18/06/2018, 15:41

Tây Thi – nhân vật lịch sử hay huyền thoai?

ThS. Nguyễn Ngọc Thơ (Đại học Quốc gia Tp.HCM ) 1. Tây Thi là một người đẹp nổi tiếng trong lịch sử phương Đông cổ đại. Nàng tên thật là Thi Di Quang [baike.baidu.com], được cho là sinh ra vào khoảng đầu thế kỷ thứ V trCN tại làng Trữ La (nay thuộc huyện Chư Ký, thành phố ...

tay thi

ThS. Nguyễn Ngọc Thơ

(Đại học Quốc gia Tp.HCM)

1. Tây Thi là một người đẹp nổi tiếng trong lịch sử phương Đông cổ đại. Nàng tên thật là Thi Di Quang [baike.baidu.com], được cho là sinh ra vào khoảng đầu thế kỷ thứ V trCN tại làng Trữ La (nay thuộc huyện Chư Ký, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) nước Vu Việt (còn gọi là U Việt – quốc gia được xây dựng trên cơ sở bộ phận cư dân Vu Việt trong nhóm Bách Việt, lãnh thổ xưa nay vào khoảng vùng vịnh Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Tây Thi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha nuôi tằm ươm tơ, mẹ thì giặt lụa mưu sinh. Tây Thi lớn lên ở chốn sơn khê song hương sắc tuyệt trần, thông minh hơn người và có lòng yêu nước. Thời cuộc loạn lạc, Việt quốc suy yếu, Việt Vương Câu Tiễn thất bại nên đành chịu thần phục Ngô quốc lân bang (còn gọi là Câu Ngô – một nước Việt khác ở khu vực trung, hạ lưu Dương Tử, phía bắc Vu Việt). Được các minh thần Phạm Lãi, Văn Chủng phò trợ và hiến kế, Việt Vương Câu Tiễn cho tìm người đẹp về cung để áp dụng “mỹ nhân kế” phục thù Ngô quốc. Thiếu nữ Tây Thi vùng sơn khê bắt đầu bước ra chính trường từ đó, và sóng gió cuộc đời cuốn nàng đi xa hơn những gì nàng mong đợi cũng là từ đó.

Sau ba năm rèn luyện tác phong quý phái và học cách làm hài lòng Phù Sai tại Việt cung Cối Kê, Tây Thi – cùng với một người đẹp khác là Trịnh Đán – được giao phó trọng trách làm thê thiếp Phù Sai với mục tiêu hướng Phù Sai đắm chìm trong tửu sắc và lơ là chuyện chính sự nhằm mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt Ngô quốc để trả “quốc hận” cho nước Vu Việt. Việt Tuyệt Thư miêu tả: Văn Chủng chịu trách nhiệm dẫn Tây Thi sang Ngô quốc. Gặp Ngô quốc, Phạm Lãi tâu “Việt Vương Câu Tiễn tìm được hai mỹ nhân, hiện Việt quốc khó khăn nên không dám giữ lại hai nàng, nay kính dâng lên đại vương, kẻo không thì ngọc tàn hoa úa; thần nguyện dâng hiến để đại vương ngự dụng”. Ở một phiên bản khác thì câu kết là “thần nguyện dâng hiến để đại vương dùng làm nô quyét rác”. Biết được dụng ý của Câu Tiễn, trung thần Ngô quốc là Ngũ Tử Tư hết lời can ngăn “Không được. Đại vương đừng nhận. Thần nghe nói ngũ sắc làm mắt ta mờ, ngũ âm làm tai ta điếc, Kiệt vì Thang mà mất, Trụ vì Chu mà vong, nếu đại vương thâu nhận e sẽ có tai họa về sau..” và “Hạ mất vì Muội Hỷ, Ân vong bởi Đắc Kỷ, Chu diệt vì Bao Tự…”[Dương Quân, Vương Vĩ Thường 1985: 72-73, dẫn trong Ngô Việt Xuân Thu  Việt Tuyệt Thư]. Song, Ngô Vương Phù Sai sớm bị sắc đẹp của Tây Thi mê hoặc nên đã chối từ lời khuyên của Ngũ Tử Tư và hạ lệnh thu nhận Tây Thi, Trịnh Đán làm thê thiếp.

tay thi c

Tại Ngô Quốc, đúng như mong đợi, Tây Thi đã dẫn dắt Phù Sai vào mê cung tình ái mà quên bổn phận làm vua của mình. Mỗi lần Ngũ Tử Tư khuyên răn là mỗi lần vị tể tướng này bị thất sủng và cuối cùng bị ban cho thanh bảo kiếm để tự sát (năm 484 trCN).

