bằng chứng sinh động cho sự hội nhập vào khu vực là việc Nga được kết nạp thành đối tác đầy đủ của ASEAN. Hơn nữa, Nga cũng có những đề nghị hợp tác sâu rộng hơn nữa với ASEAN trong các lĩnh vực quan trọng đầy triển vọng như dầu khí, năng lượng, nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến, thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, Nga cũng hợp tác mạnh mẽ với các nước ASEAN trong các lĩnh vực đấu tranh chống khủng bố, chống thiên tai cũng như tạo điều kiện tốt để phát triển các quan hệ giữa ASEAN với Tổ chức hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization – SCO) trong lĩnh vực đảm bảo an ninh.
Kinh tế là nhân tố quyết định chính trị. Việc thay đổi chính sách kinh tế của các nước lớn có ảnh hưởng rất lớn tới cục diện chính trị khu vực có quốc gia đó. Tại Đại hội kinh tế khu vực Thái Bình Dương diễn ra ở Vladivostok vào cuối tháng 7 năm 2007, Bộ trưởng Tài chính Nga lúc đó là A. Kudrin đã tuyên bố về việc chính phủ Liên bang sẵn sàng chi 16,8 tỷ USD từ ngân sách cho công tác chuẩn vị và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra tại Vladivostok vào năm 2012. Ý định này của Nga đã khẳng định sự tham gia hội nhập toàn diện với Châu Á – Thái Bình Dương. Trước vai trò ngày càng lớn mạnh của khu vực Đông Á nói riêng, châu Á – Thái Bình Dương nói chung thì Nga luôn mong muốn xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ tại đây mà trung tâm là Đông Á.
Như thế, hiện nay, con đường và phương thức Nga trỗi dậy ngày càng thể hiện rõ những đặc điểm mới mẻ. Sau khi trải qua thời kỳ tạm thời “trung ương yếu kém, địa phương cường quyền”,([v]) Nga đã bắt đầu quay trở lại quỹ đạo tập trung quyền lực vào trung ương. Trong quan hệ quốc tế, Nga thông qua nguồn lực và biện pháp ngoại giao tổng hợp, mưu cầu thực hiện lợi ích quốc gia trên trường quốc tế. Có thể nói, bảo vệ lợi ích quốc gia là hạt nhân và thực chất trong chính sách đối ngoại của Nga. Trên phương diện bảo vệ lợi ích quốc gia, Nga áp dụng chính sách đối ngoại linh hoạt: hoặc cứng rắn hoặc mềm dẻo. Sự thất bại của chiến lược đối ngoại hướng về phương Tây cùng với yêu cầu phải dịch chuyển dần trọng tâm kinh tế từ phần lãnh thổ Châu Âu của Nga sang vùng Viễn Đông và Siberia, Nga đã có những điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình: bên cạnh quan hệ hợp tác không thể bỏ qua với khu vực Âu – Mỹ nhằm tìm kiếm vốn, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, Nga còn tăng cường hợp tác với Đông Á thông qua việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung, phát triển quan hệ hợp tác Nga – Nhật, Nga – Bán đảo Triều Tiên, tăng cường quan hệ Nga – ASEAN… nhằm đạt được mục tiêu cân bằng Đông – Tây, hướng về Âu – Á, phù hợp với đặc thù địa chính trị của Nga.(5)
2. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đông Á
Có thể nói Trung Quốc là quốc gia giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển và ổn định ở khu vực Đông Á. Trung Quốc đang vươn lên để trở thành siêu cường trong thế kỷ XXI. Sau gần 30 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã có được nhiều thành tựu làm cơ sở cho quá trình phát triển toàn diện. Phương châm mà Trung Quốc lựa chọn là “phát triển hòa bình” (trỗi dậy hòa bình), không lặp lại con đường phát triển bằng chiến tranh như các cường quốc đi trước. Là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực kinh tế phong phú, tiềm năng công nghệ và chiến lược quân sự to lớn để có thể trở thành một trung tâm có khả năng lôi kéo một loạt các quốc gia lân cận ở khu vực Đông Bắc Á. Với tư cách đó, Trung Quốc đóng một vai trò to lớn trong việc hình thành cục diện chính trị khu vực Đông Á nói riêng, cục diện chính trị thế giới nói chung.
Mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay và trong hai thập niên tới là tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công cuộc hiện đại hóa, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, đồng thời nâng cao vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực và trên trường quốc tế, vươn lên thành một cường quốc toàn diện trên thế giới.([vi]) (6)
Tại Đông Nam Á, Trung Quốc đang triển khai chiến lược “một trục, hai cánh” nhằm mở rộng không gian phát triển, lôi kéo cả khu vực Đông Nam Á, vào sự phát triển chung của Trung Quốc; Cụ thể, một trục là hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, hai cánh ở đây gồm: Hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) và Hợp tác vịnh Bắc Bộ mở rộng. Chiến lược “Một trục hai cánh” còn được gọi là 3 M theo chữ tiếng Anh lần lượt là Mainland (trên bộ), Mekong (trên sông) và Marine (trên biển).
Có thể nói rằng, không có khu vực nào trên thế giới mà Trung Quốc có vị trí và ảnh hưởng mạnh như ở Đông Á. Cũng chính vì thế mà Đông Á luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc đã chủ động và tích cực tham gia vào diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), để từ diễn đàn này mở rộng vai trò và ảnh hưởng đối với quá trình liên kết kinh tế nói riêng, cục diện chính trị khu vực nói chung. Đối với khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Trung Quốc cũng đã có bước đi chủ động và tích cực, tiên phong thực hiện khuôn khổ hợp tác ASEAN + 1, cho đến nay, quan hệ song phương giữa Trung Quốc và từng nước Đông Nam Á nói riêng, với ASEAN nói chung đã được mở rộng và tăng cường. Về hợp tác Đông Bắc Á, tháng 10-2003, các nhà lãnh đạo ba nước Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc đã ra “Thông cáo chung hợp tác ba bên Trung – Nhật – Hàn”, nêu bốn điểm kiến nghị hợp tác ba nước trong tương lai. Thông qua Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO),(7) Trung Quốc đã gia tăng độ tin cậy lẫn nhau với Nga và các nước Trung Á khác. Ngoài ra Trung Quốc cũng rất chủ động trong việc ký kết các hiệp định song phương theo phương thức “thu hoạch sớm” đối với từng nước ASEAN và các nước Đông Nam Á khác khi chín muồi.(8) Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chính sách “một Nam một Bắc”, hoàn thiện cơ chế đối tác chính sách với các nước ASEAN, đi sâu thúc đẩy phát triển SCO, tích cực triển khai hợp tác khu vực với các nước Đông Bắc Á, cải thiện quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ và phát triển quan hệ với Pakistan và có chính sách riêng trong quan hệ với từng khu vực. Có thể nói sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực Đông Á là toàn diện, cả về địa lý, lịch sử, kinh tế lẫn chính trị, an ninh quốc phòng. Khác với Mỹ là một siêu cường đi từ toàn cầu vào khu vực, Trung Quốc là một nước đang phấn đấu đi từ một cường quốc khu vực đến cường quốc toàn cầu. Đây chính là bước đi chiến lược của Trung Quốc. Để thực hiện có hiệu quả bước đi đó, trước hết Trung Quốc tập trung vào tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định quốc tế, nhất là trong khu vực, sau đó xúc tiến bước đi tiến lên thành cường quốc khu vực, khống chế Biển Đông, Đông Nam Á, trở thành siêu cường, trước hết là trong khu vực rồi vươn ra toàn cầu. Sự nghiệp “chấn hưng Trung Hoa”, “hòa bình trỗi dậy” cũng là để nhằm vào mục tiêu to lớn đó.
Nói về Trung Quốc, Napoleon có một câu nổi tiếng: “Trung Quốc là một người khổng lồ đang ngủ. Hãy để nó nằm ngủ, bởi khi nó thức dậy nó sẽ làm cả thế giới ngạc nhiên”(9). Quả thực, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một trong những chủ thể quan trọng của cục diện chính trị khu vực và thế giới. Những thành tựu trong công cuộc cải cách kinh tế của Trung Quốc là những minh chứng thuyết phục nhất cho nhận định trên.
3. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại Đông Á
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, Nhật Bản thực sự chú trọng đến Châu Á, cụ thể là Đông Á với chiến lược khẳng định vai trò chủ đạo ở đây. Là cường quốc kinh tế lớn nhất ở Châu Á với GDP năm 2006 lên đến 4300 tỷ USD, Nhật Bản cần có môi trường xung quanh ổn định để phát triển.(10) Với tính ưu việt về công nghệ, ngành công nghiệp, tài chính, có thể nói Nhật Bản vẫn chưa đủ những yếu tố cho phát triển bền vững. Không giống các cường quốc khác, Nhật Bản bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nhiên liệu và nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều chứng cứ rằng, kinh tế Nhật Bản đang có những dấu hiệu lạc hậu, và chính sự tụt hậu này sẽ trở thành nhân tố phá hoại những nền tảng cho sự phát triển kinh tế một cách bền vững của Nhật Bản trong tương lai. Cùng với đó, xuất hiện các yếu tố khác gây bất ổn định như: dân số Nhật Bản đang bị lão hóa, sự gia tăng chi phí tiêu dùng, du lịch, gia tăng nhập khẩu, dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất công nghiệp sang các loại hình dịch vụ, gia tăng tính bất ổn định của thị trường chứng khoán… Sự tăng trưởng sắp tới của Nhật Bản còn phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu các sản phẩm từ lúa mạch. Sự ấm dần lên của khí hậu làm gia tăng cường độ và tần suất thiên tai cho đất nước này.
Tuy không thể tách rời Mỹ trong việc bảo vệ an ninh của mình, nhưng việc thay đổi hình tượng “nước lớn kinh tế, nước nhỏ chính trị” luôn là mong muốn cao nhất của Chính phủ Nhật Bản thời gian gần đây. Nhật Bản là cường quốc phát triển không cân đối các lĩnh vực bởi vì cán cân quân sự và ảnh hưởng chính trị của quốc gia này không tương xứng với sức mạnh kinh tế. Nhưng Nhật Bản lại có khả năng chi trả thêm cho các chi phí quân sự. Về tham vọng chính trị của đất nước Mặt trời mọc có thể nhận thấy Nhật Bản đang khát khao vị trí Ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nếu như sự mất cân đối đó được giải quyết, với sức mạnh quân sự và chính trị cùng với sức mạnh kinh tế, Nhật Bản sẽ tạo ra được những thay đổi mang tính cách mạng không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn thế giới.
Nhật Bản muốn thông qua ngoại giao kinh tế nhằm phát huy vai trò toàn diện ở Đông Á và sử dụng Đông Nam Á làm cơ sở để Nhật Bản vươn lên thành cường quốc chính trị thế giới. Nhật Bản luôn cần sự ủng hộ của các nước lớn. Chính bởi thế, Nhật Bản đã có những điều chỉnh trong quan hệ với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới theo hướng cân bằng, mở rộng. Tình hình thế giới sau Chiến tranh lạnh là thời cơ tốt cho Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng trong các định chế khu vực và thế giới.
Nhật Bản đã hoàn thành một cách tốt nhất nghĩa vụ thành viên của các định chế quốc tế, nhất là ở phương diện đóng góp các nguồn lực theo các nguyên tắc đã cam kết với Liên Hợp Quốc, với Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund – IMF), Ngân hàng thế giới (World Bank – WB) và với các tổ chức khác mà Nhật Bản là thành viên. Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia được tín nhiệm cao về vấn đề này và họ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình như đã từng làm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà Nhật Bản đang tìm cách vượt qua là những trở ngại về pháp lý trong việc gửi quân đội ra nước ngoài để tham gia các hoạt động có tính chất quân sự. Một trong những điểm nổi bật trong quá trình tham gia các hoạt động quốc tế của Nhật Bản thời gian gần đây là việc từng bước nâng cao vai trò chính trị của Nhật Bản trong tổ chức LHQ. Bên cạnh việc đóng góp ngân sách rất lớn cho Liên Hợp Quốc (khoảng 21% ngân sách hàng năm của tổ chức này) (11), Nhật Bản còn đang ráo riết vận động tiến hành cải tổ cơ chế tổ chức của Liên Hợp Quốc theo hướng mở rộng nhóm nước thường trực Hội đồng Bảo an để tạo cơ hội cho Nhật Bản trở thành một ủy viên thường trực, có vai trò trong cơ cấu đầy quyền lực của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này.
