Chiến dịch giải cứu con tin Mỹ tại Têhêran năm 1980
Vụ những người tiến hành cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Têhêran và bắt giữ hơn 50 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin trong suốt 444 ngày đêm năm 1979/1980 để hạ nhục siêu cường Mỹ, đã gây chấn động dư luận thế giới. Một trong số 52 con tin Mỹ bị trói và bịt mắt ...
Vụ những người tiến hành cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Têhêran và bắt giữ hơn 50 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin trong suốt 444 ngày đêm năm 1979/1980 để hạ nhục siêu cường Mỹ, đã gây chấn động dư luận thế giới.
Một trong số 52 con tin Mỹ bị trói và bịt mắt được đưa ra gặp gỡ báo chí 4 ngày sau khi bị bắt giữ
Khi đó, Mỹ đã lên một kế hoạch liều lĩnh để giải cứu các con tin, nhưng bị thảm bại ngay tư đầu và để lại một vết nhơ, một lòng thù hận. Giờ đây,siêu sao George Clooney đang có kế hoạch dựng thành phim sự kiện này. Tuy nhiên, Hollywood đã bất công khi không đả động gì tới vai trò của người Đức trong cuộc khủng hoảng con tin khi đó, một vai trò mà cho tới nay có rất ít người biết tới. Vai trò của Đức khi đó có thể lý giải phần nào vai trò của Đức hiện nay trong cuộc khủng hoảng hạt nhân với Iran.
Chiến dịch “Móng vuốt đại bàng”
Trước khi mặt trời như một quả cầu lửa xuất hiện trên vịnh Ôman, 8 chiếc máy bay trực thăng CH-53 của Mỹ đã cất cánh trên Hàng không mẫu hạm USS Nimitz và bay theo lộ trình về phía bắc. Mục tiêu của chúng là sa mạc muối Dascht-i-Kawir ở Iran cách đó 6 giờ bay, một trong những nơi hoang vắng nhất trên thế giới. Tại đó, một đội gồm vài chục binh sĩ tinh nhuệ Mỹ đang chờ đợi trong đêm tối như mực.
Họ đã được máy bay ận tải đưa tới đây từ trước. Đó là ngày 25/4/1980 và nếu như chiến dịch “Móng vuốt đại bàng” (Eagle Claw) hôm đó thành công thì giờ đây người Mỹ có thể huênh hoang nói về cuộc giải phóng con tin có lẽ đặc sắc nhất trong lịch sử thế giới. Bởi vì theo kế hoạch, đội biệt kích đó sẽ đột nhập vào Têhêran và giải cứu trên 50 nhà ngoại giao, nhân viên và lính thủy đánh bộ, những người mà từ nhiều tháng qua là con tin của những người theo Giáo chủ Ajatollah Khomeini, nhân vật có thế lực mới ở Iran sau khi Quốc vương Shah bị lật đổ tháng Giêng năm 1979 trong Cuộc Cách mạng Hồi giáo. Những đệ tử của ông đã xông vào Sứ quán Mỹ ở Têhêran ngày 4/11/1979 và bắt giữ các con tin, nhằm buộc Mỹ phải dẫn độ Quốc vương Shah đã chạy trốn sang Mỹ trở lại Iran.
Chiến dịch thảm bại khi chưa bắt đầu
Kế hoạch táo bạo được đề ra là các binh sĩ Mỹ bất ngờ đổ bộ xuống Têhêran, giành lại các con tin đang bị giam giữ trong Đại sứ quán và dùng máy bay trực thăng đưa các con tin này từ một sân bay ở ngoại ô Têhêran tới một nơi an toàn do Mỹ kiểm soát. Nhưng đội biệt kích đó đã không bao giờ tới được thủ đô Têhêran, vì bão cát đã buộc một trong những chiếc trực thăng đó quay về khi đang trên đường bay tới sa mạc muối, một chiếc khác phải hạ cánh khẩn cấp. Khi một chiếc máy bay trực thăng thứ ba phải bỏ cuộc do trục trặc trong hệ thống thủy lực thì Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã phải quyết định đình chỉ chiến dịch liều lĩnh này, vì giới quân sự cần tới ít nhất 6 máy bay cho kế hoạch giải cứu nói trên. Riêng đó đã là một thảm bại.