Sau mười năm nghị hòa cốt để gầy dựng lực lượng, Việt quốc dưới sự phò trợ của hai nhân tài Văn Chủng và Phạm Lãi đã dấy binh diệt Ngô quốc nhân lúc Ngô Vương Phù Sai dẫn binh lên bắc để “hội ngộ Trung Nguyên”. Ngô quốc suy vong. Tây Thi trở về Việt quốc. Cuộc đời nàng kết thúc trong sự bí ẩn mà cho đến nay người ta vẫn còn tranh luận theo ba xu hướng. Các sách Mặc Tử (thiên Thân Sĩ), Ngô Việt Xuân Thu, Đông Chu liệt quốc chí (đời Minh) v.v. thì cho rằng nàng bị “dìm chết dưới sông” hoặc “bị bỏ vào bao và dìm chết dưới sông Tiền Đường” [Trần Khản Chương, Hà Đức Khang 1991: 33], song các sách Ngô Địa Ký (dẫn Việt Tuyệt Thư), Cán Sa Ký, v.v. thì cho rằng nàng cùng Phạm Lãi “du ngoạn Ngũ Hồ, sau đến đất Đào (nay là huyện Định Đào, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) lập nghiệp mới với nghề thương buôn. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng sau khi diệt xong Ngô quốc, Tây Thi xin về quê ẩn cư và sống cuộc đời an nhàn bên cạnh song thân, láng giềng và qua đời ở quê nhà – núi Trữ La [Trần Khản Chương, Hà Đức Khang 1991: 34].

Trên phương diện khảo cổ, người ta đã phát hiện ra một bức họa nhân vật trên một chiếc gương đồng thời Hán có hầu hết các nhân vật quan trọng như Ngô vương Phù Sai, Việt vương Câu Tiễn, Ngũ Tử Tư, Phạm Lãi cùng hai người đẹp Việt quốc là Tây Thi và Trịnh Đán, mỗi người mỗi nét. Phù Sai thì mặt giận dữ nhìn chằm chằm vào Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư thì ngẩng đầu khí phách, tay cầm gươm như định giết người; Tây Thi và Trịnh Đán thì bẽn lẽn trong bộ trang phục dài, má hồng ửng nét thanh xuân; ở một cảnh khác gần đó thì Việt vương Câu Tiễn và Phạm Lãi thì mỉm cười đắc chí [Trần Khản Chương, Hà Đức Khang 1991: 30].

2. Với những gì Tây Thi đã để lại, nàng đi vào trong tiềm thức người dân như một vị tiên nữ xinh đẹp, yêu nước nhưng bạc mệnh. Người đời sau đã dựng lại hình ảnh Tây Thi trong văn học, thơ ca, kịch nghệ, nghệ thuật và cả trong ngôn ngữ vừa để tiếc thương, tưởng nhớ đến nàng vừa gửi gắm nhiều mong ước tốt đẹp cho cuộc sống nhân sinh.

a. Trước hết, đó là các thi nhân kim cổ. Từ Nam Bắc Triều về sau, hầu như triều đại nào cũng có những thi sĩkhông tiếc lời ca tụng vẻ đẹp và đức hy sinh của Tây Thi, trong đó nổi bật nhất là các thi sĩ Đường triều. Lý Bạch thời Đường viết:

