18/06/2018, 15:25

Thể chế chính trị ở việt nam thế kỷ XI – XIII dưới thời Lý

PGS.TS Trần Thị Vinh Vương triều Lý được thiết lập vào năm 1009, ngay sau thế kỷ bản lề (thế kỷ X) – giành và giữ chính quyền từ tay phong kiến ngoại bang của dân tộc Việt Nam. Từ khi thoát khỏi ách thống trị của phong kiến ngoại bang, nhà nước quân chủ dân tộc Việt Nam bắt đầu ...

dai viet thoi ly

PGS.TS Trần Thị Vinh

Vương triều Lý được thiết lập vào năm 1009, ngay sau thế kỷ bản lề (thế kỷ X) – giành và giữ chính quyền từ tay phong kiến ngoại bang của dân tộc Việt Nam. Từ khi thoát khỏi ách thống trị của phong kiến ngoại bang, nhà nước quân chủ dân tộc Việt Nam bắt đầu được xác lập. Trải qua các triều Ngô – Đinh – Tiền Lê, Nhà nước quân chủ dân tộc đã dần dần được kiện toàn, nhưng vừa ra đời sau đêm trường phụ thuộc, nhà nước thời kỳ này hãy còn non trẻ, chưa hoàn thiện về mặt thiết chế, phải đợi đến những thế kỷ sau, bắt đầu từ thời Lý trở đi mới có điều kiện phát triển và hoàn thiện hơn với những thể chế của nó.

Lúc lên ngôi vua tại kinh thành Hoa Lư, tiếp quản cơ đồ của nhà Tiền Lê, trong buổi ban đầu vua Lý Thái Tổ vẫn giữ nguyên thể chế chính chính trị cũ. Sau khi chuyển triều đình từ Hoa Lư ra Thăng Long, các vua nhà Lý mới bắt đầu củng cố và xây dựng một chế độ chính trị riêng của nhà Lý cho phù hợp với chính thể đương thời. Thể chế chính trị của nhà Lý được hoàn thiện trong các thế kỷ XI – XIII (từ 1010 – 1225) là một chế độ chính trị ổn định và thống nhất, trên có vua, dưới vua là hệ thống chính quyền nhà nước thống nhất từ trung ương tới địa phương. Điều hành hệ thống chính quyền nhà nước thống nhất của nhà Lý là đội ngũ quan chức đông đảo được tuyển chọn bằng nhiều hình thức khác nhau. Để bảo vệ vững chắc nhà nước quân chủ thống nhất và quốc gia Đại Việt non trẻ, nhà Lý đã xây dựng một lực lượng quốc phòng vững mạnh và một nền pháp chế phù hợp. Thể chế chính trị của nhà Lý được cụ thể hóa bằng những mặt sau đây :

1. Cách tổ chức các cơ quan thuộc nền hành chính quốc gia

Nền hành chính quốc gia thời Lý, do Lý Thái Tổ là người đầu tiên xây dựng, đặt nền tảng cho sự phát triển về sau là một nền hành chính theo chế độ quân chủ tập trung quan liêu với hệ thống chính trị thống nhất từ trung ương tới địa phương được tập trung quyền hành vào trong tay triều đình, đứng đầu là vua.

Các cơ quan thuộc nền hành chính Trung ương :

Bắt đầu từ thời Lý, các cơ quan thuộc nền hành chính trung ương (hay còn gọi là Tổ chức chính quyền Trung ương) đã được kiện toàn và hoàn thiện hơn so với thời Đinh và Tiền Lê trước đó, gồm ba bộ phận chủ yếu là:Những văn thư phòng giúp việc bên cạnh vua, Các cơ quan đầu não tại triều đình và Các cơ quan chuyên môn.

– Những văn thư phòng giúp việc bên cạnh vua, vào thời Lý đặt chưa đầy đủ như ở thời Trần và thời Lê sơ sau đó. Từ thời Trần và đặc biệt là thời Lê Sơ về sau, những văn thư phòng giúp việc cho vua bao gồm đủ cả ba bộ phận, đó là: các Sảnh ( hay còn gọi là các Tỉnh như Thượng thư tỉnh, Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh, Hoàng môn tỉnh và Nội thị tỉnh); Hàn lâm viện và Bí thư giám. Nhưng dưới thời Lý, Bí thư giám chưa được đặt nên chỉ mới có hai văn phòng bên cạnh vua và giúp việc cho vua là Sảnh và Hàn lâm viện.

Sảnh (gồm có Thượng thư sảnh và Trung thư sảnh), không rõ được đặt ra như thế nào và vào lúc nào dưới thời Lý. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí thì “đến đời vua Lý Thần Tông (1128 – 1138) có đặt chức Viên ngoại lang ở Thượng thư sảnh, dự bàn chính sự, danh vị cũng trọng. Quan trong, quan ngoài thường gia thêm chức ấy, như Nội thị là Lý Công Tín, Hàn Quốc Bảo đều gia chức Viên ngoại lang”1. Sách Đại việt sử ký toàn thưcũng ghi, vào tháng giêng, năm Mậu Thân (1128), sau khi Lý Thần Tông lên ngôi đã phong Đào Thuấn làmTrung thư sảnh viên ngoại lang hành tây thượng cáp môn sứ, Lý Bảo Thần làm Thượng thư sảnh viên ngoại lang hành đông thượng cáp môn sứ và một loạt người như Phạm Thưởng, Đỗ Lục, Khổng Nguyên, Phạm Bảo, Kim Cát, Lý Khái, Đào Lão, Nguyễn Hoàn làm Viên ngoại lang Thượng thư sảnh2. Như vậy, vào thời Lý đã có cơ quan là Sảnh, nên mới có việc đặt các chức quan của Thượng thư sảnh và Trung thư sảnh như sử sách vừa ghi.

Hàn lâm viện được lập ra đầu tiên ở nước ta bắt đầu từ thời Lý, dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) và đứng đầu Hàn lâm viện là chức quan Hàn lâm học sĩ. Sách Đại việt sử ký toàn thư ghi, vào mùa thu, tháng 8, năm Bính Dần (1086), triều đình đã tổ chức thi những người có văn học trong nước, sung vào làm quan ở Hàn lâm viện. Mạc Hiển Tích trúng tuyển, được bổ vào làm Hàn lâm học sĩ3. Sách Lịch triều hiến chương loại chícũng ghi, “đời Lý đã đặt Hàn lâm viện và đặt chức Học sĩ (trong đời NhânTông Mạc Hiển Tích làm Hàn Lâm học sĩ)”4. Hàn lâm viện có nhiệm vụ trông coi việc soạn thảo những chế, cáo và chiếu biểu của vua. Chức Hàn lâm học sĩ, đến các thời Trần và Lê Sơ còn gọi là Hàn lâm phụng chỉ và Hàn lâm học sĩ phụng chỉ, là chức vụ rất trọng, thường dùng Thái sư, Mật viện kiêm nhiệm. Công việc của quan Hàn lâm phụng chỉ là soạn đặt tờ chiếu thay vua5.