Máy bay Mỹ tan xác trên sa mạc Pécxích
Nhưng chiến dịch đã trở thành một thảm họa, khi cất cánh quay về, một chiếc máy bay trực thăng và một trong những chiếc máy bay vận tải đã đâm vào nhau và cả hai cháy trụi. 8 binh sĩ tử nạn, 12 người khác bị thương. Ngày hôm sau, ảnh của xác những chiếc máy bay cháy đen trên sa mạc Pécxích được phát đi toàn thế giới, biểu tượng cho sự hạ nhục chưa từng có đối với siêu cường Mỹ của những người Hồi giáo cực đoan. Giờ đây, Carter phải điều đình với họ và mãi tới tháng 1/1981, các con tin mới được trả tự do.
Cho tới ngày nay, nhiều người Mỹ vẫn còn coi cuộc khủng hoảng con tin đó là biểu tượng cho cuộc chiến giữa các nền văn hóa. Nó đánh dấu bước khởi đầu của sự thù địch vẫn còn kéo dài giữa Oasinhtơn và chính quyền Hồi giáo Têhêran. Vụ bắt giữ con tin và việc giải cứu bất thành đã làm cho Jimmy Carter mất chức Tổng thống do không được bầu lại tháng 11/1980 và Ronald Reagan được thay vào vị trí của ông ta.
Nhà ngoại giao Đức trở thành sứ giả của Têhêran
Khi chính quyền mới ở Têhêran muốn gửi một bức thư cho Quốc vương Shah Pahlavi mới bị lật đổ, họ đã đề nghị chính quyền Bon giúp đỡ. Ông Norbert Montfort, chuyên gia về Iran trong Bộ Ngoại giao Đức đã đóng vai trò sứ giả và mang một bức thư dán kín tới một bệnh viện quân sự ở Texas, nơi ông Pahlavi đang điều trị. Theo như ông Montfort giờ đây kể lại, ông Pahlavi đã từ chối nhận bức thư và bức thư đã được để nguyên gửi lại Têhêran và Đại sứ Gerhard Ritzel đã đưa lại cho chính quyền Têhêran.
Máy bay bị rơi tại sa mạc Pécxích.
Ông Ritzel là Đại sứ phương Tây duy nhất ở thủ đô của Iran có mối liên hệ mật thiết với Hội đồng Cách mạng Iran. Giáo chủ Khomeini đánh giá rất cao nhà ngoại giao này, vì ông đã cảnh báo chính quyền Hồi giáo trước một đội sát thủ được phái tới Iran, trong đó có một người Đức. Đội sát thủ này nhận nhiệm vụ của cựu Quốc vương Shah Pahlavi tìm cách ám sát Khomeini. Sự cảnh báo của Ritzel đã làm vụ ám sát bất thành.
Vì vậy, Đại sứ Đức Ritzel đã được chọn làm người môi giới giữa những người Iran và người Mỹ trong cuộc khủng hoảng con tin. Nhờ Ritzel mà những thông điệp quan trọng của Mỹ được đưa tới những địa chỉ phù hợp ở Têhêran. Bộ Ngoại giao Đức thường chuyển các báo cáo và đánh giá của ông cho Bộ Ngoại giao Mỹ. Thậm chí Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó Edmund Muskie đã đích thân gặp Ritzel để nghe thông báo và đánh giá tình hình. Thậm chí đã từng diễn ra các cuộc đàm phán bí mật giữa Iran và Mỹ về việc thả tự do cho các con tin tại Bon theo đề nghị của Têhêran, trong Nhà khách của Bộ Ngoại giao Đức trên núi Venus (Venusberg).
Vì sao Đức nhiệt tình trong việc làm môi giới?