“Tây Thi Việt khê nữ,

Xuất tự Trữ La Sơn

Tú sắc yểm cổ kim

Hà hoa tu ngọc nhan

Cán sa nộng bích thủy

Tự hưng thanh ba gian

Hạo xỉ tín nan khai

Trầm ngâm bích vân gian

Câu Tiễn chinh tuyệt diễm

Dương nga nhập Ngô quan

Đề huề Quán Oa cung

Diểu miễu cự khả phán

Nhất phá Phù Sai quốc

Thiên thu cạnh bất hoàn”

Đại ý “Nàng Tây Thi sơn khê nước Việt, quê tại núi Trữ La, nhan sắc mờ kim cổ, đẹp đến mức hoa sen phải thẹn. Nàng ngồi giặt lụa bên dòng nước biếc, bao lớp sóng lan xa. Miệng hồng không dễ cười, mặt trầm ngâm giữa ráng chiều. Câu Tiễn tìm người đẹp, Tây Thi vào ải Ngô quốc, sống ở cung Quán Oa, không ai còn thấy mặt hoa. Khi phá được nước của Phù Sai, nàng đi mãi không về”. Lý Bạch ngoài bài Tây Thi trên còn có Cán Sa Thạch Thượng Nữ, Việt Trung Lãm Cổ v.v. cũng có chung tâm trạng.

Thời Đường còn nhiều thi sĩ khác, như Bạch Cư Dị với bài Trùng Đáp Lưu Hòa Châu, Vương Viêm với Táng Tây Thi Hoàn Ca, Giảo Nhiên với bài Cán Sa Nữ, Vương Duy với bài Vịnh Tây Thi và Tây Tử, Lý Viễn với bài Ngô Việt hoài cổ, Tống Chi Vấn với bài Cán Sa Thiên Tặng Lục Thượng Nhân (Bài giặt lụa tăng người trên bờ),  Hồ U Trinh với bài Đề Tây Thi Cán Sa Thạch, Ngư Huyền Cơ với bài Cán Sa Miếu, Lý Thân với bài Du Linh Nham, Tô Chưởng với bài Tây Thi, Thôi Đạo Dung với bài Bến Tây Thi, La Ẩn với Tây Thi, Lục Quy Mông với Ngô Cung Hoài Cổ, v.v.. đều “trăm hoa đua sắc” miêu tả về sắc đẹp và nỗi niềm Tây Thi [Trần Khản Chương, Hà Đức Khang 1991: 33-34]

Còn nhà thơ Tô Đông Ba đời Tống thì viết bài Vịnh Tây Hồ:

“Thủy quang liễm diễm tinh phương hảo

Sơn sắc không mông vũ diệc kì

Nhược bả Tây hồ tỷ Tây Tử

Nông trang đạm mạt tổng tương nghi”

Đại ý: “Mặt hồ nước biếc, muôn vạn tia nắng hồng chiếu lung linh, sắc núi dưới cơn mưa phùn trông huyền ảo, Tây Hồ đẹp tựa nàng Tây Thi năm ấy, sắc đẹp không cần điểm phấn tô son”.

b. Trong kho tàng thành ngữ – tục ngữ tiếng Hán có hai thành ngữ được cho là xuất hiện gắn với nét đẹp của Tây Thi:

(1) Trầm ngư lạc nhạn (沉魚落雁Chim sa cá lặn)

Câu đầy đủ là “trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa” (沉魚落雁,閉月羞花Chim sa cá lặn, hoa hờn nguyệt thẹn) để chỉ nét đẹp phi phàm của Tây Thi. Tương truyền khi nàng giặt lụa bên bờ Phố Giang (nay là sông Tiền Đường), cá trong nước nhìn thấy vẻ đẹp của nàng hổ thẹn mà lặn sâu dưới nước, hoa đang khoe sắc nhưng cũng phải hổ thẹn, trăng dù tròn nhưng cũng vội lẫn khuất trong mây. Thực ra, câu thành ngữ này đã có sự thay đổi cấu trúc và ý nghĩa vì nó xuất hiện sớm nhất trong cuốn Trang Tử chương Tề Vật Luận: “Mao Tường, Lệ Cơ, nhân chi sở mỹ dã, ngư kiến chi thâm nhập, điểu kiến chi cao phi…” (Mao Tường và Lệ Cơ là hai người đẹp, cá thấy cứ lặn sâu, chim gặp cứ bay qua…”, ngụ ý loài vật không thể cảm nhận được cái đẹp nhân sinh (chú ý trong câu này không có tên Tây Thi). Thời Đường – Tống có bài Cán Sa (Giặt lụa) viết: “điểu kinh nhập tùng la, ngư úy trầm hà hoa” (chim hoảng chuyền cành thông, cá sợ nấp hoa sen). Từ đó trở đi, dân gian không ai biết thành ngữ trầm ngư lạc nhạn được dùng để tả vẻ đẹp riêng của Tây Thi tự bao giờ.