– Các cơ quan đầu não tại triều đình

Cùng với việc đặt các cơ quan đầu não tại triều đình, nhà Lý đã đặt ra những chức quan đứng đầu triều. Những chức quan đứng đầu triều đều là những quan lại được vua uỷ nhiệm trực tiếp điều khiển toàn bộ nền cai trị trong nước. Đó là Tể tướng và Á tướng.

Chức vụ Tể tướng từ thời Đinh trở về trước gọi là gì không rõ, đến thời Tiền Lê, Lê Đại Hành mới đặt ra chức Tổng quản coi việc quân dân, tóm giữ việc nước, tức là công việc của Tể tướng6. Bắt đầu từ thời Lý, khi mới dựng nước, vua Lý Thái Tổ đã cho Trần Cảo làm tướng công7 tức giữ chức Tể tướng. Đến đời vua Lý Thái Tông “dùng chức Phụ quốc Thái uý giữ chính sự, chức nhiệm cầm cân, tức là Tể tướng”8. Tiếp đến đời Lý Nhân Tông lại thêm vào mấy chữ “Kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự”, xem ra chức vụ càng trọng. Có người làm chức vụ này lại mang danh chức trong hàng Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo) và Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo). Vào thời Lý đã có những ng-ười từng giữ chức vụ Tể tướng với nhiều danh vọng như: Lý Thường Kiệt làm Thái phó phụ quốc thượng tướng quân9 dưới triều vua Lý Thánh Tông; Lý Đạo Thành làm Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự10 dưới triều vua Lý Nhân Tông; Tô Hiến Thành giữ chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự11 dưới triều vua Lý Anh Tông và sau đó có Thái sư Đỗ An Di cũng kiêm chức Đồng bình chương sự12 ở triều Lý Anh Tông…

Á tướng là chức vụ của viên quan đứng sau Tể tướng và đứng ở vị trí thứ hai tại triều đình. Vào thời Lý, chức Á tướng là Tả, Hữu tham tri chính sự. Á tướng có nhiệm vụ giúp Tể tướng điều khiển mọi việc trong nước, còn gọi là Phó tướng. Vào thời kỳ này, nhà Lý còn cho đặt thêm chức Hành khiển cũng là chức đứng sau Tể tướng và chuyên lấy trung quan (hoạn quan) để đảm đương chức vụ ấy, rồi gia thêm danh hiệu là “Nhập nội hành khiển Đồng trung thư môn hạ bình chương sự”13. Theo ghi chép trong sách Lịch triều hiến chương loại chí thì chức hàm này “rất trọng vì đó là chức quan giữ then chốt về chính sự”14.

Dưới Tể tướng và Á tướng – hai chức quan đứng đầu và đứng thứ hai trong triều, là các cơ quan chính yếu như:Khu mật viện và các Bộ.

Khu mật viện được lập ra từ thời Lý. Đứng đầu Khu mật viện là hai chức quan Tả sứ và Hữu sứ15 trông coi việc binh. Làm việc trong Khu mật viện đều là những quan thân cận nhà vua và chỉ bàn tới các việc cơ mật trong triều. Dưới triều vua Lý Thái Tổ có Ngô Đinh được làm Khu mật sứ16. Sang thời Lý Thái Tông thì có Lý Đạo Kỷ làm Tả khu mật và Xung Tân làm Hữu khu mật17. Những người này đều là công thần thân cận được vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ban chức tước ngay từ sau khi nhà vua lên ngôi.

Các Bộ, vào thời Lý nói chung chưa thấy có sự phân định rõ ràng. Tuy vậy, ở thời kỳ này, chức Thượng thư đứng đầu bộ đã bắt đầu được đặt, ví dụ dưới triều vua Lý Nhân Tông, Mạc Hiển Tích, Đoàn Văn Khâm, Nguyễn Công Bật vv…đều được giữ chức Thượng thư. Phan Huy chú viết trong Lịch triều hiến chương loại chí rằng: “Chức Thượng thư đặt ra bắt đầu từ thời Lý, nhưng tên các bộ chia đặt thế nào chưa rõ”18. Chức Thị lang cũng đã được đặt ở thời kỳ này. Sách Lịch triều hiến chương loại chí ghi, năm 1118 “đặt chức bộ Thị lang”19. Biên niên sử thì chưa ghi đầy đủ tên các Bộ của thời Lý mà chỉ thấy nhắc đến tên của hai Bộ, là Bộ Lễ và Bộ Hộ qua hai sự kiện ghi vào năm Mậu Tuất (1118), Tả thị lang Bộ Hộ là Lý Tú Uyên chết20 và năm Giáp Thìn (1124), Nội thường thị là Lê Bá Ngọc làm Thị lang Bộ Lễ21. Điều này cũng được Phan Huy Chú nhấn mạnh là “Đời Lý buổi đầu đặt quan, đã có những chức Trung thư thị lang, Bộ thị lang, nhưng các bộ không đặt đủ”22. Có lẽ do sự ghi chép không đầy đủ trong chính sử nên sự hiểu biết về các Bộ của thời Lý từ trước tới nay cũng chưa được đầy đủ. Nhưng theo nguồn tài liệu văn bia của thời Lý đã đư-ợc dịch và công bố trong tập Thơ văn Lý – Trần, xuất bản năm 1977, thì vào thời Lý đã có đầy đủ các bộ, nhất là từ triều vua thứ tư của nhà Lý là Lý Nhân Tông (1072 – 1127) trở đi. Theo lời chú cuối cùng của Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa núi Long Đội (thuộc xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) dựng vào ngày 6 tháng 7, niên hiệu Thiên Phù Duệ vũ thứ hai (1121) cho biết, người được vâng sắc chỉ của vua Lý Nhân Tông để soạn bài văn của bia này là Nguyễn Công Bật, đang giữ chức Triều liệt, Hình bộ Thượng thư, Binh Bộ Viên ngoại lang đồng tri phiên công viện chư sự và người viết chữ bài văn bia là Lý Bảo Cung, đang giữ chức Hữu thị lang, Thượng thư, Công Bộ Viên ngoại lang đồng tri thẩm hình viện sự, thượng kinh xa đô uý, tử kim ngư23. Dưới triều vua Lý Nhân Tông còn có Trần Văn Khâm cũng từng giữ chức Thượng thư Bộ Công24, Phùng Giáng Tường giữ chức Thượng thư Bộ Binh25. Hoặc Từ Anh Nhĩ từng giữ chức Thượng thư Bộ Lại dưới triều vua Lý Cao Tông (1176 – 1210)26. Trong Văn bia về Thái uý Lý công27nước Đại Việt (Cự Việt quốc Thái uý Lý công thạch bi minh tự ) khi nói về công trạng của Thái uý có đoạn ghi: “Năm Đinh Mùi đời vua Thần Tông (1127), Thái uý được truyền vào chầu ở nơi nội cấm, chức vị bao trùm cảsáu bộ thượng thư28Như vậy, theo ghi chép trong chính sử cộng với những ghi chép trong văn bia Lý – Trần thì vào thời Lý đã có đủ sáu Bộ, đó là các bộ: Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình và Công.