Việc coi quan hệ Nhật – Mỹ tiếp tục là một trụ cột trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản(12) là một ví dụ điển hình chứng tỏ rằng Nhật Bản rất cố gắng để trở thành một quốc gia bình thường về chính trị. Thông qua quan hệ này, người Nhật nhằm vào hai mục tiêu rõ ràng, đó là dựa vào Mỹ để phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh; đồng thời, thông qua hình ảnh của Mỹ tới quan hệ quốc tế để Nhật Bản từng bước khôi phục vị trí chính trị quốc tế của mình.
Hiện nay, Nhật Bản đang bị kẹt trong một tình thế khó khăn. Đó là sự phụ thuộc quá lớn vào Mỹ để duy trì nguyên trạng ở khu vực song lại phải tìm kiếm sự công nhận của các nước láng giềng đối với vai trò của mình. Từ khi quan hệ kinh tế của Nhật Bản với các nước Châu Á tiếp tục phát triển. Nhật Bản lấy Châu Á làm chỗ dựa để mặc cả với Mỹ, nhưng Nhật Bản cũng đang hết sức lo ngại về ưu thế cạnh tranh của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Còn trong quan hệ với Mỹ, cho dù Nhật Bản là đồng minh, là đối tác tin cậy của Mỹ trong khu vực Đông Á nói riêng, Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và phải thực hiện vai trò to lớn do Mỹ giao cho ở khu vực này, song giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn có những mâu thuẫn sâu sắc về kinh tế – thương mại, hơn nữa, Nhật Bản còn đang tìm cách giải quyết các công việc đối nội, đối ngoại của mình. Những năm đầu thế kỷ XXI này đặc biệt là thời gian gần đây, thế giới đã được chứng kiến sự chủ động và độc lập với Mỹ của Nhật Bản trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như vấn đề môi trường sinh thái, nhất là việc thực hiện các cam kết trong Nghị định thư Kyoto về giảm hiệu ứng nhà kính.
Nhật Bản cũng điều chỉnh chính sách viện trợ phát triển (ODA) trên cơ sở thay đổi một số nguyên tắc và mục tiêu tài trợ ODA theo hướng ưu tiên cho các nước nghèo hơn với một khối lượng ODA lớn hơn; toàn cầu hóa tài trợ ODA; ưu tiên cho Đông Á; khuyến khích các khoản vay ODA hướng tới sự phát triển bền vững(13)… Trong thập niên qua, lợi dụng tài trợ ODA cho các nước, Nhật Bản đã gắn mục tiêu ODA với việc thúc đẩy và đạt tới các lợi ích thương mại với Nhật Bản.
Rõ ràng người Nhật ý thức được rằng, sự thịnh vượng về kinh tế cộng với chính sách can dự nhiều hơn và đóng góp tài chính nhiều hơn cho các thể chế quốc tế sẽ giúp họ khai thông và mở rộng ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế. Giới phân tích chính trị Nhật Bản cho rằng, khi vị trí thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Nhật Bản được thừa nhận thì khi đó Nhật Bản trở thành một “nước bình thường về chính trị”. Song để đạt tới mục tiêu đó, Nhật Bản phải vượt qua ít nhất hai trở ngại chính: thứ nhất, một lá phiếu phủ quyết của một nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ở đây là trường hợp Trung Quốc; thứ hai, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản không viếng thăm đền Yasukuni. Và dường như trở ngại thứ nhất là trở ngại khó vượt qua hơn cả vì nó không thuộc về Nhật Bản; trở ngại này đến từ bên ngoài và nó đến từ người láng giềng khổng lồ đang vươn mình “trỗi dậy hòa bình” để trở thành một siêu cường trong tương lai. Với quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc sẽ sử dụng quyền này sao cho có lợi nhất đối với họ. Công bằng mà xét thì cho đến nay, Trung Quốc chưa sử dụng đến quyền này đối với vấn đề thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Nhật Bản, song những động thái trong chính sách của Trung Quốc đối với Nhật Bản trong những năm gần đây cho thấy khi cần họ sẽ sử dụng quyền này. Điều phải lưu ý, đây là quốc gia lớn, họ là đối tác quan trọng của nhau và đương nhiên họ cũng là đối thủ của nhau bởi vậy không ai dại gì lại từ bỏ một công cụ cạnh tranh lợi hại mà họ có. Từ thực tế đó, có thể nhận định rằng con đường tiến tới một “siêu cường chính trị” của Nhật Bản còn rất dài bởi lẽ vượt qua trở ngại “bên trong” là điều có thể cho dù rất khó khăn song vượt qua trở ngại “bên ngoài” là điều không thể nếu cuộc cải tổ Liên Hợp Quốc không diễn ra như người Nhật Bản mong muốn.(14)