(2) Đông Thi hiệu tần (東施效顰Đông Thi nheo mày)

Có lần Tây Thi bệnh, khuôn mặt kém tươi tỉnh, lúc nào cũng chau mày. Nàng Đông Thi làng bên xấu xí nhìn thấy Tây Thi chau mày trông rất đẹp nên bắt chước Tây Thi. Khổ nỗi vì Đông Thi quá xấu nên khi chau mày càng xấu hơn. Thành ngữ này ra đời, được dùng để phê phán hiện tượng bắt chước một cách thụ động.

c. Danh tiếng Tây Thi vang vọng đến mai sau, hậu thế muốn xây dựng cung điện để người đời chiêm bái, kính vọng nàng. Năm 1985, Chính quyền huyện Chư Ký tỉnh Chiết Giang đã quyết định xây dựng Điện Tây Thi theo lối kiến trúc Giang Nam, đồng thời cho duy tu, bảo quản một số di chỉ được cho là gắn với cuộc đời Tây Thi trước khi nhập cung như Bãi giặt lụa, cổng làng Trữ La, suối Tây Thi, Tây Thi môn, đồi Phạm Lãi, cho đúc tượng Tây Thi (tại làng Trữ La, Điện Tây Thi và tại ga xe lửa Chư Ký v.v.). Ngoài ra, tại Tô Châu (địa điểm Cô Tô Đài trong lịch sử) thì cho xây dựng cung Quán Nga để tưởng niệm Tây Thi và Trịnh Đán [Trần Khản Chương, Hà Đức Khang 1991: 32].

3. Tây Thi hoặc giả là một nhân vật lịch sử hay một hình tượng hư cấu, cho đến nay vẫn chưa có lời đáp. Các sách Việt Tuyệt Thư, Ngô Việt Xuân Thu,… đều có những ghi chép, hoặc sơ lược hoặc tỉ mỉ, về nàng Tây Thi, song nếu tra cứu các sách cổ hơn nữa thì hầu như không có bất kì chi tiết nào về người đẹp Tây Thi trong lịch sử Ngô, Việt được ghi chép. Bạch Diệu Thiên [1986] là một trong những tác giả tiêu biểu cho xu hướng này. Ông chịu khó tra cứu cổ tịch các thời kì từ Xuân Thu – Chiến Quốc đến sau đời Hán để kiểm chứng thử thực hư về các chi tiết liên quan đến nàng Tây Thi. Theo kết quả khảo cứu của ông, nhân vật Tây Thi hoàn toàn không có trong các điển tịch thời tiền Hán.

Theo ghi nhận của lịch sử, câu chuyện Việt vương Câu Tiễn và Ngô vương Phù Sai dấy binh đánh nhau vào thế kỷ thứ V trCN, ứng với thời kì cuối Xuân Thu, đầu Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Song, thời kì bấy giờ rất ít có các điển tịch ghi chép các dữ kiện lịch sử đương thời, và nếu có, các điển tịch ấy cũng chỉ tập trung ở phạm vi vùng Trung Nguyên phương Bắc mà thôi. Do vậy, các chi tiết về cuộc chiến Ngô – Việt, về người đẹp Tây Thi chỉ xuất hiện trong các thư tịch xuất hiện hàng trăm năm sau đó.