– Các cơ quan chuyên môn

Để giúp việc cho các cơ quan đầu não tại triều đình, các vua nhà Lý cũng như các vua nhà Trần và nhà Lê sau đó đều đặt ra các cơ quan chuyên môn, gồm: Quốc sử viện, Thái chúc viện, Quốc tử giám, Các cơ quan coi về hình án (Đình uý ty, Ngũ hình viện), Ngự tiền tam cuộc (Cận thị, Chi hậu và Học sĩ – trông coi về việc binh của nhà vua)… Nhưng, vào thời Lý chưa đặt đầy đủ các cơ quan chuyên môn này. Cơ quan chuyên môn đầu tiên được đặt vào thời Lý là Quốc Tử giám. Quốc Tử giám là cơ quan có nhiệm vụ trông coi về việc giáo dục trong nước.

Quốc Tử giám được lập bắt đầu từ thời Lý, vào năm 1076, dưới triều vua Lý Thánh Tông, nhưng tên các chức quan của cơ quan này chưa rõ như thế nào. Sang thời Trần mới thấy sử ghi về việc đặt chức Tư nghiệp Quốc tử giám (Chu Văn An làm chức này), thời Lê Sơ đặt rất nhiều tên như các chức Tế tửu, Trực giảng, Bác sĩ, Giáo thụ, Ngũ kinh bác sĩ… Sách Đại việt sử ký toàn thư ghi về việc lập Quốc tử giám vào thời Lý như sau: vào “mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối29, vẽ Thất thập nhị hiền30 bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử đến học ở đây”31.

CÁC CƠ QUAN THUỘC NỀN HÀNH CHÍNH TRUNG ƯƠNG

 

Nhìn vào sơ đồ tổ chức các cơ quan thuộc nền hành chính Trung ương của thời Lý dễ nhận thấy, vào thời kỳ này so với những thời kỳ sau đó, bộ máy chính quyền Trung ương của thời Lý tuy chưa được hoàn thiện và chưa đặt đầy đủ các cơ quan, song đã có sự kiện toàn đáng kể so với những thời kỳ trước. Đó là những cố gắng rất lớn của nhà Lý trong buổi đầu dựng nghiệp.

Các cấp hành chính ở địa phương

Ngay trong năm 1010, khi đã ổn định một số công việc lớn mang tầm quốc gia như dời chuyển kinh đô, kiến lập kinh thành, kiện toàn bộ máy bộ máy chính quyền ở cấp Trung ương, vua Lý Thái Tổ cũng đã tiến hành xây dựng bộ máy hành chính các cấp cơ sở, làm nền tảng vững chắc cho toàn bộ hệ thống chính quyền nhà nước.

Công việc đầu tiên mà nhà vua tiến hành là cho chia lại các khu vực hành chính trong nước. Đơn vị hành chính đứng đầu cấp chính quyền địa phương thời Lý gọi là phủ, Lộ. Ngay từ khi vừa dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho đổi châu Cổ pháp, quê hương của nhà Lý làm phủ Thiên Đức, đổi vùng kinh thành Hoa Lư cũ của nhà Đinh – Tiền Lê thành phủ Trường Yên32. Đến cuối năm đó (tháng 12 năm 1010), nhà vua bắt đầu cho đổi 10 Đạo có từ thời Đinh và Tiền Lê làm 24 Lộ. Vùng núi thì gọi là châu hay trại. Một số nơi ở xa kinh đô cũng gọi là trại, như việc cho đổi châu Hoan, châu Ái làm trại33. Năm 1014, lại cho đổi phủ Ứng Thiên (Ứng Hoà, Hà Nội ngày nay) thành Nam Kinh34. Năm 1023, đổi trấn Triều Dương( thuộc Quảng Ninh ngày nay) thành châu Vĩnh An35. Năm 1036, đổi châu Hoan thành Nghệ An châu trại36. Sau lại đổi châu Ái thành phủ Thanh Hoá.

Như vậy, ta có thể hình dung được toàn bộ cấp hành chính địa phương của thời Lý theo một hệ thống từ trên xuống dưới như sau :

Trên là cấp phủ, lộ (ở đồng bằng) và châu hay trại (ở vùng xa kinh đô hoặc miền núi). Dưới phủ, lộ, châu là cấphuyện hoặc (hương), giáp và cuối cùng là thôn. ở Kinh đô thì nhà Lý đặt ra thành các phường, gồm 61 phường (như phường Thái Hoà, phường Cơ Xá, phường Yên Thái…).

Các đơn vị hành chính vào thời kỳ này, cụ thể ra sao không thấy tài liệu ghi chép đầy đủ. Căn cứ vào một số sách Địa chí viết vào những thế kỷ sau như Dư địa chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) và Đại Nam nhất thống chícủa Quốc sử quán triều Nguyễn (thế kỷ XIX) chúng ta có thể hình dung được một cách tương đối về vị trí của một số phủ, lộ, châu ở thời kỳ này. Ví dụ: Lộ Hải Thanh, lộ Trường Yên, phủ Lỵ Nhân lúc bấy giờ, nay thuộc vào đất của các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Lộ ứng Thiên là vùng Kinh đô Thăng Long và một phần đất phía nam Hà Nội và một phần đất của tỉnh Hà Tây ngày nay. Lộ Bắc Giang là thuộc đất tỉnh Bắc Giang bây giờ. Phủ Thanh Hoá thuộc đất tỉnh Thanh Hoá ngày nay. Châu (hay trại) Nghệ An thì tương ứng với vùng đất tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ.

Nhưng, nhìn chung cách gọi phủ, lộ, châu hay trại ở thời kỳ này vẫn chưa được nhất quán. Có thể do phương thức quản lý khác nhau của từng vùng đất mà nhà Lý đặt ra tên gọi khác nhau. Như những vùng đồng bằng phía bắc thì gọi thống nhất là phủ và lộ. Còn những miền xa kinh đô như Thanh Hoá, Nghệ An thì gọi là châu, có lúc đổi là trại, rồi lại đổi thành châu, thành phủ vv…Lại có những nơi ở vùng núi xa thì không gọi là châu mà gọi làđạo. Ví dụ vùng Tây Bắc (dọc theo sông Đà) lúc bấy giờ lại không gọi là châu mà gọi là đạo Lâm Tây vv.

Mỗi phủ (lộ, châu) được chia ra làm nhiều huyện. Đứng đầu đơn vị hành chính cấp huyện là viên Huyện lệnh. Tên đơn vị hành chính cấp huyện ở thời Lý không được ghi trong chính sử mà chỉ thấy ghi trong tài liệu văn bia. Theo văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh dựng tại chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Thanh Hóa) vào ngày 19 tháng 10 năm Mậu Tuất (1118) cho biết, Chu Công là người được triều đình nhà Lý cử coi giữ trấn Thanh Hóa sau khi Lý Thường Kiệt về triều đình giữ chức Tể tướng lần hai, vào ngày Ất Mùi, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 6 (1115), Chu Công đã “kính vâng chiếu chỉ, tới giữ quận phù, quyền thống lĩnh các việc quân châu của năm huyện và ba nguồn thuộc trấn Thanh Hóa”37. Khi Chu Công cho dựng chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, ông đã sai một viên huyện lệnh trông coi việc này. Văn bia vẫn còn ghi rằng: “Đương khi dân chúng nghỉ ngơi, cấy cày rảnh việc. Ông bèn sai huyện lệnh Lê Chiếu trông coi việc dựng chùa”38. Như vậy, theo nguồn tài liệu này thì vào thời Lý đã có đơn vị hành chính cấp huyện và người đứng đầu cấp huyện là Huyện lệnh. Còn đơn vị hành chính cấp huyện rộng hẹp ra sao thì tài liệu không cho biết chính xác. Ngoài tài liệu văn bia, trong sách Việt điện u linh, Lý Tế Xuyên cũng nhắc tới tên huyện vào thời Lý, qua sự kiện Uy Minh vương Lý Nhật Quang khi giữ chức Tri châu châu Nghệ An, ông đã cho nhân dân khai phá đất đai mở mang được 6 huyện…39 ở kinh đô tương đương với cấp này thì gọi là phường, ở miền núi lại gọi là sách hay động.