Người Đức tiến hành việc môi giới không chỉ nhằm giúp đỡ các con tin. Họ cũng muốn bù đắp lại việc Chính phủ Đức khăng khăng từ chối yêu cầu của Tổng thống Mỹ Carter đã đòi các đồng minh phải áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran. Trước hết ông nhằm vào liên minh cầm quyền ở Bon dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Helmut Schmidt, vì không một chính phủ Tây Âu nào có nhiều quan hệ thương mại với chính quyền Hồi giáo Têhêran như CHLB Đức. Nhưng cũng chính vì lý do có nhiều quan hệ thương mại này mà Thủ tướng Schmidt không muốn nghe theo yêu cầu của Mỹ.
Loại máy bay trực thăng CH – 53 được sử dụng cho chiến dịch “Móng vuốt đại bàng”
Các nhân viên dưới quyền Carter nhận xét rằng chỉ có một lý do có thể thúc đẩy Schmidt hành động, đó là mối lo ngại là Mỹ có thể tấn công Iran. Theo ông Hamilton Jordan, cố vấn của Tổng thống Carter, mùa đông 1979/1980, chính quyền của Tổng thống Carter đã tìm cách dọa chính quyền Bon với tuyên bố rằng Oasinhtơn sẽ tiến hành những “biện pháp khác” đối với Têhêran, nếu Bon không áp đặt lệnh trừng phạt. Đã từ lâu Thủ tướng Schmidt vẫn coi Carter là “khờ khạo” và “bất tài” nên tin ngay lập tức khả năng Oasinhtơn muốn tấn công Iran. Thủ tướng Schmidt bực mình nhận xét, Mỹ đã xử sự một cách “ngốc nghếch và nóng nảy”.
Đức ôm hận vì chiến dịch “Móng vuốt đại bàng”
Thủ tướng Schmidt đã nhiều lần so sánh, coi tình hình chính trị thế giới đầu năm 1980 “nóng bỏng” như mùa hè 1914, khi nổ ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Nhưng khi ngày 12 và 13/4/1980, những người đứng đầu liên minh cầm quyền ở Bon nhất trí đáp ứng yêu cầu trừng phạt của Mỹ, ít nhất là một phần, thì những nước châu Âu khác lại từ chối.
Điều mà chính quyền Bon không biết là chính ngày hôm trước, Carter đã quyết định rời bỏ con đường trừng phạt. Tổng thống Mỹ không còn tin là các đồng minh sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt có hiệu quả chống lại Têhêran và đặt cược vào cuộc giải cứu mạo hiểm.
Về quyết định phiêu lưu này, dĩ nhiên Carter chỉ thông báo cho phía Anh. Vì vậy, chính quyền Bon chỉ biết được về chiến dịch “Móng vuốt đại bàng” sau khi nó thất bại, vào ngày hôm sau, lại từ đài phát thanh, một điều dĩ nhiên làm Chính quyền Đức rất uất hận. Chính phủ Đức đã nhiều lần cảnh báo trước một hoạt động biệt kích như vậy. Nhóm chống khủng bố của Cơ quan biên phòng Đức đã dựng lại việc bắt cóc con tin trong khuôn khổ chương trình huấn luyện của họ và đi đến kết luận là một hành động giải cứu chỉ có cơ hội thành công trong hai tuần lễ đầu tiên.
Trong màn kịch con tin ở Têhêran, Schmidt đã may mắn không phải chịu sự thử thách như vậy một lần nữa. Những kẻ bắt cóc con tin đã chia các con tin ra nhiều nơi khác nhau, như vậy loại trừ được một hành động giải cứu mới. Carter rốt cuộc phải phụ thuộc vào các cuộc thương lượng với Têhêran, như vậy đi theo con đường mà người Đức đã ủng hộ ngay từ đầu. Dù sao, các con tin Mỹ cuối cùng cũng về nước bình an, nhưng phải sau tổng cộng 444 ngày căng thẳng và lo sợ. Vụ bắt cóc con tin chấm dứt, nhưng sự thù địch của Oasinhtơn đối với Têhêran vẫn còn kéo dài tới ngày nay và chính quyền Đức vẫn có một vai trò riêng trong quan hệ với Iran.
VL (Theo tạp chí Der Spiegel)