Các sử tịch được công nhận rộng rãi xuất hiện từ các thời kì Xuân Thu, Chiến Quốc, Tây Hán đều tuyệt nhiên không có ghi chép về Tây Thi. Cuốn Xuân Thu ghi lại lịch sử trong vùng từ đời Lỗ Ẩn Công (722 trCN) đến đời Lỗ Ai Công (481 trCN) không ghi lại chuyện Việt diệt Ngô, tuyệt nhiên không có chi tiết về Tây Thi. Cuốn Tả Truyện chuyên ghi chép lịch sử của các nước xung quanh từ năm 722 trCN đến 476 trCN, có nói về cuộc chiến Ngô – Việt, nói về các nhân vật Hạp Lư (cha của Phù Sai), Phù Sai, Câu Tiễn nhưng không có Tây Thi. Nếu cho các cuốn chính sử này ghi lại những sự việc trong đại nên không có chỗ cho nữ nhi là không đúng, vì có đến hơn 100 người phụ nữ được ghi chép: có người là phu nhân cái thế, có người là nô tỳ thấp bé, chuyện nhỏ chuyện to, nhưng không hề nói về Tây Thi. Bộ sách Quốc Ngữ chuyện ghi lại lịch sử cụ thể của từng nước từ thời Tây Chu Mục Vương (990 trCN đến đời Đông Chu Định Vương (453 trCN), trong đó có 3 quyển nói về Ngô, Việt cũng không nói tới đến Tây Thi. Cuốn Việt Ngữ có 2 chương Thượng, Hạ có nói đến việc Văn Chủng dẫn đoàn người sang cống nộp Phù Sai (làm nô lệ, thê thiếp) nhưng hoàn toàn không có ai tên là Tây Thi cả. Về sau, Tư Mã Thiên trong Sử Ký phần Việt Thế Gia – Sở Ẩncó ghi sự kiện Phù Sai bắt buộc giao nộp mỹ nữ, song không có các chi tiết cụ thể là mấy người và càng không có tên Tây Thi. Phần Việt Thế Gia dùng đến ¼ dung lượng toàn phần để nói về cuộc chiến tranh Ngô – Việt, miêu tả tỉ mỉ đến từng nhân vật, có cả sự kiện Phạm Lãi từ quan, sau về đất Đào đi buôn thành cự phú Đào Chu Công nhưng không nói đến Tây Thi [Bạch Diệu Thiên 1986: 61].

Một số điển tịch từ trung kì, mạt kì thời Chiến Quốc đến Tây Hán có ghi chép về mỹ nữ Tây Thi nhưng rất mơ hồ, và nhất là không có sự liên kết giữa Tây Thi với hai nhân vật lịch sử là Phù Sai và Câu Tiễn.

Đầu tiên phải kể đến cuốn Quản Tử. Cuốn này do Quản Trọng – chính trị gia nước Tề thời Xuân Thu – viết. Theo lịch sử, Tề Hằng Công lập Quản Trọng vào năm 685 trCN, nghĩa là sớm hơn thời kì Câu Tiễn phục quốc (473trCN) đến 212 năm. Do vậy, chi tiết về Tây Thi trong sách Quản Trọng chỉ có thể giải thích theo hai hướng sau: (1) Tây Thi là một người phụ nữ đã từng xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, ít nhất trước thời chiến tranh Ngô – Việt 200 năm; (2) hoặc gia là hình tượng do một số người có học ghi chép thêm vào thời mạt kì Chiến Quốc. Có thể hướng thứ hai là có cơ sở.

Kế đến là cuốn Thân Sĩ được xếp vào bộ Mặc Tử có viết “Tỷ Can chết là biểu hiện của sự kháng cự quyền uy, Mạnh Bôn tự sát là dũng khí, Tây Thi trầm mình là biểu trưng cái đẹp, …”. Các cuốn Mạnh Tử (thiên Ly Lâu Hạ),Trang Tử (thiên Tề Vật Luận), Thận Tử (thiên Uy Đức), Thuyết Uyển (thiên Tôn Hiền), Tuân Tử (thiên Chính Luận),Chiến Quốc Sách (thiên Tề Sách Tứ) có ít nhiều chi tiết về Tây Thi và một mỹ nữ khác tên là Mao Tường. Nhìn chung các cuốn này miêu tả Tây Thi, Mao Tường như những mẫu hình mỹ nữ kinh điển trong tâm thức người dân thời trung, mạt kì Chiến Quốc về sau. Họ không có gì nổi trội hơn các mỹ nữ khác, mãi đến thời Ngụy Tấn mới có một số tác giả như Triệu Kì, Cao Dụ, v.v. chú thích thêm rằng Tây Thi là “Việt nữ”. Thậm chí Tư Mã Bưu còn xác định Tây Thi chính là nàng Hạ Cơ trong lịch sử nước Sở.