Cấp hương dưới thời Lý cụ thể thế nào không thấy sử sách nói rõ, nhưng sử cũ lại nhắc tới tên hương, qua nhiều sự kiện khác nhau. Như những sự kiện sau đây:

– Năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đổ nát đều phải sửa chữa lại40.

– Năm 1027, trong vụ dẹp loạn ba vương giữ ngôi báu cho vua Lý Thái Tông, Lê Phụng Hiểu, một trong những công thần được sử nhắc đến là người hương Băng Sơn ở Ái châu (nay thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hoá). Sau ông còn được nhà vua ban cho lộc điền gọi là ruộng ném đao ở hương Đa Mi41.

– Năm 1068, vua Lý cho đổi hương Thổ Lỗi thành hương Siêu loại vì là nơi sinh của Nguyên phi42.

– Năm 1128, người Chân Lạp vào cướp hương Đỗ Gia ở châu Nghệ An43.

– Năm 1131, người ở hương Thái Bình là Nguyễn Mãi dâng hươu trắng44.

– Đến năm 1198, vào cuối thời Lý biên niên sử vẫn còn ghi tên hương, như “người hương Cao Xá ở châu Diễn là Ngô Công Lý chiêu tập những kẻ vô lại…làm loạn”45. Hoặc sách Việt sử lược khi viết về thời Lý cũng nhắc nhiều đến tên hương, như “trong hương vua ở, có cây gạo bị sét đánh…”46, “con chó ở chùa ứng Thiên hươngCổ Pháp đẻ một con chó trắng…”47.

Đơn vị hành chính cấp hương được đặt ở nước ta từ thời thuộc Đường (năm 662) dưới thời Thứ sử Khâu Hoà. Lúc này hương được chia làm đại hương và tiểu hương. Trong khoảng đời Trinh Nguyên (785 – 805), viên đô hộ Triệu Xương bỏ tên đại, tiểu hương chỉ gọi chung là hương. Đến thời Hàm Thông (860 – 874), Cao Biền chia đặt lại hương thuộc, có tất cả 159 hương48. Khi chính quyền về tay họ Khúc, Khúc Hạo lại cho đổi hương thành giáp. Sách An Nam chí nguyên ghi: “Giữa niên hiệu Khai Bình (907 – 910) nhà Lương, Tiết độ sứ Khúc Hạo lại đổi hương làm giáp, đặt thêm 150 giáp, cộng với số giáp đã có từ trước tất cả là 314 giáp”49.

Qua các triều Ngô, Đinh và Tiền Lê không thấy biên niên sử nhắc đến tên hương, nhưng có lẽ đơn vị hương đã phải có từ trước khi triều Lý thành lập, vì ngay từ đầu triều Lý đã thấy sử ghi tên hương và trong suốt thời Lý cho đến cuối triều Lý vẫn thấy biên niên sử ghi rất nhiều về đơn vị hành chính cấp hương. Vậy, hương phải là một đơn vị hành chính cấp cơ sở vì nó được tồn tại khá phổ biến dưới thời Lý. Hương lúc này qui mô chắc cũng lớn, có lẽ phải lớn hơn tổng và tương đương với huyện sau này. Vì năm 1068, vua Lý cho đổi hương Thổ Lỗi – nơi sinh của Nguyên phi ỷ Lan thành hương Siêu loại, thì sau này hương Siêu Loại lại được đổi làm huyện Siêu Loại. Huyện Siêu loại còn tồn tại cho đến thế kỷ XIX, huyện này có tới 6 tổng và 68 xã thôn50.

Như vậy, hương thời Lý có thể tương đương với cấp huyện hoặc có nơi gọi hương là huyện và có nơi lại gọi huyện là hương do chưa có sự nhất quán về tên gọi các đơn vị hành chính của thời kỳ này như vừa nhắc ở trên.

Về tên gọi hương hay đơn vị hành chính cấp hương ở thời Lý có phải đồng nghĩa với đơn vị giáp hay không, hiện cũng chưa xác định được do chưa có tư liệu để chứng minh. Mặc dù từ đầu thế kỷ X, Khúc Hạo đã cho đổi hương thành giáp, nhưng đến thời Lý hai đơn vị hành chính này vẫn hiện tồn, vừa có hương lại vừa có giáp. Như vậy tên gọi hương lúc này không đồng nghĩa với tên gọi giáp. Do đó hương và giáp phải là hai đơn vị riêng biệt, chứ không phải là một như ở thời kỳ trước. Tuy nhiên, hai cấp hành chính này cụ thể ra sao thì chưa khảo được vì chưa đủ tư liệu.

Giáp ở thời Lý cụ thể như thế nào cũng không thấy sử sách ghi chép đầy đủ nhưng chắc chắn vào thời kỳ này, đơn vị giáp hãy còn tồn tại vì vào thời Khúc – Ngô – Đinh – Tiền Lê, giáp là đơn vị hành chính khá phổ biến. Các chức Quản giáp và Phó quản giáp đã được đặt ra để trông nom công việc của giáp. Đến thời Lý, vẫn còn thấy sử nhắc tới tên giáp, như năm 1029 “Giáp Đãn Nãi ở Ái châu làm phản…vua thân đi đánh giáp Đãn Nãi”51. Vào thời vua Lý Thái Tông, khi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu châu Nghệ An, ông đã cho nhân dân khai phá mở mang xây dựng và phát triển vùng đất này rồi lập hộ tịch, kê khai được 6 huyện, 4 trường, 60giáp52 như vừa nhắc ở trênNhư vậy, đơn vị Giáp cho đến thời Lý vẫn còn hiện tồn khá quen thuộc. Chỉ riêng một châu Nghệ An mới được mở mang thêm mà Lý Nhật Quang đã đặt được 60 giáp như vậy là rất đáng kể.

Đơn vị thôn cũng được nhắc đến vào thời Lý qua sự kiện Lê Phụng Hiểu đi đánh dẹp cuộc tranh giành địa giới của hai thôn Đàm Xá và Cổ Bi53 ở châu Ái.

Tại những đơn vị hành chính các cấp của chính quyền địa phương, nhà Lý cũng đã đặt một hệ thống quan chức để giúp triều đình quản lý công việc ở đây.