Như vậy, cùng với các chủ thể như Mỹ, các cơ chế đa phương (ASEAN, ARF, APEC), các chủ thể phi quốc gia (các tổ chức phi chính phủ, các công ty xuyên quốc gia); Nga, Trung Quốc và Nhật Bản đã trở thành những chủ thể cơ bản của cục diện chính trị Đông Á những năm đầu thế kỷ XXI. Với vị trí và vai trò của mình, ba nước đã và đang điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là với các nước lớn còn lại trong khu vực Đông Á. Điều này thể hiện rõ những toan tính trong ván cờ chính trị khu vực. Cụ thể, Nga từ chính sách đối ngoại “định hướng Đại Tây Dương” – hướng sang phương Tây thì nay đã chuyển sang chính sách “cân bằng Âu – Á” – hướng sang phương Đông, nhằm xác lập vị trí xứng đáng của mình trong cục diện chính trị khu vực Đông Á, đồng thời tìm lại vị thế như Liên Xô trước đây. Trong khi đó Trung Quốc, với vị trí trung tâm tại khu vực đang có những lợi thế đáng kể trong chiến lược “một trục, hai cánh”, “một nam một bắc”, “trỗi dậy hòa bình” của mình. Trung Quốc đang hướng tới một vị trí quan trọng hơn trong cục diện thế giới nói chung, cục diện chính trị khu vực Đông Á nói riêng. Còn Nhật Bản, quốc gia vẫn được mệnh danh là “người khổng lồ về kinh tế nhưng lại là chú lùn về chính trị” cùng với chính sách sử dụng sức mạnh kinh tế phục vụ mục tiêu chính trị, Nhật Bản đang mong muốn trở thành một cường quốc chính trị tương xứng với vị thế cường quốc kinh tế của mình trong cục diện chính trị khu vực Đông Á. Ngoài ba chủ thể chính (Nga, Trung Quốc, Nhật Bản) thì Mỹ (một quốc gia không thuộc khu vực Đông Á) cũng được đề cập tới như một chủ thể quan trọng vì có vai trò chi phối mạnh mẽ tới cục diện chính trị khu vực này. Chính Mỹ là nhân tố xúc tác làm cho các mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực đa dạng và ngày càng phức tạp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (2004), Thế giới, khu vực và một số nước lớn bước vào năm 2004, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Phạm Minh Sơn (2008), Chính sách đối ngoại của một số nước lớn trên thế giới, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
3. Lê Văn Sang (chủ biên, 2005), Cục diện kinh tế thế giới hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
4. Robert Ayson (2006), Stability and Complexity in Asia-Pacific Security Affairs, Asian Perspective, Vol. 30, No. 2.
5. Trần Anh Phương (chủ biên, 2007), Chính trị khu vực Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh lạnh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
6. Dương Phú Hiệp, Vũ Văn Hà (chủ biên, 2006), Cục diện châu Á – Thái Bình Dương, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
(1) Thông tấn xã Việt Nam (2007), “Liên bang Nga – Sự quay trở lại của một cường quốc thế giới”,
- 1 Lê Quýnh
- 2 Hoàng Đế Quang Trung ra bắc
- 3 Nhận Định về Sự Du Nhập Của Nho Giáo Vào Việt Nam Dưới Thời Bắc Thuộc
- 4 Cường quốc Châu Âu tranh giành quyền lợi tại Trung Quốc ( nhà Thanh)
- 5 Một vài điểm tương đồng và dị biệt phong trào Đông Du Việt Nam và Trung Quốc thời cận đại
- 6 Nước Nga và dân Nga của Putin
- 7 Nhìn lại sử liệu viết về Nguyễn Huệ Quang Trung và Gia Long Nguyễn Ánh
- 8 Tương đồng quan phục ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc
- 9 Quốc vương Bhumibol Adulyadej của Thái Lan
- 10 Dân Chủ và văn hóa Việt Nam