Các thư tịch ghi chi tiết “Tây Thi là mỹ nhân Việt quốc được Câu Tiễn cống nạp cho Phù Sai” sớm nhất chỉ xuất hiện từ thời Đông Hán, nghĩa là cách thời kì Việt diệt Ngô đến hơn 500 năm về sau. Đầu tiên là cuốn Ngô Việt Xuân Thu, thiên Câu Tiễn Quy Quốc Ngoại Truyện có chi tiết Câu Tiễn hỏi Đại phu Chủng (Văn Chủng) về cách phục thù, Đại phu Chủng bày ra “cửu pháp” (9 cách), trong đó có cách thứ 4 là dùng “mỹ nhân kế”. Biết Phù Sai là người háo sắc, Câu Tiễn chủ trương cho người đi tìm người đẹp, và từ núi Trữ La người ta phát hiện ra nàng Tây Thi tuyệt sắc, mang về cung rèn luyện và sau ba năm cốp nạp Ngô vương. Tác giả cuốn Ngô Việt Xuân Thu là Triệu Diệp, người gốc Vu Việt ở Cối Kê (nay là thành phố Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), được cho là áp dụng phong cách văn chương bóng bẩy khi viết cuốn Ngô Việt Xuân Thu. Hơn nữa, Triêu Diệp chủ yếu dựa vào nội dung các thư tịch xuất hiện khá muộn về sau như Sử Ký v.v. và nguồn sử tích dân gian truyền miệng nên rất có thể ông đã “tự vẽ rồng” rồi “điểm nhãn” cho nhân vật Tây Thi [Bạch Diệu Thiên 1986: 62].

Một số chi tiết của câu chuyện Câu Tiễn cống nạp Tây Thi cho Phù Sai trong các sách đời sau cũng không hoàn toàn trùng khớp với lịch sử. Chẳng hạn, cuốn Hàn Thi Ngoại Truyện viết “Tử Tư chết ba năm sau Việt tấn công Ngô”. Đối chiếu lịch sử, Việt tấn công Ngô năm 482 trCN, vậy Tử Tư chết năm 485 trCN. Trong khi các sách này ghi chép Câu Tiễn cống nạp Tây Thi năm 483 trCN (tức 2 năm sau khi Tử Tư chết), vậy sẽ không thể tồn tại chi tiết Ngũ Tử Tư cự tuyệt chuyện Phù Sai thâu nạp Tây Thi, Trịnh Đán.

Sau Ngô Việt Xuân Thu là cuốn Việt Tuyệt Thư, ghi chép nhiều sử liệu từ thời chiến tranh Ngô Việt ở phương Nam, qua các thời Tần, Tây Hán đến thời vua Kiến Vũ thời Đông Hán (năm 42 sau CN). Quyển này được một số nhà nho đời sau như Dương Thận, Hồ Đãi, Điền Nghệ Hoành căn cứ vào lời kết của tác phẩm kết luận là do hai tác giả người Việt ở Cối Kê là Viên Khang viết và Ngô Bình hiệu định. Mặc nhiên, trong sách có một số âm Việt ngữ (Vu Việt), về sau được dịch lại khi đối chiếu với ngôn ngữ của các nhóm tộc người Choang, Đồng vốn là hậu duệ Bách Việt xa xưa.

Thời Tây Hán ở Trung Hoa, Hán Vũ Đế ra lệnh thu thập thư tịch trong dân gian, số sách thu được vô cùng phong phú. Hán Vũ Đế giao cho Lưu Hướng chỉnh lý và viết thành bộ Thuyết Uyển. Trong Thuyết Uyển cũng không có ghi chép về sự kiện Câu Tiễn âm mưu cống nạp Tây Thi cho Phù Sai [Bạch Diệu Thiên 1986: 63].