Quan lại đứng đầu cấp phủ, lộ thời kỳ này là Tri phủ, Phán phủ 54. Đứng đầu cấp châu là Tri châu, có những châu ở xa (biên giới) nhà Lý đều đặt chức Quan mục, thường dùng những hào trưởng (hay tù trưởng – TG) tại địa phương để giữ những chức đó55. Những châu có địa thế quan yếu như châu Nghệ An, vua Lý đã cử tôn thất nhà Lý đến để trấn trị, như dưới thời vua Lý Thái Tông, triều đình đã cử Uy Minh vương Lý Nhật Quang làm Tri châu56 coi giữ châu đó trong suốt 16 năm. Đối với những miền biên viễn xa triều đình, một mặt nhà Lý đã dùng chính sách Ki mi để ràng buộc và một mặt dùng các tù trưởng người địa phương theo chế độ thế tập để cai quản. Vào thời kỳ này, ở châu Qui Hoá và Chân Đăng có họ Lê, ở châu Lạng có họ Thân, ở châu Vị Long có họ Hà, ở châu Phú Lương có họ Dương, châu Quảng Nguyên có họ Nùng… Chính sách của nhà Lý là cho phép họ thực sự được quản lý vùng đất của mình theo chế độ thế tập nhưng phải thần phục triều đình và phải giữ chế độ cống phú đều đặn.

Ở cấp huyện, như đã nói ở trên là có chức Huyện lệnh. Tại hương không thấy có tài liệu ghi chép, song có lẽ chức quan làm việc tại đây cũng tương đương với chức quan ở cấp huyện. Còn chức quan quản lý cấp giáp có lẽ là Quản giáp và Chủ đô. Những viên quan này kiêm thêm cả nhiệm vụ thu thuế. Vì vào thời Lý, khi triều đình giao cho quan lại đi thu thuế Hoành đầu, nhà nước đã cho phép những viên Quản giáp và Chủ đô được cùng với người đi thu thuế, ngoài 10 phần phải nộp vào nhà nước, họ được lấy một phần, nếu không làm đúng thì bị xử tội. Sách Đại việt sử ký toàn thư ghi :”Nếu Quản giáp, Chủ đô và người thu thuế thông đồng nhau thu quá lệ, tuy xảy ra đã lâu nhưng không có người tố cáo thì Quản giáp, Chủ đô và người thu thuế cũng phải tội như nhau57″. Chính sử còn ghi cả những việc các viên Quản giáp ở các nơi dâng sản vật địa phương lên vua, như vào năm 1130 “Quản giáp nội tác là Chu Thủy dâng cá diếc vàng”và tiếp đó “Quản giáp Phù Thu Liễu là Phi Nguyên dâng chim trắng”58… Những viên Quản giáp và Chủ đô này phải chăng là các chức quan cai quản tại đơn vị hành chính cấp giáp giống như chức Quản giáp dưới thời họ Khúc vậy.

CÁC CẤP HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG

Phủ, Lộ (đồng bằng) – Tri phủ – Phán phủ

Châu Trại, Đạo (miền núi) – Tri châu – Quan mục (miền núi xa)

Hương – Huyện

– Huyện lệnh Phường (ở Kinh đô)

Giáp

– Quản giáp

– Chủ đô

Thôn

Nhìn lại toàn bộ cách thức tổ chức nền hành chính quốc gia thời Lý, chúng ta có thể thấy được bước tiến đáng kể của vương triều Lý trong việc củng cố, xây dựng và kiện toàn hệ thống chính trị trong bối cảnh đất nước ổn định về mọi mặt ở các thế kỷ XI – XII. Đây là đóng góp đáng kể của nhà Lý sau đóng góp to lớn có ý nghĩa lịch sử trọng đại là việc dời chuyển Kinh đô và kiến lập Kinh thành Thăng Long.

Phương thức tuyển dụng quan lại cho bộ máy hành chính quốc gia

Để điều hành bộ máy hành chính quốc gia, nhà Lý đã chú ý ngay tới việc xây dựng một hệ thống quan chức theo phong cách riêng của dòng họ Lý. Để xây dựng được một hệ thống quan chức theo phong cách riêng của dòng họ Lý, các vua nhà Lý một mặt đã tìm cách đẩy nhanh quá trình quí tộc hóa tầng lớp quí tộc dòng họ Lý, một mặt đã sử dụng cất nhắc những công thần khai quốc và cuối cùng là xúc tiến dần dần việc đào tạo đội ngũ quan lại nho sĩ mới, bổ sung vào bộ máy chính quyền Nhà nước. Phương thức tuyển dụng quan lại dưới thời Lý được tiến hành bằng ba con đường chính là Tuyển cử, Nhiệm tử và

Khoa cử.

Tuyển cử: Buổi ban đầu nhà Lý rất coi trọng phương thức tuyển cử để bổ sung thêm đội ngũ quan lại mới, vào giúp việc triều đình. Được dự vào hàng tuyển cử đều thuộc tầng lớp trên, từ những người trong thân tộc và những người có công.

Nhiệm tử: Dùng con cháu các quan được tập ấm cũng là một phương thức lựa chọn để lấy người làm quan. Nhưng đến thời Lý, chế độ nhiệm tử không còn coi trọng như ở thời Đinh – Lê, vì nó không thể đảm bảo chất lượng của đội ngũ quan chức trong tình hình mới. Khi chưa mở được khoa cử để tuyển chọn nhân tài thì nhà Lý vẫn còn có thêm hình thức nộp tiền để trao quan tước.

Nộp tiền: Phương thức này ở thời Lý chưa được thịnh hành. Không thấy sử cũ ghi về mức tiền nộp và mức trao quan tước cụ thể, chỉ biết “Người quyên nộp tiền, bắt đầu bổ làm Lại, nộp lần thứ hai được bổ làm Thừa tín lang, làm việc xứng chức thì bổ làm Tri châu”59. Hình thức chính thống trong phương thức tuyển dụng quan lại cho một chính thể quân chủ phải là khoa cử.

Khoa cử: Tuyển chọn nhân tài qua con đường học vấn bắt đầu có từ thời Lý. Lần đầu tiên trong lịch sử chế độ phong kiến quân chủ Việt Nam, khoa cử được sử cũ nhắc đến vào năm Ất Mão (1075). Nho học bắt đầu được coi trọng và đội ngũ Nho sĩ đỗ đạt bắt đầu được gia nhập vào trong thiết chế Nhà nước. Nhưng vào thời Lý, khoa cử mới bắt đầu, chưa trở thành chế độ thường xuyên, số lượng Nho sĩ đỗ đạt cũng chưa nhiều và khoa cử chưa chiếm vị trí quan trọng trong phương thức tuyển dụng quan lại của thời Lý.

Tuy vậy, chất lượng của đội ngũ quan chức làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước thời Lý khá đảm bảo, vì đội ngũ quan lại thời Lý vừa không được hưởng chế độ lương bổng thường xuyên của triều đình lại vừa phải trải qua một chế độ tuyển chọn tương đối qui củ và chế độ khảo khóa nghiêm ngặt. Nhờ thế, vương triều Lý cũng như thể chế chính trị thời Lý mới có điều kiện tồn tại vững vàng trong hơn hai thế kỷ, góp phần đưa quốc gia Đại Việt thời Lý phát triển lên một bước mới.

2. Cách tổ chức lực lượng quốc phòng thời Lý

Để tăng cường bảo vệ nhà nước quân chủ cũng như bảo vệ quốc gia Đại Việt non trẻ, nhà Lý đã xây dựng được một lực lượng quốc phòng khá hùng hậu, thể hiện ở cách thức tổ chức quân đội của nhà Lý.

Quân đội thời Lý được phiên chế thành hai loại: Quân trong và quân ngoài. Quân trong còn gọi là cấm quân, haycấm binh. Loại quân này luôn đóng ở trong thành và có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành. Quân ngoài là quân ở các phủ, lộ, châu, tức là quân đội ở các địa phương, gọi là lộ quân hay sương quân. Ngoài ra, vào thời kỳ này còn có thêm lực lượng dân binh, tức hương binh ở đồng bằng và thổ binh ở miền núi. Dưới thời Lý, cấm binh tinh nhuệ hơn binh lính ở các phủ, lộ, châu, nhưng khi có chiến tranh thì quân ở các phủ, lộ, châu với số lượng đông đảo lại là lực lượng đóng góp quan trọng.

Tổ chức quân cấm vệ

Ngay từ những năm đầu triều Lý, để chỉnh đốn lực lượng bảo vệ vua và triều đình, vua Lý Thái Tổ đã chú ý ngay tới lực lượng cấm quân, năm 1011 nhà vua đã cho đặt quân Tả Hữu túc xạ (tức quân theo hầu xe vua, gồm 2 đội tả và hữu). Mỗi đội 500 người60.

Năm 1028, khi vừa lên ngôi, vua Lý Thái tông cũng đã tăng cường ngay lực lượng cấm quân để bảo vệ kinh thành. Đặt 10 vệ cấm quân là: Quảng Thánh, Quảng Vũ, Ngự Long, Bổng Nhật và Trừng Hải. Mỗi vệ lại chia ra làm hai Tả, Hữu trực, đi quanh để bảo vệ cấm thành61. Mỗi vệ quân có 200 người, đều có tả hữu và phải túc trực thường xuyên62. Năm 1051, Vua Lý Thái Tông còn cho đặt Tuỳ xa long quân ở trong và ngoài thành63 (tức quân theo xe vua). Tả kiêu vệ tướng quân Trần Nẫm được cử trông coi đội quân này.

Năm 1059, vua Lý Thánh Tông cho định quân hiệu, tên gọi là: Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điện, Bổng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược và Vạn Tiệp. Mỗi loại quân hiệu này đều chia ra làm: tả và hữu. Cấm quân thì đều phải thích lên trán ba chữ Thiên tử quân64.

Năm 1104, Vua Lý Nhân Tông đã cho định lại binh hiệu của quân cấm vệ65. Tiếp đến năm 1118, lại cho tuyển đại hoàng nam, người nào khoẻ mạnh thì sung vào làm binh các đô Ngọc Giai, Hưng Thánh, Vũ Đô và Ngự Long, tất cả 350 người66.

Năm sau (1119), trước khi đi đánh dẹp động Ma Sa, vua Lý Nhân Tông đã cho duyệt cấm binh ở các binh tào Vũ Tiệp, Vũ Lâm vv… người nào khoẻ mạnh cho làm hoả đầu ở các đội quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thánh, Vũ Đô, người nào kém hơn thì cho làm binh67.

Cấm binh ngoài việc thích trên trán ba chữ Thiên tử quân, còn được xăm mực hình rồng vào người. Năm 1118, vua Lý Nhân Tông còn ra lệnh “cấm nô bộc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích dấu mực vào chân như cấm quân cùng là xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô”68.

Quân đội nhà Lý nói chung và cấm quân nói riêng phải tuân theo một kỷ luật nghiêm ngặt. Năm 1028, khi đem quân đến đánh dẹp quân của Khai Quốc vương ở phủ Trường Yên, vua Lý Thái Tông đã hạ lệnh cho quân sĩ rằng: “ai cướp bóc của cải của dân thì chém”69. Quân lính mà bỏ trốn cũng bị phạt rất nặng. Năm 1042, triều đình có chiếu chỉ rằng: “các quan chức đô (chức quan chỉ huy quân cận vệ), ai bỏ trốn thì phạt 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ và xử tội đồ. Các quân sĩ trốn vào núi rừng và đồng nội cướp của người thì xử 100 trượng, thích vào mặt 30 chữ. Người coi trấn trại mà bỏ trốn thì cũng phạt như thế ”70. Năm sau (1043), triều đình lại tiếp tục xuống chiếu rằng: “quân sĩ bỏ trốn quá một năm, xử 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ, chưa đến 1 năm thì xử theo mức tội nhẹ, kẻ nào quay lại thì cho về chỗ cũ. Quân sĩ không theo xa giá cũng xử trượng như thế và thích vào mặt 10 chữ”71.

Cấm quân thời Lý có vai trò quan trọng hơn quân ở ngoài các châu, lộ. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ kinh đô mới của quốc gia Đại Việt trong đó có nhà vua và hoàng tộc, cấm quân còn là lực lượng chủ yếu để dẹp trừ bạo loạn, đặc biệt là các sự biến cung đình. Vào năm 1028, trước loạn tam vương, Vũ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu đã chỉ huy quân cấm vệ dẹp loạn bảo vệ ngôi vua cho Lý Thái Tông. Trong vụ dẹp loạn Đỗ Anh Vũ năm 1150, cấm quân cũng đóng vai trò quan trọng. Trong những lần vua Lý đi chinh phạt dẹp loạn ở một số địa phương, cấm quân cũng từng là lực lượng nòng cốt tham gia dưới trướng của nhà vua. Vai trò nòng cốt của cấm quân nhà Lý biểu hiện rõ nét trong cuộc kháng chiến chống Tống, khi Lý Thường Kiệt chỉ huy cấm quân kết hợp với quân các châu lộ “tiên phát chế nhân”(1075) và đánh trận quyết chiến chiến lược trên chiến trường Như Nguyệt năm 1077.

Vì cấm quân đóng vai trò quan trọng như vậy nên vào thời Lý cấm quân được hưởng chế độ lương lộc của triều đình. Cấm quân cứ mỗi năm mỗi người được cấp 10 bó lúa. Ngày Khai hạ (mồng 7 tháng giêng) hàng năm mỗi người được cấp 3 tiền và một tấm vải nhỏ. Ngày tết Nguyên Đán, trong lễ đại triều hội, ban ăn thì có các thứ bánh tây, cá mắm và cơm gạo nếp cái. Lương bổng thì đều cấp bằng gạo tẻ72.

Tổ chức quân ở các phủ lộ châu

Ngoài việc tăng cường lực lượng quân chính qui bảo vệ kinh thành và chính quyền quân chủ, nhà Lý còn chú ý tăng cường lực lượng quân đội đóng ở các phủ, châu, lộ do các trấn thủ chỉ huy.

Quân đội loại này dưới thời Lý không có số lượng nhất định. Dân đinh cứ đến tuổi hoàng nam (18 tuổi) và đại hoàng nam (20 tuổi) là phải ghi vào sổ vàng và phải có nghĩa vụ vào quân đội. Quân đội ở các phủ, lộ, châu được chia làm hai hạng. Binh lính ở các châu miền xuôi gọi là chính binh. Binh lính ở miền thượng du và các châu xa gọi là phiên binh. Phiên binh được chia thành từng đội riêng không cho lẫn lộn với chính binh.