Từ các phân tích trên đây cho thấy, mãi 500 năm sau thời kì chiến tranh Ngô – Việt thì hình ảnh người đẹp Tây Thi và câu chuyện vì nước quên mình của nàng mới thực sự định hình dưới ngòi bút của các tác giả thời Đông Hán như Triệu Diệp, Viên Khang v.v.. Tác giả này giải thích rằng sở dĩ các văn nhân người Việt ở Cối Kê thời Đông Hán “hư cấu” nên hình tượng Tây Thi là do vì các thiếu nữ Việt thời bấy giờ được người Hoa Hạ trước và người Hán về sau cho là “đẹp lạ”. Tác giả Bạch Diệu Thiên dẫn kết quả các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Bách Việt của các học giả trứ danh như Từ Tùng Thạch, La Hương Lâm, Lâm Huệ Tường, v.v. đầu thế kỷ XX để giải thích rằng yếu tố “đẹp lạ” này xuất phát từ sự khác nhau về chủng tộc, nòi giống: người dân các nước Sở, Ngô, Việt đa phần thuộc chủng Bách Việt phương nam, vóc người nhỏ, mặt gầy, mắt hai mí to và tròn, dáng người thon thả, trong khi các cư dân Hoàng Hà có tổ tiên là người Hoa Hạ thuộc đại chủng Mongoloid phương Bắc: thân cao, to, mắt một mí xếch v.v.. Giữa xung quanh người phương Bắc có sự hiện diện của mỹ nữ phương nam thì vẻ đẹp ấy trở nên “đẹp lạ”. Thêm vào đó, tác giả dẫn một số từ Việt ngữ cổ gần âm với tên gọi Tây Thi để “kết nối” với nhau, khẳng định rằng không có một nhân vật lịch sử nào tên là Tây Thi cả, mà đó chỉ là một hình mẫu chung về người đẹp phương nam, và rằng từ “Tây Thi” có nghĩa phổ biến là “đẹp”, “xinh”, “con gái” v.v.. [Bạch Diệu Thiên 1986: 64].

4. Theo chúng tôi, việc Tây Thi là một nhân vật lịch sử hay một nhân vật hư cấu với cơ sở tên gọi “Tây Thi” nghĩa là “đẹp”, “xinh” đều không quan trọng, do vậy việc truy tìm nguồn gốc thật của câu chuyên người đẹp Tây Thi trong dân gian hay trong các điển tích chỉ mang tính “trà dư tửu hậu” mà thôi. Hoặc giả Tây Thi là người thật và câu chuyện Câu Tiễn cống nàng sang Ngô quốc là thật, hoặc giả nàng là một mẫu hình phụ nữ Việt xinh đẹp, thông minh, yêu nước được hư cấu – điều quan trọng là hình ảnh Tây Thi nói lên điều gì, và vì sau hậu thế luôn nhớ tới nàng, gắn nàng với điển tích Câu Tiễn diệt Phù Sai.

Thứ nhất, hậu thế nhắc đến Tây Thi như là một trong “tứ đại mỹ nhân”, gồm Muội Hỷ thời vua Kiệt, Đắc Kỷ thời vua Trụ, Bao Tự thời vua U Vương, và Tây Thi. Dù vậy, hầu như không ai so sánh Tây Thi với “tam đại mỹ nhân” làm nghiêng thành đổ nước kia. Trong mắt mọi người, nàng là “nạn nhân” của thời cuộc, của chính trường do nam giới thao túng. Ngô Phù Sai mất nước là do vị vua này tự chuốc lấy mầm họa. Tây Thi chỉ là “vật hy sinh”, là một công dân yêu nước, sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì quốc gia đại sự, là một “hồng nhan bạc phận” trong tâm thức dân gian.