Từ thời Lý Thần Tông (1128 – 1138), nhà vua đã đặt lệ cho quân lính các lộ chia nhau phục dịch mỗi phiên một tháng, hết hạn lại trở về làm ruộng, để phiên khác ra thay gọi là chế độ ngụ binh ư nông. Lực lượng chính của quân đội ở các châu lộ hay là quân ngoài vào thời Lý phần lớn đều xuất thân từ nông dân các làng xã. Nên với chính sách ngụ binh nông của nhà Lý, những nông dân mặc áo lính khi hữu sự họ sẵn sàng ra trận, khi hết chiến tranh, họ lại trở về với đồng ruộng của mình. Vì thế chỉ có cấm binh mới được hưởng chế độ lương lộc của triều đình, còn quân các phủ, châu, lộ thì phải tự túc. Sách Lịch triều hiến chương loại chí, mục Binh chế chí cũng nói rõ rằng “ngoại binh thì không có lương, cứ luân phiên đến canh, hết phiên canh cho về nhà cày cấy trồng trọt để tự cấp73”. Trong sách Việt sử tiêu án Ngô Thì Sĩ cũng đánh giá cao về chế độ “tự túc binh cường”này của nhà Lý “Chế độ binh lính của nhà Lý…mỗi tháng lên cơ ngũ một lần gọi là đi canh, hết hạn canh lại về làm ruộng, quân không phải cấp lương…không cần phí tổn nuôi lính mà có công hiệu dùng sức lính, cũng là chế độ hay”74.

Phép chọn lính

Để có được một lực lượng quân đội hùng hậu bảo vệ đất nước và vương triều, nhà Lý đã đề ra phép tuyển chọn binh lính bằng cách cho kiểm soát hộ tịch thật là nghiêm ngặt. Dân đinh đến 18 tuổi đều phải biên tên vào sổ bìa vàng, gọi là hoàng nam, đến 20 tuổi thì gọi là đại nam (hay đại hoàng nam). Nhà Lý qui định, ai nuôi tư nô chỉ được nuôi những người ch-ưa đến tuổi hoàng nam. Người nào nuôi giấu những hạng hoàng nam, đại nam thì phải phạt tội. Năm 1043, vua Lý Thái Tông xuống chiếu cho các quan chức đô( quan chức đô – quan giữ việc cai quản quân cấm vệ), cứ ba người cùng được nuôi một người làm gia nô, nếu người nào nuôi ẩn giấu một đại nam thì cả ba người cùng phải tội75. Để bảo vệ đại hoàng nam một lực lượng quan trọng sung vào quân ngũ, vua Lý tiếp tục “xuống chiếu cho các quan chức cứ 3 người cùng đảm bảo cho một người, nếu có ai chứa giấu đại nam thì ba người bị tội cả”76. Sau đó, năm 1083, vua Lý Nhân Tông còn cho kiểm soát lại số hoàng nam, định làm ba bậc (Đại hoàng nam, Hoàng nam và Tiểu hoàng nam)77. Sách Toàn thư ghi cụ thể hơn là năm 1083 vào “mùa xuân, vua thân duyệt các hoàng nam định làm 3 bậc”78. Nhờ có cách kiểm soát dân đinh chặt chẽ nhà Lý mới tiến hành tuyển dân vào lính được thuận tiện.

Năm 1160, vua Lý Anh Tông sai Tô Hiến Thành và Phí Công Tín tuyển dân đinh, người nào mạnh khoẻ thì sung vào quân ngũ và cho chọn các tướng hiệu, người nào thông thạo binh pháp, am tường võ nghệ thì chia cho cai quản79.

Đến đời vua Lý Cao Tông (năm 1179), triều đình lại cho tuyển các đinh nam, người nào mạnh khoẻ sung vào quân ngũ80.

Đối với việc tuyển người vào quân cấm vệ, nhà Lý cũng lưu ý tới những gia đình nhiều đinh hoặc ít đinh. Năm 1146, vua Lý Anh Tông đã xuống chiếu cho các quan, quản giáp và chủ đô, khi tuyển người sung vào cấm quân thì phải chọn ở những nhà đông người, không được lấy con nhà cô độc, làm trái bị trị tội81.

Tuy nhiên, vào thời Lý và cả thời Trần sau đó, phép tuyển binh cụ thể ra sao chưa thể biết rõ. Nói chung, người nào trúng tuyển thì sung vào quân ngũ, người hạng kém thì biên tên vào sổ, có việc mới gọi ra, niên hạn cũng không nhất định và bao nhiêu đinh lấy một lính cũng không rõ82.

Với việc xây dựng lực lượng quân đội và cách tuyển chọn như trên, nhà Lý đã có được một tổ chức quân đội khá vững mạnh. Khi bàn về nền binh bị qua các thời đại, Phan Huy Chú đã viết trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, mục Binh chế chí rằng: “Cái chiến công dẹp quân Chiêm, phá quân Tống (Lý Thái Tông dẹp quân Chiêm Thành, Lý Nhân Tông phá quân Tống), cái oai hùng hai lần đánh bại quân Nguyên (Trần Nhân Tông hai lần phá quân Nguyên), cũng đủ cho biết cái binh lực của hai đời cường thịnh thế nào”83.

Quân đội thời Lý có hai bộ phận là: quân bộ và quân thuỷ. Quân bộ có các binh chủng: bộ binh, tượng binh, kỵ binh và lính cung nỏ. Quân thuỷ có những đội thuyền lớn như chiến hạm và thành thạo thuỷ chiến, từng hành quân sang đất Tống trong chiến dịch “tiên phát chế nhân”của Lý Thường Kiệt

Quân đội thời Lý số lượng cụ thể như thế nào sử sách không ghi rõ. Chỉ biết năm 1025, vua Lý Thái Tổ đã cho “định binh làm giáp, mỗi giáp 15 người, dùng một người làm quản giáp. Lại định các cấp bậc quản giáp”84.

Ban chỉ huy

Vào thời Lý, chức quan đứng đầu hàng võ là Đô thống. Ban chỉ huy lúc đó có thể gồm những chức quan võ lớn ở kinh thành như: Nguyên súy, Tổng quản Khu mật sứ, Khu mật tả hữu sứ, Tả hữu kim ngô Thượng tướng, Đại tướng, Đô tướng, các Vệ tướng quân, Chỉ huy sứ85…

3. Xây dựng nền Nền pháp chế quốc gia

Cùng với việc xây dựng lực lượng quốc phòng, bảo vệ quốc gia Đại Việt non trẻ và tăng cường sức mạnh cho nhà nước quân chủ, nhà Lý cũng đã chú ý tới nền pháp chế của đất nước. Nền pháp chế của quốc gia Đại Việt thời Lý được hình thành với việc ban hành bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử, đó là bộ Hình thư. Vào năm 1042, vua Lý Thái Tông sai quan Trung thư san định các luật lệnh cũ và châm chước thói tục trong dân gian biên soạn thành bộ Hình thư. Về việc này biên niên sử đã ghi cụ thể rằng: “Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí nhiều người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai Trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng”86.

Bộ Hình thư ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đời sống pháp luật của đất nước. Vì trước đó vào thời Đinh và Tiền Lê, nhà nước chưa có một hệ thống pháp luật. Khi bộ luật được ban hành giúp cho việc xử án trong nước được thuận lợi và rõ ràng. Nên cùng lúc ban bố bộ luật, vua Lý đã cho đổi niên hiệu là Minh Đạo và cho đúc tiền mang niên hiệu Minh Đạo87.

Hình thư thời Lý – bộ luật thành văn đầu tiên được soạn gồm 3 quyển88 nhưng đến nay đã bị thất truyền. Tuy bộ luật không còn, để tiếp cận với từng luật định nhưng qua nhiều pháp lệnh còn ghi lại trong biên niên sử, chúng ta cũng có thể hình dung phần nào về tính chất của nền luật pháp thời Lý.

Tháng 11 năm 1042, ngay sau khi ban bố Hình thư, nhà Lý đã có những điều luật qui định bổ sung về việc chuộc tội cho những đối tượng là người già và trẻ em, người đau yếu và những thân thuộc của nhà vua, bao gồm “những người từ 70 tuổi trở lên, 80 tuổi trở xuống, từ 10 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những người ốm yếu cho đến những thân thuộc của nhà vua để tang từ 9 tháng, 1 năm trở lên, phạm tội thì cho chuộc, nếu phạm tội thập ác89 thì không được theo lệ này”90. Năm 1071, lại qui định thêm về mức nộp tiền chuộc là “người được nộp tiền chuộc tội phải tuỳ theo tội nặng hay nhẹ mà bắt nộp tiền nhiều ít khác nhau”91.

Đối với nhà nước quân chủ cũng như lợi ích của tầng lớp quí tộc quan liêu, luật pháp thời Lý luôn đứng ra bảo vệ. Nhà Lý đã ban hành những điều luật nghiêm ngặt bảo vệ nơi ở và làm việc của vua và triều đình, như khu vực Hoàng thành, cung điện… Năm 1060, vua Lý Thánh Tông ban lệnh cấm “lính Ngự thuyền hoả, Củng thánh hoả, Tuỳ long hoả và bọn nhà bếp không được ra vào thềm Ngự, không được nói chuyện với bọn tiểu chi hậu và đưa tin tức, trao đồ vật, đi lại với nhau. Kẻ nào trái lệnh bị tội chết, gặp khi xá tội cũng không được tha”92. Năm 1150, vua Lý Anh Tông xuống chiếu “cấm bọn hoạn quan không được tự tiện vào trong cung, ai phạm thì bị tội chết. Nếu canh giữ không cẩn thận để người khác vào cung cũng bị tội như thế”93. Đối với các quan làm việc trong triều, cũng có lệnh cấm “không được đi lại nhà các vương hầu, ở trong cung cấm không được hội họp nhau năm ba người bàn luận chê bai, ai phạm thì bị trị tội. Kẻ nào phạm việc qua lại bên ngoài phía đầu hành lang chứa khí giới của đô phụng quốc vệ thì xử 80 trượng, tội đồ ; nếu vào trong hành lang ấy thì xử tử. Linh phụng quốc vệ trong hành lang ấy có chiếu chỉ mới được cầm khí giới, không có chiếu chỉ mà tự tiện mang khí giới đi quá ra ngoài phía đầu hành lang thì xử tử”94.

Đối với những người có thái độ chống đối nhà vua hoặc triều đình, nhà Lý cũng đã có những hình phạt thích đáng, thậm chí xử tội chết. Biên niên sử còn ghi lại sự kiện vào năm 1035, vua Lý Thái Tông khi thân chinh đi đánh dẹp vụ nổi loạn ở châu Ái, có Định Thắng vương Nguyễn Khánh đi theo, nhưng Nguyễn Khánh đã ngấm ngầm cấu kết với nhà sư họ Hồ và mấy người em nuôi là Đô thống Đàm Toái Trạng, Hoàng đệ là Thắng Càn và Thái Phúc ở lại kinh sư, mưu làm phản. Được tin, nhà vua “xuống chiếu bắt bọn Khánh đóng cũi đưa về kinh sư”95, rồi sau đó chính nhà vua đã phải ra ngự tại điện Diên Khánh để xét án những người phản nghịch này. Nguyễn Khánh, sư Hồ “đều phải xẻo thịt băm xương ở chợ Tây, còn những người khác thì xét theo tội nặng nhẹ”96. Vào thời Lý còn có một loại hình phạt rất thảm khốc giống thời cổ là đóng người vào đinh trên một tấm gỗ đem bêu ở chợ rồi mới mang ra pháp trường. Sử cũ ghi vào năm 1109, vua Lý xét án nghịch đảng Tô Hậu, Kỷ Sùng97. Hai người này đều phải “lên ngựa gỗ”mà chết98. Năm 1192, có người tên là Lê Vãn ở giáp Cổ Hoằng (Hoằng Hoá, Thanh Hoá ) làm phản. Cũng bị đóng cũi đưa về kinh sư và cũng bị “lên ngựa gỗ”mà chết99.

Đối với những người bị mắc tội phản quốc, hình phạt thời Lý cũng rất tàn khốc. Ngay từ khi bộ Hình thư chưa ra đời, nhà Lý cũng đã có những hình phạt rất thích đáng đối với những kẻ đào vong hại nước. Năm 1011, sau khi vua Lý Thái Tổ được vua Tống phong làm Giao chỉ quận vương, nhà vua đã cử viên ngoại lang là Lý Nhân Nghĩa và Đào Khánh Văn sang thăm nước Tống để đáp lễ vua Tống, nhưng Khánh Văn đã trốn ở lại nước Tống, bị người Tống bắt trả lại . Vua Lý Thái Tổ đã cho xử tội bằng cách đánh gậy chết100.

Đối với dân đinh, nguồn nhân lực bổ sung thường xuyên cho quân ngũ và tăng cường sức lao động cho sản xuất nông nghiệp cũng được nhà Lý bảo vệ bằng pháp luật. Năm 1042, sau khi ban hành bộ Hình thư, nhà Lý còn định rõ điều mục về các lệnh cấm, trong đó có lệnh cấm về bán hoàng nam. Điều lệnh qui định rằng”ai bán hoàng nam ở dân gian làm nô bộc tư gia, nếu đã bán rồi thì phạt 100 trượng và thích 20 chữ vào mặt; chưa bán mà đã phục dịch người ta thì phạt 100 trượng và thích 10 chữ vào mặt. Kẻ tri tình mà cứ mua, cũng phạm tội, nhưng giảm xuống một bậc”101. Năm 1043, vua Lý Thái Tông còn ra lệnh phạt những người chứa giấu đại hoàng nam. Nhà vua xuống chiếu cho các quan chức “cứ ba người cùng đảm bảo cho một người, nếu có ai chứa giấu đại nam thì ba người bị tội cả”102.

Đối với các quan lại làm việc thu thuế cho nhà nước cũng được luật pháp nhà Lý qui định cụ

0