Thứ hai, trong câu chuyện về nàng Tây Thi có sự tranh chấp giữa hai truyền thống Bắc – Nam. Mô-típ nàng Tây Thi bị hoàng hậu Việt quốc (vợ Câu Tiễn) dìm chết dưới sông trong một số điển tịch chính thức có từ thời Đông Hán về sau thể hiện một nguyên lý phương Bắc: “họa diệt quốc thì để lại làm gì?”. Trong lịch sử phương Bắc, Muội Hỷ, Đắc Kỷ, Bao Tự đều trả giá cho họa diệt quốc của mình, do vậy Tây Thi không ngoại lệ. Đó là cái lý của tư tưởng chính trị cứng rắn phương Bắc.

Khác với các tác giả chính sử, các tác giả người Vu Việt đời sau như Triệu Diệp, Viên Khang v.v. tạo ra một kết thúc “có hậu” dành cho Tây Thi: “cùng Phạm Lãi du ngoạn Ngũ Hồ”, và “sau đến đất Đào làm nghề thương buôn” như thanh minh một điều rằng: Tây Thi không là “họa diệt quốc”, như nhà thơ La Ẩn bênh vực nàng khi viết:

“Gia quốc hưng vong tự hữu thời                       (Đất nước hưng vong tự có thời

Ngô nhân hà khổ oán Tây Thi                 Ngô nhân hà tất trách Tây Thi

Tây Thi nhược giải khuynh Ngô quốc     Nếu bởi Tây Thi, Ngô quốc tận

Việt quốc vong lai hựu thị thùy?”                        Vu Việt tàn vong, hỏi tại ai?)

Thứ ba, câu chuyện nàng Tây Thi quên mình vì nước Việt còn hơn cả một giai thoại, nó là một bản án tố cáo tình trạng “nam tôn nữ ti” của xã hội nam quyền trong lịch sử phương Đông. Trong bối cảnh lịch sử ấy, người phụ nữ không có vị trí của mình, họ có thể trở thành “vật trao đổi”, “vật hy sinh”, hay  “để Đại vương ngự dụng” hoặc “để Đại vương dùng làm nô tỳ quyét rác” (lời của Phạm Lãi khi dâng Tây Thi cho Ngô Phù Sai). Tây Thi có thể là một nhân vật hư cấu, song giá trị mà nàng để lại là rất lớn, nó phê phán xã hội phong kiến mưu cầu tham vọng bá quyền của tầng lớp thống trị nam giới từ trên thân phận phụ nữ.

Thứ tư, câu chuyện nàng Tây Thi còn thể hiện những ghi nhận đáng kể của người phương Bắc về nhan sắc, tài trí của người phụ nữ phương Nam cũng như vai trò của họ trong xã hội. Trong phần giới thiệu kết quả khảo cứu của tác giả Bạch Diệu Thiên, “Tây Thi” có thể có nghĩa chung chung là chỉ sắc đẹp thiếu nữ người Việt phương Nam. Trong trường kì lịch sử Trung Hoa, nàng Tây Thi phương Nam có một chỗ đứng khá ngưỡng vọng: một trong tứ đại mỹ nhân – một ghi nhận về sự có mặt và sắc đẹp phương Nam của người phương Bắc.

Thứ năm, đó là một bài học cho nam giới về sắc dục và tâm lý “ngủ quên trong chiến thắng”. Dù muốn dù không, hình ảnh Phù Sai mất nước luôn là một bài học sinh động cho các chính khách nam giới kim cổ. Không phải ngẫu nhiên mà Ngũ Tử Tư nói “ngũ sắc làm mắt ta mờ, ngũ thanh làm tai ta điếc” khi khuyên giải Phù Sai. Trong lịch sử phương Đông có không ít câu chuyện sắc đẹp làm “khuynh thành đổ nước”, mỗi câu chuyện là một bài học về sắc dục. Bên cạnh đó, những khuynh hướng hưởng thụ sau một giai đoạn khó khăn của lịch sử hay thái độ tự mãn sau một chiến công lớn sẽ là tai họa cho tương lai. Phù Sai là con người như vậy, Phù Sai phải trả giá cho thái độ tự mãn của mình. Bài học quý giá ấy được người đời đúc kết trong quan niệm về sự chuyển hóa âm dương của đạo trời: “vật cực tắc phản”.

0